Sunday 25 October 2009

“Người mới lớn, cửa hồn chưa bám bụi,”

Vội vàng chi, mở rộng cánh tin yêu?
Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều
Chuyên đội lốt thánh nhân, đi lường gạt”
dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Đi lường gạt, sao lại đội lốt thánh nhân? Đội lốt rồi, lại còn liều lĩnh lần quẩn suốt một đời? Đã liều, sao còn mở rộng cánh tin yêu. Tin - yêu người nhà Đạo, đâu cần liều. Mà, chỉ cần hiệp thông cùng các thánh. Có cộng đoàn. Với Giáo hội. Như trình thuật, nay ghi rõ.

Trình thuật thánh Mátthêu rày đã ghi về hiệp thông giữa các thánh. Hiệp và thông, là chung lòng con cái Chúa, những người được tẩy rửa, còn sống hay đã quá vãng, sống gần Chúa. Sống với Chúa. Hiệp và thông, là cùng với các vị tuy ngoài Đạo, nhưng xác tín sống cuộc đời, rất lương tâm.

Trình thuật hôm nay, Chúa đưa ra hiến chương 8 điều để giúp người nghe trở thành lành thánh. Lành thánh, không chỉ ràng buộc sống 10 giới lệnh, thời Cựu Ước. Lành thánh, còn là nối kết Giao Ước xưa với luật Do Thái. Nối kết, hiến chương Chúa khơi mào để kiện toàn luật lệ mới.

Hiến chương 8 điểm Chúa đề nghị, nối kết người người tiến bước xa hơn 10 lệnh truyền Cựu Ước. Xa hơn, 6 điều Hội thánh vẫn khuyên răn. Hiến chương 8 điểm Chúa đem đến, nay định hướng cho dân con sống đời hạnh phúc rất đích thực. Nhưng tiếc thay, người người chỉ đặt nặng trọng tâm lên lề luật cũ. Chẳng để tâm gì đến hạnh phúc 8 điểm, để theo Chúa, đến cùng.

Hiến chương Chúa nói, không mang ý nghĩa của một chúc lành, đến từ Ngài. Mà là vận may của những người đang hưởng hạnh phúc. Vận may cho thấy ta thuộc Nước Trời, đang diễn tiến. Ở đây. Lúc này. Nước Trời ta sống, vẫn là tình thương. An bình. Công lý. Nơi đây ta sống, là Nước Trời có tự do. Cho đi. Và, sẻ san. Giùm giúp. Sẻ san, những gì có giá trị. San sẻ quà tặng Chúa ban, để chứng tỏ rằng ta tuỳ thuộc về Chúa. Thuộc, cộng đoàn có người anh người chị biết tuân thủ 8 điều Chúa bảo ban.

Trình thuật hôm nay nói về những chúc lành đặc biệt gửi đến:
Những người biết sống đời khó nghèo, rất tinh thần. Những người biết mình vẫn khốn khó. Mỏng dòn. Cần Chúa giúp. Khác hẳn, kẻ tự cho mình tự lập. Chẳng cần ai.
Những người tử tế biết đi ra tìm đến bất cứ đang cần săn sóc. Đỡ nâng. Gửi đến người công chính, biết xót thương. Lo toan giùm giúp, hết mọi người.

Người sầu khổ. Tức, những ai đang sầu buồn vì mất mát. Cần được ủi an. Từ cộng đồng dân Chúa luôn yêu thương. Đỡ đần. Những người đói khát sự công chính, bằng mọi giá. Những ai biết lo toan giùm giúp mọi người sống tự trọng. Có nhân cách. Dù, phải trả giá rất đắt.

Người có lòng khoan dung độ lượng. Biết thứ tha. Và nâng đỡ hết mọi người.
Người thanh sạch. Không chỉ trinh trong về tình dục, mà là người giản đơn/chân phương. Không lươn lẹo. Thành kiến. Thiên vị. Người như thế, vẫn nhận ra Chúa ở khắp mọi nơi.

Những người kiến tạo hoà bình. Tức, người phá bỏ rào cản cách ngăn rất nhiều thứ, từ nghề nghiệp, giai cấp, sắc tộc, tôn giáo, đến bất cứ gì tạo xung khắc cá nhân, hoặc nhóm hội. Những người được gọi là “dân con Đức Chúa”, nhờ Đức Kitô đển để phá bỏ ngăn cách giữa Chúa và loài người. Và, giữa loài người với nhau.

Những người bị bách hại vì sự công chính. Bách hại, không là kinh nghiệm thích thú. Đôi khi còn dẫn đến cái chết. Nhưng, chúc lành Chúa gửi, là để đến với những ai có uy lực và can đảm đề cao giá trị của sự thật. Của tình thương và công lý trên sự sống. Chính mình.

Hiến chương hôm nay, nói về tính lành thánh mà tín hữu Chúa cần thực hiện. Hiến chương còn đi xa hơn giới lệnh Cựu Ước, là do những tích cực Chúa đề bạt. Trong khi, phần lớn giới lệnh Cựu Ước gồm lệnh truyền “Chớ nên làm”. Nghĩa là, chỉ theo lệnh mà chẳng cần làm gì. “Không giết người”. Chẳng làm “sự dâm dục”, như thế có dễ trở thành thánh nhân không?

Làm người Công giáo, là làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ ngồi đó lánh xa dịp tội. lánh xa chước cám dỗ, rất tiêu cực. Hiến chương 8 điểm, đề ra quyết tâm tích cực. Hiến chương không chỉ nói đến hành động, mà cả thái độ sống, nữa. Thái độ, thực hiện hiến chương cách trọn vẹn. Bởi, có hoàn tất thực hiện điểm nào đi nữa, vẫn còn nhiều điều để ta tiến xa hơn. Thực hiện mà không tự mãn, như người Biệt phái khi xưa, đã tự hào. Hiến chương Chúa đề ra hôm nay, là bí kíp giúp ta sống đời lành thánh, rất trọn nghĩa.

Sống đờì lành thánh trong yêu thương, mà Cha đã cưng chiều cho ta được phép làm con Ngài, như có nói ở bài đọc 2. Không chỉ cho phép, Ngài còn mời gọi ta san sẻ cuộc sống với Chúa, vĩnh viễn ở cuộc sống sắp đến: “Chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.”(1Ga 3: 2). Sống với Chúa, không nhất thiết là như các ảnh hình vẽ theo sách Khải Huyền có thiên thần ngồi gảy đàn, ngàn năm mây bay. Mà, như thánh Phaolô diễn tả, là sống giáp mặt Chúa. Vui khôn tả.

Bài đọc sách Khải Huyền tỏ bày thị kiến cánh chung về những người chết trong Đức Kitô. Số 144,000 người là con số bình phương của 12 chi tộc nhân gấp ngàn, đơn giản chỉ biểu trưng toàn bộ những người đã trung thành chết vì Đức Kitô. Chết cho Đức Chúa của họ. Con số tượng trượng cho các chi tộc, đất nước và ngôn ngữ đến với Chúa, được mở ra cho hết mọi người. Những người vận mầu trắng trinh trong rất thiên thần. Tay cầm nhành thiên tuế. Áo mầu trinh trong có nhành thiên tuế mầu xanh lục, biểu trưng cho cuộc chiến thắng mà người Do Thái vẫn ăn mừng lễ hội Nhà tạm gửi đến những người được mời đến sống trong lều của Chúa.

Cùng có mặt với các ngài, là triều thần thánh trên thiên cung, có 24 kỳ mục (có lẽ đại diện cho 12 tổ phục và 12 tông đồ) và 4 con vật (ảnh hình của 4 thiên thần ở chốn cao chót vót) , tất cả đều phủ phục thờ lạy Thiên Chúa uy nghi. Lời ca vang chúc tụng các ngài cất lên đã được nhạc sĩ Handel soạn thành giao hưởng khúc “Mêsia’, rất độc đáo. Chúc tụng, vinh quang, sự khôn ngoan, lời cảm tạ, danh dự, quyền uy và sức mạnh là 7 điều mà triều thần thánh chúc tụng.

Những người trinh trong mặc áo mầu trắng, lai ai. Họ từ đâu đến thế?
Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao.”(Kh 7: 13). Phải hiểu đây, là những người chịu bách hại, dưới triều Nêrô. Tức, vào thời sách Khải Huyền được viết.
Và lạ thay, “Họ đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Chiên Con.”(Kh 7: 14). Máu Chiên Con, là chính máu thánh Chúa mang ơn cứu độ đến với những kết hợp với Ngài mà san sẻ, thôi. Nhiều vị trong số đó, là các thánh tử Đạo. Và máu của các ngài đã hoà trộn với máu của chính Chúa.

Lễ các thánh, nay là dịp để ta đem lời cảm mến, dâng lên Chúa. Cảm kích lòng mến chuộng để nghĩ về bạn bè, người thân trong gia đình rộng lớn đã ra đi. Trước chúng ta. Cả ta nữa, đang trông chờ ngày mai ta sẽ hiệp cùng với tất cả, trải nghiệm cũng một niềm hân hoan sung sướng. Hân hoan, vì các vị ấy sẽ không còn đói, không còn khát nữa.

“Vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ."(Kh 7: 17)

Lễ hôm nay, là ngày để ta nguyện cầu cho các ngài, các vị đã hiển thánh cũng như những vị nào chưa được phong. Nguyền cầu, để các ngài cầu bàu và hộ phù cho ta. Ngõ hầu ta có thể sống đời tin yêu rất mực. Và, cũng được tận hưởng những ân huệ lành thánh Chúa ban.

Trong chiều hướng đó, ta vui mừng hát lên lời ca yêu thương đầy phấn khởi, như hôm trước:

“Thế trần ơi, hãy cất bước cho nhanh,
Rũ sạch hết, để hồn ta thanh thoát
Âm vang yêu, xin cho vàng quên lãng
Mây cao xanh, xinh đừng nhắc đến tên anh!”

Tình Chết Theo người Đi. Không nhắc tên anh, nhưng vẫn nhắc tên các thánh. Để ta cùng các ngài thanh thoát âm vang yêu. Yêu Chúa. Yêu người. Như các thánh từng yêu, đến quên chết.Trong ngày vàng quên lãng. Có Chúa. Có anh em.
Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com")

Saturday 17 October 2009

“Những kỷ niệm, vàng hoe trong ký ức”

Anh trở lại, dửng dưng nhìn quá khứ
Của một thời, sỉ nhục gánh trên vai.

(dẫn từ thơ Trần Trung Đạo)

Mc 10: 46-52

Kỷ niệm có vàng hoe trong ký ức, không làm anh lại về với hiện tại. Đầy nhớ nhung. Dân Do Thái cũng trở lại. Trở về lại, sau bao tháng ngày lưu lạc. Nơi quê người. Lại trở về, với tâm tạng mừng vui. Đó là tâm trạng dân con Chúa, được trình thuật ghi, hôm nay.

Trình thuật thánh Máccô ghi, là về sự lạ Chúa làm cho người mù thành Giêrikhô, khiến ta suy nghĩ. Suy và nghĩ, về điều được ghi ở bài đọc 1: ”Trong chúng, có kẻ đui mù, què quặt, kẻ mang thai, ở cữ. Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng; dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng.” (Gr 31: 8). Nhờ đoạn này, ta định ra được cảnh trí Tin Mừng thánh Máccô ghi.

Tin Mừng thánh Máccô ghi hôm nay, là đoạn kết cho thấy Chúa tập họp đồ đệ Ngài thành một nhóm. Tập họp, khởi từ việc Chúa chữa người câm điếc, hôm trước. Được chữa lành, người bệnh đã biết cách nghe và nói. Nhờ kỹ năng này, tín hữu và đồ đệ Chúa sẽ nghe biết và thông hiểu Lời Chúa. Rất rõ ràng. Và từ đó, biết sẻ san thông điệp mình nghe, cho mọi người.

Các đoạn Tin Mừng sau đó, như ở chương 8, thánh sử cũng có ghi lại hai giai đoạn Chúa chữa lành người mù đui. Trình thuật này, rõ ràng biểu tỏ rằng đồ đệ Chúa tự mở mắt để thấy được thiên chức và sứ vụ thừa sai của Đức Chúa. Và kế đến, trọn vẹn giai đoạn kết thúc sự kiện chữa lành cho một người mù khác, là đoạn ta nghe đọc, hôm nay. Đây, không là chuyện ngẫu nhiên trùng hợp cách tình cờ. Nhưng, thánh sử ghi lại, có dụng đích.

Như được biết, Đức Giêsu đã cùng đồ đệ và đông đảo quần chúng rời bỏ thành Giêrikhô, đi nơi khác. Nay Chúa đã về với thành thánh Giêrusalem. Tạo bối cảnh cho trình thuật được kể, ở đoạn sau. Ở đây người người nhìn thấy anh thanh niên mù tên BaTiMê đang ngồi bên vệ đường, chừng nghe ngóng. Anh nghe có tiếng ồn ào. Và được biết: Đức Giêsu đi ngang qua. Nên anh gọi: “Lạy Ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!´(Mc 10: 47)

Xin dủ lòng thương, là lời anh Ba-ti-mê cầu xin cho anh lành bệnh? Vì anh biết chắc, Đức Giêsu là Đấng chữa lành tuyệt vời. Và, anh chắc biết là Giờ Ngài đã đến. Đến, với mọi người.

Nghe biết điều này, quần chúng đứng chung quanh bèn khuyên nhủ: hãy im đi mà giữ miệng. Vì, anh chỉ là người hành khất rất thấp hèn, không xứng. Không được phép quấy rầy Đấng Rất Thánh, là Đức Chúa. Ở đời thường, nhiều người cũng gặp tình huống rất tương tự. Tức, vẫn ưu tư /quan ngại tạo rào cản đường ta đến với Chúa. Đó là lúc, mình quá bận rộn, không đủ giờ để đến với cộng đoàn. Đến, để đi lễ. Đến, để tham gia sinh hoạt phụng vụ với Hội thánh. Và, đôi lúc ta cũng cản ngăn nhiều người làm như thế.

Nghe lời cầu, Chúa dừng lại. Và giả như người mù hôm ấy không tiếp tục kêu cứu, chắc hẳn các ngài vẫn tiếp tục hành trình, cđã dự định. Ngày nay cũng thấy rất nhiều trường hợp tuy có thấy Chúa ngang qua, nhưng hẳn đã mấy ai nhận biết Ngài? Biết, để mà kêu van. Cầu cứu! Hay, ta vẫn yên trí. Và, vẫn mang nặng thành kiến. Cứ nhất định, chỉ tìm Ngài ở nơi nào mình dự tính trước. Để rồi, chỉ chấp nhận Ngài bằng những ảnh hình, mà ta có sẵn ở trong đầu. Rất thường tình, nhiều người cứ nghĩ chỉ có thể tìm thấy Ngài ở Nhà Tạm. Trên Cung Thánh. Chứ nào mấy ai biết kiếm tìm Ngài nơi những người mình chẳng ưa thích?

Sự thật, Chúa đã và đang đến với ta, qua nhiều dạng. Qua người lạ. Trong tình cảnh không quen. Khó nhận biết. Hoặc, những trường hợp, thật không ngờ. Ngài đến, qua cung cách của những người bần hàn. Nghèo túng. Đói khổ. Ngài đến, vào nhiều lúc, ngang qua những người khó tính. Hay bẳn gắt với nhiều người. Ngài đến, có khi chỉ qua người đem đến nhiều thử thách. Khó chịu cho ta.

“Gọi anh ta lại đây ngay”. Lệnh truyền này, cho thấy Chúa không đến thẳng với người bị mù. Ngài cũng chẳng gọi đích danh anh. Bảo anh, hãy tự mình mà đến với Ngài. Nhưng qua quần chúng. Qua, đám người dửng dưng vừa quát bảo anh, là hãy câm miệng. Là, hãy ngồi đó im lặng, để Thầy đi. Chúa đến, cũng ngang qua những người khuyến khích anh cứ chạy tới. Đây, còn là đề nghị ta biết cách để đến với Chúa. Cung cách của người dưng khác họ, lại là cung cách của những người khuyến khích ta “hãy đến với Thầy”. Và, những người giới thiệu Thầy, cho ta.

Ở đời thường, người giúp ta đến với Chúa, vẫn thường là: cha mẹ, gia đình, bạn bè, thày cô, lời chia sẻ, buổi tĩnh tâm, các sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền hình… Ta cũng nên tưởng nhớ đến những người như thế, để cảm tạ. Cảm tạ và biết ơn, nhờ họ mà ta có thể đến với Chúa.

Cũng thế, nhiều người cũng đang chờ đợi để được biết Chúa. Qua ta. Qua người trong nhà. Ngoài sở. Phố chợ. Nhà thờ. Đoàn thể. Ngày nay, còn có chăng, những san sẻ niềm tin? Có còn chăng, những người nay nhận biết ta là hiện thân của Đức Chúa. Ở đời? Là “Công” Giáo, ta không thể không chứng tỏ niềm tin ta có với Chúa, và xem đó là niềm “riêng” trong Đạo, thôi. Đây là mâu thuẫn. Là, ngược ngạo. Cũng nghịch nhĩ.

“Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu”. Với người hành khất, áo choàng còn là chăn chiếu để ngủ. Là, cả gia tài họ có được. Dù là thế, anh mù nay cũng bỏ hết. Bỏ tất cả, để đến với Chúa, mỗi người không. Người không hay mình trần, là trạng thái của tiên tổ khi phạm lỗi. Ngay Đức Chúa, Ngài cũng đã chấp nhận cái chết rất mình trần, là để hoán cải sự hổ người do lỗi phạm đem đến. Anh mù Ba-ti-mê đến với Chúa, cũng mình trần, nhưng không xấu hổ.

Mình trần, còn là tình huống khi ta nhận lãnh ơn tẩy rửa. Là, dấu chỉ ta quyết tâm đến với Chúa. Người tân tòng, cũng cởi bỏ áo choàng tội lỗi xưa cũ, để bước xuống giếng rửa. Nhận lãnh ơn thanh tẩy. Khi bước lên, lại đã khoác cho mình bộ áo trinh trong, dấu chỉ một sẻ san cuộc sống rày đổi mới. Có Chúa. Có cộng đoàn. Ở Nước trời.

Và như thế, anh mù Ba-ti-mê đến với Đức Giêsu với tất cả tự tin, lẫn sự sự tự do. Chẳng cần vật chất. So với thái độ của người thanh niên giàu, có áo choàng sang trọng nói ở Tin Mừng hôm trước, ta sẽ biết tại sao người thanh niên này không thể theo chân Chúa. Lý do, là vì anh vẫn còn vương vấn với tiền bạc. Giàu sang. Phú quý.

“Anh muốn Tôi làm gì cho anh?” là câu hỏi Chúa đưa ra mỗi khi ta đối diện với Chúa. Ở đây, ta có Đức Giêsu là Vị Thượng Tế, được diễn tả, ở bài đọc 2. Ngài là Đấng, chấp nhận một sẻ san với loài người, nên đã rõ mọi nhu cầu, ta vẫn có: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong tương quan với Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.” (Dt 5: 1)

“Anh muốn Thầy làm gì?” Câu hỏi Chúa cũng đặt cho ta hôm nay, cũng tựa như câu hỏi Ngài đưa ra với đồ đệ thân thương chỉ muốn chia nhau chỗ gần bên Chúa, vào hôm trước. Và, lời đáp trả của đồ đệ hôm ấy, là: “Xin cho anh em chúng con tả hữu hai chỗ bên Thầy, khi Thầy được vinh quang.” (Mc 10: 37) Và, mặc khải của Chúa rõ ràng là: đồ đệ Chúa chỉ nhận lãnh những gì mình đáng được. Và hôm ấy, các thánh được dạy về việc phục vụ mọi người. Chứ không chỉ cầu vinh.

Lời đáp trả của anh mù hôm nay, thì lại khác: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Trong bối cảnh của trình thuật, điều anh muốn còn giá trị hơn mỗi chuyện về thể xác. Yêu cầu của anh mù Ba-ti-mê là điều chúng ta cần đến. Rất liên tục. Trong đời Kitô-hữu.

Bí kíp của cuộc đời, thật ra là: thấy được. Thấy được, ý nghĩa và đường hướng đích thực của đời sống. Thấy được, như một người có thị kiến về Chúa. Biết tìm Chúa ở đâu. Nơi nào, ta tìm ra được Chân, Thiện, Mỹ? Chuyện anh mù Bê-ta-mi thực hiện được, là biết đường mà đi theo Chúa.

Lúc đầu, chưa gặp Chúa, anh Bê-ta-mi ngồi ở vệ đường. Ăn xin. Mù loà. Vào lúc cuối, anh đã thấy. Đã có thị kiến. Đã biết mình đang ở đâu. Sẽ đi đâu. Anh không còn ngồi ở vệ đường nữa. Nhưng anh đã lên đường theo Chúa. Bởi Chúa là Con Đường. Là Sự Thật. Và Sự Sống. Con đường anh đi, dẫn đến thành thánh Giêrusalem. Ngang qua thống khổ, nỗi chết. Và sự sống đã hồi sinh.

Chuyện anh mù, là kết đoạn và tóm tắt của lời dạy được ghi tóm của Tin Mừng thánh Máccô viết. Là, tóm lược cuộc sống và hành trình của mọi tín hữu Đức Kitô. Gồm tóm ấy, cho thấy trước kia ta cũng mù loà và nghèo đói, về nhiều thứ. Là Kitô hữu, khi lĩnh nhận ơn thanh tẩy, mắt ta đã mở rộng để thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Biết, hồi hướng tận căn, mà trở về. Để rồi, lãnh nhận đường hướng mới cho đời mình. Mà thực hiện. Nay thì, ta sẵn sàng cùng Chúa đi Giêrusalem, với thị kiến rất rõ. Với, sự tự do rất thực.

Trong tinh thần ấy, ta hân hoan cất lời ca hát, tự hào như người được sáng mắt, hát rằng:

“Chiều qua đó chân ai, còn ríu rít âm thưa,

Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần.”(Từ Công Phụng-Trên Ngọn Tình Sầu)

Chân ai. Đi theo Ngài. Bỏ lại đằng sau, “những kỷ niệm vàng hoa trong ký ức”. Để mừng vui rộn rã với mọi người. Với Chúa. Với cộng đoàn. Với người anh người chị và cùng em. Ở khắp nơi.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 11 October 2009

“Ước ao gặp một bàn tay ấm áp”

Chạm nhẹ thôi, đủ vơi bớt ngại ngần,
Mong vài phút, xin cho tôi sống lại
Ôm mẹ già, ôm hết những người thân.”
(dẫn từ thơ Phú Sĩ)

Tay ấm áp, làm nhà thơ sống lại. Sống, để ôm mẹ già, ôm cả người thân. Tay giơ lên, đồ đệ Chúa cất cao một yêu cầu. Được gần gũi, hai bên Thầy cùng ngồi hưởng vinh quang. Hưởng hay không, trình thuật hôm nay đà ghi rõ.

Trình thuật hôm nay thánh Máccô lại ghi về sự kiện thôi thúc môn đồ Chúa yêu cầu Ngài ban cho các thánh hồng ân: được gần Thầy, vinh quang chễm chệ chỗ cao ngồi. Mở đầu yêu cầu lớn ấy, vậy mà các ngài, vỏn vẹn chỉ đưa ra những lời lẽ, rất thân thương:
“Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện điều chúng con sắp xin đây.”
Đức Giêsu, không dễ gì bị một ai đưa vào vòng tròng tréo, của ngôn ngữ. Ngài hỏi lại hai môn đồ: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? Ngôn từ cầu và xin, sẽ còn được lập lại một lần nữa, ở Tin Mừng kỳ tới.

Câu hỏi ở trên Chúa đặt ra với đồ đệ, là vấn nạn Chúa gửi đến mỗi một người. Cả vào thời buổi này. Và, câu trả lời, liên quan đến điều căn bản của cuộc sống. Liên quan đến những chuyện thường ngày trong cuộc đời. Cả khi vui cũng như lúc buồn, ta vẫn hỏi: "tại sao thế? Để làm gì?" Trong cuộc sống, điều ta muốn thực sự, là những gì? Có cần thiết? Phải chăng là: hạnh phúc? An vui? Yên bình? Và gì nữa?

Môn đệ Chúa đều nghe biết về thống khổ Ngài gánh chịu. Về nỗi chết. Và sự sống mới, Ngài trải qua. Các thánh đều biết Chúa là Đấng Mêsia. Là, Vua dân Do Thái. Các ngài cũng từng nghe Thầy nói về Vương Quốc Nước Trời, nên mới dám hỏi: "Xin cho hai anh em con, được ở chỗ cao, nơi Thầy ngồi.” Và, thánh Máccô lại đã thêm lời bình phẩm: “Các ông không biết điều mình xin”. Cuối cùng, thánh sử trích dẫn Lời Chúa nói về thống khổ và nỗi chết Ngài chấp nhận.

Thật sự, các thánh không thể hiểu sao Vua Vũ Trụ lại chiến thắng bằng cách chấp nhận hạ mình xuống hàng thấp nhất ngang bằng con người. Rồi, mới vinh quang vào với Vương quốc của Thiên Chúa. Đó là điều mà tiên tri Isaya nói đến, ở bài đọc 1. Tiên tri diễn tả cảnh Thiên Chúa muốn Ngài bị nghiền nát qua nỗi thống khổ. Bởi, "Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính.”

Đó là đường lối, mà các thánh sẽ phải trải qua, giống như Thầy. Trải qua, để uống cũng một chén đắng. Lãnh nhận, cùng một phép rửa. Đầm mình nơi trạng huống giống Thầy, là cho đi trọn vẹn bản chất rất thánh như Thầy. Và Chúa nói trước, các thánh sẽ cam chịu một thân phận như Thầy. Đã trở thành thánh tử đạo đầu tiên, hiến mình cho Hội thánh. Và các thánh cũng được hưởng phúc vinh quang cùng Chúa. Suốt hành trình.

Thật cũng dễ hiểu, tại sao mười tông đồ còn lại khi nghe biết, đã tỏ ra tức giận. Tức và giận, tưởng như toàn bộ nhóm bị lừa đảo, cách gian ngoan. Gian và ngoan, nhưng không chắc Thầy chấp thuận.

Nay Chúa tập họp môn đồ ngồi lại với nhau. Để nói cho các thánh biết ý của Ngài về sự cao cả và thành quả, trong cuộc sống. Chỉ một đường duy nhất có thể tạo thành quả, là Đường của Ngài. Con Đường ấy, không phải đứng hoặc ngồi, trên ngai báu. Có nhà cao cửa rộng. Có xe sang. Có chân, trong câu lạc bộ nổi tiếng. Có ăn, thì là nhà hàng sang trọng. Đắt tiền. Có nghỉ, là tìm nơi vắng vẻ, ít người tới. Tức, toàn những thêm thắt cho ngày của Chúa, thật vui thích.

Thật sự thì, chuyện cao cả trong cuộc sống, không nằm ở những gì ta có. Hoặc, những gì ta có được từ người khác. Nhưng là ở điều: ta có cho đi trọn vẹn chính mình, cho kẻ khác? Bài đọc 2, thánh Phaolô cho giáo đoàn Do Thái biết, rằng: nơi Đức Giêsu ta đã có vị thượng tế “cao cả”. Nhưng, Ngài là Thượng Tế của chúng ta, vào lúc nào? Có phải, là khi Ngài ở đền thờ xây bằng đá cẩm thạch, cao sang? Hay, vì Ngài mặc lễ phục toàn là “hàng hiệu” đắt tiền, có đính kim cương đá quý, chói lòi? Không phải thế. Ngài chỉ thành vị Thượng tế Cao Cả, khi Ngài vừa là Thượng Tế vừa là nạn nhân , treo mình trần trịu trên bàn thờ khổ giá hình chữ thập, có dân con nhạo cười bêu rếu, ở bên dưới.

Ở thời này, hẳn Mẹ Têrêxa Calcutta là mẫu mực, ta thấy rõ. Sự cao cả nơi Mẹ têrêxa được cả người Công giáo lẫn người ngoài Đạo ở Ấn Độ nhận thức, dù mẹ chẳng bao giờ mơ tưởng. Cao cả, là ở chỗ: mẹ biết cho đi trọn vẹn chính mình, để đến với người cùng cực, đói nghèo. Coi tất cả mọi người dù nghèo đói, khổ đau như những người anh người chị. Nên mẹ sống gần guĩ họ. Thích ở với họ. Và, mọi người ở Ấn Độ, đều biết thế.

Cũng nên nhớ, mẹ Têrêxa làm công việc cho đi chính mình, cả vào lúc trước khi Malcolm Muggeridge dựng mở chương trình truyền hình về mẹ. Làm cho mẹ nổi tiếng. Sự cao cả của Mẹ Têrêxa không nằm ở điểm Mẹ trở thành người nổi tiếng. Dù nổi tiếng là nhân vật lành thánh. Mà, do tinh thần phục vụ những con người bị bỏ rơi. Những kẻ cần người khác giúp đỡ. Đoái hoài.

Mẹ Têrêxa Calcutta là vị thừa sai cao cả, là ở chỗ Mẹ đã mang Tin Mừng về sự phục vụ người nghèo đói khổ nhất. Mẹ không chỉ duy nhất là người Anbania, trở thành vị thừa sai đến Ấn Độ, mà thôi. Mẹ và các nữ tu cùng Dòng, đã ra đi với sứ vụ tông đồ truyền Đạo tại các vùng như Luân Đôn, và cả Rôma nữa. Một thừa sai cho Rôma? Vâng. Công cuộc thừa sai hôm nay, bung ra khắp mọi nơi.

Cũng giống như thánh Giacôbê và thánh Gioan, cũng tựa như Mẹ Têrêxa Calcutta và rất nhiều người khác, chúng ta tất cả đều được mời và được gọi. Mời và gọi, đến với công cuộc thừa sai/tông đồ. Phần đông, ta được mời tham gia hành trình mục vụ, ngay tại chỗ. Muốn trở thành vị thừa sai chân chính của Chúa, ta cần nghe được Lời Chúa, ngang qua nơi nào thấy có sự cao cả đích thực. Nghe được lời mời gọi như thế, ở thời buổi này, là chuyện không dễ.

Mặc dù vậy, chúng ta được mời và được gọi không chỉ làm đồ đệ theo Chúa, mà thôi. Nhưng, còn được kêu gọi trở thành các vị tông đồ thừa sai, rất cao cả. Bởi, ta chẳng thể nào sống niềm tin Kitô hữu một cách trọn vẹn được, nếu không biết sẻ san và làm chứng tá cho sứ vụ tông đồ của Chúa, trong cuộc sống hằng ngày. Ở đây. Hôm nay. Sống như Mẹ Têrêxa Calcutta. Rất cao cả. Cho đi trọn vẹn cuộc đời mình. Dù mình chẳng có gì để cho. Cho, là hết lòng phục vụ. Cho, là quyết tâm ra đi, làm việc cho Chúa. Dù tại chỗ.

Trong tinh thần hăng say phục vụ, ta vui lên mà hát lời ca đầy phấn chấn, rằng:

“Tìm một con đường, tìm một hướng đi
ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi
lạc loài niềm tin, sống không ngày mai
sống quen không ai cần ai, cứ vui cho trọn hôm nay…”
Đức Huy-Và Con Tim Đã Vui Trở Lại)

Cứ vui và hãy cứ cho đi. Cho nhiều chẳng cần vấn nghi. Sẽ thấy đời mình rất vui. Vui, vì đã sống lại. “Ôm mẹ già”, ôm hết những người thân”, hay không quen. Chốn đời này. Vẫn có Chúa.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.
xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
www.suyniemloingai.blogspot.
www.tranngocmuoihai.blogspot.com

Sunday 4 October 2009

“Thuở trước tinh anh, mà thể phách bây giờ”


Hãy tự hủy, đêm nay vào dĩ vãng
Xuất thần, cho tận nhập với hư vô.”

thơ Vũ Hoàng Chương)


Nhà thơ khuyên ta tự huỷ để đi vào dĩ vãng. Khuyên xuất thần, để tận nhập với hư vô. Tin Mừng Chúa lại khuyên cách khác. Ngài khuyên người giàu hãy bán của cải, mà theo Ngài. Hai lời khuyên. Hai đường hướng, rất khác. Khác đường lối. Khác cung cách. Khác, như Chúa nói ở trình thuật, hôm nay.

Trình thuật hôm nay thánh Máccô ghi về một thử thách. Thử đồ đệ. Thách, về thị kiến. Và thánh sử lại cũng ghi về đường lối Ngài từng khuyên. Câu đầu, đã thấy nói: "Ngài ra đi lên đường!”Ra đi lên đường, Ngài tỏ bày một đường lối. Đường lối, dẫn về Giêrusalem. Có thống khổ. Có nỗi chết. Và, sống lại. Đường lối, là cung cách mà kẻ theo chân Ngài đều mong ước. Theo chân Ngài, người người sẽ biết Đường mà đến với sự sống.

Ra đi lên đường, Chúa gặp người giàu có mà thánh Mátthêu ghi là còn trẻ. Điều anh biết, chỉ là cách thức“hưởng sự sống đời đời.” Lành thánh. Miên trường. Lành thánh, theo anh, không chỉ gồm mỗi việc gìn giữ giới răn Chúa dạy. Lành và thánh, là làm nhiều điều tốt đẹp hơn thế nữa.

Với anh, giữ điều Chúa dạy, là thành tựu anh đạt được. Duy có điều, những gì anh đạt, chỉ dành cho riêng anh. Chẳng liên can gì người khác. Thành tựu anh đạt, là hương hoa dành cho cuộc đời riêng tư. Thái độ này, không khác lập trường của những ai cho rằng: chỉ cần giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 điều Hội thánh, là cũng đủ. Đủ, lên thiên đàng. Đủ, để làm thánh. Chẳng cần gì hơn.

Thánh Máccô ghi thêm:“Chúa nhìn anh thanh niên, Ngài đem lòng yêu mến.” Yêu mến đây, không mang ý nghĩa tình cảm. Mà, là tình tự thương yêu, của những người mong sao mọi sự được tốt đẹp. Yêu mến đây, là lòng xót thương Tin Mừng đòi ta phải có, với mỗi người. Và, mọi người.

Xót thương đây, là điều Chúa thường nói: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu mến anh em”. Lòng mến Chúa nói, đã dẫn đưa Ngài đến với thử thách. Và, thử thách Chúa gửi đến với mọi người, có thanh niên giàu sụ, làm đại diện.

“Anh còn thiếu một điều, là hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo. Anh sẽ được kho tàng châu báu trên trời. Rồi theo Tôi.” (Mc 10: 21) Xem thế, việc giữ trọn điều răn của Chúa mà thôi, cũng chưa đủ. Đây còn là mặc khải, Chúa gửi đến. Mặc khải, xác minh thêm rằng: muốn sống trọn lành, không chỉ mỗi tuân giữ giới răn Chúa trao ban, mà thôi. Đây chính là cú sốc đối với người thanh niên giàu. Và, với nhiều người.

Cú sốc hôm nay, là đòi hỏi hãy đi theo Chúa. Theo, để phục vụ người nghèo, có nhu cầu. Theo, để sẻ san những gì mình có. Có ơn lành, Chúa ban. Rất nhiều. Theo Chúa, là san sẻ hết mọi thứ. Cho mọi người. Chứ không say men chiếm lĩnh, rồi lãng quên.

Đồ đệ Chúa nghe thế, thấy cũng lạ. Thử thách Chúa trao ban, đi ngược lại điều mà đồ đệ Chúa lâu nay vẫn từng hiểu. Đó là thử thách, về sự giàu sang đích thực. Là, dấu hiệu của chúc lành. Và, bằng chứng cho việc kiên trì thực hiện mọi điều Chúa trao ban. Là, trung thành với những gì được gửi đến. Như sách Gióp nói: ông Gióp biết trung thành với Thiên Chúa, dám chấp nhận mất tất cả. Để rồi, bù lại, ông sẽ được tất cả. Được nhiều hơn. Sau khi ngang qua thử thách, Thiên Chúa gửi.

Đồ đệ Chúa rất sửng sốt, khi Ngài bảo:“Người giàu có, khó vào Nước Trời biết chừng nào!” Đồ đệ Chúa, nay không hiểu Thầy nói gì, nên gạn hỏi: “Vậy, ai là người sẽ được cứu?”

Theo định nghĩa, thì người giàu là người có của. Có cuộc sống thoải mái. Không lo chuyện tiền bạc. Bởi, anh ta có mức sống sung túc hơn nhiều người. Ngày nay, người ta phân chia thế giới thành hai loại người. Một, là những người “Có”, ở xã hội. Hai, là những người “Không Có nhiều” hoặc “Có rất nhiều”. Ngày nay, người ta còn nhận định: của cải, là phương tiện sử dụng đồ vật. Rất tương đối.

Trên thực tế, câu trên có nghĩa là: ta đang sống trong một xã hội, ở đó mọi vật mà con người sử dụng được phân phối không đồng đều. Việc này kéo theo hậu quả, là: nhiều người không làm sao có được các phẩm vật thiết yếu, mình đang cần. Nói cách khác, thế giới nay có nhiều người sở hữu quá nhiều phần của nguồn tài nguyên thiên nhiên, và nguồn này ngày càng vơi cạn. Từ đó, dẫn đến cạnh tranh. Những cạnh tranh, rất ráo riết đưa đến cảnh chém giết giành giựt. Không thương tiếc. Chẳng nương tay. Sau đó, người sống sót sẽ là người giàu mạnh nhất.

Các nước phát triển hiện đang ở trường hợp này. Họ giàu có quá mức. Giàu đến độ, bên cạnh họ là những người nghèo. Rất đói. Sự thể là: ác thần/sự dữ đều vẫn do giàu sang quá mức, hoặc đói nghèo thảm thiết, từ đó mà ra. Trong cuốn sách nhan đề “Nền sư phạm của người bị áp bức”, tác giả người Brazil là Paolo Freire có nói về cảnh người giàu/nghèo, cả hai đang rơi vào bẫy cạm của hệ thống huỷ hoại nhân loại.

Đây không thể là Vương Quốc Nước Trời. Cũng không là xã hội, mà Tin Mừng đề nghị. Không thể là cộng đồng xã hội mà Kitô hữu ta đang cổ võ. Ta không thể quan niệm giàu sang là do Chúa gửi đến. Cũng không thể bảo: nghèo đói là do Chúa trừng phạt, được.

Điều quan trọng, Tin Mừng hôm nay không tập trung vào chuyện giàu sang vật chất, rất bạc tiền. Người thanh niên kể ở trình thuật, được khuyên dạy: hãy rời bỏ những gì mình quyến luyến/dính phần. Giàu có và quyến luyến, nhiều khi không chỉ mỗi tiền bạc, vật chất. Cũng có thể, là người nào đó. Rất thiết thân. Tức, những thứ ta dễ sở hữu, như: công ăn việc làm, chức vụ, sức khoẻ, tăm tiếng, vv.

Không thể coi mình là đồ đệ Chúa, cho đúng nghĩa, nếu ta chỉ biết tuân giữ giới răn Chúa dạy, Hoặc, vẫn gắn liền không bỏ được của cải/vật chất hoặc ai đó, để theo Chúa. Bởi, theo chân Chúa là quyết tâm dấn bước, cách trọn vẹn. Quyết tâm, không điều kiện. Quyết tâm, không đòi hỏi lại được có.

Chúa đề nghị những ai đi theo Ngài, hãy từ bỏ mọi sự, thì Ngài hứa sẽ cho lại, được nhiều hơn. Đến gấp trăm. Nhiều, không phải là của cải/vật chất. Mà là, sự sống vĩnh cửu. Điều này còn có nghiã: khi bỏ mọi sự theo Ngài, ta sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp hơn của cải/vật chất, rất nhiều. Nhiều phần thưởng chính đáng. Vẫn rất cần. Như, ý nghĩa của đoạn cuối Tin Mừng.

Với thị kiến mới nơi cộng đồng dân Chúa, giàu sang vật chất không còn mang ý nghĩa gì giá trị. Bởi, một khi đã theo Chúa, ta sẽ tìm được sự bình an nơi cộng đoàn, tha thiết. Giúp giùm. Bỏ lại đằng sau, những gì vương vấn, ta sẽ được lại nhiều thứ, rất sung mãn. Những thứ ấy, là như: mái ấm/cơ ngơi có tâm tình đầm ấm. Hiếu khách. Có người anh, người chị đông đảo gấp trăm, ta cần có cho đời mình. Và tất cả, không để đạt “thiên đường” chốn lai thời. Thiên đường ấy, đã sẵn có, ở đây. Bây giờ.

Bài đọc 1, nay nói đến:“Vương trượng, ngai vàng… sánh được với Đức Khôn Ngoan, vàng vòng trên thế giới chỉ là cát bụi; và bạc tiền, so với Đức Khôn ngoan, kể như bùn đất. Tôi ham chuộng Đức Khôn ngoan, hơn sức khẻ và sắc đẹp..” bởi vì: “cùng với Đức Khôn ngoan, mọi tốt lành đều đến với tôi… Và, của cải quá nhiều, đếm không xuể.”(Kn 7: 10-11) Bởi thế nên, còn gì giá trị hơn những gì nay đã đến. Đến với tôi, là: tình yêu thương. An bình. Tự do. Hạnh phúc.

Bài đọc 2, lời thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Do Thái là minh hoạ tuyệt vời cho những gì nói ở Tin Mừng:“Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ.” (Dt 4: 12-13). Và, Tin Mừng hôm nay, xuyên thấu cách suy tư ta vẫn có, từ thời trước. Tin Mừng, đem ta về với suy tư cụ thể. Về, của cải đích thực. Về, chúc lành của Chúa. Cần kiếm tìm.

Chuyện còn lại, là: nghiêm chỉnh mà suy tư về đề nghị Tin Mừng. Có thế, ta mới dựng xây cộng đoàn biết sẻ san. Xây dựng, những gì thiết yếu cho cuộc sống. Sống có Chúa. Sống, không đặt nặng vật chất. Bạc tiền. Nhà đất. Bởi, Chúa đâu cần những thứ ấy. Không có chúng, Ngài vẫn không nghèo. Bằng chứng là, không ai giàu hơn Ngài. Giàu ở đây, là tất cả những gì tự tại. Nơi Ngài. Là tâm tánh. Bản vị. Là, thị kiến sống. Là, tự do. Trọn vẹn con người Ngài. Là, khả năng yêu thương vô điều kiện.

Làm đồ đệ Chúa, không có nghĩa ta phải từ bỏ những gì có giá trị. Trái lại, là tìm ra bí kíp của giàu sang, phú quý. Rất đích thực. Người thanh niên trong trình thuật, không khám phá ra là mình đã để luột mất, rất nhiều thứ. Nên, anh “sa sầm nét mặt, và buồn rầu, bỏ đi.”

Trong nguyện cầu thông hiểu điều Chúa nói, ta hân hoan hát lên lời ca đầy phấn chấn, hát rằng:

“Cuộc đời chẳng có bao lâu, sao ta cứ mãi u sầu.
Hãy mỉm cười với tất cả mọi người, tự nhiên ta sẽ thấy đời thêm tươi.”
Lê Hựu hà – Hãy Vui Lên Bạn Ơi

Hãy mỉm cười, với tất cả. Dù mình không giàu. Vẫn cứ vui. Vui, vì phần thưởng Chúa hứa cho những ai theo chân Chúa. Mà phục vụ. Phần thưởng ấy, rày đã thấy. Hôm nay. Đời này.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.
xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com/"
hoặc:www.giadinhanphong.blogspot.com