Sunday 29 June 2008

“Lưu luyến ấy gợi thêm niềm nhung nhớ”


Anh vẫn hỏi sao tình như sóng vỗ
Để thuyền hoài trôi dạt bến bờ yêu
Giòng thời gian mòn mỏi bước cô liêu
Tìm kỷ niệm hương xưa buồn lắng đọng

(dẫn nhập từ thơ Nguyễn Vạn Thắng)

(Mt 11: 25-30)

Hẳn nhiều người cũng như nhà thơ, thường hay hỏi: giòng đời có nặng gánh nỗi oan khiên? Và còn nói: tình mình đoạn cuối, dấu chân buồn trên lối nhỏ, rất thương? Nơi nhà Đạo, lối hỏi và kiểu nói ấy, có thể là ý tưởng gợi nhớ từ trình thuật được thánh sử đề cập, vào buổi lễ hôm nay?

Trình thuật hôm nay, có thánh sử Mat-thêu cũng đã hỏi và đã nói bằng một khẳng định thoạt nghe tưởng như mâu thuẫn, ở đâu đó. Mâu thuẫn chăng, ở Tin Mừng dạo trước Chúa vẫn bảo: “Ai trong anh em không từ bỏ những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Tôi.” (Lc 14: 33)? Và hôm nay, Chúa còn thêm: “Ai đang vất vả gánh nặng, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho bổ dưỡng… anh em đuợc nghỉ ngơi, bồi sức.” (Mt 11: 29).

Thật ra, khẳng định của Chúa vẫn gọi mời ta từ bỏ. Từ và bỏ, không như một khước từ/chối bỏ chính bản thân. Nhưng, như phương cách để tìm được bản chất đích thực của chính mình. Và cũng biết được Thiên Chúa là Đức Chúa cực kỳ nhẫn nại, rất vô song. Ngài rất có lòng từ bi thương xót. Thương xót con người và người con của Ngài, đã hơn một lần sai phạm. Vấp ngã. Đã ngưng đọng mọi kết hợp toàn bộ cả con người mình. Với Ngài.

Chủ đề hôm nay, còn là ý tưởng chủ lực về niềm bình an, có uỷ lạo.

Ở bài đọc 1, ngôn sứ Zakaria đề cập đến chuyện “vị vua” ra đi về với Giê-ru-sa-lem, trên lưng lừa. Nhỏ bé. Khiêm tốn. Cảnh trí câu truyện, coi như một sỉ nhục đối với “vua”. Nhưng vẫn êm đềm. Bình an. Bởi, khiêm hạ ngồi trên mình lừa, “vị vua” vẫn “quét sạch các chiến xa và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh bị người bẻ gãy.” (Za 9: 10). Nhỏ và bé, nhưng “vị vua” cao cả vẫn “công bố Hoà Bình cho muôn dân”. Vẫn kêu gọi người người “Hãy mừng vui!”. Hoan hỉ.

“Vua” Giê-su cũng thế. Yêu cầu Ngài đặt, thoạt nghe có vẻ khó. Nhưng, chủ yếu điều Ngài muốn gửi đến muôn người, chính là nguồn ủi an, nhiều khích lệ. Là, những thứ tha. Hoà hoãn. Dù ta ra thế nào đi chăng nữa, Ngài vẫn thế. Vẫn ở bên ta. Vỗ về. Giùm giúp. Có thể, ta không đạt yêu cầu Ngài mong muốn, ngay tức thì. Nhưng, Ngài vẫn kiên nhẫn chẳng vội đi, khi ta gặp nỗi khó khăn, cần Ngài giúp.

“Giòng thời gian mỏi mòn bước cô liêu”, mà nhà thơ vãn ở trên còn là kinh nghiệm Ngài từng trải. Ngài từng sống rất trung thực. Sống đơn độc, giáp mặt với khổ đau. Buồn chán. Đắng cay. Tất cả những “hương xưa buồn lắng đọng” nhà thơ nói, Ngài đã nếm. Đủ cả. Nhưng, đã vượt qua. Bởi, bên Ngài luôn có Cha. Bởi, với Ngài vẫn có quyết tâm: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha." (Mt 26: 39). Quyết tâm nói lời “Xin vâng!”, nay truyền lại cho dân con đồ đệ. Đáng mến.

Chúa “xin vâng”, cả khi Cha Ngài như lặng lẽ. Vẫn để mặc, một mình Ngài giáp mặt với thời gian. Với không gian, đầy ắp những lo sợ việc sắp đến. Nhưng, khi trỗi dậy từ lòng quyết tâm, Ngài đã trở thành người khác hẳn. Người biết ”từ bỏ những gì mình có, làm tôi Cha theo ý Cha nhân hiền.” Và, nơi Ngài đã hiển hiện phẩm cách huy hoàng có sức “quét sạch chiến xa và chiến mã” của những lạm dụng. Tủi nhục. Chết chóc. Và khi từ bỏ ý định rất riêng, Ngài “sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… vì Ngài có lòng hiền hậu và khiêm nhường “ (Mt 11: 28-29), hết mọi người.

Bài đọc 2, thánh Phao-lô cũng thuật lại nỗi niềm “vất vả và gánh nặng” đậm đặc những đắng, bị bỏ lại: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.” (2Cr 12:8). Và, thánh nhân cũng đã nguyện cầu. Cầu rất nhiều, nhưng vẫn có tiếng trả lời: “Ơn Thầy đã đủ, vì sức mạnh Thầy biểu lộ trọn vẹn nơi kẻ yếu." (2Cr 12: 9). Cũng từ đó, thánh nhân tháo bỏ hết buồn đau, nên cương quyết: “tôi sướng khi thấy mình yếu đuối, bị sỉ nhục; bị hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô.” (2Cr 12: 10). Và thánh nhân, đã tìm ra niềm riêng an bình có bổ sức, nên đã quyết: “Khi tôi yếu, đó là lúc tôi trở nên mạnh mẽ.” (2Cr 12: 10).

Kinh nghiệm thánh Phao-lô đã minh chứng cho thấy: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng."(Mt 11: 29). Ta chỉ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, khi có quyết tâm thay đổi lối sống. Đổi cả con người mình. Tuy nhiên, có những điều ta không thể thay và đổi; nhưng vẫn chấp nhận, để vui sống. Có như thế, bình an mới thành tựu. Chỉ thành tựu, khi ta nói lời “xin vâng!”. Nguyện theo ý thánh Cha, suốt đời mình. Chính lúc ấy, ta sẽ được bổ dưỡng. Bình an. Và, an bình chỉ đến khi người người ứng đáp ý định của Cha. Trong hân hoan. Tích cực.

“Anh em hãy mang lấy ách Tôi… vì ách Tôi êm; và gánh Tôi nhẹ”, thoạt nghe những lời như thế, người người cứ tưởng: ấy đó, lời lẽ vu vơ không thuyết phục. Nhưng, tìm hiểu thêm điều thánh sử Gio-an từng ghi chép: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được? Vậy, nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước, thì sao? Thần khí mới làm cho ta sống, chứ xác thịt chẳng ích gì. Lời Thầy nói với các anh là Thần khí và Sự sống.” (Ga 6: 60). Hiểu lời Ngài, ta mới nhận chân rằng: chẳng có con đường nào ngoài việc sống trong tự do. An bình. Như Thầy mình quả quyết.

Để hiểu được ảnh hình điều Chúa nói: “ách của Tôi”,hãy thử nghĩ về ách nhân tăng gấp đôi , vẫn choàng lên cổ của hai chú bò. Cả hai sẽ thực hiện cùng một công tác. Cả hai sẽ chung lưng làm cùng một việc. Ta cũng thế, nếu ta cùng chung công tác, gánh lấy ách của Thầy, hẳn rằng lời khuyên ở trên sẽ trở thành mệnh lệnh: “Hãy san sẻ chung cùng một ách với Ta…” Chung như thế, ta sẽ cùng đến bất cứ nơi nào Ngài đã đi. Chung như thế, ta nhận ra ách Thầy gửi, sẽ êm nhẹ. Dễ mang.

Cuối cùng, trọng tâm Trình thuật nay có nghĩa: ta được gọi mời bước theo lối mòn, Đường Chúa đi. Được gọi mời chấp nhận thị kiến đời Ngài đã sống. Chấp nhận tiêu chuẩn, giá trị Ngài mang đến. Chấp nhận, vô điều kiện. Và, chấp nhận Lời Thầy một cách giản đơn. Và, rộng mở với người con. Rộng mở, để rồi coi đó như cội nguồn mọi êm ái. An hoà. Nguồn giải thoát, cho mọi người.

Hôm nay, có thêm hiến chương Nước Trời Ngài gửi đến: “Phúc cho ai biết mặc lấy cung cách của Phúc Âm.” Chính đó, bí quyết để sống vui và sống khoẻ. Sống nhẹ nhàng, như bí kíp con dân của Chúa cần tìm đến. Cứ tìm, sẽ khám phá nhiều điều để sẻ san, với muôn người.

Trong vui sống sẻ san điều mình xác tín, ta hân hoan ca lên lời người xưa, vẫn hát:

“Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!

Tôi còn lẽo đẽo mang nhiều mộng nghèo

Đường về cõi tiên xa vời

Nhạc trời đứt dây tơ rồi

Thần đồng gẫy đôi cánh vàng tả tơi

Vâng, tôi còn yêu!

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!

Tôi còn yêu mãi mãi mãi

Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người,

Tôi còn yêu tôi!” (Phạm Duy – Tôi còn yêu tôi cứ yêu)

Hãy cứ yêu. Yêu cả vào lúc ta đang mặc lấy ách của Cha. Của Thầy. Vì ách của Thầy rất êm. Rất nhẹ. Êm và nhẹ, như nhung nhớ. Nhớ về kỷ niệm Thầy nhắn nhủ. Vể điều Cha đã mặc khải cho người mọn, bé. Rất đẹp ý Cha. Cũng là ý Thầy. Rất nhân hiền. Đầy thương mến.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai tá diễn dịch.

Monday 23 June 2008

“Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ hết”

Ôm khối hận gia đình, trĩu nặng

Tôi căm hờn, thù ghét hôn nhân

Lang thang sống, giữa vùng im lặng

Chuỗi ngày tan tác, mảnh phù vân.

(Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

(Mt 10: 37-42)

Ghét hôn nhân - Hận gia đình. Lang thang. Căm hờn. Thù ghét. Có là, tình tự khiến nhà thơ thấy lòng trĩu nặng, tan tác mảnh phù vân? Im lặng - tan tác, có là tình cảnh xảy đến nếu không bắt chước Phêrô tuyên xưng Đức Chúa, trong trình thuật?

Trình thuật hôm nay, kể về việc Chúa mặc khải rằng sở dĩ thánh Phêrô nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là nhờ Chúa Cha. Chúa mặc khải, đúng vào lúc Giáo hội vẫn ngờ ngợ về vai trò của đấng chủ quản Hội thánh, lúc ấy.

Là chủ quản, thánh Phêrô còn là ảnh hình của sự ổn định trong Giáo Hội. Hơn nữa, thánh nhân cũng duy trì được truyền thống của cộng đoàn dân Chúa, ngay từ đầu. Truyền thống hiệp nhất. Truyền thống không lung lạc. Hiệp nhất không lung lạc, nay lan rộng tới dân gian, ở nhiều nước. Cả các nước có bản sắc văn hoá đa dạng. Rất đặc thù. Riêng lẻ. Ở nhiều nơi. Và hôm nay, Đức Giáo Hoàng hiện thân như thánh Phêrô, là đấng bậc quản cai duy trì sự hiệp nhất dài lâu ấy, trong Giáo hội.

Hôm nay, các giáo hội cùng tin vào Chúa, dù không mang sắc mầu hiệp nhất như giáo hội Công giáo La Mã, cũng đã và đang hiệp thông với ta, để rồi sẽ trở thành Hội thánh duy nhất. Một cộng đoàn đa năng, quyết thực hiện hiệp nhất đại kết Chúa đã khuyên vào bữa tiệc Tạ Từ, chiều hôm ấy.

Từ buổi ấy, Hội thánh đã và đang hoạt động đến cùng mút sức lực của mình, hầu đẩy lùi làn ranh biên thuỳ đến mọi nơi. Ranh biên, không theo địa dư nhiều hạn chế, nhưng theo ưu tư kiếm tìm vùng bị bỏ rơi trong quên lãng. Hội thánh nay đạt đến phương trời dồi dào ân đức bằng phương tiện truyền thông, rất mới. Chính vì thế, Hội thánh nay cũng canh tân chuyển biến. Rất liên hồi. Rất đổi mới.

Canh tân, tiếp cận thế giới đang đổi thay đến chóng mặt. Đổi thay tận gốc rễ. Đổi thay, không chỉ mặt kỹ thuật tân kỳ, mà cả về nhận thức lẫn tâm tưởng để sẽ trỗi dậy, trong tinh mơ. Rộng khắp. Cùng với thế giới đã đổi và có thay, Giáo hội nay mời gọi dân con nhà Đạo cũng hãy thay đổi theo phương hướng thích hợp. Tân kỳ

Một thần học gia Châu Á nọ có nói: “Thế giới hôm nay đang lập nghị trình mới để Giáo hội thực thi, mà thay đổi”. Nói thế, ông không có ý bảo: Giáo hội phải đi theo hướng của thế giới đã đổi mới, mà thích nghi. Nhưng, nên hiểu là: việc rao truyền Lời Chúa hôm nay cần làm sao cho tương xứng với đường hướng sống động của thế giới, đã biến đổi. Rủi thay, nhiều vị trong Hội thánh vẫn mang lối sống chẳng buồn đổi thay. Chẳng tha thiết nhận ra bản chất của thế giới mình đang sống. Để từ đó, cần có những bước cải tiến, trong:

*cách chuyển tải thông điệp;

*tái cấu trúc cơ chế;

*có phong thái biết tiếp cận thông điệp một cách chính xác; và,

*thực hiện đối thoại một cách thực tiễn với thế giới đương đại.

Rất có thể, thế giới hôm nay không còn muốn nghe những gì Hội thánh nói, nhưng vẫn hiểu Hội thánh đang nói gì. Từ đó, mới nắm bắt điều Hội thánh đề nghị; ngõ hầu sống hứng khởi. Hạnh phúc.

Thế giới đã biến đổi, nay kéo theo sau nhiều thách thức mới. Thách thức, trong nhận định về những gì sai - đúng. Thách thức, về quyết tâm cần đổi thay. Bởi, có thay đổi mới nắm bắt được các vấn đề mới. Các yếu tố mới, nơi xã hội đang trở mình. Yếu tố mới ấy, sẽ đậm nét hơn khi ta nhìn vào cảnh nghèo khó, trong xã hội. Về những bất công, kỳ thị. Về hành vi bóc lột. Thiếu tự do. Về cách sống Đạo cả những lo toan cho một nền hoà bình thế giới, rất chung. Có như thế, Hội thánh mới tạo phong cách đã biến đổi trong rao truyền Lời Chúa. Hầu, làm chứng cho yêu thương, công bằng. Tự do. Và an bình.

Muốn được thế, Hội thánh cần mặc lấy cho mình vai trò của ngôn sứ. Biết lo toan dựng xây trên nền tảng truyền thống, nhất quán. Biết loại bỏ phong thái tiêu cực: vùi đầu trong cát, khích bác né tránh sự thật. Cùng là phong thái lơ là chểnh mảng trong duy trì truyền thống. Hoặc, chỉ khoác lên mình những biến thái tưởng như mới mẻ, nhưng chẳng dựa trên nền tảng nào hết. Gia dĩ, có vị còn bày tỏ nhiều phản chống, không quan tâm. Hoặc, vẫn trùm mền, lặng thinh. Hành xử này, chẳng giải quyết được gì. Dù nó có xuất phát từ chính Hội thánh. Hay, chỉ là vấn đề của thời đại. Mà thôi.

Trình thuật hôm nay, nhấn mạnh nhiều đến sự hiện diện của Đức Chúa nơi Giáo hội. Bằng vào hiện diện này, Hội thánh tin và nhận rằng Đức Kitô là nền tảng vẫn giúp đỡ Hội thánh sống vững mạnh. Sống, duy trì truyền thống thương yêu, không ngơi nghỉ. Đức Kitô vẫn đỡ nâng Hội thánh, trong mọi tình huống. Trong nâng đỡ, Ngài tặng trao “chìa khoá Nước Trời”, uy lực quyền bính Ngài nhận từ Cha.

Trải qua nhiều thế kỷ, Hội thánh vẫn ngủ vùi trong lãng quên. Cũng may, Hội thánh vẫn có được ân sủng lãnh nhận từ Chúa, từng hứa ban. Hội thánh vẫn tăng trưởng và lớn rộng về con số. Vẫn trung thành với nguyên tắc nhận từ Thầy Chí Ái. Và, có được bản chất Thiên Chúa, xứng hợp với niềm khao khát sâu xa nơi bản chất người. Thế nên, Hội thánh không bao giờ ngã quỵ. Sự thật và tình thương vẫn không hề mai một.

Ở bài đọc 1, sự thật và tình thương được thể hiện qua việc thánh Phêrô bị nằm tù vì đã giảng rao thông điệp của Chúa. Và Nước trời. Cả Phaolô nữa, thánh nhân cũng cùng chung số phận tù đày, không thua kém. Phận tù đày, là để Lời Chúa được vinh quang, trải rộng. Khi thoát cảnh tù đày, thánh Phêrô đã trở về lại với cuộc sống giảng rao. Về người Thầy. Việc này mang ý nghĩa: Chúa vẫn duy trì bảo vệ Hội thánh như Ngài hứa. Nơi Phúc Âm.

Bài đọc 2, thánh Phaolô một lần nữa nói về cuộc sống rất phục tùng: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy hết chặng đường; đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4: 7). Và, thánh nhân còn nói về việc Chúa đã bảo vệ ngài ngang qua thử thách, tố khổ, và bách hại: “Chúa đã phù hộ tôi và ban sức mạnh cho tôi, dùng tôi hoàn thành công việc rao giảng, và cho mọi dân tộc được nghe biết.” (2Tm 4: 17). Thánh Phaolô cũng nói: Chúa tiếp tục bảo vệ thánh nhân, rất nhiều năm.

Hân hoan mừng lễ các vị tông đồ rường cột của Hội thánh, có lẽ không gì bằng ta tập trung nguyện cầu để mọi thành viên biết thuỷ chung với truyền thống Giáo hội. Một Giáo hội, đã trải qua ngàn năm khốn khó. Đồng thời, sẵn sàng chấp nhận canh tân biến đổi. Để rồi, cuộc sống mỗi người sẽ thích hợp với thông điệp Chúa gửi đến. Nguyện cầu, cho ta còn biết khao khát tình thương và sự thật. Cầu cho những người chưa đổi thay, nhiều thế kỷ.

Vào Tiệc thánh có nguyện cầu, ta cùng với Giáo hội cử hành phụng vụ trong hân hoan chứng tỏ quyết tâm ra đi thi hành sứ vụ giảng rao. Rao giảng rằng, Chúa uỷ thác cho ta qua Đức Kitô, một cộng đoàn hiệp nhất. Tề tựu nơi đây. Quanh bàn thánh này. Để, ta sẽ làm chứng cho Chúa. Để, cộng đồng ta đang sống viết lên nghị trình hoạt động hăng say, đầy truyền thống cho giáo hội địa phương. Giáo hội sở tại.

Điều cần là, ta cử hành phụng vụ ngày của Chúa, có lòng thành và phẩm chất cao. Có niềm vui hiệp nhất. Mang ý nghĩa thực sự phản ánh cuộc đời hứng khởi ta đang sống. Sống trung thực. Sống yêu thương, như Chúa kêu mời ta uỷ thác. Rất canh tân. Thật đổi mới.

Trong xác tín sống đời tin yêu là thế, ta cứ vui lên mà hát. Hát những lời, người nghệ sĩ diễn tả:

“Và cuộc sống, không có u sầu

Và hạnh phúc vẫn thắm muôn mầu,

Bạn ơi! Hãy giữ lấy cho lòng một niềm tin yêu,

Dù cho bao gió sương trên đường của ta

Dù cho nắng cháy hay phong ba

Vẫn mơ cùng đi khắp cõi đời

Sống hết mãi trái tim chân thành

Này bạn ơi! Ta cứ vui và mơ ước

Kìa tương lai tươi sáng như ánh mặt trời.

Dù gian khó vẫn cứ mỉm cười

Rồi hạnh phúc sẽ đến bên người,

Hãy cứ tin vào một ngày đẹp tươi.” (Quốc Vượng – Niềm Tin Yêu)

Quả là, ta cứ vui lên mà mơ ước. Bởi, tương lai vẫn tươi sáng như mặt trời. Vui tươi, như hai thánh trụ cột từng kinh nghiệm. Kinh nghiệm, về những ngao ngán, thờ ơ, khinh miệt. Nhưng, tin rằng hạnh phúc vẫn gần bên. Hạnh phúc ấy, Thầy đã hứa và đã ban. Cho mỗi người. Với mọi người.

___________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Saturday 14 June 2008

“Nhưng Chúa hiểu tại con yêu người lắm”

Con nguyện cầu tình con luôn đằm thắm

Chia nụ cười, an ủi lúc khổ đau

Giúp chúng con luôn nâng đỡ lẫn nhau

Và xin Chúa bảo tồn tình con nhé.

(dẫn nhập từ thơ SC)

(Mt 10: 26-33)

Trong nguyện cầu, nhà thơ mong tình yêu luôn đằm thắm. Thắm tình người, thắm cả vào lúc khổ đau. Tình người hôm nay, Chúa có nói: đừng sợ! Chớ lo!, kẻo mất tình thân thương, cộng đoàn. Không sợ và chẳng lo nhưng vẫn giữ tình dân con, là tâm tình Chúa nhắn nhủ, ở Phúc âm.

Phúc âm hôm nay, ghi rõ lời Ngài: “Anh em đừng sợ!” Sợ ở đây, là: sợ cho sự an toàn của cải. Sợ, cả khi mọi chuyện đang yên ổn. Với cộng đoàn tình thương, an toàn của cải không là vấn đề chính, để ta lo. Mà, chỉ nên lo lắng cho nhau; san sẻ những gì mình có, chuyển cho người thiếu thốn, đang cần.

Bài đọc hôm nay, đặt trọng tâm vào việc thiết yếu: những chuyện có thể xảy đến với ta trong khi ta sống và thực hiện Lời Chúa, một cách nghiêm chỉnh. Như đã biết, bước theo chân Chúa nên hiểu cho đúng, (chứ không chỉ là chuyện lo đi nhà thờ/đọc kinh), là: gieo rắc và truyền rao thông điệp thương yêu, công bình và an lạc bằng lời nói và hành động. Thông điệp này, đã và đang bị nhiều người coi như một mối đe doạ, cần phản bác.

Điều ảo tưởng lâu nay ta vẫn có, là: người theo Chúa cách trọn vẹn chắc chắn là những người luôn được mọi kẻ yêu thương - thán phục. Nhưng, không phải thế. Người theo Chúa, thường hay bị ghen ghét, vì Danh Ngài. Thật ra, là Kitô hữu đích thực, không hẳn là kẻ được mọi người yêu thương tìm đến, thán phục. Nhưng, chính là người, bằng vào lời nói và gương sáng, biết rao truyền thị kiến sống trọn vẹn, điều Chúa khuyên.

Dù luôn được Chúa nhủ khuyên, nhưng Kitô hữu chúng ta lại hay mâu thuẫn khi so sánh cuộc đời mình với cuộc sống nhởn nhơ ngoài đời. Sống điều Chúa khuyên, dù rằng hiền lành, tử tế, yên hàn, bất bạo động. Chẳng đụng chạm đến ai. Thế mà, vẫn bị người đời coi khinh, ghét bỏ. Thậm chí, có vị còn bị đe doạ/trù dập nguy đến tính mạng, nữa. Trường hợp điển hình như thế, vẫn dẫy đầy nơi lịch sử nhà Đạo.

Dễ thấy nhất, là trường hợp Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bị giết đang khi dâng lễ, ở El Salvador. Sau cái chết của ngài, sáu linh mục đồng hành cũng bị vạ lây. Bị giết chết vào nửa đêm. Công việc các ngài làm, chỉ là kêu gọi phải công bình trong đối xử với giới nghèo hèn/bất lực trong xã hội. Điều tệ hại, là: sự dữ cứ xảy ra không chỉ tại Nam Mỹ, mà còn ở nơi khác nữa. Ở nhiều nơi, dân con Đạo Chúa chỉ muốn sống đời Phúc Âm thôi, cũng bị bách hại.

Phúc Âm hôm nay, gợi nhớ Lời Ngài dạy: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10: 32) Sống Lời Chúa, ta sẽ được Ngài bảo vệ, và giúp đỡ.

Được Chúa giúp, ta không còn nguy cơ để luột mất sự sống của chính mình. Bởi, trên thực tế, nhiều người vẫn cứ nhượng bộ chấp nhận sự xấu để được sống thoải mái dễ chịu. Chính vì thế, Ngài đã bảo: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được xác, nhưng không giết được hồn; hãy sợ Đấng có thể diệt cả hồn lẫn xác, trong hoả ngục”.(Mt 10: 28) Quả thật, lo sợ lớn đối với mọi người không là sự chết, nhưng sợ bị lôi cuốn mà phản lại các đặc trưng/đặc điểm lâu nay ta vẫn có, trong cộng đoàn.

Sống có đặc trưng/đặc điểm nơi cộng đoàn, là sống biết truyền rao thông điệp của Chúa. Đó là cuộc sống của tiên tri/ngôn sứ. Sống tiên tri, không có nghĩa sống theo kiểu cách của nhà phù thuỷ, biết trước sự việc xảy đến. Sống tiên tri, là đọc được “dấu chỉ thời đại”. Là, biết hướng đi xấu của xã hội đang trên đà đi xuống. Sống tiên tri, là như Winston Churchill thập niên ’30, đã dám tự mình chống lại chính sách nhượng bộ, muốn quay sang với Hitler.

Sống tiên tri, là sống vai trò đã diễn tả ở bài đọc một, trong đó ông Giêrêmia lúc ban đầu chẳng muốn làm ngôn sứ. Ông nghĩ, mình không đủ tài năng và tư cách làm theo lời Chúa, cho đến khi Chúa quyết định chọn ông. Và khi ấy, ông chợt nhận ra: vai trò truyền rao thông điệp của Chúa, đã làm mất đi nhiều bè bạn, nên ông nói: “Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! Tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.”(Ge 20: 10).

Tố cáo và rình xem con vấp ngã, là cách thức con người ngày nay đã đối xử với Gandhi, Martin Luther King, và nhiều ngôn sứ khác. Tố cáo và rình rập, vẫn dễ làm hơn là chịu nghe theo lời khuyên. Và, ngôn sứ đã chịu nghe vì biết có Thiên Chúa, có Đấng-Là-Sự-Thật luôn chống đỡ: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con, như dũng tướng vạn năng; bởi thế, những kẻ bách hại con trượt nhào không sao thắng nổi.” (Ge 20: 11).

Ở Hội thánh hôm nay, cũng có hai nhóm ngôn sứ. Nhóm đầu coi như theo đúng “hiến pháp” gồm giám mục, linh mục, các nhà thần học và thủ lĩnh tôn giáo, nam lẫn nữ. Vai trò của các vị này là giúp ta sống niềm tin theo đúng tinh thần Phúc Âm, ở đời thường. Nhóm thứ hai, là các tiên tri có “đặc sủng” theo đúng nghĩa của thế giới gian trần. Là những Martin Luther King, những Giám Mục Romero thời đại, ta vẫn thấy. Nói chung, ngôn sứ là những vị biết trao tặng đời mình cho những gì mình tin tưởng.

Cùng một chiều hướng, có thể nói không sai rằng: Mẹ Têrêsa Calcutta đã là ngôn sứ. Mẹ là ngôn sứ không theo nghĩa những gì mẹ nói. Nhưng là theo những gì mẹ làm. Nhất thứ, điều mẹ làm đã nhắc ta nhớ đến kẻ nghèo nhất trong số người nghèo hèn. Và, nhận ra diện mạo Đức Chúa nơi người hèn yếu. Cũng nên biết rằng, tên và tuổi chúng ta đã và đang được sắp vào danh sách các ngôn sứ Đạo Chúa. Ngày hôm nay. Trong cộng đoàn thân thương của chính mình.

Với Tân Ước, ngôn sứ là quà tặng của Chúa thánh Linh. Và theo ý nghĩa đích thực của danh xưng, đây chính là “ơn gọi” rất đặc thù. Tuy nhiên, một số loại hình của vai trò ngôn sứ đã có sẵn nơi mỗi một người chúng ta. Bởi, khi thanh tẩy, ta đã được mời gọi làm nhân chứng cho Đức Kitô trong mỗi cuộc đời riêng lẻ. Mỗi người được mời gọi làm chứng cho giá trị của Lời Chúa. Nhân chứng, bằng lời nói và bằng gương sáng trước các nghịch cảnh xảy ra ở gia đình, nơi sở làm, ngoài phố chợ, đường đời.

Giả như, ta thấy sống đời con Chúa không khác gì như đời sống của người dưng. Ở đời. Hoặc, giả như cộng đoàn ta sinh hoạt chẳng để lại dấu ấn nào với xã hội quanh ta, lúc ấy ta cũng nên tự kiểm, coi xem lối sống của ta có phản ánh điều Phúc âm vẫn đòi hỏi, không. Bởi, chúng ta tề tựu quanh nhau mỗi tuần để dâng tiến nguyện cầu thôi, chưa đủ. Cuộc sống của ta, là làm chứng cho sự công bình, phẩm cách, chính trực, tinh thần phục vụ, san sẻ nguồn lợi tức, bảo vệ kẻ yếu hèn, bị bỏ rơi, mới đúng nghĩa.

Sống làm chứng, có thể gây nhiều phản đối/chống trả từ phía bạn bè/người quen. Sống, với chủ trương “lương thiện” hơn bon chen, phục vụ hơn thao túng, công minh hơn ngạo mạn. Làm cao, bảo bọc giùm giúp khách lạ người dưng, hơn cứng ngắc với luật lệ. Vẫn là, những việc khó làm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, sống chính trực với Đức Kitô, vẫn hơn là o bế mị dân để lôi kéo kẻ yếu về phe ta. Và, trong mọi trường hợp, vẫn cần tin tưởng nơi Chúa, nơi chính mình. Và trên hết, cần thâm tín rằng: phương cách duy nhất làm lợi mọi người là Đường Chúa dẫn đi.

Trong tin tưởng vào Đường Chúa dẫn đi, ta chung vui góp giọng cùng lời ca hôm trước:

“Cho tôi được một lần

nhìn quê hương đợi sáng

một lần nhân nghĩa sống lên ngôi

người người cùng chung vui một lối

đời thôi không lừa dối

vì đã yêu thương rồi.” (Bảo Thu – Cho tôi được một lần)

Đúng thế. Khi, người người cùng chung một lối –lối sống, lối nhìn sự việc- thì đời người sẽ “thôi không lừa dối”, mà là yêu thương. Yêu, như Chúa vẫn dạy. Yêu, khi “chia nhau nụ cười”, và “an ủi lúc khổ đau”. Yêu, bằng tình đằm thắm. Rất thân thương.

___________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

Sunday 8 June 2008

“Trên gương mặt người, cao vợi một niềm tin”

Khi mỗi một ngày, là một lời kinh

Đem đến trong tim, an bình tịnh độ

Thế giới của tôi chẳng còn đau khổ

bất hạnh, không hề có chỗ dung thân.”

(Dẫn nhập bằng thơ Tiểu Thảo)

(Mt 9: 36; 10: 1-8)

Quả có đúng, khi mỗi ngày là một lời kinh. Kinh an bình, tịnh độ, rất dễ thương. Có an bình lời kinh đến trong tim, thế giới chẳng còn khổ đau, nữa. Đó là thông điệp nơi trình thuật, buổi hôm sớm.

Tin Mừng hôm sớm bữa nay, bắt đầu một nhận định: “Chúa nhìn đoàn người đông đảo, bèn chạnh lòng thương”. Thương người, Ngài nói: “Họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9: 36). Từ ngày ấy, mọi sự như chẳng đổ thay. Người người vẫn lầm than - vất vưởng, không hướng sống. Không hướng, tựa như ý/lời nhạc bản ở nơi đó Diana Ross và The Supremes vẫn hỏi han: “Anh biết chăng anh, con đường ta đang đi tới?” Và, câu trả lời nay kiếm tìm, thấy ở đâu?

Lúa chín đầy đồng, mà thợ thì ít. Anh em hãy xin chủ sai thợ ra đi gặt lúa.(Mt 9: 37b). Nếu đếm, ta sẽ thấy: thế giới hôm nay, những người bước đi theo Chúa, cộng lại cũng đã một phần năm. Bốn phần còn lại, còn chưa biết Tin Mừng. Vẫn xa lạ như người dưng, những lầm than và vất vưởng. Cả dân con nhà Đạo dù mang danh Kitô hữu. Dù đã thanh tẩy nhưng vẫn cứ như người lạ. Vẫn như người dưng vất vưởng.

Trong khi ấy, hàng triệu dân con tuy ngoài Đạo, vẫn có niềm tin thần thánh. Niềm tin riêng của Do Thái giáo. Lòng sùng bái vững mạnh, ở Đạo Hồi. Chất đạo hạnh, của Phật và Ấn giáo. Chẳng nghi ngờ gì, tôn giáo bạn đã nhận thức nghĩa sâu của cuộc đời. Và nay, có nhiều bậc thánh, các tiên tri nhà thần bí. Quả là sai, nếu ta vẫn coi họ như “dân ngoại”, với “vô thần”. Bởi, dân ngoại hay vô thần chỉ thấy có ở xã hội giàu sang, phương Tây. Nơi đó, có văn minh thượng thặng, chẳng ai tin.

Quả có đúng, mùa hái gặt vẫn đầy đồng, khắp mọi nơi. Duy ở nhà Đạo, người người vẫn quả quyết: thợ hái gặt nay vẫn thiếu. Thiếu nhiều, thiếu lắm, nhưng không cần thợ gặt có chức quyền tựa linh mục- tu sĩ, hoặc các sơ? Thợ gặt cần, Thầy kiếm tìm ở đây chính là người anh người chị dấn bước theo Thầy, tại khắp chốn. Gặt hái thế nào, vẫn còn tuỳ hoàn cảnh tình đời, ta đang sống. Tuỳ gia đình. Tuỳ công việc, tuỳ nền giáo dục - bản vị - tâm linh, dân đi Đạo.

Đáp lời Thầy, lẽ ra ta phải nói: “Thưa Ngài, này con đây!” Nhưng, xưa nay ta vẫn tưởng: Thầy có gọi, thì chỉ kêu ta trở nên linh mục/tu sĩ/nữ tu, thôi. Hơn nữa, ta nghĩ “ơn gọi”/“lời mời” làm thợ gặt là lời chào Thầy gửi đến một ai khác, không phải ta. Vì thế, người người mới lơ là/dửng dưng và tưởng rằng: chẳng bao giờ Thầy lại ám chỉ vào mình.

Trình thuật hôm nay, khởi đầu bằng lời nhắn nhủ hãy xin Thầy gửi thêm thợ gặt cho cánh đồng vàng ươm, nhiều lúa chín. Thực sự, vụ mùa hôm Thầy gặt đếm được chỉ mười hai. Mười hai vị, được trao quyền chữa tật bệnh, và đầy lùi thần ô uế. Và, Thầy trao quyền giải thoát hết mọi người, không chỉ mang tính thánh thiêng tôn giáo, những giải thoát. Chữa lành/giải thoát ở đây, là chữa cả tinh thần lẫn và thể xác, rất trọn vẹn. Ở mọi cấp.

Đồ đệ Thầy chọn với danh xưng “tông đồ”, được thánh sử ghi lại duy nhất có một lần, ở Mát-thêu. Đồ đệ nơi thánh sử Mát-thêu, là người bước theo chân mềm của Chúa đi. Những người quyết học hỏi điều xuất phát từ Lời Thầy đã bảo. Quyết giống thầy, nhưng danh xưng “tông đồ” là để chỉ dân con đồ đệ, những ai đặt trọn niềm tin nơi Thầy. Những người mang trọng trách chuyển giao thông điệp Thầy gửi đến. Thành thử, hãy trở nên đồ đệ trước đã. Sau đó, hẵng thành tông đồ cận kề năng động, sau.

Nhưng, tông đồ Thầy chọn chỉ đếm được, có mười hai? Mười hai, là số con mà tổ phụ Gia-cóp xưa, đã từng có. Mười hai người con duy nhất, thành lãnh tụ chi tộc trên toàn Israel, lúc còn chia cắt. Mười hai, nay là con số thủ lãnh của Israel mới. Một Vương Quốc, được gầy dựng nhờ Đức Giê-su.

Về tông tích, tông đồ là người được Chúa phối kết, hội tụ. Có vị rất kém chữ, cần học thêm. Có vị, xuất từ đám công-bộc-rặt-dân-thu-thuế, những nhũng lạm. Còn vị khác, lại đã mang tăm tiếng đối kháng với nổi loạn. Tức là, con người chỉ hăm he lật đổ giới chức cầm quyền, vào khi ấy. Và có vị, cuối cùng trở thành tên bội phản, rất nổi danh. Nhưng tất cả, đều đứng dậy vội bước theo Thầy, làm thợ gặt. Làm thợ cho Thầy, chẳng vị nào từ chối khéo, như: “Tôi không xứng với việc Ngài giao phó”

Nhìn vào Hội thánh hôm nay, theo chiều kích rộng mở - phức hợp; theo đặc trưng đa năng văn hoá, phải công nhận: tông đồ Chúa hôm nay vẫn hiếm quý. Quý và hiếm, nhưng Chúa dùng các ngài được, sao không phải chính ta? Và hôm nay, nếu Chúa đích danh mời gọi, ta có đáp trả như đồ đệ xưa, thưa rằng:”Thưa Ngài, này con đây!”, chứ?

Thoạt đầu, tông đồ Chúa được bảo: hãy đến với “đàn chiên đi lạc”, tránh người Samaritanô và dân ngoại. Lời mời Chúa đưa ra, chỉ gửi đến với đàn con riêng của Ngài. Việc Chúa làm, tưởng chừng như chỉ tập trung gửi người Do thái, thôi. Nhưng, việc Ngài uỷ thác là uỷ nhiệm cho dân gian mọi người ở khắp chốn. Và điều Chúa kỳ vọng nơi tông đồ, là lời Ngài loan báo “Nước Trời đã gần kề”.

Nước gần kề, không có nghĩa là: ngày thế tận nay đã đến. Cũng chẳng là ngày dân con người người khi chết được về chốn “thiên đàng”, không trở ngại. Thật ra, thánh Mát-thêu khi viết sử là muốn chúng ta ra khỏi lối hiểu biết hạn hẹp của nhiều người, lúc ấy. Chính vì thế, thánh nhân nhiều chỗ đã tránh sử dụng cụm từ “Thiên Chúa” và “thiên đàng”. Thay vào đó, ngài viết rõ “Nước Trời”, tức Vương Quốc hiền hoà của Đức Chúa.

Vương quốc, không là chốn không gian mang tính địa dư. Mà là triều đại, có sự hiện diện của Đức Giê-su Kitô. Về với Vương quốc hiền hoà của Chúa, không về lối mòn thầm bước nào đó, nhưng là đặt trọn tâm can của mình theo đường lối Ngài nhủ khuyên. Làm như thế, ta có được suy tư của Đức Chúa truyền cho ta. Làm như thế, là biến đường lối của Ngài dạy thành đường đi ta nhắm đến.

Tông đồ của Chúa, là người biết theo lời Ngài mà loan báo Vương quốc Nước Trời Ngài đã hứa nay gần kề. Nước gần kề, bằng những chữa lành người tật bệnh. Bằng, vực dậy kẻ đã chết. Bằng, chùi sạch vết thương phong cùi, đẩy lùi loài ma quái. Nhất nhất, là dấu chỉ quyền lực tình thương, nhiều giùm giúp. Tình ấy, nay đi dần vào nơi sâu lắng, của lòng người. Vào cuộc sống dân gian, con của Chúa.

Dùng ngôn ngữ thời đại, điều này có nghĩa:

*Mang điều lành, chạy chữa đến với mọi người. Những người đau yếu theo nhiều cách. Không chỉ yếu đau về thể xác, mà thôi.

*Dù không thể vực dậy người đã chết, nhưng ta vẫn có thể giúp mọi người tạo lại niềm vui sống. Bởi, nhiều người tuy đang sống thật về thể xác, nhưng lại đã chết về mặt khác.

*Lau vết phong cùi, đẩy lùi loài ma quái/ghẻ lở. Với ta, điều này có nghĩa: ta hãy phục hồi đưa mọi người sống ngoài lề bị xã hội bỏ rơi hoặc tẩy chay/khinh thường do sắc tộc, mầu da, tôn giáo, giới tính, hoặc trở ngại trong hôn nhân, được về với cộng đoàn, đầy năng động.

*Đẩy lùi loài ma quái hôm nay, là đẩy lùi mãnh lực làm ta ngộp thở. Buộc ta sống như người nô lệ, thời buổi trước. Đẩy lùi những gì đang thao túng/giới hạn tự do khiến mình không thể sống trong sự thật và tình thương yêu, đùm bọc. Đẩy lùi mãnh lực của ma quái, là bỏ đi lối sống thác loạn. Lối sống, nhiều sức ép bắt buộc mọi người theo, tựa như: thời trang, mải mê ăn chơi, sống thác loạn với ma tuý, độc dược. Là, khoái lạc chủ nghĩa. Là, cá nhân vị kỷ và bạo lực đủ mọi hình thức. Hãy đẩy lùi thứ đó khỏi nơi ta, trước khi tìm cách giùm giúp mọi người được giải thoát.

Cuối cùng, lời dặn dò: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho nhưng không như thế.” (Mt 10: 8). Đây là quà tặng Chúa trao ban cho mỗi một người. Món quà vô giá, cần được cho đi một cách nhưng-không. Cho một cách tự do, vì lợi ích của tất cả mọi người. Cho đi, không phải để chia sớt tiền bạc và tiếng tăm đã tậu được. Nhưng cho đi, như tổng thống Mỹ Kennedy, khi trước từng nói: Đừng hỏi người khác đã làm gì được cho mình, nhưng hãy tự hỏi mình làm được gì cho người khác, chưa.

Trong tinh thần biết lắng nghe lời Chúa, hãy cùng người nghệ sĩ hát lên lời nhắn, với loài chim:

“Bay đi, cánh chim biển hiền lành

chẳng còn, giấc mơ nào để giữ đôi chân anh

chẳng còn, tiếng nói nào để trách cứ anh

khi, mặt trời đậu trên đôi cánh vỗ.

Giấc mơ của tôi, và cánh chim hải âu

Bay ra khỏi tầm tay, và tiếng sóng..” (Đức Huy – Bay đi cánh chim biển)

Vâng. Cứ đi và cứ bay, như loài chim biển. Bay đi, để người người biết nhận ra “trên gương mặt người, cao vợi niềm tin”. Tin rằng, thế giới nay chẳng còn đau khổ. Vì, có tông đồ nghe theo lời mời Chúa gọi, đã ra đi. Đi, mà hái gặt đồng lúa chín đầy. Đi, để đem đến cho người, những an bình - tịnh độ, rất trong tim.

___________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch