Saturday 29 October 2016

“Tôi tưởng như mình vừa sống lại”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 32 thường niên năm C 06/11/2016

Tin Mừng (Lc 20: 27-38)

Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? "

Đức Giêsu đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham,Thiên Chúa của tổ phụ Isaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống."

“Tôi tưởng như mình vừa sống lại”,
“tự nghìn kiếp trước nỗi oan-khiên.
Oằn lưng gánh lấy hồn song núi,
Hiu-hắt trong lòng, đóm lửa thiêng”
(Dẫn từ thơ Sông Nhị)

Với nhà thơ Song Nhị hôm nay, loài người như đã đổi lốt. Vừa đổi lốt, sống lại tự nghìn kiếp. Với nhà Đạo xưa rày, Người từ cõi chết đã sống lại, rất yêu thương. Tất cả, đều đáp-ứng lời dạy của Đức Chúa. Thiên-Chúa của tình-yêu. Thiên-Chúa của sự sống, diễn-bày nơi sự-kiện Cung Hiến Thánh Đường Thân Mình Ngài, rất hôm nay.

Hôm nay, nhiều người thường hay tỏ bày nỗi ngạc nhiên rất mực, khi khám phá ra rằng Đền thánh Phêrô không phải là Nhà Thờ Chánh Toà của Giáo phận La Mã. Thậm chí, có khách hành hương còn đến đây, để tìm cho ra ngai triều của Đức Giáo Hoàng, tức Giám Mục thành Rôma, vẫn không thấy.

Có người lại cứ tưởng chiếc ghế chạm trổ công phu của thánh Phêrô đặt sau bàn thờ trên cao là ngai triều chính hiệu của ngài, nhưng vẫn lầm. Có người lại nghĩ rằng chiếc ghế di động mà Đức Giáo Hoàng vẫn ngồi, là chính ngai triều. Nhưng, vẫn  không đúng.

Thánh đường Latêranô đích thị là Vương Cung Thánh Đường, của La Mã. Ở nơi đây, có đặt ngai triều của Đức Giám Mục thành Rôma, rất đích thật. Từ thế kỷ IV, Giáo hội dùng nơi này để cung hiến thành chốn thánh dâng Chúa. Ở nơi đây, mỗi năm Đức Giáo Hoàng thường thân hành đến chủ sự các nghi lễ phụng tự, rất long trọng. Và chính ở thánh đường này, ngài uy nghi ngồi trên ngai toà mình để ban huấn từ, giãi bày nhiều điều, cho dân Chúa.

Trong cuộc sống của Giáo hội, nhiều giáo hội ở địa phương cũng đã dùng kỷ niệm cung hiến thánh thiêng trong giáo phận mình, như lễ trọng. Việc cung hiến thánh đường Latêranô, chính là lễ hội toàn cầu, nhằm để nhắc ta nhớ mà hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, trên cương vị ngài là Giám Mục thành La Mã. Qua cử chỉ này, ta chứng tỏ rằng giáo hội mình là Giáo hội của chung, tức Hội thánh Công giáo.

Điều đáng buồn, là: đôi khi ta thấy có nhiều người nghĩ họ được phép chọn lựa giữa Giám mục địa phận của mình với Giám mục La Mã. Điều này cũng có ý nghĩa, nhưng không phải tính cách chung, Công giáo.

Nói cho cùng, dù ta có lòng mến mộ Đức Giáo Hoàng riêng biệt nào đi nữa, thì tình cảm riêng tư của ta vẫn không dẫn đến kết quả như một hiệp thông với ngài. Bởi, chỉ có thể hiệp thông với Đức Giáo Hoàng khi có được sự thông hiệp ngang qua Giám mục sở tại của mình, mà thôi. Và, Đức Giám mục địa phận sở tại của ta cũng chủ sự cùng một tiệc Thánh Thể như và với Đức Giám Mục, thành La Mã là Đức Giáo Hoàng.

Trong cuộc sống thường ngày, nhiều người cũng mắc phải những sai lầm như thế, cũng dễ hiểu thôi. Nhiều năm qua, Hội thánh vẫn tập trung vào vai trò của Đức Giáo Hoàng mạnh đến độ chúng ta có thể được tha thứ nếu nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng chỉ là Cán bộ Cấp Cao của Giáo triều, và Đức Giám Mục sở tại là Giám đốc hay Thủ trưởng, một chi nhánh. Cho nên, khi Đức Giáo Hoàng ra lệnh “nhảy lên”, thì ta lại hỏi: “Thưa, cao cỡ nào cơ?”. Vấn đề này xem ra hơi giống thái độ của những người bảo hoàng hơn vua, có lịch sử của Hội thánh, tương tự như thế.

Chính vì thế, Công Đồng Vatican II đã làm sáng tỏ vai trò của Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản, giáo huấn và thi hành luật pháp, trong Giáo hội. Minh định của Công Đồng đã thận trọng nhằm hồi phục chức năng đúng đắn khi xưa về cương vị lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng. Công Đồng cho thấy, việc cai quản, giáo huấn và thi hành giáo luật luôn chứa đựng một bối cảnh, có từ trước.

Công Đồng dạy rằng Đức Giáo Hoàng thực thi cương vị lãnh đạo như vị thủ lĩnh tối cao trong số các Giám mục. Ngài là vị mục tử mang tính toàn cầu. Là, dấu chỉ của sự hiệp nhất trong Hội thánh.

Và, là người có trọng trách giáo huấn, duy trì và bảo vệ niềm tin của toàn thể Hội thánh, ngang qua phương cách mà ngài xác nhận với những người anh em Giám mục có cùng một trọng trách trong giáo hội địa phương của các ngài. Chính từ đó, nguồn cội của cụm từ “vâng phục” có ý nghĩa của sự việc “lắng nghe một cách cẩn trọng”.

Vì thế nên, trong tiệc thánh hôm nay ta cử hành sự hiệp nhất trong đa dạng, khi ta tập trung nhấn mạnh đến Mẹ thánh Giáo hội đối với các giáo hội Công giáo La Mã, ở địa phương. Cầu mong sao, từ đó ta lĩnh hội được điều tốt đẹp để có quyết tâm với Đức Giám Mục sở tại nơi ta sống. Bởi, ngài cũng là đấng kế vị của các thánh tông đồ. Và, ngài cũng đáp ứng với lời kêu gọi của Đức đương kim Giáo Hoàng giúp ngài nghĩ ra các phương cách khả dĩ thực hiện công việc phục vụ Hội thánh. Đó, sẽ là dấu chỉ lớn lao hơn cho sự hiệp nhất Kitô giáo đối với thế giới nhân trần, trong lai thời.

Cũng cầu mong, cho mỗi người chúng ta nhớ được rằng tinh thần mà Tin Mừng hôm nay muốn tỏ bày chính là sự việc Giáo hội được dựng xây bằng gạch hồ thật đấy; nhưng, Thân Mình Rất Hiển Vinh của Đức Kitô được đúc kết bằng những người con biết sống thực tình yêu thương cứu độ Ngài ban cho thế giới, rất hôm nay.                      

Lm Richard Leonard sj biên-soạn
Mai Tá lược-dịch

Saturday 15 October 2016

“Tôi cúi mặt, lời nguyện cầu rất khẽ,”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 30 thường niên năm C 23/10/2016

Tin Mừng (Lc 18: 9-14)

Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.

Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng:
"Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng:

"Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

“Tôi cúi mặt, lời nguyện cầu rất khẽ,”
Cầu cho người và nguyện ước cho tôi.
Linh-hồn tôi nay đã khác xưa rồi,
Cũng rạo-rực bao đam-mê trần thế.”
(Dẫn từ thơ CV)

Mới “cầu nguyện rất khẽ” thôi, mà sao nhà thơ đã “rạo rực bao đam-mê trần-thế”. Nguyện cầu rất khẽ, lâu nay vẫn chỉ thấy có một người. Cầu nguyện khẽ, ở chốn riêng tư hay thánh-đường im ắng, nhà thơ nay khác xưa rất nhiều. Đâu giống kiểu Pharise6u thông-thái, thời buổi trước. Khác kiểu của người thâu thuế cứ sợ sệt, như trình-thuật gợi nhớ, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, Chúa kể về phương-cách nguyện cầu nơi nhà Đạo. Hai lối cầu-nguyện, mang phong-thái hoàn-toàn khác biệt. Một đằng là của “người tốt/việc tốt”, lúc nào cũng cho rằng mình chính-đáng, giữ luật rất tự-hào. Một đằng theo kiểu người nghèo, lại cho mình luôn có lỗi. Và cuối cùng, câu hỏi vẫn là: ai cầu nguyện đúng cách, ai sai?

Trình-thuật hôm nay cũng cho thấy nghịch-lý nơi lời phê của Đức Chúa về các thái-độ nguyện-cầu. Nhiều người cứ tưởng: Chúa chỉ ưa những ai biết giữ luật Đạo, không làm điều sai quấy, trái lương tâm, như đám Pharisêu, Biệt Phái vẫn thường làm. Không phải thế! Chúa chỉ đề-cao thái-độ khiêm-nhường của người thu thuế biết mình có lỗi, dám phạm luật phản-chống Đạo.

So-sánh thái-độ của hai người khi cầu-nguyện với điều mà thánh Phaolô viết trong thư gửi đồ đệ mình, cũng thấy cả một khác-biệt. Đọc thư, nghe có điều nhẹ-nhàng như tâm-sự: “Tôi cam chịu mọi sự vì các kẻ được chọn, để họ được cứu-rỗi, cùng vinh-quang đời đời, trong Đức GIêsu.” (2Tm 2: 9-10)

Như thánh Phaolô khẳng-định, điều ta làm hoặc khi cầu-nguyện dù rằng tốt hay rất hợp với với pháp-luật, chỉ vì Chúa và nhằm giải-phóng tha-nhân, đồng-loại. Điều ta làm, là quyết đưa người người về với quyền-năng yêu-thương của Đức Chúa.

Với Do-thái-giáo, người thu thuế rõ ràng là kẻ phạm lỗi. Anh rút rỉa lấy tiền bạc của dân đen,kẻ bị trị. Và, chỉ trao phần nhỏ cho đám thực-dân La Mã mà thôi. Và vì thế, anh luôn bị dân-chúng oán ghét. Oán thán/ghét bỏ vì chính anh chẳng lý gì đến luật-lệ. Nhưng anh lại là người biết mình biết hết mọi người. Biết rằng mình đớn hèn, nên rất khiêm-tốn không hợm hĩnh và cũng chẳng tự-cao, như các bậc đại-sĩ, rất Pharisêu.

Với người thường, quà tặng Chúa gửi là: biết hạ mình hèn hạ, rất đáng tội. Nhận mình có lỗi không phải để xưng thú hằng tháng, như thói quen. Xưng cho nhiều, cũng chỉ là xưng thú những tật ít quan-trọng, như: nổi nóng, cắp vặt, bất tuân bề trên, hay quên sót lễ lạy, ngày của Chúa, vv. Tội đích-thật mà thu thuế/dân thướng vẫn hay quên, là: làm mất đi tương-quan đẹp ta có với Chúa, với người cùng sống quanh ta. Tương-quan ấy, là điều ta phải giữ. Để mất đi, là mất tất cả. Và, đây mới là điểm chính yếu của nguyện cầu.

Tội của đám người tự cho mình là người tốt, là thái-độ luôn duy-trì tương-quan với mọi người theo phương-thế kẻ cả, rất trịch-thượng. Chẳng bận-tâm gì đến việc tạo niềm vui sống, tích-cực với những người đang chung sống. Nhất thứ, là những người sống ngoài quỹ đạo của giới cao-trọng, quyền thế.

Lỗi phạm ít được người đời để tâm xưng thú, đó là: thiếu quyết-tâm yêu-thương/giùm giúp hết mọi người. Không giúp họ duy-trì tương-quan cần có với Chúa, với người thường. Thiếu-sót ấy, ta vẫn nghe quen lời khiển-trách, trong Kinh Sách, đại để như: “Ta đói khát, đơn độc, cố phấn đấu làm lành, mà nào thấy air a ta phụ giúp! Ta lúng túng lo âu, bị hắt-hủi bỏ rơi, ngươi đâu nào đứng lại, hầu đỡ nâng. Thậm chí còn xỉ vả, trách thầm: như thế cho đáng đời, bọn ngu si!”

Chấp-nhận là mình có lỗi, không làm ta ly-cách, tách rời khỏi vòng tay yêu thương của Đức Chúa. Nhưng, là tín-hiệu. Là, thành-phần của cuộc sống của ta. Khôn-khổ cho người nào không nhận là mình đã lỗi phạm, mà còn dương oai cứ cho rằng mình chẳng cần gì đến nhu-cầu đạo-đức. Người như đám Pharisêu/Biệt Phái đâu nào muốn Đức Chúa can-thiệp vào đời mình. Tệ-hại hơn, tội và lỗi còn là trạng-thái tuyệt-vọng, cứ nghĩ rằng: Đức Chúa chẳng còn yêu tôi, vì tôi phạm vào luật cấm.

Điều cần ghi nhớ, là: đừng lo sợ mình đã lầm lỡ. Bởi phụng-vụ Phục-Sinh đêm canh thức có nói đến “tội hồng phúc”, khi con người cả gan đóng đinh Chúa trên thập-tự. Và, phải nhận rằng chính hành-động này đã kéo theo ơn cứu rỗi. Cũng thế, trong cuộc sống đời thường, những lầm lỡ ta mắc phạm, cũng có thể được đánh giá như hành-động chất chồng thêm ân huệ, mang đến cho ta. Miễn là, tội ấy giúp ta nhận ra được chính mình. Cái mình còn yếu kém. Cái mình, vẫn còn tuỳ-thuộc vào sự đỡ nâng của Thiên-Chúa, từ những người xa lạ, rất tha-nhân.

Biết nhận mình đã lầm lỡ hệt như người thu thuế còn giúp ta biết xót thương cảm-thông cho yếu đuối và vấp ngã của người khác,nữa. Nhận-định mình có lỗi, để rồi sẽ không bao giờ để lượt mất niềm tin-tưởng vào lòng từ-nhân, của Đức Chúa. Bởi, Thiên-Chúa là Đấng luôn sẵn sàng ở cạnh ta, ở cạnh bên, Ngài vẫn đợi chờ mọi người sai phạm gửi tín-hiệu về, cần sự đỡ nâng.

Biết nhận mình có lỗi, còn là ý-nghĩa trong câu nói của sách Huấn ca, rất nguyện cầu, như: “Lời cầu-nguyện của người khiếm-tốn đã vọng lên thấu các tầng mây.” (Hc 35:15) Nguyện cầu xuyên thấu tầng mây, chắc chắn sẽ đạt tới Đức Chúa, vẫn sẵn sàng đợi chờ. Chấp-nhận mình là kẻ đớn hèn, phạm lỗ, tuy thế vẫn không là chuyện dễ làm. Nhưng khi đã nhận mình lầm lỡ, Chúa đến tiếp sức mọi người, Ngài chẳng bao giờ từ nan.

Hãy cứ vui lên, dù có cảm nhận rằng mình đã lỗi phạm, tội tày trời. Cứ vui lên mà “cầu cho người, nguyện ước cho tôi”. Cho “nơi không mang sầu thương”. Nỗi sầu hèn của người phạm lỗi nhưng vẫn gieo sức sống từng bừng. Vì đã có Chúa ở cạnh bên, trong nguyện cầu.  

 Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch

Saturday 8 October 2016

“Nhắc làm chi? Ôi! nhắc làm chi nữa?”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 29 thường niên năm C 16/10/2016

Tin Mừng (Lc 18: 1-8)
Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Ngài nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."

Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

“Nhắc làm chi? Ôi! nhắc làm chi nữa?”
“Em đi rồi, mưa gió suốt trang thơ.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Cũng có thể, nhà thơ từng bảo thế. Cũng rất đúng, lời dụ ngôn kể vị chánh-án nói như vậy. Dụ ngôn hôm nay, thánh-sử Luca ghi lại lời của chánh án từng phán-quyết cũng rất thật. Sự thật ở dụ ngôn vẫn rất thực, ở mọi thời. Thời buổi ấy, lại thấy vị chánh án từng chán ngán cảnh tội nhân cứ đeo bám quấy rầy như dịch tễ, để đòi cho được một phán quyết rất công minh. Ngôn ngữ đời thường đều diễn-tả chuyện đeo bám như dịch-tễ là những quấy rầy/phiền hà, thường khó tránh.
Tiếng Do thái, mô-tả cảnh-tình này lại mang ý-nghĩa của một phiền-hà khiến người trong cuộc thành vô dụng. Phiền hà, là chuyện mà người trong cuộc cứ quấy rầy đòi mãi một chuyện mà chẳng ai muốn dính líu, giải quyết. Sách Isaya ở đoạn 7 câu 13 cũng có lời tương-tự: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít! Các ngươi làm phiền thiên-hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa?” 
Vấn đề ở đây, là hỏi rằng: đối nghịch động-thái quấy rầy/phiền hà và đeo bám là có ý gì? Cũng có thể, đối chọi chuyện phiền hà đeo bám, là: chuyện trò thân mật với ai đó, cho đời vui. Và, điều đối chọi giữa “lải nhải” với “quấy rầy” là “chuyện trò thân mật”, rất thật tâm. Đúng thế, hình-thức đổi-trao giữa hai người bằng lời nói, vẫn là chuyện vui/buồn thường ngày ở khắp chốn. Bởi khi đã nói năng, nếu không là chuyện trò thân mật, thì chắc phải là động-thái lải nhải/quấy rầy như dịch tễ thôi.
Về chuyện trò thân mật, thánh Bênêđíchtô từng qui-định với anh em Dòng mình, là: bất cứ anh em nào một khi đã tuyên hứa trước mặt Chúa và Bề trên rằng: mình quyết sống ổn định, chuyện trò/trao đổi suốt đời với anh em và tuyệt đối tuân phục đấng lãnh đạo nhà Dòng, cả ba điều này trở thành lời khấn hứa mang cùng ý nghĩa. Là thày dòng sống khắc khổ, là chấp-nhận sống trọn vẹn cuộc sống cộng-đoàn có đổi-trao. Nói như thế, thì: đây không là lời tuyên-khấn giữ thinh lặng suốt đời; và, cũng không là chọn lựa tồi đối với những ai sống đời tu trì bởi cộng-đoàn nhà Dòng đã đồng ý như thế.
Luật dòng Biển Đức viết bằng tiếng La-tinh lại đã thấy có cụm từ “hồi hướng trở về” thay cho chủ trương “chuyện trò trao đổi”, như vừa nói. Thông thường thì, tiếng La-tinh “cổ” rày diễn-tả việc “hồi hướng trở về” như sinh-hoạt quay vòng tròn có đổi thay, theo nghĩa luân-lý hoặc tu-đức. Thế nhưng, bản gốc luật này do chính thánh Bênêđíchtô lập ra, đã nhấn mạnh đến việc cần thiết phải chuyện trò/trao đổi chứ không phải chỉ mỗi “hồi hướng trở về”, với Đạo Chúa.
Với tiếng La-tinh cổ, thì: chuyện trò/trao đổi có nghĩa: năng lui tới nơi nào đó, cứ quẩn quanh đến trò chuyện với những người hay đến nơi đó. Tự-vựng này, đi vào tiếng La-tinh của Kitô-hữu trước thời thánh Bênêđíchtô còn sống. Từ-vựng đây, diễn tả lối sống thông thường có quan-hệ mật-thiết với mọi người, và còn hiệp-thông giao dịch với mọi người khác nữa.
Điều này, còn có nghĩa: chung sống với người khác hoặc có liên-hệ mật-thiết với mọi người theo cung-cách không giống với kiểu của mình. Đây, còn là lối sống ít giống với cách sống của mình nhưng giống kiểu của người khác, nhiều hơn. Đây còn là: sự hiện-diện ở nơi nào đó để hoà trộn với người khác theo cung-cách nói năng/chuyện trò rập theo kiểu người khác, chứ không theo ý mình. Nói cho cùng, đây là yếu-tố chính của đồng hành, có tương-tác.
Theo nghĩa này, tốt hơn ta nên chuyện trò/đồng hành với nhau hơn là chỉ “hồi hướng trở về’ với thánh-hội, mà thôi. Bởi, cộng-đoàn Hội thánh ở đâu cũng thế, vẫn luôn đòi hỏi ta chuyện trò/đồng hành hơn chỉ quay trở về, mà thôi. Người tu trì, đồng hành chuyện trò với nhau, vẫn có thể không là nhóm “hồi hướng” quay về chốn cũ mà sinh sống. Họ là người biết chuyện vãn, giao du rất tế-nhị.
Xem như thế, thì đồng hành trong chuyện trò mới là chuyện cần thiết cho đời tu. Kinh thánh viết bằng tiếng Do thái, cũng có cụm-từ chỉ việc “hồi hướng trở về” như tự-vựng “shub” có nghĩa đen, để chỉ sự việc quay đầu trở lại, thôi.
Thông thường, từ này là chỉ về cuộc sống quay vòng tròn nhưng lại có nghĩa gốc-gác nói về chuyến trở về sau bao ngày lưu vong/lưu đày chốn đất khách quê người. Việc này, còn có nghĩa: trở về với đất miền được Chúa phú ban cho riêng mình và mình quyết sẽ ở nơi đó mãi, chứ tuyệt nhiên không phải nơi nào khác. Nói theo tính cách linh thiêng có tương-quan, ta đã đi vào chốn “lưu vong/lưu đày” rồi, vẫn cần khám phá chốn miền thực thụ để mình sẽ về lại đó mà sinh sống.
Tân Ước cũng có cụm từ “hồi hướng trở về” tương tự như tự-vựng “epistrophe” ta có thói quen dịch là “hồi hướng”, cũng rất đúng. Thế nhưng, mỗi khi mô tả Chúa, sách Tân Ước của ta thích sử-dụng cụm từ “metanoia”. Lại nữa, ngôn-ngữ của ta cũng lại dịch cụm-từ này thành một “hồi hướng trở về”, giống như thế. Tuy nhiên, “metanoia” thực ra không có nghĩa “trở về” hay “trở lại” theo cung cách mà lâu nay ta vẫn tưởng. 
Metanoia là điều được Chúa đòi-hỏi những ai dấn bước theo chân Ngài, phải làm thế. Cụm từ này, thường dịch thành động-thái “đổi mới tâm can”, nhưng không chỉ mỗi thế, mà còn hơn thế nữa. Tiếp-vĩ-ngữ “noia” ở chữ “meta-noia” xuất tự tiếng “nous” của Hy Lạp, mang ý-nghĩa: một hiểu biết thực-chất của những gì xảy đến và diễn biến theo chiều-hướng sâu-sắc. Suy cho kỹ, nếu ta đặt tiếp-đầu-ngữ “meta” ở trước chữ “nous” bên tiếng Hy Lạp, ta sẽ tạo ý-nghĩa: tư-thế của một người không biết được những gì đang diễn-tiến và cũng không tìm ra được ý-nghĩa của nó cho đến khi có ai đó đến giúp cho mình và mời mình học hỏi, lắng nghe cũng như đi vào một chuyện trò, còn tiếp-diễn.
Muốn hiểu “Metanoia” cho đúng, thì không thể gọi đó là cuộc “hồi hướng trở về”, được. Trao đổi với ai, như thế, phải hiểu như động-thái biết lắng-nghe, chuyện trò và cứ thế để hiệp-thông tiến-triển, rồi ra mơi thông-hiểu nhau hai chiều. Trong trao-đổi, luôn có đối-thoại tương-tác hầu tạo dựng bầu khí mới, tức: một giòng chảy xuyên suốt đượm nhiều nghĩa. Tức: bất cứ ai chủ-trương cho đi chính mình mình, trong trao-đổi/đối-thoại là mình tự cho chính mình cho người khác, dù không biết gì về “người khác” ấy, để rồi tìm cách hiểu biết người khác, có khác mình nhiều không, đó mới là đối thoại, đổi-trao.
Đối-thoại đổi trao, là cung-cách nhận thức không biết trước sự việc sẽ diễn-tiến ra sao. Tuy nhiên, lại giáp mặt tạo tình thưong-yêu thoải-mái và an toàn cho ta. Nó đòi cho được một thoải mái thích thú liên tục, không ràng buộc. Bởi, có thoải mái trong đối thoại/đổi trao, con người mới không tìm về những quấy rầy/phiền hà bất cứ ai.
Truyện dụ-ngôn hôm nay, tác giả Tin Mừng nói đến động-thái quấy rầy/phiền hà của bà goá nọ đối với vị thẩm-phán chẳng biết kính sợ Chúa cũng chẳng thiết tha gì chuyện lắng nghe người phàm. Chính đó là xu-hướng quấy rầy/phiền hà không thích-hợp cho một đối-thoại/đổi trao rất thực. Quấy rầy/phiền hà không có chân đứng trong đối thoại/đổi trao. Bởi, nó luôn là rào cản là nói một chiều, chẳng cần nghe ai nói. Là, đòi hỏi mãi không dứt từ một người không biết đến đổi trao, đối thoại. Trong sống đời thực tế, động-thái đối thoại lành mạnh, linh đạo vẫn cần thiết hơn một hồi hướng trở về, mà vẫn thế.
Điều này cũng có thể áp-dụng cho tương-quan ta có với Chúa. Đối đầu quan hệ với Chúa không thể có chuyện quấy rầy phiền hà được, bởi Chúa đã cho tất cả mọi sự từ trước, thế nên ta không cần đòi thêm gì nữa hết. Cũng không cần có cố gắng để “hồi hướng trở về” mà chẳng đổi thay động thái rất đòi và hỏi đủ thứ. Tương quan đối-thoại với Chúa, cũng phải biết là Chúa đã tặng ban cho ta hết mọi thứ ta cần đến.
Giờ đây, ta không cần làm hết sức mình, bằng một “hồi hướng trở về” để khám phá ra Chúa, bởi chính Ngài đã khám phá ra ta từ hồi nào, rồi. Nay, chỉ cần ta đi vào với đối thoại/đổi trao thật mật-thiết với Đấng từng thương yêu ta trước. Chỉ cần ta biết nói lời “cảm tạ” Chúa, tự khắc Ngài sẽ đón chào ta trong vui mừng, thôi.
Bởi, Chúa từng nói với ta, là Ngài rất chán ngán những người suốt ngày cứ nguyện cầu bằng đường lối quấy rầy, những là: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” để “hồi hướng trở về” mà lại không có được cuộc chuyện trò thân mật, thoải mái như bạn Đồng Hành, trong yêu thương. Chúa vẫn từng dạy ta hãy có lời khấn-nguyền đi vào chuyện trò mật thiết với Ngài và Ngài đã hứa chẳng khi nào làm phiền ta hết.
Giả như Chúa cũng đầu hàng chúng ta và/hoặc bà goá nọ –như hành xử của vị thẩm phán trong truyện dụ ngôn vừa kể- ta có nghĩ rằng Chúa sẽ làm ít đi chỉ để cho con người “hồi hướng trở về” với Ngài mà thôi, không? Hay, Ngài những muốn ta luôn có cuộc chuyện trò thoải-mái, mật thiết với Ngài? Câu trả lời dành cho mỗi người trong ta, là như thế.            
Trong cảm-nhận tính bức thiết của một chuyện trò thoải mái với Chúa, với mọi người, cũng nên ngâm tiếp lời thơ trên, rằng:       
“Nhắc làm chi? Ôi! Nhắc làm chi nữa?Em đi rồi, mưa gió suốt trang thơ.
Mây lìa ngàn, e lệ cánh chim thu.Con bướm ép thoát hồn mơ giấc ngủ.”
Nhà thơ nay không nhắc làm chi nữa, vì nàng thơ nay đã đi rồi, “mưa gió suốt trang thơ.” Nhưng nhà Đạo, lại cứ nhắc lại những chuyện tương tự truyện dụ ngôn hôm nay ở trình thuật, để còn nhớ. Nhớ, mà chuyện trò thân mật với Chúa, hơn là chỉ đòi và hỏi nơi Chúa đủ mọi điều, chẳng thiết thực.     
           
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh – Mai Tá lược dịch