Monday 30 May 2011

“Tất cả mùa xuân rộn rã đi”


“xa xôi người có nhớ thương gì?”

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mt 28: 16-20

Thương hay nhớ, thì xuân kia cũng rộn rã, đã ra đi. Ra đi, nào có gì để thương nhớ? Nhớ và thương, Chúa Xuân vẫn liên tưởng đến đàn con còn ở lại, khi Ngài chuẩn bị để ra đi. Có chuẩn bị, nên Ngài vẫn dặn dò dân con đồ đệ hãy thương và nhớ Lời Ngài dặn, rồi sẽ vui tươi.

Trình thuật thánh Mátthêu nay ghi lại việc Chúa sửa soạn ra đi về cõi miên trường. Từ biệt dân con mọi người Ngài để lại một lời dặn rất tha thiết. Tha thiết dặn dò, bằng giới lệnh mới, với thương yêu. Nuông chiều. Nhiều thuyết phục. Ngài ra đi về cõi miên trường nơi có Chúa Cha, có cả Thần Khí vinh quang như lời Hội thánh, vẫn tuyên xưng.

Ngay chương đầu sách Công Vụ, Thánh Luca đã viết: Đức Giêsu được nâng nhấc lên chốn mây trời ngập tình Chúa. Về với Chúa Cha, Đức Giêsu biến khỏi tầm nhìn của các thánh ngày hôm ấy. Đó là sự thực, rất thật. Không có gì phải thắc mắc. Thế nhưng, ở chương cuối Tin Mừng cùng tác giả, thánh nhân lại bảo: Chúa về trời chiều Chủ nhật, Chúa Phục Sinh. Nơi thôn làng bé nhỏ, rất Bêtania. Nếu để qua một bên đặc thù không gian và thời gian thiếu tính chất sử học, thì người đọc sẽ hiểu tường tận hơn ý nghĩa của sự kiện “Thầy về với Cha”. Hiểu rất rõ: ý nghĩa, giá trị và những thách đố liên quan đến niềm tin, ngay sau giòng chảy của trình thuật.

Về không gian nơi chốn, người xưa thường hay liên tưởng đến 3 yếu tố: “lên”, là lên cao tít chốn thiên triều. “Xuống”, là đạt xuống tận cùng của ngục thất, chốn luyện hình. Và, “giữa chừng”, là ở giữa nơi đây, chốn địa cầu này, rất trái đất. Xem thế thì, Đức Chúa được nâng nhấc “lên” chốn cao sang tít mù ấy, là vì Ngài mới vừa “xuống” tận đáy chốn ngục hình, hôm Thứ Bẩy Tuần Thánh. Nên, hôm nay, người người lại không nghĩ như thế, khi xét suy về chốn vũ trụ bao la. Rất lạ.

Về thời gian diễn tiến sự kiện “Chúa thăng thiên/về Trời”, có người cũng thắc mắc tự hỏi: hôm ấy, Thứ Năm hay Thứ Bẩy? Hỏi thế, tức hiểu sự kiện Chúa về trời, chỉ theo chữ. Hỏi thế, tức thắc mắc không biết việc Chúa về trời có rơi vào 40 ngày sau Phục Sinh, không? Hay rớt đúng ngày Chúa Sống Lại? Hỏi và thắc mắc như thế, tức: là hiểu Lời Chúa rất từng chữ. Chỉ theo nghĩa đen thôi.

Cũng nên biết, thời Chúa sống, con số “40” mang ý nghĩa của thời gian tương đối khá dài ngày. Tựa hồ số “3” xưa nay được sử dụng để nói về thời gian tương đối cũng rất ngắn. So với hôm nay, nếu diễn đạt sự kiện lịch sử rày xảy đến, ta sẽ không suy nghĩ theo kiểu như thế.

Về những ảnh hình mô tả vị thế của Đức Chúa, người người sẽ còn thắc mắc hỏi thêm: có thực là Đức Chúa về trời, Ngài sẽ trị vì ngồi bên phải Chúa Cha, không? Một lần nữa, hỏi thế tức hiểu trình thuật, rất từng chữ. Chỉ theo nghĩa đen. Bởi, nếu thực tế hiểu đúng theo nghĩa này, thì người người sẽ kết luận: hẳn Chúa Cha sẽ luôn phải sử dụng tay trái nên chắc cũng mỏi lắm?! Bởi, Ngài cứ phải trao ban cho Con Một Ngài mọi bài sai, bằng tay trái, mất thôi!

Diễn tả sự việc bằng ảnh hình, tưởng cũng không nên diễn và tả Chúa về Trời theo cung cách của tàu vũ trụ rời bệ phóng tiến vào cõi không gian, xen đan với tinh tú. Ngài phải là “Đấng Siêu Nhân” chiến thắng thần chết, bằng Phục Sinh, nên Ngài đang ở trên một hành tinh nào đó, trên không gian, mà phải hiểu thăng thiên về trời đây, mang tính thiêng liêng, linh đạo. Sâu sắc.

Thăng Thiên về trời, có nghĩa là: Đức Chúa Phục Sinh nay rũ bỏ mọi ràng buộc về không gian, thời gian, về cả những cảnh huống rất thế trần. Để rồi, Ngài sẽ có mặt ở mọi nơi. Vào mọi lúc. Cả vào lúc khởi đầu một sự việc, giản đơn. Thăng thiên về trời, còn có nghĩa là: Ngài đang ở trong ta, và quanh ta. Ở, bất cứ nơi nào ta đi đến, Ngài cũng đến. Vào mọi lúc, Ngài luôn có mặt ở với ta. Cả khi xảy ra bất cứ việc gì, tốt hoặc xấu.

Vì thế, ta sẽ trải nghiệm được hiện hữu của Ngài ở bất cứ đâu. Bằng bất cứ đuờng lối/cung cách nào. Và đây là điều khác lạ nữa là: ở nơi Ngài trụ trì, sẽ chẳng có lãnh đạo toàn trị, như mặt đất. Cũng không còn giáo chủ, hồng y hoặc đấng nào chủ quản cả. Cũng chẳng còn mạng vi tính, để tính toán. Ngài sống trọn vẹn và trung thực đến độ ngay sự chết cũng không thể cướp đi được sự sống, khỏi nơi Ngài. Sự sống ấy, nay Ngài lại sẽ ban cho mọi người, rất tràn đầy và trọn vẹn.

Thăng thiên về trời, còn có nghĩa là: Chúa luôn chúc lành cho toàn thế giới nhân trần. Nơi đó có sự hiện hữu của hết mọi người, rất sống động. Đức Chúa không chỉ chúc lành cho Hội thánh của Ngài mà thôi. Và, cũng không một ai ràng buộc được Ngài vào với chỉ một Hội thánh, mà thôi. Và, Ngài cũng hiện diện không chỉ trong khuôn khổ nhỏ hẹp, của Nhà Tạm. Nhưng, ở khắp nơi. Cả trong ta. Cả, từng tế bào xuyên suốt của hiện hữu. Ngài không nề hà mọi tính chất nhỏ bé li ti để giáng hạ. Thăng thiên về trời, Ngài đến trở lại với ta mà hoá giải mọi khó khăn, bức bách. Để, đem về cho Cha mọi tình huống của ta, qua nguyện cầu, chúc tụng. Và, Ngài khai phóng Nước Trời để rồi sẽ đoái nhìn vào từng chi tiết nhỏ ở tình cảnh ta đang sống, với lòng yêu thương mến chuộng, và chúc phúc.

Nhờ việc Ngài làm, mỗi người và mọi người rồi sẽ nói: bản thân mình cũng cần thăng thiên về trời cùng Ngài để thăng tiến chính mình. Mình cần được nâng nhắc, hầu rũ bỏ những khốn cùng/tồi tệ với cảm giác xuống cấp. Thật thấp. Dù, ta có xuống tận đáy cùng của mọi ngục thất, rồi cũng lại được hướng thượng ngước cao hơn, ra khỏi tính chất hẹp hòi, nhỏ nhen mà thăng hoa. Hướng thượng. Hướng rất thượng, để rồi sẽ hiểu rằng: nỗi chết và những hạn chế của không gian và thời gian. Của, tình trạng kinh bang tế thế ở đời thường, sẽ không làm mọi người rời xa Đức Chúa, dù Ngài đã thăng thiên.

Thế đó, là ơn gọi của mỗi người, vào buổi Chúa thăng thiên về trời. Thế đó, là sự việc diễn ra ở núi thánh. Nơi, mà chính thánh sử từng ghi chép về hiến chương Nước Trời, về giới lệnh hãy cất bước ra đi mà thay hình đổi dạng, trọn thế giới. Nơi, có các thánh “cứ đứng đó nhìn trời”, buồn rã rượi.

Quả là, Đức Giêsu rất có lý khi Ngài tỏ bày: “Chỉ một thời gian nữa, anh em sẽ không còn thấy Thầy. Và một thời khắc nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Xem như thế, có lẽ cũng phải mất một thời gian nữa, ta mới “nghiệm” ra được những gì mà sự kiện Chúa thăng thiên về trời, tỏ bày cho ta hiểu. Cũng nên nghiệm ra được sự thật này, để mà sống. Để được thế, hãy cứ sử dụng thời gian dành để cho ta, như mong muốn. Chắc chắn Chúa sẽ chúc lành cho thời khắc mà ta chưa đạt được. Nhưng, Chúa vẫn sẽ ở trong ta, khi ta hiện thực vai trò đem Chúa đến với mọi người

Bằng vào bài sai Chúa ủy thác, nay là lúc ta hiên ngang dấn bước thực hiện bài sai ấy. Thực hiện điều mà Chân phước Gioan Phaolô II từng đặt tựa đề cho sách của ngài viết:“Hãy trỗi dậy mà ra đi!”, ngõ hầu khuyến khích con dân Hội thánh đang hiện thực, Lời Chúa dạy.

Cùng phấn kích với Hội thánh, cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn bỏ dở, mà hát rằng:

“Tất cả mùa xuân rộn rã đi!

Xa xôi người có nhớ thương gì?

Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,

Ta biết xuân nhau, có một thì.”

(Nguyễn Bính – Cuối Tháng Ba)

Cùng với Xuân mùa, rộn rã đi. Người đi vội, kịp đến chùa/đền. Còn ta đây, vẫn nhớ người đôi ngả. Rộn rã biết “xuân nhau có một thì”. Thì, của nhớ và thương. Thân tình. Quyết thực hiện điều Thầy dặn rõ, mới hôm nào.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

Friday 20 May 2011

“Trông thấy ta, cả cõi đời kinh hãi”


“Dòng sông con, nép cạnh núi biên thuỳ”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Ga 14: 15-21

Trông thấy ai, mà kinh hãi cả cõi đời? Đời cô đơn, thi sĩ nép cạnh núi biên thùy, tựa dòng sông. Vốn hy vọng, nhà Đạo chẳng kinh hãi với âu lo. Bởi, Thầy Chí Thánh đã uỷ lạo. Tạo niềm tin, nơi mọi người.

Niềm tin, thánh Gioan diễn tả ở trình thuật hôm nay, là tình tự thân yêu Chúa dặn dò, trước ngày Ngài về với Cha. Tình tự Ngài để lại, là chúc thư cuối về sự sống còn của dân con Đạo Chúa. Chúc thư tuy hơi lạ, nhưng là lời khuyên dân tuân giữ mọi qui định Ngài từng phán quyết. Phán và quyết, một giới lệnh rất mới, nếu áp dụng triệt để, người người sẽ sống sót rất hạnh phúc. Chúc thư Thầy để lại, còn là lời nhắn nhủ giản đơn Thầy cương quyết: “Hãy yêu thương nhau”.

Hãy yêu thương nhau, là câu nói người người đều nghe biết. Nhưng thường thì, không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa Lời Ngài muốn căn dặn. Bởi, ý nghĩa ấy không chỉ bao gồm mỗi một việc, là: hãy đối xử tử tế với mọi người. Nhưng còn hơn thế. Hơn, là bởi: có như thế người người mới thủ đắc nhiều điều lợi của xã hội.

Hãy yêu thương nhau, không chỉ thực hiện với nhóm/phái của mình, thôi. Bởi nhóm/phái, đoàn thể vẫn chỉ khép kín trong vòng khoanh bé nhỏ, của chính mình. Tuyệt nhiên, không để lọt ra ngoài. Người ngoài cuộc luôn bị coi là người xa lạ. Muốn gia nhập nhóm/phái, tuyệt đối phải đăng ký/ghi danh, mới được vào. Vào được rồi, kể như mình đã nắm chắc là người đồng đội sẽ yêu thương giùm giúp rất tích cực. Kẻ ở ngoài, vẫn bị coi là người ngoại cuộc chuyên gây phiền toái.

Khi Chúa bảo: Hãy yêu thương nhau, là Ngài có ý khuyên: “hãy yêu thương hết mọi người. Không chỉ mỗi người cùng phe, cùng nhóm với mình, thôi. Mà, cả người những ở ngoài, như: đám Pharisêu, Ký sự, đám người La Mã, lẫn cả thượng tế, đám đông quần chúng, bất cứ ai. Yêu hết mọi người, là yêu toàn thể chúng sinh, nhân loại. Bởi thế nên, khi Ngài sai phái các thánh ra đi là để các thánh đi đến với mọi người, bằng sứ vụ mới. Sứ vụ, biến mọi người không còn là người dưng khách lạ, hoặc ngoại cuộc nữa.

Điều đó còn có nghĩa: Hội thánh, cho đến nay, vẫn chưa thực hiện đúng mức sứ vụ Chúa ban hành. Đôi khi chính mình còn đi ngược lời dạy cùng bảo ban của Chúa, nữa. Đi ngược, là bởi quá gắn chặt với tinh thần phe/nhóm của giáo hội riêng mình. Ví dụ cụ thể thấy rõ nơi Giáo Hội Công giáo Úc lâu nay vẫn thủ thế, suốt ba bốn thập niên qua. Vì thủ thế, nên Giáo hội ở đây chưa thực hiện đủ lời Chúa dạy bảo khi phải đối xử tử tế với những người mới tới từ các nơi. Chí ít, là những người ngoài Đạo. Vì thế nên, lời Chúa hôm nay đích thị gửi đến Hội thánh Công giáo nơi đây phải ra đi thực hiện lời khuyên “yêu thương hết mọi người”. Cả những người dưng khác Đạo, vừa mới tới.

Lễ Chúa Thăng Thiên ở Úc, thường được tổ chức rất trùng hợp với ngày “Nhớ Ơn Mẹ”. Tức, một ngày có lời khuyên, rất tương tự. Lời khuyên rất lành và rất thánh: “Hãy yêu thương” Mẹ thánh Giáo hội và cung kính Đức Maria, Mẹ Hiền của Thiên Chúa. Mẹ rất Hiền, vì Mẹ là mẹ đích thực, vẫn nối kết/duy trì mọi thành viên trong gia đình. Thôi thúc mọi người hãy đến với nhau trong yêu thương. Mẹ, là trung tâm của gia đình. Là, người luôn đem đến với gia đình, bầu khí yêu thương, liên kết. Yêu thương, để mọi người sẽ đến với nhau mà giùm giúp, đỡ đần. Trong mọi lúc.

Mẹ là Mẹ Thánh rất hiền, vì là Từ Mẫu của Chúa, Mẹ còn làm nhiều điều hơn thế. Mẹ hiền ở nhà cũng làm thế. Bà đem tình người mẹ trong gia đình đến với người ngoài cuộc, tức: những người cần tình thương hơn ai hết. Thấy ai cần tình thương, mẹ hiền ở nhà chẳng bao giờ bỏ qua, hoặc nề hà điều chi. Mẹ hiền ở đời, vẫn từ tâm với mọi người. Không chỉ người trong nhà mình, mà thôi.

Trái lại, mẹ hiền vẫn từ tốn, nhẫn nại và bươn chải không chỉ lo cho gia đình mình thôi, mà mẹ còn đến với người chòm xóm. Kẻ khốn khó, ốm đau ở đâu đó, tức những người cần tình thương. Nhiều khi, chỉ một ngụm trà ấm nóng. Có lúc, chỉ một đường chổi nhẹ để dọn dẹp tiếp đón người dưng khách lạ, cần đón tiếp. Rất thường tình, mẹ cũng đóng góp vài đồng giúp đỡ kẻ túng bấn. Những người nghèo khổ. Có khi, chỉ cần để mắt ngó chừng đàn trẻ xa quê, vắng bắng mẹ mình. Có thể nói, mẹ hiền ở nhà là người thực thi lời Chúa, rất yêu thương. Bởi, mẹ là người không chỉ biết thương yêu mỗi con mình thôi, mà cả người dưng khách lạ nữa.

Trên thực tế, phụ nữ là những người luôn quên mình đi, để có thể yêu thương giúp đỡ hết mọi người, bất kể ai.Các bà, là những người thường xuyên có mặt ở nhà thờ, vào mọi lễ. Các bà còn yêu thương hội thánh đến độ không ngại phê bình tính bè phái, rẽ chia của hội thánh mình, ở địa phương. Các bà vẫn muốn Hội thánh ra đi mà tỏ bày tình thương yêu với những ai cần đến Chúa. Đến, tình thương của Ngài. Các bà vẫn chứng tỏ cho hội thánh mình biết cách tuân phục lời Chúa dạy, hôm nay. Chứng tỏ, bằng gương thương yêu giúp đỡ. Tỏ bày, bằng cung cách nhẹ nhàng/thuỳ mị nhưng đạt hiệu quả hơn nam giới.

Trong lễ hôn phối, có lời cầu Chúa chúc phúc cho đôi tân hôn bằng những lời lẽ thiết thực dành cho các bà mẹ tương lại, rất ý nghĩa: “Lạy Cha là Thiên Chúa, Đấng gìn giữ anh/chị trong tình thương yêu tỏ bày cùng nhau để bình an của Đức Kitô sẽ ở mãi với anh/chị hiện diện ngay tại nơi ăn chốn ở của anh/chị. Xin cho con cái của anh/chị chúc phúc anh chị. Cho bạn bè ủi an anh/chị và mọi người sống yên vui hiền hoà với anh/chị. Xin Chúa cho cho anh chị luôn trở thành chứng nhân cho tình yêu của Ngài đến với thế gian, để những người buồn phiền nhận ra được anh/chị là những người bạn rất ngoan hiền, đại độ. Và tất cả sẽ đón chào anh/chị vào với niềm vui của Nước Trời.”

Tham dự Tiệc Lòng Mến hôm nay, cầu mong sao giới lệnh của Chúa sẽ là niềm chúc phúc gửi đến mọi người trong nhà, và hội thánh. Cầu và mong, cho toàn thể dân con Hội thánh biết noi gương các Bà Mẹ được vinh danh trong ngày “Nhớ Ơn Mẹ” năm nay, sẽ thực hiện chúc thư yêu thương với mỗi người. Và, mọi người. Trong/ngoài Hội thánh.

Trong tâm tình ấy, tưởng cũng nên ngâm tiếp lời thơ vương vấn một nhắc nhở:

“Ôi ngơ ngác, một lũ người vong bản,

Mất tinh thần, từ những thuở xa xôi!

Ta về đây, lạ hết các ngươi rồi,

Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống.”

(Đinh Hùng – Bài Ca Man Rợ)

Gọi đó là “Bài Ca Man Rợ”, phải chăng nhà thơ muốn ám chỉ cung cách của người từng nghe biết lời khuyên yêu thương, nhưng vẫn dửng dưng như kẻ mất gốc, rất vong bản? Mất, cả bản gốc yêu thương của người con. Mất, cả tình mặn nồng, chung sống nơi nhà của Chúa. Của chính mình.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

Saturday 14 May 2011

“Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,”

“xin ban ơn, bằng cách sáng thêm lên!”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 14: 1-12

Trăng cao giá, vẫn rất cần sáng thêm lên. Sáng thêm lên, để người người được soi tỏ mà hiểu rõ nỗi niềm huyền nhiệm Đức Chúa là Sự Sáng đích thực, rất hơn trăng.

Trình thuật hôm nay, thánh Gioan viết lên vần thơ/văn nói về “Vầng Trăng Giêsu, Đức-Chúa-của-Sự-Sáng Phục Sinh sáng láng, hơn sao trời. Sở dĩ thánh Gioan viết Tin Mừng theo cung cách rất khác biệt, vì thấy Tin Mừng Nhất Lãm đã diễn tả nhưng chưa làm nổi bật đủ đặc tính thánh thiêng rất Thiên Chúa của Đức Giêsu. Nói cách khác, theo thánh Gioan, Tin Mừng Nhầt Lãm ta đọc vẫn chưa hiện rõ đặc trưng cao giá sáng láng rất Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Với Tin Mừng thánh Gioan viết, Đức Giêsu là Đức Chúa rất “sáng thêm lên”, là bởi: nơi Ngài, vẫn đầy tràn Thánh Thần Chúa với sức sống Phục Sinh.

Qua Phục Sinh, Chúa trở về với Cha, để rồi Ngài sẽ gửi Thánh Thần Ngài đến thực hiện những gì Ngài vẫn làm cho ta, xưa nay. Thánh Thần Chúa, bên tiếng Hy Lạp gọi là “Paraclete”, Đấng Ủi An. Là, Ngôi Ba uy hùng dũng mạnh, luôn cận kề để thánh hoá, khích lệ và tạo nguồn hứng khởi cho mọi người. Paraclete, là Đấng Phù Trợ Ủi An -tác động như vị luật sư biện hộ cho ta ở trước toà- là Đấng luôn gần gũi ở cạnh bên hầu sáng soi mọi bị cáo. Ngài là vị Cố Vấn luôn trợ giúp trấn an những ai đau buồn sầu khổ, hoặc bối rối vì mất đi bạn bè/người thân, cần nhủ khuiyên.

Thật ra, mọi Kitô-hữu ít nhiều đều đã trải nghiệm có Đức Kitô là Đức Chúa Hộ Phù rất Ủi An nơi Tiệc Thánh. Khi cử hành Tiệc Thánh, tất cả đều đã cảm nghiệm rằng Ngài đang thực sự ở với chính mình. Nhờ sự hiện diện hiệp thông của Ngài, người người được Thánh Thần Chúa sáng soi, ban ơn. Thật ra, khi lĩnh nhận Mình Máu Chúa vào lòng, mọi Kitô-hữu đều cảm nhận là chính Thánh Thần Ngài đến với họ.

Hãy liên tưởng trường hợp của chú bé lớp 1 nọ, tung tăng chạy về nhà những tưởng rằng ngày đầu đi học về, thế nào mẹ hiền cũng hân hoan đón tận cửa. Nào ngờ, vào nhà chào hỏi mãi, chẳng thấy mẹ ở đâu. Chẳng ai lên tiếng trả lời bé. Chẳng ai hiện có mặt ở nhà, để bé khoe nhiều điều. Rõ ràng, bé nhận ra là nhà mình nay vắng bóng, hết mọi người. Nhà của bé trống trải cách lạ thường. Trống đến độ, lẽ ra bé chẳng nên về nhà, cứ ở lại trường chắc vui hơn. Hãy tưởng tượng một trường hợp khác, bé ở trường về đã thấy mẹ ở nhà, nhưng mẹ hiền chỉ hỏi han đôi câu cho xong chuyện rồi còn làm việc khác. Đấy, cũng là trường hợp nhà của bé có mẹ hiền luôn hiện diện, nhưng chưa tạo được hiệp thông. Cảm kích.

Hãy tưởng tuợng thêm tình huống khác, qua đó cho thấy bé em học ở trường về đã thấy mẹ đang chờ đón chạy ra đưa bé vào nhà. Và, mẹ hiền đã buông bỏ mọi thứ để ngồi xuống, ở với bé. Nghe bé kể chuyện trường, chuyện của bạn, khen bé ngoan hiền, học giỏi. Rồi lấy nước cho bé uống và cười vui với bé, rất khôn nguôi. Đó mới là hiện diện thật sự. Cứ thế, mẹ và con trao đổi với nhau về nhiều thứ. Về, những chuyện khiến cả hai thích thú, thấy rằng đời mình đã có hiệp thông. Trao đổi. Một hiệp thông linh thánh. Từ đó, ngày nào bé cũng thấy vui. Thấy đẹp trời. Đời bé quả là có ý nghĩa. Thế đó, là ân huệ từ Đức Chúa rất Ủi An đến với bé. Mẹ hiền của bé bỗng nhiên trở nên ân huệ của Thần Khí.

Là, dân con đi Đạo, tín hữu Đức Kitô cũng trải nghiệm tình thân thương đón nhận Thánh Thần Chúa Đấng Ủi An, giống như thế. Chí ít, cũng đã cảm nhận mình được Chúa ban Thần Khí của Ngài từ Đức Giêsu, khi lĩnh nhận Mình và Máu Chúa, qua hiệp thông. Lĩnh và nhận, như hiểu biết theo cung cách tự nhiên đầy năng-tính về những gì xảy ra giữa mình và Chúa. Những gì khiến mình thấy cuộc sống thật đáng sống.

Lĩnh nhận Thánh Thần Chúa Đấng Ủi An, còn có nghĩa như một thực thể đầy khích lệ. Như danh hoạ Van Gogh có lần đã diễn tả về một hiệp thông an ủi trên bản vẽ có bé em chập chững tập biết đi. Đi chưa vững, nên bé cứ lần chần, do dự. Chẳng dám bước mạnh, làm liều. Bước được vài bước, đã thấy cha mình ở không xa, đang mở rộng đôi tay chào đón bé vào lòng. Ảnh hình về tình thân thương của người cha trong tranh vẽ của Van Gogh khác gì tâm tình đầy Ủi An do Thánh Thần Chúa vẫn đón chào đàn con của Chúa.

Lm Gerard Manly Hopkins, một nhà thơ Dòng Tên người Anh, có lần cũng chia sẻ giải thích về Đấng Ủi An rất Paraclete trong thánh lễ. Ông san sẻ bằng ngôn từ thể thao rất “bóng chày crikdt kiểu Anh, như sau:


“Thông thường nhiều người vẫn dịch cụm từ “Paraclete” thành Đấng Dỗ dành, ủi an, nhưng Paraclete đượm ý nghĩa còn hơn cả dỗ dành an ủi nữa. Cụm từ này xuất từ tiếng Hy Lạp. Bên tiếng Anh, chẳng có có ngữ từ nào thích hợp để dịch như thế. Cả bên tiếng La tinh cũng vậy, không từ ngữ nào mang một ý nghĩa tương tự. Dịch là Đấng Dỗ dành/nhủ khuyên, vẫn chưa đủ. “Paraclete” thật ra còn là người dỗ dành, mừng chúc, rất khích lệ. Ngài là Đấng chuyên thuyết phục, cổ võ, khuấy động và cũng thúc giục, gọi mời hết mọi người. Ngài còn như cú thúc mạnh vào hông ta để ra lệnh cho ta vượt về phía trước. Là, tiếng vỗ ra hiệu cho diễn giả bắt đầu hoặc kết thúc. Là, tiếng loa kèn xuất quân trổi giọng với quân binh. “Paraclete”, là tâm tình gửi đến với tâm linh quyết gọi mời người người đến. Là, động thái của Đấng nhủ khuyên ta nên sống tử tế. Là, nhận thức xảy đến với tâm tư của chính tôi, như một sẻ chia, đạt tới đích, hệt như vận động viên cầm cây chày gỗ trong môn “cricket” trước các thanh chắn ngăn bóng trúng đích điểm khiến người cầm chày/gậy đã bắt đầu chạy hai đầu để ghi số lần chạy, trong khi đó mấy người khác cứ đứng đực ra đó hòng đối phó bằng dáng vẻ nghi ngờ, vẫn kêu lên: Ráng lên, Ráng lên! Paraclete vẫn là như thế. Là, như ai đó vẫn chúc mừng tinh thần thể tháo có ra dấu, có kêu lên, người người trong trận đấu đều phấn chấn làm mọi chuyện quyết đạt tới đích, vẫn vừa chạy vừa la lớn: Ráng lên, Ráng lên, chạy phía này!”


Khi đón nhận Mình Máu Chúa, ta như người cầm chày/gậy cùng nhắm bóng với Đức Giêsu. Ngài ban cho ta Thần Khí rất đích thực để làm được việc cần làm và còn hơn nữa. Ngài làm sống lên nơi ta, bằng năng lực của chính Ngài.

Trước mắt, Phụng vụ Hội thánh sẽ mừng kính Chúa Thăng thiên về với Cha, vào tuần tới. Về với Cha, nhưng Ngài vẫn để lại nơi ta Thánh Thần của Ngài, làm Đấng Ủi An vỗ về, ở với ta.
Cũng nên nhớ, là Thánh Thần Chúa không thể đơn phương làm một mình. Ngài sẽ khích lệ ta làm như thế trong quan hệ với mỗi người. Ta đươc giao trọng trách phụ giúp Thánh Thần Ngài bằng cách trở nên một thứ Paraclete với mỗi người.

Đôi lúc, ta cũng nên tự hỏi, là: đời mình, đã có ai được kể là kẻ ủi an, vỗ về và tăng năng lượng cho mình, không? Trong cuộc đời, hỏi rằng: chính mình có từng ủi an vỗ về và tăng năng lượng cho ai khác? Bởi, đây mới là cuộc sống đích thực của tín hữu Đức Kitô. Đây, mới đích thực là hiện thực giới răng mới của Đức Chúa: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.”

Tìm cách vỗ về và ủi an nhau. Trao cho nhau Thần KHí Chúa và năng lượng của Đức Kitô, việc đó mới quan trọng. Dù, mình đang chơi bóng chày cricket với bất cứ ai, cũng đừng nên nói với họ tiếng “Không”, “Hãy ngưng lại”, hoặc “Chờ đấy!” Nhưng hãy bảo: “Ráng lên, Ráng lên! Cứ thế mà chạy vụt về phía trước, sẽ vui luôn.”

Trong tinh thần cổ võ lẫn nhau, cũng nên ngâm tiếp câu thơ còn bỏ dở của thi sĩ họ Hàn, rằng:


“Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,
Xin ban ơn, bằng cách sáng thêm lên.
Ánh thêm lên, cho không gian rất đẫm,
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.”
(Hàn Mặc Tử - Vầng Trăng)


Vầng trăng kia. Ánh sao nọ. Vẫn cứ sáng thêm lên. Sáng, bằng năng lượng Thánh Thần Chúa Phục Sinh vẫn cứ an ủi. Vỗ về. Để, người người được Chúa khuyến khích, sẽ còn sáng mãi, suốt đời mình. Ở muôn nơi.


Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

Friday 6 May 2011

“Trước ngôi cao, con nguyện cầu tha thiết”


Nỗi u hoài, Người có biết Chúa ơi,

siêng đọc kinh đi lễ… bởi một người,

Con trót dại đem hết lòng yêu mến.”

(Dẫn từ thơ Hoài Châu)

Ga 10: 1-10

Siêng đọc kinh đi lễ, sao lại bảo: chỉ bởi một người? Đem hết lòng yêu mến, sao gọi đó là trót dại? Của người con?

Trình thuật thánh Gioan, nay nói về Chúa Chiên Lành, Đấng hết lòng yêu mến, không chỉ mỗi chiên con đang đi lạc, mà cả bầy. Bởi, đó là tình thương yêu tha thiết của Chủ Chăn Tối Cao, Đấng biết rõ chiên con trong ràn, Ngài nuôi dưỡng.

Là chiên con cùng ràn, Hội thánh tuy xuất cùng một nguồn gốc, nhưng lại mang tính đa năng đa dạng buổi đầu đời. Của, thời tiên khởi. Vì đa dạng, nên các nhóm hội/đon thể của Hội thánh không tránh khỏi tính ganh đua, tị nạnh, rất quyết liệt. Về với lịch sử, Đạo Chúa mang nhiều hình thái khá khác biệt. Và, Chúa Chiên Hiền Từ cũng nhân lành để bao gộp tất cả mọi chiên con vào chung một ràn, có tình yêu Ngài chăm sóc.

Một trong các cuộc chiến do người Do thái nổi lên chống lại cường quyền La Mã, đã kéo dài chiến tranh suốt từ năm 66 đến 70 sau công nguyên, phá hủy thành thánh Giêrusalem và Đền Thờ của Chúa. Cho nên các Kitô hữu sống ở thành thánh, cũng thưa dần. Đến một lúc, bị biến mất chỉ để lại Galilê và Syria, dấu vết của tình tiết đấu tranh. Của, tranh giành vai vế, lẫn địa vị. Chỉ mỗi cộng đoàn Phaolô của kiều dân Do thái là còn sống sót. Và, ràn chiên Hội thánh hôm nay là hậu duệ của cộng đoàn này.

Chẳng mấy chốc, sau đó đã xảy đến với cộng đoàn một vấn đề rất mới, là: các thánh nay ngóng chờ Chúa sẽ lại quang lâm lần nữa, rất bất ngờ. Dù, việc này không xảy đến ngay tức khắc, nhưng các thánh cũng đã duy trì được căn tính của cộng đoàn, nhờ tái tạo nguồn nảy sinh tinh thần đoàn kết từ việc đọc Sách thánh viết bằng tiếng Do thái, và theo các giới lệnh, truyện kể có liên quan đến các anh hùng dân tộc. Và, nhờ cộng đoàn Phaolô vẫn nhớ đọc thư từ/bài viết do thánh nhân gửi các cộng đoàn, ở khắp nơi. Và, nảy sinh nhiều nhóm hội, trong đó, có nhiều vị thiên về nhóm theo Do thái. Có nhóm vẫn phụ trợ thánh Phaolô, rất mực. Nên, tính đa dạng càng phát triển mạnh nơi cộng đoàn tin Chúa Chiên Lành, là Đức Giêsu.

Suốt thế kỷ thứ II, kẻ tin vào Đức Kitô gần như biến dạng khỏi xã hội. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ ba, mới thấy một số tín đồ sở hữu đất đai, xây dựng các hang toại đạo để ẩn lánh, và cuối cùng dựng xây nhà thờ/đền thánh thiết lập chốn thánh thiêng cho cộng đoàn thờ tự. Xem như thế, ràn chiên Hội thánh mang tính cách hiệp nhất đích thực và chính tông của Đức Giêsu, đến rất chậm và khá trễ, lúc ấy lại thấy các giải thích về nhà Đạo, cũng đã khác.

Đến giữa thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, cũng lại thấy một vài cuộc bách hại quyết loại trừ các Kitô hữu khỏi hiện trường tín thác. Cho đến năm 313, khi hoàng đế Constantin ra tay nhân nhượng người tín hữu ở phương Đông lẫn phương Tây, cho phép mọi người được tự do lựa chọn tôn giáo nào mình tin tưởng. Từ đó, Kitô giáo đã trở thành một thực thể xã hội đối với quần chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các cung cách dẫn giải niềm tin vào Đức Kitô được Constantin chấp nhận. Mọi qui cách khác đều đi vào chốn “thầm lặng”, rất bí mật. Và vì thế, phần đông đã mất dạng.

Thời kỳ hậu-Constantin, chỉ một đạo giáo mang tính nguyên thuỷ, rất chính cống. Và chỉ mỗi phái nhóm chính tông chính cống này khả dĩ triển khai lời dạy của công nhiên rằng Đức Giêsu Kitô vừa là Chúa, vừa là người. Và, Thiên Chúa rất Ba Ngôi cũng từ lúc đó, được quan niệm. Vào cuối thế kỷ thứ hai, duy chỉ mỗi Đạo nguyên thủy-chính tông mới tồn tại. Số còn lại, đều trở thành “lịch sử”, lùi vào quá khứ.

Người Công giáo, nay biết rất ít hoặc chẳng có ý niệm gì về quá trình lịch sử của Đạo mình. Có vị chỉ có ý tưởng khá mơ hồ về lịch sử, lại đã cho rằng: công cuộc Phục Hưng thời Trung cổ ã khiến Hội thánh thêm rạn nứt. Và, rồi nghĩ rằng: ta thừa hưởng được “lề phải” rất đúng đắn từ các tranh luận về ràn chiên, một Chúa Chiên. Còn mọi giáo phái khác, đều có sai sót. Và, họ cũng cho rằng, Chúa Chiên Lành, là Chủ Chăn, chỉ nhân hậu với đạo giáo rất chính tông là Công giáo mình, mà thôi. Điều này, tưởng cũng nên nghĩ lại.

Quả là, có khá nhiều khác biệt giữa các nhóm/phái giáo hội, ở khắp nơi. Có người tin tưởng là: những khác biệt này có thể được hoá giải. Và, mọi người đều ước ao, nguyện cầu cho tình hợp nhất, và ai cũng đợi chờ ngày ấy mau mau đến. Tuy nhiên, lại vẫn biết rằng mình chẳng biết cách nào để chiên con tản khỏi ràn, về với nhau. Trong khi đó, lại có người cứ coi qua khứ của Đạo mình như mớ bòng bong, luôn rối rắm nhiều phía, rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng lên tâm tưởng của nhiều người vốn sẵn có trong đầu về Đức Giêsu. Ảnh hưởng lên cả những ý tưởng mình vẫn xác tín về Đức Chúa.

Trình thuật hôm nay, cố ý nhấn mạnh rằng: Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành, Chủ Chăn của chiên con thuộc mọi ràn. Tất cả các chiên con/chiên mẹ đều tin tưởng vào Ngài. Và, Ngài tin vào mỗi người, cũng như mọi người, bất kể người ấy thuộc phái/nhóm nào từ đàn chiên. Vì thế nên, nếu ta yêu thương/tự hào vào truyền thống của ta, thì đó là chuyện đương nhiên thôi. Nhưng, cũng nên nhận thức rằng: mọi việc đều có quá trình tạo từ truyền thống rất đa dạng, của ràn chiên.

Ngày nay, có điều gì đó đang diễn tiến đến với ta. Người người chừng hư đang thay đổi tầm nhìn về “Đại kết”. Nói đến “đại kết”, ta thường tưởng tượng rằng: một ngày nào đó, các nhóm/phái “đã sai sót”, sẽ lại hồi hướng trở về với chiên ràn của chúng ta, tức ràn chiên duy nhất, rất đúng đắn. Và rồi, ta cứ thế giữ cao nhuệ khí và lập trường, rất đích thật. Đúng ra, ta nên biết là mọi sự không hẳn như thế. Và nhờ đó, ta học được tính khiêm hạ cần thiết, và biết Đạo mình cũng thu hẹp lại, nhỏ hơn trước. Và như thế, ta mới có cùng tầm nhìn và đánh giá mức độ quan trọng hoặc không quan yếu như phần đông các phái/nhóm “đối lập”, với ta.

Từ đó, ta nhận ra rằng: không chỉ trong quá khứ của riêng mình, mà cả cuộc sống hiện giờ, ta đã trở nên “một” trong mọi người. Ta bắt đầu hiểu ra rằng, ưu tiên cao nhất không phải là tranh giành để có mặt với “nhóm/phái” đạo giáo rất đúng đắn, chính tông. Mà là, sở hữu chỉ một Chúa Chiên Là, mà thôi. Để rồi kết quả, là: ta sẽ quan niệm lại vai trò được gọi làm Kitô hữu của chính ta, hôm nay.

Từ nay, ta nhận ra mình chỉ là nhóm Đạo thuộc thiểu số, rất bé nhỏ, có cuộc sống nội tâm quí báu, đã gây ảnh hưởng lên “thế giới mới” đang có quan niệm rất khác về Đạo của Chúa. Còn về những thái rất tục phàm, đang vây quanh, thì ta cũng biết rằng Đạo mình không là câu giải đáp độc nhất cho lời nguyện cầu của mọi người. Mà, ta chỉ muốn cầu nguyện để mọi người tìm ra câu giải đáp thích đáng cho lời cầu trung thực của họ.

Thành ra, có thể là tương lai mai ngày của thánh hội ràn chiên sẽ không như ta tưởng, hoặc mong muốn. Có thể, ta cũng chẳng có được thời vàng son qua đó đường lối và cung cách hành xử mà Đạo Công giáo ta chủ trương, không khác là mấy lối sối sống thực thụ thời hậu Công đồng Triđentinô. Cũng có thể, là: ta sẽ học được qui cách khác hẳn mà trở thành chiên con hiền từ, cho dù ta không thuộc cùng một ràn với chiên ấy, như vẫn thấy. Và tin rất vui hôm nay, là: Vị Chủ Chăn vẫn không khác. Vẫn cứ là Chúa Chiên rất Lành, y như trước.

Và, nếu mỗi người chúng ta cứ để chiên con bám trụ bằng bốn chân, mà tìm cách sống biệt lập chẳng cần ai, thì sẽ thấy khó mà chăm sóc. Nhưng nếu ẵm bế chiên con bé nhỏ vào lòng cho êm ấm, ta sẽ thấy chiên trở lại yên ổn, rất an bình. Và, từ đó có được nhiều lông chiên, mà xén cạo. Chúa Chiên Lành Hin Từ, cũng biết cách ẵm bế chiên con nào vẫn muốn chạy quanh đòi biệt lập. Biệt và lập, đến mức coi mình duy nhất chính tông, nguyên thuỷ, và ngoan hiền.

Trong tinh thần tự khiêm hạ, cũng nên ngâm tiếp lời thơ của nghệ sĩ còn để dở, mà rằng:

“Từ phương xa, Chúa ơi con tìm đến,

Rất đơn sơ, chỉ ước nguyện gặp Nàng.

Nhìn nụ cười, nhìn ánh mắt mênh mang,

mà yêu thương thêm muôn ngàn tha thiết.”

(Hoài Châu – Nguyện Cầu)

Bằng nguyện cầu, nhà thơ những muốn gặp nàng tiên của mình, để trao ban niềm yêu tha thiết. Nhưng, “nàng tiên” hôm nay, “chiên con” hiền lành, của đất trời ngoan hiền, đã ly biệt vì nhiều lẽ. Ly và biệt, vì đàn chiên nhỏ chỉ muốn sống biệt lập, rất cách ngăn. Ly và biệt, bởi chiên ràn vẫn mang nơi mình tinh thần khuynh loát, coi thường mọi chiên khác, nên khó tụ. Nhà thơ hay nhà Đạo, nay cũng nên xem lại mà qui tụ ràn mình về với Chúa Chiên rất Nhân Hiền, mà đại kết. Sẽ rất đẹp một kết cục, với mọi ràn chiên của Đức Kitô, luôn kêu gọi mọi người, ra như thế.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch