Wednesday 30 July 2008

“Ghềnh đá nhỏ lặng ngồi hồn mơ mộng”

Sóng vỗ về tâm tư êm lắng đọng
Thả hồn theo những ngọn sóng xa xa
Gió trùng dương vang vọng khúc tình ca
Hòa với sóng điệu thiết tha êm ái.

(dẫn từ thơ Gió Bụi)

(Mt 14: 13-21)

Có những lúc, ta cũng được kêu mời ra ghềnh đá lặng ngồi, hồn mơ mộng. Giống nhà thơ. Ở nhà Đạo, cũng nhiều lần, có những ới gọi ngồi lặng thinh, không để mộng mơ nhưng để đọng lắng tâm tư, suy niệm về chuyện lạ Chúa làm. Cho mọi người. Như trình thuật hôm nay, còn ghi đậm.

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu ghi rõ về một sự lạ. Sự lạ thánh nhân ghi, là ý nghĩa việc Chúa làm vào thời ấy. Rất lạ. Sự việc thánh sử ghi, thấy cũng lạ: “Nghe tin ấy, Ngài lánh khỏi nơi đó”. (Mt 14: 13). Ngài tránh, không phải để chối từ mọi nghịch chống, đối kháng. Hoặc khổ đau. Mà là: “đi thuyền đến nơi hoang vắng, riêng biệt” (cạnh hồ) (Mt 14: 13b). Và, “ra khỏi thuyền Ngài nhìn đoàn người đông đảo, thấy mà thương.” Chạnh lòng thương, Ngài đã chữa lành cho họ.

Với Tin Mừng thánh Mác-cô, việc chạnh lòng thương khiến Chúa “lên tiếng dạy họ nhiều điều” (Mc 6: 33). Chúa chữa lành, được hiểu như việc Ngài dạy cho dân biết mục tiêu Ngài nhắm, là: tái tạo mọi người thành một tổng thể, xác và hồn. Là, tỏ rõ công trình cứu độ, Ngài thực hiện.

Vấn nạn đặt ra hôm nay: chúng ta đáp ứng thế nào với lời gọi mời “chạnh lòng thương”/“giùm giúp chữa lành”, Chúa gửi đến? Vấn nạn, đâu chỉ nơi hành động của thầy Lêvi - tư tế, trên đường Giê-ri-khô, hôm trước. Hành động, quên cả người bị nạn, “sõng soài trên vũng máu”. Vấn nạn, nay mời gọi mọi người, lạ cũng như quen, biết đáp ứng tinh thần “chạnh lòng thương”. Biết chuyển biến tinh thần ấy thành hành động.

Đáp ứng lời mời gọi thương yêu giùm giúp, thật không dễ. Vì tính chất đa dạng, khó khăn khi đáp ứng. Có người đặt mọi trọng tâm vào chính mình, trước đã. Đặt trọng tâm nơi mình, sẽ chẳng làm sao có được đức tính “chạnh lòng thương”, những người khác. Rất lập lờ. Không đáp ứng. Bởi, nếu biết đáp ứng, sẽ gây ảnh hưởng gián đoạn mọi chương trình, mình đã tính. Có người cũng đáp ứng đấy, nhưng miễn cưỡng. Sơ sài. Vì kiệt sức. Hoặc, không quen. Tóm lại mọi điều, đều thấy khó. Khó thực hiện. Khó thích nghi, với thói lệ thông thường. Của mỗi người. Trong cuộc sống hằng ngày.

Có người, nhất định chối từ tỏ bày “lòng thương yêu/giùm giúp”, vì nghĩ mình chẳng có gì để cho. Đâu có gì đáng giá, để giùm giúp. Hoặc, vẫn nói: “đã muộn rồi”, “con chỉ vỏn vẹn có năm cái bánh và hai con cá”, làm sao cho. Chúa khác hẳn, Ngài vẫn dạy đồ đệ Ngài hãy tự tin. Ngài cứ hối thúc các thánh biết sẻ san, dù một chút. Chính nhờ thế, “ai nấy đều ăn và được no nê” (Mt 14: 20).

Ngước nhìn trời, Ngài dâng lời chúc tụng, là cử chỉ Chúa hướng về Cha Ngài. Là, động tác chúc tụng ngợi khen. Ban phép lành trên của ăn. Là, thực hiện động tác san sẻ bẻ bánh, cho môn đệ. Bảo ban các thánh, hãy dấn bước mà cho đi. Phân phát.

Người ta thu lại được 12 giỏ đầy, khi đã no nê tràn đầy. Ai cũng no. 12, là con số ám chỉ số lượng chi tộc Israel. 12, là con số các chi tộc được 12 thánh tông đồ luôn chăm sóc. Chăm nom - săn sóc, như thành phần công tác cho Israel, dân rất mới. 12 nguồn chăm sóc, xuất phát từ lòng độ lượng Chúa ban. Ban cho hết mọi người, không riêng gì Israel, thôi.

Số người ăn, có tới năm ngàn, không kể đàn bà và trẻ con, theo các nhà chú giải, số người được ban cho của ăn hôm ấy, có thể lên đến hai ba chục ngàn. Số người đây, phản ánh cảnh tình Do Thái vào các năm lưu lạc, nơi sa mạc. Năm tháng, đầy sữa bánh những là dầu, thời Cựu Ước.

Thức ăn Chúa ban, tượng trưng cho việc Ngài ban phát gửi đến dân con nhà Đạo được no đầy, ơn giùm giúp. Sự lạ “được no đầy ơn giùm giúp”, tự thân, tượng trưng cho Tiệc Thánh thể, ta mừng kính. Tiệc thánh Thể, là tiệc sẻ san đoàn kết, qua bẻ bánh. Sẻ san ân huệ Chúa ban, gửi đến cộng đoàn tình thương, vào buổi tiệc. Tiếc một điều, là: ở nhiều nơi, Tiệc Lòng Mến Thánh Thể chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, khá trống rỗng về thực tại ta đang có.

Nếu Chúa quan tâm đến mọi người, thì tại sao trên thực tế, nhiều người vẫn chưa thực thi điều Ngài mong muốn? Sao vẫn còn, nhiều kẻ đơn côi, đói khát, vô gia cư, không tìm được nơi bảo bọc, giùm giúp? Như ở bài đọc 1, sao vẫn có vần thơ đầy khuyến khích, từ vị ngôn sứ: “Hãy đến cả đi, hỡi những người đang khao khát, nước sẵn đây! Dù không tiền, cứ đến lấy mà dùng. Cứ mua rượu mua sữa, chẳng cần mất đồng xu.” (Is 55: 1).

Đáp ứng cho vấn nạn, cộng thêm nơi đây lời ngôn sứ: “Sao phung phí bạc tiền vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng chắc dạ, no lòng?´(Is 55: 2). Lời ngôn sứ, đây muốn nói: hãy chi tiêu bạc tiền cách nào để ta có thể nuôi dưỡng người túng thiếu, kẻ nghèo hèn khiến họ no nê, đầy ắp. Đáp ứng nhu cầu, không chỉ những đáp và ứng cho riêng mình. Để mọi người hiểu rõ, ngôn sứ còn thêm: “Hãy chăm chú nghe lời ta, các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” (Is 55: 2).

Bài đọc 2, Phao-lô thánh-nhân nhắc giáo đoàn ở Rôma, nhớ thật rõ: “Không gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Dù, có là gian khổ, đói rách, hiểm nguy bắt bớ, lẫn giáo gươm? Trong mọi thử thách, ta toàn thắng là nhờ Đấng đã yêu mến ta.” (Rm 8: 35).

Nói chung, 3 bài đọc hôm nay, đều qui về mấy điểm, sau đây:

*Chúa thực sự quan tâm chăm sóc dân Người. Ngài ban đủ mọi thứ. Cho mọi người.

*Thăng trầm cuộc sống, dù có là cảm xúc, linh đạo, xác thể hay vật chất; dù cuộc sống trở thành bi hài kịch nhiều màn, dù cho đó là thiên tai không thoát khỏi, cũng không nên cản ngăn/kình chống tình thương yêu Chúa đùm bọc. Mọi việc xảy đến với cuộc đời, là để ta tăng trưởng trong cảm nghiệm. Tăng trưởng và nhận thức được đâu là hạnh phúc đích thực. Đâu là bình an, cần phải có.

*Quan tâm chăm sóc Chúa phó ban, là để ta thực hiện như một trọng trách khẩn thiết. Khổ đau nơi con người, là do đồng loại mình tạo biến. Chúa nuôi sống mọi người, Ngài không trực tiếp để dân ăn uống, những no say. Nhưng làm thế, Ngài vẫn dùng bàn tay hợp tác của mọi dân con đồ đệ. Ngài vẫn làm và chỉ làm, mỗi việc thiện. Ngài làm mỗi việc thiện, thế mà vẫn có nhiều người hằng than trách. Than và phiền, rồi đổ lỗi cho Ngài. Cho người khác. Thật ra, gán đổ mọi khó khăn/phiền trách cho người khác, là việc dễ làm. Bởi, người người vẫn quan niệm: khó khăn kia, là của người khác. Do anh. Do chị mà có. Nào đã do tôi.

Và, trình thuật việc lạ “Chúa ban phát” hôm nay, còn là ý nghĩa đích thực của Tiệc Lòng Mến Thánh thể, ta cử hành hằng tuần. Rất thân thương. Trang trọng. Cử hành Tiệc, để ta sẻ san tình thân thương như Chúa. Với Chúa. Với người anh người chị, ở gần quanh. Ngõ hầu, ta có thể chuyển tải lòng thương xót Chúa, đến mọi người. Là Thiên Chúa của tình thương yêu đùm bọc, bao giờ Ngài cũng mong mỏi ta sẻ san hợp tác, để làm chứng cho mọi người thấy Ngài hằng thương yêu ta. Thương rất mực. Yêu không mệt mỏi.

Trong hân hoan nhận thức lòng thương yêu của Chúa, ta cứ vui hát lời ca vang, thưở trước:

“Đi, đi mau rồi tới nơi

Đất trời còn đen tối

Theo tâm tư tìm gió khơi

Đã thấy mặt trời soi

Anh ơi ! Chuyện này

Đây câu ruộng cầy

Anh em trong một ngày

Chung vai vơi thù ai.” (Phạm Duy – Lữ hành)

Cứ lữ hành mà đi. Đi mau. Sẽ thấy mặt trời vẫn soi sáng chiếu rọi, để chung vai. Không thù ai. Không quên một ai. Bởi, “gió trùng dương vang vọng khúc tình ca. Hoà với sóng điệu thiết tha êm ái”. Thiết tha, cả một đời. Có ta. Có Chúa, luôn thương yêu. Đỡ dần. Hết mọi người.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh.

Mai tá diễn dịch.

Sunday 20 July 2008

“Bỏ quên giấc mộng ngây ngô thuở nào”

Ngẫng đầu hỏi trời cao thăm thẳm
Kiếp dã tràng sao lắm truân chuyên
Mong em vơi bớt ưu phiền
Cho đầy hạnh phúc tơ duyên một đời

(dẫn từ thơ Trường Phong)

(Mt 13: 44-52)

Hỏi trời cao, nhà thơ chỉ hỏi về kiếp dã tràng sao lắm truân chuyên. Hỏi nhà Đạo, có hỏi cho nhiều chắc cũng chỉ hỏi về ý nghĩa của dụ ngôn. Dụ ngôn người hỏi, là lời Ngài dạy về Nước trời. Về, kho tàng giấu dưới ruộng. Nhưng, kho quý Nước Trời, lại là trọng tâm trình thuật bàn, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, là đoạn cuối chương 13 Tin Mừng thánh sử tập trung vào dụ ngôn Nước Trời. Như tuần trước, dụ ngôn hôm nay là nhận biết Chúa. Sống đích thực Lời Ngài dẫn dụ nơi Tin Mừng. Nhờ vào Tin Mừng, ta mới hiểu và mới biết. Biết đi vào hiện thực ý nghĩa của sự sống. Biết nắm bắt những gì là quan yếu, ở đời thường.

Ở đầu truyện, Chúa sánh ví Nước Trời như kho tàng được chốn giấu ở trong ruộng. Với người Do Thái thời của Chúa, khắp nơi chưa có ngân hàng để gửi gắm tiền vàng, đồ quý, người dân thường ở huyện chỉ biết gửi gắm của cải quý báu vào những nơi không ai có thể dò tìm: những ruộng ngút ngàn rất nhiều thửa. Những chinh chiến lẫn binh đao ập tràn, khiến người chôn giấu bỏ của chạy lấy người. Để đến khi quay trở về, đất đai ruộng nương bị phát giác/chiếm giữ, đành mất không.

Ở dụ ngôn, có ám chỉ là khi đã nhận ra rằng Đức Chúa còn quý hơn vàng bạc châu báu, người người sẽ hiểu là mọi chuyện khác đều trở nên thứ yếu, không quan trọng. Nay chỉ cần có Ngài là đã đủ hầu thực hiện Lời, trong cuộc sống. Cuộc sống thân thương trong cộng đoàn, như Phao-lô thánh nhân từng quả quyết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và coi tất cả như rác rưởi, để chỉ được Đức Kitô.” (Pl 3: 8)

Dụ ngôn thứ hai, cũng tương tự như câu truyện đầu, chỉ khác một điều là: nhân vật được kể trong truyện, không cố ý kiếm tìm kho tàng cất giấu trong ruộng, để đào xới. Anh bất chợt khám phá ra kho tàng cất giấu khi lam lũ cày bừa và vun xới. Đây, chính là hình tượng nói về Đức Giê-su. Ngài đến với ta, cũng hệt một kiểu như thế. Khi đến, Ngài chỉ đến rất bất chợt. Chỉ theo cung cách thường tình, gặp thấy trong ngày thường. Đấy chính là kinh nghiệm của nhiều người khi tìm gặp Chúa. Tìm trong ưu tư. Gặp lúc bất chợt, đột xuất. Và đây lại là ý niệm chính được kể nơi truyện sử, thánh Mát-thêu đã viết.

Dụ ngôn kế tiếp, kể về nhân vật chính trong truyện đích thân kiếm tìm “ngọc quý”. Anh bỏ công sức nghị lực ra để tìm gặp cho bằng được. Ở cuộc đời, thực tế là dù ta đã được thanh tẩy vẫn chưa là hoàn tất. Vẫn cứ nên đeo đuổi kiếm tìm ý nghĩa đích thật của Phúc Âm, trong cuộc sống. Bởi, Lời hằng Sống Phúc Âm dường như nay biến khỏi nơi tâm can con người, quá bận rộn. Hãy biết cảm thông hơn. Yêu nhiều hơn. Phục vụ nhiều hơn.

Bài đọc 1, sách Các Vua diễn tả tâm trạng của những người cùng một bối cảnh. Như vua Salômôn. Và, câu hỏi của Đức Chúa chuyển đến Salômôn, vẫn là câu vấn nạn Ngài gửi đến với hết mọi người: “Cứ xin những gì ngươi muốn Ta ban cho” (1V 3: 7). Và hôm nay, lời đáp trả của dân con ngoài Đạo, cũng vẫn là tiền bạc. Là, của cải/đồ châu báu hoặc an toàn vật chất. Trong khi đó, Salômôn, chỉ xin có mỗi: “tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.” (1V 3: 9). Tức, khôn ngoan.

Salômôn chẳng cần đến giàu sang phú quý. Vua cũng chẳng mê chuộng quyền hành, dù tất cả đã đến với vua. Vua chẳng xin có được nhiều thứ. Cả đến việc xin Chúa cất đi những rào cản cuộc đời. Điều vua cần, là: khả năng được nhìn. Được thấy. Nhìn và thấy, là chủ đề trải dài suốt Phúc Âm. Rõ ràng, Phúc Âm nói nhiều đến người mù được nhìn thấy, có khôn ngoan. Được nhìn thấy và khôn ngoan, là có được khả năng có được những gì mình cần. Cần giáp mặt mọi tình huống của cuộc đời. Tình huống buồn vui, dễ chịu. Hoặc sầu khổ.

Khôn ngoan nơi Salômôn, còn là điều vua biết thưa với Chúa: “Xin cho tôi tớ Chúa đây, tâm hồn biết lắng nghe.” Và vì thế, Đức Chúa phán: “Bởi, ngươi đã xin điều đó, ngươi không xin sống lâu, hay được của cải; cũng không xin cho kẻ thù mình phải chết; mà lại xin cho được khả năng phân biệt để xét xử. Thì này, Ta làm theo lời ngươi: Ta ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến mức độ trước ngươi chẳng ai sánh được; và sau ngươi, cũng chẳng ai bì kịp.” (1V 3: 10-11).

Lời Chúa nói, mới là của cải/vàng bạc/châu báu, cất giữ trong ruộng. Là, ngọc quý mà các vị đại gia mải kiếm tìm, để phòng thân. Và, khả năng biết nhìn thấy/lắng nghe, chính là những gì khiến cho cửa ngõ Nước Trời, được rộng mở. Là, tình thương yêu đùm bọc cần phải có giữa các thành viên trong cộng đồng thế giới. Là, tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Tình thương - tương quan ấy, nay đem lại hạnh phúc và bình an đến với muôn dân. Đây mới là sự thật, cần tìm kiếm. Bởi nơi đây, vẫn hiện diện tình thương yêu đùm bọc. Có tự do. Có an hoà.

Tự kiểm điểm, người người sẽ thấy mình hằng chạy theo của cải vật chất, với bạc tiền. Chạy theo cả những vui thú/địa vị, trong xã hội. Chính vì thế, người người cứ bị khoá chặt vào quá khứ. Một quá khứ dầy đặc nhung nhớ, với tiếc thương. Hết tiếc nhớ quá trình đầy bận tâm, lại lo toan ước muốn tương lai xa vời, không thể có. Trong khi đó, hiện tại mà ta cần trân quý vẫn cứ trôi nhanh, lỡ hỏng. Vì lỡ hỏng, ta chẳng thể nào tìm gặp được kho châu báu đích thực, khó tậu được. Và, ngọc quý có giá trị vĩnh cửu kia, ta càng khó có thể bắt gặp.

Điều này đưa dẫn người đọc đến đại ý của dụ ngôn cuối truyện. Hai dụ ngôn đầu Chúa đề cập, nói lên quyết tâm và ý hướng phục vụ. Quyết tâm và ý hướng, của những người bước theo chân Chúa. Dụ ngôn cuối truyện, dẫn đưa ta về với thực tại cuộc sống. Thực tế cho thấy, không nên quá lý tưởng mà tạo cho mình tính khí tự mãn, tách rời. Tự mãn ở điểm, cứ tự cho mình, cộng đoàn Giáo hội là nhất. Là, dân con được tuyển. Ngoài người mình ra, tất cả đều thấp kém. Thua thiệt.

Dụ ngôn hôm nay, còn nhắc thêm một điều: Nước Trời Hội thánh tràn ngập đủ loại người, sang hèn. Thấp cao. Giáo hội Chúa là Hội giáo của các thánh nhân. Và, cũng là của kẻ mắc phạm. Đầy lỗi lầm. Giáo hội Chúa, vẫn được Tin Mừng nhắc nhở bằng những câu: “Cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là kẻ đau ốm! Ta đến không phải để gọi những người công chính, mà kẻ tội lỗi.” (Mc 2: 17). Vai trò của giáo hội, là đưa dẫn, đón nhận vào lòng mình “người nghèo hèn, đui mù, tàn tật, què quặt” (Lc 14: 21), như Thầy dặn.

Với bài học dụ ngôn, “vương quốc” Giáo hội như lúa tốt lẫn trộn với cỏ lùng. Là bao gộp, cả người lành lẫn kẻ có lỗi. Vẫn còn đó, thái độ trịch thượng của những người cho mình là cao sang, chỉ tìm cách tách rời cỏ lùng, cá tạp, loại đồ bỏ. Lời Thầy còn đó, vẫn nhắc nhở: việc Chúa sàng lọc sẽ được thực hiện vào đúng thời, đúng buổi. Của Ngài. Trong trông chờ ngày ấy, việc của ta là: khoan dung, độ lượng. Độ lượng, để cảm thông, thương yêu những người còn xa vời đòi hỏi của Phúc Âm. Của Vương quốc Nước Trời.

Trong học hỏi ý nghĩa của ngụ ngôn, cũng nên nhớ: vẫn thấy ở nơi ta còn có những người chưa biết hoà trộn tốt/xấu, sang/hèn, giàu/nghèo trong cộng đoàn. Giả như ta thấy là: có nhiều người còn bị phân cách, tách rời ở ven biên cộng đoàn, hãy cứ tự nhủ để cùng nói với thánh Âu-tinh, câu để đời: “Vì ân sủng của Đức Chúa, tôi sẽ ra đi đến với họ.”

Phán đoán là chuyện để sau sẽ tính. Ngay giờ đây, chỉ nên toan tính có một điều: đã đến lúc để ta ra đi mà kiếm tìm vàng bạc/châu báu có giá trị to lớn, là quà tặng Chúa gửi để cùng với Đức Giê-su biết nhận ra, đâu là kho tàng đích thật. Là, trân châu ngọc quý. Và, giúp người khác cũng biết kiếm tìm, hệt như thế.

Trong lo toan kiếm tìm ngọc quý, ta cứ hân hoan ra đi và vui hát. Hát lời người xưa, mà rằng:

“Tìm một miếng đất cho gã si tình

Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh

Miếng đất cát hoang, miếng đất ngay bên giáo đường

Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương.” (Phạm Duy – Giàn Thiên Lý Đã Xa)

Vâng. Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương. Tiếng hát của những người cứ “ngẩng đầu hỏi trời cao thăm thẳm”. Và, những người “bỏ quên giấc mộng ngây ngô thuở nào”. Giấc mộng ngày nay, không còn ngây ngô nữa. Nhưng là, “hạnh phúc tơ duyên một đời”. Đời của người. Của mình.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Sunday 13 July 2008

“Chợt mơ ước chiều mưa về chốn cũ.”

Giữa hiu quạnh, chiếc lá vàng ủ rũ,
Trãi mấy mùa chờ đợi phút phân ly,
Giọt mưa về đưa tiển một người đi,
Thêm nặng trĩu cuối đoạn đời lưu lạc.

(dẫn từ thơ Thanh tâm)

Mt 13: 24-43

Có ước mơ mưa nhiều về chốn cũ, thì nhà thơ hôm nay cũng chỉ thêm trĩu nặng, đời lưu lạc. Có lưu lạc một đời những thơ văn, thì dân con nhà Đạo cũng sẽ tìm ra ý nghĩa cuộc đời, nơi dụ ngôn Chúa dạy hôm nay.

Trình thuật dụ ngôn hôm nay, có những giòng thơ đầy ý nhạc. Giòng thơ văn, thánh Mát-thêu ghi thêm về Nước Trời. Nước Trời mà thánh sử ghi, là thế giới thân thương Chúa muốn thấy nơi con người. Ở trần gian. Bây giờ. Như ta vẫn nguyện cầu qua lời Kinh: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Trời, là từ ngữ mà thánh sử Mát-thêu dùng riêng cho cộng đoàn Do Thái để chỉ về Đức Chúa. Bởi, người Do Thái không thích kiểu gọi thẳng tên Đức Chúa Trời. Vì thế, “Trời” còn được diễn tả bằng cụm từ “Thiên đường” hay “Thiên đàng”, là lối “nói trại” mà người bình dân có thói quen hay dùng, vào thời đó. Thánh sử Mác-cô thì khác. Mác-cô thánh nhân viết cho người đọc thuộc tầng lớp không có những khúc mắc như thế. Nên, thánh Mác-cô dùng thẳng cụm từ: “Nước của Thiên Chúa”.

“Nước” hay “Vương quốc”, không diễn tả nơi chốn địa dư, ở đây hay ở đó. Bên tiếng Hylạp, cụm từ basileia thường được dịch ra thành “triều đại”, “vương quyền”, hay “quyền uy thống trị”. Trên thực tế, có bản dịch vẫn hay dùng cụm từ “quyền uy của Đức Chúa”, là để chỉ về “Nước”.

Nước mà thánh sử nói ở đây, trước tiên là môi trường. Là, tập hợp gồm các tương quan/trạng huống nơi có giá trị của Đức Chúa ở vị thế thượng phong. Trên thực tế, đây chính là giá trị nhân bản đậm sâu, phản ánh sức sống của Đức Giê-su, nơi đó có sự thật. Có tình yêu, lòng thương xót, sự công bình; có, ý nghĩa của sự kết hợp với bản vị khác. Nói tóm, là một đúc kết của trạng huống sống ở nơi đó mọi người biết tôn trọng phẩm cách của nhau. Ở đó, ý niệm bản vị con người vẫn gia tăng, phát triển.

Nơi Nước Trời, mọi người, với tư cách cá nhân hay tập thể, vẫn đích thực sống các giá trị ấy cùng lúc với Đức Giê-su, trong Vương quốc của Thiên Chúa. Ở Nuớc Trời, mọi người sống liên kết với quyền uy thống trị của Đức Chúa bằng cách dựng xây một thế giới mà mọi người muốn có. Là thứ gì, chúng ta sống cho ở đây. Lúc này. Căn bản, thì đây là đặc trưng ơn gọi của Hội thánh. Của mỗi cộng đoàn giáo xứ. Mỗi thành viên của cộng đoàn mình.

Cũng thế, ta cần nhận ra rằng Vương quốc và Hội thánh không cùng đi đến điểm tận cùng. Vương quốc Nước Trời còn trải dàn cả ngoại vi Hội thánh nữa. Quả là, nhiều người có lẽ không công khai biết đến Đức Kitô hoặc bầy tỏ lòng trung thành với Chúa. Nhưng vẫn sống lý tưởng và các giá trị của Vương Quốc Ngài trong cuộc sống. Đặc trưng hơn cả như Mahatma Ghandi, là ví dụ cụ thể.

Ngược lại, có lẽ cũng nên nói: ta không thể nói mình thuộc về Vương Quốc của Chúa chỉ vin vào mỗi việc là đã được thanh tẩy. Không chỉ cậy rằng mình là thành viên Hội thánh, là đã đủ. Nhưng, còn phải chứng minh cho Nước Trời bằng yếu tố hữu hiệu trong cuộc sống thường nhật.

Cỏ lùng, nói ở trình thuật hôm nay, là một trong ba ảnh hình của Vương quốc đang hoạt động nơi chúng ta. Vương quốc của Chúa rõ ràng kêu gọi mọi người có lòng đại độ, lý tưởng. Đại độ, nơi biện pháp khoan dung, kiên nhẫn và cảm thông biết rằng Vương quốc của Ngài đang trở thành hiện thực. Xã hội ta sống đang biến cải từ từ thành cộng đoàn tương tự như Vương Quốc. Tương tự, không có nghĩa là mình hơn hẳn nguời khác có cùng niềm tin vào Đức Chúa. Nhưng, phải là đồng hàng. Và đồng hành.

Dụ ngôn hôm nay, còn nói: người nhận thức được giá trị cuộc sống của Đức Chúa, còn phải chung lưng mà sống với mọi người đang có cuộc sống khác biệt. Tức, những ai chưa san sẻ cùng một niềm tin, biết Chúa. Sống khác biệt, không chỉ quanh quẩn giữa những người có tin hay không tin Đức Kitô, mà cả những người đã tin, đang sống trong cộng đoàn nữa.

Quả thật, Giáo Hội của Chúa vừa thánh thiện, vừa dễ sa ngã lỗi phạm. Nếu ta bảo, cộng đoàn Giáo hội ta là một đặc trưng khác với mọi cộng đoàn khác chưa tin. Nói thế chưa hẳn là đã nói sự thật. Bởi, ta vẫn được bảo: không phải là những nguời lành mạnh mới cần đến vị Thầy thuốc tuyệt hảo là Đức Kitô, nhưng là những kẻ phạm lỗi hoặc dân thu thuế.

Đi xa hơn, mỗi người chúng ta vẫn là một tổng thể gồm cả cỏ lùng, lẫn lúa tốt. Mỗi người, đều vừa là thành tố của Vương quốc Nước Trời, vừa là kẻ kình chống/khích bác, mạnh hơn ai. Phao-lô thánh nhân cũng đã nhận ra sự xung khắc chiến đấu ấy ngay nơi chính con người mình (Rm 7: 21-25).

Thành thử, nghe dụ ngôn Chúa dạy, ta cũng nên học biết nhân nhượng với chính sự yếu kém, của chính mình. Bởi như thánh Phao-lô, chính qua sự yếu kém này, Chúa mới được tôn dương: “Bởi quyền năng trong yếu đuối mới viên thành.” (2Cr 12: 9). Thành ra, Vương quốc Nước Trời không suông sẻ qua tiến trình gọn nhẹ, đẹp đẽ. Nhưng, bằng vào kinh nghiệm đổi thay/cải biến, của mỗi người.

Dụ ngôn tiếp, nói về đặc trưng khác của “Nước”. Ảnh hình hạt cải biểu trưng công việc của “Nước” khởi đầu, chỉ rất nhỏ. Như, kinh nghiệm rất mới của Hội thánh do Đức Kitô thiết lập. Như, bước đầu của trào lưu mang ảnh hình “Vương Quốc Đức Chúa”. Trào lưu ấy, khi đã bắt rễ nơi Hội thánh, sẽ gia tăng phát triển, như thường lệ. Đây, là truờng hợp Giáo hội ở các xứ truyền giáo, rất mục vụ. Thuở ban đầu nào, cũng có ngăn cấm. Có bách hại. Có biện pháp tẩy chay, xua đuổi. Nhưng, với thời gian và có Ngài ban sức, cỏ lùng chống đối đã nhường chỗ cho Sự thật, Tình yêu và sự Công chính.

Dụ ngôn cuối, là về men trong bột. Là, ảnh hình của Hội thánh nơi cộng đồng nhân loại. Hội thánh phải nằm trong, là thành tố vực dậy môi trường. Là, năng lượng sản sinh nhiều ảnh hưởng giúp gia tăng, mọi lãnh vực. Lãnh vực nào, cũng phản ánh sự vui sống của cộng đoàn thân thương có Chúa ở cùng. Và, ở với.

Tựu trung, ba dụ ngôn hôm nay đưa ra ảnh hình đặc trưng rất lạ về Vương Quốc Nước Trời vẫn triển nở trong ta. Cộng đoàn dân Chúa hôm nay, trộn lẫn kẻ xấu người tốt hỗn độn lúc ban đầu. Người luôn kình chống khích bác, khó ngồi yên. Dù nhỏ bé, nếu cộng đoàn Ngài biết một lòng trung thực với Vương Quốc, chắc chắn là ta sẽ vượt thắng mọi trở ngại, khó khăn và hiểm nghèo vẫn thường thấy.

Cộng đoàn Nước trời hôm nay, tuy nhỏ bé, vẫn có khả năng lớn mạnh trong yêu thương nhường nhịn, ngõ hầu quảng bá giá trị, Chúa vẫn khuyên.

Trong hân hoan quảng bá các giá trị ấy, ta hiên ngang dấn bước về phía trước mà truyền rao:

“Kìa chim, hót vang tưng bừng trên cây

Mà lòng người như, bay vút tới ngàn mây

Theo gió, ra đi phiêu bạt tháng ngày

Gieo khúc yêu đời, tràn lan đó đây.

Cùng hát, vang lên trong trời hôm nay

Dù rằng đường đi, xa tắp đến ngày mai

Ta đi hương thơm trên đồng thắm tươi

Lúa với muôn nơi còn mãi nhịp sống vui

Chim ca, chít chiu là vang, chít chiu khắp trời bao la

Cùng nhau ta vui ca lên

Ðó đây, đó đây đón chào, vui chào vui đón ánh sáng

Ánh sáng chiếu khắp phương trời xa.”

(Phạm Đình Chương–Ra đi khi trời vừa sáng)

Khi ánh sáng dụ ngôn chiếu khắp phương trời, mơ ước chiều mưa sẽ không về chốn cũ, nữa. Và, chim chóc, lòng người cứ thế hát vang trong trời hôm nay. Trời, là trời mới. Là, Nước Trời thân thương. Yêu đời. Thắm tươi.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai tá diễn dịch.

Monday 7 July 2008

“Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé”

hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ

hạt răng đều chới với đứa ngồi trông

thơ học trò anh gieo vần tuyệt kỹ

thơ học trò, anh thổi ấm gió tàn đông.”

(dẫn từ thơ Nguyễn tất Nhiên)

(Mt 13: 1-13)

Ở đời thường, nhà thơ cứ mải gieo đôi vần tuyệt kỹ, với học trò. Nơi nhà Đạo, vị thánh sử luôn viết dụ ngôn kỳ bí, cho muôn người. Dụ ngôn “người gieo giống” hôm nay có những lời dạy, rất nên thơ. Không kỳ bí. Vẫn rất thực. Thơ hay thực, đều nói lên tình Chúa rắc gieo cho muôn dân. Nơi cuộc đời. Trình thuật hôm nay cũng nói đến vãi gieo, gói ghém cả một dặn dò đầy ý nhị, từ Đức Chúa.

Trình thuật, thánh Mat-thêu hôm nay ghi rõ một tình tự. Tình tự thẩm thấu tin – yêu, khi Thầy dạy dỗ bằng dụ ngôn. Dụ ngôn Thầy dạy hôm ấy, gồm tóm những 3 điểm: lời ẩn dụ, thời giải khuây và ý quảng diễn. Ý quảng bá lời diễn giải hôm nay Thầy nhấn mạnh, là về thành quả Lời được gieo vãi, cho mọi người.

Lời Thầy dạy, kết nối với vần thơ Isaya-ngôn-sứ, nói hôm trước. Ở cả hai Lời, người đọc đều biết rõ: Đức Chúa vẫn san sẻ sự viên mãn của Ngài gửi đến với mọi người chúng ta. Lời, không làm ai thất vọng. Lời, là chính công việc Ngài làm, được so và sánh: “như mưa sa cùng tuyết xuống, sẽ không trở về nếu chưa thấm xuống đất.” (Is 55: 10).

Với Tin Mừng Mátthêu- thánh-sử, cả chương đoạn 13 thần thiêng thánh hoá đều hàm ngụ “Dụ Ngôn Nước Trời” bằng nhiều hình thức. Có hình thức qua đó Chúa nói ngay từ ban đầu, Nước Trời tựa như “kho tàng giấu dưới ruộng” (Mt 13: 44), hoặc như “ngọc quý đắt giá, thương gia tìm..” (Mt 13: 45). Khi phát hiện được ngọc quý là Lời, người người sẽ bỏ tất cả, để ra đi trở nên thành phần của “Nước Chúa”. Thành phần, của Nước Trời thể hiện nơi cộng đoàn của Chúa, ở trần gian.

Có thể bảo, toàn bộ Lời kinh sách rất thánh của Chúa không chỉ mỗi Lời xuất từ miệng Ngài mà thôi. Nhưng Lời luôn viên mãn ở nơi hành động. Có sáng thế. Có tạo dựng. Chính đó là Lời sống động. Lời, tựa hạt mầm của sự sống. Lời, nay hiện diện trong kinh nghiệm ở cuộc đời. Kinh nghiệm của mỗi người. Dù, kinh nghiệm ấy có là vui sống, hay đời buồn. Dù thành công hay thất bại. Dù mang sắc mầu hài hoà viên mãn hay khổ tâm. Vẫn là Lời.

Rõ ràng, ta chỉ có thể sống với Lời qua Đức Chúa. Bởi, Ngài là Lời đã nên xác phàm. Lời nhập thể (Yn 1: 14). Nhập, cả nơi nào Lời được nói ra. Vào, những gì Lời đã làm. Tất cả, đều chuyển tải chính bản thể Thiên Chúa đến với ta, qua Đức Kitô. Chuyển tải, không chỉ nhờ giáo huấn của Ngài, mà thôi. Nhưng, vào cả cuộc sống trọn vẹn của Ngài. Trọn vẹn, cả vào năm tháng Ngài ẩn dật ở làng xã Na-da-rét. Trọn vẹn, đời công khai rao giảng. Công khai rao Lời, cho đến chết. Để rồi, Lời cũng đã sống lại.

“Hạt rơi trên sỏi đá” nói ở đây, chính là đá-sỏi-cát-sạn ở đầu óc của dân con, đồ đệ. Những người từng nghe biết cuộc sống và sứ vụ Thầy cưu mang, cả vào những lúc tưởng chừng như Ngài đã thất bại, rất suy sụp. Cả vào khi, Lời tưởng như bị ngộp, rất chết ngạt. Chẳng thể đâm hoa kết trái. Chẳng làm sao trực chỉ tâm can con người. Chính cả vào lúc đó, Lời vẫn như hạt lúa được “gieo xuống đất để rồi chết đi!” (Yn 12: 24), Lời đã bén rễ, nơi lòng người. Khởi đầu như mầm hạt nhỏ bé, như dúm men trong bột, Lời đã tăng trưởng mạnh, bất chấp mọi xung đột - trở ngại. Tranh chấp.

Ở bài đọc 1, ngôn sứ Isaia có nói trước: “Lời Ta cũng vậy, khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta trao”. (Is 55: 11). Kết hợp lại, ý và Lời của Isaya-ngôn-sứ nói tiên tri, thì “Nước Thiên Chúa” không hề thất bại, nhưng đã thành công. Vì, được thiết lập trên nền tảng vững chãi. Chính vì thế, Ngài đã nói thêm: “Ai có tai, hãy nghe.” : “Nhiều người công chính đã mong được thấy điều anh em đang thấy, mà không được; muốn nghe điều anh em đang nghe, mà chẳng được nghe.” (Mt 13: 17).

Trong bối cảnh cộng đoàn tiên khởi, Tin Mừng thánh Mát-thêu chừng như ám chỉ riêng về các vị trong Hội thánh ban sơ từng chối bỏ Đức Chúa. Thật sự, Tin Mừng áp dụng cho tất cả các vị nào từng bịt mắt che tai, để không nghe, không thấy, vì có sẵn thành kiến. Đã biết sợ.

Chỉ thằng vào môn đệ và những người theo Ngài, Đức Giê-su nói: “Phúc cho mắt của anh em vì được thấy, tai của anh em vì đã nghe!” Nhiều người cùng sống vào thời của Chúa, cũng từng thấy và nghe nhưng chẳng khi nào có được vinh dự của người theo Chúa. Ngày nay, động từ chính yếu là “nghe” trong kinh thánh chứa đựng đến 4 yếu tố rất quan trọng:

*nghe bằng tâm tư rộng mở, vô điều kiện (“phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Chúa”).

*hiểu những gì mình nghe biết.

*chấp nhận và thích ứng những gì mình đã hiểu

*Đi ngay vào hành xử, khi đã chấp nhận và thích ứng.

Tựu trung, con người chúng ta có thể lắng tai nghe, nhưng không hiểu. Có thể hiểu, nhưng không chấp nhận. Rất dễ chấp nhận, nhưng lại chẳng thực thi. Cả bốn tác động, đều là bốn trạng thái cần thiết. Rất trọn vẹn.

Những điều ở trên, dẫn thẳng đến phần thứ ba của trình thuật. Tức, phần dẫn giải dụ ngôn ở mức độ nghe nhìn khác nhau.

*Có hạt rơi xuống vệ đường, tức nơi không có đất. Hạt mầm rơi như thế, không có triển vọng bắt rễ. Bởi, cả tai lẫn mắt đều đóng lại. Chẳng đón nhận Lời.

*Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỉ một lớp đất phủ bên trên. Hạt mầm có thể bén rễ, và tăng trưởng. Nhưng sẽ cháy rụi vì thiếu nước, với sức nóng mặt trời. Tình huống này, chẳng khác nào tâm trạng người theo chân Chúa đã thanh tẩy, có tĩnh tâm, nhiều linh đạo. Cũng phấn khởi chạy đến với Chúa đấy, nhưng vẫn chịu sức ép của ai đó, kiệt dần hơi. Rồi vỡ nát. Nghe thật đấy, nhưng thật tình chẳng mấy lắng nghe. Cũng chẳng hiểu. Chẳng có quyết tâm. Chẳng thật tình.

*Có hạt rơi nơi bụi gại, cỏ dại. Tức, có cạnh tranh. Đây, như giải pháp: “hãy cầm lấy mà ăn”. Nghĩa là, những muốn làm người công chính, nhưng lại vẫn muốn sở hữu đủ mọi thứ mà thế giới coi là điều quan trọng hơn cả. Nhất là, vào khi những thứ ấy nghịch chống lại tinh thần của Phúc Âm. Như thế không được. Ta không thể, vừa muốn phục vụ Đức Chúa. Lại vừa có chủ trương hưởng thụ tiền bạc/vất chất. Chừng như, nhiều người trong chúng ta thuộc nhóm này. Và vì thế, Hội thánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong nỗ lực dựng xây Nước Trời.

*Có những hạt rơi vào nơi đất mầu, đầy triển vọng. Đất mầu ngày nay, là như “người nghe và hiểu được Lời”. Những người đã thành công trong gieo và vãi. Nay, hưởng huê lợi vụ gặt.

Về lâu về dài, tác động Lời của Đức Chúa không thể bị hư mất vì những đe nẹt hù doạ, từ phía xã hội hoặc cộng đoàn. Và vấn đề cuối cùng đặt ra, là: bản thân chúng ta đáp ứng thế nào với Lời? Chối từ đất mầu triển vọng Ngài đã gieo? Không bén rễ sâu nơi lòng đất mẹ?

Đáp trả thế nào đi nữa, thì kế hoạch về Lời phải trọn vẹn thành đạt, tuỳ mỗi người. Tuỳ quyết tâm. Ta có muốn trở nên thành phần của kế hoạch “bén rễ sâu” trong đất mầu đầy viên mãn, của Đức Chúa? Tuỳ thái độ biết nói tiếng xin vâng; hoặc do dự, hay vẫn chối từ. Thái độ của ta, có ra sao đi nữa cũng đừng như các kẻ hiện đang chống lại mọi đổi thay. Những đổi thay tận gốc rễ. Đổi và thay, để rồi sẽ không luột mất cơ hội để Chúa đến với cuộc sống mình, mang theo ý nghĩa của giải thoát. Bình an. Hạnh phúc.

Ngõ hầu đón nhận ơn giải thoát, bình an và hạnh phúc, ta hân hoan hát vang lời ca hôm trước:

“Đi với tôi đến chốn trời xa

Đâu có chi đẹp bằng đời ta

Mặc ngày dần qua nào vang lừng câu hát

Dắt tay nhau về chốn bồng lai

Anh em ta quanh năm

ta vui ta vui ta vui ca

Dưới những ánh đèn hằng ngàn màu sắc với những tiếng kêu òa òa òa

Đó là … Đó là

Một cuộc đời đầy huy hoàng nhạc và thơ xinh như mơ.” (Canh Thân – Đi với tôi)

Vâng. Hãy cứ hát. Và cứ đi. Đi với tôi hay với bất cứ ai đó. Đi đi mà gieo vãi niềm vui. Vào với đất mầu, đầy triển vọng. Triển vọng có “nắng xuân long lanh trong mắt bé”. Triển vọng về một Nước trời hài hoà. Ở trần gian. Với người mình. Ở huyện.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.