Sunday 26 July 2009

“Ngươi giam chí khí, vòng cơm áo”


“Ngươi giam chí khí, vòng cơm áo”

Ta trói thân vào lụy nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Ga 6: 24-35

Giam gì không giam, giam chí khí nơi vòng cơm áo, người làm thế sao người? Trói gì không trói, trói thân vào luỵ nước mây. Ai biết thương nhau, từ buổi trước. Thương trước thương sau, tình tự trói, Chúa tỏ hiện. Cho mình? Cho mọi người? Như đã được diễn tả ở trình thuật, mãi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an ghi lại lời Chúa dặn sau buổi nhân rộng, những bánh và cá. Lời Chúa dặn, nay đà thấy rõ: “Thật, tôi bảo thật. Các ông tìm tôi chẳng phải vì các ông thấy dấu lạ, nhưng vì được ăn bánh no nê.” (Ga 6: 27)

Ban rộng bánh và cá, cho hơn 5,000 người, không chỉ là sự lạ Chúa làm. Nhưng, việc này mang ý nghĩa sâu sắc, mà thánh Gio-an gọi là “dấu chỉ”. Sâu sắc một dấu chỉ, là ở điểm: Đức Giêsu, qua chấp nhận thân phận làm người, Ngài đã tỏ lộ việc Thiên Chúa có mặt ở với thế gian. Có mặt, Ngài lại nuôi dưỡng con người cả hồn lẫn xác, nữa.

Dấu lạ Ngài biểu tỏ, là lời:“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi chính Con Người là Đấng Chúa Cha đã xác nhận." Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? " Và, Ngài trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6: 27-28)

Rõ ràng, dân con mọi người hôm ấy, chỉ muốn Ngài tặng ban điều mình thích, mà thôi. Nhưng, Chúa hiện diện sống với thế gian, đâu phải để cung cấp của cải dư dật, tách bạch khỏi mọi khó khăn, của cuộc sống. Không. Điều cần, là tin VÀO Chúa, Đấng Tạo Dựng nên mọi sự.

Nhưng, làm thế nào để tin VÀO Chúa? Quả thật, luôn có khác biệt giữa việc tin ai và tin VÀO điều gì. Khi tin ai, mình chấp nhận điều người ấy nói, là đúng. Nhưng, điều người ấy nói, chẳng liên quan gì đến riêng ta, mỗi một mình. Như câu của ai đó:“Hôm rồi, Sàigòn mưa to đến ngập đường/ngập cống”. Vậy thì sao? Chuyện như thế, nào có liên can gì đến tôi? Tựa như thế, ta có thể tin tưởng điều mà Kinh Sách, Hội thánh và Đức Chúa nói, đều rất đúng. Ta đều nằm lòng, từ nhỏ.

Nhưng, khi bảo: ta VÀO ai/vào điều gì, thì khác. Khác ở chỗ: ta xả thân, theo cách thức nào đó, cho người khác. Tức là, ta tin người ấy sẽ đùm bọc/chăm sóc hoặc kính trọng chính mình ta. Kính trọng, nên không lừa dối. Nhưng, sẽ ở cạnh bên. Tin và kính, như người nam người nữ khi thành vợ thành chồng, đều tin tưởng và tôn kính lẫn nhau. Nếu không, mọi người sẽ lo ngại cho tương lai của vợ chồng ấy.

Còn bảo, tin VÀO Đức Giêsu, là đem cả mạng sống của mình trao hết cho Ngài. Là, biết nghe theo lời Kinh Thánh, chấp nhận lối sống mà Thánh Kinh đưa ra. Ta không chỉ tin những gì Kinh Thánh nói, là đúng thật. Nhưng, còn tin rằng Kinh Thánh là nền tảng. Là, trọng tâm cuộc sống của ta, nữa.

Chừng như, chúng dân hôm ấy chưa nhận ra được điều Chúa nói với họ. Hoặc, dù có nhận ra, họ cũng không tài nào chấp nhận, tin vào Ngài thế. Bởi thế, họ quay sang hỏi câu khác. Thực tế cuộc đời, đôi lúc ta cũng xử sự hệt như thế. Xử sự, như một thách thức hỏi rằng: thông điệp Chúa gửi cho mọi người vào buổi ấy, vẫn là: Giáo huấn của Hội thánh về thứ tha đấy chứ?

Phản ứng của dân chúng về điều Chúa làm hôm ấy, không phải để có thêm thông tin về những dấu lạ. Hoặc để bảo rằng: thông tin họ có, không chính xác cho lắm. Nhưng, chỉ là phản ứng muốn đi trệch đề tài Chúa muốn dạy. Thế thôi.

Vì thế, chúng dân mới hỏi: “Chính ông, có làm được điều gì lạ để chúng tôi thấy mà tin không?” (Ga 6: 31) Nói cách khác, họ chỉ muốn bảo rằng: Tại sao chúng tôi lại cứ phải tin VÀO ông? Ông cứ đưa bằng chứng cụ thể đi. Có nó, bọn tôi mới tin vào ông! Thật ra, chẳng bao giờ con người có thể hoàn thành được mọi chuyện, bằng vào dấu chỉ Chúa ban. Chí ít, là những người không thể thấy được ý nghĩa của “dấu lạ”; hoặc, không muốn tin vào điều Chúa nói, qua dấu lạ, thì mọi chuyện chẳng làm sao xảy ra, theo ý họ, được.

Và, họ dẫn chứng đủ mọi lý lẽ có từ thời Môsê, để nói rằng:“Tổ tiên chúng tôi đã phải ăn man-na trong sa mạc.” (Ga 6: 31) Như thể muốn nói rằng: chỉ bằng vào các dấu lạ, chúng tôi mới có thể tin, như tin vào Môsê vậy. Vì thế, Chúa nói ngay:“Thật, tôi bảo các ông, không phải Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời, mà chính Cha Tôi cho các ông ăn bánh ấy. Bánh đích thực. Vì bánh Ngài ban, là bánh từ trời xuống. Bánh, đem lại sự sống cho thế gian." (Ga 6: 32)

Khi ấy, họ thưa ngay:“Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn bánh ấy mãi." (Ga 6: 35) Thật sự, thì họ đã lầm. Lầm, vì cứ nghĩ về của ăn vật chất. Lầm, cả khi thấy dấu lạ về bánh và cá được nhân rộng. Lầm, vì chỉ hiểu sự việc Chúa làm, theo nghĩa đen. Cũng giống như truyện người nữ phụ bên giếng, chỉ muốn được uống nước “hằng sống”, Chúa ban thôi. Chừng như, mọi người ai cũng muốn được cung cấp của ăn/thức uống không bao giờ cạn. Để, khỏi nhọc công tìm kiếm. Có thế thôi.

Cuối cùng, cũng nhờ vậy mà ta có được sự thật: “Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề đói. Ai tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ!” (Ga 6: 35) Khẳng định của Chúa cho thấy: Ngài đích thực là man-na, bánh bởi trời. Bởi, chính Ngài là dấu chỉ, cho mọi người tìm đến mà tin vào Ngài.

Khi Chúa nói: Ngài là Bánh Sự Sống, ta thường liên tưởng đến Tiệc Thánh Thể. Nhưng điều Chúa nói, lại bao quát hơn. Khi nói: Ta là Bánh Sự Sống, điều này trước nhất, có ý bảo: Ngài là nguồn cội của sự sống, rất tràn đầy. Và, theo chân Chúa, ta sẽ có kinh nghiệm về cuộc sống tràn đầy sự thật. Tràn đầy tình thân thương. Công bằng. Tự do, và an bình.

Nhờ Ngài, ta sẽ “đầy tính người”. “Đầy sự sống.” Nhờ Ngài, ta không chỉ trở thành người mà thôi. Nhưng còn trở thành người-có-nội-tâm. Có tương quan. Rất lớn. Nói cách khác, ta sẽ có tương quan tốt đẹp. Với nhau. Với người quanh ta. Với mọi người ở khắp nơi. Trên thế giới.

Có người hỏi rằng: Chúa dưỡng nuôi ta thế nào? Sao Ngài là Bánh Sự Sống của ta? Cho ta?

Để trả lời, hãy xem xét từ Kinh Sách. Bởi, Kinh thánh là Giao ước của Do Thái và người Công Giáo. Ta vẫn biết, Lời Chúa thực sự là của ăn. Đích thật. Vì thế, ta cần hiểu biết Kinh thánh. Cần gần gũi Lời Chúa, cách mật thiết. Thánh Giêrônimô có nói:“Không biết Kinh Thánh, là chẳng biết Chúa.” Không biết Chúa, làm sao trở thành môn đệ của Chúa, được?

Hội thánh vẫn nuôi dưỡng ta. Qua Giáo xứ, cộng đoàn. Bằng vào phong trào/nhóm hội, ban ngành, ở giáo xứ. Tất cả, đều giùm giúp hỗ trợ mỗi khi ta cần, hoặc thiếu thốn điều gì.

Cuối cùng thì, sách vở, phim ảnh, truyền thanh/truyền hình, hoặc bất cứ ai, kinh nghiệm nào cũng đều có thể giúp ta hiểu rõ ý nghĩa của sự sống. Hiểu, Chúa là Bánh Sự Sống. Hiểu, các dấu chỉ của Tiệc Lòng Mến. Hiểu rằng, đó là thời gian để ta biết mà cảm tạ Chúa. Cảm tạ đặc biệt, vì Ngài vẫn hằng chăm nom/săn sóc mọi người chúng ta.

Thêm vào đó, khi sẻ san Bánh Sự Sống nơi Tiệc Thánh, ta còn biết cảm tạ Chúa. Cảm tạ Ngài, vì bất cứ nơi đâu. Bất cứ khi nào, Ngài cũng đều nuôi ta. Ngài nuôi ta, để rồi ta biết đuờng mà sẻ san với người khác. Mọi người chung quanh.

Là Kitô hữu và là thành phần của Thân Mình Chúa, ta còn là Bánh Sự Sống cho hết mọi người. Ta còn có trách nhiệm giùm giúp hết mọi người. Tập hợp mà dưỡng nuôi. Hỗ trợ và an ủi họ. Để họ có được cuộc sống đầy tràn. Ngõ hầu, kiến tạo sự vinh quang của Chúa. Tiệc thánh ta cử hành, đều nói về Chúa, Đấng giúp ta trở nên lành và thánh, là như thế.

Trong xác tín đó, ta hân hoan cùng với mọi người hát lên lời ca đầy phấn chấn. Hát rằng:

“Kìa cùng đùa vui, trẻ thơ ca hát say đời
dù nghèo mà vui, hỏi ai không hé môi cười
mưa nắng ơn Trời, luống cày thắm đẹp lúa ngời
xóm làng đón mùa chiêm mới
ấm no ấp ủ lòng tôi.” (Trịnh hưng – Tôi yêu)
Trẻ thơ ca hát, say đời. Ấm no ấp ủ, lòng tôi. Là, ý nghĩa của “dấu lạ” Chúa nuôi ta bằng Bánh Sự Sống. Bánh Tình yêu. Thân thương. Ngàn kiếp.
Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Sunday 19 July 2009

“Em lặng lẽ, tháng ngày như thế đó”

Anh thương lắm, đôi bàn tay nho nhỏ Đã làm nên bao chuyện lạ trên đời .
(dẫn từ thơ Võ Văn Trực)
Ga 6: 1-15

Chuyện lạ em làm, đôi tay nào có nhỏ. Việc lạ Chúa tặng ban, trình thuật rày diễn tả đẹp biết bao!
Trình thuật thánh Gio-an diễn tả, là chuyện về dấu lạ Chúa làm cho cả ngàn người. Dấu lạ thánh Mác-cô kể về việc Chúa nhân bản những bánh và cá, ban cho hơn 5 ngàn người, chỉ kể đàn ông. Hai thánh sử Gioan và Mác-cô đều diễn trình công việc Chúa làm, khi Ngài đặt chân lên bờ Biển Hồ Galilê, để nguyện cầu. Biển Hồ hôm ấy, có chúng dân theo chân Ngài, rất đông. Họ bám theo Ngài, để được nghe. Và, được chữa lành.
Ngay từ đầu, thánh Gio-an đã ghi rõ: “Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với môn đệ”. Ở đây thánh sử không có ý chỉ về tư thế, lúc Chúa nguyện cầu. Mà là biểu trưng, thánh sử muốn người đọc gợi nhớ về sự lạ Môsê đem về từ núi thánh. Sự lạ Môsê đem, là Lề Luật Thiên Chúa tặng ban dân Người.
Cũng nói về sự lạ, nhưng vẫn có khác biệt ở hai Đấng. Sự lạ Chúa làm, Ngài không thực hiện theo cung cách của Đấng Trung Gian Cầu Bàu. Nhưng, do tự Ngài. Ngài có quyền năng ban truyền sự lạ, như Gia-vê đã làm, thời Cựu Ước. Sự lạ, được diễn tả ở trình thuật thánh Mác-cô, xem ra có hơi khác.
Thánh Mác-cô, cho thấy Chúa làm dấu lạ cho dân Ngài, trước nhất là để giảng dạy. Với thánh Gio-an, việc Chúa giảng dạy trải dài qua năm tháng, đầy kinh nghiệm. Còn với Môsê, ông lên núi nhận dấu lạ bài sai, chỉ một mình. Sự lạ Chúa làm, Ngài luôn có môn đệ, đi theo. Vì, các môn đệ là những vị luôn hợp tác với Chúa trong công trình cứu độ. Hợp tác, cả vào những tháng ngày, sau Phục Sinh, nữa.
Việc Chúa dạy, không chỉ mỗi thánh Gio-an lo toan phụ trách, nhưng toàn thể đồ đệ Chúa, đều làm. Khi xưa, Môsê đem cho dân, chỉ mỗi lời răn dạy của Gia-vê Thiên Chúa, bằng Lề Luật. Qua Man-na gửi từ trời. Qua Đức Giêsu, Môsê Mới, Thiên Chúa vẫn dưỡng nuôi đoàn dân con đến với Ngài, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an có ghi: “Lễ Vượt Qua của người Do Thái, đã gần kề”. Vượt Qua, là một đại lễ. Vào dịp đó, người Do Thái mừng kính việc Thiên Chúa giải thoát dân con người người, khỏi ách thống trị của Ai Cập. Vượt Qua, còn là dịp thuận để Chúa đưa mọi người về với tự do. Ban tặng họ ân huệ làm “dân con được chọn”. Đại lễ này, có bối cảnh làm nền cho cuộc “Vượt Qua” mới. Có Chúa làm trọng tâm. Có sự thống khổ, Ngài chấp nhận. Chấp nhận cả nỗi chết. Và sống lại, ngõ hầu giải thoát con người, khỏi lỗi lầm. Khỏi mọi lỗi tội gây nên nỗi chết.
Trước khi xảy đến dấu lạ của nỗi chết, Chúa đã tặng ban cho môn đồ -và Hội thánh- dấu lạ cao cả, là cuộc Vượt Qua Mới, của Ngài. Phương cách Chúa làm, là cốt để diễn bày trước, bối cảnh của cuộc Tạ Từ rất thánh thiêng. Lúc ấy, Chúa cũng làm cùng một cử chỉ tương tự:“Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó, mà dùng bữa.” (Ga 6: 11). Trước khi đó, Ngài cũng đã đàm đạo cùng đồ đệ Phi-líp-phê.
Cuộc đàm đạo, nghe qua có vẻ đơn giản. Tưởng chỉ là một bộc bạch của dân thường, coi cuộc sống như chuyện giản đơn. Chân chất. Giản đơn giản, như lời Thầy hỏi: “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn đây?” Và, lời đáp từ đồ đệ của Thầy lại cũng giản đơn. Chân chất. Bộc trực:“Có mua đến hai trăm quan tiền bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người được một chút.” (Ga 6: 7) Một quan tiền, tương đương với tiền công một ngày làm. Cho một người.
Đàm đạo Thày - trò, là để vang vọng cuộc đối thoại giữa Êlisha và Gia-vê Thiên Chúa, nơi bài đọc. Bài đọc 1, ngôn sứ được dạy: hãy dưỡng nuôi hàng trăm dân lành chỉ bằng 20 ổ bánh. Và ngôn sứ cứ hỏi:“Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người?” Câu đáp trả khi ấy, vẫn là:“Con cứ phát cho mọi người ăn.” (2V 4: 43). Ở một đoạn khác, cũng thấy viết:“Hãy cho đi, anh em sẽ được Chúa cho lại. Người sẽ đong lượng đấu đã dằn, đã lắc, đã tràn đầy; rồi đổ vào vạt áo của anh em.” (Lc 6: 38)
Ngay khi đó, thánh An-rê có nói: “Ở đây, có em bé có năm chiếc bánh và hai con cá.” (Ga 6:9) Lời Chúa ở đây, soi dọi lời ngôn sứ Êlisha, trong Cựu Ước:“Chừng nấy, nào đủ cho bấy nhiêu người.” Từ phản ứng này, ta có được diễn trình phụng tự, từ nơi Chúa:“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và phân phát cho mọi người.” (Ga 6:11)
Điểm quan trọng, là: Chúa nuôi mọi người, không từ chốn hư vô. Bất định. Ngài bắt đầu bằng những gì đã có sẵn. Ở đó. Điều Chúa làm, là thực hiện ước vọng của em bé, lúc đó có mặt, đã vui lòng chịu sẻ san cho hết mọi người được ăn no. Sẻ và san, cho cả người dưng khách lạ, chẳng quen biết.
Các nhà chú giải cắt nghĩa “sự lạ” Chúa làm, là lòng độ lượng khởi từ cử chỉ của bé em nhằm khuyến khích mọi người biết sẻ san, những gì mình có. Sẻ và san, cho cả người dưng, khách lạ. Hết mọi người. Làm thế, cần có “sự lạ”, hầu phá bỏ tính vị kỷ của con người. Vị kỷ, là tánh khí chỉ biết lo an toàn, cho riêng mình. An toàn, vì đã có tài khoản, ở ngân hàng. An toàn, vì có vàng bạc/châu báu, phòng thân.
Hành động của bé em trong trình thuật, đã phá đổ tường thành bằng đá, để ta thấy được việc Chúa tặng ban sự sống, thể hiện qua những gì ta có, mà sẻ san. Sẻ và san, cho người nghèo. Những người thiếu dinh dưỡng. Đang chết dần. Chết dần, chẳng phải vì thế giới thiếu thực phẩm. Thiếu, chỉ vì người người phân phát không đều. Thực phẩm vẫn còn đó, rất nhiều. Nhưng khổ nỗi, người người đâu muốn sẻ san, hoặc không quen làm. Khổ, vì phương tiện sản xuất ra của ăn nuôi dưỡng, người nghèo muôn đời vẫn thiếu.
Tiệc thánh ta cử hành, là tiệc tình thương, ta san sẻ. Là cơm bánh, ta sẻ san cho nhau, được thánh hoá để dâng Chúa. Tiệc thánh, là tiệc bẻ bánh ta phân phát cho mọi người, cùng tham dự. Tham dự Tiệc, chỉ có ý nghĩa khi ta có quyết tâm đùm bọc, hết mọi người. Đùm bọc- giùm giúp, suốt cả đời.
Trước khi ăn, mọi người được Chúa bảo hãy ngồi xuống. Ở đây, ta còn biết thêm:“Chỗ ấy có nhiều cỏ.” Đây, là lời vang vọng từ bài Thánh vịnh 23, trong đó ghi:“Gia-vê là Đấng chăn dắt tôi, tôi không còn thiếu thốn gì. Nơi đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nghỉ ngơi.” (Tv 23: 1).
Điều cần nhớ, là: ở Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ được dạy: hãy phát bánh cho mọi người được ăn. Phát bánh, là đem Chúa đến với mọi người. Trình thuật thánh Gio-an diễn tả: chính Chúa đã tự tay phát bánh. Bằng việc này, thánh sử muốn báo trước lời Chúa nói ở một đoạn khác: Ngài là Bánh Sự Sống, đến với thế gian. Ngài đến, ngang qua Lời. Bằng, Mình Máu Ngài nơi Tiệc Thánh. Ở đây, thánh Gio-an còn muốn nhấn mạnh: Chúa là nguồn mạch mọi của ăn, thức uống. Cả về tinh thần, lẫn vật chất.
Cuối cùng, hơn 5000 người được ăn uống no nê. Ê hề. Không những thế, Chúa còn dạy môn đệ thu gom các mảnh thừa còn lại, đừng phí phạm. Hơn 12 xọt thức ăn, còn thừa. Thừa ở đây, không có nghĩa là đồ phế thải. Mà là, dấu hiệu về quà tặng Chúa ban, rất đầy tràn. Hậu hĩnh. Hậu hĩnh, tuỳ nhu cầu mỗi người. Cả về tinh thần, lẫn vật chất. Con số 12, là để chỉ sự đầy đặn. Sung mãn. Rất ứ tràn.
Ở đây nữa, đầy tràn/sung mãn, còn là giòng tư tưởng của thánh Gio-an, khi viết sách Khải Huyền. Ở đây, cũng vang vọng điều mà ngôn sứ Ê-li-sa thắc mắc hỏi mãi: 20 tấm bánh sao đủ chia? Ngay khi ấy, ông được dạy:“Cứ dọn cho mọi người ăn. Vì Chúa phán: Họ ăn no, mà vẫn thừa.” (2V 4: 43)
Phản ứng của đoàn dân con lúc ấy, rất tích cực. Họ coi Chúa như nhân vật siêu phàm đầy quyền uy, nên bảo nhau: “Hẳn Ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến với thế gian!” Và, họ muốn Ngài làm Vua. Làm Đấng Thiên Sai, cho họ. Họ có lý, nhưng đã lầm. Lầm, vì coi việc ấy chỉ như sự lạ về bánh và cá, được nhân rộng. Lầm, vì họ chẳng hiểu gì về ý nghĩa của thông điệp Chúa tặng ban.
Thông điệp Chúa ban, khởi đầu bằng Vương Quốc Nước Trời. Thông điệp, là nhằm đem mọi người về với Cha. Để, Cha nuôi dưỡng bằng của ăn từ tay Đức Giê-su. Và để, người người có cơ hội theo chân Đức Vua của mình. Bởi, chỉ mình Ngài, là Đức Vua duy nhất, dám chấp nhận nỗi chết. Và là, cái chết trên thập tự. Dám, đồng hàng với đám tội phạm. Thấp hèn. Ô nhục.
Vậy, đâu là dấu hiệu cho thấy Chúa vẫn nuôi hết mọi người?
Bài đọc 2, thánh Phaolô khuyên ta sống “sao cho xứng đáng với ơn gọi Chúa ban.” (Êp 4: 1) Có hai dấu hiệu, chỉ về cuộc sống “xứng với ơn gọi Chúa ban”, là:
1. Hỗ trợ nhau. Yêu thương nhau, qua thái độ vô vị kỷ. Hiền lành. Kiên nhẫn. Và thứ tha.
2. Cố gắng duy trì tình đoàn kết, do Thần Khí Chúa đem đến, bằng những tích luỹ hiền hoà. Bởi, ta không là tập hợp gồm các cá vị sống riêng lẻ, chỉ muốn làm vừa lòng Chúa, ngõ hầu lĩnh nhận phần thưởng cho riêng mình. Nhưng, ta được kết hợp để trở thành Thân Mình Chúa. Trở thành cộng đoàn hiệp nhất. Biết yêu thương. Giùm giúp. Tiệc Thánh, là dấu chỉ Thân Mình Ngài. Rất hiệp nhất. Ngài là Bánh Sự Sống. Là, của ăn nuôi dưỡng mọi người. Bằng mọi cách. Ở đây. Bây giờ.
Trong chiều hướng ấy, ta cất tiếng lên mà hát. Hát lời tươi vui, đầm ấm. Ấm tình cộng đoàn:
“Nhớ phút vui vầy, tình thương chan chứa vô biên.
Ấm cúng gia đình, là lửa sáng chiếu soi dịu hiền.” (Văn Phụng-Vui bên ánh lửa)
Ánh lửa. Niềm vui. Là gia đình tình thương con cái Chúa. Biết sẻ san đùm bọc. Rất ân cần.
______Lm Phan Đỗ thục Linh
Mai Tá diễn dịch. (xem thêm bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Sunday 12 July 2009

“Mai kia sống với vầng trăng ấy “

"Người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?"
(dẫn từ thơ Du Tử Lê)
Mc 6: 30-34
Đành rằng, nhà thơ nay sống với vầng trăng ấy, có còn thương? Đương nhiên, là nhà Đạo khi xưa không chỉ thế. Đâu cứ là, ngàn năm mải nhớ một ngón tay. Vầng trăng hay bóng cây hôm nay, là khung cảnh lạnh vắng, chốn ngơi nghỉ. Nguyện cầu. Như trình thuật, nay nói đến.
Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô mô tả đồ đệ Chúa báo cáo với Thầy, về công tác các thánh đã làm. Tất cả, đều hân hoan, hãnh diện. Nhưng xem ra, ai cũng mệt. Mệt, về thể xác. Xơ xác, quên nguyện cầu. Thế nên, Thầy đã khuyên: “Anh em hãy lánh riêng ra, vào nơi hiu quạnh mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6: 30).
Lời khuyên của Chúa, chứa đựng những hai điều:
1.Thầy Chí Ái, muốn các thánh có cơ hội ở nơi vắng lặng, mà suy tư nguyện cầu. Nguyện cầu, về kinh nghiệm từng trải, ngang qua công cuộc mục vụ. Vào nơi vắng lặng, còn là lời căn dặn Hội thánh gửi đến dân con mọi người, trong cuộc sống. Căn dặn, rằng: hãy để giờ ra mà nguyện cầu, dù chóng vánh. Về nguyện cầu, nhiều người vẫn nghĩ rằng: người Công giáo mình ít có thì giờ rảnh rỗi để nguyện cầu. Và, cũng ít sống đời tín hữu, chuyên chăm. Đạo đức.
2.Có thể, đồ đệ Chúa đang vui với với hoạt động mục vụ và cũng hơi bận về nhiều công chuyện. Nên, không nhớ mà tìm nơi hoang vắng, để nghỉ ngơi. Có thể, các thánh đang trầm ngâm chiêm suy tưởng cảnh đám đông dân chúng đang vây quanh, níu kéo. Cũng có thể, là các ngài mải chiêm niệm về quyền uy được Chúa phú ban. Và, đó cũng là lúc Chúa khuyên các ngài trở về với con người, của chính mình. Về, để suy tư/nghiềm ngẫm xem mình đã và đang làm gì. Về, để xét xem “quyền uy” đích thực từ đâu đến. Chính vì thế, “Thầy trò mới xuống thuyền đi đến một nơi hiu quạnh, biệt riêng ra." (Mc 6: 32)
Có lẽ, vì hôm ấy sức gió chuyển động mạnh làm thuyền đi chậm, nên dân con theo Chúa kịp đến
trước, mà ngồi chờ. Có lẽ, khi các thánh đưa thuyền cập bờ cập bến, đã thấy dân chúng ngồi đó chực chờ sẵn. Ở đây, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì về phản ứng của các tông đồ theo Chúa, hôm đó. Nhưng, xem ra các thánh cũng đà rất nản. Nản, vì mệt đã đành. Nản, còn vì thời gian để nghỉ, nay luột mất. Cũng có thể, vài vị tông đồ thánh, đã chụp lấy cơ hội để biểu tỏ quyền uy Chúa cho. Quyền trừ quỷ. Quyền chữa lành. Có thể, chán nản là tâm tình của các thánh đã tác động lên Thầy, cũng không chừng.
Nhìn chúng dân đông đảo kéo đến để được nghe, Chúa đã “chạnh lòng thương”. Chạnh lòng ở đây, là ngôn từ thánh Mác-cô sử dụng để mô tả niềm xúc động cực mạnh của Chúa, xuất từ đáy lòng Ngài. Chạnh lòng, còn là tâm tình Chúa tỏ lộ cho đoàn người “như bầy chiên không kẻ chăn dắt”.
Và, thánh sử viết tiếp: “Và, Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6: 34). Ở đoạn khác, người đến nghe Chúa dạy, vẫn bám víu vào Lời Ngài nói. Lời Ngài nói, có cường độ và uy lực, mà ít ai có kinh nghiệm từng trải. Ở những đoạn tiếp theo, người người sẽ còn thấy Chúa “chạnh lòng thương” bằng nhiều cách. Bằng vào cách phân phát thực phẩm nuôi sống hằng ngày. Tất cả đều được Chúa bộc lộ, để chỉ về Tiệc Thánh Thể, Chúa thiết lập. Tiệc sẻ san Lời của Chúa. Tiệc ban phát, những cá và bánh.
Còn một điểm ta cần minh định ngay ở đây, rằng: Đức Giêsu không phải là người ghiền say làm việc. Đến độ quên sống, quên chết. Ngài cũng chẳng là Đấng truyền rao Tin Mừng, gượng gạo. Nhưng, đây là dịp để ta thấy rằng Ngài luôn mau mắn đáp ứng nhu cầu không lường trước, của chúng dân. Đây, còn là lúc giúp ta hiểu rằng: Chúa quyết định mọi việc, đúng thời điểm. Đúng việc Ngài muốn. Chẳng bao giờ ta thấy Ngài gượng gạo làm những việc mà Ngài không muốn.
Và, cũng chẳng ai thấy Ngài đối xử một cách gượng ép với những người đang có nhu cầu cần thiết. Nói cách khác, Ngài chẳng bao giờ từ chối một ai, khi họ khẩn cầu Ngài ra tay giúp giùm. Tin Mừng các thánh ghi lại, đều cho thấy Chúa vào nơi hoang vắng, ở riêng mình. Dù, đám đông quần chúng có níu kéo, quyết van nài cho bằng được.
Mặt khác, Đức Giêsu chẳng bao giờ bị gò bó, trói buộc vào với đòi hỏi của mọi người. Chẳng bao giờ Ngài hành động để mưu tìm lợi ích cho riêng ai. Ngài không đánh bóng thiên tính của Ngài. Nhưng, khi đáp ứng nhu cầu của quần chúng, không có nghĩa là Ngài thuận theo đòi hỏi, hoặc ước vọng của riêng ai. Chí ít, là những ước vọng không kể gì đến phẩm cách con người. Chúa đối xử với mọi người hoàn toàn theo tính tự do. Ngài hành động cho công bình. Sự thật. Có lòng thương xót, với mọi người.
Chúa sai phái đồ đệ đi khắp nơi để giảng rao Tin Mừng và chữa lành, tức là sai phái cả ta nữa để mọi người cũng sẽ làm các công việc như thế. Nhìn về góc cạnh nào đó, chúng ta nên hiểu mình cũng là mục tử, được Chúa sai đi. Sai, như Ngài đã sai các tông đồ làm công việc mục vụ. Trong đó có cả Giáo Hoàng, Giám Mục, linh mục, hoặc các giáo dân. Mỗi người, đều rất cần. Mỗi vai trò, đều mang tính chất tông đồ, mục vụ. Của kẻ chăn. Của mục tử.
Bài đọc 1, ngôn sứ Giê-rê-mia đã có những lời rất mạnh bạo với các kẻ chăn không giữ đúng vai trò/trọng trách của mình. Những người cứ để mặc chiên đàn bé nhỏ chạy tứ tán. Thất lạc. Rời rạc. Thời buổi trước, các ngôn sứ có lời lẽ rất mạnh đối với lãnh tụ tôn giáo. Thời của Chúa, Đức Giêsu đã cực lực lên án các lãnh tụ phe nhóm/giáo hội mà Ngài gọi là “bọn giả hình”. Là, “mồ mả tô vôi” đội lốt mục tử. Là, đám chuyên trút gánh nặng lên đầu người khác. Và, không có thói quen giúp đỡ dân lành. Vô tội.
Thời này, ta nguyện cầu cho Hội thánh Chúa có nhiều mục tử làm việc có trách nhiệm. Có hiệu quả. Có lòng xót thương, với chiên ràn. Bơ vơ. Vô tội. Nay, là lúc ta không quên nguyện cầu cho các vị làm đầu ở địa hạt khác. Cầu cho các bậc cha mẹ/thày cô/giáo chức, để tất cả, bằng cách này cách khác, biết lãnh nhận trọng trách tạo trách nhiệm yêu thương/giùm giúp cho nhau. Cho mọi người. Kẻ chăn tốt bụng/mục tử hiền lành/thủ lãnh chuyên chăm, nhất nhất đều phải là những vị biết đoàn kết, hết mọi người. Các vị không bao giờ tìm cách rẽ chia thành phần mọi giới, trong cộng đoàn.
Bài đọc 2, thánh Phaolô nói: Đức Giêsu nối kết người Do Thái với dân ngoại, là để tất cả chúng ta cùng nhau tạo thành gia đình thân thương. Đầm ấm. Thánh nhân quyết bẻ gẫy mọi rào cản gây phân rẽ các thành phần dân Chúa, trong cộng đoàn. Thánh nhân dùng hình ảnh bức tường ngăn cách, của đền thờ. Quả thật, Đền Thờ là công trình xây cất có nhiều tường. Mỗi bức tường, làm thành rào cản ngăn cách, hạn chế mọi kết đoàn. Hoà hợp. Bên ngoài tường, nhiều người không thể đến được. Có tường, chỉ dành cho dân ngoại. Có tường, cho phụ nữ. Có tường cho đàn ông thanh niên. Có tường chỉ để cho các vị mục tử. Thậm chí, có tường còn cản ngăn không để ta đến được với Đấng Thánh ở trên cao. Nơi, dành cho vị Thượng tế cao vút, mỗi năm chỉ một lần.
Bằng vào cái chết trên thập tự, Đức Giêsu đã phá bỏ mọi tường rào phân chia, ngăn cách. Tường, của hờn căm. Chia rẽ. Bằng vào việc sống lại, Ngài tạo ra Con Người Mới. Và, gia đình mới. Gia đình, không dựa trên máu mủ. Chủng tộc. Cũng không dựa vào dân tộc tính. Giới tính. Giai cấp. Ngài phá huỷ mọi tường thành ngăn cách. Tức, tường rào chỉ nhằm phân cách/rẽ chia nhóm này với nhóm khác.
Giáo huấn của Đức Giêsu nhằm đạt đến cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Cả nam lẫn nữ. Cả người công chính, lẫn phạm nhân. Nô lệ lẫn tự do. Người tật bệnh, lẫn kẻ lành lặn. Ngài gọi mời tất cả mọi người chúng ta hãy về cùng một gia đình. Gia đình của Ngài. Gia đình, có Chúa Cha. Ở đó, tất cả thành viên đều là anh em, chị em với nhau. Rẽ chia, là tà thần/ác quỷ chỉ chực ngăn chặn mọi người đến với nhau, trong chung sống. An bình. Hạnh phúc. Rẽ chia, là kẻ thù ngăn chặn ý định của Chúa, muốn thu thập mọi người về với gia đình. Với Thân Mình của Chúa.
Điều mọi người trong gia đình/Thân Mình của Chúa cần làm, là phải nói tốt cho nhau. Nói tốt về các Giám mục/linh mục. Về cha mẹ hoặc mọi thành viên trong gia đình, những người chuyên tạo bình an. Phá bỏ mọi rào cản. Mọi yếu tố rẽ chia. Tất cả, phải đem mọi người về lại với nhau trong tình thương. Qua Đức Giêsu. Nhờ Đức Giêsu. Vì, tất cả đều có cùng con đường. Cùng một Thần Khí. Để đến với Cha, như đoạn cuối bài đọc 2, đã nhắc nhớ.
Trong chiều hướng nối kết mọi người về chung cùng nhà, ta cứ vui lên mà ca hát. Hát rằng:
“Người yêu ơi anh muốn nói
Ngày nào còn tình yêu lứa đôi,
thì em ơi em hãy nhớ,
phải sớt chia hạnh phúc cho đời!” (Lê Hựu Hà – Lời Trái Tim Muốn Nói)
Chính đó, là lời của trái tim. Lời nhắn nhủ, ta “sớt chia hạnh phúc” cho đời. Cho mọi người.
______Lm Phan Đỗ Thục Linh
MaiTá diễn dịch
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 5 July 2009

“Khi ác thần đã dịu xuống lửa hồng”

chuông từng cõi, đang gọi về sương ẩm
ôm xác thân, của sông lạnh không tình
đang u uẩn, hít sâu mưa lấm tấm

(thơ Lãng Đãng)

Mc 6: 7-13

Ác thần/sự dữ, là những thách thức có lửa hồng. Thần linh/quỷ quái, là những uẩn khúc, u quạnh không tình tự. Ác thần ấy. Quỷ quái ấy, vẫn thấy đề cập ở trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật thánh Mác-cô, nay ghi lại một thách thức, đã giáp mặt hiện đến với môn đồ. Môn đồ Chúa hôm ấy, đã phải giáp mặt đối đầu với thần linh quái ác quyết hiện hình, bằng nhiều cách. Cách thế lạ kỳ vừa thấy, như một ám ảnh cực kỳ quỷ quái, tâm thần phân liệt, dẫy dụa như động kinh.

Thần linh quái ác ta gặp thời này, là những linh-tinh thần cờ bạc, rượu chè, quan hệ bừa bãi có dục tình. Hoặc, quái ác như linh vật thần thiêng, nhiều vật chất. Rất tiêu pha. Sa đà, không thể kềm chế. Tất cả, cứ dẫn đến tình trạng nô lệ, cả về thể xác lẫn thần hồn. Làm gián đoạn tự do, của con Chúa. Khiến ta mong chờ Chúa lý giải. Nhưng hôm nay, Chúa mời ta hợp tác để giải thoát con dân Ngài được tự do.

Muốn giải thoát giúp người người đạt tự do con cái Chúa, thì chính mình phải tự do, trước đã. Thế nên, Đức Giêsu khuyên môn đồ: khi ra đi rao báo Tin Mừng, đừng mang theo nhiều thứ. Không thực phẩm, ba-lô, đồ đạc, tiền bạc, lẫn áo quần. Lời khuyên này, xem ra không thực tế, ít khi nghe. Chúa dặn thế, vì biết môn đồ Ngài đi đâu cũng được gia đình nhà chủ mời vào, chào hỏi, còn tặng quà. Bởi lẽ, tính hiếu khách là thói quen cần thiết, vẫn diễn ra nhiều nơi, ở trời Đông.

Khi xưa, nhiều gia đình có thói quen giữ rịt tông đồ, không để các ngài tìm thêm nơi nào tiện nghi thoải mái hơn. Và, nếu chẳng thấy ai đoái hoài gì, thì các ngài chỉ việc giũ phủi bàn chân những lấm bụi trần, mà đi tiếp. Đến miền nào vui vẻ đón chào, thật tình hơn. Bởi như thế, tức là: những người đó, chưa sẵn sàng để nghe ta rao báo những Tin Mừng.

Đây, là cảnh tình của Hội thánh, thời ban sơ. Là, nhóm hội nâng đỡ giùm giúp, theo cộng đoàn. Ở cộng đoàn như thế, những người dư dả cơm áo gạo tiền, vẫn giùm giúp những người còn túng thiếu. Ai thiếu thốn, vẫn có người ân cần, chăm sóc. Đùm bọc. Đó là ý tưởng, mà thánh Phaolô từng đề cập ở bài đọc, tuần trước. Thánh Phao-lô thôi thúc người có “của ăn của để”, hãy sẻ san giùm giúp những người anh người chị, còn nghèo túng.

Ngày nay, ta không thể thực hiện lời khuyên tông đồ của Chúa, theo từng chữ. Dù lý tưởng ra, vẫn là như thế. Nhưng, vẫn có thể tự hỏi, tại sao là tín hữu Đức Kitô, ta lại không làm được như Lời Ngài dạy. Điều này, cần nhiều tháng ngày suy tư, nghiền ngẫm. Suy cho cùng, có thể là vì: ta vẫn tiếp tục sống đời Kitô-hữu theo chủ nghĩa cá nhân, hơn là: thực hiện đời sống Công giáo. Có thể là, ta dễ cho đi những gì người dân ở bên kia nơi cùng tận thế giới, đang rất cần. Nhưng lại vẫn quên, những người anh người chị, và em cháu trong cùng giáo xứ, cũng rất cần.

Dù gì đi nữa, trình thuật hôm nay gợi cho ta đôi điều để suy nghĩ:

Là Kitô-hữu, ta được mời gọi, không chỉ làm môn đệ Chúa, nhưng còn làm tông đồ, nữa. Bởi, môn đệ theo tiếng Latinh (discipulus, discere=học hỏi), là: nghe biết, chấp nhận và thực hiện lời dạy của Chúa, đưa Lời Ngài vào cuộc sống. Môn đệ, là người quyết dấn bước theo chân Chúa, bắt chước Đức Kitô, và trở thành Kitô khác.

Là, tông đồ, theo tiếng Hy Lạp (apostolos), không chỉ là người dõi bước theo chân Chúa thôi, nhưng còn là người rao báo Tin Mừng, nữa. Tông đồ, cụm từ này có nghĩa: được các vị có vai vế ở trên cao, sai đi để làm sứ thần, công sứ, hoặc đặc mệnh toàn quyền. Bất cứ ai đã thanh tẩy, đều có được lời mời gọi nhận lãnh sứ vụ này. Lãnh nhận, để rồi quyết san sẻ niềm tin, với người khác.

Ta hợp tác với Chúa, để giúp đỡ người người biết kiếm tìm /tái tạo tự do. Ta giùm giúp mọi người tự chữa lành mọi tật bệnh của mình. Không chỉ là bệnh về thể xác, mà cả những bệnh tâm linh hoặc cảm xúc, nữa. Không chỉ có y tá/bác sĩ mới là người chuyên chữa trị. Điều này, chẳng có gì để tranh cãi. Bởi, thành viên gia đình, hoặc bạn bè, đồng nghiệp, các nhà giảng thuyết, ai cũng có thể tạo ảnh hưởng, và chữa lành, mọi thứ bệnh.

Điều quan trọng, là: người rao báo Tin Mừng vẫn sẻ san với người khác, các kinh nghiệm về Chúa. Đó là ý nghĩa được thánh Phao-lô đề cập đến ở bài đọc 2. Thánh Phaolô từng nói cho giáo đoàn Êphêsô biết rõ: “Thiên Chúa chọn ta, trước cả khi tạo thành vũ trụ.” (Êp 1: 3-14). Điều ta cần sẻ san, không chỉ là lời nói, ý tưởng hoặc tín điều rất suông, mà là kinh nghiệm ta có với Chúa. Với Đức Kitô. Người rao báo Tin Mừng mời gọi mọi người, cả người tín hữu lẫn kẻ ở ngoài Đạo, hãy cùng sẻ san kinh nghiệm tuyệt vời này.

Điều thứ hai, không kém phần quan trọng, là: rao báo Tin Mừng, trong tự do. Người rao báo Tin Mừng được bảo cho biết: hãy mang theo nơi mình sứ điệp họ nhận lãnh, từ Đức Chúa. Còn lại, cứ để người khác lo.

Ra đi rao báo Tin Mừng trong tự do, là để qua bên, rất nhiều thứ. Từ tiền tài đến của cải vật chất. Từ tài sản đến bất động sản. Nhất nhất, vẫn mang lại ưu tư, nguồn cội của lo lắng. Bởi, ta nối kết/gắn liền về với những thứ ấy, chúng sẽ làm cho ta càng trở nên nô lệ. Phụ thuộc. Và rồi, biết bao điều khác, từng làm ta tê liệt. Không thể giúp ta làm giàu cuộc sống, theo nghĩa chính đáng, đích thực, được. Cứ quẳng gánh lo đi. Đó đích thị là tự do. Chúa hiến tặng.

Điều Chúa tặng, là mẫu mực tuyệt vời, ta cần có. Ra đi rao báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, Ngài chỉ mặc có mỗi bộ đồ trên mình, và cũng “chẳng có chỗ gối đầu”. Nhưng, Ngài không nghèo cũng chẳng hèn, theo nghĩa xã hội học. Trái lại, Ngài giàu có, trong mọi sự. Chính sự giàu sang/sung mãn này, mới là điều cần thiết. Ngài là Đấng tạo sự giàu có, cho mọi người. Theo Ngài.

Nói cho cùng, ra đi rao báo Tin Mừng, người dấn bước theo Chúa cần nhận rõ thêm một điều, là: không phải lúc nào ta cũng được mọi người ân cần chào đón, hết. Bài đọc 1, thượng tế Amaziah khuyên ngôn sứ Amốt mang sấm ngôn của mình về với quê nhà. Bởi, người đó chẳng muốn nghe ông nói, ở Bê-ten. Ngôn sứ Amốt cho biết: ông đâu có ý định trở thành ngôn sứ. Ông chỉ là người chăn chiên đơn hiền, mà chỉ là kẻ trông nom cây vả, để nó cho trái. Nhưng, thoạt vào lúc ông chăm sóc chiên hiền, Chúa đã mời gọi và thôi thúc ông hãy đi rao báo Tin vui an bình, cho dân Israel.

Ngày nay, ta quen dần với những cảm nghiệm, tương tự như thế. Tựa như, câu nói ta thường đối đáp mỗi khi nghe lời mời gọi, vẫn nhè nhẹ bảo rằng: tôi chỉ là thư ký hèn, người nội trợ trong nhà; hoặc giả, chỉ đứng quầy, làm công nhân hãng/xưởng rất thấp bé. Là, giáo viên trường làng, đâu dám mơ màng, cầu thân, vv. Nhưng, là người đã được thanh tẩy, Chúa vẫn mời gọi ta, vào mọi lúc. Cả vào khi ta bận rộn nơi hãng xưởng/sở làm, mải mê lao động công tác, ở môi trường sống. Ngài mời gọi/đưa dẫn ta cùng mọi người về với Chúa. Yêu Chúa. Phục vụ Chúa. Và, theo Ngài. Thử hỏi, mấy ai trong ta từng thật tình, mình ứng đáp?

Tắt một lời, nếu muốn Chúa ở trong mình, ta phải biết mở đường, để Ngài đến. Ngài sẽ đến, ngang qua ta. Từ nơi ta, Ngài đạt đến mọi người. Chẳng có cách nào khác, thích hợp hơn. Cứ như thế, mọi người chịu ảnh hưởng từ nơi ta, cũng sẽ trở thành người rao báo Tin Mừng cho kẻ khác. Đó là phương cách tăng trưởng và lớn mạnh, từ hạt giống. Của bông cải.

Trong khí thế hiên ngang nhận lời Chúa uỷ thác, ta dấn bước ra đi với tiếng hát:

“Đoàn người đi lúc đêm còn bóng tối,

bước chân lạnh lùng ướt sương trời mai.

Bao cánh hoa còn say giấc đêm dài,

thấy bóng ta đi hé môi đang cười.” (Phạm Đình Chương – Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng)

Vâng. Cứ hiên ngang mà ra đi. Đi, cả vào lúc đêm dài. Sương mai còn lạnh lùng, ướt chân. Đi đi, vạn vật sẽ hé môi cười. Rất tươi. Bởi vì, người người đang chờ đón Lời Chúa đến. Hân hoan. Thân tình. Đầy cảm tạ.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.