Wednesday 2 June 2021

Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Năm B

 


“Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta." Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.” (Mc 14: 12-16, 22-26)

 

Có thay đổi gì không, màu hoa ấy?”

“Mùa hạ qua rồi, lại đến mùa thu.”

(Dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Màu hoa ấy, là Tình Chúa tặng, nào đổi thay. Hoa màu này, là trân châu ta giữ, chẳng thay đổi cả vào Hạ đến mùa Thu. Thu-Hạ, là xác quyết thánh sử ghi ở trình thuật lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

Trình thuật, nay là xác quyết về Tình Chúa yêu thương được Hội thánh đưa vào phụng vụ lễ Mình Máu Chúa, chóp đỉnh của phụng vụ, nhằm giúp con dân trong Đạo biết mà tri ân, cảm tạ. Tri ân, là động thái ràng buộc, không chỉ giúp ta nói lên một lần rồi quên lãng. Tri ân, là trạng thái giúp ta bỏ giờ ra mà cảm kích ơn huệ mình lãnh nhận. Tri ân, là động thái không chỉ xảy ra trong quá khứ, nhưng tiếp tục cả thời hiện tại  lẫn tương lai.

Lễ Mình Máu Chúa, là lễ hội giúp ta không chỉ nhớ lại việc Chúa đã làm vào buổi Tạ Từ, nhưng để giúp ta tái tạo và duy trì sự hiệp thông Chúa khuyến khích tình yêu thương còn tiếp diễn. Tri ân/cảm tạ, là bí tích Phục Sinh Ngài ủy thác cho ta, hệt như Đức Giêsu từng cảm tạ Cha Ngài, buổi Tạ Từ. Trước khi cầm chén uống, Ngài cũng cảm tạ và nhủ khuyên đồ đệ hãy làm thế. Ngài cảm tạ, không vì ai đó cho Ngài của ăn/thức uống để tri ân. Ngài cảm tạ, vì Chúa Cha ủy thác cho Ngài hành xử theo cách cho đi chính mình hầu làm của ăn/thức uống, cho mọi người. Của ăn, là sự sống mới Ngài ban phát. Thức uống, là Máu cứu chuộc Ngài tặng trao cho ta nhận lãnh, hầu về với Giao ước có tri ân, tạ từ, cảm kích.

Đây cũng là cung cách người Do thái vẫn làm từ buổi trước, mà họ có thói quen đặt tên cho nó là “toda”, tức động thái cảm kích/tri ân mà mọi người từng làm, kể từ ngày lưu vong nơi xứ người nay quay về. Quay về, với lời ca cảm tạ rất vui tươi, như thánh vịnh 107 còn ghi dấu. Và, tiên tri Giêrêmia cũng đã ghi:

“Người người sẽ nghe tiếng mừng vui/hoan lạc, tiếng cô dâu/chú rể, tiếng những kẻ nói: ‘Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại.”(Gr 33: 14).

Là dân con Đức Chúa, người Công giáo chỉ có thể đạt đến bí tích Thánh Thể khi hiểu được thế nào là lời-ca-cảm-tạ Đức Giêsu đã thực hiện qua việc Ngài cống hiến sự sống, nỗi chết và sống lại của Ngài cho Cha. Như Đức Bênêđíchtô XVI có lần nói: “Tiệc Tạ Từ của Đức Giêsu chính là lời cảm tạ rất “toda” ngay trước khi đi vào cõi chết.” Và tiếp đó, còn có lời dặn của Thày trước khi trỗi dậy:

“Anh em hãy làm việc này như Thày làm hôm nay.”

Suy tư về sự Thống khổ của Chúa ở Tin Mừng, người người sẽ thấy thánh sử qui về thánh vịnh ghi ở Cựu Ước. Như thánh vịnh 22 hàm ngụ ý nghĩa cảm tạ qua cụm từ “toda” của người Do thái. Xem thế thì, niềm thống khổ và nỗi chết của Chúa là động thái cảm tạ Ngài dâng lên Chúa Cha, là Đấng đã định như thế. Từ đó, ta có thể nói mà không sợ sai rằng: Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết là để tiếp tục nói lời “Tạ ơn Cha” rất cao cả, trong mọi việc. Đó còn là lý do để ta quay nhìn vào ý nghĩa của lễ hội trong năm phụng vụ, rồi cùng Chúa đem lời cảm tạ/tri ân gửi đến mọi người.

Nói lời cảm tạ, sẽ biến ta trở thành loại người đặc biệt đã biến đổi từ động thái tư riêng đi vào quần thể tập hợp ở Tiệc Thánh. Chính đó là quần thể huyền nhiệm. Là, Mình Thánh Đức Kitô. Là, lý do để Hội thánh của ta định ra lễ Mình Máu Chúa thành lễ hội đặc biệt. Mình Máu Chúa, không là xác thể bình thường, mà là “quần thể tập hợp” thiết dựng bằng lời tri ân, cảm tạ. Mình Máu Chúa, là “quần thể tập hợp” rất mới của Mình Máu Chúa đã thiết lập nhờ vào Phục sinh, quang vinh.

Nhìn vào Tiệc Thánh Thể ta mừng kính, người người sẽ nhận ra ý nghĩa của việc mình làm. Tức, đang tri ân, cảm tạ và đang trở thành thể xác rất thánh của Đức Chúa. Đó là ý nghĩa của thánh lễ ta thực hiện. Là, bi hài kịch bốn màn, cũng rất chẵn.

Màn đầu, là khởi nguyên vũ trụ, lúc Thần Khí bay là là trên nước có Lời của Tạo Hoá: “Hãy để trái đất nổi lên khỏi nước mà sinh sản ra vạn vật.” Xem thế thì, Thần Khí là Đấng sinh sản rất màu mỡ. Lời Ngài rất hiệu nghiệm. Bởi, từ nơi không có gì, Thần Khí và Lời tập hợp lại đã khiến cho sự sống trổi sinh khắp chốn. Và như thế, hiện hữu là cung cách để vũ trụ nói lên lời cảm tạ hướng về Đấng Tạo Hoá.

Màn Hai, dấy tràn thời gian tính, nhân ngày Truyền Tin (Lc 1), tức lập nền tảng ngay tức khắc. Cũng một Thần Khí là Đấng phủ tràn làn nước ở thời khởi nguyên, nay đem Đức Nữ Đồng Trinh Maria ở dưới bóng râm màu mỡ ở đó có Lời mặc lấy xác thịt loài người. Nơi cung lòng trinh trong của Đức Nữ Trinh Maria, Thần Khí làm đất trời trổi dậy thật rất mới. Đó là: tính “Người” của Đức Chúa. Bằng vào tính “Người” của Ngài, Đức Giêsu đã nói lời tri ân/cảm tạ dâng lên Cha, rất mật thiết.

Màn Ba, là thánh lễ hôm nay chất đầy lời cảm tạ vẫn tiếp tục thể hiện. Vào thánh lễ, vị chủ tế để tay lên bánh và rượu là dấu hiệu Thần Khí “bay là là” trên thế giới và nơi Đức Nữ Trinh Maria mà tặng ban sự sống, rất Giêsu. Sau đó, chủ tế đọc cũng một lời truyền mà Đức Giêsu khi xưa cất tiếng:

“Này là Mình Ta, Này Máu Ta”, và trong khoảnh khắc ấy, sự-sống-rất-Giêsu nảy sinh đã trồi lên và hướng về phía trước. Bên dưới hình thù Bánh/Rượu, Đức-Chúa-Trỗi-Dậy đích thân hiện diện với và giữa con dân của Ngài. Ngài hiện diện bằng hiện hữu đích thực, rất thật. Đó là hiện diện thực sự, chứ không là biểu tượng.

Sự hiện diện rất thật, tức không do ai đặt để một cách ý thức, vào khoảnh khắc mà chính mình không nắm rõ. Đó không là hiện-diện theo ký ức mà ai đó tưởng nhớ, tức chỉ ở nơi xa xôi không có mặt. Đó không chỉ là hồi-ức có trong đầu của người nào. Đức Kitô có mặt thật sự nơi Tiệc Thánh Thể không chỉ vào lúc ta nhớ đến Ngài, mà cả vào khi ta không nghĩ về Ngài, hoặc như tự hỏi không biết Ngài có đó hay không. Ngài không hiện diện chỉ bằng hành động, như ai đó gửi điện thư cho ta. Mà Ngài đích thân có mặt, bằng chính bản-thể rất “Người” của Ngài. Ngài là tất cả ở đây. Bây giờ.

Khi truyền phép, đã có đổi thay gây kinh ngạc mà thánh Tôma Akinô gọi đó là “Phép lạ lớn lao nhất Chúa từng làm”. Thay đổi này, không có sự tương đương nào trong kinh nghiệm của ta. Bằng vào uy quyền của Thần Khí, đã có sự hữu hiệu của Lời nơi phần sâu thẳm của niềm tin của người dự Tiệc Thánh Thể, thực tại bánh/rượu đã biến thành thực-tại-là-Đức-Kitô. Như Đức Maria đã nói với thần sứ: “Điều ấy làm sao được?” Thật ra, không có câu trả lời nào tuyệt diệu hơn lời thần sứ nói: “Với Chúa, chẳng có gì là không thể!” (Lc 1: 34-35) Lời Chúa là Lời sáng tạo, rất hiệu lực. Lời Ngài tạo thành sự sống đến với Chúa. Lời-trỗi-dậy-từ-cõi-chết, nay đang nói và thành hiện thực. Khi Lời mặc lấy xác phàm, Ngài có nói: “Này là Mình Ta.” thì không ai còn ngờ vực tính xác thực Ngài đang hiện diện ở Tiệc Thánh Thể, nữa.

Màn Bốn: sau Truyền phép là Hiệp thông. Một lần nữa, vị chủ tế nguyện cầu cho quà Thần Khí với câu kinh: Vâng, lạy Cha xin hãy để Thần Khí thể hiện sự tuyệt vời của Tiệc Thánh Thể hiện diện với chúng con, nay đến ban cho chúng con hoa-quả thánh-thiêng và ở mãi với chúng con. Xin ban Thần Khí biến đổi bánh trở thành Thân Mình Đức Kitô, hầu thay đổi tâm can chai đá của chúng con thành con tim đích thực. Để, khi san sẻ cùng một tấm bánh, chúng con trở thành một thân mình trong yêu thương. Và, khi chúng con nhận đón Mình Thánh Chúa vào lòng, xin Thần Khí và Lời hợp lực biến đổi chúng con thành Thân Mình nhiệm màu của Đức Kitô, khiến chúng con thành Hội thánh của Ngài. Xin biến chúng con trở thành trời mới đất mới, làm một trong Thân Mình Chúa.

Thành thử, hiệp thông nhận đón Thánh Thể, có sự sống của Đức Giêsu cắm rễ sâu nơi tâm can mỗi người và mọi người. Sự việc diễn tiến đến ngày Chúa ở trong mọi người và đến lúc mỗi người và mọi người trở nên một. Trở nên thế, có động thái tràn đầy ân-sủng, tức động tác cảm tạ/tri ân rất Thánh Thể, để mọi người cùng chúc tụng ngợi khen Cha đã khiến Mình Thánh Chúa trở thành vĩnh cửu.

Chắc có người sẽ hỏi: sao lại suy tư điều này vào ngày lễ Mình Máu rất thánh của Đức Chúa?

Suy tư, là suy về một thiên đường có động thái tri ân/cảm tạ kéo dài đến vĩnh cửu. Có mọi người làm thế, ở nơi đó. Suy tư như thế, là bởi Tiệc Thánh Thể là Lời mở cho sự-việc này. Phụng vụ, là động thái thưởng-thức-trước sự việc ấy. Bởi, mỗi khi cử hành Tiệc Thánh là ta san sẻ hiệp thông với Thánh Thể. Là, sờ chạm vào Quà Tình Yêu Vĩnh Cửu. Là, ta thực hiện cho bằng được việc tri ân/cảm tạ. Là, hành xử một phẩm bình về văn hoá của mọi thế giới từng xem xét sự việc theo cung cách rất khác biệt.

Tiệc Thánh Thể không là việc lý luận dành cho người chỉ biết lý sự một cách không ý nghĩa. Bởi, lý sự chẳng đem lại ý nghĩa gì đặc biệt. Nhưng, Tiệc Thánh Thể của ta không là áng thơ cũng không là tác phẩm nghệ thuật, đối với người có khiếu thẩm mỹ. Tiệc Thánh Thể, chứng tỏ cho thấy nếu chỉ là người có óc thẩm mỹ thôi, cũng không đẹp. Tiệc Thánh Thể, không là sự kiện tôn giáo. Với người có Đạo, việc ấy cũng không có nghĩa là đã “sốt sắng” đủ. Việc ấy, chỉ cho thấy nếu chỉ mỗi sốt sắng thôi, cũng chưa hẳn là đạo đức đủ. Tiệc Thánh Thể của ta, không là ý niệm hoặc việc sùng bái ta vẫn thích, mà hơn cả cử chỉ phụng thờ. Hơn rất nhiều, vì đó là Tình cho đi. Là nhận lãnh, sẻ san, sống thực. Là cảm tạ, rất đích thực.

Phải chăng, điều đó cũng xa hoa? Vâng. Chính thế. Thực sự, mọi việc tu-đức đều xa hoa! Nhưng, là xa hoa Chúa ban phát mà không thu hồi. Và, ta vẫn quen như thế. Quen, đến độ cứ nghĩ mình có quyền như thế. Quen, đến độ mình không thể gắn bó với nhau mà không có Tiệc Thánh Thể, rất như thế.

Trong cảm nhận điều này, cũng nên ngâm lại lời thơ còn bỏ dở, rằng:

 

            “Có thay đổi gì không màu hoa ấy

            Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu

            Thời gian đi màu hoa cũ về đâu

            Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ.”

(Xuân Quỳnh – Hoa Cúc)

 

Màu hoa đổi thay, nay là màu Chúa ban phát. Để ta và người cứ thế trở thành Thân Mình Chúa rất thân thương, nên một. Một thân. Một mình. Rất thánh hoá.

                                                                                

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch  

Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B

 

Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:

“Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm.”

(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

 

Mt 28: 16-20

Tiêu diêu như báu vỡ, vẫn cứ là bầu trời huyền nhiệm chốn không gian. Thầm dội đến thâm tâm, nay lại là nhiệm tích Chúa tỏ bày với nhân trần. Như trình thuật lâu nay, rày ghi chép.

Trình thuật, nay ghi chép về huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi linh thiêng, khó diễn giải. Huyền nhiệm, là nhiệm tích cao cả tỏ cho dân con nào không cảm nghiệm được để rồi sống. Thế nên, thánh sử Mát-thêu phải dùng ảnh hình chiếc thang của thế giới hầu đạt tới huyền nhiệm, mà cảm kích.

Buổi đầu, vũ trụ ở độ tuổi 13 tỷ năm, vẫn đắm chìm trong tăm tối, kịp đến khi Chúa sờ chạm, nguồn sáng đã trỗi dậy toả ánh thiều quang, rộn sức sống. Thiều quang, là tập hợp các phân tử ánh sáng cứ lăn tăn dội sóng, không phương hướng.

Vào lúc ấy, Chúa bèn định hướng để tạo thành có được năng lượng tràn đầy, mà hướng về đằng trước phía có nhân gian vũ trụ vạn vật. Và từ đó, vũ trụ tuân thủ đường hướng Chúa định đoạt rất phân minh, thành đạt. Trong khoảnh khắc rất nhanh, vũ trụ đã kịp hoà tan/chan hoà vào với nhau phản ảnh phương hướng Chúa đề bạt. Rồi từ đó, sản sinh nên sự sống mới ở đó có sự sống con người, rất trổi bật.

Sự sống Chúa tặng cho vũ trụ, là những “sự” rất sống và rất động, luôn rực chiếu ánh lung linh về hướng trước, nơi có Chúa ngự trị theo phương cách rất Ba Ngôi, vẫn rạng ngời.

Ở với vũ trụ, con người là tạo vật gây nhiều thích thú. Con người không là loài vật chỉ đặc biệt mỗi trí khôn mà thôi, nhưng còn có khả năng mơ ước đặc trưng/biểu tượng để kết chặt với nhau bằng truyện kể đượm mầu thần linh rất kinh ngạc, đáng sợ. Thần linh nhiệm mầu cần “la-bàn định-hướng” hầu dẫn dắt con dân loài người kinh qua chốn miền đầy tâm tưởng. Và thọ tạo “người” cứ hỏi: không biết mình có nên thần phục thần linh, hay không? Không biết mình có tự do chọn quan hệ chỉ với một số vị thần, mà thôi không?

Thiên Chúa lại ban cho con người “la-bàn” ấy. Bằng vào “la-bàn định hướng”, Ngài thiết lập “Giao ước” với con người. Điều đó có nghĩa: Chúa quan hệ với con người không theo cung cách khuynh loát/thống trị, huyễn hoặc hay không tưởng. Ngài chẳng cần ai thần phục Ngài. Nhưng điều Ngài cần hơn cả, là con người nên thực thi tương quan hai chiều. Có được tương quan ấy, con người sẽ tin tưởng vào Chúa là Đấng giúp cho con người có được tự do. Về với lịch sử, con người hiểu biết nhiều sự việc, và từ đó biết tỏ lòng cảm kích, ghi ơn Ngài.

Khám phá ra điều này, có người vẫn chưa biết cách chan hoà/nhào quyện với những người không được như mình, dù họ có tìm mọi cách để tìm hiểu khám phá ấy. Họ đành chọn một trong hai phương cách: hoặc tách riêng sống chỉ một mình, hoặc hợp lực/cộng tác với người khác. Thật ra, thì họ rất cần “la-bàn định-hướng” Chúa ban tặng. Và, Chúa lại tặng ban “la-bàn định hướng” ấy, thêm lần nữa.

La-bàn Chúa tặng, là quà “hiệp thông”/tương quan giúp con người sống hài hoà với người khác mình, nhưng không làm mất đi bản chất tư-riêng của chính mình. Nhờ “Hiệp thông”, con người học được cách yêu thương sống hài hoà với người khác, ngõ hầu trở nên giống mình hơn. Nhờ vào hiệp thông, con người còn có trách nhiệm với thế giới rộng lớn hơn, tức: có trách nhiệm với những người chưa biết hoà mình/trộn lẫn với ai khác. Thế nên, ta cũng hãy nên bắt đầu sử dụng quà “Hiệp thông” Chúa đã ban.

Khi xử sự, con người bắt đầu biết kinh ngạc và tự hỏi: không biết mình có nên kéo dài tương quan hài hoà ấy mãi lâu ngày, hay không? Hoặc, ta chỉ nên kiến tạo thêm cung cách mới cho đời mình? Cung cách mới, tức không phải của người thụ động cứ ngồi đó đợi chờ hoặc nhận lãnh ơn huệ đính hướng? Nhưng, cũng nên bắt đầu kiến tạo mọi việc chung cùng Chúa? Kiến tạo, là diễn lại những gì xảy ra trong quá khứ, hoặc đem lại những gì mới mẻ cho tương lai của chính mình? Muốn được thế, con người cần đến “la-bàn định hướng” Chúa tặng ban, một lần nữa. Và, Chúa lại đã tặng thêm cho con người thứ “la-bàn định hưóng” mới là “Thần Khí” của Ngài, để con người biết mà chan hoà quá khứ với tương lai, hầu biến nó thành hiện tại. Một hiện tại mang ý nghĩa rất “quà tặng”.

Quà tặng Thần-Khí-Chúa, là quà hiếm quí rất hiện tại nhưng khó diễn bày hoặc nói đến. Bởi, Thần Khí Chúa vượt quá mọi ngôn ngữ. Thần-Khí-Chúa là Hơi Thở đẩy lùi mọi ngọn gió của ngôn ngữ được con người sử dụng để diễn tả mọi chuyện. Ngược lại, Thần Khí vẫn nâng nhấc con người lên, để họ đạt chốn an lành, mà định hướng bước tới về phía trước.

Quà tặng Chúa gửi đến với con người, không đơn thuần chỉ mỗi giống giòng Israel dân Chúa chọn. Cũng không thuần khiết chỉ mỗi Đức Giêsu và/hoặc Hội thánh. Nhưng, “Giao ước” Chúa gửi đến với ta qua dân Do thái, chính là sự “Hiệp thông” Ngài đặt để qua Đức Giêsu, Con Ngài. Và Thần-Khí-Chúa đến với ta ngang qua Thánh Hội, Chúa gửi gắm. Quà Ngài gửi, là để dân con của Ngài có thể đến với người khác, nhóm khác có văn hoá, sắc tộc và đạo giáo rất khác biệt. Quà Chúa gửi, là để con người tạo được ý nghĩa nhân bản cho luồng sáng, thời gian và năng lượng toàn vũ trụ. Quà Chúa tặng, khiến cho con người có được tự do, biết ứng đáp cách sáng tạo, nhạy bén và đổi mới.

Quà Chúa gửi tặng, là cách để Thiên-Chúa-là-Cha trao ban chính Mình Ngài là Đức Chúa cho con người như Giao ước, Hiệp thông và Thần Khí. Chính đó là Chúa Ba Ngôi, vẫn rất thực.

May cho ta, là con người đã nhận ra rằng quà tặng Chúa gửi là do Ngài tặng ban chính Mình Ngài vẫn còn tiếp tục được như thế. Quà-tặng-là-Thần-Khí-Chúa, vẫn hiện diện bên ta, ở đây. Ngay lúc này. Điều không may khác, đó là: con người lâu nay hay gặp rắc rối về những khuynh loát/áp đặt và về sự tự do Chúa ban cho nữa. Con người gặp rắc rối, vì ý tưởng nảy sinh khiến họ phải đi đến quyết định: hoặc xa cách/tách rời “Quà-Tặng-là-Thần-Khí-Chúa hoặc hợp lực/cộng tác với “Quà” của Chúa. Đó, là ý tưởng về việc duy trì quá khứ và kiến tạo tương lai, để rồi mỗi khi ta nhận thức được rằng: Thiên-Chúa-là-Cha, Chúa Con là Lời và Thần-Khí-là-Tình-Yêu đang sờ chạm vào ta cốt để tỏ cho ta biết phương cách mà đến được với Ngài.

Không phải chỉ bây giờ, ta mới về lại với lịch sử để có được cảm giác về Huyền Nhiệm. Nhưng từ đầu, có người lại được thần hứng sử dụng ngôn ngữ trần gian để tỏ bày về Huyền Nhiệm này, dù trước đó họ chẳng bao giờ biết đến Huyền Nhiệm ấy. Và, họ cũng đã tìm hiểu lịch sử vũ trụ xem có gì được đặt thêm vào đó không. Họ tỏ bày về “Danh” Chúa. Về, “Huyền Nhiệm” Chúa Ba Ngôi. Và, về “Tình yêu” của Chúa. Họ gọi Chúa là Cha. Gọi Đức Giêsu là “Con”-của-Chúa-Cha, Đấng gần gũi mật thiết với Cha; và gọi Ngài là “Lời” của Cha.

Họ gọi Tình-Yêu-Thiên-Chúa là Thần-Khí vẫn thổi đầy sinh lực ở nơi Chúa, vào ta và tạo nguồn thần hứng cho ta. Kể từ đó, nhiều vị thức giả trong cộng đoàn dân Chúa lại tìm cách diễn tả Huyền Nhiệm Chúa Ba Ngôi cho những ai tìm hiểu triết lý Hy Lạp, đều biết rằng: ở nơi Chúa, chỉ có một Bản chất duy nhất nhưng nơi Ngài bao gồm ba Nhân Vật: một là Chúa Cha, một là Chúa Con hoặc Ngôi Lời, và một là Thần-Khí-Chúa. Các ngài đều quả quyết rằng Ba Ngôi/tức Nhân Vật vẫn chỉ là Một, có quan hệ hỗ tương. Và, Thiên-Chúa-là-Cha đã gửi đến với ta Con Một của Ngài để ta có thể liên hệ cách mật thiết với Ngài. Để, Ngài hướng dẫn cuộc sống của ta ở thế trần, rồi đem ta về với Cha.

Nhưng vấn đề là: không biết Thiên Chúa có thực sự giống thế không? Kitô hữu thời xưa không hiểu rõ điều đó và cũng chẳng chứng mình được gì, nhưng tư tưởng này đáp ứng ý nghĩa của Thiên Chúa mà mọi người dựa vào đó để sống. Vì thế nên, công thức này cũng thánh thiêng/linh đao, vẫn đan kết với truyền thống Giáo hội.

Ngày nay, nếu hỏi rằng ta làm được gì khá hơn không để diễn tả Huyền Nhiệm Chúa Ba Ngôi? Có thể không. Không bao giờ. Nhưng, có thể có. Có, qua cung cách nhận thức phát hiện được những điều Chúa Ba Ngôi vẫn thực hiện trong trần thế. Có thể, ta cũng nghĩ là mình có nhiều nhu cầu hiểu biết và diễn nghĩa hơn đồng đạo thời xưa trước. Có thể là, trong tương lai, ta lại có được cảm nghĩ và cảm nghiệm nhiều hơn về công việc của Chúa Ba Ngôi. Đó cũng là điều hay, để hy vọng.

Và rồi, ai ai cũng sẽ ra đi rời bỏ thế giới nhân trần này, để về với Ba Ngôi Thiên Chúa. Và khi đó, mọi người đều sẽ trực diện Chúa biết Ngài là ai? Đấng nào? Và mọi sự có ý nghĩa gì? Trong thời gian chờ đợi đến ngày đó, ta vẫn phải sống với niềm tin mình đang có. Sống chung và cùng với nhóm người đang sử dụng ngôn ngữ Chúa tặng ban. Những người có kinh nghiệm về những ân huệ Chúa gửi đến hầu thúc giục ta cùng với Chúa hướng về phía trước để ta càng nhân bản hơn; càng cùng chung với Chúa, trong mọi việc. Cuối cùng, có lẽ đó là những gì Chúa thực lòng muốn có khi Ngài tỏ rõ cho ta biết Chúa là Cha của ta. Đức Giêsu là Con Một của Thiên-Chúa-Là-Cha, và Thần-Khí-là-Tình-Yêu Ngài hằng ban cho ta.

Để cảm nhận điều này, cũng nên ngâm tiếp lời thơ trên từng diễn tả:

            “Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ;

Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,

Mà ta ngỡ Đấng Tiên Tri muôn thuở

Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.”

(Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)

 

Đấng Tiên Tri, nay vẫn đứng giảng Phúc Âm Lời Chúa đấy chứ. Giảng, để biết rằng tất cả không là “tiếng vang thầm dội đến thâm tâm”; mà là, tiếng Chúa/tiếng người qua ngôn ngữ diễn bày một huyền nhiệm rất Ba Ngôi. Theo cung cách rất thiêng, và cũng rất người.

 

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn

Mai Tá lược  dịch