Sunday 29 June 2014

Lm Vĩnh Sang DCCT : "TA CHỌN NGƯƠI LÀM ÁNH SÁNG MUÔN DÂN"




Sáng nay trong Nhà Nguyện, trong bầu khí thinh lặng riêng tư của mỗi người với Chúa, không gian bên ngoài lặng ngắt, không một âm thanh nào đã thức giấc làm chia trí chia lòng. Bỗng một tiếng nói nhỏ bên tai tôi, giật mình mở mắt, tôi nhận ra một cha già đáng kính. Ngài nói nhỏ vào tai tôi: “Mừng ngày kỷ niệm thụ phong Linh Mục của cha”. Tôi lắp bắp cám ơn ngài trong niềm xúc động nao lòng.
Trong lịch Tỉnh Dòng, mỗi ngày đều ghi kỷ niệm của anh em, sinh nhật, bổn mạng, ngày giỗ cha mẹ anh em, có thế thôi, không ghi ngày khấn cũng như ngày thụ phong Linh Mục. Cha già đáng kính đã rất tinh tế, ngài nhớ ngày thụ phong của tôi để chia sẻ bằng một lời chúc mừng ngắn ngủi, chân thành và đầy tình nghĩa..
Ngày thụ phong sứ vụ Linh Mục của tôi là ngày không thể nhớ, vì tôi chịu chức âm thầm, không ai biết. Ngày ấy khó khăn hết sức, con đường đến Linh Mục đối với anh em chúng tôi hoàn toàn tắc nghẽn, người ta tìm mọi cách ngăn cấm, sau đợt thụ phong vội vã vào những ngày sau năm 75, chúng tôi bị dừng lại hết, con đường tương lai coi như vô vọng !
15 năm sau ( năm 1990 ), bề trên gọi tôi hỏi: “Anh có chấp nhận chịu chức âm thầm và chấp nhận tù tội vì việc này không ?” Tôi sẵn sàng chấp nhận. Chấp nhận hoàn cảnh ấy là chấp nhận mọi hệ lụy của nó. Tôi rời Tu Viện vào buổi sáng tinh mơ, một mình âm thầm, lặng lẽ đặt chân trên những cánh hoa dầu thơm mùi nồng nàn tươi mới, rồi vài ngày sau trở lại căn phòng cũ của mình, nằm dài trong phòng mở to mắt nhìn lên trần nhà… “Mình là Linh Mục rồi sao ?”
Mỗi sáng vẫn dậy sớm, vẫn vào Nhà Nguyện, vẫn trong bộ áo Dòng, vẫn đứng trong ghế của mình, vẫn cất kinh nguyện, vẫn hòa cùng câu hát, vẫn lặng lẽ rước lễ, vẫn âm thầm cám ơn, và vẫn nhẹ nhàng trở về phòng. Không khác gì cả, nhiều ngày trước vẫn vậy, một chuyến đi xa trở vể vẫn vậy, nhưng mình là Linh Mục rồi sao ?
Rồi những năm tháng theo sau đầy sóng gió, chúng tôi bảo nhau kiên định để vượt qua, dòng đời đổi thay, những người công an xưa quát nạt chúng tôi, hạch hỏi đủ điều nhằm buộc chúng tôi nhận tội trước pháp luật, nay họ chuyển ngành, có những người hoàn cảnh đưa đẩy đến gặp chúng tôi, họ thẹn thùng ấp úng xin chúng tôi giúp, vì nay chính họ hoặc người thân của họ đang cần gia nhập đạo hoặc cử hành hôn phối.
Có người công an năm xưa gây ấn tượng cho tôi nhất, anh ta ném mạnh khẩu súng lên mặt bàn khi tra hỏi tôi, hình như có ý làm tôi khiếp sợ. Anh hỏi tôi: “Ai truyền chức cho anh ?” Tôi trả lời: “Tôi không nói vì tôi cam kết với người ấy là không bao giờ nói”. Anh ta tức giận: “Vào đây rồi mà còn không nói hở ? Nói mau ! Khai ra mau !” Tôi trả lời: “Lương tâm không cho phép tôi nói”. Anh ta quát lớn: “Vô đây mà còn nói lương tâm hả ?” Tôi đưa mắt nhìn anh ta hỏi lại nhỏ nhẹ: “Vậy chứ ở đây không có lương tâm sao ?” Anh ta khựng lại vì biết đã bị hố to…
Nhiều năm sau anh anh bỏ ngành ra làm kinh tế, đi tìm tôi nhờ lo cho hai đứa em trai của anh liên tiếp được học đạo, theo dạo và nhận Bí Tích Hôn Phối với người bên đạo. Một lần nọ, trên đường về quê đãi họ hàng nhân dịp anh nhận chức trưởng phòng vật tư của một công ty lớn làm ăn phát đạt, xe anh bị tai nạn, mọi người trên xe đều say khướt nên không ai chết, chỉ mình anh còn tỉnh đôi chút, bò lên mặt đường ban đêm nên bị xe khác đi qua vô tình… cán chết !
Hoàn cảnh khó khăn thật, chức Linh Mục của Hội Thánh thời buổi này, muốn trao hoặc nhận lại phải xin phép nhà cầm quyền, y như thể nhà cầm quyền nắm giữ chức Linh Mục, họ muốn cho ai là quyền của họ ?!? Cái vô lý ấy cứ thế tồn tại mãi một cách thản nhiên vô tư ! Thế rồi cách đây không lâu, chúng ta có văn bản của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đúc Cha Tổng Thư Ký đã gởi đến các Giáo Phận, các Dòng Tu bản “minh định về thủ tục phong chức”, qua văn bản đó chúng ta thấy quyền phong chức là quyền của Hội Thánh chứ không phải quyền của bất kỳ thế chế xã hội nào.
Qua các câu chuyện trong Kinh Thánh, việc chọn ai và sai đi làm việc gì là quyền chọn lựa của Thiên Chúa. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và sai anh em đi”. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế, chúng ta tin Chúa, theo Chúa hay tin ai, theo ai ? Câu hỏi vẫn còn rất hiện thực hôm nay.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.6.2014

Saturday 28 June 2014

“Đàn Nguyệt Dạ hương đêm bay lạc,”



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 mùa Thường niên năm A 06.7.2014

“Đàn Nguyệt Dạ hương đêm bay lạc,”
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?”
(Dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)
Mt 11: 25-30
            Nhà thơ đã thấy buồn, vì những chuyện cỏn con, còn vương vấn. Nhà Đạo vẫn cứ vui, dù có trở về với sự thể thông thường của mùa nguyện cầu, rất quanh năm.
            Trình thuật đọc vào các ngày lễ quanh năm, được thánh Mát-thêu ghi lại chuyện thường-tình ở chốn dân-gian tình thường. Chuyện tình thường, mà dân thường trong Đạo vẫn thường nói, lại là những chuyện cỏn con mà ta gọi là chuện của “”, về “”. “Nó” đây, là: sự việc bình thường nhưng không tầm-thường hoặc bất-thường vì có liên-quan đến sự sống của con người, cả người đi Đạo, cũng thế.
            Chuyện thường-tình mọi người nói đến, đôi lúc mang ý-nghĩa chỉ như “sự thể” hay “sự việc” hoặc “công chuyện” dùng thay cho “”. Tỉ như, khi người người chào hỏi nhau: “Mọi việc nay ra sao?” “công chuyện độ này thế nào?” tức: cũng để nói lên cùng một sự việc rất bình-thường, theo kiểu “một ngày như mọi ngày”, hoặc ngày nào cũng như nhau”, mà thôi.
            Về sự việc thông-thường hoặc bình-thường ở đời, nhiều người lại chỉ thích nói về sự sống. Như hỏi rằng: “Cuộc sống anh/chị độ rày đã khá, chứ hả?” “Có tất bật, cật lực lắm không?” “Chớ có mà chào thua đấy nhé!”, “Hãy tin vào cuộc sống, rồi ra sẽ khá”, vv… Vậy thì, cuộc sống hay SỰ SỐNG có nghĩa gì? Nội chữ “Sống”, có nói lên điều gì không?
            Nay, là lúc ta vào với mùa lễ thường-niên để nói lên vài điều về những gì mình gọi đó bằng chữ “” rất gọn nhẹ; hoặc về “sự việc”, “công chuyện”, về “cuộc sống” hay “sự sống”, mỗi thế thôi. Sở dĩ, ta cần làm thế, vì: trình-thuật hôm nay thánh Mát-thêu tìm cách kể cho ta nghe đôi điều giống như thế.
            Vâng, dù chỉ là đôi điều tầm-thường về “sự việc” hoặc “sự thể” đơn giản chỉ nói về “” hoặc “cái đó” thôi cũng là điều tốt, bởi Thiên-Chúa tạo-dựng theo cách như thể để cho ta và Ngài chúc lành cho tất cả, bằng cả đặc-tính tích-cực của Ngài, nữa. Quả là, Thiên-Chúa vui-thích những thứ “đó” và Ngài muốn ta cũng vui-hưởng mọi điều ở trong “đó”. Theo cách này, ta sẽ cảm-nghiệm rằng: ta đang thực-sự triển-nở và đó chính là ý-định của Thiên-Chúa đối với ta, để ta sống.
            Thật thế sao?
            Thật ra, thánh Mát-thêu biết rằng: có những điều và nhiều điểm không được tốt cho lắm, nhiều lúc còn tồi tệ nữa là đằng khác. Và, cũng có sự việc thật cũng đáng chán như chiếc máy rửa chén. Mọi người đều biết thế, nên vẫn chấp-nhận sống với “”. Thế nhưng, thánh-sử Mát-thêu lại để Đức Giêsu kể huỵch-toẹt cho ta biết rằng: ngay vào lúc và nơi chốn có sự thể đáng chán ngán, lại thấy nảy-sinh những khoảnh-khắc rất đáng yêu. Thành thử, ta cũng nên tìm-hiểu xem để biết “nó” như thế nào, mà cảm-kích và vui-thích rồi cảm-tạ ơn Chúa về những thứ Ngài ban cho ta.
            Đọc Tin Mừng thánh Mát-thêu viết, đôi lúc ta vẫn thấy ra như tác-giả cũng rất thích âm-nhạc. Thánh-nhân từng viết về thứ âm-nhạc rền-vang lời vãn-than, trổi lên cùng lúc với nhạc nền của cuộc đời ta đang sống. Và, thánh-nhân lại nhấn mạnh rằng, cùng với Đức Giêsu, vẫn xảy đến các khoảnh-khắc đích-thực có loại nhạc rất trữ-tình. Đó là lúc ta nghiệm ra thế nào là đến với người khác, hăng say/tử-tế, chữa lành nhiều việc. Và Thiên-Chúa vẫn luôn có mặt để hỗ-trợ ta. Và, khi hoạt-động hăng say/năng-nổ, thì đó là lúc ta quên hết những gì đáng chán ở phần nền.
            Thế đó, “” mới hay. Thế đó, là “sự việc” rất tuyệt-vời. Thế thì, cuộc sống mới đáng sống. Và, Thiên-Chúa cũng thế. Ngài cũng giống như ta, nghĩa là Ngài rất phấn-kích khi ta vui sống. Và, ta vẫn đang sống với và sống cùng Ngài, theo kiểu ấy.
            Ở Tin Mừng ta đọc hôm nay, thánh Mát-thêu viết về bốn thứ nhạc tuyêt-vời nơi Đức Giêsu.
            Thứ nhất, Chúa nói đến nhạc-điệu an-vui trong đó có: người mù được thấy, người què đi được, người phung được sạch, người điếc nghe được, và người nghèo đói/ thấp hèn được nghe/biết Tin Vui An Bình. Đức Giêsu mừng kính sự sống giống như thế, ở Galilê. Đó là thứ âm-nhạc tuyệt-cú ta gặp được nơi “sự việc” yêu thương người nghèo-khó, có nhu-cầu.
            Loại nhạc thứ hai, Chúa có thưa: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn-ngoan thông-thái biết những điều này, nhưng lại mặc-khải cho những người bé-mọn” (Mt 11: 25). Xem thế thì, Đức Giêsu mừng kính sự sống an-lạc cho người bình-thường sống bên dưới những người mà chẳng ai đoái-hoài nhìn ngó, ngoại trừ Chúa. Chúa cũng nói: cuộc sống, thật ra là làn gió mát cho những người như thế, cả khi bị các cấp ở bên trên đối-xử với mình thật không phải. Và, họ nhận ra sự tử-tế, giống Chúa, nằm khuất ở bên dưới, mọi “sự việc”.
            Loại nhạc thứ ba, là khi Chúa bảo: “Những ai đang vất-vả mang gánh nặng-nề hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ-ngơi, bồi dưỡng” (Mt 11: 28). Nói thế, tức là: Ngài rất bén-nhạy cảm-thông với mọi người và tạo cho họ khả-năng sống cuộc-sống của chính mình, cho thật sống. Chúa mừng kính sự tốt-lành Ngài tạo ban cho những người vẫn lây-lất kéo dài cuộc đời từ ngày này qua tháng nọ, nhưng không chán: bởi nơi đó, có giòng nhạc xuất-phát từ nhạc-bản tươi-vui, an-hoà.
            Và giòng nhạc cuối, có Chúa nói: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền-hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ-ngơi, bồi-dưỡng. Vì ách tôi êm-ái, và gánh tôi nhẹ-nhàng" (Mt 11: 29-30). Nói thế, còn có nghĩa: Chúa trân-trọng mừng sự gần-cận với những ai cùng mang “ách” dịu-hiền của Ngài. Mọi người sẽ thấy được niềm an-vui trong tháng ngày dài cuộc đời gặp đầy phiền-toái, oan khiên.
            Vâng. Chính thế. Giữa giòng nhạc tươi-vui/êm-đềm, Lời Chúa nói, vẫn có tiếng trống làm nền cho thứ âm-nhạc dịu-nhẹ, hoà-vang, êm-ái. Những người cùng khổ/cật-lực cần được ta đến cảm-kích niềm vui chung. Và, mỗi khi ai đó trổi nhạc vui rồi múa nhảy, hẳn cũng có những người không buồn dời gót ngọc để chung vui với người đó. Một số người sống như thế, cũng chẳng buồn đáp-ứng lại giòng nhạc buồn vào buổi tiễn-đưa người quá-cố, nữa.
            Lại có người, vẫn cứ chê-bai chỉ-trích ta, là những người dễ kích-động khi khám-phá ra rằng: cuộc sống cũng tốt đẹp như khi Đức Giêsu và tác-giả Tin Mừng thánh Mát-thêu từng công-nhận như thế. Ta cứ đặt để những lời như thế vào hậu-trường cuộc sống sẽ rất mừng, là: những điều như thế chỉ xuất-hiện ở hậu-trường, mà thôi. Vì, sự thể an-vui/tươi-tắn thực ra ở đâu đó, và những người như thế cũng chẳng thể nào lấy khỏi nơi ta niềm an vui, hài-hoà được.            
            Đến đây, tưởng cũng nên nói thêm, rằng: khi ta bảo: trong đời, có những sự và những việc vẫn suy-tưởng về Chúa và với Chúa. Tựa hồ như, khi Đức Giêsu trả lời câu hỏi “ai đó” của thánh Phêrô những tưởng Ngài là “ma trơi”, thì Ngài nói: “Đó là tôi!” Và, khi ta thưa với Chúa: Có những sự và những việc con muốn sẻ-san với Ngài, ôi lạy Chúa!, là có ý nói: ta cũng sẻ-san những sự và những việc rất tầm-thường với Đức Chúa.
            Thế nên, khi ta nói: cuộc sống có nghĩ về Thần-Tính-An-Vui, là Thánh Thần đem lại sự sống tràn đầy, đến cho ta, là ta hỏi: Chúa nay thế nào rồi? Sự việc Chúa đến với ta, rày ra sao?  Thì đó là lúc ta nên vui-hưởng cuộc sống tràn đầy Đức Kitô. Cuộc sống rất “Kitô”, là như thế.
            Cuối cùng thì, thánh Mát-thêu thấy những “chuyện” và “sự việc” bình-thường và tầm-thường như thế nơi sự việc đơn-giản của những người sống rất giản-đơn/bình-thường, ở trong đời. Và, tinh-thần của Tin Mừng hôm nay, thánh-sử Mát-thêu lại đem đến cho ta thứ tình vui sống từ những người bình-thường rất tầm-thường, ở trong đời.
            Và Chúa đến, như lời thánh-sử Gioan từng viết, là để những người bình thường và tầm-thường có được cuộc sống tràn đầy. Đầy tình-thương từ nơi Chúa, cũng giản-đơn như họ, thôi.
            Trong cảm-nghiệm “sực việc” tầm-thường ở cuộc sống bình-thường, ta lại ngâm lên lời thơ rất thong-thường mà hát, rằng:         
                       
            “Đàn Nguyệt Dạ hương đêm bay lạc,”
            Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?”
            Phép gì khỏi nhớ đừng trông,
            Mắt em bỏ túi, vắng lòng đêm soi.”
            (Lưu Trọng Lư – Đôi Mắt)
           
            Mắt nhà thơ, tưởng chừng như không-thường là thế. Không nhớ, cũng chẳng trông những “vắng lòng đêm soi”. Nhưng, mắt nhà Đạo nay vẫn nhìn về Đức Chúa rất ngóng trông. Trông ngóng, mọi người sống cuộc sống bình-thường nhưng vẫn vui-tươi với mọi người. Chí ít, là những người bình-dị thân-thương sống ở đời, suốt một đời. 
           
            Lm Kevin O’Shea CSsR
            Mai Tá lược dịch.

Saturday 21 June 2014

lô năm A 29.6.2014 “Ca những điệu ngọc vàng, cao sang sảng,”



Suy tư Tin Mừng đọc trong tuần sau lễ Thánh Phêrô & Paolô năm A 29.6.2014

“Ca những điệu ngọc vàng, cao sang sảng,”
“Lời văng xa, truyền nhiễm đến vô song.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mt 16: 13-19

            Điệu ngọc vàng, nhà thơ đã ca lên, vẫn vang rền những điều truyền nhiễm đến vô song, đầy huyền-nhiệm. Giọng trân-châu, nhà Đạo còn hát mãi đi vào hạo-nhiên lồng-lộng Nước trời, nhiều phấn-kích.
            Bài đọc ngày lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, tập-trung tiếng hát vô song, huyền-nhiệm có Đức Chúa ở cùng, nhiều ân-sủng. Ân-sủng Chúa ban, đã giúp đỡ các ngài trở-thành đấng thánh trụ-cột duy-trì thánh Hội, rất nhiều thời.      
            Thánh Phêrô và Phaolô đều có điểm đặc biệt: vừa giống nhau lại vừa khác-biệt, rất chân-chất. Hai thánh giống nhau ở điểm: cả hai đều là người Do-thái nhiệt-thành, xuất chúng. Trong khi thánh Phêrô, xuất thân từ làng chài bình dị ở Galilê, học hành không nhiều nhưng cung-cách rất riêng tư, khi hành-xử. Còn thánh Phaolô, là vị thánh có quốc-tịch Rôma, từng xuất thân từ trường lớp rất La Mã, nhưng thuộc thế-giới Do-thái hạnh-đạo.    
            Thánh Phêrô từng dẫn dắt những người theo Chúa Giêsu, nên biết Ngài rất rõ. Còn thánh Phaolô chỉ gặp gỡ Ngài trong thoáng chốc trên đường đi Đa-mát nhưng lại thông-hiểu Chúa Sống lại, hơn ai hết. Thánh Phêrô là con người bồng-bột, giản-dị phạm nhiều sai sót. Trong khi thánh Phaolô thì tính-khí phức-tạp, không dễ gì làm hoà được với nhiều người.
            Do có khác-biệt về tính-khí, nên hai thánh đã hiểu lầm, xung-đột và bất đồng chánh-kiến, rất nhiều lần. Tuy thế, các ngài vẫn luôn gắn bó tình mến-thương cùng một Thày Chí Thánh cả vào khi chấp-nhận cái chết cho lòng Đạo Thày răn dạy. Điểm son ấy, lại cũng xuất từ tính giản-đơn và kết-hiệp nơi Đức Kitô, Đấng thiếu vắng tính cao-siêu, phức-tạp. Nét đẹp sáng-tạo là do sự bất-đồng nhưng lại hài-hoà từ sự khác-biệt của các yếu-tố tạo-thành.
            Gương lành dị-biệt giữa tín-hữu thời tiên-khởi và đặc biệt giữa thánh Phêrô và Phaolô là lời mời gọi Hội-thánh cũng như mỗi người trong ta hãy tôn-trọng sự đa-dạng nơi lập-trường/quan-điểm, sức bén nhạy và phong-phú nơi nét đặc sắc khác-biệt ấy.
            Bài đọc 1, sách Công Vụ cho thấy bầu khí vui tươi ban đầu khi thánh Phêrô sử-dụng quyền-bính với đồ-đệ và người theo Chúa, sau ngày Ngài khuất vãn. Cộng-đoàn khi ấy đều đã kết-hiệp nguyện-cầu ở phòng kín, có cửa đóng then cài. Lúc ấy, duy chỉ mỗi thánh Phêrô vắng mặt vì bị giam-giữ. Nhưng rồi, thánh-nhân thoát ngục cách lạ kỳ như chuyện trinh-thám. Ra tù, là chuyện dễ. Nhưng vào với cộng-đoàn Hội-thánh lại không thế. Bởi, thánh Phêrô là loại người có cung-cách diệu-kỳ luôn thu hút mọi người cả những chuyện không đâu lẫn việc đón-nhận ân-huệ mới, giống con trẻ.
            Bài đọc 2, diễn-lộ đoạn cuối công-trình hoạt-động của thánh Phaolô, khi ấy xem chừng cũng đã mỏi mệt, già đi với mộng ước thường có, tính-khí cũng phức-tạp bởi cứ than-phiền là mọi người như thánh Máccô và Barnaba hằng lánh thân để thánh-nhân lại một mình, trơ trọi. Nhưng niềm tin ngài có vào Đức Kitô vẫn không hề chuyển lay và thánh-nhân cũng duy-trì niềm tin sắt-son cho đến chết như thánh Phêrô.
            Trình thuật thánh Mát-thêu đưa ta về lại với lời tuyên-tín của thánh Phêrô và sứ-vụ Chúa giao trong đó có trọng trách dẫn dắt thánh hội. Lời thánh Phêrô tuyên xưng là câu đáp-trả khi Đức Giêsu hỏi mãi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" một câu hỏi đượm tính mật-thiết đặt nặng lên từ-vựng “bảo”. Bảo đây, tức nói lên niềm-tin vào Thày mình là “Đức Kitô, Con Thiên-Chúa hằng sống.”       
            Niềm tin, thật ra không chỉ là động-thái nội tại nơi tâm can, cũng không chỉ là nhận-định mang tính thiêng-liêng, tinh thần. Nhưng vẫn cần nói ra bằng lời nói cũng như hành-động. Bằng ngôn-ngữ riêng-tư, bình dị, của chính ngài thánh Phêrô tuyên-xưng thiên-tính của Đức Giêsu, Thày mình.
            Điều đó có nghĩa: Thày chính là Đấng Thiên-Sai. Là, Con Một của Thiên Chúa hằng sống. Và về sau, thánh-nhân còn tuyên-tín như thế cũng rất dài bằng những tháng ngày cuộc sống dẫn đến cả nỗi chết, cũng vì Thày. Tất cả, đều là sự nối dài, nới rộng của lời tuyên-tín rất đáng tin được thánh-nhân phát nên lời.
            Hệt như thế, thánh Hội là cộng-đoàn gồm những người, những vị từng lĩnh-nhận thông-điệp về Đức Kitô nơi lời lẽ rất đáng tin của thánh Phêrô. Lời lẽ ấy, là cung-cách khiến thánh cả tuyên-xưng Thày mình đích-thị là Ai, Đấng nào.
             Mỗi người chúng ta, là thành-viên cũng như cơ-phận của thánh Hội do Thày Giêsu đặt để, cũng phải biết đáp trả câu hỏi của Đức Giêsu Thày Chí Ái như thánh Phêrô từng làm. Nói bằng lời, là cung-cách giúp ta khẳng-định được niềm tin mình vẫn có xưa nay. Nói bằng lời hay hành-động, còn là chuyển-dịch những lời lẽ ấy vào cuộc sống biết phục-vụ người khác. Là, chuyển-ngữ Lời Chúa thành sự việc rất hiện-thực, trong đời mình.
            Hôm nay đây, hai cột-trụ của thánh hội là thánh Phêrô, đại diện cho 12 vị đồ-đệ được Đức Giêsu mời gọi vào thời ấy, và cột-trụ kia là thánh Phaolô là đấng bậc đầu tiên đến với Chúa cũng khá trễ nhưng được gọi để trở thành nhân-chứng cho những gì Đức Giêsu từng làm.
            Giống như hai thánh cả là cột-trụ của Hội thánh, mọi người chúng ta cũng được mời gọi ra đi tuyên-xưng và rao truyền Tin Mừng bằng cách sống thực Lời Lẽ của Ngài. Ra đi loan báo Tin Vui cho mọi người, bằng cung-cách sống-thực điều mình rao báo.
            Nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Ta còn được mời gọi rao truyền bằng lời lẽ, tuyên-xưng niềm tin mỗi ngày và mọi ngày trong đời mình ngang qua phụng-vụ và lời nguyện cầu, dâng lên Chúa. Ta làm nhiều hơn thế trong lời ca chúc tụng ngợi khen, ngang qua Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa, là Chúa chúng ta. Nhiều vị, lại cũng được kêu mời bằng lời rao giảng, hoặc diễn-giải Lời của Chúa, rất hăng say.
            Làm cách nào cũng là làm, nhưng điều quan-trọng là nối-kết lời lẽ mình diễn-giải hoặc rao truyền vào với cuộc sống đích-thực hằng ngày. Và, vào với hy-vọng rằng Đức Giêsu sẽ đáp-trả lời ta tuyên-xưng Ngài bằng cách cũng tuyên-dương cảm kích mối thịnh-tình của ta trước Thiên-Chúa-là-Cha Ngài.
            Trong tinh-thần phấn-kích quyết tuyên-xưng, ta lại về với lời thơ những ngâm rằng:
           
             “Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng,
            Lời văng xa truyền nhiễm đến vô song.
            Bầu hạo-nhiên lồng lộng một màu trong,
            Không rung động bởi tơ huyền náo nức.”
            (Hàn Mặc Tử - Ngoài Vũ Trụ)

            Ca vang điệu ngọc cao sang sảng, lại cũng là và mãi mãi là tuyên-xưng niềm tin ta có với Chúa không chỉ bằng lời mà thôi. Nhưng, bằng cả cuộc đời hăng say, cảm-kích rất phấn-chấn được làm con và là đồ đệ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, rất như thế. Mãi một đời.
 
            Viện phụ Armand Vielleux, OCSO (Scourmont, Bỉ) trước tác.
            Mai Tá lược dịch bản tiếng Anh
            do Lm Kevin O’Shea CSsR dịch từ tiếng Pháp.