Saturday 30 July 2016

“Đợi ai về ngự sáng ngai Thơ”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 19 thường niên năm C 07/8/2016

                                    Tin Mừng (Lc12: 32-48)

Một hôm Đức Giêsu nói với các môn-đệ rằng: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Ngài cho anh em.

"Hãy bán tài-sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh-thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục-vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh-thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn-sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

Bấy giờ ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ-ngôn này cho chúng con, hay cho tất cả mọi người?" Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản-gia trung-tín, khôn-ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp-phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài-sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số-phận với những tên thất-tín.

"Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn-bị sẵn-sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

“Đợi ai về ngự sáng ngai Thơ”
“Người bạn đầu tiên thuở bấy giờ.
Ước cũ: tái sinh ngày tận-thế,
Tìm nhau cùng nối mộng ban sơ.”
                           (dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Đợi ai về ngự sang ngai Thơ”, ư? Ngai Thơ, có sáng hay chăng thì nhà thơ vẫn chỉ đợi mỗi “người bạn đầu tiên thuở bấy giờ”, mà thôi? Nhà Đạo hôm nay cũng bảo nhau: hãy tỉnh-thức mà đợi mà chờ. Nhưng, lại chỉ đợi chỉ chờ mỗi “Người Chủ” lúc ông về, để hưởng phúc. Phúc lộc Ông ban cũng bõ công đợi chờ nhiều tỉnh-thức, chốn Nước Trời.    
Phúc Âm hôm nay, có lời dặn của Đức Chúa khuyên ta hãy tỉnh-thức, lúc chủ về. Tỉnh-thức với tất cả sự thận-trọng cần-thiết. Tỉnh-thức, vì không biết giờ nào và thái-độ của chủ sẽ ra sao, khi ông trở về. Tỉnh-thức và đề-cao cảnh-giác, kẻo kẻ trộm đến bất-thần, lúc nửa đêm.
            Chẳng cần nói ta cũng biết, phần đông mọi người đều kinh-nghiệm rằng: vì không tỉnh-thức, nên mỗi lần kẻ trộm đến nhà, thường có mất mát. Mất tiền mất của, mất niềm tin-tưởng vì thiếu thận-trọng. Có khi mất cả báu vật - người thân, và có khi mất cả chính mình nữa, vì thiếu cảnh-giác. Thành thử, biết tỉnh-thức như lời Chúa dặn, không những không bị mất mát, mà còn được hiệp-thông sự sống với toàn-thể nhà Đạo. Hiệp-thông với con dân ngoài đời, ở chung quanh.
            Điều Chúa nhắn-nhủ hãy tỉnh-thức, vẫn là chuyện hệ-trọng. Hệ trọng, không chỉ vì mức-độ của mất mát với “biến động”, mà thôi. Nhưng, hệ-trọng còn vì phẩm-chất của sự sống, nữa. Phẩm-chất sự sống, điều mà Tin Mừng căn dặn, bao gồm năm đặc-điểm:

-Trước nhất, khi tỉnh-thức, người tín-hữu Đức Kitô luôn hiệp-thông san-sẻ cả nỗi ưu-tư lẫn những gì mình đang có với người túng thiếu, rất cần.
-Kế đến, khi thận-trọng tỉnh-thức, con dân nhà Đạo luôn ăn ở cho công bằng, phải phép với hết mọi người.
-Và, khi đã thức-tỉnh không còn nhiều “biến-động”, người nhà Đạo sẽ nhận ra sự hiện-diện của Đức Chúa, trong đời thường.
-Khi cảnh-giác về sự hiện-diện của Ngài, ta không sách-nhiễu phiền-hà bất cứ ai. Ngược lại, sẽ sống hiền-hòa, bình-lặng cùng mọi bằng-hữu chốn Nước Trời.
-Và, có thận-trọng tỉnh-thức, người nhà Đạo sẽ nhận ra là: Đức Chúa sẽ quang-lâm đến lại, vào mọi lúc.
-Bởi vậy, đời sống người tín-hữu Đức Kitô nên cảnh-giác quan-tâm đến linh-đạo cần-thiết cho đời mình.

Hơn hai thiên niên kỷ vừa qua, dân con nhà Đạo vẫn chờ đợi ngày Chúa quang-lâm đến lại. Nhưng, điều đáng buồn là: trong lúc chờ đợi, người người vẫn sống đời bon chen phức-tạp, đến độ hành-vi của mình đi ngược lại lời dặn của Đức Chúa.

Chính vì thái-độ sống như thế, mà ta chuốc lấy vào người sự mất mát lớn. Mất mát về một hạnh-phúc đích-thật. Buồn thay, mất mát ấy lại là bi-kịch của cuộc sống. Do có bi-kịch mất mát, ta hãy nên xét lại phương-cách sử-dụng quà tặng Chúa ban, như một bài học để mà đổi-thay.

Thiếu xem xét. Thiếu cảnh-giác. Thiếu thận-trọng tỉnh-thức, nên thảm-kịch mất mát vẫn xảy đến với cuộc đời, bằng mọi hình-thức rất đa-dạng. Lời dặn dò “hãy tỉnh-thức”, còn được thánh Phao-lô bổ sung thêm, ở bài đọc thứ hai.

Thánh-nhân qui về chuyện của Abraham coi đó như mẫu-mực cho mọi thức-tỉnh. Thánh-nhân nhấn mạnh: nhờ niềm tin-yêu có cảnh-giác, mà Abraham mới tuân theo lời Yavê Thiên Chúa kêu gọi làm cuộc hành-trình dựng-xây trời mới/đất mới. Trời mới/Đất mới này, có sự kế-thừa mà Yavê tặng ban cho riêng ông, cho đông đảo lớp hậu duệ .

Quả thật, hành-trình mà thánh Phaolô muốn cộng-đoàn tín-hữu Đức Kitô để tâm bắt chước ông Abraham không phải là để ra đi làm một cuộc du-hành vào chốn không định-hướng. Nhưng, là tìm ra phương-cách thoả-đáng có giá-trị trong cuộc đời. Hành-trình mà thánh Phaolô đề-nghị, bao gồm các kinh-nghiệm ta sẽ trải qua. Đó chính là cách-thế ta xử-sự, đối với nhau, và với Đạo.

Hành-trình, là hành-trình sống. Hành-trình, là nhờ đó ta tìm gặp người anh/người chị cùng đồng-hành với ta. Hành-trình, là đáp lại Lời Chúa dặn-dò. Và hành-trình Ngài vẫn dặn, còn là đá tảng thôi-thúc chính mình đi vào với thăng-tiến cá-nhân. Thăng-tiến hướng thượng, để rồi sẽ gặp gỡ Đức Chúa.       

Thăng-tiến bản thân, như người người vẫn làm. Làm chung một hành-trình cùng với bạn hữu gặp thấy trên đường. Thăng-tiến, sẽ giúp bản thân mình đáp-ứng lời dặn dò của Đức Chúa. Đáp lại trong yêu thương tôn-trọng sự thật, vẫn ứng-xử, để cùng nhau đi vào cuộc sống có cảnh-giác. Cuộc sống luôn biết thận-trọng. Và khi đã đáp ứng có thận trọng - tỉnh thức, người người sẽ không còn “im lặng”. Nhưng, “sống một ngày vui không dễ nói ra lời”.

Ngày vui không dễ nói thành lời, là cuộc hành-hương về với Chúa. Là, có một hành-trình như Abraham và giòng-tộc ông trước đây đã sống. Sống ở lều, nhưng lòng ông vẫn hướng về phía trước. Hướng về Đấng Giavê Thiên Chúa. Sống thận trọng, luôn tỉnh thức. Hướng về Nước Trời được Thiên-Chúa hứa ban. Nước Trời Chúa ban, là xã hội của những người công chính, sống rất an bình.

Trong tỉnh-thức đợi chờ Nước Trời Chúa phú ban, tưởng cũng nên về với thi-ca mà ngâm-nga đôi lời rằng:

“Ước cũ: tái sinh ngày tận-thế,
Tìm nhau cùng nối mộng ban sơ.
Cánh bằng siêu thoát hư-vô,
Sau lưng bỏ sụp cơ-đồ trần-gian.”
(Vũ Hoàng Chương – Duyên Mùa Tận Thế)

Nhà thơ đây, có thi-ca-hoá duyên tận thế đến mấy, cũng không làm người nghe ở ngoài đời “bỏ sụp cơ-đồ trần-gian” được. Bởi, cơ đồ ấy đã ăn sâu vào óc não của người đời. Chỉ có Nước Trời của nhà Đạo, mới xứng-đáng để ta tỉnh-thức trông chờ, rất nhiều năm.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  - Mai Tá lược dịch.

Saturday 23 July 2016

“Người ta đi kiếm giàu sang cả,



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 18 thường niên năm C 31/7/2016

                                    Tin Mừng (Lc12: 13-21)
Khi ấy có người trong đám động nói với Đức Giêsu rằng:

"Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?" Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

“Người ta đi kiếm giàu sang cả,
Mình chỉ mơ hoài chuyện viển vông.
Em biết giàu sang đâu đến lượt,
Nợ đời nặng quá gỡ sao xong.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mơ hoài giàu sang, đâu có là chuyện viển vông! Viển-vông đời thường, là thái-độ loanh-quanh với ý-nghĩ thường-tình: “Người ta đi kiếm giàu sang cả”, hoặc “nợ đời nặng quá, gỡ sao xong.”
“Nợ đời giàu sang”, còn là chuyện Chúa nói qua Tin Mừng thánh Luca hôm nay. Thánh Luca đề-cập đến chủ-đề giàu sang, được Chúa dẫn-giải bằng một dụ-ngôn rất tinh-tế. Dụ-ngôn Chúa kể, là về những điều quan-trọng, trong cuộc đời. Quan trọng, khi Ngài nhấn mạnh đến sự khác-biệt giữa “ta là ai”? với “Ta có gì”?
Mở đầu trình thuật, là những ưu tư về phân chia gia tài mà người Do Thái thường hay trình lên vị tư tế, chánh thẩm. Nhưng vị Tư Tế hôm nay, không muốn dự phần vào các tranh giành/cãi vã có tính cách thế tục. Ngài nhắn nhủ: “Hãy coi chừng! mạng sống con người không được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chính vì lòng tham lam của cải, mà nhiều gia đình đã đổ vỡ. Vì, mải lo tranh chấp gia tài, mà nhiều anh em cùng nhà cứ xâu xé nhau. Xâu xé, là để giàu sang.
Giàu sang. Đó là mơ ước của nhiều người, ở đời. Giàu sang, là chiếc đũa thần giúp người người tạo nên những thứ họ muốn. Nhưng khi đã giàu sang, vẫn không phải là hết chuyện để ưu tư. Đây là ngộ nhận lớn, nơi quan niệm của người đời.
Người đời những tưởng: khi đã ổn định tài chánh, đã có nhà có cửa, có xe có tiền rồi, là có tất cả. Mọi sự coi như đã thành công. Thật sự, của cải tiền bạc tuy được coi là dấu hiệu của sự thành công; nhưng, đó vẫn chỉ là quan niệm của người đời, ở đời thường. Quan niệm của nhà Đạo, khác hẳn.
Bài đọc thứ nhất hôm nay, sách Giảng viên quả quyết: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân!” (Gv 1: 2). Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô thêm: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới: đam mê, ước muốn xấu và tham lam, thảy đều là ngẫu tượng”. (Cl 3: 5).
Và, ở trình thuật thánh Luca, Đức Kitô khuyên: “Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam; không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm, nhờ của cải đâu.” (Lc 12: 15).
Quả thật, khi khẳng định chân lý ấy, Đức Kitô không bắt mọi người phải chịu đau khổ. Ngài chỉ muốn nhắc: mọi người hãy tìm phương thức tốt nhất để tạo an toàn, hạnh phúc cho nhau. An toàn, để có cuộc sống ổn định. Cuộc sống có ý nghĩa đích thực. Nơi đó, mọi người trao cho nhau tình yêu thương, an bình. Mọi người san sẻ với nhau cũng một hạnh phúc chung. Hạnh phúc, chỉ có chỗ đứng, khi mọi người đều cùng hưởng. Hạnh phúc, phải được sẻ san cho nhau.
   Với dụ ngôn hôm nay, ta lưu ý: truyện kể cho thấy có mỗi nhân vật chính, là nhà phú hộ. Ông cương quyết biến mình thành trung tâm của vũ trụ, nơi mình sống. Ông dồn tất cả tiền bạc của cải, gom lại để nuôi sống mỗi mình mình. Ông chỉ lo cho mình ông, thôi. Tất cả, chỉ để mình ông ung dung hưởng thụ. Chẳng bận tâm đến ai, chẳng cho ai, dù một xu lẻ.
Ở đây, Đức Kitô không phản đối chuyện ta có thể trở nên giàu sang, sung túc. Miễn là, sự giàu sang của ta không tạo bất công cho mọi người. Ở đây nữa, Đức Kitô muốn chứng minh cho con dân của Ngài thấy được, là: giàu sang - sung túc đích thực mới tồn tại dài lâu. Và, sự sung mãn hạnh phúc không nằm nơi của cải, tiền bạc. Mà, ở nơi khác. Của cải tiền bạc, chỉ tạo được hạnh phúc tạm bợ, chóng qua, những “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12: 20). Còn hạnh phúc đích thật, lại nằm ở nơi khác
Nhìn vào thực tế, chắc mọi người vẫn còn nhớ nhà tỷ phú Howard Hughes, hôm trước. Ông chết đi, bỏ lại đằng sau đến 2 tỷ Mỹ kim. Giàu sang sung mãn đấy. Nhưng vào cuối đời, ông vẫn sống trong hãi sợ, trộn lẫn với cô đơn.
Dù chuẩn bị trước mọi thứ, ông vẫn chết trong quên lãng, chết rất tủi hổ. Và khi chết, ông nào có khác người nghèo? Có khi lại không bằng người nghèo đang chết ở Calcutta. Người nghèo ở Calcutta, họ cũng chết. Nhưng, được chết trong vòng tay yêu thương của Mẹ Têrêxa. Và của các nữ tu hiền hoà, đầy yêu thương chăm sóc.
Mahatma Ghandi, một thời là luật sư trẻ nổi tiếng, có của. Nhưng ông không màng giàu sang, sung túc. Vẫn bỏ hết những gì mình có, chọn lựa cuộc sống giản đơn hơn, không vướng mắc những nào của cải vật chất. Vì thế khi chết đi, ông đã để lại cho hậu thế một di sản thật lớn. Di sản ấy, người giàu và sang như Howard Hughes không tìm thấy. Di sản ấy, chính là: tạo sự bình an hưng phấn cho nhiều người. Di sản ông để, là: biết quan tâm đến người cô thân, cô thế.
Hợp cùng trình thuật hôm nay, thánh Phaolô gợi lên một tư tưởng khác: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới.” (Cl 3: 2). Nghe thánh Phao-lô đề nghị, hẳn có người cho rằng: lời khuyên của thánh nhân thiếu phần thực tế. Nhưng, thánh nhân đâu có đề nghị ta hãy nhắm mắt làm ngơ trước thực tại, của trần thế. Thánh Phaolô chỉ khuyên: hãy hy vọng và hướng lòng vào Nước Trời. Hãy “cởi bỏ con người cũ, để mặc lấy người mới”. Con người được thay đổi theo hình ảnh Đấng Tối Cao. Hãy trỗi dậy với Đức Kitô. Để rồi, ta sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang, miên trường.
Cởi bỏ con người cũ, là bỏ đi các hành vi mang tính hủy diệt. Những tính hư nết xấu, như: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu xa và tham lam, vị kỷ. Bởi, những thứ đó là “ngẫu tượng” là phàm tục. Cởi bỏ con người cũ, là bỏ đi tính ích kỷ, chỉ muốn thu vén cho riêng mình. Cởi bỏ người cũ, không phải là tự sát/tự hủy, nhưng mặc lấy những gì là mới mẻ. Mới mẻ, với giá trị thăng tiến, hướng thượng. Mới mẻ, trong nhận thức biết rõ mà định hướng cuộc đời. Định hướng, bao gồm một đổi thay toàn bộ con người mình. Thay đổi, để nên giống Đức Kitô hơn. Định hướng và đổi thay, để rồi sẽ lớn mạnh trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô vào với Nước Trời, ở trần gian.
Với Nước trời đầy tình người này, ta chẳng cần đến những an toàn bằng tài sản, hoặc kế thừa. Chẳng cần trúng độc đắc, số lô-tô. An toàn đích thực, chỉ có thể đạt được nếu ta chấp nhận là thành viên của cộng đoàn biết chăm nom, và đùm bọc. Chăm nom lẫn nhau. Đùm bọc bên nhau, thì Nước Trời chính là trạng thái sống đang diễn ra trong lòng Hội Thánh, ngay trước mắt.
Nước Trời hôm nay, bao gồm cuộc sống hòa mình với mọi người. Hòa mình với môi trường sinh sống, rất thân thương. Nước Trời đây, không có chỗ cho những kỳ thị, phân biệt. Nước Trời đây, không tách biệt Hy Lạp với Do Thái. Nước Trời đây, chẳng bao giờ rẽ chia giới cắt bì với phường ô uế, không chịu cắt. Nước Trời của Chúa, không ly cách kẻ man di, nô lệ với người tự do. Ở Nước trời của chúa, tất cả vẫn là chi thể cùng một Thân Mình, Đức Kitô yêu dấu ở với ta. Ngài là Tất cả. Ngài ở trong mọi người.
Hiệp-thông liên-kết với Đức Kitô, ta có tất cả. Có an-ninh, an-toàn và sự bình-an bên trong. An-bình trong kết-hợp với Chúa, đó là sự giàu sang, sung-túc, đáng được ta mơ ước. Ước mơ của tất cả mọi người. Giàu sang đích-thực, chính là thế. Giàu sang sung-mãn, không do của cải vật-chất cung-cấp. Nhưng, có được là nhờ biết xác-tín hiệp-thông, trong Nước Trời.
Trong hân-hoan xác-tín sự bình-an đang có ngay trước mắt, ta hân-hoan hiệp-thông với mọi người, hát lên lời ca sau đây:

“Nhịp sống thắm thiết vui,
Kìa ánh-sáng thắm tươi.
Bốn phương lừng vang cung đàn khắp nơi.” (Xuân Lôi/Nhật Bằng – Ánh Sáng Miền Nam)

Vui thắm thiết. Sống hạnh-phúc vang lừng khắp nơi. Nơi, có Ánh sáng Nước Trời đã và đang hoà nhịp, thắm thiết. Vui, vì lâu nay ta vẫn giàu sang, sung-túc. Chẳng cần của cải vật-chất, nhưng vẫn sang. Sang và giàu, không là “chuyện viển-vông” hay “chưa đến lượt”. Nhưng, là sống đích-thực lời Ngài dặn-dò. Giàu sang, là sống theo lời Đức Kitô dặn. Chính đó, là giàu sang miên-trường. Giàu sang không hư-nát, nhưng rất bền nhiều phấn-khởi.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  -
Mai Tá lược dịch.

Saturday 16 July 2016

“Ta sống mãi với muôn xuân đầm ấm,”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 17 thường niên năm C 24/7/2016

               Tin Mừng (Lc 11: 1-13)
Một hôm, Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông." Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
                       xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."
Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? "
“Ta sống mãi với muôn xuân đầm ấm,”
Trong mây kinh và trong gió nguyện-cầu.
Nào trân-châu, nào thanh-sắc cho mau,
Dâng hết cả, thanh-âm dường tu khí.
Hồn ta đây bất-diệt với Hà sa.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Xuân đầm ấm - Gió nguyện-cầu – Thanh-âm dường tu-khí, tất cả khiến hồn người thành bất-diệt. Hồn bất-diệt, để sống mãi với muôn Xuân. Có gió, có mây, có lời kinh nguyện-cầu như Lời Chúa dạy rất hôm nay.
Trình thuật, nay Chúa dạy dân con nhà Đạo khi dấn bước theo Ngài, phải biết cách nguyện cầu với Cha. Nguyện những gì? Cầu ra sao? Mong ngóng điều gì cho mai sau, khi đã nguyện, và đã cầu? Vì thế, môn đệ đã  hỏi Ngài: nên cầu nguyện thế nào cho phải cách? Nói những gì trong lời kinh? Và từ đó, ta có lời kinh “Lạy Cha”, rất hợp ý.
            Lời kinh hợp ý, thánh Luca ghi, thường gọn ngắn, chỉ 38 chữ. Ít hơn nội dung trình thuật thánh Mátthêu. Ta hẳn biết, hai bản văn của thánh Luca và Mat-thêu về nguyện cầu, cùng xuất từ một bản gốc.
Nhưng, mỗi thánh sử diễn tả “lời cầu hợp ý Cha”, theo cung cách khác nhau mà vẫn đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn mình rao giảng. Tựu trung, văn bản thánh Luca ghi vẫn sớm hơn và sâu sát hơn với thời Chúa sống.
Từ đó đến nay, dân con nhà Đạo vẫn cứ nguyện cầu theo lời dặn của Đức Chúa, vào thánh lễ. Cả vào khi lần chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, điều Chúa dạy hôm nay, không đặt nặng nơi lời kinh; mà, vào thực tế của lời cầu.
            Lời cầu “Lạy Cha”, nay không là lời thưa gửi ta có với Chúa. Với Thầy. Hoặc, với vị chánh án, ngồi ở toà. Cũng không là bái lạy/bẩm thưa dâng lên Đấng Hóa Công. Mà, là lời gửi đến người Cha mà ta được phép gọi là “Abba”, Tức, Ba hay Bố. Nguyện cầu đây, là lời trần tình đệ trình lên Cha, như tâm tình của đàn con yêu dấu ngỏ lời cùng đấng bậc sinh thành không chỉ thuộc riêng ai, nhưng hết mọi người. Tức, những người con cùng chung một cha, một bố. Để kêu lên: “Lạy Cha chúng con”, như thế.
Với người Do Thái, tên gọi mỗi người không chỉ đơn thuần nói lên căn cước/lý lịch của một người, thôi; mà là, toàn bộ nhân vị của người ấy, nữa. Ngày xưa, khi trò chuyện thưa gửi với Giavê Thiên Chúa, Môsê đã gạn hỏi danh xưng/tên gọi của Chúa để biết “Người là ai”? Hôm nay cũng thế, khi ghi lại trình thuật thật rõ nét, các thánh sử muốn xác định tính thần thiêng linh thánh của Chúa, nơi Đức Kitô.
 Xin cho Triều Đại của Cha mau đến”, là muốn cho Vương Quốc của Chúa mau trở thành hiện thực đối với mọi người. Mong, niềm tin vào Chúa đặt nền tảng trên chân lý. Trên tình thương yêu, đùm bọc, công lý, lẫn tự do. Chú trọng đến phẩm giá, bình an và hài hoà. Cầu, là cầu cho Vương Quốc Nước Trời mau thể hiện. Cầu, là muốn cho thế giới biết cách mà sẻ san sự sống. Sống, cho trung thực. Sống, hợp tác sao cho yêu cầu của mọi người thành hiện thực.
Xin cho Triều Đại Cha mau đến”, là mau thực hiện nơi cộng đoàn. Nhưng, các khiếm khuyết vẫn còn xảy đến với nhiều cộng đoàn yếu kém. Thành thử, nguyện cầu là để “Nước Chúa” đi vào hiện thực nơi cuộc sống của tất cả cộng đoàn, dân nước. Không chỉ một vài cộng đoàn, rất ít oi.
Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, là lời cầu mong được Chúa phú ban “vừa đủ” mọi thứ vật chất, ta cần có hằng ngày. Vật chất ta xin, từ nhu cầu cơm - bánh, cho chí thực phẩm nuôi sống bản thân, rất cần thiết. Lời cầu như thế tuy mang tính vật chất, nhưng là để ta “quẳng gánh lo đi” mà đặt ưu tư cho tương lai mai ngày, ở với Chúa. Để rồi, sẽ đạt trọn “mùa xuân đầm ấm”, sống ngày mai.
Nguyện cầu như thế, là đặt tương lai trong tay Chúa. Là, dành mọi chuyện để Chúa lo liệu. Nguyện cầu, còn là chấp nhận mọi thử thách gửi đến. Thử thách hàm ngụ một nhắn nhủ: hãy cứ lo cho ngày hôm nay, thôi. Tương lai, để Chúa lo.
“Xin thứ tha mọi lỗi lầm của chúng con”, ý là mong được Cha xóa bỏ mọi hệ lụy, quanh lỗi phạm mọi người mắc phải, thời đã qua. Nguyện cầu, là lời cầu rất đích thật, nhưng kết quả chỉ đạt, nếu người người biết thứ tha mọi lầm lỡ mà người khác đã trót phạm, với mình. Lầm lỡ, không chỉ ở những điều mà ta làm cho người khác phiền lòng, mà thôi.
“Xin chớ để chúng con sa cơn cám dỗ”, là cầu cùng Chúa biện hộ cho ta vào giờ xét xử, lúc về sau. Tức, những hệ lụy làm ta ngã gục hoặc trệch ý hướng, tức: không dấn bước theo chân Chúa được.
Khi dạy dân con đồ đệ biết cách mà nguyện cầu cho đích đáng, Đức Kitô nhắc mọi người, một chân lý. Chân lý ấy, tóm gọn nơi lời khuyên: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Và: “Ai trong anh em là người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ư?” (Lc 9-10)
Thoạt nghe, ta tưởng chừng như có nghịch lý, khác thường ở lời Ngài. Nếu Cha trên trời đã chăm lo cho ta đủ mọi điều, thì sao ta lại cứ phải liên tục xin xỏ mãi như thế? Cầu nguyện, như Đức Kitô dạy, không phải là cứ lải nhải như người ở ngoài. Hẳn mọi người đều nắm chắc: Cha chỉ phú ban những gì ta cần, chứ không phải những gì ta muốn hoặc ưa thích. Bởi, điều mọi người ưa thích chỉ là vật chất tạm bợ, chỉ tập trung cho riêng mình, mà thôi.
Cách hay nhất để nguyện cầu, là: hãy tìm hiểu xem mình đang ở vị trí nào trong tương quan với Chúa. Với mọi người. Với thế giới quanh ta. Liên lỉ nguyện cầu -nhưng không phải cứ ê a sớm tối, mà là giúp ta định ra được những gì mình cần xin và cần làm gì.
Và, liên lỉ nguyện cầu, còn giúp ta biết lọc lựa, cả lời kinh. Nguyện cầu, giúp ta làm sáng tỏ giá trị nội tại cũng như hy vọng mình đang có. Có nguyện cầu như thế, ta mới chú tâm đến những gì mình thực cần thiết, để được cứu rỗi. Nguyện cầu, là mong Chúa thực hiện điều mà Ngài muốn ta làm. Làm, đúng theo ý Ngài.
Nói tóm lại, mục đích tối hậu của nguyện cầu, là biết đầm mình trong tương quan với Chúa. Với mọi người quanh ta. Vào với tiệc lòng mến hôm nay, ta sẽ cùng với người anh/người chị trong Hội thánh chung vai sát cánh mà nguyện cầu cho mọi người sẽ mãi mãi ở lại trong tương quan với Cha. Để rồi, cùng với Đức Kitô, ta sẽ thực hiện thánh ý Cha trong mọi hoàn cảnh của đời thường.
Trong tinh-thần ấy, ta hân-hoan bày-tỏ lòng vui sướng hiệp-thông với mọi người anh, người chị trong cộng-đồng dân Chúa, thật phấn-chấn những hát rằng:

“Hỡi những người thân yêu ơi!
Đây mùa xuân đầm ấm chờ mong một đời.
Cố níu lại ngày yên vui,
Cho nụ cười mặn mà tươi thắm trên môi.
Ta đã có mùa xuân ta chờ đợi.
Muôn tấm lòng rộn vui như nắng mai,
Từ bao năm ta nghe trong diệu-vợi,
Ôi ngờ đâu xuân đã đến hôm nay.”
(Trầm Tử Thiêng & Nhật Ngân – Ta Đã Gặp Mùa Xuân)
Quả là xuân đầm ấm, đang ở trước mắt. Hãy cứ vui. Đã có Xuân Bất Diệt đang ở với ta. Và, “ta sống mãi với muôn Xuân đầm ấm”, xuân miên-trường. Hoan lạc. Xuân nguyện-cầu và thương yêu.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  - Mai Tá lược dịch.