Friday 28 March 2014

“Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa,”

“Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa,”
“Anh hứng nốt những giọt cuối mùa.”
(Dẫn thơ nhạc Trầm Tử Thiêng)
Ga 11: 1-45
            Kỷ niệm ấy, giọt lệ này, người của Chúa đã giăng ngập suốt nhiều mùa, nhất là khi người bạn nhân hiền của Ngài ra đi rời khỏi cuộc đời, như trình thuật thánh Gioan hôm nay kể.
            Trình thuật, thánh Gioan kể là kể việc Chúa cho Lazarô trỗi dậy. Lazarô trỗi dậy, tiếng Do-thái xưa mang nghĩa: “Chúa đỡ đần”, tức: Ngài đã vực dậy người bạn sống ở Bêthania, cách Giêrusalem chừng 3, 4 cây số đường bộ. Lazarô đã chết và an táng tại mộ phần được lấp kín bằng đá tảng, những 3 ngày. Thời của Chúa, người Do thái quan niệm thần-tính/linh-hồn vẫn quẩn-quanh bên người chết suốt ba ngày. Ngày thứ tư sau đó, thần-khí mới rời khỏi xác người quá cố ra đi vĩnh viễn.
Trường hợp Lazarô, người có mặt ở hiện trường đều chứng kiến cảnh Chúa đến thăm bạn hiền quá vãng vào lúc thần khí rời xác bạn. Ngài đã khóc thương bạn một hồi, rồi ra tay phục hồi sự sống để bạn trỗi dậy mà đi, như khi trước. Bạn làm theo lời Thày, nên sống thêm nhiều tháng ngày sau đó, với nguồn sinh-lực phục hồi cũng rất mới.
            Đọc truyện Lazarô trỗi dậy khỏi mộ phần, người đọc cũng chẳng rõ sinh-lực anh thực-sự ra sao, nên cứ nghĩ: anh lại sẽ sống mạnh như hôm trước, có “Chúa đỡ đần”. Chuyện Lazarô Tin Mừng kể, là kể về việc tác-giả chỉ mỗi quan-tâm đến việc anh làm, hơn là hình-hài của anh sau khi được Chúa tái-tạo sự sống, có nơi anh. Và, việc anh phải làm, là gìn giữ sự sống theo cách cũ.
Phục sinh của Chúa, lại rất khác. Chúa phục-sinh/trỗi dậy không là thứ hồi-phục sinh-lực giống như bạn hiền, thời buổi ấy. Ngài Phục sinh, là để đến với ta không theo cung-cách Ngài từng sống với ta và bên ta như trước đó. Chúa phục sinh, là sự-kiện có thực. Còn, sự thực ta không thể biết được, là: trỗi dậy rồi, Ngài có trở về với loại-hình sự sống giống hồi Ngài sống, hay không? Hình-hài Ngài sống lại sẽ ra sao, thật ra chẳng ai biết được. Ta chỉ biết mỗi việc Ngài làm sau phục sinh, thôi. Chỉ biết, là Ngài vẫn đang sống và sẽ sinh-hoạt theo cung-cách cũng rất mới, mà thôi.
Qua sự việc phục-sinh/trỗi dậy của Chúa và của Lazarô, ta biết thêm một điều, là: khi chết rồi, thần-tính của ta sẽ an-nghỉ nơi cõi trời. Và thân xác ta cũng trỗi dậy như Chúa nhưng lại sinh-hoạt theo thể-thức rất khác hẳn. Và khi ấy, ta chẳng biết hình-hài của mình sẽ ra sao? Có giống trước không? Thật ra, ta chưa bao giờ được bảo cho biết những gì mình sẽ làm sau khi trỗi dậy; và sự sống mới của ta rồi sẽ ra sao? Bởi thế nên, mới có câu hỏi: phục-sinh có nghĩa gì đối với Chúa và với ta? Và như thế, có là quay trở về với cung-cách sống như lần hiện-hữu trước giống Lazarô khi xưa không?    
Trả lời vấn-nạn này, người Do-thái lại quan-niệm thế-giới sẽ được Chúa biến-cải để trở thành một trạng-thái rất tuyệt hảo. Khúc dạo đầu cho tình-huống này, là phục-sinh/trỗi-dậy đầy ý-nghĩa. Và việc này cũng sẽ không xảy ra cho đến khi thế-giới kết-tận giòng sử của mình. Việc ấy cũng xảy ra cho ta và mọi người cùng một lúc. Đó là lúc mọi người cùng trỗi dậy đi vào trạng-thái được sống hạnh-phúc sướng vui trong một thế-giới đã đổi mới.
Vào ngày Phục Sinh, Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết. “Phục-sinh phổ-cập” được ban cho Đức Chúa theo cách tư riêng ngay ở giòng lịch-sử của thế-giới, chứ không vào buổi thế-tận. Điều này có nghĩa, là “Phục-sinh phổ-cập” đã bắt đầu với mọi người, khi Đức Giêsu trỗi dậy vào ngày Chúa Nhật rất Phục Sinh. Đó là tiến-trình dài ngày, trong đó Chúa hiện-diện với thế-giới, lịch-sử và mọi người đã dành sẵn cho một thế giới cuối cùng cũng đổi thay.
“Phục-sinh phổ-cập”, trở-thành động-lực để Chúa đưa vào với cộng-đồng nhân-loại một động-lực trong đó các yếu-tố thần-thiêng và phàm trần đều chung lưng hợp-tác, rất hiệu-lực. Động-lực này, xưa nay, vẫn tạo khác-biệt cho lối sống tư-riêng, mang tính chính-trị để mọi người cùng sống trong yêu thương/đùm bọc và giùm giúp ở mọi nơi và mọi lúc. Và, Chúa vẫn còn làm việc ấy cho mọi người, vào mọi thời.
Đây cũng là điều được thánh Phaolô gọi là “Uy-lực Phục Sinh”. Chúa không dời đổi hoặc định-đoạt vị-trí của Ngài ở chốn trời cao xa tít cõi miên trường, rất an giấc. Ngài vẫn ở đây, chốn này và đang sinh-hoạt rất sống-động để biến-cải mọi người. Và, Lazarô chẳng bao giờ có được phục-sinh/trỗi dậy giống như thế. Anh cũng chẳng được Chúa ban cho mình một thân-xác phục-sinh giống như thế. Lazarô là trường hợp được dựng thêm theo kiểu xưa cũ như phép lạ còn tiếp diễn. Và, Chúa chính là huyền-nhiệm duy nhất được thiết-lập rất mới để Ngài biến-cải mọi sự theo ý Ngài.
Đức Giêsu san-sẻ sự mới mẻ của Thiên Chúa. Ngài san sẻ cả một phục-sinh/trỗi dậy và động-lực mới với ta, ngang qua thanh-tẩy. Mặc dù về thể lý, trông ta không giống cung-cách ta từng có vào lúc tẩy rửa, vì ta không còn giống như trước. Ta có thêm uy-lực vực dậy, từ Chúa nữa. Ta là thân mình của Ngài. Là, tâm-can và tứ chi của Ngài để rồi cùng Ngài thực-hiện công-cuộc phục-sinh rất mới làm trỗi dậy thế giới ở quanh ta. Ngài khiến ta trỗi dậy chống chọi mọi sự việc trong thế-giới khác với ý của Ngài. Khác, cả những gì thực sự tốt lành/hạnh đạo cho mọi người.
Nhờ Chúa phục-sinh, Ngài khiến ta làm công-việc hàn gắn mọi bạo-hành ở thế giới. Để rồi, cuối cùng, sẽ trở-thành một thế-giới tốt lành/đạo hạnh theo ý Ngài. Và khi ta thấy mình không đủ uy-lực để làm thế và/hoặc không có khả-năng làm những việc như thế, Ngài sẽ đến với ta và ngang qua ta để phụ-lực ta bằng quyền-uy/mãnh-lực mà ta không thể tự mình làm được. Ta gọi quyền-uy sức mạnh này là Thần-Linh Thánh Ái của Phục sinh. Lazarô chả bao giờ được thế. Anh chẳng bao giờ nghe được chuyện này. Những gì anh có được cũng là một thứ phục-sinh/trỗi dậy thôi.
Có lẽ đây là nghịch-lý/nghịch-thường rất đích-thực, nhưng ta có được quyền-uy sức mạnh phục-sinh như thế, trước khi chết. Điều đó có nghĩa: chết chóc không là sự-kiện chính yếu trong cuộc sống mà ta có thể nghĩ là thế.
Đức Giêsu vẫn đang thôi thúc ta đi vào sự sống mà chính Ngài không thể khởi sự trước khi Ngài chết và phục sinh. Ngài vẫn đang vội thôi thúc ta san sẻ sự sống này với Ngài trong cuộc sống mới của Ngài. Ngài không thể chờ mãi cho đến khi ta chết. Ngài ban điều đó cho ta trước khi ta chết thật. Điều này chỉ có nghĩa là: cái chết của ta như Chúa thấy, không thật sự quan trọng như ta tưởng.
Uy-lực ban cho ta nhờ Thần-khí Phục Sinh của Chúa giúp ta cứ thế tiến tới ngang qua sự việc ta đang chết dần; và cái chết của ta không làm ngưng đọng và cũng chẳng cất đi chuyện ấy. Bởi sự việc ta chết dần chỉ là con đường dẫn ta đi vào điều kiện sống mới mẻ trong đó ta có thể làm được công việc vực dậy cả thế-giới, không công-khai rõ ràng, nhưng rất có hiệu-lực. Giống hệt như Chúa và cùng với Chúa đã sống lại thật.
Cuối cùng ra, ta sẽ bớt lo cho việc mình sẽ chết và bớt ưu tư xem những gì sẽ xảy đến với ta khi đó và sau này. Cuối cùng thì, ta càng dính-dự vào sự việc vực dậy và chữa lành cho thế-giới được phục sinh đổi mới ở đây, bây giờ. Hãy bắt đầu công việc đó ngay từ bây giờ và rồi sẽ tiếp tục cả sau khi chết còn hiệu nghiệm nhiều hơn nữa.
Cảm ơn anh Lazarô khi xưa đã được Chúa cho phục sinh/trỗi dậy. Tuy thế, bọn tôi đã tiến bước trước anh cũng rất nhiều. Cảm ta Chúa vì Ngài đã khởi động công việc rất mới cho mọi người.
Trong cảm kích biết ơn như thế, lại cũng ngâm thêm lời thơ hay ta vừa hát, thơ rằng:

“Êm êm, ngoài kia nhạc đêm đông!
Anh nhớ khi mặn nồng,
Xin cám ơn em một thời xuân
Giờ còn đâu mà mong,
cho chút duyên nghe còn ấm.”
(Trầm Tử Thiêng – Bài Tình Ca Mùa Đông)

Tình ca mùa đông hay mùa của sự chết, vẫn không làm ta ngần ngại tạ ơn em, tạ ơn đời tạ ơn Chúa đã chết đi để ta phục sinh/trỗi dậy, giống như Ngài, hôm nay và mai ngày, suốt một đời.    
           
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch

Saturday 22 March 2014

Rồi mai đây, ta đi vào quên lãng



“Rồi mai đây, ta đi vào quên lãng,
Có ai còn tìm lại vết chân xưa.”
(Dẫn từ thơ Miên Du)
Ga 9: 1-41
Quên lãng chăng, chỉ những người vô tâm/vô tính, mới như thế. Tâm tính của người mù ở trình thuật lại khác hẳn, vẫn không thấy “ai tìm lại vết chân xưa” thời quên lãng.
Trình thuật, thánh Gioan ghi về người mù từ thuở bình sinh nay được Chúa tạo thị-giác “tìm vết chân xưa” trong giây lát. Thật ra thì, người mù đây chưa mất khả năng “thấy” ánh mặt trời, bởi anh chưa một lần có được huệ-lộc ấy. Huệ lộc Chúa ban, qua tạo-dựng rất trân trọng.
Truyện kể ở trình-thuật, người thường ở đời vẫn phẩm-bình về thế giới xưa nay không thấy người mù được ban cho huệ-lộc “thấy” ánh sáng. Điều xảy ra hôm ấy, giống ngày đầu nhân loại kể ở Kinh Sách có Chúa tạo-dựng trời đất những 6 ngày và ánh sáng xuất-hiện ngay ngày đầu.
Với người mù, ngày đầu Chúa ban huệ-lộc “thấy” ánh trời từ bùn đất rất “Giêrusalem” cùng nước miếng từ miệng Ngài, trở thành sinh-lực đặc-trưng giúp anh được “thấy”, mà chúc tụng Ngài. Kinh Sách, cũng kể về hai nhân-vật đầu đời mở mắt “thấy” mình trần trụi, nên tủi hổ. Và câu truyện hành trình “Trên đường Emmaus” xưa cũng thế, kể người đồ-đệ được Chúa mở tầm mắt “thấy” Thày đồng-hành và bẻ bánh. Tất cả, “thấy” mình tủi hổ, cần chỉnh-sửa.
Có vấn nạn hỏi rằng: phải chăng người mù đây là chàng ăn xin trước đây đã không “thấy”?
Thật ra, người ăn xin mù đây nhận nhiều thứ, chứ không chỉ mỗi ánh sáng Chúa tạo-dựng. Anh được tiếng giọng của Chúa nói với mình. Được như thế, chẳng phải do cha mẹ anh ban phát. Nhưng, tự mình, anh lại vấn nạn cả người hỏi về những “thấy” và “tin” nơi Chúa, mới cần thiết. Anh còn có được cả nhận-thức, tức: nhận và biết rõ Chúa là ai. Nhận và biết, rằng: anh còn được giáp mặt cùng đối-đáp với Chúa, tức: đi vào thế giới mới, với cuộc sống mới. Mới đến độ, anh chưa từng có ý-tưởng nào như thế hết.
Trình thuật thánh Gioan ghi những điều Chúa nói, lại là “ánh trời” ban cho thế-gian; để rồi,  khi nghe biết Tin Mừng, người người cũng sẽ hỏi: ai là người đích-thực mù-loà, đây? Có thể người đó là nhóm Pharisêu cứ đem gai góc vào mọi thứ: những thứ khiến họ mù loà chẳng “thấy” được sự thật.           
Ao/hồ “Siloam” nói ở trình-thuật mang ý-nghĩa “Người được sai đi”. Người ấy, là Chúa. Khi Chúa ban phép cho người mù thấy được và có nhận-thức, thì người nhận quà ở đây lại “được sai đi” vào với thế giới mới; ở đó, anh lại cũng được “thấy” và “được sai đi” mà đến với người khác. Từ đó, anh trầm mình để được rửa trong Đức Giêsu-Đấng-được-sai-đi, đến với thế-gian…
Các nhà chú-giải lâu nay vẫn tranh-luận về thời-khắc xảy ra sự-kiện này trong đời hoạt-động của Chúa. Một số vị nghĩ rằng đó là vào lúc bắt đầu có sự kình-chống Đức Giêsu đến độ Ngài bị bắt đi hành hình. Thật ra, chẳng ai biết rõ sự thể ra như thế nào, nhưng tất cả đều thấy ánh Phục Sinh loáng thoáng ở nơi đây! Và đây, lại là ý-nghĩa chuyện người mù loáng thoáng “thấy” ánh Phục Sinh.
Sống đời thực-tế, mọi người đều mang hy-vọng trong người. Có hy-vọng thật ngắn hạn, lại cũng có thứ hy-vọng dài-hạn, nhưng tất cả đều huy-động và kết-tụ sinh-lực của ta để rồi tạo cho nó ý-nghĩa về những gì ta làm hoặc không làm trong đời. Hỵ-vọng sâu xa nhất, là hy-vọng thật vô hạn. Có nhiều thứ/nhiều chuyện khiến ta biết mình có hy-vọng, nhưng lại “mù loà” về thực tại hiện-hữu  mà ta không công-nhận như thế. Thuở bình sinh, ta cũng mù loà như anh mù ở trình-thuật, nhưng điều đó không kết tụ sinh-lực và ảnh-hưởng lên cuộc sống của ta là bao.
Chính vì thế nên, ta vẫn tháp-nhập vào người mình niềm hy-vọng vào các dự-án chính-trị và lịch-sử. Để rồi, kết thúc bằng sự giam-hãm chính mình vào các sự-nghiệp mang tính xã-hội và nhân-bản. Ngày nay, ở thế-giới hậu hiện-đại, người dân ở phương Tây đã không còn trông chờ vào bất cứ thứ gì từ lịch-sử. Họ thích để nó qua đi miễn là mọi việc khiến họ không bị nguy hại gì.
Hệ-quả khác cũng cho thấy mọi hy-vọng đều trở thành chuyện cá-nhân và có lẽ nhiều lắm cũng chỉ thuộc gia đình mình, thôi. Còn, xã-hội bên ngoài dường như không đụng chạm gì đến ta và cũng hững-hờ. Xem như thế, ta cũng trở nên mù loà bởi hiện có nhiều tính vị kỷ và hững-hờ đến độ, có người thấy dễ dàng để thay đổi thế-giới hơn đổi-thay chính con người mình!
Thành thử, lịch trình chính cho mọi người sống là làm sạch chủ nghĩa tư-riêng, cá thể. Điều này có nghĩa là: từ bỏ chủ nghĩa vị-kỷ bắt nguồn từ việc ta tập trung vào cá-nhân mà ra. Điều đó còn có nghĩa làm sạch nỗi khát-vọng ta vương-vấn những thứ bề ngoài ta đeo đuổi. Và có nghĩa: ta phải chấm dứt không còn ưu-tư lo-lắng cho sự tồn tại và đi vào trọn cuộc sống. Và có nghĩa, mọi lá buồm trên thuyền đều giương cao với ngọn gió thích-hợp và, theo cung-cách nghịch thường khi ta làm thế, tức ta chấm dứt việc chỉ biết chăm-lo cho chính mình và biết tìm kiếm linh-đạo tự-tại kết hợp với sự khôn ngoan để “thấy” người khác ở những nơi đang cần ta chăm sóc, giúp đỡ.
Nhiều người thường có ý-nghĩ khá hẹp-hòi về sự sống. Họ cứ tưởng sự sống con người gồm mỗi việc làm sao có thân hình đẹp, sống khoẻ mạnh trong môi-trường lành-sạch có quân-bình về tâm-lý và cảm-xúc, hít thở khí trong lành, ăn uống điều độ và mọi việc đều trôi chảy. Sự sống, hiểu đúng nghĩa, thật ra không phải thế. Sống như thế mới chỉ là có điều-kiện thể chất của sự sống, thôi.
Sự sống đích-thực mang ý-nghĩa rất tinh-thần biết rõ lý-do và khuôn thước mọi sự những ao ước được tự-do và làm chủ đời mình nhờ đó ta có thể cho đi chính con người mình theo cách-thức do mình chọn-lựa đến độ ta có thể yêu-thương mọi người và mọi người thương-yêu mình. Sự mù-loà của con người là ở chỗ đó. Nhiều người lâu nay ở trong tình-cảnh tuy không mù nhưng đã loà. Mù và loà từ lúc sinh ra trong cõi người, vốn được gọi là văn-minh/văn hoá của nhân-loại.
Tình-yêu đích-thực là bí-kíp và là chìa khoá giúp mọi người sống hạnh-phúc. Nhưng điểm nghịch-thường nằm ở chỗ tình-yêu không tùy thuộc ở ta. Nó không là mục tiêu khiến ta có thể chinh-phục được, cũng chẳng là mục-đích ta săn bắt hầu chiếm đoạt, mà là Huệ-Lộc ta thừa-hưởng như quà tặng vô giá. Ta không thể mua cũng chẳng chuyển nhượng nó bằng tiền bạc và Huệ-Lộc cũng chẳng là phần-thưởng bồi đắp cho những việc tốt lành ta từng làm. Nó chẳng bao giờ có nghĩa một quyền-hạn nào hết, mà chỉ là ân-huệ đặc-trưng đã biến-đổi hiện-hữu thành sự sống nơi ta.
Tình-yêu đòi ta chuẩn-bị mọi sự tự trong lòng, nhưng lại đến từ một sáng-kiến không do ta nghĩ ra. Ta có thể chờ đợi nguyện cầu cho tình yêu, nhưng còn tùy vào món quà cuối do Chúa tặng ban. Nó tùy thuộc việc Chúa có thương ta và mời ta đi vào sự hiệp-nhất hiểu-biết và thương yêu Chúa theo cách sống khiến ta trở nên giống Chúa hơn, do ta biết sống theo đường lối Chúa vẫn sống. Khi Chúa quyết-định yêu thương ta như thế, thì đó không chỉ trong chốc lát hoặc một quãng thời gian nào đó thôi, nhưng là mãi mãi đến thiên thu.
Nay ta biết Chúa có sáng-kiến yêu thương mỗi người và mọi người chúng ta. Nhưng, vấn đề là: làm sao ta biết được điều đó? Đó chính là: nhờ Chúa đã tỏ cho ta biết. Chính Ngài mặc khải cho ta biết khi Ngài nâng-nhấc Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, vào ngày Phục Sinh. Không có Phục sinh, ta sẽ nghi ngờ nhiều về tình yêu của Ngài. Nhưng, khi Chúa vực mọi người trỗi dậy từ cõi chết, thì Ngài cũng có sáng-kiến tỏ lộ tình Ngài thương-yêu mỗi người và mọi người đang trong cảnh mù loà không hiểu biết ý-nghĩa thực về sự sống và về Chúa. Quả là, nhiều người vẫn mù lòa về thị-kiến ấy trong suốt thời gian họ sống trong đời…                        
Đây, là lý-do khiến ta để giờ ra mà suy-tư về việc sự việc Chúa gặp gỡ người thanh niên mù từ thuở bình sinh ngõ hầu giúp ta suy tiếp về Phục Sinh. Đó là ý nghĩa đích-thực của niềm tin vào Phục sinh ta thực hiện trong cuộc sống. Điều đó còn hơn chỉ là niềm tin đơn thuần. Đó chính là, nhận-thức rất đích thực về sự sống có niềm tin không mù loà.
Trong cảm nghiệm và tin như thế, cũng nên ngâm lại lời thơ còn bỏ dở, những hát rằng:    
          
“Rồi mai đây, ta đi vào quên lãng,
Có ai còn tìm lại vết chân xưa.
Những nhánh sầu chia buồn trên lối cỏ,
Những cuộc đời lặng-lẽ chẳng ai đưa.”
(Miên Du – Rồi Mai Đây!)

Vết chân xưa để ngỏ, vẫn cốt để người người có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc Chúa trong chốn tư riêng mật-thiết, rất thiên-đường. Thiên đường không mù loà, nhưng rất tin và rất yêu như Chúa làm.        
   
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch

Friday 14 March 2014

Xa người nhớ cảnh tình lai láng

Suy tư Tin Mừng Chúa nhật Thứ Ba Mùa Chay năm A 23.3.2014
“Xa người nhớ cảnh tình lai láng,”
“vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.”
 (Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 4: 5-42
            Nơi nhà thơ, thiếu bạn ngâm thơ thì có bia rượu cũng bẽ bang nhiều nỗi nhớ. Nơi nhà Đạo, tình lại phổ biến nhiều để dàn trải cho người trong ngoài Đạo, rày vui hưởng.
            Tình nhà Đạo, nay còn thấy ghi ở trình thuật thánh Gioan hôm nay. Trình thuật, nay là truyện kể khá dài dòng về người nữ phụ xứ Samari rất chân chất, thật lòng, dù rối rắm.
            Truyện xảy ra ở đất miền ngoài Do thái thuộc xứ Samari, rất “ngoài luồng”. Theo tích truyện, nguời đọc đoán ra được đây là thôn làng nhỏ bé có tên là Sychar, gần Sychem có giếng Gia-cóp ở cách đó 1,5 cây số, về phía Bắc. Sự việc xảy đến vào buổi trưa rất nóng cháy. Các thánh tông-đồ để Chúa đó, đi mua thức ăn; nhưng không bỏ gầu múc lại cho Ngài sử-dụng, khiến Chúa có khát cũng chẳng múc được nước. Và, nữ-phụ nọ đến chuyện vãn với Ngài, theo cung cách rất lạ.
            Lạ, ở chỗ: Chúa bắt chuyện trước và đưa câu chuyện vào cuộc bàn-luận theo kiểu của đấng bậc hiểu biết rất nhiều điều mà dân thường miền quê tuy không nói nhưng Ngài vẫn có thể đoán được. Ví như: cụm từ “nước hằng sống” ý nói giòng nước chảy cuộn không cần vò múc cũng có được. Và, Chúa còn hỏi người nữ phụ xem chị có gia đình chưa? Chị nói mình vẫn không có chồng vào thời-điểm đó, nhưng kỳ thực chị có đến năm ông, trong quá khứ. Điều này khiến chị thấy câu chuyện bàn-luận hấp dẫn đến độ chị cố tình bỏ lại vò múc ở đó, để có lý do quay lại chuyện vãn tiếp với Chúa.
            Và, dân làng nghe kể cũng thấy câu chuyện quá hấp dẫn, bèn chạy đến xem chuyện lạ, do người từ xa đem đến. Chuyện lạ đây, là câu nói: “Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian". Nên, cảnh-trí diễn ra khó có thể là mẩu lịch sử ở Do thái, bởi hầu hết cấu trúc của truyện đều rút từ Kinh Sách Do thái. Như chuyện nữ phụ tên gọi là Rebecca ở Sách Sáng Thế đoạn 24, là bản văn dài nhất sách, cũng giông như trình thuật đây, là truyện dài nhất trong Tin Mừng do thánh Gioan viết.
            Hai nguồn văn đều kể về sự kiện nam-nhân hành trình đi đến xứ người, cũng gặp nữ-phụ xa lạ không chồng không con. Và, một người trong truyện, lại cũng đi múc nước giếng, và người nữ-phụ trong cả hai chuyện cũng đều chạy về nhà loan tin kèm theo yêu cầu mọi người ra xem. Tiếp theo lại cũng có truyện kể về bữa tiệc ăn uống, theo sau là nghi-lễ hứa hôn. Nói chung, thì đại ý bài học rút từ truyện kể ở đây, là: hãy tránh khỏi nước và cũng tạm lánh xa đám lạc đà cứ la cà đây đó. Đây, là điều hấp dẫn người đọc lẫn người nghe kể truyện.
            Tuy nhiên, ở đây vẫn thấy có sự khác biệt giữa cốt truyện ở Kinh Sách Do thái và câu chuyện mà thánh-sử Gioan viết về Đức Giêsu đi đến xứ Samari có nữ-phụ lạ không còn trinh trong, nề nếp. Chị đến với truyện vào giữa trưa nóng nực, chứ không phải buổi chếch bóng. Và lúc ấy, chẳng thấy ai đến múc nước như chị hết. Và, chị cũng chẳng trao cho Ngài ngụm nước nào khả dĩ khiến Ngài thấy dịu cơn khát.
Chúa đến, không bằng lạc đà, xa hoa gì, thế mà chị ta cũng chẳng thiết tha chuyện kết-thân mật thiết với đấng biết rõ chuyện của chị, ngay ở giếng nước. Ngài không xin chị thứ nước mà uống rồi vẫn khát. Ngài cũng chẳng yêu cầu được người cho ăn, dù bụng dạ Ngài cồn đói cào, sau cơn mệt vì đi bộ. Và, cũng chẳng thấy ai thết-đãi Ngài bằng những tiệc tùng, ăn uống thỏa thuê, cả.
Ở đây, lại thấy có sự đồng-thuận “kép” ở mỗi đọan, trong truyện kể. Nơi nền văn-hóa tương-tự ở Trung Đông, người ở đây thường cấm-kỵ không cho người khác uống thức uống nào không thuộc về mình hoặc gia đình mình kiếm múc. Đây là nghiêm cấm nói về lòng ao ước hỗn-tạp của dục-tình, nên mới thế. Với nền văn-hóa tương-tự, người phụ-nữ được hiểu ở đây là nguồn sự sống vẫn tuôn chảy đầy thứ nước giúp sống còn.
Điều lý-thú ở truyện kể hôm nay, là ở đoạn cuối của tryện kể khi người nữ-phụ trong truyện lại trở thành người loan báo tâm-tư của Chúa qua tin vui mừng chị ta phát-hiện được rồi chuyển cho mọi người trong làng được biết đến.
Tin Mừng Chúa nhật mùa Chay hôm nay, chừng như cũng yêu cầu người đọc chúng ta hãy suy-tư về sức mạnh của lòng đam mê cuốn hút đến hăng say, thích thú. Đam mê, thật ra không phải lúc nào cũng mang tính tình-dục, hết. Đam mê ở đây, còn tạo sự ngỡ ngàng coi đó như sự việc vướt quá sức lực và có thể làm rối lọan sự quân bằng của nhiều việc. Sự việc đây, là phản-ứng bất ngờ nay “bật nắp” đến độ ta chẳng thể làm chủ được tình-huống mà đôi lúc không ai biết sẽ xảy ra ở đâu, bao giờ hết.
Lịch-sử nhân-lọai luôn bao gồm nhiều giai-đọan khá lôi cuốn. Ở thời mà người xưa gọi là “Baroque” kéo dài từ năm 1600 đến 1750 và còn tiếp tục vào nhiều năm sau đó, lại đã có thời khai sáng nữa. Thời-đại ấy, bao gồm nhiều ngỡ ngàng đến lôi cuốn hấp dẫn người trong/ngoài cuộc đến độ không cần biết là nó mang tính tích-cực hay tiêu-cực, có khi cả hai.
Theo kinh-nghiệm thông thường của mọi người, thì khía-cạnh tích-cực nhất về thời đại lôi cuốn hấp dẫn con người là như tình-huống xuất thần chứng tỏ mình tạo được chỗ đứng tư riêng, ít khi thấy. Tính tích-cực là như thế, còn tình-trạng tiêu-cực quá sức đến mức tạo sự trầm-thống dễ dẫn đến trạng-thái tự hủy-họai.
Điều bí-hiểm đến khó hiểu là: ở mỗi tình-huống như thế, thường mang tính trữ-tình vốn dẫn-dụ con người vào trạng-thái nào đó giống như thế, khó cưỡng lại. Người rơi vào tình-huống hấp-dẫn lẫn lôi cuốn dễ bị ám-ảnh chuyện kiếm tìm sự vui sướng không thấy ở thế-giới này. Có khi họ còn kiếm tìm cảm-giác lạ trong chính sự khó khăn cùng cực mà nhiều người chưa từng cảm-nghiệm. Điều đó thấy rõ nơi nghệ-thuật, ngôn-ngữ, văn-chương và những điều tưởng-tượng về các chủ-thuyết rất “người phàm”.
Rõ ràng là, tinh-thần đạo-giáo ở thời kỳ này lại rơi vào thời Phục hưng cải-cách qua đó đạo Công –giáo quyết chống-trả mọi chủ trương canh-cải, về nhiều thứ. Rõ ràng là, vào thời đó đã thấy xuất-hiện sự-kiện các dòng tu kín/khắc kỷ có cải-tân như trường-hợp thánh Têrêxa, Gioan Thánh-Giá và Dòng Tên thời của thánh Y-Nhã.
Chợt cũng thấy nơi các thày tu khi xưa càng muốn tách rời khỏi nhu-cầu đòi kinh-nghiệm sống phúc-hạnh mường-tượng về trường-hợp xuất-thần. Đó là cảnh-huống tách rời khỏi niềm cảm-xúc mới có quyết biến mình ra hư không/trống rỗng. Tính cá-nhân tập-trung vào với cá-thể riêng mình và kinh-nghiệm sống biệt-lập không được áp-dụng.
Các thày tu thuộc dòng khắc kỷ, lại đã tìm cách đến với Chúa theo cung cách cổ lỗ, tức: vẫn “bình chân như vại” không nhận-chân ra Ơn cứu-rỗi đối với cá-nhân từng người; nên, vì thế không có tiềm-lực bị lên án. Các vị ấy vẫn yên tâm kết-hợp với Chúa theo cung-cách đơn-thuần, giản-dị dù cổ xưa. Sống thỏai mái kết-hợp với Chúa theo cung cách cá-nhân vẫn không là lối diễn tả đầy lôi cuốn hấp dẫn! Ngay đến việc yêu-cầu sống giản-đơn như người bình-thường lại cũng không được chiếu cố để đi vào với kinh nghiệm tư riêng, khắc kỷ.
Tác-giả Rudolf Otto lại đã diễn-tả sự việc có các cá-nhân riêng lẻ cảm thấy run sợ đến độ mỗi khi cá-nhân nào đó xuất-thần tiếp xúc với Chúa đều được xem là điều thật lôi cuốn hấp dẫn như kinh nghiệm tư riêng, rất quí hiếm. Dù có rơi vào tình-huống thế nào đi nữa, các thày dòng khi xưa cũng có kinh-nghiệm về một tiếp-xúc với Chúa, thật lôi cuốn hấp dẫn.
Thiên-Chúa đây, không phải hiểu theo nghĩa thần-học tốt đẹp nhất hoặc như niềm tin theo truyền-thống thánh-thiêng, nhưng Thiên-Chúa được hiểu theo nghĩa là Đấng luôn có đó để con người phàm tục có kinh-nghiệm tiếp xúc thần-thiêng, độc-đáo rất hiếm hoi. Chính đây là ý-nghĩa đặc-trưng của sự việc “tìm kiếm Chúa một mình Ngài” mà thôi. Và đây có thể cũng là phương-án tốt đẹp để Chúa và ta có lien-hệ mật thiết, theo kiểu mới/cũ nào đó.
Phải chăng, nữ-phụ “ngoài luồng” ở trình-thuật truyện kể đã đạt kinh-nghiệm tiếp xúc chuyện vãn với Chúa trong mật-thiết sau khi Chúa đã ra đi theo đường lối của riêng Ngài? Có lẽ, cũng nên hy vọng và tưởng tượng ra tình-huống Ngài vẫn có ở đó, chờ đợi con người đến tiếp xúc, chuyện vãn trong riêng tư, mật thiết? Nói gì đi nữa, người nữ-phụ trong truyện-kể vẫn không đi vào con đường có vườn xanh tươi tốt để đến với Chúa.
Từ những suy-tư này, mỗi người con hoặc người bạn đường của Chúa cũng nên tự hỏi xem lâu nay mình tìm kiếm Chúa ngang qua con lộ nào? Có xum xuê vườn xanh mướt rất dễ chịu? Hay, vẫn đầy gai góc, khó đi và khó tưởng-tượng?
Trong tinh thần chay kiêng tự kiểm, cũng nên ngâm lại lời thơ trên, rằng:

“Xa người nhớ cảnh tình lai láng,”
vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.”
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá,
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.”                  
(Hàn Mặc Tử - Bài Cửa Sổ Đêm Khuya)

Cửa sổ đêm khuya vẫn để ngỏ, để người người có cơ hội tiếp xúc với Chúa trong chốn tư riêng, mật-thiết, rất thiên-đường.        
   
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch

Friday 7 March 2014

“Ta là mảnh trăng đến hồi le lói,”



Suy tư Tin Mừng Chúa nhật Thứ Hai Mùa Chay năm A 16.3.2014
“Ta là mảnh trăng đến hồi le lói,”
“nằm trên cao thương hại kẻ trần gian.”
 (Dẫn từ thơ Tế Hanh)
Mt 17: 1-9
Nhà thơ ấy, khi xưa vẫn thương hại người người chốn gian trần. Nhà Đạo đây, lâu rày vẫn đầy lòng xót thương cả vũ trụ lẫn dân-gian, một đời người.
Trình-thuật, thánh Mát-thêu nay ghi tâm-tình thương-mến gửi đến người đọc ở mọi nơi, mọi thời. Tình thương thánh-sử bày-tỏ, còn hiện rõ nơi thánh Phêrô tông-đồ bộc phát khi Chúa biến-hình thành Tình thương-yêu muôn người. Ngài biến-hình, là: có được hình-dạng rất đúng-đắn, phải lẽ.
Trình-thuật “Biến-hình” sẽ rất nguy-hiểm nếu mọi người lại cứ thích diễn-tả theo kiểu vật-chất, rất thân-xác. Bởi làm thế, lại sẽ về với câu hỏi: xác người sống lại có biến-hình không? Có đổi dạng như hồi mới sinh ra không? Và, Sống lại là hồi-sinh như thời mới đẻ, hệt như tiên-tri Êlya xưa chỉ biến-đổi hình-hài thân xác chứ không chết! Và biến-hình Phục sinh, có là hình-thù tuy đã biến-đổi nhưng vẫn giống như khi trước, chứ?
Mọi câu trả lời đều không chắc. Chỉ chắc mỗi điều, là: biến-hình đích-thực không mang tính vật-chất/xác thể, mà chỉ là trạng-thái tâm-linh chứ không là sự việc tư riêng cá thể theo kiểu Narcisse chỉ biết soi gương xem mặt mình có gì biến đổi? Biến-hình, là trạng-thái tâm-linh đặt nặng lên tình thương-yêu; để rồi xem tình thương-yêu làm được gì cho ta, mà thôi. Tình thương-yêu biến-đổi hình-hài con người. Tinh thương-yêu, làm cho con người trở thành người khác hẳn. Nhất là khi con người có chút tình đối với ai khác, chứ không chỉ với chính mình. Nói rõ hơn, đó là tình thương-yêu đối với Chúa, đến từ Chúa.
Người Công-giáo vẫn thường nghĩ: với con người, giới lệnh trước tiên và duy nhất, là tình thương-yêu. Điều này cũng không hoàn toàn đúng, một cách tuyệt-đối. Bởi khi xưa, giới-lệnh đầu-tiên đặt cho người Do thái, là: “shema”, tức: “lắng nghe”. Đây, là cụm-từ đầu trong lời cầu mà người Do thái cứ lặp đi lặp lại, mỗi ngày. Với người Do thái, “lắng nghe” là chú tâm tin-tưởng vào những gì mình không thể đạt, nếu không để lòng mình ra mà nghe.
Điều đạt được, khi người người để lòng mình ra mà nghe ngóng? Đó, là lời đoan-quyết, bảo rằng: Đức Chúa, Thiên Chúa của ta là Một. Người Do-thái, khi nói về Gia-vê Thiên Chúa, họ không dám nói thẳng Danh Ngài mà chỉ quanh co nói rằng: khi lắng nghe, ta khám phá ra rằng Thiên-Chúa Đấng-Là-Một, ta không thể phát âm thành tiếng, được.
Và, điều ta khám-phá ra, là: Đức-Chúa-mà-ta-không-phát-thành-tiếng, lại nên MỘT. Một đây, không có nghĩa: chỉ một Chúa Hiện-Hữu, nhưng: Thiên-Chúa-Đấng-Là-Một mang tính Duy-Nhất trong Thiên-Chúa-là-Đấng-Duy-Nhất, tức: bí-mật của mọi thực-tại. Nếu biết để tâm lắng nghe, thì: may ra ta nghe được như thế. Nên, hãy “Lắng Nghe” và sống thực như đó chính là trọng-tâm cuộc sống của ta. Làm thế, người người mới có thể bắt đầu “biến-hình” thành người.
Làm thế, bí-nhiệm về Đấng-Là-Một sẽ thuộc về ta. Đức Chúa là Chúa của ta, Đấng-Là-Một có tương-quan sống-động ở nơi ta và với ta, rất thực-sự và mật-thiết. Và, Ngài đòi có tương quan-hai chiếu với ta và mời ta đi vào sự mật-thiết với Ngài, tràn đầy như quà tặng có đáp trả.
Đó là lý-do khiến ta phải trân trọng và yêu-thương tính Duy-nhất của Đấng-Là-Một vẫn thương-ta. Giới lệnh đầu và lớn nhất, không là làm bất cứ thứ gì không thể kể ra, hoặc tránh-né những thứ không định-nghĩa được. Mà là, biết thương-yêu. Là, lòng xót thương đích-thực. Là, cảm-giác hướng về người khác, lôi kéo ta hoà mình với Đấng-Là-Một mà ta yêu-thương và Ngài cũng từng thương-yêu ta rất mực. Người Do-thái không làm thế, tự khắc không là người Do-thái của Thiên-Chúa. Bởi, như thế là họ không biết lắng nghe tiếng kinh lời cầu của chính họ khi nguyện cầu.
Nếu biết thương yêu Đấng-là-Một từng thương ta, thì tình thương-yêu sẽ làm điều gì đó cho ta. Sẽ biến-hình đổi-dạng ta. Ta sẽ chú tâm đặt nặng con người của ta vào Đấng-là-Một. Tình thương-yêu của ta, bằng tất cả tâm-can/thần-trí với tâm-hồn, sẽ giúp ta khám phá ra nơi chính con người mình, sự hiệp-nhất rất trọn vẹn mà ta chưa từng biết, cũng như chưa từng có. Ta sẽ như Đấng-là-Một mà mình yêu mến. Ta, là ảnh-hình của Thiên-Chúa của ta. Ta tìm ra được chính mình ở khoảnh-khắc khi mình ngưng tìm kiếm con người mình mà lắng nghe tiếng Chúa. Điều này, và chỉ mỗi điều này thôi, mới là một biến-hình thực thụ.
Khi Chúa bảo: giới lệnh thứ hai ở luật Torah, giống như giới-lệnh đầu, là Ngài muốn nói về sự cân bằng/đồng đều, cả chất-lượng lẫn tầm quan-trọng như giới-lệnh đầu. Lệnh thứ hai, không là thứ-yếu thua kém lệnh thứ nhất. Và, thương-yêu đây, không là yêu-thương toàn thể thế-giới hoặc thương-yêu những gì trừu-tượng, hoặc thứ gì đó xa vời như người lạ ở nơi xa, mà là yêu và thương người cận thân và cận lân. Yêu-thương, theo nghĩa như ta vừa thấy, là: biết lắng nghe người cận thân và cận lân từng nói cho ta nghe. Là, khám phá ra nơi người ấy Thiên-Chúa-Đấng-là-Một từng yêu ta và yêu cả người cận lân của ta như Ngài từng yêu ta rất mực.
Hướng trọn con người mình vào người cận thân và cận lân mang tính Chúa, bằng tất cả tâm-hồn, tâm-thần và tâm can, thế mới đúng. Cũng nên nhớ, đó là người cận lân ngay cạnh ta, hay ngoài đường phố, tức: những người có diện-mạo không đẹp đẽ, dễ thương như ta tưởng. Có thể, họ là những người chưa “biến-hình” đủ, nhưng đã đầy tính Duy-nhất của Thiên-Chúa. Bởi Thiên-Chúa với họ đi đôi với nhau, làm một cùng nhau.
Đây, lại là ý-nghĩa của Giao-ước mới giữa Chúa và ta. Giao ước, rằng: Thiên-Chúa trở thành Thiên-Chúa của tất cả mọi người trong ta, cạnh ta và nơi ta đã trở-nên-một, được Chúa thương và sở-hữu làm Một với Ngài. Đây không là ngoại-lệ, mà là chuyện xót-thương người cận thân và cận lân đang thiếu thốn rất nhiều thứ.
Đấy, chính là yêu-cầu cần có sự công-chính cũng một loại như Thiên Chúa từng yêu cầu. Tức, cũng một tính Duy-Nhất là loại-hình của Tình thương. Là, giới lệnh bằng vàng. Là, cuộc biến-hình đích-thực, ta phải hiểu.
Duy trì giới lệnh đó, ta cũng biến-hình đổi dạng để “nên-một” cùng Chúa, với Chúa. Đó chính là cuộc biến-hình đích-thực. Biến đổi hình, để Chúa “nên-một” với ta và trong ta. Tất cả đều ra thế.
Về tình thương, người người thường nói đến thứ tình của tính-dục. Đó không là những gì được kinh-thánh nói. Thương-yêu, là sự tử tế/dễ-chịu ta dành để cho nhau và cùng lúc, biết rằng còn nhiều thứ hơn chỉ mỗi đối xử lịch-sự với nhau, mà thôi. Thương-yêu, ngay từ đầu, vẫn là giới-lệnh duy nhất đối với mỗi người và ta không cần làm theo kiểu của người khác từng làm. Thương-yêu, có thể cũng có qui-định hoặc luật lệ để thực-hiện; nhưng khi đã yêu và thương rồi, ta quên mất những luật-lệ đó. Bởi, đó là do ta đang biến-hình đổi-dạng hết mọi sự.
Biết yêu thương nhiều Mùa Chay tịnh, ta sẽ sẵn-sàng hơn với Phục sinh hơn. Bởi, Phục sinh dạy rằng: Thiên-Chúa-là-Cha yêu thương ta nơi Đức Giêsu, là Con Ngài. Tình thương-yêu của Ngài nhắc ta nhớ rằng: ta là người phải như thế, không chỉ vì Thiên-Chúa-là-Cha đã thương ta ngay từ đầu, nhưng vì Ngài yêu thương Đức Giêsu ngay từ đầu, đã bao gồm cả ta trong Đức Giêsu nữa. Và, Ngài đã biến-hình cho ta được ở trong Đức Giêsu, Con Ngài.
Chính vì thế, Thiên-Chúa-là-Cha sẽ bảo vệ ta và tháp-nhập ta vào cuộc sống của Đức Giêsu-Con-Ngài như Cha đã biến tất cả nên một, trong Ngài nữa.
Cảm-nghiệm tình thương-yêu đến như thế, ta sẽ ngâm lên lời thơ còn để dở, rằng:
                                 
“Ta là mảnh trăng đến hồi le lói,
“nằm trên cao, thương hại kẻ trần gian.
Nhân-nghĩa thờ ơ, thú vui mê mải,
Thấy ta tươi, không thấy thuở ta tàn.”
(Tế Hanh – Trăng tàn))

Trăng le lói, chỉ “le lói” thứ tình thương-nên-một khiến ta biến-hình cùng Chúa. Tình thương ấy, biến hình-hài của ta thành niềm Vui an-hoà đến độ người người sẽ “thấy ta tươi, không thấy thuở ta tàn” bao giờ, như ở đời.
  
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch