Monday 29 May 2017

“Cánh cửa ngang qua thế giới buồn”



Suy Tư Tin Mừng sau lễ Hiện Xuống năm A ngày 04/6/201

Tin Mừng (Ga 20: 19-23)
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

“tống biệt hồng, sang tống biệt đen.
Em mang điệp khúc về đâu đó,
Ta tưởng chừng như giã biệt em.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Thế giới buồn, có phải vì tống biệt hồng/tống biệt đen, người em nơi cánh cửa? Điệp khúc vui, phải chăng em mang về từ đâu đó như giã biệt, từ Đức Chúa? Ngài giã biệt, nhưng thay vào đó, Ngài đã gửi Thần Khí Thánh đến với ta.

Trình thuật thánh Gioan, nay ghi lại cùng một tình tự có giã biệt, thân thương Ngài gửi đến với dân gian, thế giới buồn. Sau ngày Chúa chịu nạn trên thập giá, Ngài trỗi dậy từ cõi chết và thăng tiến về Trời, khiến đồ đệ dân con cứ phân vân không biết sự việc gì rồi sẽ xảy đến, ngay sau đó? Một số vị, quay về với nghề cũ, những thả lưới với buông câu. Có vị, nhớ mình từng gửi Chúa những câu hỏi, rất tương tự. Hỏi thì hỏi, nhưng vẫn chờ câu giải đáp khả dĩ xứng hợp với ưu tư của chính mình.

Thay vào đó, Thày bảo: về với thế-giới-mới, Thầy sẽ gửi Thần Khí đến mọi người, vào thời sau. Và lời Ngài, nay đã thành hiện thực. Tương tự một tình huống trong đó có người thổ lộ: mình lo không biết có đạt chốn thiên đường được không đây? Nghe vậy, Thầy bèn trấn an dân con mình: đừng lo toan/thắc mắc. Bởi, thiên đường tự khắc đến với mình, cũng chóng thôi. Lời Thầy còn nhắn nhủ: đạt chốn thiên-đường thì ai cũng đạt! Ngài lại thêm: Thiên đường mà người người lo không đạt, chưa hẳn là kết cục của thế giới. Bởi, thế giới nay còn những chuyện lớn lao, quan trọng hơn.

Thiên đường mà người đời những mong tưởng, nay xuất hiện ở đây, ngay nơi này, củng rất sớm. Điều quan trọng, là: dân con mọi người phải sẵn sàng kiên trì sống. Tức, chấp nhận qui cách sống đúng sứ mệnh Ngài trao ban. Dù biết Thiên đường là nơi đây vá chốn này. Thế mà, đồ đệ Chúa vẫn không hiểu điều Thầy tỏ lộ. Và, cả ta nữa, chừng như vẫn không hiểu hết điều Chúa tỏ bày cho ta và mọi người.

Nên, Ngài phải nói thêm: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thần Khí, khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv 1: 8) Chính Thần Khí Chúa sẽ giúp mọi người trở nên giống Thầy, khi đạt thế-giới-mới. Vào Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí đến, người người sẽ dùng ảnh hình để nói lên những gì mình cảm nhận, từ Ngài.

Cảm nhận Thần Khí là đón nhận Luồng Gió Mới cực mạnh, nay thổi đến. Như, Lửa Ngọn dũng mãnh tạo sự sống. Như gà mẹ khống chế trạng huống hỗn độn quanh ổ, rồi mới đẻ. Tức, tạo môi trường thích hợp để sinh hạ sự sống mới. Thần Khi đến, là như: sói dữ ở bên chiên lành. Như, nguồn sống tạo yên hàn không bạo lực. Thần Khí đến, bảo đảm cho an bình, thịnh vượng. Cho, niềm thuỷ chung qua nhẫn cưới, ngày hứa hôn. Ngài là Thần Khí, Đấng giúp ta đi vào thế-giới-mới, rất sẵn sàng.

Xuất Hành về với Đất Hứa, dân con Do thái đều đã nhận được lời hứa hẹn đạt thế-giới-mới chốn thiên đường. Chốn Đất Lành miền Canaan, như vẫn gọi. Nhưng trước đó, họ cảm nghiệm một hành trình xuyên suốt, có cột mây che nắng ban ngày. Có, cột lửa soi sáng ban đêm. Và, họ cảm nhận kinh nghiệm có Chúa ở cùng, chung sức sống.

Trong hành trình di rời thế giới cũ về với Thế-giới-mới, Chúa hứa ban không chỉ mỗi đất lành miền Canaan, nhưng toàn thế giới, vũ trụ. Vũ trụ ta, là thiên đường. Có trời đất giao hoà, đầy Thần Khí. Có Năng Lượng Chúa cao cả, nạp cho ta. Cao cả, nhưng Ngài không là con đường rất chung chung, không thể đến. Ngài cho ta nếm trước hương vị của thiên-đường-thế-giới-mới, không phải mây trời hoặc cột lửa; mà là Thần Khí. Chính Thần Khí ấp ủ thế-giới-mới, để nuôi ta. Đó, là sáng-thế nguyên-thủy. Là, Thần Khí đến với mọi người, rất hôm nay.

Thần khí đến với ta. Với từng người. Ngài đến, theo cung cách thế-giới-mới-rất-thiên-đường, với hình thể nhỏ của vũ trụ. Xem thế, tất cả chúng ta là dân con đã được dựng. Dân con của Thần Khí. Xem thế, thì: Thiên-đường-tràn-đầy-Thần-Khí đã đến với ta và ở với ta. Ngài đi vào cuộc sống của chính ta. Và mọi sự nơi ta nữa.

Có thể, có người bảo: đó kìa, những người “sống vô gia cư chết vô địa táng”, đâu như thế. Hoặc tôi đây, cũng chẳng giống vậy. Có thể, có nhiều chuyện vô lý và bi thảm, vẫn xảy đến trên con đường, mình đang sống. Cả nơi khu vực phía sau nhà, nhiều chuyện xảy đến cũng khiến ta khó mà tin. Thánh Phaolô là vị thánh từng trải nhiều về chuyện này, khi thánh nhân bảo: ta là “đền thờ của Thần Khí”, ngay khi thánh nhân còn đang rao giảng ở Côrinthô, kinh đô đồi truỵ của Hy Lạp. Là, vùng cấm địa của Achaia có đền Aphrodite, đền thờ nữ-thần nhục-dục, đầy thác loạn. Nhưng, thánh nhân vẫn nhận biết điều ấy, cũng rất thật.

Suy niệm sự kiện Chúa Về Trời, ta nghĩ ngay đến “thiên-đường”, không theo nghĩa bầu trời, nhưng theo nghĩa thế-giới-mới, Chúa tạo dựng. Và, Đức Chúa cũng từ thế giới này, đến với ta. Ngài tập họp mọi người vào với thế-giới ấy. Ngài gửi Thần Khí đến với ta như dấu ấn mới, rất an bình. Tuyệt mỹ.

Nhưng, làm sao biết được điều ấy sẽ xảy đến? Lấy gì làm bằng để thấy được là: Thần Khí sống với ta? Và, đâu là bằng chứng Ngài ban trước thiên-đường-thế-giới-mới ấy? Xin thưa: bằng chứng, nằm ở cuộc sống rất đẹp, của mọi người. Ở, mối ưu tư/quan ngại về công lý và an bình, khi vẫn còn nhiều người đang bị chèn ép. Áp bức. Ngay chính ta, cũng đã trải nghiệm nhiều nét đẹp của sự sống. Nhưng nhiều lúc, ta và Hội thánh lại quên mất cung cách phải có, để giáp mặt với sự-sống-rất-đẹp. Để rồi, đôi lúc biến nó thành vật vô giá trị. Và, lẩn tránh tất cả những gì là Chân-Thiện-Mỹ, ở đời. Thay vào đó, ta chỉ thích mỗi cung cách hành đạo cứng ngắc, vụ hình thức rất ngán ngẫm.

Thực tế ở đời, nhiều vị vẫn còn đang làm công việc tuyệt vời, trong đời. Ví dụ ư? Đấy kìa, những vị đang làm rất nhiều điều kỳ diệu, mà ít ai chịu làm. Đích thị là, Thần Khí đang làm những điều kỳ diệu rất “thiên-đường”, nơi người ấy. Chắc chắn rằng, Thần Khí Tuyệt Mỹ cùng hiện diện, ở nơi họ.

Ưu tư/quan ngại về công lý và bình an, còn thấy nơi nhiều người. Đó cũng là mối quan tâm lo lắng cho số phận của người nghèo. Để rồi, hẹn sẽ tìm cách thực hiện cho bằng được sự bình an, rất công lý. Ví dụ ư? Đừng nên tìm ví dụ nơi thể chế chính trị xã hội của loài người. Bởi lẽ, không chỉ mỗi các nhà từ thiện mới có khả năng thực hiện được công việc tuyệt mỹ/tuyệt diệu ấy. Phải nói rằng, chính Thần Khí đang thực hiện công lý và bình an nơi con người và môi trường. Khi đó, Thần Khí Công Lý và An Bình, sẽ còn hiện diện mãi, nơi họ và với họ.

Chắc chắn, Công Lý và Sự Tuyệt Mỹ/Tuyệt Diệu đang kết-thân-làm-một để bừng nở như bông hoa mới chớm ở thế-giới-mới. Với ta, đó là khởi đầu của sự kiện đất-trời-hoà-hợp do Thần Khí ban cho ta. Đang diễn ra.

Lâu nay, nhà Đạo mình nói nhiều đến Thần Khí Chúa ở cùng Hội thánh. Nay, có lẽ nên thêm: Thần Khí Chúa đang ở với và ở cùng ta. Và, thế giới. Cầu mong sao, Ngài ở với và ở trong Hội thánh ta nữa. Bởi, Hội thánh là chốn thánh thiếng từ đó ta thấy được mọi sự đang diễn tiến, đến với ta cùng một lúc.

Với tinh thần lạc quan sẵn có, ta sẽ ngâm vang lời thơ buồn, nhưng hy vọng của nghệ sĩ:
“Chết một ngàn năm chắc phải sầu,
Nhưng này thương nhớ lúc xa nhau.
Mịt mù nhân thế trôi biền biệt,
Giữa vị sầu nghe có vị đau.”
(Nguyên Sa – A Tỳ)

Bằng vào lời thơ, thi nhân thấy “có vị đau”, giữa vị sầu. Về với thiên-đường, người người đều cảm nhận Thần Khí, rất mỹ quan. Mỹ quan thiên đường Ngài trao ban, sẽ cùng với mọi người sống cuộc đời đẹp rất đáng sống, với mọi người.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.

Saturday 13 May 2017

“Trông thấy ta, cả cõi đời kinh hãi”



Suy Tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 6 Phục Sinh 21/5/2017

Tin Mừng (Ga 14: 15-21)
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn-đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."

“Dòng sông con, nép cạnh núi biên thuỳ”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Trông thấy ai, mà kinh hãi cả cõi đời? Đời cô đơn, thi sĩ nép cạnh núi biên thùy, tựa giòng sông. Vốn hy vọng, nhà Đạo chẳng kinh hãi với âu lo. Bởi, Thầy Chí Thánh đã uỷ lạo, tạo niềm tin, nơi mọi người.

Niềm tin, thánh Gioan diễn tả ở trình thuật hôm nay, là tình tự thân yêu Chúa dặn dò, trước ngày Ngài về với Cha. Tình tự Ngài để lại, là chúc thư cuối về sự sống còn của dân con đạo Chúa. Chúc thư tuy hơi lạ, nhưng là lời khuyên dân con tuân giữ mọi qui định Ngài từng phán quyết. Phán và quyết, một giới lệnh rất mới, nếu áp dụng triệt để, người người sẽ sống rất hạnh phúc. Chúc thư Thầy để lại, còn là lời nhắn nhủ giản đơn Thầy cương quyết: “Hãy yêu thương nhau”.

Hãy yêu thương nhau, là câu nói người người đều nghe biết. Nhưng thường thì, không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa Lời Ngài muốn căn dặn. Bởi, ý nghĩa ấy không chỉ bao gồm mỗi một việc, là: hãy đối xử tử tế với mọi người. Nhưng còn hơn thế nữa. Hơn, là bởi: có như thế người người mới thủ đắc nhiều điều lợi của xã hội.

Hãy yêu thương nhau, không chỉ thực hiện với nhóm/phái của mình, thôi. Bởi nhóm/phái, đoàn thể thường vẫn chỉ khép kín trong vòng khoanh bé nhỏ, của chính mình tuyệt nhiên không để lọt ra ngoài, nên người ngoài cuộc luôn bị coi là người xa lạ. Muốn gia nhập nhóm/phái, tuyệt đối phải đăng ký/ghi danh, mới được vào. Vào được rồi, kể như mình đã nắm chắc là người đồng đội sẽ yêu thương giùm giúp rất tích cực. Kẻ ở ngoài, vẫn bị coi là người ngoại cuộc chuyên gây phiền toái.

Khi Chúa bảo: Hãy yêu thương nhau, là Ngài có ý khuyên: “hãy yêu thương hết mọi người. Không chỉ mỗi người cùng phe, cùng nhóm với mình, thôi. Mà, cả người những ở ngoài, như: đám Pharisêu, Ký sự, đám người La Mã, lẫn cả thượng tế, đám đông quần chúng, bất cứ ai. Yêu hết mọi người, là yêu toàn thể chúng sinh, nhân loại. Bởi thế nên, khi Ngài sai phái các thánh ra đi là để các thánh đi đến với mọi người, bằng sứ vụ mới. Sứ vụ, biến mọi người không còn là người dưng khách lạ, hoặc ngoại cuộc nữa.

Điều đó còn có nghĩa: Hội thánh, cho đến nay, vẫn chưa thực hiện đúng mức sứ vụ Chúa ban hành. Đôi khi chính mình còn đi ngược lời dạy cùng bảo ban của Chúa, nữa. Đi ngược, là bởi quá gắn chặt với tinh thần phe/nhóm của giáo hội riêng mình. Ví dụ cụ thể thấy rõ nơi Giáo Hội Công giáo Úc lâu nay vẫn thủ thế, suốt ba bốn thập niên qua.

Vì thủ thế, nên Giáo hội ở đây chưa thực hiện đủ lời Chúa dạy bảo khi phải đối xử tử tế với những người mới tới từ các nơi. Chí ít, là những người ngoài Đạo. Vì thế nên, lời Chúa hôm nay đích thị gửi đến Hội thánh Công giáo nơi đây phải ra đi thực hiện lời khuyên “yêu thương hết mọi người” cả những người dưng khác Đạo, vừa mới tới.

Lễ Chúa Thăng Thiên ở Úc, thường được tổ chức rất trùng hợp với ngày “Nhớ Ơn Mẹ”. Tức, một ngày có lời khuyên, rất tương tự. Lời khuyên rất lành và rất thánh: “Hãy yêu thương” Mẹ thánh Giáo hội và cung kính Đức Maria, Mẹ Hiền của Thiên Chúa. Mẹ rất Hiền, vì Mẹ là mẹ đích thực, vẫn nối kết/duy trì mọi thành viên trong gia đình. Thôi thúc mọi người hãy đến với nhau trong yêu thương. Mẹ, là trung tâm của gia đình. Là, người luôn đem đến với gia đình, bầu khí yêu thương, liên kết. Yêu thương, để mọi người sẽ đến với nhau mà giùm giúp, đỡ đần, trong mọi lúc.

Mẹ là Mẹ Thánh rất hiền, vì là Từ Mẫu của Chúa, Mẹ còn làm nhiều điều hơn thế. Mẹ hiền ở nhà cũng làm thế. Bà đem tình người mẹ trong gia đình đến với người ngoài cuộc, tức: những người cần tình thương hơn ai hết. Thấy ai cần tình thương, mẹ hiền ở nhà chẳng bao giờ bỏ qua, hoặc nề hà điều chi. Mẹ hiền ở đời, vẫn từ tâm với mọi người. Không chỉ người trong nhà mình, mà thôi.

Trái lại, mẹ hiền vẫn từ tốn, nhẫn nại và bươn chải không chỉ lo cho gia đình mình thôi, mà mẹ còn đến với người chòm xóm kẻ khốn khó, ốm đau ở đâu đó, tức những người cần tình thương. Nhiều khi, chỉ một ngụm trà ấm nóng. Có lúc, chỉ một đường chổi nhẹ để dọn dẹp tiếp đón người dưng khách lạ, cần đón tiếp.

Rất thường tình, mẹ cũng đóng góp vài đồng giúp đỡ kẻ túng bấn, những người nghèo khổ. Có khi, chỉ cần để mắt ngó chừng đàn trẻ xa quê, vắng bóng mẹ mình. Có thể nói, mẹ hiền ở nhà là người thực thi lời Chúa, rất yêu thương. Bởi, mẹ là người không chỉ biết thương yêu mỗi con mình thôi, mà cả người dưng khách lạ nữa.

Trên thực tế, phụ nữ là những người luôn quên mình đi, để có thể yêu thương giúp đỡ hết mọi người, bất kể ai.Các bà, là những người thường xuyên có mặt ở nhà thờ, vào mọi lễ. Các bà còn yêu thương hội thánh đến độ không ngại phê bình tính bè phái, rẽ chia của hội thánh mình, ở địa phương. Các bà vẫn muốn Hội thánh ra đi mà tỏ bày tình thương yêu với những ai cần đến Chúa, đến tình thương của Ngài. Các bà vẫn chứng tỏ cho hội thánh mình biết cách tuân phục lời Chúa dạy, hôm nay. Chứng tỏ, bằng gương thương yêu giúp đỡ. Tỏ bày, bằng cung cách nhẹ nhàng/thuỳ mị nhưng đạt hiệu quả hơn nam giới.

Trong lễ hôn phối, có lời cầu Chúa chúc phúc cho đôi tân hôn bằng những lời lẽ thiết thực dành cho các bà mẹ tương lại, rất ý nghĩa:

“Lạy Cha là Thiên Chúa, Đấng gìn giữ anh/chị trong tình thương yêu tỏ bày cùng nhau để bình an của Đức Kitô sẽ ở mãi với anh/chị hiện diện ngay tại nơi ăn chốn ở của anh/chị. Xin cho con cái của anh/chị chúc phúc anh chị. Cho bạn bè ủi an anh/chị và mọi người sống yên vui hiền hoà với anh/chị. Xin Chúa cho cho anh chị luôn trở thành chứng nhân cho tình yêu của Ngài đến với thế gian, để những người buồn phiền nhận ra được anh/chị là những người bạn rất ngoan hiền, đại độ. Và tất cả sẽ đón chào anh/chị vào với niềm vui của Nước Trời.”

Tham dự Tiệc Lòng Mến hôm nay, cầu mong sao giới lệnh của Chúa sẽ là niềm chúc phúc gửi đến mọi người trong nhà, và hội thánh. Cầu và mong, cho toàn thể dân con Hội thánh biết noi gương các Bà Mẹ được vinh danh trong ngày “Nhớ Ơn Mẹ” năm nay, sẽ thực hiện chúc thư yêu thương với mỗi người và mọi người trong/ngoài Hội thánh.

Trong tâm tình ấy, tưởng cũng nên ngâm tiếp lời thơ vương vấn một nhắc nhở:

“Ôi ngơ ngác, một lũ người vong bản,
Mất tinh thần, từ những thuở xa xôi!
Ta về đây, lạ hết các ngươi rồi,
Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống.”
(Đinh Hùng – Bài Ca Man Rợ)

Gọi đó là “Bài Ca Man Rợ”, phải chăng nhà thơ muốn ám chỉ cung cách của người từng nghe biết lời khuyên yêu thương, nhưng vẫn dửng dưng như kẻ mất gốc, rất vong bản? Mất, cả bản gốc yêu thương của người con. Mất, cả tình mặn nồng, chung sống nơi nhà của Chúa của chính mình.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.

Monday 8 May 2017

“Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 5 Phục Sinh 14/5/2017

Tin Mừng (Ga 14: 1-12)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."

Ông Tôma nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

Ông Philípphê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”

“xin ban ơn, bằng cách sáng thêm lên!”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Trăng cao giá, vẫn rất cần sáng thêm lên. Sáng thêm lên, để người người được soi tỏ mà hiểu rõ nỗi niềm huyền nhiệm Đức Chúa là Sự Sáng đích thực, rất hơn trăng.
Trình thuật hôm nay, thánh Gioan viết lên vần thơ/văn nói về “Vầng Trăng Giêsu, Đức-Chúa-của-Sự-Sáng Phục Sinh sáng láng, hơn sao trời. Sở dĩ thánh Gioan viết Tin Mừng theo cung cách rất khác biệt, vì thấy Tin Mừng Nhất Lãm đã diễn tả nhưng chưa làm nổi bật đủ đặc tính thánh thiêng rất Thiên Chúa của Đức Giêsu. Nói cách khác, theo thánh Gioan, Tin Mừng Nhầt Lãm ta đọc vẫn chưa hiện rõ đặc trưng cao giá sáng láng rất Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Với Tin Mừng thánh Gioan viết, Đức Giêsu là Đức Chúa rất “sáng thêm lên”, là bởi: nơi Ngài, vẫn đầy tràn Thánh Thần Chúa với sức sống Phục Sinh.
Qua Phục Sinh, Chúa trở về với Cha, để rồi Ngài sẽ gửi Thánh Thần Ngài đến thực hiện những gì Ngài vẫn làm cho ta, xưa nay. Thánh Thần Chúa, bên tiếng Hy Lạp gọi là “Paraclete”, Đấng Ủi An. Là, Ngôi Ba uy hùng dũng mạnh, luôn cận kề để thánh hoá, khích lệ và tạo nguồn hứng khởi cho mọi người. Paraclete, là Đấng Phù Trợ Ủi An -tác động như vị luật sư biện hộ cho ta ở trước toà- là Đấng luôn gần gũi ở cạnh bên hầu sáng soi mọi bị cáo. Ngài là vị Cố Vấn luôn trợ giúp trấn an những ai đau buồn sầu khổ, hoặc bối rối vì mất đi bạn bè/người thân, cần nhủ khuyên.
Thật ra, mọi Kitô-hữu ít nhiều đều đã trải nghiệm có Đức Kitô là Đức Chúa Hộ Phù rất Ủi An nơi Tiệc Thánh. Khi cử hành Tiệc Thánh, tất cả đều đã cảm nghiệm rằng Ngài đang thực sự ở với chính mình. Nhờ sự hiện diện hiệp thông của Ngài, người người được Thánh Thần Chúa sáng soi, ban ơn. Thật ra, khi lĩnh nhận Mình Máu Chúa vào lòng, mọi Kitô-hữu đều cảm nhận là chính Thánh Thần Ngài đến với họ.
Hãy liên tưởng trường hợp của chú bé lớp 1 nọ, tung tăng chạy về nhà những tưởng rằng ngày đầu đi học về, thế nào mẹ hiền cũng hân hoan đón tận cửa. Nào ngờ, vào nhà chào hỏi mãi, chẳng thấy mẹ ở đâu. Chẳng ai lên tiếng trả lời bé. Chẳng ai hiện có mặt ở nhà, để bé khoe nhiều điều.
Rõ ràng, bé nhận ra là nhà mình nay vắng bóng, hết mọi người. Nhà của bé trống trải cách lạ thường. Trống đến độ, lẽ ra bé chẳng nên về nhà, cứ ở lại trường chắc vui hơn. Hãy tưởng tượng một trường hợp khác, bé ở trường về đã thấy mẹ ở nhà, nhưng mẹ hiền chỉ hỏi han đôi câu cho xong chuyện rồi còn làm việc khác. Đấy, cũng là trường hợp nhà của bé có mẹ hiền luôn hiện diện, nhưng chưa tạo được hiệp thông. Cảm kích.
Hãy tưởng tượng thêm tình huống khác, qua đó cho thấy bé em học ở trường về đã thấy mẹ đang chờ đón chạy ra đưa bé vào nhà. Và, mẹ hiền đã buông bỏ mọi thứ để ngồi xuống, ở với bé. Nghe bé kể chuyện trường, chuyện của bạn, khen bé ngoan hiền, học giỏi. Rồi lấy nước cho bé uống và cười vui với bé, rất khôn nguôi. Đó mới là hiện diện thật sự.
Cứ thế, mẹ và con trao đổi với nhau về nhiều thứ. Về, những chuyện khiến cả hai thích thú, thấy rằng đời mình đã có hiệp thông. Trao đổi. Một hiệp thông linh thánh. Từ đó, ngày nào bé cũng thấy vui. Thấy đẹp trời. Đời bé quả là có ý nghĩa. Thế đó, là ân huệ từ Đức Chúa rất Ủi An đến với bé. Mẹ hiền của bé bỗng nhiên trở nên ân huệ của Thần Khí.
Là, dân con đi Đạo, tín hữu Đức Kitô cũng trải nghiệm tình thân thương đón nhận Thánh Thần Chúa Đấng Ủi An, giống như thế. Chí ít, cũng đã cảm nhận mình được Chúa ban Thần Khí của Ngài từ Đức Giêsu, khi lĩnh nhận Mình và Máu Chúa, qua hiệp thông. Lĩnh và nhận, như hiểu biết theo cung cách tự nhiên đầy năng-tính về những gì xảy ra giữa mình và Chúa. Những gì khiến mình thấy cuộc sống thật đáng sống.
Lĩnh nhận Thánh Thần Chúa Đấng Ủi An, còn có nghĩa như một thực thể đầy khích lệ. Như danh hoạ Van Gogh có lần đã diễn tả về một hiệp thông an ủi trên bản vẽ có bé em chập chững tập biết đi. Đi chưa vững, nên bé cứ lần chần, do dự. Chẳng dám bước mạnh, làm liều. Bước được vài bước, đã thấy cha mình ở không xa, đang mở rộng đôi tay chào đón bé vào lòng. Ảnh hình về tình thân thương của người cha trong tranh vẽ của Van Gogh khác gì tâm tình đầy Ủi An do Thánh Thần Chúa vẫn đón chào đàn con của Chúa.
Lm Gerard Manly Hopkins, một nhà thơ Dòng Tên người Anh, có lần cũng chia sẻ giải thích về Đấng Ủi An rất Paraclete trong thánh lễ. Ông san sẻ bằng ngôn từ thể thao rất “bóng chày cricket kiểu Anh, như sau:
“Thông thường nhiều người vẫn dịch cụm từ “Paraclete” thành Đấng Dỗ dành, ủi an, nhưng Paraclete đượm ý nghĩa còn hơn cả dỗ dành an ủi nữa. Cụm từ này xuất từ tiếng Hy Lạp. Bên tiếng Anh, chẳng có có ngữ từ nào thích hợp để dịch như thế. Cả bên tiếng La tinh cũng vậy, không từ ngữ nào mang một ý nghĩa tương tự. Dịch là Đấng Dỗ dành/nhủ khuyên, vẫn chưa đủ. “Paraclete” thật ra còn là người dỗ dành, mừng chúc, rất khích lệ. Ngài là Đấng chuyên thuyết phục, cổ võ, khuấy động và cũng thúc giục, gọi mời hết mọi người. Ngài còn như cú thúc mạnh vào hông ta để ra lệnh cho ta vượt về phía trước. Là, tiếng vỗ ra hiệu cho diễn giả bắt đầu hoặc kết thúc. Là, tiếng loa kèn xuất quân trổi giọng với quân binh. “Paraclete”, là tâm tình gửi đến với tâm linh quyết gọi mời người người đến. Là, động thái của Đấng nhủ khuyên ta nên sống tử tế. Là, nhận thức xảy đến với tâm tư của chính tôi, như một sẻ chia, đạt tới đích, hệt như vận động viên cầm cây chày gỗ trong môn “cricket” trước các thanh chắn ngăn bóng trúng đích điểm khiến người cầm chày/gậy đã bắt đầu chạy hai đầu để ghi số lần chạy, trong khi đó mấy người khác cứ đứng đực ra đó hòng đối phó bằng dáng vẻ nghi ngờ, vẫn kêu lên: Ráng lên, Ráng lên! Paraclete vẫn là như thế. Là, như ai đó vẫn chúc mừng tinh thần thể tháo có ra dấu, có kêu lên, người người trong trận đấu đều phấn chấn làm mọi chuyện quyết đạt tới đích, vẫn vừa chạy vừa la lớn: Ráng lên, Ráng lên, chạy phía này!”
Khi đón nhận Mình Máu Chúa, ta như người cầm chày/gậy cùng nhắm bóng với Đức Giêsu. Ngài ban cho ta Thần Khí rất đích thực để làm được việc cần làm và còn hơn nữa. Ngài làm sống lên nơi ta, bằng năng lực của chính Ngài.
Trước mắt, Phụng vụ Hội thánh sẽ mừng kính Chúa Thăng thiên về với Cha, vào tuần tới. Về với Cha, nhưng Ngài vẫn để lại nơi ta Thánh Thần của Ngài, làm Đấng Ủi An vỗ về, ở với ta.
Cũng nên nhớ, là Thánh Thần Chúa không thể đơn phương làm một mình. Ngài sẽ khích lệ ta làm như thế trong quan hệ với mỗi người. Ta đươc giao trọng trách phụ giúp Thánh Thần Ngài bằng cách trở nên một thứ Paraclete với mỗi người.
Đôi lúc, ta cũng nên tự hỏi, là: đời mình, đã có ai được kể là kẻ ủi an, vỗ về và tăng năng lượng cho mình, không? Trong cuộc đời, hỏi rằng: chính mình có từng ủi an vỗ về và tăng năng lượng cho ai khác? Bởi, đây mới là cuộc sống đích thực của tín hữu Đức Kitô. Đây, mới đích thực là hiện thực giới răng mới của Đức Chúa: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.”
Tìm cách vỗ về và ủi an nhau. Trao cho nhau Thần Khí Chúa và năng lượng của Đức Kitô, việc đó mới quan trọng. Dù, mình đang chơi bóng chày cricket với bất cứ ai, cũng đừng nên nói với họ tiếng “Không”, “Hãy ngưng lại”, hoặc “Chờ đấy!” Nhưng hãy bảo: “Ráng lên, Ráng lên! Cứ thế mà chạy vụt về phía trước, sẽ vui luôn.”
Trong tinh thần cổ võ lẫn nhau, cũng nên ngâm tiếp câu thơ còn bỏ dở của thi sĩ họ Hàn, rằng:

“Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,
Xin ban ơn, bằng cách sáng thêm lên.
Ánh thêm lên, cho không gian rất đẫm,
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.”
(Hàn Mặc Tử - Vầng Trăng)

Vầng trăng kia. Ánh sao nọ. Vẫn cứ sáng thêm lên. Sáng, bằng năng lượng Thánh Thần Chúa Phục Sinh vẫn cứ an ủi. Vỗ về. Để, người người được Chúa khuyến khích, sẽ còn sáng mãi, suốt đời mình. Ở muôn nơi.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.