Monday 29 September 2008

“Thư về em, tím nét thương đau”

Mai mốt rồi đây lầm cát bụi

Anh lại đuờng xa trải kiếp người

Tim tím rừng chiều, tim tím núi

Chiều hôm nhiều tím, thế em ơi!

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mt 21: 33-43

Thư tím, chiều tím, đời cũng tím. Mầu tím chiều hôm, mà nhà thơ diễn tả, nay trải dài khắp muôn nơi. Nơi nhà Đạo thì không thế. Nhà Đạo, không nói mầu tím nét thương đau của riêng ai. Nhưng, vẫn mời gọi mọi người vào vườn nho, có Chúa. Có anh em. Mời đi vào trình thuật, có dụ ngôn mới.

Dụ ngôn hôm nay, thánh sử Mát-thêu diễn bày về “vườn nho nhà Chúa”. Dụ ngôn mới, là câu truyện đầy ý nghĩa bóng bảy, nhằm đưa ra một bài học gửi đến hết mọi người. Mỗi chi tiết dụ ngôn, đều mang ý nghĩa của hình tượng, rất tế nhị. Đượm nhiều nét thông điệp. Có liên quan đến con dân/tá điền, người của Chúa.

Về hình tượng dụ ngôn, ta không nên ngồi đó phẩm-bình hiện-trạng, của nhiều người. Như, trong quá khứ. Nghe dụ ngôn, hãy nên suy tư nghiền ngẫm, hiểu cho kỹ. Hiểu kỹ, ngõ hầu áp dụng cho đời mình. Mỗi người. Vì thế, đừng nghe đọc dụ ngôn với tâm tình tra cứu nguồn gốc, cốt truyện. Đúng hơn, hãy suy nghĩ về cuộc sống. Của mỗi người. Về phong thái hành xử, với tha nhân.

Bài đọc hôm nay, nói nhiều đến truyện của vườn nho. Ở nơi đó, dân con Đức Chúa vẫn thường gặp đủ mọi người. Những người Chúa chọn làm dân riêng, của Ngài. Những người lâu nay đồng hành với Chúa ở sa mạc cuộc đời. Có gian lao, kham khổ. Nhưng cuối cùng, cũng kết thúc nơi “đất miền đầy sữa và mật ong.” Sung mãn. Cật lực. Cật lực đến độ vẫn bắt gặp nơi Lời Chúa, một câu hỏi: “Ở vườn nho của tôi, nào có điều gì cần làm thêm, mà tôi đã không làm?” (Is 5: 4)

Bài đọc 1, chừng như là hồi đáp của dân con/tá điền còn xa với kỳ vọng của gia chủ. Chủ nhân ông, như muốn bảo: “Tôi những mong hoa trái tốt lành, sao nó sinh nho dại?” (Is 5: 4b). Trình thuật hôm nay, cũng thấy xảy ra tình huống tương tự:“chủ vườn sai đầy tớ đến gặp các tá điền, để thu hoa lợi”. Nhưng, tá điền cứ bắt bớ tớ/thầy của ông, đem giết đi. Chủ vườn đành sai phái tiên tri cùng người thân đến với họ, nhưng bị chối từ. Họ vẫn không thuần phục. Không sinh hoa, kết trái.

Chủ vườn gửi con ruột mình đến, với hy vọng dân con kính nể con ruột của mình. Nhưng, cả đến con một của ông cũng bị quăng khỏi vườn, và bị giết. Giết, để bịt miệng. Giết, để tiếm đoạt gia tài. Điều này, nhắc người nghe gợi nhớ truyện Cựu Ước, khi tiên tổ loài người những chỉ muốn tiếm đoạt quyền uy của Đấng Trên Cao. Và, truyện dân con quyết xây mộng dựng tháp, đụng “mây trời”. Giết con ruột của chủ vườn, và “quăng bên ngoài…”, là ám chỉ Chúa sẽ phải chết, ngoài thành thánh. Trên thập tự.

Áp dụng vào thực tế, có thể ví dân con/tá điền, là chính ta. Những người con của Chúa, thời đương đại. Chủ vườn nho, những mong dân con/tá điền sinh hoa kết trái, để tồn tại. Còn lại, là câu hỏi cho ta: Nào có ai, khác biệt hơn tá điền/dân con thời của Chúa? Bản thân, ta hơn gì đám thượng tế/ kinh sư, cùng luật sĩ với Pha-ri-sêu? Nhờ thanh tẩy, ta cũng là dân tuyển chọn, được mời gọi kịp đến làm việc, trong vườn nho Hội thánh. Mỗi tuần, ta còn được gọi mời quây quần với tụ tập, hầu đón nhận thông điệp ở Phúc Âm. Mời gọi thế, để ta làm thành viên năng động nơi cộng đoàn tình thương, Thân Mình Chúa. Tức, cộng đoàn Hội thánh, vẫn chờ đợi.

Mời gọi - đợi chờ, còn là đặc sủng và ân phúc rất riêng. Tuyệt nhiên, không là gánh nặng, hoặc cho bất cứ người nào. Vấn đề đặt ra, là: nhận thông điệp Chúa gửi, ta sử dụng phương án nào, để giải quyết?

Ở các thế kỷ trước, nhiều tiên tri/ngôn sứ ở cộng đoàn Hội thánh, cũng bị khước từ, chối bỏ, kể cả bị giết đi. Vào thời trước, các vị mang tên Gio-an thành Arc, Thomas Moore, Oliver Plunkett. Vừa hôm qua đây, là Martin Luther King, Giám mục Oscar Romeo, là Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận…những nạn nhân kể không hết, ở Nam Mỹ, Châu Á lẫn Châu Phi.

Các vị ấy, có chung một mẫu số: bị giết đi, không do bàn tay người-ở-ngoài. Mà lại, do chính người đồng Đạo, những tá điền của Chúa, ở vườn nho. Nếu phẩm bình, chắc hẳn ta cũng không hơn gì những nhân vật, được đề cập ở trình thuật, rất hôm nay. Ở bài đọc, có những lời: “Mong sao họ sống công bình, nhưng toàn là đổ máu. Ta chờ đợi họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe tiếng khóc.”(Is 5: 7). Ở thế giới hôm nay, chẳng cần đi đâu xa, ta cũng vẫn gặp những trường hợp mà lời Chúa nói đến.

Áp dụng vào cuộc sống Đạo, có thể hỏi: cộng đoàn kẻ tin chúng ta thuộc loại nào, của giàn nho? Chua, chát, nhạt bùi, hay rất ngọt? Cộng đoàn tình thương ta sống, có là dấu chỉ Đức Kitô đang hiện diện? Có thể hiện tình thương, ở nơi này? Tất cả, có đánh động lên niềm tin, của riêng ta?

Có là như, lời thánh Phao-lô từng khuyến khích: “Phàm những gì là chân thật, khả kính, công minh; là danh thơm tiếng tốt, là nhân đức hay những điều đáng ngợi khen, anh em hãy chú trọng đến tất cả.” (Ph 4: 8) Và nhất là câu cuối của bài đọc, được trích dẫn: “Và Thiên Chúa của bình an, sẽ ở cùng anh em.”(Ph 4: 8)

Giả như nhà thờ, hội thánh của ta bị đóng cửa, bán đi cho phàm nhân làm chốn vui chơi, nhảy múa, có gì khác biệt xảy đến với chòm xóm, láng giềng ta thường lui tới? Đã đành, vì năng lui tới chốn này nên ta mới nhớ. Thế còn, người-dưng-khác họ sống ở ngoài, chẳng bao giờ “về dấu giáo đường”, thấy ra sao?

Và khi đó, những người quanh ta có hệ luỵ vương vấn đến nhu cầu/nội quy, của tôn giáo? Và lúc ấy, còn ai đâu hầu đo đạc chất lượng xứ đạo, cộng đoàn? Còn ai ngó ngàng, tới những gì xảy đến , ở bên trong? Những gì đang diễn tiến, khi rời bỏ? Dĩ nhiên, cả hai phía đều quan trọng. Không thể có điều này, mà bỏ mất điều kia. Không thể sống hạnh phúc, mà lại thiếu cộng đoàn. Vắng người thân.

Hân hoan tham dự tiệc thánh với người thân, ta hát lên lời ca vang đầy phấn chấn:

“Hát với tôi trong cõi tim sâu xa tuyệt vời

Hát với tôi vươn mãi ra đến tận mù khơi

Đừng thèm nhờ máy hát lạ tai

Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai

Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi.

Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào!

Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát

Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.
(Phạm Duy – Hát với nhau)

Hãy hát với tôi. Với nhau. Cho, đời thêm vui. Dù, nhà thơ đã ngừng viết. Rất mầu xanh. Dù nhà thờ, có đóng cửa. Rất tím than. Vẫn cứ hát. Hát những lời của người đang vui, phấn khởi. Lời Việt Nam.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.




Monday 22 September 2008

“Ta sẽ thở, bằng trầm hương của gió”


lắng nghe xa, chân thú bước mơ hồ
núi muôn năm, còn ở đó thẫn thờ
rừng vẫn rộng, tay mời ta trở lại.

(dẫn từ thơ Du Tử Lê)

Mt 21: 28-32

Vẫn hít thở, bằng hương trầm của gió. Vẫn lắng nghe, bước chân mòn của muôn thú mơ hồ, nhà thơ bèn gọi mọi người trở lại, với thiên nhiên. Thế, nhà Đạo? Vẫn đọng lắng tâm tư, nghe kể truyện dụ ngôn, về người Cha mời hai con đi làm vườn, đấy chứ?

Dụ ngôn hôm nay, dưới mắt thượng tế/kinh sư, khẳng định Chúa đưa ra về người phạm lỗi vào Nước Trời trước các đấng bậc, gây nhiều giận dữ. Giận và dữ, là bởi các “đấng bậc” của ta không chú tâm đến lời tiên tri Ezêkien, ở bài đọc.

Bài đọc 1, tiên tri Êzêkien từng nói như Đức Chúa, ở Tân Ước: “Khi ác nhân bỏ điều ác nó đã làm, mà trở lại, cùng làm điều phải, sự thiện, nó đã cứu sống mạng nó. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn sẽ sống, không phải chết.” (Ez 18: 26). Điều này áp dụng cho mọi người, không riêng kẻ có lỗi.

Với bối cảnh thời trước, Đức Giê-su áp dụng truyện kể, trước nhất cho những người đang nghe Ngài. Những người, đi theo vết chân của tiên tổ, vẫn có truyền thống tuân giữ Luật của Chúa. Nhưng nay, khi diện kiến với Gio-an Tẩy Giả, và Đức Kitô, Con Thiên Chúa, họ vẫn dửng dưng, chối từ. Trong khi đó, người-ở-ngoài xưa nay thờ ngẫu-thần nhiều thế kỷ, nay quay về mở rộng lòng, chào đón lời dạy và quyền uy của Đức Chúa. Đây là trọng tâm, của mọi việc. Và điều này, áp dụng cho mọi người, cả hôm nay.

Dụ ngôn hôm nay, đưa ra hai yếu tố thật rõ nét, quan trọng. Một mặt, ta không thể tự mãn về tương quan ta có, với Chúa. Bởi, bất cứ lúc nào, và ai cũng có thể rơi vào tình trạng quên đi quyết tâm mình đã có, với Chúa. Với Tin Mừng. Dù, Chúa chẳng nề hà. Ngài vẫn chấp nhận sơ xuất, từ phía dân con. Và, khi ta bền bỉ nối kết - hiệp thông, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng, khi đã xa rời, từ bỏ Chúa, Ngài vẫn chấp nhận. Vẫn đợi chờ, người hồi hướng quay về. Quay về, dù có người đã “chết trong lỗi phạm”.

Mặt khác, dù xa rời Đức Chúa, hoặc bỏ bê Tin Mừng; dù trong tâm trạng khốn khổ thế nào đi nữa, vẫn không nên nghĩ, là: quá trễ. Cứ quay về. Bởi, khi ấy, vòng tay ôm của Cha Nhân Hiền, vẫn ân cần rộng mở. Cha chẳng hề cật vấn, lẫn hỏi han: “sao, con lại làm thế?”. Thế đó, là ý nghĩa của dụ ngôn “chiên lạc” và “người con đi hoang.” Thế đó, là lý do Thầy cứ hỏi mãi: “Phê-rô, con có thương Thầy, không?”, những ba lần. Dù, Thầy biết chắc đồ đệ sẽ chối bỏ Ngài đến ba lần, Thầy dẫu biết, vẫn cứ trao ban trọng trách “Hãy dẫn dắt chiên đàn Hội thánh”.

Xem như thế, có là trừng phạt dành cho người phạm lỗi? Xem như thế, có giống như nhiều người cứ cho rằng: vẫn có đó, nhiều trừng phạt. Trừng phạt, do chính người phạm lỗi tự xử. Tự xử bằng hình phạt, vốn lún dần trong tội lỗi, như tiên tri gọi: “Hỡi nhà Israel, nghe đây: phải chăng đường lối của Ta, không chỉnh?” (Ez 18: 25). Cũng thế, không phải là hiếm khi nghe nhiều người vẫn than vãn: Chúa thật bất công, với tôi? Và nay, một khẳng định là: người tốt lành, khi để mất tính chính trực mình vốn có, sẽ làm điều ác độc/tự huỷ, trong tội lỗi. Đó, là kết quả của những ác độc, tự gây nên.

Lỗi phạm đây, là việc chối bỏ và quay lưng lại Đấng Nhân Hiền vẫn thương mình. Lỗi phạm đây, đưa dẫn họ về với hình phạt do chính mình làm. Và như thế, người phạm lỗi sẽ lún sâu trong ghen tức, với bạo lực. Trong giận dữ, với tương tàn. Trong nhỏ mọn, và tự tôn. Và như thế, họ sẽ đi dần vào chốn cô đơn, ly cách. Để rồi, sẽ càng phẫn nộ, hiềm khích. Càng tự chuốc lấy cho mình mọi trầm thống. Rất suy sụp. Trên thực tế, Đức Chúa không trừng phạt ai. Việc ấy, do ta tự tạo. Do mình đi sâu vào chốn lỗi lầm. Tạo vết thâm trầm, càng khó chữa.

Thêm vào đó, cũng nên tự hỏi: tội, do đâu mà đến? Lỗi phạm, là gì? Câu trả lời sẽ là: tội, không là hành động vi phạm luật pháp, hoặc các qui định, do người khác đặt. Và, là phản chống bản chất tự nhiên, của chính mình.

Sai phạm, là hành vi sai trái, nghịch chống lại giới răn. Và, giới răn là những gì? Do ai đặt? Có là tội, nếu chỉ bỏ lễ Chủ nhật? Nhưng sao gọi việc đó là tội? Tội ở đâu? Chỗ nào? Thế thì, hành xử bạo lực, trộm cắp, dối gian, tham lam, bủn xỉn, có là tộikhông? Sao không phải là tội? Là tội, có phải vì Giáo hội bảo thế? Hoặc, vị linh mục ngồi toà, nói như vậy? Là tội, vì trong kinh sách, có liệt kê?

Cần khẳng định ở đây, là tội, chỉ vì đó là điều xấu xa, độc ác. Lỗi phạm, bởi vì hành vi đó chối-từ tình-yêu. Là, phản chống Đức Chúa. Nghịch cả nhân cách, lẽ phải và sự công chính, đối với người khác. Là tội, không chỉ vì những việc mà người Công giáo không được phép làm; mà, bất cứ một ai cũng không nên làm như thế. Thiên Chúa, Sự Thật và Tình Thương Yêu không thuộc của riêng một tôn giáo nào cả. Và chỉ là tội, vì việc ấy đã vi phạm tương quan ta cần có, với Đức Chúa. Với, Sự Thật và Tình Yêu Thương. Nhưng vi phạm, chỉ đem lại thương đau và mất mát. Cho mình và cho người. Vậy, chính mình là người để quy trách, thôi.

Trình thuật hôm nay, rõ ràng ám chỉ giới lãnh đạo tôn giáo và dân sự, thời Chúa sống. Trình thuật nói nhiều đến Đức Chúa. Đặc biệt, là cách thức làm sao phục vụ Chúa qua tuân giữ Lề luật. Nhưng rõ ràng, các đấng bậc ấy không tạo cho mình có được tinh thần mà Đức Giê-su vẫn chuyển tải. Ngài chuyển tải bằng chính cuộc sống và lời dạy của Ngài.

Tinh thần, là tinh thần yêu thương, rất độ lượng. Là, chăm sóc - thứ tha đem đến với người yếu hèn, dễ thương tổn. Các đấng bậc, cũng đã nghe biết Lời dạy của Ngài, nhưng không cố gắng thực hiện. Những người như thế, chỉ nại cớ để thách thức quyền năng Đức Giê-su qua việc Ngài làm. Bởi, Ngài không thích hợp với quỹ đạo luật pháp, họ bày ra. Vì thế nên, họ đóng khung Ngài và chối bỏ Ngài.

Trong khi đó, “quân thu thuế và lũ đàng điếm qua trước các ông, mà vào Nước Thiên Chúa”. (Mt 21: 31). Chắc chắn một điều, là: họ chẳng biết tuân giữ Luật lệ. Họ nói KHÔNG với giới răn của Ngài, rất nhiều lần. Đến khi gặp Chúa, họ thay đổi tận gốc rễ, chính đời mình. Biết lắng nghe. Và đáp ứng.

Thời ấy, các thượng tế kinh sư, cũng giống như người con thứ hai, trong truyện. Nghĩa là, cũng biết nói tiếng ‘Vâng!’ con sẽ làm’. Cũng dự định tuân thủ lời Chúa, nhưng không để tai nghe lời Chúa dạy. Hoặc, không tuân theo lời Ngài chỉ dẫn.

Bài đọc 2, ta có một ca vịnh tuyệt vời về tinh thần phục vụ và bỏ mình, của Đức Giê-su. Phao-lô thánh nhân nói đến tinh thần ấy trong bối cảnh khẩn thiết yêu cầu cộng đồng dân Chúa ở Philíphê, nên đoàn kết. Khi thúc giục người Kitô hữu phục vụ nhu cầu của người khác, với lòng tôn trọng, thánh nhân khuyến dụ họ nên mang theo tâm tình của Thầy mình. Nên suy nghĩ như Thầy. Để minh hoạ điều này, thánh-nhân đã làm ra như bài vịnh. Để ca tụng nhân cách Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.

Đức Giê-su, không nhấn mạnh đến điều này, khi Ngài còn ở với chúng ta. Trái lại, Ngài tự trút bỏ vinh quang của chính Ngài, để trở nên giống như người phàm. Còn hơn thế, Ngài còn chấp nhận thân phận nô lệ. Chấp nhận cả nỗi chết. Chết như tội phạm, trên thập tự. Bị hành hình. Khổ sai.

Nếu như ta, cũng có nơi chốn tràn ngập tinh thần Đức Giê-su vẫn có, ta sẽ không còn gì để hãi sợ. Và nơi chốn, mà cộng đồng tín hữu Đức Kitô hiện đang sống, chính là chốn ấm tình người, có sự kết hợp của tình thương yêu, chăm sóc. Có sự độ lượng và yểm trợ song phương. Có chăm nom săn sóc, cho nhau. Chuyện như thế, không bao giờ là quá trễ. Ta vẫn có thể bắt đầu, ở đây. Bây giờ.

Trong quyết tâm như thế, ta hãy vui lên mà ca hát. Hát những lời vui, thuở trước, rằng:

“Tôi yêu, những gì đến tự nhiên

những câu nói thành thật

và yêu ngày nắng

tôi yêu mặc Jean và áo trắng

yêu trăng sáng ngày rằm

Và, tôi cũng yêu em,

Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn

Yêu em chứa chan…” (Đức Huy – Và tôi cũng yêu em)

Vẫn cứ yêu. Yêu nồng nàn, yêu chứa chan. Dù, em anh có lỗi phạm, dù em có sai sót. Vẫn cứ yêu và cứ thở. Thở bằng trầm hương của gió. Rừng, và thế giới quanh ta, vẫn mở rộng tay mời ta trở lại. Trở lại, mà về với yêu thương. Nhiều chăm sóc. Đùm bọc.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

mai Tá diễn dịch.


Saturday 13 September 2008

“Tình mới lớn phải không em, rất mỏng”

Cách tập tành nào cũng dễ hư hao

Thuở đầu đời, cầm đũa thấp cao

Và nâng chén, dĩ nhiên đổ vỡ.

Khi mỏi mòn nghe đời mình trắc trở

Hơn lúc nào tôi quá đỗi thương tôi!

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

(Mt 20: 1-16)

Thuở đầu đời, tập tành là để “quá đỗi thương tôi”. Đã hẳn, điều ấy nhà thơ nay mới biết. Với nhà Đạo, sống đời công chính, là ý hướng Thầy vẫn dạy dân con, qua trình thuật.

Trình thuật, đề cập đến chủ đề xuyên suốt từ Cựu - Tân Ước, đến hôm nay. Chủ đề làm nền ở đây, là lời gọi mời từ Thầy Chí Thánh gửi đến với mọi người -cá nhân và tập thể- hãy cố mà sống lấy, đời công chính. Sống công chính, là chủ trương sống cuộc đời, được Chúa dẫn giải qua dụ ngôn “ngày mướn thợ”.

Dụ ngôn hôm nay, nối thẳng với Phúc Âm chương 19 của thánh Mát-thêu. Vào buổi đó, có hội thoại giữa Đức Giê-su và các tông đồ, với lời Chúa quả quyết, ngay sau truyện người thanh niên giàu từ chối một quyết tâm. Và, Chúa nhắn nhủ: “Có nhiều kẻ đầu hết, sẽ nên cuối hết, và những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết” (Mt 19: 30), ở Nước Trời.

Dụ ngôn hôm nay Chúa tỏ bày thật rõ nét, về Nước Trời. Chủ vườn, tảng sáng ra đã kiếm thợ cho vườn nho, của mình. Thợ đến làm, nhất quyết tuân thủ mọi cam kết, giữa đôi bên. Thoả thuận miệng, (ngày nay gọi là hợp đồng) cam kết mỗi người nhận lãnh, một quan tiền. Chẳng cần biết thợ đến từ giờ nào. Kết thúc vào lúc nào. Mỗi người được hứa, sẽ trả theo “giá phải chăng”.

Đã thoả thuận giá cả, nhưng sao người làm vẫn kêu ca? Oán trách? Thái độ của người thợ, gợi nhớ tâm trạng những than và trách của người Do Thái, vốn kình chống lối hành xử chính trực/“phải chăng”, của Môsê và A-ha-rôn, ở sa mạc (Xh 16: 3-8).

Nghe lại thoả thuận của chủ vườn, ta thấy rõ một hành xử chính trực/phải chăng: “Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi một quan tiền sao?”. Và thợ vườn, nay “há miệng mắc quai”, vì đã chấp nhận thoả thuận ấy. Thêm nữa, ở đây thánh Mát-thêu ghi thêm ý chủ lực: “Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót được bằng bạn, há tôi lại không được phép làm như tôi muốn, sao? Hay, vì thấy tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?” (Mt 16: 14-16).

Câu trả lời, nói lên bài học quan trọng về sự công minh, của Đức Chúa. Nhìn sự việc, theo quan niệm hẹp hòi của người thường, ta những tưởng truyện ở đây không mang nhãn giới công bình, chính trực. Bởi, như quan niệm ở đời, vẫn là: làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Vẫn thấy nhan nhản ở đời thường: lương luật sư/bác sĩ vẫn ở trên số tiền kiếm được, của công nhân/lao động.

Người đời vẫn cứ lầm tưởng, làm nhiều cho Chúa, ta sẽ được Ngài đoái thương nhiều. Trọng thưởng nhiều hơn người thường. Bởi thế nên, dụ ngôn hôm nay, đích thực phản ánh thái độ của những người quen thói kêu rêu/chê trách, giới ở trên. Bàn về công minh – chính trực, cũng nên nhìn sự việc bằng những tầm nhìn, khác biệt.

Trước hết, làm nhiều điều cho Chúa/cho mọi người, không nhất thiết ràng buộc Chúa phải thương ta nhiều hơn người khác. Bởi, có làm nhiều hay chẳng làm gì cả, cũng đâu thể buộc Chúa thương con người nhiều hơn mức độ, Ngài vẫn yêu. Thêm nữa, Chúa không nhìn vào số lượng công việc con người làm. Cho bằng, Ngài nhìn vào tình cảnh mỗi đang sinh sống.

Có thể là, dân con nhà Đạo hôm nay, sẽ xử sự như các thợ đến vào giờ đầu. Tức, những người vốn nghĩ rằng: mình lâu nay tuân giữ chặt chẽ luật của Chúa, chắc chắn sẽ lĩnh nhiều bổng lộc, qua mọi hình thức. Và từ đó cho rằng: họ sẽ “hơn hẳn” người dân thường, đến với Chúa chỉ một giờ. Hôm nay, chắc vẫn còn nhiều người suy tính, hệt như thợ vườn đến đầu giờ, như thế.

Nghĩ như thế, tức không thích hợp với phương cách Chúa xử sự. Xử sự như các tông đồ, là những người đến với Chúa, vào phút chót. Các thánh xả thân phục vụ Chúa, trên đường rong ruổi buổi chiều hôm. Tuy thế, các ngài vẫn nhận lãnh chỉ một tình thương, như mọi người. Nhận lãnh nhiều, tức phải mở rộng lòng mình. Cho nhiều. Cho nhanh chóng và rộng rãi, khi Chúa đến kêu gọi ta từ bỏ mọi việc, để theo Ngài. Chỉ thế thôi.

Nếu có ai, ngả theo phe của thợ “đến giờ đầu” chỉ biết cằn nhằn/chê trách giới ở trên, hãy nhớ đến cảnh tình của riêng mình. Nhớ, để tỏ lòng cảm kích biết ơn vì Đức Chúa công minh. Ngài công minh, đến độ sự kiên nhẫn của Ngài, cũng giới hạn. Chúa thương Mẹ, và các thánh cùng một cách, một mức độ như mọi người. Thử nghĩ xem, mình chỉ là người được gọi mời vào giờ phút cuối, lại được nhận lãnh bằng người đầu hết, hẳn ta sẽ biết ơn Ngài, biết chừng nào.

Chúa thương ta, như tình cảnh ta đang sống. Ngài không giữ sổ hụi, ghi nợ đối với ai. Dù có là thánh nhân, tham gia nhà vườn vào giờ đầu, ta vẫn có thể rời bỏ Ngài, vào phút cuối. Là tội phạm, dù có đến vào giờ chót, ta vẫn có nhiều cơ hội để hồi hướng, trở về. Về với Ngài. Với cộng đoàn. Với tương quan mật thiết, có từ lâu. Dù, ta có cất bước đi hoang, rất lầm lỡ.

Đó còn là, tâm trạng của những người đến vào giờ đầu. Rất sốt sắng tham gia công việc của Chúa. Rất hiệu năng. Hăng say. Nhưng, đã vội “bỏ của, chạy lấy người” khi có khó khăn xảy đến. Khi gặp khổ, là có thể bỏ Chúa. Bỏ anh em. Thêm nữa, còn là trường hợp của nhưrng người gia nhập Đạo, vì gượng ép. Mông lung. Họ giữ Đạo, rất hình thức. Họ sống Đạo, nhưng chỉ chú trọng bề ngoài. Dễ đổi thay. Chẳng hăng say quan hệ mật thiết với Chúa, với mọi người, nữa.

Tin Mừng hôm nay, thêm một điều: dù ta có hành xử sai trái không ít. Dù, ta có thất bại rất nhiều lần. Dù, ta sống tâm trạng của người “đến vào giờ cuối”, trễ nải, ta vẫn hân hạnh gặp gỡ Chúa. Là Đấng Công Minh, Chúa chẳng hề chấp nê vị nể, bất cứ một ai. Chính vì Công Minh, nên Ngài đã bỏ 99 chiên con hiền lành, để tìm mỗi chiên lạc. Bơ vơ. Sợ hãi. Là Cha Nhân Hiền, Ngài mở tiệc mừng đón người con đi hoang, chịu hồi hướng. Ngài để mặc người anh cả, những cằn nhằn. Trách móc. Thở than.

Trình thuật hôm nay, cũng cho thấy: Chúa vẫn theo đường lối riêng tây Ngài đã chọn. Trưng dụ ngôn “thợ làm vườn”, Ngài cốt để cho dân con đồ đệ, đối xử giống như Ngài. Đối xử, trong tha thứ. Hoà mình. Tha thứ và hoà mình, để ta sống vui với tất cả người anh, người chị trong cộng đoàn. Sống vui, như Tin Mừng từng nhấn mạnh. Đó chính là, phương cách tốt đẹp nhằm giúp dân con, biết sống hài hoà với mọi người.

Bài học hôm nay, còn giúp ta chấp nhận mọi người như chính họ. Đánh giá mọi người, theo tư cách con người của họ. Theo khả năng/công việc của mỗi người. Theo vị thế, chức năng cao hay thấp Vẫn không thành kiến. Chẳng kỳ thị. Bởi, trong xã hội nhiễu nhương hôm nay, tất cả chúng ta đều là con một Cha. Là anh là chị, và em chung một nhà. Hãy đối xử với mọi người, đúng như con người họ. Không câu nệ. Không chấp nê. Dù, quá khứ của họ có đượm nhiều u ám. Thấp kém. Đau buồn.

Sống như thế, chắc chắn ta sẽ được Chúa tiếp sức. Hộ phù. Ngài hộ phù, để ta có thể học hỏi và tuân thủ đường lối công minh – chính trực, Ngài vẫn dạy. Để rồi, khi ấy, con đường rộng mở ta đi đến, sẽ là đường lối Ngài bảo ban. Tư tưởng của ta, khi ấy, sẽ là ý Ngài từng mong muốn. Niềm tin của ta, khi ấy, sẽ giải phóng hết mọi người.

Trong hân hoan sống lời Ngài dạy bảo, ta sẽ ca vang tiếng hát của nghệ sĩ, khi xưa viết:

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm

Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người

Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi

Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi

Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian”.

(Nguyễn Đức Quang- Việt Nam quê hương ngạo nghễ)

Dấn buớc đi, là bước theo đường công chính. Có Chúa đồng hành, kề cận. Chúa đồng hành, ta sẽ không còn “nghe đời mình đầy trắc trở”. Nhưng, vẫn cười vang. “Tung xiềng vào nhân gian”. Nhân gian ngạo nghễ. Thiếu công minh. Chưa chính trực.

_____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.