Saturday 30 April 2016

“Mai sáng mai, trời cao rộng quá,”



Suy Tư Tin Mừng Lễ Chúa Về Trời năm C 01/5/2016

                                                 Tin Mừng: (Lc 24: 46-53)

Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói:

"Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.


“Mai sáng mai, trời cao rộng quá,”
           Gió căng hơi, và nhạc lên mây.
                                                          Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm,
                                                           Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)


            Xuân, nhạc và gió mai sáng mai, toàn những biểu-tưởng diễn-tả biến-cố Chúa về trời. Chúa về trời, đâu nào giống “nhạc lên mây”.
Chúa về trời, là Ngài về với Cha, với Thiên Chúa. Như đã thấy trong phụng vụ thánh lễ, hôm nay. Về trời, thoạt nhìn ta cứ tưởng như có một nghịch lý nào đó, về thời gian, giữa sách Công vụ và Tin Mừng của cùng một tác giả, là thánh Luca. Tin Mừng, nay thuật lại biến cố xảy đến với các tông đồ tại phòng họp, ở trên cao.
Sự kiện này xảy đến, chỉ khi hai môn đệ đi Emmaus về đến. Đó là Chủ nhật Chúa Sống lại, khi môn đệ tập họp ở Bêthania, một làng nhỏ ngoài Yêrusalem. Cũng từ giây phút này, Chúa được cất nhắc về trời. Phải chăng, như vậy là, việc Chúa Thăng Thiên xảy đến vào Chủ nhật, ngày Chúa Sống lại ư?
            Mặt khác, điều mà thánh sử Luca mô tả ở sách Công Vụ, là sự kiện Đức Giêsu tỏ lộ cho thấy: Ngài vẫn hoạt động như người Thầy Chí Thánh ở giữa các tông đồ, sau khổ nạn. Theo Kinh thánh, suốt 40 ngày ròng, Đức Chúa tiếp tục hiện diện ở với các tông đồ, là để rao giảng về Nước Trời.
Và, cũng theo Kinh Sách, sáu tuần lễ sau ngày Ngài Sống Lại, Chúa mới về cùng Cha. Như thế, có vấn nạn hỏi rằng: trình thuật nào mới thực chính xác?
            Ở đây, có lẽ ta cũng nên qui chiếu về mầu nhiệm thăng thiên về với Cha qua sự kiện diễn ra trong ngày Thứ Sáu Thánh, Chúa chịu nạn. Tin Mừng hôm ấy, Cha có nói:”Thầy sẽ được cất nhắc lên cao, và Thầy sẽ đem theo mọi thứ, theo với Thầy.” 
Cụm từ “cất nhắc lên cao” ở đây, có thể hiểu cùng một kiểu như “cất nhắc lên” thập tự. Hoặc, “nâng nhấc” về với cuộc sống mới  với vinh quang của Cha. Bởi lẽ, cũng từ trên cao nơi thập tự ấy, lúc Ngài bỏ mình, Chúa quay về phía kẻ trộm “rày tử tế” và nói với anh: “Hôm nay, anh sẽ cùng Tôi về chốn Thiên cung.” (Lc 23: 43)
            Có lẽ, ta cũng chẳng nên bận tâm thắc mắc mà làm gì, về sự khác biệt giữa hai trình thuật, ở Tân Ước. Bởi, sứ điệp quan trọng mà thánh sử Luca muốn gửi đến người đọc, chỉ mỗi là: hãy cẩn thận khi đọc và chú giải các trình thuật trong Kinh thánh, nhất thứ sau ngày Chúa Sống Lại.
Đọc kinh thánh, không nên hiểu từng chữ, rất nghĩa đen. Cũng đừng nên giống các vị cao niên không bỏ được tâm trạng “nệ cổ” khi dạy giáo lý/sách phần, hay vướng mắc. Điều quan trọng, không phải là những gì đã viết trong Sách thánh; mà là: hãy tìm ra ý nghĩa đậm sâu nơi mặc khải Chúa muốn ta biết và hiểu.
            Vấn đề hôm nay, là: ta áp dụng thế nào ý niệm của sự kiện “Về với Cha”, cho cuộc sống của chính mình?  Về với Cha, không nên hiểu theo nghĩa rất đen và từng chữ, như bay bổng lâng lâng nơi không gian cao vút ấy.
Bằng không, người người sẽ hỏi: cao cỡ nào? Mấy tầng mây, đây? Thăng thiên về trời, có là vinh thăng chốn thiên đình, ở đâu đó? Ở bên trên vùng trời cao thấp, đất Giêrusalem? Và, thiên đường là ở nơi nào? Sao các phi hành gia tìm mãi, mà không thấy?
            Nói tóm lại, toàn bộ Mầu nhiệm Vượt Qua, Thương Khó, Nỗi chết của Đức Kitô mà mầu nhiệm Phục sinh quang vinh, cũng như Thăng Thiên và Hiện Xuống, đều tạo một thực tế ta không thể nào khám phá bằng thời gian và không gian, được. Nhưng, ta chỉ hiểu được các huyền nhiệm ấy bằng niềm tin và thương yêu, mà thôi.
            Vào Thứ Sáu Thánh Chúa Chịu Nạn, ta bảo Đức Giê-su thực sự đã chết. Và, vào Lễ Phục Sinh ta còn nói: Ngài vẫn sống đó rất vinh quang, thì Lễ Chúa Về Trời, ta còn phải thêm: Đức Giêsu-Phục-Sinh-hiện-vẫn-sống, Ngài đang ở với Cha, trong vinh hiển. Ở đây cũng thế, nếu không có niềm tin và yêu, ta sẽ chẳng hiểu được sự kiện Thăng Thiên
            Ở nhà Đạo hôm nay, người người đều hiểu rằng: Đức Giêsu khi Ngài giã từ con dân đồ đệ ở khắp nơi chấm dứt tình trạng mang nặng hình hài thể xác, thì Ngài kỳ vọng mọi người sẽ thực hiện sứ vụ Ngài giao ban. Sứ vụ ấy, chẳng nặng nhọc gì cho cam. Cũng chỉ là: làm những việc Ngài đã từng làm. Làm cho người em bé bỏng chốn nghèo hèn, cùng khốn. Có thực hiện được sứ vụ như thế, mới thấy và mới hiểu được mầu nhiệm thăng thiên về trời mà Ngài nhất quyết. 
Tuy nhiên, điều trước tiên Chúa muốn đồ đệ của Ngài làm, là: hãy về lại với Giêrusalem. Lưu lại ở đó chờ ngày Thánh Thần Chúa hiện đến với mọi người. Ngày đó, là ngày mà mọi người sẽ được thanh tẩy bằng Thần Khí. Ngày, mà dân con đồ đệ của Đức Chúa được giao cho trọng trách thực thi sứ vụ nối tiếp công việc của Chúa, rất cấp bách.
            Như Chúa từng khẳng định: vào những ngày như hôm nay, dân con đồ đệ Chúa hiểu biết rất ít về sứ vụ Ngài từng bộc lộ. Và, có làm thế, mới chứng tỏ được niềm tin-yêu, ta có với Ngài. Có lẽ cũng vì lý do đó, mà dân con đồ đệ Ngài khi trước vẫn cứ hỏi: “Thưa Thầy, có phải nay là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?
Hỏi như thế, khác nào bảo: ở gần Thầy đến như thế, mà sao các thánh vẫn còn ôm ấp giấc mộng thời ban đầu? Giấc mộng, là ảo vọng về một quốc gia nào đó, rất không tưởng. Trớ trêu thay, câu trả lời vẫn cứ là: đúng đấy. Nhưng, đúng ở đây, vẫn không phải như ý của Chúa, hằng cho biết.
            Bởi, sau khi lãnh nhận Thần Khí Chúa, các thánh đều đã trở nên môn đệ mang tính rất “người”. Cũng hăng say không kém. Vẫn quyết tâm khởi sự thực hiện Vương Quốc Nước Trời, không chỉ cho người Do Thái hoặc ở Giêrusalem hay Giuđêa mà thôi.
Nhưng, cả vào thời kết tận của trái đất. Không ràng buộc bằng thời gian hoặc không gian. Còn gì đẹp bằng, tình trạng dân con đồ đệ của Chúa nay thấy được Vương Quốc Nước Trời, đã thể hiện. Ở đây. Bây giờ.
             Đó là sứ vụ của mọi người. Những người mang danh Kitô-khác. Tức, những vị đang quyết tâm thực thi điều Chúa dạy, là: dựng xây Nước Trời ở trần gian, bằng việc yêu thương có hy sinh. Yêu và thương, như Thầy đã yêu thương mình.
Chứ không còn đứng đó mà nhìn như ở sách Công vụ: “Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn về phía người ra đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng cạnh, và nói: Hỡi các bạn người Galilê, sao còn đứng trân trân đó mà nhìn trời? Đức Giê-su đây, Đấng vừa rời các bạn và được cất về với Thiên Chúa là Cha, sẽ lại đến cũng một kiểu như các bạn thấy đó, Ngài ra đi.” (CV 1: 10-11).
Ngài về với Cha, việc còn lại cho ta sẽ chẳng là “đứng đó mà nhìn trời” chiêm ngắm cảnh Ngài ra đi. Nhưng, hãy về với Giêrusalem, tức với thực tế cuộc đời, để thực hiện Lời Ngài căn dặn. Và, khi đã thực hiện Lời rồi, chắc chắn Nước Trời sẽ đến với mọi người. Với dân con đồ đệ của Chúa, nơi nhà Đạo. Và ở cả bên ngoài, nữa.

Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá lược dịch.

Saturday 23 April 2016

“Em gọi tên Người, gọi khàn hơi,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Sáu Phục Sinh năm C 24/4/2016

                    Tin Mừng: (Ga 14: 23-29)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:
Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

“Em gọi tên Người, gọi khàn hơi,”
Dư-âm dội, tâm nhói rã-rời.
                                                        Khuya đã tàn dần, bình-minh đến,
                                                         Hồn-nhiên lại hẹn, chẳng giữ lời.
                                                          Để em hoài-vọng một niềm vui.”
(dẫn từ thơ Niệm Nhiên)

Gọi mãi tên Người, em gọi khàn cả hơi. Gọi từ khuya-khoắt tàn dần, chợt bình-minh đến. Gọi hồn-nhiên tên Người, để em về hoài-vọng một niềm vui. Niềm vui hứa tặng, nay Ngài giữ. Giữ trọn Lời, trình-thuật ghi rõ đến hôm nay.
Trình-thuật hôm nay, thánh Gioan-Tin-Mừng nói: Ngài giữ Lời. Ngài giữ lời Ngài đã hứa với hết mọi người. Với, cả đồ-đệ lẫn dân con nhà Đạo ở khắp nơi. Lời hứa ấy thánh-nhân ghi thế này: “Ai yêu mến Thày, thì sẽ giữ Lời Thày. Và, Cha Thày sẽ yêu mến người ấy. Và Cha Thày sẽ ở lại với người ấy.” (Ga 14: 23).
Lâu nay, người đời quan-niệm rằng: Yêu-thương không là cảm-xúc nhè nhẹ, chóng qua; nhưng là động-thái đích-thực xuất-phát từ tâm can con người, chẳng làm sao có thể thương được người nếu không thực-sự biết yêu. Trong ca nhạc kịch “My Fair Lady”, Eliza Doolittle có nói với Giáo-sư Higgins, là: “Chớ nói nhiều về tình-yêu, nhưng hãy xác-chứng.” Và, ai trong chúng ta cũng có thể bắt đầu tiến-trình yêu-đương ngay bây giờ. Đừng để người khác bắt đầu trước.
Với Đức Kitô, tình yêu thương Ngài đề cập, chính là động thái “yêu”. Yêu là tình hoàn chỉnh được thể hiện bằng việc “tuân giữ Lời”. Lời Ngài khuyên, không chỉ giới hạn nơi những ta gọi là “Mười điều răn” hoặc vào “tín lý” của Đạo. Các hành xử mang tính linh đạo ta có xưa nay, dù bao gộp rất nhiều điều, đã chắc gì do “yêu”, mà ra. Yêu là tuân giữ “Lời” của Chúa. Yêu, bao gồm trọn vẹn những gì ta hiểu về Ngài, qua Kinh Thánh.
Lời của Chúa. Việc Ngài làm. Tương quan Ngài vẫn có với con người ở trần gian, nhất nhất đều là “Lời”. Lời, cũng là nguyên tắc Ngài sống. Lời, là giá trị Ngài ban bố; là cách xử sự Ngài thường làm gương. Nhưng, trên hết mọi sự, đó là điều cốt thiết để kiến tạo Vương quốc của Ngài, ở trần gian.Đức Kitô chính là “Lời” của Chúa, bằng xương bằng thịt. Lời Ngài, không chỉ là những gì được biểu lộ ra bên ngoài từ miệng Ngài, mà thôi.
Nhưng, “Lời” Ngài xuất trọn từ cuộc sống của Ngài. Cuộc sống ấy, khởi đầu từ giây phút Hài Nhi Giê-su nằm lạnh run nơi chuồng bò rất hôi ở căn nhà làng Bét-lê-hem. Và, cuộc sống ấy ngang qua chặng đường rao giảng Nước Trời; kéo dài mãi cho đến phút giây tận cùng Ngài, bỏ mình trên thập tự.
Tuân giữ “Lời”, là ôm trọn lấy Ngài, cả khi vui cũng như lúc buồn. Tuân giữ Lời, là đồng hóa với Chúa, biến Lời thành hiện thực trong bối cảnh rất riêng, của đời mình. Có thể nói: “Lời” của Ngài đến với ta từ những hành xử, cùng kinh nghiệm ta có với cộng đồng thân thương, người nhà. Ở nơi đó, Đức Chúa vẫn cứ phán. Từ nơi đây, Chúa vẫn bày tỏ với ta, từng người một.
Chính, ngang qua cộng đồng thân thương nhà Đạo; cộng đồng, với mọi lỗi lầm sơ xuất, luôn xảy đến với rất nhiều lầm lỡ, mà Thần Linh Chúa đang tiếp tục nói. Ngài vẫn tiếp tục soi tỏ cho ta. Ngài soi sáng như đã từng tỏ bày ra với đồ đệ Đức Kitô, thời tiên khởi. Thần Linh Chúa soi sáng và tỏ bày không chỉ qua các vị Giáo hoàng, hàng giáo phẩm hoặc giới giáo sĩ, tu sĩ mà thôi; nhưng qua mỗi người và mọi người.
Bởi, tất cả đều là thân mình của Đức Kitô. Tất cả, từ già đến trẻ, nam nữ có học hay đã bỏ học, bạn bè hoặc kẻ thù nghịch. Không ngoại trừ một ai. Tất cả cần tuân giữ Lời. Cần nghe theo Lời.
Ngày nay, các đấng vị vọng thuộc cộng đồng dân Chúa được thôi thúc hãy biết nghe nhau. Nghe nhau, là lắng tai để ý đến toàn cộng đoàn dân Ngài. Hiến Chế Tông Đồ Giáo Dân, thời Công Đồng Vatican II, có đoạn 10, đã phán quyết: các tầng lớp giáo dân phải “triển khai thói quen đưa mọi vấn đề ra trước cộng đoàn giáo hội. Từ những vấn đề có tính cách riêng tư cá nhân, đến các vấn đề của thế giới và cả những vấn nạn về ơn cứu chuộc con người nữa, để rồi ta cùng nhau tìm hiểu và giải quyết chúng bằng các buổi thương thảo thường kỳ.”
Tuân giữ Lời, là cùng nhau ta thực hiện những việc chung, mà Ngài ủy thác cho hội thánh, ngay từ đầu. Cả những tập tục như: “cắt bì”, ăn đồ dâng cúng ngẫu tượng, kiêng thịt động vật không cắt tiết, tránh gian dâm, tránh đối kháng với các đổi thay như đã đề cập trong sách công vụ tông đồ, đọc hôm nay. Tuân giữ Lời, còn phải hiểu là các quyết định của Hội thánh “vốn được Thần Linh Chúa soi tỏ” có sự đồng thuận của mọi thành viên, là chúng ta. Là Hội rất thánh.
Tuân giữ Lời, còn vì Lời Ngài là Lời ta nghe được từ Đức Kitô. Thầy chính “từ Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”mà ra (Yn 14: 24). Và, tuân giữ Lời Thầy, là bởi vì: “Đấng Bầu Chữa là Thánh Thần, Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Chính Ngài sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ nhắc anh em nhớ mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Yn 14: 26). Và, dựa vào những gì đã và đang xảy đến với Hội thánh, quả nhiên Thánh Thần Chúa vẫn đang dạy ta biết tuân giữ Lời, thời đại này.
Và, vì Thánh Thần Chúa vẫn nói qua Hội thánh, nên rất nhiều thành viên trong cộng đồng dân Chúa, đã sống kinh nghiệm. Kinh nghiệm, biết thân thiện cởi mở để có đổi thay. Thay đổi tự căn bản, ngõ hầu sự thật và việc tuân giữ Lời trong thực tế, đều đi vào hiện thực. Và, thánh Phaolô cũng đã cảnh báo dân con cộng đồng nhà Đạo chớ có theo “đường xưa lối cũ” trở về với tập tục “cắt bì”, như thánh nhân đã có thư cho cộng đoàn (Ga 5: 1-6).
Hội thánh hôm nay, nhiều người vẫn muốn quay ngược kim đồng hồ, trở về với lề lối thói tục, thời đã qua bằng cách áp-dụng nhiều tập-tục cổ xưa. Áp đặt luật lệ trên người khác, như: trở về với thánh lễ bằng tiếng La tinh, là một ví dụ. Nếu cứ tiếp tục như thế, những người ấy sẽ tra tay dẫn dắt hội thánh về cuối đường hầm, không lối thoát. Thực tế, Hội thánh trước tiên là cỗ xe, một phương tiên qua đó các kinh nghiệm về tình thương yêu của Chúa được dàn trải dài rộng, cho toàn thế giới.
Hội thánh sống trung thực với Thánh Thần Chúa, phải tuân giữ Lời Thầy. Biết mở ra với thế giới bên ngoài. Bởi, như nhà thần học nọ từng nói: thế giới nay “đang viết lịch trình giùm Hội thánh.” Thành thử ra, biết lắng nghe tình cảnh của những người không-phải-là-Do thái vừa mới trở lại, Hội thánh nay nhận ra, rằng: Thánh Thần Chúa đang dẫn dắt mình qua nhiều giai đoạn.
Và, một khi Hội thánh trở nên một xã hội đóng kín, ưu việt và riêng lẻ, có những phán đoán không thể đảo ngược được và chỉ muốn ngồi trên số phần còn lại của thế giới, thôi; thì lúc ấy, Hội thánh không còn là Giáo hội do Đức Kitô thiết lập, nữa. Tức, không nghe và không giữ Lời Ngài.
Cùng nhau và từng người một, ta cần đề cao cảnh tỉnh về đường lối tuyệt vời qua đó Chúa sẽ đến với ta, vào thời buổi này. Mỗi ngày, chỉ tặng Chúa một chút thời gian và chỉ cần chịu ngồi lại thêm vài khoảnh khắc nữa, ta sẽ cảm nghiệm được khát vọng to lớn mà chia sẻ tình thương yêu xuất từ bên trong ta, đạt đến Chúa
Từ đó, tình thương sẽ bắt đầu từ chính ta, ra với người ngoài. Thật sự, Chúa vẫn muốn san sẻ với ta nhiều hơn nữa. San sẻ những gì Ngài có. San sẻ, những gì đích thực là Ngài. Và, vấn đề là: phần đông chúng ta ít có khi trao tặng Ngài dù chỉ một cơ hội, ngắn và gọn nhỏ. Xét cho cùng, yêu thương không là một động từ. Mà, đó là con đường ta vẫn chọn con đường hai chiều, dành sẵn với hành trang, để ta đi. Con đường rao truyền Lời của Chúa, có yêu thương đùm bọc rất kiên-cường.
Thực tế tuân giữ Lời hoặc “yêu mến Thầy”, vẫn là kinh nghiệm sống rất bổng trầm theo thời tiết “sáng nắng chiều mưa, trưa ủ giời”. Có những ngày, ta nghĩ mình không thể ngồi lại với Ngài thêm được khoảnh khắc nào, nữa. Vì, đang bị ràng buộc bởi nhiều thứ “công chuyện” rất bận. Dù gì đi nữa, Thầy vẫn ở lại với ta. Và, Thầy vẫn giữ Lời.
Vấn đề còn lại, là: ta sẽ đối xử ra sao với Người yêu dấu đã từng hứa. Và từng giữ Lời

Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá lược dịch.

Saturday 16 April 2016

“Tình nhân-thế chua cay, người lịch-duyệt,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Năm Phục Sinh năm C 24/4/2016

                             Tin Mừng: (Ga 13: 31-35)
Đức Giêsu nói: "Giờ đây, Con Người được tôn-vinh, và Thiên-Chúa cũng được tôn-vinh nơi Ngài. Nếu Thiên-Chúa được tôn-vinh nơi Ngài, thì Thiên-Chúa cũng sẽ tôn-vinh Ngài nơi chính mình, và Thiên-Chúa sắp tôn vinh Người.

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái:

"Nơi tôi đi, các người không thể đến được", bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."

                                     “Tình nhân-thế chua cay, người lịch-duyệt,”
                                                            “Niềm giang-hồ tan-tác lệ Giang-Châu.”
                                                                 (Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Tình nhân-thế, con người ra như thế. Vẫn chua cay, giang-hồ, tan-tác đầy những lệ. Tình nhà Đạo, xưa nay vẫn khác. Khác, vì có lời dạy nhân-gian nay đằm thắm. 

Trình thuật hôm nay, thánh Gioan Tin Mừng lại cũng nói về thứ tình-yêu rất đặc biệt. Thứ tình trọn đầy ý-nghĩa mà Đức Chúa đã làm gương. Tình Chúa nêu gương, là tình Ngài bày tỏ không chỉ riêng tư, mà là tình người dưới thế, ta luôn có với nhau. Tình Thầy luôn yêu, là tình đượm sắc mầu thương mến, rất hy sinh. Thầy hy sinh cho tất cả. Hy sinh đến chết. Hy sinh để ta được sống. Để ta cứ yêu. Yêu như Thầy vẫn hy sinh.

Ngôn ngữ phàm trần, không thấy có cụm từ nào được người đời biết đến, nhiều bằng từ ngữ “yêu”. Yêu, là phạm trù phổ biến dễ truy cập nhất. Một đề tài nói đến cả trong mọi trường hợp, mọi địa hạt: từ nghệ thuật đến văn chương, thi tứ, tthơ nhạc, cho đến phim ảnh văn xuôi, truyện ngắn. Nhất nhất, nói về tình yêu. Tình yêu có chữ “hy sinh” ở đời, là tình ta nghe biết nhiều nhất.

Với đời thường, tình yêu là cảm xúc ướt át, diễm lệ mọi người quanh ta, hằng đeo đuổi. Đeo và đuổi cho đến khi nào không thể làm gì hơn được nữa, mới thôi. Yêu, theo nghĩa dân gian người phàm, là tình thấy đầy nơi phố chợ thể đằm thắm lúc ban đầu. Nhưng, nhạt dần với tháng năm. Tình nào không kèm chữ “hy sinh”, chung cuộc rồi ra cũng sẽ chán, khi vừa xuất hiện đối tượng mới, tươi trẻ, hấp dẫn và tràn đầy nhựa sống hơn.

Tình đời mau chán, bởi người người chỉ chú trọng đến xác thân hoặc dục tính. Tình đời loại này, thường dẫn đến điểm thoát rất nhanh, nơi đọan cuối của đường hầm, nhiều tăm tối. Tình như thế, tuyệt nhiên là tình không mang dáng vẻ “hy sinh”, nào hết.   

Tình “có hy sinh”, là mối tình được thể hiện bằng hành động, chứ không phải bằng lời. Tình đó là tình được dặn dò khuyên nhủ, như một lệnh truyền ngày Chúa chia tay giã từ. Lệnh truyền Chúa nơi tình có hy sinh vẫn được nhấn mạnh rất nhiều lần; vì Ngài vẫn thường bảo: “với dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Yn 13: 35)

Làm người, ai cũng từng hơn một lần, đã biết yêu. Là môn đệ của Thầy, người người lại càng phải biết yêu thương nhau nồng nàn hơn nữa. Yêu, say đắm hơn bao giờ hết. Yêu, như Thầy vẫn thương chúng ta. Yêu thương nhau, là thứ tình thực tiễn được đánh giá qua cách thức ta đối xử với nhau. Xử sự với nhau, thật hiền hòa, thật tử tế. Ta đối xử với nhau thật kiên nhẫn, chịu đựng.

Tình ta thương nhau, là tình của những người đồ đệ theo chân Chúa. Đó là tình không kiêu sa. Cũng chẳng mượt mà, trau chuốt đánh bóng chính người mình. Tình ta thương nhau, như tình Chúa yêu ta là tình không dày đạp người khác. Dày vùi và đạp lên đó để mọi người nhìn mình cho rõ, như người hùng anh cần được yêu, phải được tôn kính. Tình ta thương nhau, là cùng vui với người vui. Cùng khóc với người đang khóc. Cùng đạt ước nguyện tạo niềm vui cho nhau. Tình ta thương nhau, là biết thương tiếc khóc than vì người khác đã mất mát, khổ đau.

Yêu thương nhau như tình Thầy yêu ta, là biết nói lên sự thật. Với lòng xót thương không bến bờ.Yêu thương nhau như Thầy yêu ta, là yêu thương đấy, vẫn yêu trong hy sinh tha thứ cho người mình thương yêu. Thương yêu rất mực tin tưởng vào người mình yêu thương. Yêu trong kiên định, cả vào những giây phút gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Yêu, cả vào lúc thấy có khổ đau. Những lúc đang trầm mình dưới bùn đen, ở dưới thấp. Yêu như thế, mới giống tình Chúa yêu thương mọi người, không xét nét.


Tình có hy sinh là chấp nhận thua thiệt, để người kia được lợi. Yêu trong hy sinh, là biết tự kiềm chế mọi đam mê, dục vọng. Yêu rất hy sinh, là như thể đang chết dần chết mòn cho những cảm xúc vênh vang, kiêu hãnh. Yêu trong hy sinh, là chết đi cho chính mình. Chết cho con người mình. Chết, không phải về thể xác. Mà, chết cho nhu cầu xác thân, tạm bợ. Dù, nhu cầu ấy vẫn  chính đáng, vẫn rất cần.

Yêu trong hy sinh, càng không phải là yêu với mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm thâm trầm, vì đã làm điều bất ưng và bất xứng, nay muốn tự hủy. Tự hủy, bằng tâm trạng âm thầm, khúm núm, cúi đầu sợ sệt. Yêu trong hy sinh, càng không phải là những khuyên răn, khích lệ bạn bè người thân hãy có cùng tâm trạng hủy diệt, vùi dập thân xác như mình. Nói khác đi, tình “có hy sinh”, là quà tặng Chúa ban nhưng-không gửi đến để người người chấp nhận một chọn lựa. Chấp nhận cơ hội vinh thăng cho tình yêu ta đang có, ngày càng tốt đẹp hơn.  

Với dặn dò đàn con biết tỏ bày tình có hy sinh, Đức Chúa đã nêu gương để ta cũng có cử chỉ tự hạ làm người thấp hèn. Ngài tự giáng hạ vào chốn nghèo hèn, để Thiên Chúa là Cha sẽ nâng Ngài lên nơi vinh hiển. Noi gương Chúa, ta cũng tự hạ chính mình nhịn nhường mọi vinh hoa, phú quý sang qua người khác. Nhường nhau, để tạo cuộc sống mới dồi dào sức sống.   

Tự hạ, nhưng không tự hủy. Tự hạ, không có nghĩa dứt bỏ phẩm giá con người rất vinh quang. Vinh quang, vì mang thân phận làm con dân Đức Chúa. Tự hạ, là tự giảm chính mình xuống mức thấp hơn người khác. Tự đặt mình ở mức thấp, để người khác được nổi bật hơn, hạnh phúc hơn mình. Thực tế, trong sống đời dân gian trầm hạ, cũng nên tìm ra phương cách hoặc động thái khả dĩ giúp ta cởi thoát những hành vi không mang đặc thù của người con yêu Đức Chúa. Cởi thoát, là tự mình không đòi ở chỗ cao, trên người khác. Hoặc, người khác phải cảm nhận công sức mình, đã bỏ ra. Cởi thoát, là không đòi cho được quyền ra lệnh người khác thực hành ý kiến của mình. 

Tham dự tiệc thương yêu hôm nay, ta cầu mong Thầy Chí Thánh giúp ta yêu thương mọi người như một nhân vị, chứ không như sự vật. Cầu mong sao, ta tạo được cho mình và mọi người những tình tự “có hy sinh” đưa ta vào cuộc sống rất vui. Sống can đảm, để giải quyết mọi bất đồng trong tương quan với mọi người chung quanh.

Cầu và mong, tình của ta luôn là tình “có hy sinh” như Đức Chúa từng dạy bảo. Và cầu mong sao, trong yêu thương giao dịch, tình của ta với người, vẫn là tình hy sinh ở mức cao độ, như Thầy thương ta. 

Và, cũng cầu lại cũng mong sao cho tình nhân-thế có con người vẫn luôn sống theo lời dặn-dò của Đấng Nhân-Hiền từng minh-chứng bằng cuộc sống của Ngài. Sống chung-tình, nhiều thương-mến, rất ngàn năm. 

Lm Richard Leonard sj biên-soạn
Mai Tá lược dịch