Saturday 27 November 2010

“Ta thấy mùa đông chưa tuyết trắng”

sao người về như sợi tóc phai sương?”


(dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 3: 1-12

Chúa đã về. Ngài về, như sự kiện rất thật. Nhưng, nào ai thấy phai sương, vương sợi tóc? Rất đợi chờ? Ngài về, để mọi người đợi trông. Ngóng chờ, Ngài Giáng hạ làm người phàm.

Tin Mừng, nay loan báo thuở đầu đời Chúa đi vào hoạt động. Với sử gia Hy Lạp, ngày mà Ngài hoạt động, khởi từ niên biểu 15, theo niên lịch César Tiberius. Lúc, mà Pontiô Philatô làm Tổng trấn xứ Giuđêa. Hêrôđê làm vua xứ Galilê. Anna và Caipha làm thượng tế. Như thế là, thánh sử định vị được niên biểu 27-28 cho là năm Chúa xuất hiện lần đầu trước chúng dân. Lúc, Ngài trưởng thành. Để rồi, theo lịch Do thái, Ngài tử nạn vào năm 30. Và như thế, các sử gia Công giáo đã đồng ý: năm sinh của Chúa là niên biểu thứ 4 hoặc 3, trước Công nguyên.

Tuy nhiên, điều quan trọng không là ngày tháng năm sinh, của chính Ngài. Mà là, cung cách Ngài hạ sinh giống hệt như ta. Và, Ngài hạ sinh không chỉ một lần, với mọi người. Mà, là mỗi năm, Ngài sinh hạ, nơi tâm can mọi người. Và, mỗi người.

Phụng vụ Chúa Giáng hạ vào mùa dân con đợi chờ, lại đã trích Tin Mừng trong đó ghi rõ một truyện kể về thánh Gioan. Trích và ghi, là để xác chứng sự kiện Thanh tẩy ở khu Qumran. Tại đó, thánh Gioan lập phép thanh tẩy để Chúa đến với mình. Và, coi đó như nghi thức giải hoà, chứ không là cung cách của nghi lễ ở Đền Thờ. Và, chuyện thánh Gioan tẩy rửa Chúa được sử dụng để nối kết con người bình thường với nhận thức rất chuyên sâu về Đạo. Nhận thức, theo đúng truyền thống của Do thái.

Phương cách mà thánh Gioan sử dụng, lại đã thu hút chúng dân quyết bước theo chân thánh nhân để đi vào chốn sa mạc nắng cháy, ở đó khi xưa Jôshua cũng thực hiện việc khuyến khích dân được chọn biết mà theo Chúa ngang qua giòng sông Giođan, mà đến đất hứa. Thánh Gioan làm thế, để phản đối giới cầm quyền La Mã đương thời đã chiếm đoạt quyền sở hữu đất đai, của Do thái. Tức, một hành xử tuy thuộc Đạo giáo, nhưng cũng mang tính chất chính trị.

Với tham vọng như thế, thánh Gioan đã dấy lên một khí thế bất đồng, quyết nghịch chống các hoạt động của vị thượng tế, ở Đền Thờ. Kế hoạch của thánh nhân, tuy không nhằm đổi thay thể chế chính trị, mà chỉ nhằm thánh hoá dân tình theo phương cách mà người Do thái tìm cách thực hiện, nhưng không được. Thánh Gioan chẳng hề đổi thay một thể chế nào hết. Nhưng, thánh nhân chỉ muốn dân con mọi người hãy làm điều mà lẽ đáng ra mọi người đều phải làm. Làm cho tốt, chứ không chỉ chăm chú vào những việc mình đang làm, vì bổn phận.

Thánh Gioan làm thế, chẳng để nghịch chống lối sống theo gia đình, hoặc định chế nào khác mà người Do thái đã tạo ra. Sự thật, thì động lực thúc đẩy thánh nhân thực hiện đời sống mục vụ nơi sa mạc, là để thăng tiến sự thánh thiêng đích thực mà dân Do thái cần có. Thánh nhân không làm theo kiểu của thành viên nhóm Pharisêu chuyên trập trung áp đặt Luật Torah trong đời sống hằng ngày. Trái lại, thánh nhân chủ trương cung cách tĩnh lặng của cuộc sống nơi sa mạc ngõ hầu cải hoá cuộc đời mình, như Chúa muốn.

Công việc thánh nhân làm, là động thái cốt thực hiện một cuộc xuất hành về đất hứa, ngang qua sa mạc của mọi trắc trở. Khổ đau. Đó, là động thái đòi chế ngự phần đất do người La Mã tạm thời chiếm lĩnh. Thánh nhân khuyến khích mọi người hãy theo ngài về nơi hoang dã, để sống xứng hợp với Đất Lành Chúa hứa ban. Rõ ràng là, những người theo chân thánh nhân vẫn sẵn sàng đón nhận sứ điệp ngài gửi đến. Rõ ràng là, nhiều người không chỉ là cư dân sống gần Qumran, mà hầu hết những từ người khắp đất miền/thị trấn đã đến thành từng đoàn. Những người từng nắm bắt lập trường sống của thánh nhân.

Chừng như, lúc ấy Đức Giêsu cũng đang ở đó. Ngài hành xử theo cung cách của Đấng Bậc được thanh tẩy, như thánh Gioan. Cũng giảng rao Nườc Trời như sứ vụ Ngài nhận lãnh. Có điều lạ, là: Chúa nhận lĩnh ơn thanh tẩy từ thánh Gioan, là để cho mọi người thấy: đây là một cải tân, không chỉ xảy ra duy một lần, rồi thôi. Và, nhìn từ góc độ nào đó, ơn thanh tẩy từ thánh Gioan, còn nói lên sự kiện “Chúa khởi đầu đời hoạt động của Ngài theo tư cách của Ngôn sứ. Đấng Cứu Độ”.

Trình thuật thánh Mát-thêu hôm nay, không chỉ diễn lại tiến trình gặp gỡ giữa thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Chúa, thôi. Đây cũng không là dịp để thánh nhân nói lên công trình cứu độ đã thành hiện thực nơi Đức Chúa. Nhưng, còn là sự kiện cho thấy có cả những tương đồng cũng như khác biệt giữa thánh Gioan và chính Ngài.

Tương đồng thấy rõ nhất, là ở điểm: cả Đức Chúa lẫn thánh Gioan đều đề cập đến Vương Quốc Nước Trời, có hẹn ước. Cả Chúa và thánh nhân, đều là Đấng Công Chính. Và, đất lành người Do thái muốn thủ giữ, nay thuộc về Đấng Công Chính. Đất lành Ngài hứa ban, buổi đầu là cho các bộ tộc, rất chính đáng. Luật Torah và các ngôn sứ đều kình chống nỗ lực của một số người vẫn muốn sở hữu thật nhiều đất đai. Và, quyền lực.

Kình chống, là bởi: càng ngày người ta càng thấy có người cứ cậy vào quyền mình có để giành quyền sở hữu đất đai/tài sản của người nghèo, mà con số những người này đang gia tăng một cách đáng kể. Theo luật, thì đất đai do Chúa sở hữu, con người không có quyền bán chác, đổi trao. Thế nên, hoạt động của Chúa ở đây, là để tái tạo sự công bình/chính trực, ở khắp nơi.

Công bình, hiểu theo nghĩa giảm bớt những chuyện đổi chác/bán buôn, rất lố lăng. Công bình, hiểu theo ý thức trách nhiệm qua việc “xoá tẩy” đói nghèo. Sầu khổ. Để rồi, cuối cùng, Nước Trời rồi sẽ đến. Không phải vào ngày cánh chung. Nhưng, Vương Quốc Nước Trời đến rất sớm. Ngay vào lúc này.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa và thánh Gioan xảy đến vào lúc Chúa vừa tròn độ tuổi 30. Đó là lúc Chúa quyết định rời gia đình. Bỏ chốn thị thành cùng mọi người, để tiến tới thực hiện ý định Cha giao phó. Ngài quyết định, là để định ra một động thái hợp lực với thánh Gioan. Để, sau một thời gian, Ngài sẽ lại tự mình theo con đường Cha dọn sẵn, muốn Ngài thực thi.

Một điểm khác biệt nữa, giữa động thái của thánh Gioan và Đức Giêsu, là ở chủ trương đặt nặng lên nghi thức rất thánh thiêng, về Đấng Mêsia. Đức Giêsu quyết định về với những người con bé bỏng. Nghèo hèn. Sống, hoà lẫn với họ, mà không sợ một rào cản, cách ngăn nào hết. Ngài về với họ trong tương quan rất trọn vẹn. Tương quan Ngài tạo nên, là kết quả rút từ kinh nghiệm có cuộc sống linh thiêng, sau khi chấp nhận thanh tẩy dành cho Ngài, từ thánh Gioan. Nhờ thanh tẩy, Ngài phát hiện ra ý định của Cha, vẫn dành cho Ngài. Và, khi dân con mọi người sống trong công lý và bình an như Cha đã định, thì Vương Quốc Nước Trời, được Cha hứa ban, đã thành hiện thực. Một hiện thực thấy rõ qua hình thức chữa lành mọi tật bệnh. Qua phép lạ nhân rộng những cá và bánh. Và, qua các dụ ngôn Ngài kể cho mọi người được biết. Tất cả, nay được tái thành lập trong sinh động. Cả nơi triền đồi. Cả ở Biển hồ Tibêriát. Hoặc, thôn làng hẻo lánh có truyền thống sẻ san ơn lành mình nhận lãnh. Sẻ và san, để rồi sẽ dẫn đến cuộc sống lành thánh, như ước hẹn. Ước hẹn với Cha. Ước hẹn với mọi người.

Điểm tương đồng giữa Đức Chúa và thánh Gioan còn thấy rõ ở điểm: cả hai đều kình chống lối nhận thức về Đấng Mêsia theo nhãn quan chính trị. Cả hai Đấng đều kình chống lối giữ Đạo nặng hình thức. Nhiều lễ nghi quan cách. Cả hai Đấng đều cho thấy cung cách rất khác biệt ngõ hầu giúp sống như người Do thái được dạy phải sống như thế. Và rồi, sẽ sống Đạo đúng như Giao Ước mình ký kết với Chúa. Với tha nhân.

Nói cho cùng, trình thuật hôm nay kể nhiều về thánh Gioan Tẩy Giả, là để minh xác về thuở đầu cuộc đời hoạt động của Đức Giêsu. Giai đoạn ấy, không chỉ hiện rõ qua nghi thức có tẩy và có rửa, mà thôi. Nhưng là giai đoạn tuyên dương tín điều đích thực, rằng: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia mà người người đợi trông. Đấng Mêsia, do Cha gửi đến, cốt không để ta thống lĩnh ba quân mà chống lại người La Mã, đang thống trị. Mà, Đức Mêsia đây, chính là Đấng Cứu Độ mà đường đường một thánh nhân rất trổi bật như Gioan Tẩy Giả cũng “không xứng đáng để cài dép, hoặc xách giày cho Ngài”.

Tin Mừng kể nhiều về thánh Gioan Tẩy Giả, là để nói rằng: Đấng Mêsia tuy đến sau thánh nhân, nhưng Ngài lại quyền thế hơn. Ngài đến, để tẩy rửa hết mọi người trong Thánh Thần. Bởi, như bài đọc 1, lại đã viết: “Thần Khí Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Chúa.” (Is 11: 2) Để, “các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự, sẽ rực rỡ vinh quang.” (Is 11: 10)

Và, cùng một ý tưởng tương tự, thánh Phaolô cũng nói: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta.”(Rm 15: 4) Bởi thế nên, “Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng Danh Thiên Chúa.” (Rm 15: 7)

Cuối cùng thì, phụng vụ thánh năm nay trích dẫn lời kinh hay trình thuật về thánh Gioan Tẩy Giả, cũng để mọi người xác tín rằng: “Tất cả chúng ta đều là anh em. Anh em, cùng một Cha. Cùng được Đấng Mêsia cứu độ. Ngài, đang đến với mọi người lâu nay hằng chờ Ngài, suốt nhiều năm.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

MaiTá lược dịch.

Saturday 20 November 2010

“Dưới thềm mưa đợi hồi chuông”


Cổng im nhốt chủ nhật buồn mênh mông”

(dẫn từ thơ Trương Đình Tuấn)

Mt 24: 37-44


Ngày Chúa về, cũng có chuyện tình “đợi hồi chuông” để kể lể. Chuyện, là chuyện về những tháng ngày đợi chờ của giòng họ ông Nôê, thời buổi trước. Trước ngày xảy đến lũ lụt ghê gớm ấy, dân con giòng họ của ông vẫn ăn và vẫn uống. Vẫn lấy vợ gả chồng, cho đến ngày cùng ông lên thuyền, để ra đi. Đi đến chốn miền mà giòng nước lũ đã tẩy xoá chốn không gian.


Cũng hệt như thế. Con Chúa làm người, cũng sẽ đến cùng một tình trạng, rất tương tự. Tình trạng, là những tâm trạng có tình có tiết khi hai người ở ngoài đồng, một được bốc đi. Còn, người kia bị bỏ sót lại. Bởi vậy nên, người người cần cảnh giác. Bởi vậy, không làm sao ta có thể biết trước tháng ngày nào Chúa đến lại. Người chủ nhà cũng thế, ông cũng không thể biết trước ngày giờ kẻ trộm đến viếng, mà canh chừng. Và cũng thế, Con Người sẽ lại đến, rất bất ngờ.


Mùa Vọng đến với những đợi chờ. Vọng buồn, còn là mùa của lễ hội đầy ngóng trông.

Con Thiên Chúa đã chết đi từ thập niên 30, hồi đầu thế kỷ. Rồi sau đó, tháng ngày dài cứ chạy mãi đến thiên niên. Và, dân con Đạo Chúa vẫn cứ nghĩ: Ngài sẽ đến lại, rất sớm. Để còn phân định chuyện trăng sao vũ trụ. Ngài sẽ đến, để dứt đoạn lịch sử với con người. Thế nên, họ cứ nghĩ: Ngài sẽ đến lại, với nguyên trọn hình hài những xương thịt, như buổi trước.


Thực ra, thì Ngài đang hiện diện với con dân/mọi người, đã từ lâu. Hiện diện, Ngài vẫn hiện tỏ nơi mây trời, từng áng mây lịch sử. Ngài vẫn hiên diện, với dân con Đạo Chúa thuở đầu đời, vẫn ngóng trông. Ngóng và trông, sự kiện lịch sử có một không hai, nay xảy đến. Thành thử, thuở đầu đời, người người vẫn trông ngóng từng thế kỷ ngày Chúa đến lại. Trông và ngóng, đến độ chẳng ai buồn nghĩ chuyện dựng xây đền thờ. Trông và ngóng, đến độ chẳng ai lo hoạch định việc hành chánh lẫn Phụng vụ, để lưu lại cho dân chúng, về sau. Ai cũng chỉ nghĩ: lịch sử hội thánh, sẽ chẳng tồn tại được bao lâu nữa. Tất cả đều trông ngóng ngày Chúa đến lại, rồi mới tính sau.


Thật ra, điều này kể cũng không đúng. Chúa có bao giờ đến lại theo kiểu cách ấy. Lịch sử loài người cũng đâu bao giờ chấm dứt, một sớm một chiều, như mọi người tưởng nghĩ. Cuối cùng, người người phải tỉnh giấc. Đúng vậy, nếu ta nhìn việc Chúa đến lại, theo góc độ nào đó, thì hẳn rằng Do thái dân con mọi người đều có lý ngay từ đầu sao? Nhưng, Chúa sẽ không đến lại theo cung cách người Do thái nghĩ, là bởi: dưới góc độ đạo đức, Chúa có bao giờ bỏ rời ai đâu để đến nỗi con dân Ngài hiểu là Ngài sẽ đến lại? Sự thật, Ngài vẫn luôn có đó, và rất gần. Gần, mọi người. Gần, không theo nghĩa thời gian và không gian. Bởi, thời gian và không gian nào có nghĩa gì, đối với Ngài. Ngài vẫn ở đó, ngay sát cạnh ta. Và, luôn ở với ta. Vậy thì, làm gì có chuyện những đi và đến?


Thật sự, thì thời gian cũng đâu là chuyện quan trọng. Quan trọng, chỉ là chuyện ta có biết sử dụng nó không thôi. Ta có biết sống với nó theo cung cách nào đó, mà thôi. Sử dụng và sống với thời gian, theo nghĩa cảm nghiệm Ngài đang hiện hữu với mọi người. Và, hiện hữu ấy vẫn còn tiếp diễn, đến muôn đời. Đó là động thái nội tâm. Đó là ý hướng sống. Thế nên, Mùa Vọng phải là mùa của một “động thái”, chứ không phải của lễ hội “đợi chờ”. Bởi thế nên, ta cũng nên nghĩ đến việc cần thiết phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để xử thế. Để hành động. Cần tỉnh giấc điệp để luôn mãi gần cận Chúa.


Trình thuật hôm nay, mở ra niên lịch mới với phụng vụ. Vào lúc thánh Mát-thêu viết đoạn Tin Mừng này, thì thành đô La Mã đã bị bạo chúa Nêrô ra lệnh đốt cháy. Chính ông đã phóng hoả cả thành đô, để vui say chè chén đổ đốn, rồi đổ cho người của Hội thánh làm. Hai đá tảng làm cột trụ cho Giáo hội là thánh Phêrô và Phaolô lúc ấy cũng quá vãng. Và, đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy. Dân con Do thái bị bách hại. Nhiều vị còn bị đưa đẩy vào vòng lao lý. Thậm chí, có vị phải làm thân nô lệ người ngoại bang, nữa. Từ lúc ấy, tín hữu Chúa vẫn cứ hỏi: phải chăng lịch sử loài người nay đi vào ngõ cụt? Phải chăng lời tiên tri hôm trước nay đà ứng nghiệm?


Tin Mừng ta nghe hôm nay, còn là thời điểm mà thánh Mát-thêu đưa câu trả lời hầu trấn an những vị lúc ấy đang ưu tư, lo lắng. Đưa ra một giải đáp, thánh Mát-thêu muốn giúp dân con đi Đạo tạo cho mình động thái đúng đắn mỗi khi rơi vào tình huống, tựa hồ như thế. Giải đáp mà thánh sử Mát-thêu đưa ra hôm nay, gồm tóm một lời khuyên: hãy “sẵn sàng” mà “tỉnh thức”. Cứ mở to con mắt ra mà thấy. Mà nhìn. Mở rộng cả vòng tay ôm, như ông Nôê thuở trước thấy trước cơn lụt sắp xảy đến, nên đã “sẵn sàng” “thức tỉnh”. Trong đám dân gian người ngoài, có kẻ lại cho đó là hành động của ông Nôê sửa soạn đóng thuyền, là khùng điên. Lẩn thẩn. Bởi, đất miền Do thái lúc ấy đang gặp thời hạn hán, sao lại sợ lụt?


Quay về nhìn lại chính mình để tự kiểm, nhiều lúc ta cũng thấy mình không khác thế, là bao. Nói vậy, thử hỏi: ta rút tỉa bài học gì ở nơi đây?


Bài học, nay cho thấy Mùa Vọng không là bề dầy thời gian những bốn tuần. Hoặc, là dịp để ta tìm đọc lại những bài sách thánh khác mọi bài trong cả năm phụng vụ. Đây, cũng không là lễ hội mùa Chay kiêng rất ngắn ngày, để sám hối. Cũng chẳng là lễ hội nguyện cầu theo kiểu Hồi giáo, rất Ramadan. Mùa Vọng, chính là lễ hội nói lên cung cách hiểu và biết những gì xảy đến với cuộc sống mỗi ngày. Cung cách, giúp ta nhìn về phía trước, xa hơn đầu mũi, mà mắt thịt của ta không tài nào đạt tới. Cung cách nhìn sự vật tận chốn chân trời có bề dầy lịch sử. Nhìn, để biết rằng bên kia đầu mút mọi sự vật luôn có điều gì đó, đang trờ tới. Đó, chính là Niềm Tin.


Sự thật, thì cuộc bách hại dân con Hội thánh buổi đầu đời, cũng đã kết thúc vào thế kỷ thứ tư, dương lịch. Và sự thật, thì đã là người Công giáo, tức trở thành người trổi trang, mọi người đều biết đến. Hơn nữa, chẳng vì Hội thánh được dựng xây trên đá tảng, nên mới tồn tại được lâu dài. Mà. Là dân con Đạo Chúa đã đạt đến từ lâu. Là dân con Đạo Chúa, là ta đã đạt điểm son về lợi ích chính trị. Nên, không cần phải chờ đợi thêm nữa, để được thế. Thời của tín hữu Đức Kitô đã là thời tuyệt hảo. Mọi dự án của dân con Chúa đã thành đạt. Thế nên, Mùa Vọng không còn được mọi người coi như thời gian đợi chờ chuyện ấy đến. Vì, “thời ấy” đã đến rồi.


Ở đây, phụng vụ, muốn dân con Hội thánh không còn nhìn thời hiện tại như những gì ta hoàn tất, rất từ lâu. Mà là, còn đường trước mặt vẫn còn đó để ta đi tới. Và Chúa vẫn đồng hành với ta, như khi xưa Ngài làm với đồ đệ trên đường đi Emmaus. Thực tế, thì ta vẫn chưa đạt tới Emmaus Thiên Quốc. Bởi thế nên, như con trẻ ngồi sau xe ta, vẫn cứ hỏi bố hỏi mẹ: mình tới chưa, thưa bố. Thưa mẹ? Và, câu trả lời từ người bố/người mẹ, vẫn cứ là: chưa đâu con! Rồi, thì ta cũng tới, thôi!

Tư nay đến ngày mọi người đạt Emmaus Thiên Quốc Nước Trời, vẫn còn đó những câu hỏi:

Ta còn chờ gì nữa? Chờ Chúa. Trong tinh thần đổi tầm nhìn cho mới, chờ và đợi, để nhớ rằng Ngài đang hiện diện trong ta. Giáng Sinh, không nhất thiết là cung cách của một lễ hội qua đó Hội thánh Chúa quyết thực hành phụng vụ tốt hơn, mà là cơ hội để ta mang trong mình, một tinh thần đổi mới. Tinh thần và thái độ, đã hài hoà được với nỗi chết, với thái độ coi cái chết như cuộc Vượt Qua dẫn đến niềm vui Thiên Quốc. Nước Trời.


Ai đang chờ, đang đợi? Chính là ta. Toàn cả Hội thánh thời đã qua. Mọi người đời, thời nay.

Đợi chờ, như thế nào? Bằng hy vọng đã chúc phúc. Bằng niềm tin không ngao ngán. Rất vui. Chờ và đợi có nghĩa gì? Nghĩa là NIỀM VUI vì được biết đến tinh thần đổi mới tận thâm căn.

Chờ đợi ai? Chờ Chúa, Đấng đang về tới theo cung cách không thể đoán trước. ..

Chờ và đợi, để rồi sẽ quyết định thôi không tranh chấp/đố kỵ nhau nữa. Nhưng đã bắt đầu biết nghĩ tới những người đói khát, đang chờ ta, trên thế giới! Chờ và đợi, để ta không trao họ vào tay các nhà chính trị, chỉ tranh cãi. Chờ và đợi, để đi tới quyết định: dứt khoát phải làm việc gì, cho ra nhẽ. Việc gì tạo đổi thay. Đổi và thay, động thái quan tâm thực hiện những điều tốt đẹp, cho mọi người.


Có lẽ nên kết thúc giòng suy niệm này bằng lời lẽ thánh Bernađô viết khi trước, rằng:


Trước nhất, Ngài đến bằng xương thịt, kẻ yếu kém. Kế đến, Ngài lại đến bằng tinh thần và quyền uy tối thượng. Cuối cùng, Ngài sẽ đến lại trong vinh quang, bề thế. Rất oai phong. Thời gian Ngài đến lại, lúc giao thời, là cung cách ta trải qua từ lần đến đầu tiên tới lần đến cuối. Đến lần đầu, Chúa đến để cứu chuộc chúng ta. Đến vào lần cuối, Ngài sẽ đến bằng chính cuộc đời ta đang sống. Đến vào lần ở giữa chừng, Ngài lại là sự ngơi nghỉ, ủi an. Ta tĩnh dưỡng.” (Thánh Bernađô, Bài Giảng Các Ngày lễ trong Mùa Vọng)

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

MaiTá lược dịch.

Saturday 13 November 2010

“Chiều nay ngang cổng nhà ai,


Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào.

Nhưng mà không hiểu vì sao,

Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?

(dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)


Lc 23: 35-43



Tạt qua nhà người xưa thôi, sao nhà thơ đã nhủ lòng. Trúc đào còm cõi cây xanh vẫn nhìn. Lui tới chốn thiêng phụng thờ, nhà Đạo hẳn lòng những quyết tâm? Thập tự đó hiên ngang vội tìm. Nhà thơ hay nhà Đạo, có tìm cũng chẳng thấy Vua vũ trụ, còn đó rất ngóng đợi.



Trình thuật, nay thánh Luca kể về Đức Kitô Vua vũ trụ vẫn một lòng đợi trông, không suy xuyển. Là Vua, Ngài có đủ tư cách của Đấng Cứu Thế, Cao sang. Quyền quý. Lẽ đáng ra, Ngài phải được triều thần thánh trên trời/dưới đất gập mình phục lạy. Nhưng, trớ trêu thay, Vua vũ trụ nay đứng trước triều thần vua quan ở trần gian, cứ hạch hỏi: Ngài là ai? Sao thế này?



Bài đọc hôm nay diễn tả hai ảnh hình đối chọi nhau về Vua Kitô. Bài đọc 2, qua thư gửi cộng đoàn giáo dân ở Côlôssê, ta thấy Đức Vua hiên ngang. Toàn thắng: “Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình. Là Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo… là Đầu của thân thể, là Hội thánh… Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Ngài, nhờ Ngài mà muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1: 15-19)



Lời cuối thư nối kết Tin Mừng thánh Luca cho thấy ảnh hình khác biệt về Vua Kitô đang hạ mình chết nhục trên thập giá, để những người chế nhạo Ngài, cũng được cứu. Cứ sự thường, người người vẫn thích ảnh hình của một Đức Vua hiển vinh. Toàn thắng. Sáng láng.



Hội thánh, nay chọn ảnh hình rất khác biệt để dân con mừng kính Vua vũ trụ theo ý nghĩa đích thực. Đọc Tin Mừng, mọi người thấy Vua Cứu Độ xứng hợp với ý của Cha, Đấng vẫn chờ vẫn đợi con dân Ngài đến phục lụy.



Nếu Đức Giêsu là Vua vũ trụ, hẳn có người sẽ hỏi: thần dân Ngài đâu? Cận thần, quan đâu không thấy? Cung điện Ngài ở chốn nào? Sao, chỉ thấy mỗi đồi trơ trụi, ở Giêrusalem? Chốn hành quyết. Chết nhục. Chết ở đó, Ngài cũng không có đến một đồ đệ. Bạn bè/người thân, đều khuất lánh. Đồng hành với Ngài, lại là quân trộm cướp, cả hai bên. Còn, bên dưới là đám ô hợp, chỉ nhục mạ.



Chính ở nơi đây, Đức Giêsu đang đi vào giai đoạn vương giả nhất đời Ngài. Giai đoạn quan trọng tối thượng ta được biết. Khi giáng hạ làm người, Ngài ở giữa đám trẻ chăn chiên rất nghèo hèn, bên máng lừa. Để có thể ban tặng họ sự sống đích thực, Ngài đã hy sinh trọn thân mình. Hy sinh, vì người khác. Hy sinh trọn quyền lực. Bởi quyền lực Ngài, là khả năng dâng trọn đời mình để người khác được sống.



Lãnh tụ quanh Ngài, chỉ bêu riếu nhục mạ, chứ không thấy được Ngài, dù có mắt. Trớ trêu thay, cả vương triều quyền uy trên dưới, có mỗi tay tội đồ cùng chung số phận, đã nhìn và thấy, nên mới nói: “Lạy Ông Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài về với Nước của Ngài!” (Lc 23: 43). Chỉ mình anh là nhận ra ý nghĩa của tấm biển gỗ ghi trên thập tự “Giêsu Nadarét, Vua Do thái”(Lc 23: 38). Chỉ mỗi mình anh, là được Chúa căn dặn: “Hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Tôi.”(Lc 23:43). Nếu không là Vua của các vua, hẳn đã ai dám hứa hẹn điều đó?



Những kẻ có mặt lúc ấy, đều nhắm mắt chẳng nhìn thấy. Họ chỉ nhạo Đức Vua như người đời: “Hắn cứu ai đâu, chẳng cứu mình.” Nhạo và cười, là bởi họ không hiểu Lời Ngài xưa từng bảo: “Kẻ nào cố tìm sự sống, sẽ đánh mất. Kẻ nào đành mất sự sống vì Ta, sẽ gặp lại.” (Mt 19: 39). “Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu chết đi, nó mới sai hoa lắm quả.” (Yn 12: 24)



Chính đó, uy quyền của Đức Vua. Quyền tác tạo sự sống, cho mọi người. Là dân con Đức Kitô, Vua vũ trụ, ta được mời gọi dấn bước theo chân Ngài, để cũng làm như thế. Có làm, ta mới là quần thần. Đồ đệ. Và, là bày tôi của Đức Vua muôn loài.



Là Vua, Ngài cũng có vương quốc để trị vì. Nhưng, Vương Quốc Ngài là nơi ta vẫn đến để nguyện cầu, mỗi khi lập lại lời Ngài, khi nguyện kinh “Lạy Cha”. Vương Quốc Ngài được diễn tả rất rõ trong Kinh Tiền Tụng vào Tiệc Thánh hôm nay: “Đây là Vương quốc vĩnh cửu. Toàn cầu. Vương quốc của Sự Thật. Và, Sự Sống. Vương quốc lành thánh của công bằng. Tình thương. Và an bình.”



Có điều, là ta không chỉ là thần dân của Vua Vũ trụ là Ngài, mà thôi. Ta còn là đồng nhiệm trong công trình tác tạo Vưong Quốc ấy, nữa. Vương quốc ấy, nay đã ở với mọi người. Bài đọc 2 còn đó nhắc nhở: “Ngài là Đầu của thân thể, tức Hội thánh.” (2Cl 1: 18), tức: ta cùng một thân thể với Ngài, Đức Kitô Vua. Ta cùng sẻ san vương quyền. Cùng là tư tế. Cùng lãnh mọi trọng trách do quyền năng Ngài đem lại!



Bài đọc 2, cũng lại thêm: “Ngài giải thoát ta khỏi quyền lực tăm tối và đưa vào Vương quốc của Con Chí Ái Ngài. Trong Ngài, ta có ơn cứu độ. Và, ơn tha tội.” (Cl 1: 13) nghĩa là, nhờ Ngài và với Ngài, ta đem bình an đến với mọi người nơi địa cầu. Nơi, Ngài từng khai phá nhờ cái chết khổ nhục, trên thập tự. Con đường ta đi vẫn còn dài, trước khi Vương Quốc Ngài nên hiện thực.



Từ nay đến ngày hiện thực Vương Quốc rất bình an của Vua vũ trụ, còn rất nhiều việc phải làm. Để hoà giải. Nhiều công trình kiến tạo hoà bình với trần gian, ta cần hoàn tất. Hoàn tất, cả công tác đem tự do, công lý, tình thương an hoà mà Ngài làm mẫu, để đưa về với muôn dân, ở thế trần.



Tiệc thánh mừng Đức Kitô Vua hôm nay là một thách thức. Là cơ hội, để ta nhận ra được lời ới gọi mời mọi người trở nên đích thực thần dân và đối tác của Đức Kitô Vua vũ trụ. Gọi và mời mọi người, hãy cứ kéo dài Vương Quốc rất bình và rất an của Ngài, để Vương Quốc ấy sẽ tồn tại mãi mãi, nơi mọi người.



Trong tinh thần tỉnh táo nghe lời mời gọi của Đức Kitô Vua vũ trụ, ta cứ hiên ngang hát:


“Nếu… tôi gặp Ngài chiều năm xưa trên đồi ấy,

Chết… treo thập hình vì yêu thương nhân loại tội lỗi.

Như …tên trộm cướp chẳng ai thương nhìn tới,

Nếu tôi gặp rồi, thì xin hỏi: tôi còn tin nữa thôi?

Tôi, vẫn cứ tin luôn, tin rằng: Ngài luôn thương tôi!

Tôi, vẫn cứ tin luôn, cho dù gặp bao gian nguy.”

(Thành Tâm – Nếu)


Ngài là Vua vũ trụ rất thực sự, thì đâu còn chữ “nếu” để hỏi. Vua Kitô đã hy sinh trọn mình Ngài, để thần dân/muôn người được sống. Sự thật ấy, còn gì để ngờ vực. Chân lý ấy, còn gì mà suy nghĩ. Đắn đo. Do dự. Sao ta không hăng hái bước theo chân Ngài mà mở rộng Vướng Quốc Nước Trời. Mở rộng tình thương yêu. Đỡ đần. Phục vụ. Để, nguời người sẽ tung hô: Vạn tuế Vua Giêsu. Vạn tuế Vua vũ trụ. Đến muôn ngàn đời.


Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn dịch


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Saturday 6 November 2010

“Tôi có hoa bè bạn bên mình”


Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói
Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi
Qua thời gian tóc thoáng sợi màu mưa.”

(dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Lc 21: 5-19

Với nhà thơ, hoa bè bạn vẫn hiểu điều mình muốn nói. Với nhà Đạo, hoa thời gian là thoáng sợi màu mưa. Là, thác ghềnh, đá núi, ta kinh nghiệm. Hoa lá/bạn bè vẫn chan chứa tình đời. Tình người. Và, tình Chúa ở thơ văn, rất Tin Mừng. Ở, trình thuật/truyện kể ta đón nhận, bấy lâu nay.

Trình thuật thánh Luca, nay nói về cảnh tình khắc nghiệt xảy đến với lai thời, ngày Chúa đến. Trình thuật Chúa bắt đầu bằng câu chuyện về Đền thờ Giêrusalem linh thánh. Đền thờ, được dùng làm biểu tượng cho tâm can/niềm tự hào của đời người Do Thái. Biểu tượng, chứng tỏ Chúa hiện diện với họ. Đền thờ vật chất, sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, nữa.

40 năm sau, Đền thờ uy nghi hoành tráng như Lời Chúa báo trước, đã thành bình địa khi Giêrusalem thất thủ dưới tay người ngoại giáo, rất Rô-Ma. Với người Đạo Chúa Do thái, điều Chúa nói, Ngài không nói về ngày kết tận của thế giới loài người, thôi. Mà, nhiều thế kỷ về sau, thánh Âu-Tinh và bầu bạn, cũng có cảm giác tương tự khi các vị nhìn cảnh thành phố La-Mã lọt vào tay quân bạo tàn, người phía Bắc.

Điều Chúa nói, khiến người nghe cứ tưởng sự việc sẽ diễn ra trong giao thời, chờ Đấng Mêsia đến. Ở đây, Chúa cảnh báo về những người mạo danh Ngài cứ dụ dỗ người nghe, làm theo ý họ. Ngày nay, các biến động về chiến tranh, thiên tai, lụt lội, không là dấu hiệu của kết tận. Không là thời Chúa đến, ngày sau hết. Cũng chẳng là dấu chỉ cơn giận, của Chúa. Bởi, Chúa của ta đâu là thế. Trình thuật muốn diễn tả đó là đố kỵ, ghét ghen, hận thù đang thống trị tâm can con người, thôi.

Chúa nói chưa hết lời. Và, Ngài diễn tả cũng chưa hết ý. Vẫn còn nhiều sự việc nằm lại nơi tâm tư những người theo chân Ngài. Họ chẳng ngạc nhiên/quẫn bức khi nghe Ngài bảo. Bởi, điều Ngài nói, là các hiện tượng không chỉ xảy đến với Hội thánh thời tiên khởi, mà, còn diễn tiến từng giai đoạn nhiều thế kỷ, mãi đến hôm nay.

“Trước khi sự việc ấy xảy ra, người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi anh em, sẽ nộp anh em cho hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa cùng quan quyền, vì Danh Thầy. Đó là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Lc 21: 12)

Tiếng Hy Lạp cụm từ chỉ cuộc tuẫn đạo, là cụm từ có nghĩa là “làm chứng”. Thế nên, tất cả các hiện tượng xảy đến, không là nguồn gốc của mọi hãi sợ, lo âu. Mà, chỉ là cơ hội để mọi người “làm chứng” cho Nước Trời. Làm chứng, cho thị kiến của Đức Chúa về đời người. Và, các vị bị tuẫn đạo từng chết vì bách hại, đều là nguồn gốc của niềm tự hào cộng đoàn Nước Trời. Là, mẫu mực cho mọi người nghe theo. Thời tiên khởi của các thánh, các vị tử đạo đều hiểu rằng máu đào các ngài đổ ra là hạt giống cho mọi người tin tưởng, vào Chúa.

“Anh em đừng ngại phải bào chữa cách nào. Chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi, hoặc cãi lại được.” (Lc 21: 13) Ngày nay, có nhiều bằng chứng cho thấy lời Chúa hứa đã thành hiện thực. Bản thân nhiều người cũng từng có kinh nghiệm về những đau đớn/bách hại do tin vào Chúa. Và sau đó, các ngài càng trở nên vững mạnh, hơn bao giờ hết.

Thông điệp Chúa gửi, nay cũng rất mạnh và rõ nghĩa. “Hãy kiên trì, rồi ra chiến thắng sẽ về tay anh em.” Đây không chỉ đơn giản là lời hứa hẹn suông. Nhưng về lâu về dài, chính Sự Thật, Tình Yêu và Công chính, sẽ thắng thế. Lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ, dù có những điều xảy đến rất tan tác, rối bời; nhưng, các điều ấy vẫn cho thấy tiến trình diễn bày giá trị con người nằm ở nhiều nơi, nhiều chỗ.

Bằng chứng đã thấy có trong lời tiên tri Malaki ở bài đọc 1: “Vì này, ngày ấy đến đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng.” (Ma 3: 19) Nhưng, với những ai đặt nền tảng cuộc sống lên Sự Thật và bỏ hết thời gian còn lại để phục vụ Chúa và phục vụ người anh/người chị ở Nước Trời, thì “mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.” (Ma 3: 20)

Nhưng, vấn đề là người người đã sẵn sàng chưa? Có chuẩn bị chờ đón ngày Chúa mời gọi mọi người đến với Ngài không? Nếu có, hà tất cứ phải sống làm sao, ăn nói làm sao cho xứng với tương lai mai ngày, rày có Chúa. Đúng hơn, hãy tập trung lo cho hiện tại, hôm nay. Như thánh Phaolô, từng khuyên các thánh ở Thessalônika, miền Bắc Hy Lạp, rằng: “Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời. Không rượu chè say sưa, không kiếm tìm lợi lộc, thấp hèn. Phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch.” (2Th 2: 8-9)

Khi viết cho giáo đoàn Thessalônikê, thánh Phaolô thấy Giáo hội ở đây xôn xao nhiều vì cứ tưởng ngày Chúa Quang Lâm đã gần kề, nên không bõ hăng say làm việc, hầu chờ Chúa. Và sự thể là, họ thuyết phục người khác cứ ở nhưng không, sống vô trật tự, như mình vẫn sống. Vì thế nên, thánh nhân mới gay gắt: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải lánh mọi anh em nào sống vô trật tự, đi nghịch lại truyền thống họ chịu lấy nơi chúng tôi.” (2Th 3: 6)

Thánh Phaolô dứt quyết không chấp nhập động thái của những người sống như thế. Ngược lại, thánh nhân còn cương quyết: “Trong Chúa Giêsu Kitô, chúng truyền cho anh em và những người như thế hãy yên thắm làm lụng mà nuôi lấy mình.” (2Th 3: 12) Đây còn là lệnh truyền cho dân con Chúa, ở mọi thời.

Với người vững tin, Đức Giêsu luôn hiện diện nơi trọng tâm cuộc sống, của mỗi người. Tất cả được kêu mời tìm kiếm và gặp gỡ Ngài, ở mọi sự. Nơi mỗi người. Và, mọi người. Mọi thời. Muốn được thế, người người nên vào với thăng trầm của cuộc sống, chính mình. Với thế giới xung quanh. Và, coi đó như khung trời của bình an. Hạnh phúc.

Trong tin tưởng đón chờ Chúa đến lại, ta cứ hân hoan hát mãi lời ca đầy phấn kích, rằng:

“Từ thành đô ra đi muôn phương

Hoà niềm vui trong bao yêu thương

reo rắc khắp nơi nguồn vui sống.

Tiếng gió lướt sóng mênh mông, mênh mông

Dốc núi bát ngát chập chùng, chập chùng

Đời tự do, say trong phong sương.”

(Văn Phụng – Ta Vui Ca vang)

Sống tự do, hoà vui trong yêu thương, là sống hạnh phúc. Bất chấp mọi sóng ngầm, động đất, chiến tranh, đang bộc phát. Sống, là tin vào Lời Chúa đã phán hứa, với mọi người. Trong cũng như ngoài nhà Đạo. Ở khắp nơi. Mọi khung trời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn dịch