Saturday 30 October 2010

“Nhưng không chết người trai khói lửa”,


Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng.
Má tôi ngồi bên mộ con, đầy bóng tối.

(dẫn từ thơ Hữu Loan)

Lc 20: 27-38

Nhà thơ trong đời, lâu nay vẫn cứ than và khóc người gái nhỏ hậu phương, rày đã chết. Bè Sađốc khi xưa chẳng khóc chẳng than, vẫn râm ran gạn hỏi Chúa đôi câu để bắt bẻ, về sự sống sau khi chết. Sự sống sau khi chết, là đề tài nóng bỏng được thánh Luca kể ở trình thuật, hôm nay.

Trình thuật thánh sử kể, là kể về tâm tưởng của những người không tin vào sự sống, sau khi chết. Về, cảm nhận niềm tin yêu rất khác nhau. Khác, cả về cung cách diễn tả ý tưởng và niềm tin của mình, con dân nhà Đạo vốn chịu ảnh hưởng sách Khải Huyền, vẫn diễn tả đó là chốn ấm êm thiên đường, nơi người người gập mình quỳ lạy và đàn ca chúc tụng Chúa suốt đời người.

Thế nhưng, những hình ảnh ấy nay không còn thích hợp. Cũng chẳng giúp ích được người thời đại. Vì thế, có lẽ ta cũng nên hợp cùng tác giả sách chiêm niệm có tựa đề: “Mây mù phủ khuất nhận thức”, qua đó, tác giả bảo: ta chỉ biết Chúa khi nhận ra rằng mình chẳng hiểu gì về Ngài; hoặc cung cách Ngài bầy tỏ sự thật trong cuộc sống. Cũng vậy, ta chẳng thể nào hiểu được chính đời mình, mỗi khi giáp mặt cuộc sống có Chúa.

Trình thuật trước đó cho thấy Đức Giêsu hết bị đám Kinh sư/Biệt Phái dồn vào tư thế khó xử khi họ hỏi Ngài về việc đóng thuế cho César. Nay lại đến bè Sađốc quấy nhiễu. Sađốc là nhóm bè bị đám Biệt phái rất coi rẻ, vẫn cứ lân la với giới cầm quyền La Mã. Bọn họ là đám người chuyên ăn trên ngồi chốc rất quan liêu. Chuyên dò xét cộng đồng Do thái. Họ chỉ muốn ở vị trí cao sang Thượng Tế như Anna, Caipha.

Về lề luật, nhóm bè Sađốc vẫn tự cho mình là người hào phóng. Tuy niềm tin đi Đạo của họ, lại có phần cổ lỗ. Bảo thủ. Về Kinh Sách, nhóm bè này chủ trương chỉ chấp nhận mỗi Ngũ Thư, tức 5 cuốn sách đầu của kinh thánh gồm: Khởi nguyên, Xuất Hành, Lê vi, Dân số và Đệ Nhị luật. Ngoài các sách này ra, họ không chấp nhận mọi sách nào khác. Không những thế, họ còn đặt vấn đề khách quan của cách sách ấy. Vì thế, họ chẳng tin vào chuyện xác thân người phàm sẽ sống lại, sau khi chết. Chẳng tin thần thánh, lẫn thần linh thiên giới.

Đoạn sách được nhóm trích dẫn làm vấn nạn hỏi han Chúa, là sách Đệ Nhị Luật phối hợp với sách Ruth là sách mà họ chối bỏ tính sâu sắc và trung thực. Tất cả, được dùng làm ví dụ để xác chứng là họ vẫn câu nệ vào luật lệ. Chuyện 7 anh em lấy chung một vợ, được họ sử dụng để bẫy gài Chúa xem Ngài nói người vợ kia thuộc về ai, khi sống lại. Riêng họ, có một hay 7 chồng cũng chẳng thành vấn đề. Bởi, họ đâu có tin vào tương lai mai ngày, rày đã chết.

Thế nhưng, nếu Đức Giêsu tin vào sự sống ở đời sau, thì làm sao Ngài có thể trả lời câu hỏi ấy. Nếu bảo người kia là vợ của 7 ông chồng, thì há nào Chúa chấp nhận tệ đa phu/đa thê? Cuối cùng, chắc Ngài cũng phải kết luận rằng: chẳng có gì gọi sống lại, trong mai ngày, hết.

Với Chúa, việc ai là chồng của chị nọ, đâu là vấn đề. Bởi, cuộc sống mai ngày là trạng thái không giống trước. Tất cả, đều sống kết hiệp với Chúa. Với nhau. Khi còn ở đời này, người người vẫn được dạy: sống ở Nước Trời đời này, là sống có tương quan hoàn toàn mới. Với mọi người. Ở đó, người người sống có tình có nghĩa như trong gia đình mới. Ở đó, không có chuyện hỏi han: anh từ đâu tới? Chị thuộc sắc tộc nào? Tất cả là anh/là chị cùng chung một gia đình, của Chúa. Rất hoà hợp.

Ở đoạn khác, khi có người bảo: Mẹ và anh/em Ngài đang tìm Ngài, Chúa bèn hướng về các vị đang ngồi nghe, và Ngài bảo: “Nhìn này! Đây là mẹ Tôi. Này là anh em Tôi!” (Mc 3: 33-35). Đời sau cũng thế. Gia đình mình cũng đâu khác. Tương quan giữa người với người, sẽ không theo máu huyết. Sắc tộc. Hoặc, giai cấp. Tất cả, không còn thích hợp với Nước Trời, dù đời này hay đời sau. Nên, câu mà nhóm Sađốc định bẫy gài Chúa, chẳng có nghĩa gì ngoài một luận giải. Rất ngụy biện.

Lời Chúa nói: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ ai được xét đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, sẽ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Họ không thể chết, vì ngang hàng với thiên thần. Họ là con cái Chúa, và là con cái sự sống lại.” (Lc 20: 34-36)

Viết như thế, thánh Luca muốn hướng người đọc về với những gì xảy ra trong Hội thánh tiên khởi. Các thánh tuy có gia đình, vẫn tình nguyện sống đời đơn chiếc để giải thoát chính mình, hầu lo cho Nước Trời. Sự việc ấy, là tương quan rất thánh với Nước Trời, thời vĩnh cửu.

Đối đáp lại bè Sađốc, Chúa sử dụng chính sách “gậy ông đập lưng ông”. Bè Sađốc dùng luật Môsê để bẫy Chúa, thì Ngài dùng Cựu Ước để nói: chính Môsê cho thấy những người đã chết nay quay về với cuộc sống. Đó là đoạn Xuất hành cho thấy Môsê đang đối diện bụi gai cháy bừng, có Lời Chúa.

Ở đoạn này, Môsê hỏi Danh Tánh Chúa, bèn được bảo: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là Danh Ta cho đến muôn thuở. Là Danh Hiệu, các ngươi dùng mà kêu cầu Ta từ đời này đến đời kia." (Xh 3: 13-15)

Nếu Chúa quả quyết rằng: Ngài không là Thiên Chúa của kẻ sống, thì sao Ngài nói được Ngài chính là Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp một khi các vị không còn sống nữa? Và, nhóm bè Sađốc đành im lặng, chịu thua. Không còn lên mặt trích dẫn lề luật để cật vấn Chúa, nữa.

Bài đọc 1 trích sách Macabê kể về Antiôkhô IV vị vua độc tài, tàn bạo chỉ muốn dân mình theo văn hoá Hy Lạp, thôi. Để được thế, ông cấm cản mọi tập tục Do Thái, và vấy bẩn Đền thờ của họ. Kết quả là, ông gặp nhiều chống đối, từ mọi phía. Kể về ông, nay kinh thánh nói về tinh thần bất khuất của bà goá có 7 người con bị hãm hại, kiên quyết không chối bỏ niềm tin. Không ăn thịt uế tạp, cốt để chiều lòng vua.

Mục đích của truyện kể, là để nói: có những giá trị trong đời sống, còn quý hơn cả sự sống ở cõi đất. Và, đấng bậc lành thánh quyết nhận cái chết để bảo vệ giá trị ấy. Sự hy sinh của các thánh tử đạo tuy được coi là cái giá các ngài phải trả, nhưng các ngài lại nhận được phần thưởng quý giá khác, tức: gia nhập sự sống mới. Không sợ chết. Bởi thế nên, người con thứ tư nói: “Tôi thà chết vì tay người đời khi dựa vào Lời Chúa đã hứa để hy vọng được Ngài cho sống lại. Còn ông, ông sẽ không đuợc sống lại, để hưởng sự sống.” (Mcb 7: 14)

Sự sống người Công giáo, cũng đặt nền tảng trên niềm hy vọng một ngày kia được kết hiệp với Chúa. Đấng, là điểm xuất phát hết mọi sự, để rồi tất cả cũng sẽ quay về với Ngài. Đó, là ý nghĩa của thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma, khi thánh nhân quả quyết: “Chúng ta biết: cho đến giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng rên siết trong lòng, cũng lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng trông đợi Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8: 22)

Niềm hy vọng mà thánh Phaolô nói, vẫn dựa trên niềm tin sắt đá. Vào sự tin tưởng nơi tình thương yêu của Thiên Chúa, vốn là nguồn gốc và đích điểm của sự sống. Đó không chỉ là hy vọng bình thường, mỗi ngày. Nhưng là hy vọng dẫn đến niềm tin vững chắc, rằng: một ngày kia, ta sẽ kinh nghiệm sống đời hiện tại, chưa kịp bắt.

Bài đọc hôm nay dẫn người nghe đi dần vào kết cục của năm Phụng vụ, khiến ta suy về đích điểm của mọi vật. Đích điểm chấm dứt sự sống của mỗi cá thể, như Kinh Tiền Tụng lễ An táng từng nhắc nhở: “Lạy Chúa, chúng con biết là sự sống của mọi người sẽ đổi thay, chứ không chấm dứt. Và khi thân xác chúng con ở đời này nằm xuống, chúng con sẽ đạt được chỗ đứng vững vàng, trên thiên quốc.”

Với lời cầu này, người còn sống biết mình phải làm gì khi đang sống những ngày còn lại, ở cõi đời. Sống, là hy vọng vào sự sống lại, đang trườn tới.

Hiểu như thế, ta hãy cất lên lời ca chúc tụng Đức Chúa của Sự sống và Sống lại, mà hát rằng:

“Allêluia! Lời Chúa dẫn soi con đường đi.

Allêluia! Lời Chúa khác chi như giòng suối.

Allêluia! Lời Chúa bánh thiêng ban nguồn sống.

Ohúc cho người vui nghe yêu mến gẫm suy Lời luôn.”

(Thành Tâm – Tung Hô Lời Chúa)

Vâng. Cứ thế mà tung hô. Chúc tụng. Cứ thế để cho Lời Chúa sáng soi muôn người, rồi ra ta sẽ hiểu được sự sống trong hiện tại. Và, cả sự sống lại trong tương lai. Mai ngày.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Sunday 24 October 2010

“Ta còn thấy bóng kẻ thơ ngây,”

Rẽ lau vạch suối tới am mây,
Nắng trần chan chát, lòng trần héo,
Mịt mù dặm cát, một chòm cây.”
(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Lc 19: 1-10

Chòm cây hôm nay, đâu nào thấy dáng vẻ thơ ngây. Lòng trần héo. Lại đã chứng kiến cảnh anh trưởng ban thu thuế vốn rất giàu. Anh giàu mà không sang. Bởi nếu đã cao sang, anh sẽ không màng của cải, quyết để lại mà theo Chúa. Và, thánh sử nay kể về anh Dakêu giàu, ở trình thuật.


Trình thuật, thánh Luca nay mô tả cảnh trí trong đó người đọc thấy Chúa đi vào thành phố cổ Giêrikhô, rồi dừng bước. Nhiều lần, ta cũng thấy Ngài vẫn đi và đi mãi, không dừng bước. Ngài chỉ dừng, để thực hiện công trình Cha giao, rồi đi tiếp. Và hôm nay, Ngài dừng chân đề nghị với dân con nhà Đạo một bài học về giàu sang không sợ tai tiếng, để tiếp Chúa.


Nhân vật giàu sang mà thánh Luca nay trích dẫn, là vị trưởng nhóm thu thuế ở trong vùng. Anh rất giàu, nhưng lại bị người đời ghét bỏ. Duy mỗi Chúa đã không ngại ghé thăm anh dù có người xầm xì cho rằng nhà của anh không xứng để Ngài dừng ghé lại. Bất chấp dư luận dị nghị. Ngài vẫn đến . Đến, để tỏ bày tình thương yêu, với mọi người. Hầu cứu vớt.


Trình thuật kể rất nhiều về động thái của anh Dakêu người nhỏ thó, chìm khuất giữa đám đông. Cố gắng lắm, anh cũng chẳng tài nào tìm thấy Chúa. Thế nên, dù có vai vế trong xã hội, anh vẫn chẳng ngại xử sự như người tầm thường. Cũng trèo leo cây cao, nhìn cho dễ. Leo như thế, anh không còn bị đám đông che khuất mắt, hầu thực hiện ước vọng mình vẫn có. Leo lên cao để tìm Chúa, là tư thế của người giàu/quyền thế, ở xã hội.


Kể về anh, thánh Luca còn muốn kể, rằng: thông thường, ta không thể gặp Chúa khi cứ để quá nhiều thứ vây quanh làm khuất mắt. Nên, không thể nhìn thấy Sự Thật và Công Chính, đang xuất hiện trước mắt, bằng xương bằng thịt. Muốn nhìn thấy Đức Chúa của Sự Thật, người người phải xa rời đám đông. Chốn ồn ào. Bận rộn. Phải rời xa nguy cơ khiến người khác nhận ra mình. Xa và rời, những nguy cơ làm biến chất phẩm cách, của chính mình.


Rời xa và lên cao như thế, ta mới hiểu được mức độ ngạc nhiên của Dakêu trọc phú khi được Chúa đoái hoài, nhìn lên cây mà ới gọi. Ngài không chỉ gọi mà còn ngỏ ý: “Xuống mau đi! Vì hôm nay, Tôi sẽ lưu lại, ở nhà anh.” (Lc 19: 5). Đây là lời tuyệt diệu, anh chưa từng nghe biết.


Cũng hệt như thế, ở Tiệc Thánh ta tham dự, Chúa vẫn nói với mọi người, cũng như thế. Ngài kêu mời, cùng một kiểu, gửi đến tất cả mọi người, ngỏ ý rằng Ngài sẽ đi vào cuộc đời, của mỗi người. Như sách Khải Huyền, có đoạn viết: “Này, Ta đã đứng bên cửa và Ta gõ! Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ đi vào với nó.” (Kh 3: 20)


Vấn đề là: người nghe sẽ ứng đáp thế nào, khi gặp Ngài?

Với Dakêu, thì anh chẳng ngại ngần. Anh vẫn cố trèo và leo. Rất cao. Để “nhìn” Chúa cho thật rõ. Rồi khi Chúa gọi anh và lưu lại nhà của anh dù đám đông người dưng khách lạ, thêm phẫn uất và ngỡ ngàng, xầm xì rằng: “Nhà người tội lỗi, mà Ông ấy cũng ghé trọ.” (Lc 19: 7). Họ nói thế, vì vẫn không nhận ra được ý của Ngài. Ngài đâu thấy cần thiết phải đến nhà người lành mạnh, để lưu lại. Như Tin Mừng thánh Máccô đà dẫn chứng: “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà kẻ đau ốm! Ta không đến kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi” (Mc 2: 17)


Ở đây nữa, nhận xét của đám người đứng ở ngoài, giống như động thái của kẻ cuồng tín. Giả hình. Vẫn tự coi mình có vai vế, rất bề thế, hơn hẳn mọi người khác. Vai vế, về tinh thần. Và, đạo lý. Nói cho cùng, nhiều người trong chúng ta cũng là kẻ mắc phạm lỗi này hay lỗi khác. Ở nhiều lúc.


Phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai, cái gì, tôi xin đền lại gấp bốn.” Điều này đã chứng tỏ: sau khi gặp gỡ Chúa, anh giàu Dakêu đã biết hối. Đã, thực sự hồi hướng, quay về. Hồi hướng và quay về, không còn tham ô/những lạm quyền thế, bằng nhiều cách. Kể từ nay, anh quyết sẻ san những gì mình có, cho kẻ khó. Quyết đền bù những gì mình chiếm đoạt của ai khác.


So với anh giàu khác từng chu toàn điều răn và giới luật, lại được Chúa dạy: “Hãy đi mà bán hết của cải anh có, rồi theo tôi.” (Mt 19: 23). Nghe dạy thế, người giàu kia tiu nghỉu bỏ đi, mặt rầu rĩ. Còn anh giàu Dakêu, trước mắt của quần chúng, là tay tội lỗi đầy mình, vẫn đón nhận “ơn cứu độ” Chúa ban không chỉ cho anh, mà cả nhà, vì anh có quyết tâm chia sẻ tài sản mình có, cho người cùng khổ. Xem thế thì, chỉ bằng vào quyết tâm xử sự thật đúng cách, anh Dakêu đã trở thành người của Chúa. Người, có đủ đặc tính cần thiết để theo Chúa. Đức tính, của người biết sẻ san. Đồng sàng. Hồi hướng trở về sống với lệnh truyền của Đức Chúa.


Đọc Tin Mừng hôm nay theo cung cách của thánh sử Luca, người người sẽ nhận ra rằng: anh giàu Dakêu quyết định sẻ san tài sản của mình, là quyết định trong hiện tại. Anh dùng động từ ở thì hiện tại, và chủ từ ngôi thứ nhất số ít “Tôi cho”, tức “tôi” đang sẻ san. Ban phát. Còn, về những “chiếm đoạt” tài sản người khác, trong quá khứ, anh dùng động từ “đã lấy” của ai, thì “xin đền” cũng trong hiện tại, chứ không phải “sẽ đền”, trong tương lai.


Nói cách khác, là tay “giàu bẩn” rất đáng tội, anh vẫn là người tốt, rất tội nghiệp. Và, Đức Chúa nhìn ra điểm “rất tội nghiệp” nơi anh, nên Ngài đề nghị ghé lại nhà anh. Xem thế thì, khi phẩm bình việc làm của Chúa, đám đông quần chúng vẫn chăm chăm nhìn vào chức phận/nghề nghiệp của những người “rất đáng tội”, rồi đánh giá họ là ác thần/sự dữ. Những là: tham ô. Nhũng lạm. Vẫn coi anh như người bỉ ổi. Đáng bỏ rơi. Không nên đến gần. Đánh giá tính chất lành thánh của người nào khác theo dáng vẻ bề ngoài, hoặc danh chức, là thói quen của nhiều người trong chúng ta ở xã hội hôm nay. Cả trong và ngoài nhà Đạo.


Với Chúa, thì khác. Đánh giá con người, Ngài không chú trọng đến dáng vẻ bên ngoài hay chức phận của một ai. Nhưng, bằng vào tiềm lực của người đó, bên trong con người họ. Với tay thu thuế khác ở Tin Mừng, khi anh nguyện cầu cùng lúc với giới cao sang quyền quý, rất Biệt phái. Thái độc của tay thu thuế này khác hẳn động thái cao ngạo của vị Biệt Phái, rất hống hách. Và, Chúa luôn đề cao những ai biết sẻ san của cải mình có, cho người nghèo khó. Tức, Chúa chỉ nhìn và đánh giá từng cá thể độc nhất, chứ không “vơ đũa cả nắm’ hoặc chủ quan ôm đồm, hết mọi người. Nếu biết tự kiểm, hẳn người người cũng sẽ thấy mình từng ôm đồm nhận xét theo sắc thái tôn giáo, chủng tộc, cộng đoàn, rất chung chung. Mà quên mất thực chất nội tâm, mỗi cá thể.


Dù gì đi nữa, lời cuối Chúa nói ở trình thuật nay vẫn là: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến với nhà này. Bởi, người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham.” (Lc 19: 10) Quả là, cụm từ “con cháu tổ phụ Abraham” xưa nay vốn là danh xưng để chỉ những người Do thái tốt. Hạnh Đạo. Danh xưng này, đôi lúc áp dụng cho cả dân con Đạo Chúa, thời tiên khởi. Dấu chỉ sự việc này, là ở chỗ: anh “giàu bẩn” Dakêu đã đon đả dón rước Chúa, vào nhà. Đây vẫn là điều Chúa hằng kêu mời mọi người, trong cuộc sống. Mỗi ngày.


Bài học thánh sử nêu hôm nay, đã lôi cuốn người đọc đến với quyết tâm: không nhìn người khác theo cung cách rập khuôn. Thành kiến và gộp chung. Bởi, dầu sao thì mỗi người và mọi người vẫn là nhân vị độc đáo, duy nhất. Bắt chước anh Dakêu trong đời mình, nhiều lúc ta cũng nên rời đám đông để đến gần nhìn vào những người đang sống quanh ta. Nhìn, như bài đọc 1 nhận xét: “Chúa xót thương mọi người. Vì Ngài làm được hết mọi sự. Ngài nhắm mắt làm ngơ, không nhìn vào lỗi tội của ai hết. Để họ còn ăn năn hối lỗi. Ví thử Ngài ghét bỏ loài nào, Ngài đã chẳng dựng nên họ.” (Kn 11: 22)


Nhìn người xung quanh, để rồi sẽ cùng với Phaolô thánh nhân, kêu mời mọi người đi vào nguyện cầu. Nguyện và cầu, để Chúa thân hành đến với ta, trong cuộc sống. Như Ngài đã đến với cả anh “giàu bẩn” Dakêu cũng rất tội: “Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em. Xin Thiên Chúa làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi. Và, xin người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì niềm tin.” (2 Th 1: 11)


Cứ nguyện cầu như thế, ta lại sẽ vang lên câu ca, để cùng hát. Hát rằng:

“Anh chúc cho em đời yên vui đắm say
Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay
Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ
Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi...
(Ngô Thụy Miên – Bài Tình Ca Cho Em)


Hãy cứ nguyện và cứ chúc. Cho em. Cho anh. Một lời cầu, để một đời sẽ mãi yêu người. Yêu đời. Mà thôi.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.

Saturday 16 October 2010

“Chúng tôi trót ngẩng đầu, nhìn trước mặt”


Trán mênh mông va chạm, cửa chân trời.

Ngoảnh mặt lại đột nhiên, thơ mầu nhiệm,

tiếng hát buồn đè xuống, nặng đôi vai.”

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Lc 18: 9-14

Thơ nhiệm mầu. Tiếng hát buồn. Đó, có là chân trời đè nặng đôi vai của nhà thơ? Râm ran cầu. Lời tâm nguyện. Đây, có là trạng thái mênh mang nhà Đạo, vẫn an vui. Tươi cười. Hớn hở?

Tâm tư nguyện cầu, là ý tưởng mà trình thuật thánh Luca nay dẫn người đọc về với lời dạy, Chúa vẫn khuyên. Lời Chúa khuyên, Ngài khuyên về tư thế của mọi người khi nguyện cầu. Thông thường, mỗi khi có người xúc phạm đến mình, ta thường phản ứng bằng động thái đớn đau. Phẫn nộ. Rồi, tìm cách đáp trả, bằng hận thù. Đáp trả, để ít ra người xúc phạm sẽ không làm như thế nữa. Trong mai ngày. Ai cũng thế. Duy, có Chúa thì không.

Chúa vẫn thương yêu người phạm lỗi. Về cụm từ “thương yêu”, không nên hiểu theo nghĩa ưu ái/mến mộ, cho bằng ước ao cho tạo thành trọn lành. Cả người mắc lỗi. Chúa không coi lỗi phạm như hành động xấu chống lại Ngài. Ngài coi người phạm lỗi chỉ như người sơ lỡ, cần chữa lành. Chính người phạm lỗi mới là người đau đớn. Buồn bực. Chứ không phải Chúa. Đây là ý nghĩa của dụ ngôn Chúa Chiên Lành và truyện “Người Con Đi Hoang”, kể khi trước.

Tin Mừng diễn tả sự khác biệt nguyện cầu giữa Biệt Phái và người thu thuế. Biệt Phái là phái nhóm “tốt lành/thành đạt”. Họ tuân giữ luật lệ, không thiếu một chữ. Họ nguyện cầu, ăn chay. Bố thí. Nhưng dù thế, Chúa vẫn không tuyên dương. Bởi, họ là người chỉ biết tập trung mọi sự về với chính mình. Họ tự hào nói:“Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài, vì con không như kẻ khác. Không như tên thu thuế kia.” (Lc 18: 11). Nguyện cầu như thế, hẳn bảo rằng: “Lạy Chúa, Ngài phải biết ơn vì có đứa con tốt lành biết giữ luật cùng mọi giới răn Hội thánh khuyên giữ, giống như con…?

Nói như người Biệt phái, thì việc cầu nguyện, ăn chay, hay bố thí không vì yêu Chúa. Cũng chẳng vì thương tình người nghèo, chú nào hết. Chẳng qua, chỉ là thương yêu chính mình. Cho mình là trung tâm của vũ trụ. Thế giới. Chúa dùng chuyện của ông làm ví dụ, hẳn để răn dạy mọi người. Chúa chỉ trích động thái của Biệt Phái vì họ không nhớ rằng: những gì mình có, đều do Chúa. Chứ thật ra, mình có là gì. Hoặc, nào đã làm được gì, nếu không có Ngài giúp đỡ.

Viết truyện này, thánh sử hẳn muốn nhấn mạnh rằng: những kẻ tự cao tự đại/coi trời bằng vung, dễ bị lật. Còn, những người nhún nhường, được Chúa thương. Đó là giá trị trong đời, mà xã hội vẫn gợi nhớ. Chớ nên quên. Biết nhún nhường/tự hạ, ta sẽ thấy những vị như ngài Biệt phái nay đã thấy rất nhiều, ngoài xã hội. Nơi Hội thánh, ta cũng thấy không thiếu nhiều vị vẫn cứ tự hào mình là người Công giáo, rồi coi rẻ anh em Tin Lành/Thệ Phản, hoặc đạo khác.

So sánh động thái trên với đấng bậc Biệt phái khác nay biết hồi hướng, quay trở lại, để có những lời tự sự, như: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa…” (2Tm 2: 7). Chiến đấu/hài lòng với công việc mình làm, nhưng khác hẳn động thái của nhân vật tự cao tự đại, ở trong truyện, thánh Phaolô biết nhún nhường dâng cho Chúa toàn bộ cuộc sống của ngài. Và quyết rằng: năng lượng mình đổ ra, không phải để rạng danh chính mình. Mà, để mọi người nhận ra được sức mạnh tình thương của Chúa, trong đời.

Đành rằng, người thu thuế vẫn là kẻ đáng chê đáng trách, trong xã hội. Anh chẳng kể gì việc giữ luật Do Thái, lại cứ lươn lẹo/khai thác bóc lột người nghèo, làm mọi việc chỉ tại lợi ích cho đám thực dân ngoài La Mã, thôi. Những kẻ đầy tội phạm như thế mà sao Chúa vẫn thương. Ngài vẫn nói: khi người thu thuế rời đền thờ, anh rời bỏ như hành xử của một bạn Đạo, trong khi Biệt Phái thì khác. Vẫn coi thường/ chối bỏ lời khuyên của Chúa, chẳng hề vương.

Có người sẽ bảo: sao lại có chuyện trái khuấy như thế? Phải chăng đây là công bằng của Chúa? Công bằng và trái khuấy, khác ở chỗ: người thu thuế thừa nhận mình là kẻ có tội. Tự mình, mình chẳng làm được gì nên chuyện. Cũng chẳng thay đổi được gì, cho tốt đẹp. Có chăng, mọi sự đều do Chúa. Nhờ Chúa giúp đỡ. Bởi đó, ông mới thưa: “Lạy Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi.” (Lc 18: 13). Và, Chúa chỉ cứu giúp những ai khiêm hạ biết mình có lỗi. Biết con người thật của mình. Nên, hoàn toàn trông chờ lòng nhân từ của Chúa.

Từ Tin Mừng hôm nay, người đọc có thể rút ra bài học này: biết mình tội lỗi, cũng là quà tặng Chúa ban. Như thánh Gioan từng viết:“Nếu nói ta thông hiệp với Chúa mà lại đi trong tối tăm, thì ta nói láo. Không làm đúng sự thật!... Và nếu nói: Ta không có tội, thì lúc ấy chính ta đã tự lừa dối mình. Và sự thật không có trong ta.” (1Yn 1: 6, 8)

Đấy là khó khăn trong đời người Biệt Phái. Khó ở chỗ: Họ nghĩ mình là bạn của Chúa. Nhưng lại đi trong tối tăm. Có mắt thật đấy, nhưng cũng như mù. Trái lại, người thu thuế lại là những kẻ biết mình có tội. Nên, mới xưng thú những lỗi và tội của mình trước Chúa. Trước mọi người. Xưng như thế, là mình không còn nói dối. Nhưng đã nắm vững sự thật, về mình. Buồn thay thế giới hôm nay, vẫn còn nhiều người cứ nghĩ mình hiểu Lời Chúa rất rõ. Nhưng lại thiếu một điều, là: không còn nhận ra mình vẫn thiếu sót rất nhiều. Nhiều tội. Nhiều sơ xuất. Rất mắc phạm. Trong đời.

Về những lỗi ta mắc phạm hôm nay, không chỉ vì ta không thành đạt trong hành xử hoặc giữ luật. Mà là, đã để mất đi quan hệ với Chúa. Với mọi người. Bởi, ai cũng có thể phạm lỗi với gia đình. Và, bạn bè/người thân. Cả với khách lạ người dưng, chưa từng gặp. Lỗi và tội mình mắc phạm, là đã mất thói quen yêu thương/giùm giúp,hết mọi người. Làm việc hoặc lo toan gì, cũng chỉ biết có mỗi mình, mà thôi.

Nhận thức sâu sắc những tội và lỗi mình mắc phải, không làm ta xa Chúa. Trái lại, đó vẫn là dấu hiệu cho thấy Chúa là phải thành phần cao quý trong đời ta. Và, cũng nhận ra rằng mình vẫn ước ao san sẻ tình thương Ngài tỏ bày. Và từ đó, biết được rằng kẻ đáng thương nhất trong đời, là người:

-vẫn nghĩ mình chẳng cần Chúa như: Biệt Phái nọ. Người Công giáo kia.

-vẫn cứ bảo: đời mình chưa từng biết sai phạm, trong quá khứ. Cũng như hiện tại.

-vẫn tự nhủ: Chúa chẳng bao giờ yêu thương kẻ lầm lỡ, lỗi phạm, trong nhiều điều.

Vào Phục Sinh, Phụng vụ thánh có nhắc đến “tội hồng phúc”, tức tội đóng đinh Chúa, vào thập giá. Đôi khi, cũng nên nghĩ là: ta cũng đã sai phạm như thế. Cũng vẫn phạm những lỗi rất “đáng tội”. vì yếu đuối. Nên, ta vẫn luôn cần sự giúp đỡ của Đức Chúa. Cần, sự hỗ trợ của mọi người.

Nhận thức mình có lỗi, cũng giúp mình biết sống rộng lượng. Để, hiểu rõ mọi người hơn. Hiểu, là họ cũng có điểm yếu, dễ lỗi phạm. Điều cần thiết là dù trong nỗi niềm sâu lắng dù rất tội, ta có cũng đừng rời xa Chúa, Đấng luôn ở cạnh mọi người để nâng đỡ, hỗ trợ. Nâng và đỡ, như bài đọc 1 nói: “Lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây… Đức Chúa không trì hoãn, không bắt họ đợi lâu.” (Hc 35: 16, 19)

Trong nhận thức chính xác như thế, ta lại sẽ hân hoan cất lời ca phấn chấn, mà hát rằng:

“Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ,

Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời.

Nuôi một đời người

Mùa Xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi…”

(Trịnh Công Sơn – Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)

Vẫn cứ ru em, tuy không ngủ. Chỉ để nói: đừng quên hồng ân kết nụ, của Đức Chúa. Mưa vẫn ru em. Vẫn “nuôi một đời người”, là để: “mãi ăn năn mà thôi.” Ăn năn. Kết nụ. Là, động thái cần có để người người sẽ lại đạt tình thương yêu của Chúa, mình để mất. Lúc bất cẩn. Ngủ quên. Rày mãi mãi.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday 9 October 2010

“Dù đôi tay buông xuống”


Chúng mình vẫn tin tưởng.

Chúng mình vẫn say sưa.

Chúng mình vẫn nhìn vào mắt nhau,

để mở một chân trời rất rộng…”

(thơ Nguyên Sa)

Lc 18: 1-8

Nhà thơ, xưa nay vẫn tin tưởng. Dù, đôi tay có buông xuống. Nhà Đạo, lâu rày vẫn nhủ nhắn: hãy chuyên chăm nguyện cầu, đừng nản chí. Dù, chỉ đạo đạt lên quan àn đôi điều, như trình thuật hôm nay, rày đề cập.

Trình thuật, nay đề cập về những thỉnh cầu, chốn dân gian. Thỉnh và cầu, theo hình thức khác nhau. Từ chúc tụng, tạ ơn cho chí cầu bàu. Thỉnh và cầu, là những ý thỉnh, nhờ thần khí. Lẫn câu kinh. Thỉnh cầu, là chiêm ngắm. Tụng niệm. Là, suy tư nguyện cầu trong im ắng. Riêng tư. Quyết thực hiện cùng một động thái với người khác, ở nguyện đường. Động thái, mà Hội thánh quen gọi là nghi thức Phụng vụ.

Bài đọc hôm nay tập trung vào những thỉnh cầu ta dâng Chúa hầu khẩn nguyện cho mình có được những điều mình cần, chứ không phải cầu được những gì mình muốn.

Bài đọc 1, kể về động thái thỉnh nguyện của Môsê vẫn phấn đấu, giơ tay mà cầu khẩn mỗi khi ông giơ tay nguyện cầu, để dân con người Do Thái mỹ mãn đạt mộng ước. Cứ mỗi lần ông nản chí/rã rời, thì người người đều thất bại. Lở dở. Và khi đó, là lúc ông cần hỗ trợ. Và vì thế, ông cứ phải giơ cao, giơ cao mãi cho đến khi đạt thắng lợi, mới thôi. Diễn tả ý/lời một khẩn nguyện ra như thế, dân con Đạo Chúa không cố ý phổ biến tệ nạn dị đoan, mê tín. Nhưng, chỉ muốn đưa ra một đề xuất, là: không có Chúa phụ giúp, người người chẳng bao giờ thành đạt, dù việc nhỏ.

Trình thuật, nay kể về dụ ngôn quan trên đối xử với bà goá nghèo, rất thấp hèn, là có ý bảo: mọi người trong/ngoài Đạo vẫn cứ nên kiếm tìm sự công chính/an vui, để mà sống. Giả như các quan trên ở đời chẳng lý gì chuyện kính sợ Thiên Chúa, là Đấng Oai Nghi đầy Quyền Phép, rất trên cao; và giả như người người, ở đời, không còn biết thỉnh cầu/khấn nguyện Đức Chúa nữa, thì: Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu có đoái hoài đến người con đáng thương/vô vọng như bà goá, nữa không? Bài học nay Chúa gửi, qua dụ ngôn, vẫn là: hãy chuyên chăm nguyện cầu. Đừng nản chí.

Hãy chuyên chăm nguyện cầu, phải chăng thánh sử bảo: Hội thánh luôn khích lệ dân con nhà Đạo hãy cứ thế mà làm, với Đức Chúa? Chuyên chăm nguyện cầu, còn là: đừng nên xin xỏ nhiều thứ rất vật chất, như: trúng số, thi đậu. Hoặc, của dư của để, hầu mua sắm xe/nhà, các thứ như nữ trang/đồ đạc, dù vẫn cần. Trái lại, chỉ nên cầu nguyện sao cho Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Thánh ý Cha thể hiện.

Thật ra, nhân vật đóng vai “bà goá” ở dụ ngôn, chỉ muốn nguyện cầu và khẩn khoản xin thực hiện những gì Chúa muốn bà làm trong cuộc sống, mà thôi. Ở đoạn khác, Đức Giêsu đã chẳng so sánh Thiên Chúa với Người Cha Hiền ở đời vẫn lưu tâm đến người con lưu lạc khắp nơi, chốn nợ đời này sao? Có bao giờ, Ngài ban cho dân con mình những là sỏi đá, thay cơm bánh? Có bao giờ, Ngài lại ban cho đàn con mình, những bò cạp/rắn rết khi con mình cần trứng ăn? Và, Chúa kết luận: cha hiền ở trần thế mà còn biết thế, huống hồ là Cha các con ở trên Trời, lại không biết sao?

Thiên Chúa chỉ ban bố cho dân con mình những điều tốt đẹp, khi họ kêu cầu Ngài những điều cần, mà thôi. Với thánh Luca, điều cần mà Chúa phú ban, là: gửi Thần Khí Chúa đến với ai kêu cầu. Chứ, không phải cơm bánh hằng ngày.

Vấn đề đặt ra hôm nay, là hãy hỏi: điều tốt đẹp Chúa vẫn ban cho con cái Ngài ở trần gian, là những gì? Có khi nào, con cái Chúa xin Ngài ban Thần Khí đến, mà Ngài lại từ chối, không? Điều cốt yếu, là: ta có cầu và có xin Chúa ban Thần Khí Ngài đến như thế, ta mới có thể giúp đỡ, thương yêu và phục vụ Ngài, cho tốt hơn.

Có cầu khẩn Thần Khí Chúa đến với mình, người người mới hiểu ý nghĩa sâu lắng, của Lời Ngài. Có cầu và khẩn theo cách thích hợp, ta mới trở thành sợi giây liên kết chuyển đạt tình thương của Ngài đến với mọi người được. Có nguyện cầu như thế, người người mới hiểu rõ ý Chúa. Và, khi hiểu được ý định của Chúa như thế, ta mới hoà hợp vào với ý muốn của riêng ta. Và khi ấy, cả hai sẽ nên một. Một lòng muốn. Một ý định. Và như thế, ta sẽ đạt mục đích như Chúa chờ mong.

Hiểu rõ dụ ngôn hôm nay, là hiểu theo nghĩa như thế. Tuy nhiên, cũng có người hiểu dụ ngôn theo cung cách phân vai trong kịch bản, ở ngoài đời. Phân vai kịch bản ở đời, thường người chỉ phân cho Chúa vai trò quan án như dụ ngôn. Còn chính mình, lại những muốn đảm nhận vai trò của bà goá, rất khiêm nhu. Từ tốn. Đảm nhận như thế, là để không còn quấy rầy Chúa bằng những xin xỏ/cầu kinh, quyết liệt. Quyết đạt cho được, điều mình mong muốn, rất khẩn khoản.

Nữ tu Melanie Svoboda, đặt giả thiết theo cách khác. Chị hỏi rằng: chuyện gì sẽ xảy đến nếu ta đổi cách phân vai khác với điều lâu nay mọi người vẫn làm, là: thay vì trao cho Chúa vai trò của quan án, ta tặng Ngài vai trò của bà goá? Đổi vai như thế, rất có lý và thích hợp. Thích hợp, là bởi: giống như phần đông quan án ở đời vẫn bất công. Không tuởng. Bất công đến độ, chẳng ai còn biết kính sợ Chúa nữa. Bất công là ở chỗ: ta không cho phép Chúa can dự vào đời sống riêng tư, của ta.

Giống quan án đời thường, người người vẫn kiên trì từ chối. Chẳng chịu nghe. Chẳng chịu nghe biết lời kêu van/khẩn cầu của người nghèo hèn/cùng khốn, sống quanh ta. Giống quan án/đấng bậc ở đời thường, là ở chỗ: ta không còn thiết tha chuyện người khác, tức những người vẫn muốn ta ngó ngàng. Giùm giúp.

Giả như Chúa chịu đóng vai trò bà goá như dụ ngôn hôm nay, chắc chắn Ngài sẽ kiên trì chờ đợi mọi người đến cầu khẩn. Ngài cũng sẽ không bỏ đi, nếu dân con của Ngài là quan án, cũng kêu nài. Ngài vẫn chờ và vẫn đợi đàn con thân thương có quyết định quan trọng, liên quan đến cuộc sống. Ngài đợi và chờ, cả khi người người nói tiếng “KHÔNG”, trong yêu thương. “KHÔNG”, cả khi mọi người cần giùm giúp. “KHÔNG” cả vào các chuyện cần chính trực.

Trái lại, Ngài vẫn kiên trì chờ đợi cho đến khi đàn con thân thương của Ngài thực hiện điều tốt đẹp, Ngài hằng khuyên bảo. Thực hiện động thái yêu thương, Ngài từng dạy. Và giống như Ngài, đàn con thân thương, ở dưới thế, sẽ thực hiện động thái yêu thương gửi đến mọi người. Bởi, như sách Khởi nguyên từng viết: con người là thụ tạo được dựng nên theo ảnh hình của Chúa. Nhưng, làm sao trở thành ảnh hình của Chúa được, khi Ngài vẫn yêu thương mọi người, mà mọi người chẳng buồn yêu thương nhau, như Ngài muốn?

Thành thử, mỗi khi nguyện cầu/khấn vái, ta cũng nên xin Chúa là Đấng rất kiên trì/bền vững trong đợi chờ, hãy khiến cho đàn con Ngài ở dưới thế, ngày càng trở nên giống hình ảnh, của Chúa hơn.

Trong khấn nguyện như thế, ta lại sẽ hân hoan hát lên lời ca hưng phấn, rất đợi chờ, rằng:

“Con ơi, con ơi tiếng cười nở chan hòa

Nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà

Ngoài đường trời đông giá

Một đàn chim nhỏ bé

Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà.”

(Phạm Duy - Người Về)

Khấn và nguyện, là cầu sao cho ý Chúa được thực hiện, với mọi người. Nguyện và khấn, là cầu sao cho người người được lĩnh nhận tình thương yêu Chúa dạy, bằng cuộc sống rất đời thường. Rất chuyên chăm. Giùm giúp và ủi an, như Chúa đã và đang làm cho ta.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Saturday 2 October 2010

“Niềm khát vọng, ta ghi vào huyết sử”


Dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn.

Ta đau xót, trong mỗi giờ tình tự,

Ta khóc nhiều, cả những lúc trao hôn.”

(dẫn nhập từ thơ Đinh Hùng)

Lc 17: 11-19

Nhà thơ khóc, ông vẫn khóc cả những lúc trao hôn. Tình tự. Nhà Đạo buồn, người vẫn buồn cả vào khi thánh sử có ghi ở trình thuật, lời Thầy từng quở trách. Lâu nay.

Trình thuật thánh Luca hôm nay ghi, là ghi lại Lời Chúa từng trách quở những người chỉ biết xin ơn, chứ không biết cảm tạ. Duy, có người ngoại bang ở thôn làng gần biên giới, là còn biết. Người ngoại bang, ở thôn làng biên giới ấy, là một người bệnh phung vẫn đứng từ xa, mà kêu cứu. Kêu, để xin Ngài dủ lòng thương, mà cứu vớt: “Lạy Thày Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi.” (Lc 17: 13).

Nghe người bệnh nài van, Đức Giêsu không thực hiện lời họ yêu cầu ngay tức thì. Mà chỉ khuyên: “Hãy đi mà trình diện với tư tế.” Và, thánh sử lại đã thêm:“Trong khi đi, họ thấy mình được sạch.” (Lc 17: 14). “Thấy mình được sạch”, là phần thưởng do lòng tin biết tuân giữ lời Chúa dạy. Chẳng nghi ngờ. Chẳng phản đối điều gì. Và, phần thưởng Chúa ban, là do tin vào Ngài.

“Hãy đi mà trình diện với tư tế”, là bởi, đối với họ, được lành sạch thôi, chưa đủ. Nhưng, còn phải theo đúng thủ tục thời bấy giờ; tức: phải chờ tư tế xác nhận mới chính thức được coi là sạch bệnh. Có như thế, mới được phép về lại với xã hội bình thường, để chung sống.

“Anh ta lại là người Samari”, điều này chứng tỏ: đồ đệ Chúa công nhận bệnh nhân là một người ngoại bang, lâu nay bị ghét bỏ. Hận thù. Thù và hận, cả về tinh thần lẫn thể xác. Thế nên, họ mới là người đáng thương, hơn ai hết. Và, vấn đề thánh sử nêu ra, là: sao 90% số người được chữa lành hôm ấy là dân được chọn, lại không về “sấp mình dưới chân Chúa, mà tạ ơn”? (Lc 17: 16).

Và, Đức Giêsu cũng nói lên điều đó:“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế, chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại mà tôn vinh Chúa, duy mỗi người ngoại bang này thôi?” (Lc 17: 17-19) Ngoại bang, theo định nghĩa của hàng tư tế Do Thái, là: người ngoài luồng, biết mình không xứng đáng như dân được tuyển. Bởi, nghĩ mình không xứng đáng, nên khi được chữa lành, họ thấy: đây là ân huệ rất cao cả, từ Đức Chúa. Nên, càng phải biết ơn, nhiều hơn. Đây còn là nghịch lý vẫn cứ thấy trong Đạo. Những người hôm nay tự cho mình là đạo gốc/đạo ròng, có lẽ cũng thế.

“Hãy đứng dậy mà về! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” (Lc 17: 19) Câu Chúa nói, hướng người bệnh về với sự sống lại. Tức, cuộc sống mới. Bước theo Đường Chúa đi. Và khi, người bệnh nhận thức sâu sắc về những gì anh cảm kích, anh thấy mình cũng có kinh nghiệm sống về ơn cứu độ, đối với anh. Cứu độ đây, vượt tầm mức chữa lành, về thân xác. Toàn bộ con người bệnh nhân ngoài luồng, nay được tái tạo trong tương quan với Chúa. Với cộng đoàn lân bang.

Bệnh phung, nay đích thực không còn tác oai tác quái, như trước nữa. Nhưng ngày nay, mọi người đều thấy xuất hiện nhiều thứ phung cùi khác, đáng sợ hơn. Sợ, vì con người không thể kiểm soát, hoặc trừ khử được chúng. Phung cùi hôm nay mang dáng dấp khác biệt. Dễ lây lan. Dễ lờn thuốc. Thế giới nay đầy những phung cùi đáng sợ là bởi người người còn lơ là. Chểnh mảng. Chẳng ưu tư. Phung cùi thời đại, nay có thể kể: là ghét ghen. Kỳ thị. O ép. Đẩy lùi người khác khỏi xã hội.

Đáng sợ hơn nữa, là ngày nay người người coi kẻ khác nhưng một thứ phung cùi thời đại. Cứ đẩy lùi người bệnh khỏi đời sống cộng đoàn, bằng nhiều cách. Rất tinh vi. Nhức nhối. Dồn người bệnh vào với thế giới nhỏ bé. Thấp hèn. Rồi tránh xa. Phung cùi thời đại khiến nhiều người phải xa lánh, nay được biết dưới nhiều tên gọi, như: Siđa, tị nạn, HIV, đồng tính luyến ái, vv… Nên, vấn đề đặt ra, là: người Công giáo lâu nay đối xử với bệnh nhân này như thế nào? Ví thử người bệnh hôm nay cùng đến tham dự Tiệc Thánh, thì ta có dám chúc hoà bình, mà bắt tay, ôm chầm, và làm thân?

Cùng là dân con theo chân Chúa, người Công giáo không nên chỉ biết đến với những người như thế, mà còn phải thăng tiến phẩm giá và quyền lợi của những người khác mình, nữa. Khác, về giòng giống. Sắc tộc. Văn hoá. Khác, về tật nguyền cả thể xác lẫn tâm thần. Thật ra, không chỉ những người “khác hẳn ta” mới cần “trình diện với hàng tư tế”, mà cả ta nữa, nạn nhân của thành kiến/kỳ thị, cũng cần được tẩy sạch khỏi mọi hãi sợ. Vô thức. Bất tương nhượng. Chỉ có người truyền bệnh, chứ không phải nạn nhân của căn bệnh “bất tương nhượng” mới cần được giúp đỡ. Chữa lành.

Bài đọc 2, thánh Phaolô cũng nói đến những khó khăn. Vất vả mà người rao truyền Lời Chúa vẫn từng gặp: “Vì Tin Mừng, tôi phải chịu khổ, và mang cả xiềng xích như một tên gian phi.” (2Tm 2: 8-13) “Chịu khổ” đây, không chỉ chịu mối tiếng thị phi. Kỳ thị. Thậm chí, còn là cảnh tù đày, xiềng xích, đành phải chịu. Và, thánh Phaolô cam chịu những thứ đó, là để:”mưu ích cho những người Chúa chọn, ngõ hầu họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2Tm 2: 9-10)

Và hôm nay, thế giới còn nhiều người vẫn “chịu khổ” trong lao tù. Vẫn đang là nạn nhân của những cực hình. Bách hại. Đủ mọi loại. “Chịu khổ” vì họ là những người dám đón nhận và sẻ san Lời Chúa, cho người khác. Tuy thế, cực hình/bách hại không thể ngăn dừng Lời Chúa, đang lan truyền. Không ai và chẳng gì có thể ngăn dừng được việc rao truyền Lời Chúa, với muôn dân. Nhiều vị như thánh Phaolô lâu nay coi “xiềng xích/tù đày” như niềm hãnh diện/tươi vui cho mình, vì Lời Chúa.

Ngày nay, có lẽ cũng nên tự hỏi: chính mình hoặc cộng đoàn mình đã công nhiên hoặc thầm lặng coi ai như người “ngoài luồng”, không? Mình có “đẩy lùi” những người khác lạ về mầu da, ngôn ngữ, chính kiến khỏi xã hội tựa như “hàng tư tế” thời trước đối xử với người phung cùi, không?

Nói cho cùng, nếu gặp hoàn cảnh nhà mình có con hay cháu tự dưng tuyên bố muốn lập gia đình với người ngoài Đạo hay vô thần. Hoặc cho biết, là người đồng tính luyến ái. Hoặc vừa nhiễm bệnh Liệt Kháng, rất Siđa, thì ta đối xử với chúng như thế nào? Vẫn “đẩy lùi”/tống cổ chúng khỏi gia đình mình đang sống chăng? Hoặc, cứ thở than: Sao Chúa nỡ đem chuyện ấy đến với tôi, ư?

Điều cần làm hôm nay, là: cùng với người ngoại bang Samaritanô, ta cần được tẩy sạch và chữa lành khỏi mọi chất độc hại từ hệ thống xã hội nào đang làm méo mó tương quan giữa chúng ta. Và, cần tẩy sạch cung cách ta nhìn người bệnh phung cùi thời đại đang bị “đẩy lùi” khỏi xã hội. Ta cũng cần biết rằng: với Chúa, không có ai là “ngoài luồng”, hoặc phung cùi. Để “đẩy lùi”.

Tất cả chúng ta đều cùng một Cha. Cùng chung một gia đình. Tất cả, đều là con cái Chúa. Mọi người chúng ta đều là anh, là chị và là em của nhau. Đều cần đến tình thương yêu cùng một kiểu, như Chúa biểu tỏ, cho chúng ta.

Hiểu được tình thương yêu của người cùng Cha, ta hiên ngang hát khúc “Cho nhau”, như sau:

“Cho nhau nào có gì đâu!

Cho nhau dù có là bao,

Cho nhau cho phút yêu đương lần đầu,

Cho rất luôn luôn cuộc sầu,

Cho tình, cho cả niềm đau.”

(Phạm Duy – Cho Nhau)

Có cho nhau, tình thương yêu và cảm thông như được dạy, ai nấy sẽ hiểu được tình Chúa thương người phung-cùi-ngoài-luồng, đến độ nào. Tình Ngài, vẫn trải dàn với hết mọi người sẽ còn trải dài, mãi thiên thu. Để, mọi người con của Ngài biết yêu thương dựa dẫm, sống ở đời. Cho tươi đẹp.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn tịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)