Saturday 26 March 2011

“Bước đã mỏi, mà trông càng dễ mỏi,”

Ta dừng chân nhắm mắt, một đêm nay.”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Ga 9: 6-9, 13-17, 34-38

Với nhà thơ, dừng chân nhắm mắt mỗi đêm nay, vì bước chân dài/vắn, người đã mệt. Với người thường, chân dừng mắt nhắm cả một đời, là bởi thân phận hiu hẩm, chẳng mở ra. Trình thuật thánh Gioan nay cho thấy thân phận hẩm hiu của người mù từ bẩm sinh được Chúa giúp đỡ, đã mở ra cả hai con mắt thể xác, lẫn tinh thần. Chẳng thế mà, anh lại cứ reo vui suốt đời để ngợi khen Chúa.


Trình thuật kể, là kể về nam-nhân Do thái nọ rất mù lòa, do mầm sống bị thoái hoá khiến anh chưa một lần nhìn thấy ánh sáng, từ dạo ấy. Cứ sự thường, người sáng mắt có xác thân thơm tho/lành lặn lại vẫn không ưa gần gũi người có khuyết tật, bệnh hoạn. Chính vì thế, họ đến với Chúa bằng những câu hỏi khá cắc cớ: mù lòa/tật bệnh có do tội của ai đó, không?


Nếu bảo, mù loà/ tật bệnh về thể xác là do tội và lỗi của ta mà ra, thì chắc hẳn các người bệnh trên thế gian này phải chịu thế, cả khi chưa lọt lòng mẹ? Phải chăng, nguyên nhân đích thực gây mù lòa, là do bậc cha mẹ phạm lỗi nặng? Hoặc khi sinh, người thân thuộc đã mắc phải tật/bệnh nghiệt ngã như thế? Người xưa coi tật bệnh thể xác là kết cuộc của những suy đồi về luân lý, đạo đức. Chí ít, là lỗi của ai đó đã đem lại kết quả tệ hại, cho người tật bệnh. Đời nay, chẳng ai dám quyết đoán rằng: mù lòa là hệ quả của lối phạm luật đạo đức, chức năng. Kỳ thực, đó cũng chỉ là trạng huống rất khiếm khuyết nơi cơ năng con người.


Đặc biệt, ngày nay con người không còn lẫn lộn giữa khiếm thị với chứng bệnh hiểm nghèo nào khác, như: SIĐA miễn nhiễm, huyết áp thấp/cao, hoa liễu/nghiện ngập quậy phá tưng bừng trời đất, nữa. Nhất nhất người người đều tin rằng: nguyên nhân dẫn đến mù loà chẳng phải vì cha mẹ bệnh nhân khi xưa từng mắc tội. Bởi nếu không, thì khác gì quan niệm thiếu hiểu biết của người xưa về y khoa hiện đại.


Về mù loà, ta chỉ nên coi đó như một hạn chế/khiếm khuyết nơi con người, mà thôi. Nói cho cùng, là người, ai mà chẳng thấy mình còn hạn chế, về nhiều thứ. Hạn chế trước tiên, là có khiếm khuyết về mầm sống, cũng rất gien. Nghiên cứu kỹ, người người nay thấy DNA của mình chỉ là hợp chất không ‘toàn hảo’.


Bởi thế nên, khi bước vào giai đoạn mới lớn, ai cũng thấy mình có ít nhiều hạn chế mà mình không thể điều khiển được cuộc sống của chính mình, theo đúng cách. Do đó, có suy thoái. Do đó, khó thoát khỏi tật/bệnh. Có khi lại còn bị vi trùng tung hoành đào khoét suốt thân xác mình, kết cuộc dẫn đến tật/bệnh, đến cõi chết. Đời người là thế. Có than có vãn cũng chẳng giúp ích được gì. Thành thử, người người đi đến động thái chỉ sống qua ngày, đợi chờ. Đợi và chờ thứ gì tốt đẹp hơn, sẽ tới. Bao nhiêu nghị lực xưa kia vẫn có, nay cứ thế mất dần. Vì thế, có người để nhiều thì giờ ra mà chăm chút dáng vẻ bề ngoài cho tốt đẹp, kẻo người khác phát giác ra sẽ chẳng còn ưa mình, nữa. Có người lại gặp rắc rối về dục tính. Gặp khó khăn trong tương quan với mọi người. Khó, mà làm hoà với mọi người.


Và từ đó, nhiều người mắc phải tật/bệnh cứ tự hỏi: mình đã làm gì nên tội? Phải chăng, đó là thừa kế các tệ hại từ gia đình giòng họ? Và, lại kéo Chúa vào chuyện riêng tư của mình bằng một lý luận rất viển vông: chắc Chúa giáng phạt mình đây. Cuối cùng, lại sẽ trở thành kẻ bối rối, về Đạo. Và cứ thế, hết bối rối chuyện này đến chuyện khác, như thế.


Sách Sáng Thế Ký, ghi lại câu truyện hình thành vũ trụ mọi loài, có Giavê Thiên Chúa thở hơi sống vào bùn đất đỏ, thành con người. Tiếng Do thái gọi bùn này là Adamah. Thế nên, Thiên Chúa gọi người đàn ông A-Dong là “Bụi đỏ”. Về bụi, hẳn nhiều người lại cứ liên tưởng đến bụi đất nằm ở nơi con người, do thừa kế mầm sống? Vì đó là bụi là đất, nên chẳng ai muốn giữ gìn nó hết. Cứ gạt, và cứ phủi mọi bụi đất. Có khi còn phủi sang người khác, để họ lãnh. Với Giáo hội, ta có thói quen suy tưởng rằng: nhờ Chúa chết trên thập tự, con người mới được cứu rỗi. Thế nên, dù ta có là người tệ bạc, nhưng Chúa không chấp nê. Ngài vẫn thứ tha. Thế nên, hãy yên tâm sống xứng hợp với ơn cứu độ của Chúa.


Lối suy nghĩ này tuy mang dáng vẻ bi quan, hài hước mà ta vẫn cứ phải chấp nhận nó và đưa vào thực tại cuộc sống hay sao? Không. Không hẳn thế. Giả như ta có thể thay đổi câu truyện trên bằng nhiều giả thuyết, bảo rằng: chính Chúa đã quyết định để rớt lại vài ba hạn chế/bất toàn nơi con người, có thế loài người mới tăng trưởng chính mình được. Và, cũng vì có hạn chế, nên người người vẫn từ từ thực hiện việc cải biến chính mình cho hoàn thiện hơn.


Nay, vì hạn chế còn rớt lại nơi con người mình, hãy giáp mặt với sự thật là mình đang đi dần vào cõi chết. Giáp mặt với sự thật ấy, để rồi sẽ nỗ lực cất đi mọi oán giận bạo lực khỏi cái chết của chính mình. Cố gắng biến sự chết trở thành thân cận, mật thiết để chính mình sẽ về với Đức Chúa hiền từ, tử tế vẫn đợi chờ mỗi người và mọi người. Đành rằng, ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, như tật/bệnh, người người hãy làm mọi sự để nhận được sự tiếp tay giúp mình và giúp mọi người thấy được rằng: vẫn còn đó rất nhiều điều tươi vui/hạnh phúc trong cuộc sống, hơn là ngồi đó khoác vào mình cặp kính đen đầy bi đát. Và, khi biết mình là kẻ bất toàn rồi, tự khắc mỗi người sẽ cảm thấy thoải mái chấp nhận bất toàn xảy đến với mình, hơn.


Về lỗi phạm, một khi mình đã vướng mắc, hãy kể cho Chúa nghe sự việc phạm lỗi cách trung thực, tự khắc Ngài sẽ cảm thông, hiểu rõ chính con người mình hơn. Thực ra, thì hành vi phạm lỗi dù rất tội, nhưng nào đã sờ chạm đạt tới Chúa. Tất cả mọi vướng mắc hoặc lỗi phạm chỉ để cho thấy con người vẫn phải đối đầu với hạn chế, mà tăng trưởng. Những lỗi phạm như các hành xử trong giận dữ, hoặc thiếu bác ái vẫn mang ý nghĩa của một hạn chế mà con người phải ngang qua. Có gặp trục trặc/rắc rối trong đời, mình mới có kinh nghiệm để trưởng thành mà gặp Chúa,


Thế nên, hãy quyết tâm sống thư giãn/thoải mái không trách móc bất cứ một ai để tự mình dựng xây, tăng trưởng. Cũng đừng tự trách mình hoặc gia đình mình. Đừng trách Chúa. Và, cũng chẳng nên than phiền trách móc nhà cầm quyền đã không quan tâm giúp đỡ chính mình. Bởi, Chúa đâu dựng nên con người để họ đi tìm ra ai đó mà trách móc. Hãy đọc trình thuật Chúa tạo dựng trời đất, một cách tích cực. Đọc, để hiểu rằng: Giavê Thiên Chúa dựng nên con người là để họ ra đi làm điều gì đó có tính sáng tạo và tích cực. Thế nên, hãy cứ can đảm mà ra đi, dù có phát giác ra rằng mình vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi, một ngày nào đó, tất cả đều sẽ khám phá ra được nhiều điều tốt đẹp hơn. Và khi đó, ta sẽ không còn mù lòa, nhưng rất sáng.


Giống như người mù từ thuở mới sinh ở trình thuật, ta sẽ được Chúa cho mở mắt thấy sáng và nói:“Điều tôi biết, là khi xưa tôi đã mù, và nay tôi được thấy.”(Ga 9: 25) Rồi, một ngày kia, ta cũng sẽ gặp người mù từ thuở bình sinh ở đâu đó, chốn Nước Trời. Và rồi, ta cũng sẽ cùng nhau hẹn ngày tái ngộ, để nói được câu: “Trước đây, tôi không thấy gì nhiều, nhưng mắt tôi nay sẽ thấy nhiều điều tốt đẹp hơn.”


Nói cho cùng, mắt có sáng hay không, vẫn còn đó con đường đằng đẵng dài cả cuộc đời, để mọi người có cơ hội mà nhận xét. Có nhận và xét thêm điều gì đi nữa, hãy cứ như người mù ở trình thuật, hân hoan mà hát mừng sự kiện sáng mắt Chúa phú ban, để rồi ta ngâm nốt câu thơ còn dang dở:


“Kìa một cõi trăm hình, muôn vạn tiếng
đương dần phai dần hiện tắt rồi vang
Ta cố gọi những giác quan lười biếng
để ghi cho hậu thế, phút mơ màng.”
(Vũ Hoàng Chương – Chết Nửa Vời)


Phút mơ màng, là chặng đường dành để cho ta khôn lớn. Lớn mạnh. Lớn rất vững với niềm tin yêu Đức Chúa, như trình thuật thánh Gioan hôm nay, rày nhắm đích.


Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch.

Saturday 19 March 2011

Nước chảy mây tan, tình bất diệt,

Tình theo bước khách bốn phương trời.
(dẫn từ thơ Hồ Dzếnh)

Ga 4: 5-15

Bốn phương trời, tình theo bước khách, phải chăng là bước chân âm thầm của Đấng Nhân Hiền hằng đưa dẫn mọi người về lại với Cha như trình thuật thánh sử, đà ghi chép?

Trình thuật thánh Gioan hôm nay ghi, là ghi về một đối thoại hãn hữu giữa Đức Giêsu và nữ phụ xứ Samari. Đây là biến cố ít khi thấy nơi người Do Thái, mọi thời đại. Do thái xưa, vẫn coi nữ phụ xứ Samari là kẻ vô dụng, về nhiều thứ. Phụ nữ muốn múc nước về dùng, đều phải ra giếng. Thông thường, muốn ra giếng Gia-cóp, phụ nữ phải đi thành đoàn. Trình thuật hôm nay, kể về nữ phụ hôm ấy, không chỉ một thân một mình đến múc nước giếng mà thôi, nhưng còn dám tiếp chuyện với Đấng lạ mặt, một nam nhân Do thái. Đó, là điều tối kỵ. Đó, chính là vấn đề.

Vấn đề nặng nề hơn, khi người tiếp chuyện với nữ phụ ngoài luồng giữa “thanh thiên bạch nhật”, lại là Đấng Nhân Hiền từng hành xử nghiêm minh, nhất mực. Thật hiếm khi thấy Đức Giêsu đối thoại cả với nữ phụ về nhiều vấn đề, ngay cạnh giếng Gia-cóp, tức chốn thánh thiêng truyền thống, rất gắt gao.

Cũng vì tính cách gắt gao/nghiêm túc ấy, nên cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và nữ phụ Samari đầy những chuyện ngoại lệ. Vì ngoại lệ, nên nữ phụ Samari cứ phân tâm nói chuyện khác, khiến Chúa cứ phải gạt sang một bên những chuyện không cần thiết. Vì, Ngài có một số điều quan trọng muốn nói và tặng ban để chị lưu tâm. Cuối cùng, Ngài đành chấp nhận ở vào cảnh huống có ngoại lệ.

Trình thuật hôm nay đưa ra một số điều ngoại lệ không mang ý nghĩa gì, như câu:“còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt”, “đồng lúa chín vàng chờ ngày gặt hái”, “kẻ này gieo, người kia gặt", càng làm cho cuộc đối thoại giữa Chúa và người nữ phụ trở nên “ngoại lệ” hơn. Câu chuyện ngoại lệ còn thấy ở nhiều điểm khác, rất tinh tế.

Trước hết, là giới tính. Ngày nay, nam nhân được phép nói chuyện thẳng thắn, công khai với phụ nữ ở chốn đông người, đâu thành vấn đề. Khi xưa, thì không dễ. Và, đối thoại với nữ phụ Samari, Đức Giêsu như ngầm bảo: ta hiện diện nơi đây, cũng là chuyện bình thường, rất mọi ngày?

Và, một ngoại lệ khác, về sắc tộc. Cũng không hẳn là chuyện kỳ thị, nhưng hỏi rằng: người Do thái xưa có được nói chuyện dễ dàng với người Samari “ngoài luồng” không? Hoặc, vì luật cấm, nên đôi bên cứ phải tránh né nhau? Đối thoại với nữ phụ Samari, Đức Giêsu như ngầm chứng tỏ một luận cứ: nói chuyện với nữ phụ, không là vấn đề! Chúng ta đều là con người!

Rồi, ngoại lệ khác, về giáo dục. Chắc hẳn có người hỏi: các thày tư tế có được nói chuyện với người ít học không? Cuộc đối thoại với nữ phụ Samari, ra như Chúa muốn ngầm tỏ bày một nhận xét, là: xem ra chị cũng là người thông minh, dù chưa từng đến trường lớp để được học!

Ngoại lệ kế tiếp, là về lịch sử. Ngày nay, ta có nên suy tư về hiện tại và về con người ở đây, ngay thời này không? Hỏi là hỏi thế, chứ dường như Sách thánh chỉ kể về quá khứ với chuyện lão phu hay lão phụ đáng kính, mà thôi. Đối thoại được kể lại hôm nay, chừng như Đức Giêsu muốn ngầm nhắn với người đọc, rằng: bản thân TA cũng đâu muốn đem Kinh với Sách ra mà bàn. Thật sự, điều TA muốn đề cập chỉ là về chị, thôi.

Và, thêm một ngoại lệ nữa, về chốn phụng thờ. Có câu hỏi, rằng: thờ phượng Chúa nơi nào là thích hợp hơn cả? Với người Do thái, câu trả lời sẽ là: đền Giêrusalem. Với người Samaritanô, đương nhiên là núi thánh Gerizim, gần Sechem. Đối thoại với nữ phụ ngoài Đạo, dường như Đức Giêsu muốn ngầm bảo rằng: một ngày kia, TA đâu cần đền thờ nào nữa. Tất cả chỉ cần yêu kính Chúa, thế là đủ.

Cuối cùng, là ngoại lệ thật rõ nét về bí nhiệm của cuộc sống trong quá khứ mà người người cứ tưởng rằng chẳng ai biết đến, dù là Chúa. Bí nhiệm cuộc sống riêng tư, như nữ phụ Samari được biết có đến năm bảy đời chồng. Và thêm nữa, ta có nên cho đó chuyện quan trọng bậc nhất, trong cuộc sống không? Đối thoại với nữ phụ Samari, Đức Giêsu như muốn nói: Tốt. TA biết tất cả mọi sự về con. Bởi thế nên, cũng đừng lo lắng gì về Ta, hết.

Đức Giêsu thật kiên nhẫn. Dù, nghe đủ thứ chuyện, nhưng Ngài lại không mấy quan tâm thích thú. Ngài chỉ muốn đem đến cho nữ phụ Samari, cũng như mọi người, thông điệp thật sự quí giá, đó là: sự sống là quà tặng. Và, khi nhận được quà, mọi người cũng nên cảm kích biết ơn, thế mới phải.

“Nếu chị nhận ra đó là quà tặng Chúa ban”, “Nếu chị biết rằng Chúa đang ban ơn cho chị”… chính là khẳng định rất chắc nịch. Khẳng định rằng: Tất cả là quà tặng, từ Chúa. Quà Ngài ban, vẫn đổ tràn xuống với mọi người. Quà ấy, là tình thương yêu trìu mến xuất từ Thiên Chúa. Tất cả những gì mà mọi người cho là mình sở hữu, tất cả những gì mình làm hoặc suy nghĩ, nhất nhất đều là quà tặng.

Chính đó là điều mà mọi người lâu nay vẫn tuyên tín. Vẫn tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật. Đấng ban cho ta hết mọi thứ, như quà tặng không, biếu không. Và hiểu rằng, ý nghĩa quà tặng sự sống Chúa trao ban, làm cho cuộc sống của ta nên đáng sống. Nhưng oái oăm thay, đôi lúc ta cứ muốn độc lập hẳn với Chúa. Cứ suy nghĩ và hành động như thể mọi sự là của ta, do ta kiếm ra. Chứ chẳng phải của ai cho, hết.

Bởi thế nên, lắm lúc ta cứ hành xử như mình là chủ-nhân-ông đích thật mọi sự vật. Chủ, mọi sự vật cũng như tài sản mình đang nắm giữ. Rồi từ đó, lại có cảm giác cứ trách móc cho rằng Thiên Chúa không tạo dựng nên mọi sự cho ta sử dụng, ngay từ đầu. Sau các cơn địa chấn với sóng thần gây kinh hoàng ở đây đó, nhiều người xem ra mới mở mắt, biết rằng: những gì mình lâu nay sở hữu, thật sự không phải là của mình, do mình kiếm ra. Mà là, do Chúa tặng để mình tạm thời sử dụng, thôi. Sử dụng, theo cung cách rất độ lượng ngõ hầu mình có thể giùm giúp người khác, đang cần thiết hơn.

Quà tặng lớn nhất trong đời mọi người, chính là sự sống. Tựa hồ như giòng chảy ở trên sông. Như mạch suối ngầm trồi lên từ lòng đất. Như Chúa từng quả quyết: “Nước Ta ban, sẽ nên mạch suối trong đó có nước vọt, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4: 14)

Bởi thế nên, hãy dừng lại! Đừng hành xử như người ai oán, sầu thảm, chẳng biết ơn. Hãy ngưng trách móc người đời không còn nhớ đến mình. Không nhớ, để giúp tôi sung sướng, hạnh phúc. Trái lại, hãy trở thành động lực sinh động, trong thiên nhiên. Giống thiên nhiên. Và, hãy làm chút gì đó cho cuộc sống. Như, rao truyền niềm vui cho mọi người. Ở mọi nơi. Chứ không chỉ tập trung vào chính mình. Hoặc, chỉ gia đình mình, mà thôi.

Sống, và cảm nhận rằng sự sống là quà tặng, tức: sống biết ơn. Sống như thế, không cần đến đền thờ, nguyện đường hay chùa chiền cho nhiều mà làm gì. Điều chính yếu, là biết nói lời cảm tạ, với mọi người. Ngừng suy nghĩ, nhưng đừng ngưng cảm tạ. Trái lại, hãy cùng nhau cảm nhận. Cùng biết ơn nhau. Đó, là điều cần suy tư, chiêm niệm. Đừng nên coi mọi chuyện như của cho-không/biếu-không, hoặc từ trời rơi xuống. Nhưng, cứ nhận quà tặng/ân huệ với lòng cảm kích, biết ơn. Và, tự hỏi: đã lâu chưa ngày mình nói lời “cảm tạ” người nào đó? Lâu rồi chứ, giây phút mà ai đó vẫn cảm ơn mình mãi.

Đã lâu chưa, ngày mình thưa: “Tạ ơn Chúa’, bên ngoài thánh lễ? Và khi nói “Tạ ơn Chúa” như thế, thực sự thì điều đó có nghĩa gì? Bởi, Lời Chúa hôm nay ghi rõ: “Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật, vì Cha chỉ tìm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần khí, và kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật." (Ga 4: 23-24)

Đức Giêsu ra như vẫn ngầm nói với nữ phụ Samari và mọi người, rằng: Ta ở đây, nơi này, là để loan tin vui về sự cảm kích biết ơn. Biết ơn, vì đã nhận được quà tặng sự sống gửi đến cho mỗi người. Nếu mọi người đồng ý, thì vai trò của mọi người hôm nay, là thực hiện điều đó, và chứng tỏ cho mọi người thấy, rằng: ta đây cũng có thể làm được nhiều điều khác biệt. Tựa như nữ phụ Samari xưa, biết nhận lĩnh vai trò Chúa uỷ thác, sẽ hành xử theo cung cách riêng:“Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với mọi người…” rằng: vẫn có cung cách khác, để sống. Là, sống cảm kích, biết ơn.

Hội thánh chọn trình thuật này, giữa Mùa Chay, là để con dân mình biết mà đón mừng Phục Sinh. Bởi, Phục Sinh là quà tặng Chúa sống lại gửi đến cho ta. Để rồi, lời Chúa mời mọi người nói lời cảm kích biết ơn về quà tặng sống lại mà cái chết không tài nào lấy đi được, khỏi tay ta.

Sở dĩ, Hội thánh chọn Tin Mừng này là để: vào với Phục Sinh, ta sẽ cảm kích biết ơn nhiều hơn, vì đã lĩnh nhận ơn thanh tẩy. Bởi, chính đó là nước. Là, quà tặng sự sống. Sự sống mới trong Đức Kitô, để rồi ta sẽ không bao giờ quên sót thái độ cảm kích biết ơn. Và, đó cũng là lý do khiến ta có mặt ở Tiệc Thánh. Tiệc, là cung cách để ta nói lời cảm tạ đưa ra với Chúa. Với mọi người. Về tất cả mọi sự gửi đến cho ta.

Trong tinh thần cảm kích biết ơn quà tặng Chúa ban, cũng nên về với lời thơ trên mà ngâm tiếp:

“Mây nước vô tình, lãnh đạm trôi,
Tình không giống nước, tình không xuôi;
bao lần lá thắm xuôi theo nước,
nước chảy, tình duyên ở với người.”
(Hổ Dzếnh – Nước Chảy Chân Cầu)

Nước, là giòng chảy sự sống. Vô tình là bản tính của nước, nhưng tình không giống nước, vì tình vẫn ở với nước. Với đời. Để cùng đời cảm tạ Đấng Tạo Thành nước. Tạo ra đời. Rất khôn nguôi.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch.

Saturday 12 March 2011

“Người cất bước, cả non sông một dải,

Vươn mình theo, dãy Hoành Sơn mê mải.”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Mt 17: 1-9

Hoành sơn xưa, có là núi vắng Chúa đặt chân? Non sông nay, có là miền đất thánh-nhân về? Thánh nhân về, là về với nhân gian một cõi, có lòng mình/lòng người, đầy tình tự. Nhân gian nay đà thấy Chúa biến hình đổi dạng thành Đấng thánh, rất Mêsia như trình thuật thánh Mátthêu vẫn còn ghi.

Trình thuật nay kể về một biến hình đổi dạng nơi Đức Giêsu, mà các thánh xưa nay chưa từng thấy. Các thánh, gồm có Phêrô, Giacôbê và Gioan, tức các đấng bậc gần gũi cất bước lên chốn non cao thấy Chúa biến hình thành Đấng Thánh, rất phi thường. Các thánh nghe giọng thần thiêng tỏ bày sứ điệp chưa từng biết. Giọng hôm ấy, xác định Đức Giêsu là Con Một của Chúa Cha hiền hoà, đáng kính.

Biến hình đổi dạng nơi Đức Giêsu, là sự kiện xảy đến với nhiều tình tiết, rất đặc biệt. Cũng tương tự như ngày Chúa sống lại. Hoặc rõ hơn, như biến cố Chúa về trời. Vượt quá chuyện thường ngày. Rất khó hiểu. Chúa thay hình đổi dạng, tựa hồ như Môsê xưa đã biến hình, trên đỉnh núi Sinai, khi giáp mặt trực diện với Giavê. Gặp Giavê, mặt mày Môsê sáng như ánh mặt trời. Long bào của ông, trắng toát như ánh dương. Rất đặc biệt.

Thánh Mátthêu kể rằng: các thánh tông đồ lúc ấy rất ngạc nhiên, hãi sợ và bắt đầu nói lung tung về chuyện dựng xây căn nhà ở chóp núi. Đó là chuyện bình thường ở huyện người người vẫn làm thế, khi mất cảnh giác.

Biến hình là chuyện xem ra không bình thường xảy đến với chúng ta. Chí ít, là khi ta sống trong thế giới đầy những biến đổi hình dạng, về mọi thứ. Như sâu nhộng trở thành bươm bướm mà ta gọi là sự biến thái vẫn xảy đến trong đời của loài thú. Hệt như em bé biến dạng đổi hình, khi mới sinh. Đó là điều mà thánh Âu Tinh gọi bí nhiệm sản sinh. Là, mầu nhiệm lớn hơn cả phục sinh: đến với thế giới qua cốt cách con người, vẫn là chuyện cao cả hơn là trở về với hình thù mình, sau khi chết. Mỗi ngày và mọi ngày, vẫn xảy đến với ta qua đủ loại thay hình đổi dạng, hệt như thế. Cả bên trong. Trong sự sống riêng tây của mỗi người. Vấn đề tuy đơn giản, nhưng sâu sắc. Thay đổi bản vị, vẫn xảy đến, qua nhận thức. Qua tình yêu.

Và đây là quan điểm rất xác thực của tác giả Mátthêu. Quan điểm của thánh nhân không nằm ở mặt ngoài, hoặc chỉ thay đổi mỗi xác phàm. Thay đổi về thân xác, là lối nói để diễn tả thay đổi về bản vị. Rất nhiều lần, Đức Giêsu có những khoảnh khắc nhận thức bên trong. Khoảnh khắc về tình thương yêu, rất thấu đáo. Khoảnh khắc, qua đó Ngài ồ ạt tăng trưởng bản thân để trở thành con người đầy bản vị. Và, đặc ân đến với các tông đồ vào lúc ấy, là được phép hiện diện và thấy được chuyện xảy đến, rất hiếm quý.

Đức Giêsu vẫn theo lộ trình bình thường, để có được kinh nghiệm rất thường tình của con người. Ngài học hỏi mọi thứ qua thử thách và sai sót. Mỗi ngày, Ngài khám phá ra nhiều điều mới mẻ về chính Ngài và về loài người. Cả những điều mới mẻ về Cha, mà chính Ngài đã trải nghiệm. Đức Giêsu là người từng trải nghiệm sâu sắc/bén nhạy về những thứ ấy. Ngài có những khoảnh khắc thương yêu rất mặn nồng. Cũng ưu tư lo lắng, hãi sợ. Cũng trải nghiệm nhiều phút giây vui vầy, tuyệt diệu.

Và, mỗi lần có sự việc mới mẻ xảy đến, Ngài thay đổi tự bên trong. Và cứ thế, Ngài bắt đầu trở nên giống hình thù mà Ngài vẫn có ở trong Ngài. Ngài không là thiên thần. Cũng đạt chốn Thiên quốc. Ngài giống như ngôn sứ Cựu Ước, có tầm nhìn sâu sắc trong cuộc sống –tầm nhìn thấu đáo do Cha ban. Nhưng Ngài không chỉ là thế, như một ngôn sứ không hơn không kém. Mà, còn trinh trong cả ở nội tâm. Ngài không có triệu chứng tâm can đau yếu. Nhưng, Ngài hoàn toàn hội nhập vào với thực tại. Mỗi khi có cảm nghiệm gì lớn lao, toàn bộ con người Ngài phản ánh niềm vui chan hoà cho tất cả.

Kinh nghiệm đỉnh núi, là kinh nghiệm gì? Là, cảm nghiệm rằng Ngài được Cha hoàn toàn chấp nhận và yêu thương làm Con Cha. Và, Cha không thể chờ đợi lâu hơn nữa để tỏ bày cho Ngài biết là Ngài được Cha chấp nhận thương yêu biết dường nào. Ngài không là kẻ xa lạ với Cha. Và, Cha cũng không xa lạ gì Ngài. Ngài không là người bạn của Cha chỉ trong chốc lát. Và, Cha cũng chẳng là bạn hiền của Ngài chỉ một phút chốc rồi thôi. Những miên trường. Mãi mãi

Cảm nghiệm Ngài cho thấy tương quan giữa Ngài và Cha. Giữa Cha và Ngài. Không là tương quan chỉ phút chốc. Hoặc, lúc trầm lúc bổng. Lúc tắt lúc bật trở lại. Ngài thực sự biết rõ Cha và quyết trở thành Thiên Chúa, giống như Cha. Và, Cha cũng biết rõ Ngài. Cha vẫn muốn Ngài thành Thiên Chúa theo cung cách rất Giêsu Kitô. Tựa hồ một biến đổi còn diễn tiến. Và lúc này là lúc thấy rõ diễn tiến hai chiều. Diển tiến cho thấy Đức Giêsu trở nên thần thiêng như Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đang trở thành người phàm, như Đức Giêsu. Ta có thể gọi đó là biến hình hoặc nhập thể, cũng chẳng sai.

Tất cả sự việc này, tháp nhập vào với giọng nói vang vọng từ trên cao khẳng định với các tông đồ về điều rất chính yếu: “Này là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 17: 5)

Ngay khi ấy, các thánh tông đồ vẫn chưa nhận ra ý nghĩa của giọng nói, ngay tức khắc. Chỉ về sau, các thánh nhân mới nhận ra được ý nghĩa thâm sâu về những gì xảy đến với chính mình. Và, Chúa cũng đã căn dặn các thánh đừng cho ai biết chuyện ấy, ít nhất chỉ phổ biến sau ngày sống lại, mà thôi. Mãi sau, các thánh mới nhận ra ý nghĩa đúng như thế. Cũng phải mất một thời gian chay tịnh rất dài ngày, người người mới nhớ về những chuyện như thế. Và, cũng đã am hiểu.

Và khi các thánh tông đồ tin tưởng vào Đức Giêsu và Cha Ngài, thì lúc ấy các thánh mới có cảm nghiệm đích thực về những gì xảy đến. Cảm nghiệm rằng, Đức Giêsu và Chúa Cha đã đến nơi chốn hoang vu thần thiêng là để chấp nhận thương yêu các thánh tông đồ cách trọn vẹn. Và các thánh cũng hài lòng được gần gũi Chúa. Kể từ đó, các thánh mới thông hiểu sự việc hầu thương yêu Đức Giêsu và Chúa Cha, theo cung cách khác hẳn. Khác trước rất nhiều. Cũng từ đó, các thánh bắt đầu thấy được chính mình. Biết được đời mình nay đã thay hình đổi dạng như thành quả có được từ một Biến hình của Đức Chúa, rất dễ thấy.

Cuối cùng, các thánh khám phá ra rằng các ngài cũng có thể thực hiện được chuyện biến dạng đổi hình, cho nhau. Thực hiện được, mỗi khi các thánh chấp nhận yêu thương bất cứ người nào trong cộng đoàn mình chung sống. Và, đây là động lực thúc đẩy một khởi đầu, thêm một lần. Rồi từ đó, tương quan giữa các thánh cũng đã thay hình đổi dạng, rất “biến hình”. Các thánh, nay trở thành người anh/người chị trong cộng đoàn Hội thánh, đã biến hình đổi dạng từ trong ra, và từ ngoài vào, rất liên hồi.

Chính vì thế, hôm nay, ngày Chúa “biến hình” chỉ một thoáng mong manh, để người người nhìn thấy trước sự kiện phục sinh rất yên tâm, thư giãn. Thư giãn, để không còn sợ rằng Mùa Chay sẽ nặng nề, khó chịu với bất cứ ai. Bởi, biến hình hôm nay là thông điệp. Và cũng là sứ mạng. Thông điệp bày tỏ rằng: chính vì Đức Giêsu, mà người người sẽ còn thay hình đổi dạng, nhiều hơn nữa. Sứ mạng, là sứ mạng để chứng tỏ, rằng: nếu tin vào Đức Giêsu, ta sẽ có khả năng giúp mọi người biến hình đổi dạng, như Đức Chúa. Chỉ cần ta thực tình chấp nhận nhau, yêu thương nhau. Chấp nhận vui hưởng sự hiện diện bên nhau. Có nhau, để yêu thương giùm giúp hết mọi người, cũng đã đạt.

Vậy thì, Mùa Chay hôm nay có nghĩa gì, đối với ta? Chay kiêng một mùa, là quyết trao cho nhau và cho mọi người khẳng định cần biến hình đổi dạng. Biến và đổi, rồi tạo cho mình một loại hình, tựa như thế. Loại hình thực tình chấp nhận nhau. Thực tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thực tình vui hưởng sự hiện diện/gần gũi, ở bên nhau.

Trong khí thế bừng bừng tình yêu thương có từ Đức Chúa đã biến đổi hình, ta hân hoan ngâm nốt lời thơ trên mà hát:


“Chạy dọc lên, thông cảm ý ngang tàng,
Cùng chồm dậy, đáp lời hô vĩ đại!”
(Vũ Hoàng Chương – Bài Ca Bình Bắc)

Lời hô vĩ đại bữa ấy cũng như hôm nay, không hẳn là “Bài Ca (để) Bình Bắc” hoặc bình Nam, cho bằng lời hô vang hãy biến hình và đổi dạng, như Đức Chúa từng làm. Vẫn rất cần. Cũng rất nên.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

Friday 4 March 2011

“Anh trở lại con đường lên núi biếc,

thương mây bay từ đó vẫn cô đơn.
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mt 4: 1-11

Đường lên núi biếc, dù mây bay từ đó vẫn cô đơn. Cô đơn, với nỗi niềm Chúa cảm nghiệm cảnh tình người phàm khi Ngài vật vã với băn khoăn, rất thử thách.

Trình thuật tuần đầu Mùa Chay hôm nay, kể cho ta nghe tâm tình của Chúa khi Ngài bị thử thách/cám dỗ, đến như thế. Thử thách/cám dỗ, là những thử và thách suốt 40 ngày đêm nơi hoang vu, sa mạc. 40 ngày đêm, nói lên chuỗi ngày dài một đời, Chúa từng trải nhiều thử thách/cám dỗ mãi đến ngày Ngài kết tận hành trình nơi đồi cao chốn vắng, rất Calvary.

Chốn vắng Calvary xưa, có thử thách/cám dỗ đưa Chúa vào với mê say để Ngài không thực hiện được ý định Cha đưa ra. Mê say, còn là thử thách/cám dỗ đặt ra với Chúa, rất nhiều lần.

Thử thách/cám dỗ đặt ra, qua cung cách Cha muốn Ngài thực hiện vai trò của Đấng Mêsia có quyền uy trên cả hoàng đế La Mã, như thánh Mátthêu từng ghi. Thử thách/cám dỗ là thách đố khả năng giải quyết khó khăn do đế quốc La Mã đem lại. Thử thách/cám dỗ, còn là thách thức chức năng Chúa nhận từ Cha, hầu giúp con dân loài người sống yên hàn, lành lặn. Thử thách/cám dỗ, còn là thách đố và thử xem Chúa có nhắm mắt làm ngơ nỗi đau của mọi người, để rồi sẽ trao cho Cha giải quyết mọi việc.

Thử thách/cám dỗ cướp tay trên quyền uy của đế quốc, để rồi Ngài cũng sẽ hành xử hệt như thế. Thử thách/cám dỗ đặt ra với Đức Giêsu, là thách Ngài giành lại quyền uy của hoàng đế La Mã, rồi cũng sẽ ăn trên ngồi chốc, bức bách dân con lớp người ở dưới. Bởi, một khi đã có quyền hành là có quyền để hành người khác, hệt như vậy. Bởi thế nên, Đức Giêsu chối bỏ mọi lợi lộc dành cho kẻ có quyền. Ngài chối bỏ quyền đối xử với mọi người theo cung cách ấy. Ngài đả kích không chỉ giới cầm quyền La Mã thôi, nhưng Ngài còn chỉ trích chính những uy và quyền ấy nữa. Ngài chọn đường lối không quyền lực, nhưng vẫn sống. Sống với người không quyền, trong “Vương Quốc” của Ngài.

Thử thách/cám dỗ thứ hai, là thách đố khả năng giải quyết tình trạng nghèo đói trên thế giới. Thời của Chúa, có đến 95% người dân Galilê ở dưới mức tối thiểu, để sống còn. Dân lành thời đó, không đủ cơm bánh và cá, mà qua ngày. Họ cứ lần lượt rơi vào vòng lao lý, tật bệnh hoặc chết yểu. Một số trường hợp, do Hêrôđê tạo ra. Ông lập chương trình xây cất nhiều toà nhà đồ sộ. Lại đánh thuế cao khiến dân đen chịu không nổi đến độ không còn gì để ăn. Để sống nữa.

Thử thách/cám dỗ cuối cùng đến với Đức Giêsu, là thách đố để xem Ngài có khả năng kích động dân đen, khiến họ căm phẫn quyết chống lại quyền uy của vua quan/lãnh chúa, thời ấy không? Thử thách/cám dỗ, là dỗ dành Chúa đòi lại cơm áo gạo tiền cho dân lành hèn hạ thấp cổ bé họng, ở bên dưới. Thử thách/cám dỗ đưa ra với Chúa, là xem Chúa có hành xử như vua quan mọi thời. Hoặc, Ngài sẽ còn đối xử tệ bạc hơn cả vua quan thời đó, khi có quyền. Nhưng, Đức Giêsu đã chối từ quan niệm coi mình như Đấng ban phát mọi thứ, hầu thoả mãn đòi hỏi của mọi người. Ngài chọn đường lối khác hẳn mọi vua quan/lãnh chúa, ngõ hầu trở nên Đấng Mêsia do Cha định đoạt. Ngài không chấp nhận đường lối của vua quan ở trần gian chỉ biết hưởng thụ, cho thoả thích.

Với Tin Mừng thánh Mátthêu, thử thách/cám dỗ lớn nhất đưa ra với Chúa, là chỉ lo chuyện lành thánh, cốt khuynh loát những điều do Cha định đoạt, mà chỉ theo ý mình. Khuynh loát, để Cha phải can thiệp mà giải quyết các khó khăn chốn gian trần. Và, buộc Cha Ngài phải làm thế, ngay tức thì. Thử thách/cám dỗ này nguy hiểm hơn thứ gì hết, vì đụng chạm đến đền đài thánh thiêng, lẫn nguyện đường, và cả cuộc sống ngoan hiền, ngõ hầu dẫn dụ Cha sửa đổi mọi chuyện để thuận theo ý Con, chứ không theo ý Cha.

Người đời thời của Chúa, vẫn muốn tuân theo đường lối giản đơn, rặt như thế. Họ là những người ở Qumran. Những kẻ từng dấn bước theo chân Gioan Tẩy Giả, cả vào lúc khó khăn, đầy bức bách. Và, thử thách/cám dỗ đây, là muốn chế ngự quyền uy thánh thiêng của Chúa. Là, kiểm soát lòng thương xót của Ngài. Thử thách/cám dỗ đây, là nghĩ rằng lòng đạo của mình còn lớn lao/cao cả hơn lòng xót thương của Cha. Và, Đức Giêsu nhận ra rằng: nếu thế thì Chúa Cha không là Thiên Chúa đích thực là Cha của Ngài. Ngài thực sự đã chọn đồng hành với Cha Ngài. Và kết cục, Ngài chọn thuận theo ý Cha, chứ không theo ý riêng của chính Ngài. Và, chọn lựa này mới thật là chọn lựa khác biệt.

Nếu Đức Giêsu không chọn quyền hành để đánh bạt đối thủ là đế quốc La Mã rất sừng xỏ, không chọn ban phát mọi sự hợp nhu cầu/đòi hỏi của mọi người, cũng chẳng cướp tay trên quyền uy có từ Cha, thì thử thách/cám dỗ đưa ra cho Ngài, là thách thức gì? Thử thách/cám dỗ ấy là sống đích thực đời người phàm. Đời, của những người con không có quyền cũng chẳng có uy. Những kẻ luôn thiếu thốn đủ mọi thứ. Chọn lựa của Ngài, là cùng chung số phận với những người nghèo hèn ấy. Ngài chọn lựa sống như họ, để rồi Ngài đi vào tương quan đích thực với dân đen, hèn kém, chẳng trông đợi vào ai.

Điều này, thoạt nghe chẳng có gì mới mẻ, hoặc hấp dẫn. Nhưng, mục tiêu Đức Giêsu nhắm đến là như thế. Là, thâu thập dân con mọi người vào với tình thương của Cha. Là, sẽ không một ai bị gạt ra ngoài nhóm hội/cộng đoàn thân thương để chung sống. Nhóm ấy, cộng đoàn ấy vẫn có Chúa, có Cha vào mọi lúc. Bởi, chính Cha đang ở ngay trong nhóm. Bởi, chính cộng đoàn là nhóm hội của Cha, đã có được tình thương yêu, hy vọng. Hy vọng, mọi người sẽ sống chung và sống cùng. Cùng sống. Cùng lướt vượt mọi khó khăn, rất đồng đều. Đó chính là đường lối Chúa chọn sống.

Ngài lướt vượt mọi thử thách/cám dỗ Ngài theo đường khác. Cám dỗ ấy, Ngài thấy rất rõ, suốt đường đời Ngài từng trải. Và, nay Ngài trở về với những gì là căn bản của chính con người. Trở về với con người đích thực, trước/sau mọi thử thách/cám dỗ. Ngài trở về, cả vào lúc những người khó nghèo/bần hàn kia đã quay lưng chống lại Ngài. Vì thế, đế quốc mới giết hại Ngài. Vì thế, Chúa Cha mới không kịp nghe tiếng Ngài kêu cầu, nơi vườn cây Dầu.

Và đây chính là thông điệp gửi đến với Hội thánh, hôm nay. Thông thường, Hội thánh vẫn muốn thi đua với thế gian, ngoài đời. Vẫn muốn đấu tranh tạo phần thắng, hầu lấy lại quyền uy chính trị, từng luột mất. Lấy lại quyền, để tạo uy hùng dũng mãnh, trên chúng dân. Thông thường, Hội thánh vẫn muốn thi đua với các tổ chức bác ái, quyết lấy lại uy tín bằng việc ban phát các phẩm vật cho dân đen nghèo hèn. Thông thường, Hội thánh từng tìm cách tỏ ra mình những muốn sống đời lành thánh để kéo Chúa về cùng phe, để Ngài sẽ đi theo con đường mình đang thực hiện. Quả là, Hội thánh nay cũng gặp thử thách/cám dỗ như Đức Giêsu, ở thời hôm trước.

Bản thân ta cũng thế. Ta vẫn muốn trở thành nhân vật quan trọng có khả năng giải quyết mọi vấn đề; để rồi, sẽ lôi kéo Chúa vào phe mình, mỗi khi cần. Thông thường, ta cũng muốn chối bỏ những thử thách/cám dỗ, rất tương tự. Bởi thế nên, hãy đề cao cảnh giác cả vào khi ta đã khá giả và trở nên mạnh mẽ, cũng nên biết mình chỉ là kẻ hèn mọn, vẫn phải sống với những khó khăn không dứt bỏ. Bằng không, nhiều lúc ta vẫn cứ nghĩ mình là kẻ sở hữu cả Đức Chúa. Chăm lo cho Chúa, rất nhiều điều. Vì nghĩ thế, nên ta cứ cho rằng mình đang theo Đức Giêsu và chính mình đang là Chúa, nữa không chừng?

Thật sự, hãy nhớ rằng mọi người cũng như ta, chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt trong đám đông quần chúng. Cũng chỉ là phận hèn loài người được Chúa đoái thương. Được Chúa ban phát đôi điều để có thể sống sót, sống còn với mọi người. Có thể những gì Chúa ban cho ta, không là bánh/là cá, như người Do thái khi xưa từng học biết. Nhưng, ta học biết để Chúa trở thành chính Chúa. Và, qua học hỏi, ta khám phá ra rằng ta được Chúa đi bước trước, là để Ngài vẫn thương ta. Vẫn muốn ta về với Ngài

Hãy cảm tạ Cha đã để Đức Giêsu lướt thắng mọi thử thách/cám dỗ, được như thế. Hãy nguyện cầu, để Hội thánh của ta cũng được thế. Hãy chúc nhau có được cơ may lướt thắng được chính con người mình. Lướt thắng mọi thử thách/cám dỗ vẫn xảy đến với mình, vào mọi lúc. Có thế, ta mới an tâm bước vào Mùa Chay thánh. Có thế, ta mới thấy vui được Chúa dẫn đưa ta ra khỏi mọi thử thách/cám dỗ, rất trần gian.

Trong hân hoan dấn bước như thế, ta hãy cùng dân con ở đời ngâm nga đôi lời thơ ý nhị, rằng:


“Anh trở lại, con đường lên núi biếc,
Thương mây bay, từ đó vẫn cô đơn.
Những bông hoa, còn có nửa linh hồn,
Những lá cỏ, nghiêng vai tìm mộng ảo.”
(Đinh Hùng – Cánh Chim Dĩ Vãng)


Rất chí lý. Bông hoa kia, có khi chỉ còn nửa linh hồn vẫn cứ “nghiêng vai tìm mộng ảo”, thì tôi và anh sẽ chẳng tìm lối đi không thử thách. Để, sẽ thấy Chúa, thấy Cha ở phía trước đang giơ tay đón chờ. Chờ tôi, chờ anh bấy lâu nay. Ở mọi thời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch