Saturday 30 August 2014

“Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong,”



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 23 mùa Thường niên năm A  07-9-2014

“Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong,”
“Vô số là Xuân chiếm mọi lòng.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Từ)
Mt 18: 15-20
Xuân trong xuân ngoài, vẫn là Xuân. Thứ Xuân không cần nhắc nhở, mọi người vẫn cứ nhớ. Nhớ và thương, như lời thánh-sử ghi ở trình-thuật để người đọc còn nhớ và thương như Đức Chúa thương nhớ hết mọi nguời, ở chợ đời.
Sống giữa chợ đời, người đi Đạo thường bước những bước chân âm thầm dõi theo gót chân của Đức Chúa, Đấng từng trải với đời.
Ở với đời, người nhà Đạo thường nhận ra các khác biệt không tránh khỏi. Khác về tư tưởng, lập trường. Khác, cả về xử thế, lẫn thương yêu. Nơi nhà Đạo, ý từ thanh thoát ta vẫn có, thường là lời khuyên: “Anh em đừng mắc nợ ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
          Tương thân tương ái không là ý từ vu vơ. Nhưng, là lời dặn khuyên nên có với ta, trong hành trình yêu thương giữa chợ đời. Chính vì thế, khi các nam thanh nữ tú dắt nhau đến nhà thờ đăng ký thực hiện lời dạy nói trên, vị chủ chăn đề nghị họ trả lời hai câu hỏi rất dễ làm:

1-    Anh/chị thương nhất điều gì nơi người mình trao thân gởi phận?
2-    Anh/chị thích nhất điểm gì nơi bản thân mình?

            Câu hỏi thứ nhất, xem ra không khó đối với người trẻ. Đã đưa nhau đến đây, người nào cũng sẵn mang một “bồ” chữ với đủ các lý do còn rất mới. Mặc dù đôi lúc, các lý do ấy có làm người nghe thêm phấn khởi, hoặc người đọc đâm nản chí.
Câu hỏi thứ hai, xem ra dễ gây lúng túng hơn, và lớp người trẻ không dễ gì trả lời nhanh gọn, nhẹ nhàng. Chí ít, là với những người sắp trở thành “đức” lang quân/“ông” chồng. Bởi lẽ, một số bạn thấy khó đề cao điểm son của mình, thứ của trời cho mà mọi người trân trọng như báu vật, rất hiếm quý.
Có người chỉ trả lời cho qua, rồi thôi; hoặc, coi đó như ý kiến của bạn bè ngoài cuộc. Có khi, họ lại biện luận: bọn con không muốn khoe khoang, nổ bạo; nhưng... Thậm chí, nhiều anh chị còn trẻ những vẫn cố tránh né câu trả lời, vì xấu hổ. Như thể bảo rằng: thời buổi này mà còn khoe khoang cái “tôi đáng ghét” kia, tức là huênh hoang không hợp thời.   
           Thật sự ra, câu hỏi ở trên là trọng tâm của bài đọc hôm nay: “Hãy yêu người thân cận như thương yêu chính mình”. Cùng kiểu nói, nhưng ta không thể vừa ghét chính mình, lại vừa cho mình là người ngoan đạo, kiểu mẫu. Bởi, nói như thánh Phaolô: yêu thương chính mình không có nghĩa cưng nâng, chiều chuộng cái thân xác đớn hèn này.
Nhưng, đó là viên đá góc-cạnh, mục tiêu của sứ vụ rao giảng nơi người tín hữu Đức Kitô: hãy yêu thương nhau như Chúa vẫn yêu ta.” 
          Đã đành là, thánh Phaolô thừa biết có khác biệt giữa việc yêu thương chính mình với tôn thờ thân xác. Và, tình yêu Thiên Chúa, ta chỉ có thể biểu lộ qua cách thức ta yêu thương chính mình, cho phải đạo; và, biết tôn trọng thân xác của mình cách lành mạnh, thế thôi.
Nói rõ hơn, không thể bảo rằng mình thương người thân cận, nếu ta không yêu thương chính mình. Nếu ta tự đánh giá quá thấp, có lẽ cũng cần đến người khác đến lấp đầy khoảng cách khác biệt, để mọi người có thể yêu thương chính mình.
Cuộc sống đời thường, tương quan giữa người đời không thể minh chứng và duy trì một cách tốt đẹp, nếu nó không phát xuất từ lòng yêu thương, chính bản thân.  
          Hội thánh cũng có bổn phận khuyên răn con cái mình biết yêu thương lẫn nhau như thương yêu chính mình. Lâu nay ta được dạy, là: hãy hãm mình, phạt xác/đánh tội hoặc từ bỏ bản thân mình; bởi, có như thế mới chứng tỏ được sự khác biệt giữa người đi Đạo với người ở ngoài. Điều này cũng đúng, thôi.
Nhưng, lời khuyên trên không thể được dùng làm như cái cớ để ta dựa vào đó, mà ghét bỏ chính mình. Các tác giả tu đức, lâu nay vẫn coi đặc tính trên đây như phương cách dẫn đưa ta đến gần với Chúa. Đồng thời, đó còn là căn bản cho lòng yêu thương phục vụ người đồng loại, nữa.
Trong các tác giả được kể, có thánh I-Nhã, với nhiều năm kinh nghiệm về tu đức, đã nhận ra rằng: ta là kẻ sai phạm làm nhiều điều quấy, nên Chúa mới thương yêu chúng ta. Thánh nhân cũng quả quyết: ân huệ lớn lao Chúa tặng ban cho mỗi người, là: cho dù ta có coi lỗi phạm như điều sai trái; nhưng ta vẫn không bị nó đánh gục.
Vả lại, một khi thấy được sức mạnh nơi tình Chúa thương mình, ta mới cảm nhận được lời mời gọi khẩn thiết quyết theo Ngài mà dấn bước, theo tư thế của những người con của sự sáng.
          Tin Mừng hôm nay, còn cho thấy Đức Giêsu nhắm thẳng vào tính hủy diệt nơi bản chất con người phàm trần. Ngài vẫn khuyên: những ai tuy không yêu thương người đồng loại như đã được dạy, vẫn phải đối xử với họ cho phải phép. Vẫn phải tôn trọng họ và cho họ cơ hội để được đón nhận ơn tha thứ và kiên nhẫn chờ cho trở nên thành phần của gia đình nữa.
          Thách đố của đời sống người Kitô-hữu còn là dấu chỉ chứng tỏ cho người đời thấy tình thương yêu và tha thứ của Chúa. Và, lúc nào cũng vậy, Giáo Hội mới là đơn vị cuối cùng, có quyền uy loại bỏ người nào đó ra khỏi cộng đoàn.
Bởi thế nên, ta vẫn có giới hạn đối với chính mình. Điều này, buộc chúng ta phải thẩm định kỹ xem những gì người khác đã nói, và làm. Chí ít, là khi họ tự cho mình là người dấn bước theo chân Chúa, mà lại sai quấy.
Dựa vào tình yêu và lòng nhân tha thứ của Chúa, không có nghĩa là: cứ để mọi việc trôi qua mà không suy xét kỹ. Chính tình yêu của Chúa, kêu gọi mọi người có hối cải liên tục. Ta chỉ có thể chứng thực điều này theo mức độ cảm nghiệm từ Chúa, từ người khác; và, theo phương cách yêu thương, tha thứ nhau.
          Trả lời câu hỏi: Anh/chị thích nhất điểm nào nơi bản thân mình? tức là nhận ra rằng đức tính căn bản ở trên, đã đâm rễ sâu, nơi chính mình. Cuối cùng, một đời đi Đạo là một đời biết yêu. Yêu người đồng loại. Yêu chính mình.    
            Trong tâm tình cảm-nhận tình thương yêu trong cuộc đời đi Đạo và sống Đạo, cũng nên ngâm tiếp lời còn bỏ dở, rằng:

   Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong,”
Vô số là Xuân chiếm mọi lòng.
Mỗi người đều có xuân riêng cả,
Thiếp viết Xuân lên mảnh lụa hồng.”
(Hàn Mặc Từ - Nhớ Thương)

Xuân nhớ và thương như thế, chắc hẳn là Xuân của mọi thời. Những nhớ và thương yêu hết mọi người vào mọi thời, như Lời Chúa còn nhắc nhở mọi người, mãi không nguôi.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch.


Saturday 23 August 2014

“Mới hay hương vị nhiệm màu,”



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 22 mùa Thường niên năm A  31-8-2014

“Mới hay hương vị nhiệm màu,”
Môi chưa nhắp cạn, mạch sầu đã tuôn.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 16: 21-27

Hương vị nhiệm màu lâu nay, vẫn là vị hương sầu buồn, với người đời. Hương vị nhiệm màu ở nhà Đạo, mai ngày sẽ là vị hương vinh phúc thánh-sử tỏ bày ở trình-thuật vào ngày của Chúa, rất hôm nay
Trình thuật Lời Chúa hôm nay, thánh-sử Mát-thêu lại cũng đề-cập đến vinh/nhục – hoạ/phúc là do con người có biết hiện-thực lời Chúa dạy hay không, mà thôi.
Vinh/Nhục - Họa/Phúc: bốn ý từ, một thực tại. Thứ thực tại lưỡng nguyên, luôn diễn tả hai mặt đối xứng của cuộc đời. Một đời người có thể bắt đầu bằng Họa để rồi khết thúc bằng Phúc. Hoặc ngược lại. Nếp sống người đời vẫn cứ thế diễn tiến bằng những giờ phút thăng trầm, nhục/vinh – vinh/nhục.
            Vào buổi kiểm trại ở Dã Châu, viên cai ngục phát giác ra có đến 6 phạm nhân vượt trại bị bắt và nhốt vào khu biệt giam, chờ ngày lãnh án hành hình. Đào thoát vượt trại, là vi phạm nặng nội quy; nên, hình phạt sẽ sớm được công bố và xử lý bằng những biện pháp tàn bạo.
Người ta bốc thăm tên tuổi nạn nhân, cùng lúc với các tử tù khác, đem đi hành tội. Đã có 12 người bị đưa đi xử lý bằng biện pháp phơi nắng, bắn bỏ. Đứng quan sát 12 bạn đồng cảnh đang hổn hển thở dốc, có tiếng nhỏ nhẹ, nhưng cũng đã lọt tai những người đang sống thân phận hiu hẩm. “Trời đâu, nay có thấu?”
Ai cũng nghe tiếng thở dài, nhưng không một ai có câu đáp trả. Vạn vật rơi vào chốm im ắng, lặng thinh. 12 xác phàm bắt đầu nổi cơn kinh giật, dãy dụa. Tìm khí trời hít thở. Lúc ấy, người bàng quan tiếp tục thị sát. Một lần nữa, lại có tiếng thở dài, lần này gấp hơn: “Trời đâu, nay có thấu?” Và, một câu khác phụ họa: “Ôi Lạy Chúa! Nay Ngài ở đâu?... Rõ ràng Ngài có mặt, ở đây mà!...”
            Tiếng thở dài đây, chính là niềm tin mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Đạo của Chúa là Đạo duy nhất trên thế giới, mang niềm xác tín tin rằng: Đức Chúa là Đấng mặc xác phàm loài người, có xương có thịt. Ngài chấp nhận khổ đau như người thường. Thậm chí, Ngài còn nối tiếp con Đường Ngài đi, bằng cách chấp nhận cái chết khổ nhục, là để vực dậy cuộc sống.
            Quả là, con người đã thuần hóa mặt xấu của thập giá ngay khi biện luận rằng: hôm nay, tiếng xấu ấy vẫn dai dẳng trên thân xác người phàm. Cũng có lúc con người tự hỏi: giả như Giê-su Đức Chúa phải ngồi ghế điện chịu cuộc hành hình, thì ta có dám đeo mang hình thù ghế điện quanh cổ, hay không?
Nhưng, khi ta tìm cách thuần hóa thực chất của cuộc hành hình, mà Đức Kitô cam chịu tại Giêrusalem, thì bản chất của khổ đau nơi cuộc sống mỗi người, không thể bị thương-mại-hóa một cách trần tục và nhẹ nhàng, như thế được.
            Tín hữu Đức Kitô, không thể đồng một ý nghĩa với các kẻ khổ dâm, mặt mày vẫn mỉm cười trơ trẽn, như thế được. Chúng ta không thể bị coi như đồng nghĩa với kẻ say sưa, yêu thích sự đau khổ. Trái lại, chúng ta là người chấp nhận khổ đau vì lý tưởng cao cả, mà thôi.
            Ta được Đức Chúa mời gọi nhìn nhận các khổ đau của cuộc sống, như cơ hội, để một lòng trung kiên theo gương Ngài, mà đưa vai gánh chịu. Khổ và nhục, còn là cơ hội để ta đồng cảm với những người đang sống đau buồn, cùng một thế giới với ta. Điều này, nói dễ hơn làm.
Khi ta đồng cam chịu cực trong cuộc sống của riêng mình, thì lúc ấy, không dễ gì ta nhớ đến người khác, dù chỉ trong tư tưởng hay trong đầu, thôi. Tuy nhiên, nếu đặt đau khổ và cực hình vào bối cảnh chung của cuộc sống, để biết rằng ta không chỉ đau khổ một mình, thì bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp ta nguôi ngoai, an ủi.
            Đã từ lâu, ta được khuyến khích để hiểu rằng mọi đau khổ, cực hình vẫn có thể là cơ hội tốt, giúp ta trưởng thành trong yêu thương, đùm bọc. Nếu hiểu thập giá ta đang gánh vác, như trường lớp dạy ta biết về lòng yêu thương mặn nồng, thì như thế, là ta đã học được nhiều điều bổ ích về chính con người mình; và về Đức Chúa. Có như thế, ta mới có thể giúp kẻ khác gánh vác thập tự, họ đeo mang.
            Tuy thế, gánh vác thập giá cùng khổ đau, không chỉ là mang lấy cho mình những đớn đau thể xác, khổ nhục cá nhân, dục tính hoặc cực hình, tinh thần hoặc cảm xúc, mà thôi. Đó có thể, là tự mình xẻ bớt các quà tặng cũng như tài năng mình vẫn có. San sẻ, cả tình yêu riêng biệt lẫn những xót thương hiền hòa.
Mỗi khi có quà tặng, ta luôn thấy có kèm theo đó, những gánh nặng và trọng trách phải thực hiện. Rập theo khuôn mẫu Đức Kitô đã làm, chúng ta được mời đến, để chia xớt những món quà trời cho, mà mình đang có, hầu san xẻ một cách dũng cảm với những ai đang cần hơn ta; dù cho có phải chia sẻ đến phút cuối, cuộc đời mình.
            Ngày nay, nhiều người vẫn cứ than: hình ảnh về Chúa Mẹ của ta, thường bị bóp méo được đem ra như miếng kẹo dẻo rất ngọt, dễ ăn và dễ nuốt. Nhưng, Tin Mừng hôm nay cho thấy: mọi việc đều không phải như thế.
Bước theo vết chân mòn làm đồ đệ của Đức Chúa, không có nghĩa là chuyện ngon ăn, nhưng vẫn là “lưỡi dao” sắc cạnh, gây khổ đau, không ít.
Thế giới hôm nay, hẳn không có ơn gọi nào mang tính mời mọc khẩn thiết hơn, là lời mời chấp nhận khổ đau trong hành trình tin tưởng, trung kiên yêu thương và từ bỏ chính con người mình.
            Trong lúc ta đón nhận vác khổ giá và theo chân Đức Chúa, ta không làm việc ấy một mình. Nếu để ý, sẽ thấy ngay việc đó và sẽ khiêm tốn đủ, để chấp nhận một cách đúng đắn rằng, Đức Kitô đang quanh quẩn bên ta. Ngài sẽ cùng với ta bước từng bước chân dù đi vào đường mòn khổ đau như ta. Có như thế, ta mới cảm thấy dễ chấp nhận khổ giá của mình.
            Trong cảm-nghiệm những điều như thế, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ đã ngâm dở, mà rằng:

            “Mới hay phong-vị nhiềm-màu,
Môi chưa nhấp cạn, mạch sầu đã tuôn.
Ớ Địch ơi, lệ có nguồn,
Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi.”
(Hàn Mặc Tử - Bến Hàn Giang)

Nhà thơ những muốn san sẻ nỗi buồn của người đời sang với mình. Sầu buồn sẻ san như thế, đã chắc gì làm vơi đi nỗi buồn sầu của người khác. Có sẻ san chăng, cũng nên san sẻ không chỉ nỗi buồn, mà cả niềm vui có Chúa dẫn dắt, có bạn đạo thân thương cùng trải-nghiệm đỡ nâng, mới thật đúng.
Mong rằng Vinh/nhục – Hoạ/Phúc ở đời, sẽ là cơ-duyên để mọi người sẻ san mãi khôn nguôi, suốt đời người. Thế mới đúng.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch.

Sunday 17 August 2014

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 21 mùa Thường niên năm A  24-8-2014

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,
Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Mt 16: 13-20

Chung trời đất, nhưng cuộc đời nào có chung. Tránh nhau hoài, là tư-thế của người đời thường ứng-xử với nhau trong đời người.
Trong đời người đi Đạo và sống Đạo cũng thế. Cũng có những cảnh người người tránh né nhau, như người dưng nước lã, khó làm thân. Chả thế mà, Đức GIêsu hôm nay cứ lần lữa hỏi đồ-đệ xem người người gọi Ngài là ai? Có biết gì về Đấng Mêsia không? Có biết Ngài là Đấng được gửi đến sống chung đụng, gần gũi trong trời đất, vẫn thương-yêu, gần cận biết bao người, như trình-thuật thánh Mát-thêu còn ghi chép.
Trình-thuật thánh Mát-thêu hôm nay ghi về cung cách sống rất chung đụng của người trần-thế, rất ở đời. Trong đời trần thế, sống đúng tư cách của người đi Đạo là sống cho ra sống. Dù cuộc sống có trần ai/bĩ cực, người tín hữu Đức Kitô vẫn phải sống căn cước của nhà Đạo. Chứng tỏ căn cước nhà Đạo, là ưu tư của người đi Đạo.
Ở đây, “danh xưng” Kitô-hữu vẫn được coi như một căn cước. Ở đây, “căn cước” người tín hữu, vẫn nói lên cả một hiện tượng, thường xảy ở nhiều nơi.
         Tại giáo phận miền quê hôm ấy, xảy ra một vụ nổ lớn về cách thức vị linh mục chánh xứ tổ chức buổi tĩnh tâm cuối tuần, cho các học sinh trung học. Đêm thứ sáu của tuần lễ trầm mặc, là đêm căng thẳng nhất, khi vị linh hướng thông báo với các người trẻ, rằng: họ phải có quyết định dứt khoát, về niềm tin tôn giáo của mình.
         Nhiều phụ huynh đã sững sờ, khi biết là đám trẻ nhà mình, đã nhận được tối hậu thư rất gay, có thể dẫn tới hậu quả là chúng sẽ chối bỏ đức tin. Vị linh hướng hôm ấy, còn quả quyết rằng: người trẻ Kitô-hữu vẫn phải có quyết định chọn nghề, chọn lối sống; chọn nơi ăn chốn ở, môn học và các tương quan ở đời thường.
Vị chủ trì buổi tĩnh huấn, còn quả quyết: tôn giáo lâu nay bị đẩy lùi ra ngoài xã hội, và cuộc sống. Và, đây là chuyện khá quan trọng, để giới trẻ nên quan tâm suy nghĩ, hầu có quyết định chọn lựa trước khi bước vào cuộc đời đích thật. Và, nếu không có quyết định dứt khoát về niềm tin tôn giáo, thì Đạo của ta sẽ đắm chìm trong quên lãng. Hoặc, bị phủ vùi trong lớp ẩm mốc, cát bụi; để rồi, cuối cùng cũng làm mồi cho củi lửa, thiêu đốt. 
         Linh mục ấy còn thêm: đòi hỏi giới trẻ có thái độ như thế, vẫn chưa đủ. Sau 12 năm thấm nhuần nền giáo dục mang tính Kitô-giáo; và sau nhiều năm học hỏi giáo lý, Hội thánh vẫn kêu gọi giới trẻ phải có thái độ đối với niềm tin của mình. Một số người trẻ, đã quyết định một cách có ý thức, dứt khoát tiến bước dấn thân làm thành viên của Giáo hội.
Và, khi quyết định tạo cho mình một nghề đầy lòng tin như thế, nhiều bạn trẻ cho biết: họ đã phải đối đầu cả với Chúa. Họ đã kinh nghiệm trực tiếp giáp mặt với Ngài. Có người đã không ngại ngần phản chống lại Giáo hội, đến độ về sau, họ không thể nào rút lại quyết định của mình, được nữa.
         Tiến-trình tĩnh tâm, cũng dựa trên nền tảng được nêu ra trong Tin Mừng, hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đáp lại câu hỏi này, các môn đệ muốn phản ánh kinh nghiệm mình đã sống với Đức Kitô, nên đã đưa ra những giải đáp khác nhau. Duy có Simôn Phêrô, lại quả quyết: Đức Kitô là sự mặc khải của Chúa gửi đến cho con người. Đây là tuyên ngôn nền tảng, mà qua đó Giáo hội của Chúa được thiết lập, chốn gian trần.
         Những gì khi xưa là chân lý, nay vẫn là sự thật. Rất hoàn toàn. Có một vài điểm, nếu ta vẫn muốn cho niềm tin chuyển đổi từ lề luật, rất ý niệm hoặc những quan điểm riêng tư, thành những gì ta có thể cảm nghiệm được, thì ta phải gánh vác niềm tin mà Giáo hội hằng nuôi dưỡng ta, mãi đến hôm nay.
Và, phải coi đó như trọng trách hoặc nghề nghiệp, của chính ta. Làm thế, khi giáp mặt Đức Kitô, ta mới thực sự cộng tác vào công cuộc tái tạo Hội thánh, cùng với thế hệ đương đại.
         Ý thức tận hiến đời mình, làm thành viên “cộng đoàn Hội thánh”, có lẽ là thách thức lớn Đức Chúa đem đến cho môn đệ, trong Tin Mừng. Như môn đệ xưa, chúng ta được kêu mời làm chứng tá cho tình yêu của Chúa tại nơi mình công tác hay làm lụng.
            Hoặc, khi hòa mình sống với bạn bè/người thân trong gia đình. Còn lại, là chuyện nhắc nhớ: chúng ta vẫn đại diện cho Hội thánh. Một Hội thánh duy nhất. Thánh thiện. Mà, tất cả mọi người chúng ta đang giáp mặt, sống chan hòa.
Đường lối ta đeo đuổi, có thể sẽ cột thắt hoặc giải phóng mọi người, sẽ được đo lường bằng niềm tin yêu của ta. Mọi người sẽ nhìn qua ta, để phán đoán xem Hội thánh có còn phản ảnh Đức Kitô, sống với thế giới gian trần, hôm nay không. Mọi người sẽ tìm hiểu xem Hội thánh có còn là căn nhà chung, mọi người chúng ta đang sống.
Và, tất cả đều được coi như thực chất/bản-lề đặt ở câu hỏi gửi đến mỗi người, trong cộng đoàn. Câu hỏi, là: Thế còn bạn, bạn bảo Tôi là ai? Cách thức ta trả lời cho câu hỏi, sẽ bộc lộ thật nhiều điều. Và, điều rõ nét nhất, vẫn là:  Đức Kitô có còn lý tưởng ta yêu thích. Có còn là, đối tượng ta mê say, phục vụ, nữa hay không?
         Một lần nữa, hỏi tức là trả lời. Một trả lời ở đâu đó, nơi lời kinh/nguyện cầu rất hăng say. Trong cảm-nghiệm về câu trả lời cho tình thương yêu gần cận với Thày, cũng nên ngâm lại lời thơ trên còn bỏ dở, rằng:

            “Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,
            Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.
            Ta với người bắt buộc phải chia hai,
Làm sao em biết trời đau đớn
Làm sao em lớn bằng ta lớn.
Để chung cùng công việc: đứng than thân…”
            (Nguyễn Tất Nhiên – Vài Đoạn Viết Ở Đinh Tiên Hoàng)

            Viết ở đâu cũng là viết. Viết về tư thế của mưa với nắng, tránh nhau hoài. Đứng ở đâu, cũng là đứng trong trời đất, mà cứ bắt buộc tránh nhau hoài, thế đó đâu phải là đời người. Chí ít là đời của người đi Đạo và sống Đạo, vẫn có Chúa thương yêu ở chung cùng mình, rất an bình.
           
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch

Saturday 9 August 2014

“Trời nào đã tạnh cơn mưa,”



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 20 mùa Thường niên năm A  17-8-2014

“Trời nào đã tạnh cơn mưa,”
“Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 15: 21-28

            Cơn mưa cuộc đời khi xưa nay tạnh rơi. Giông tố lòng Đạo, lúc này vẫn ngổn ngang, chưa muốn tàn. Thật khó tàn, khi lòng nguời còn chứa chất nhiều tình-tiết rất Sa-tăng, như trình-thuật còn diễn-tả.    
            Trình thuật hôm nay diễn và tả về đời đi Đạo, là sống với thực tế cả một đời, trong đó có các sinh hoạt cả Đạo lẫn đời. Trong sinh hoạt Đạo, người tín hữu gặp đủ mọi loại người, từ thần thánh đến quỷ ma. Nơi đây, người đi Đạo vẫn cứ suy tư những chuyện trên trời lẫn trần gian, địa ngục. Ở đây, người người vẫn quan tâm đến đủ mọi thứ truyện kể. Những truyện kể như bên dưới:
            Vào buổi sáng đẹp trời ngày của Chúa, nhiều người trong huyện đã thức giấc chuẩn bị để đến nơi nguyện cầu. Trước giờ lễ, người đi cầu nguyện có thói quen xì xào nhỏ to phía bàn quỳ. Họ kể cho nhau nghe những chuyện gia đình, và cuộc sống. Nói với nhau, về những chuyện có liên quan đức tin, kinh kệ, không thiếu xót.
Bất chợt, Sa-tăng xuất hiện như người thật bằng xương bằng thịt. Có người rú lên, sợ hãi; bỏ Chúa, bỏ Mẹ, chạy ra cửa tìm đường thoát thân. Chẳng mấy chốc, ngôi thánh đường trở nên êm ắng, lạnh tanh. Duy có lão bà vẫn lặng yên, bình thản ngồi nơi bàn quỳ. Chẳng bày tỏ nỗi lo lắng, xúc động. Khiến Sa-tăng tức giận, ngấc đầu ngạo mạn, hỏi:

-Này, lão bà, mụ có biết ta là ai không?
-Đương nhiên là biết.
-Thế, mụ không sợ ta sao?
-Lão muội đây chẳng bao giờ sợ quỷ ma!
-Sao mụ lại dám coi thường ta, đến như thế?
-Muội đây, 48 năm trời từng sống với người anh của ngươi, nay còn biết sợ chi ai!…

            Đến hôm nay, ở nhiều nơi có văn hóa khác biệt, vẫn còn thấy tổ chức lễ hội đình đám, lớn nhỏ. Ở đó, người văn minh thời đại vẫn đưa đẩy, kéo lôi mọi người về với quyền lực của tà thần, tăm tối. Điều này dễ nhận hơn, vẫn có vào thời của Đức Chúa. Những nào: bệnh trầm trọng, thân hình quái dị, thần trí bại xuội, lại đến: dịch tễ nhiễu nhương, thiên tai hãm hại. Lại cả những trận-địa nhục-nhã thất-bại, với đấu tranh.
Cứ thế, người người quy lỗi cho đó là hình phạt từ Đức Chúa. Hoặc, do ma quỷ nhúng tay vào. Dù, không coi đó là chuyện “khó tin nhưng có thật”, tai mắt ta vẫn cứ văng vẳng đâu đó, quả quyết của người đời, thời vi tính: quỷ thần có thật.
            Truyện kể hôm nay, về người nữ miền Tyrô - Siđôn là ảnh hình minh chứng niềm tin nơi con người. Người đàn bà quê mùa ấy cho rằng: ma vương vốn lộng hành, nên con gái mình mới bị dày vò, vật vã. Thật ra, con gái bà chưa hẳn đã bị quỷ ám, hành hạ. Nhưng, bà ngại con mình mắc chứng ngặt nghèo, chẳng thể chữa. Thêm vào đó, bà còn bị người đời khinh khi, coi thường; bị những ánh mắt đầy đối kháng.
Ghét ghen. Kỳ thị. Suốt đời, bà chỉ là dân ngoài Đạo, luôn sống bên lề cộng đồng cao sang, người Do Thái. Nói tóm lại, chuyện kể về bà không làm Đức Kitô yên lòng. Và, nhìn từ góc cạnh nào đó, tình trạng của bà xem ra không ổn. Nơi bà, là cả một khác biệt về sắc tộc và Đạo giáo. Bởi vậy, môn đệ trung kiên của Đức Chúa mới nghĩ: dù bà có mon men đến gần, cũng chẳng xin được điều gì lớn lao, nơi Thầy mình.
Và xem ra, Ngài biểu đồng tình với các môn đệ về chuyện này, đã làm ngơ. Nói cách khác, người nữ phụ nọ nếu không cả gan nài nỉ, có lẽ bà cũng chẳng đạt được ân huệ khó kiếm, từ người Do Thái. Đồng thời, lời ví von về người đàn bà ngoài Đạo, như lũ chó con hèn hạ, được xã hội trong Đạo mặc nhiên công nhận, vào thời ấy.
            Một lần nữa, nhờ lanh trí đối đáp, tin vào sự kiên nhẫn của mình, người nữ phụ miền Tyrô - Siđôn mới làm cho sự thể trở nên khác thường. Bà thuần hóa mọi gièm pha, ghét ghen kỳ thị của người đời, vào thời ấy. Bà có lý khi biện giải rằng: dù có bị coi rẻ như lũ chó đớn hèn đi nữa, bà vẫn không là loài thú hoang, đáng bị bỏ rơi ở bên ngoài.
Trái lại, bà vẫn coi mình như loài thụ tạo thuần thục, chỉ quanh quẩn trong nhà chầu chực một ân huệ, Chúa đánh rơi. Bà biết phận, và hiểu mình hơn ai hết. Hiểu rằng: là thân phận bọt bèo, bà mới kéo được về phía của mình, sự quan tâm chú ý của Đức Chúa.
Có như thế, con bà mới được cứu chữa. Có như thế, lớp hậu duệ là chúng ta mới học thêm được bài học, là: Nước Trời luôn xuyên phá rào cản chặn ngăn ân huệ xuống ban cho chúng ta. Ơn cứu độ được ban xuống bằng những phương thức khá đặc biệt. Đặc biệt hơn, vẫn qua trung gian người ngoài Đạo.
            Phúc Âm hôm nay, cho thấy sức mạnh của lời cầu, qua trung gian một người. Và người ấy, lại là người ngoài Đạo. Người nữ trong truyện đã phải trải qua giờ phút căng thẳng, của đời bà. Bà cố chịu căng thẳng, nhục nhã không phải cho mình, mà cho con gái. Niềm tin của bà, là gạch nối qua đó cuộc sống của người khác được cải thiện. Bà làm thế, còn để cho tất cả chúng ta, nữa. Là tín hữu, ta thường cho bạn bè người thân biết rõ, ta luôn quan tâm nguyện cầu, cho họ. Cứ thường tình, khi nghe chuyện, dù không cùng niềm tin ai cũng đều cảm kích.
            Thành thử, khi nguyện cầu cho bất cứ ai, dù ở nhà hay tại nguyện đường, dù buổi Tiệc Thánh, hoặc gặp lúc có liên hoan, đây là giờ phút cao đẹp nhất cho tất cả. Ta học nhiều điều từ giáo xứ/cộng đoàn, cũng là nhờ vào nguyện cầu đỡ nâng như thế. Đây là giây phút quên mình đi, để chỉ nghĩ đến người khác. Cho người khác. Dù chỉ một khoảnh khắc. Dù, theo cách dị biệt.
Bởi, cầu và nguyện như thế, là tự đặt mình vào cảnh tình của người khác. Đến với người khác, bằng hiệp thông. Cầu và nguyện như thế, sẽ nhắc nhớ ta một điều: khi dự tiệc khoản đãi “cấp trên cao”, hay ở đâu đó, có thể vẫn có người nào đó quanh ta, mỏi mệt đang mong chờ nhặt nhạnh, dù chỉ là vụn bánh đánh rơi. Dù, chỉ là cơm thừa canh cặn. Với họ, đó là hạnh phúc. Thứ hạnh phúc, mà họ chưa một lần ấp ủ.
            Nguyện cầu sẻ san, còn khuyên ta nên ra đi về chốn bùn đen cuộc đời, ở nơi đó, có những người đang xuống cấp, ngã ngựa. Có ra đi, ta mới có thể đỡ nâng đàn con Đức Chúa ở chốn nghèo hèn, được lên nơi đủ ăn, đủ mặc. Nơi mọi người, đáng được hưởng ơn lành hơn ai hết. Sở dĩ đã nên nghèo, vì không ai để tâm đoái hoài đến họ. Nhưng thật ra, họ đều là con cái. Là, tạo vật của Đức Chúa.
            Trong tinh-thần cảm-nghiệm được những điều như thế, cũng nên ngâm lên lời thơ rằng:
           
            “Trời nào đã tạnh còn mưa
Mà giông-tố cũ còn chưa muốn tàn,
Nhà người tôi quyết không sang
Thù người, tôi những đem nằm nghiến rằng.
Quên người – nhất quyết tôi quên,
Mà sao gặp lại còn kiên-nhân chào.”
(Nguyễn Tất Nhiên – Trúc Đào)

Tình người ở đời, xưa nay vẫn là thế. Tình người ở nhà Đạo, lúc này phải khác xưa. Khác, người, khác thời, khác cả tinh-thần mà mọi ngưòi cần đối xứ với nhau hệt như thành-viên của Nước Trời, ở đời. Vẫn cần ghi nhớ đến thiên thu.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch