Saturday 27 February 2016

“Cha Mẹ sinh tôi, thằng con bất hiếu,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư mùa Chay năm C 06/3/2016
Tin Mừng (Lc 15: 1-3,11-32)
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
Rồi Đức Giêsu nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.
Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!
"Nhưng người cha nói với anh ta:"Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

“Cha Mẹ sinh tôi, thằng con bất hiếu,”
“thề thốt thương người hơn cả song thân.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Con bất hiếu, đâu cứ là con đi hoang, như truyện kể Tin Mừng người người vẫn hiểu những điều do thánh Luca nói.
Trình thuật hôm nay, không chỉ diễn tả một sám hối với những tiếc nuối và hận sầu. Nhưng, còn nói lên tình huống sám hối có đổi thay, ngay căn tính. Ngay trong phong cách ta hành xử và nhìn về Đức Chúa, về con người. Về sự vật. Và, trình thuật kêu mời mọi người tái sắp xếp tương quan trong hành xử với Đức Chúa. Với mọi người. Với chính mình. Đổi thay - sắp xếp, mang tính triệt để, rất căn tính. Đem đến những hoán cải cả đời người. 
Nhiều người những tưởng rằng: cứ ăn năn hối lỗi theo chiều hướng trang nghiêm, trầm lặng của Mùa Chay, là đã đủ. Nhưng suy cho kỹ, ta thấy: ăn năn hối lỗi vào Mùa Chay không chỉ gồm mỗi cởi bỏ những sai sót trong quá khứ và có những quyết tâm trong lai thời, mà thôi. Nhưng, còn phải chú tâm vào hiện tại đượm thắm tình người nữa.
Chẳng cần tranh cãi, đọc Tin Mừng về “nguời con đi hoang”, ta sẽ thấy lối hành xử đầy nhức nhối của người con thứ, rất sa đà. Bức xúc. Với người Do thái thời Đức Kitô, đó là tình huống ghê tởm. Hoang dại. Tình huống, nói lên một đối chọi giữa tính Nhân Hiền của Cha và sự bê tha của người con thứ sa đà. Xuống cấp.
Tin Mừng về “người con đi hoang”, còn đề cập đến tính cách sa đà đáng sợ của các người con “đã tìm thấy chính mình rồi đánh mất”. Là con của Cha Nhân Hiền, ta cứ hết “lầm lỗi rồi lại lãng quên”. Quên xong, rồi lại sám hối. Lầm lỗi - lãng quên – sám hối, biến thành vòng quay tít mù, cả đời người.
Trình thuật “người con lầm lỗi và lãng quên” cũng nói lên tính Nhân hiền của Cha. Cha Nhân Hiền chẳng bận tâm gì đến lãng quên, của đàn con khi đã biết sám hối. Biết đổi thay. Cha chỉ quan tâm đến thái độ sám hối cùng đổi mới của đàn con trên đời. Nói cách khác, Cha quan tâm đến thái độ hồi hướng trở về của đàn con biết sám hối. Tức, đã biết “thay tên lầm lỗi, lãng quên” bằng đổi mới.
Cha Nhân Hiền không trách móc đàn con của Cha đã lầm lỡ và sai sót. Nhưng, Cha vẫn đứng nơi cửa, mong mỏi từng giờ, chờ đón ngày con hồi hướng, trở về. Rồi, khi con trở về, Cha vẫn không hạch sách, gạn hỏi. Nhưng, rất kiên nhẫn. Rất mừng rỡ, khi thấy bóng dáng con nơi đầu ngõ, Cha chạy đến giang tay đón nhận con nay trở về. Con trở về, không do uy lực bên ngoài thôi thúc. Không còn sự hiện diện của ác thần sự dữ, làm chứng nhân. Con trở về, Cha chẳng cần hối thúc gia nhân lùng tìm, hoặc cưỡng bức. Nhưng, Cha vẫn trông chờ nơi con, một quyết định. Quyết khởi đầu hành trình hồi hướng, với những đổi mới trong tin-yêu, hoan lạc.        
Phần Cha, khi nhìn con hồi hướng trở về, Cha chạy vội về phía trước đón con vào vòng tay ôm, đang chờ sẵn. Cha không lên lớp. Chẳng rầy la. Chỉ truyền cho gia nhân bưng mang đồ quý, đến mừng với Cha. Mừng cho tình yêu đã chết, nay quay về. Rồi từ đó, tình Cha được tiếp nối bằng nhiều tha thứ. Tha thứ rất chân tình. Chân tình, nhưng không cao ngạo như những người-tưởng-rằng-mình-đã-sống-tử-tế.
Sống đúng tư cách bậc kẻ cả, rất đàn anh. Của những kẻ tự hào là người tử tế. Chính vì thế, kẻ đàn anh vẫn không đon đả chào mừng người em thân yêu nay quay đầu hồi thướng. Không đon đả, vì anh còn giận dữ. Còn ghen tương, hờn giận. Người anh-tử-tế nhưng vẫn không tỏ dấu đon đả chào đón. Không đón chào, vì anh vẫn không thừa nhận phong cách tử tế dành cho những kẻ xấu, dù là em. Với anh, không thể tỏ bày sự tử tế với những người đã một lần sa đà, phóng đãng.
Chính điều này đã phản chống tính nhân hiền đầy lòng thứ tha của Cha. Bản tính của Cha Nhân Hiền vẫn là thế. Vẫn yêu thương hết mực. Vẫn thứ tha hết lòng. Yêu thương – tha thứ, đã trở thành đặc thù của Cha, ngay từ đầu. Làm Cha, tức đã nhân hiền đầy nghĩa yêu thương, với tha thứ.
Thành thử, như đã nói: Cha chẳng quan tâm đến quá khứ lẫn vị lai, của mọi người con. Chí ít, người đó lại là con. Cha chú trọng nhiều đến tương quan giữa các con với Thiên Chúa. đây. Và bây giờ. Tương quan yêu thương – tha thứ là tương quan rất mực giữa đàn con với Đức Chúa là Cha Nhân Hiền. Tương quan ấy không là biểu đồ dẫn chứng rằng mình từng hãm mình, phạt xác vào Mùa Chay.
Tương quan ấy cũng không dựa trên biểu đồ chứng thực rằng mình là người công chính tốt bụng từng đọc kinh, xưng tội nhiều lần, đếm không hết.
Tương quan rất mực với Cha Nhân Hiền, chỉ có thể minh xác qua các kinh nghiệm thứ tha, tỏ bày với những người em, người con từng lầm lỗi. Cả với người xa lạ, ngoài Đạo. Tương quan yêu thương – hoà giải, là tương quan biết thứ tha hài hoà với những người từng khổ đau, gặp nhiều xung đột nơi cuộc đời. Ở trần thế.
Trình thuật hôm nay, không chỉ đề cao tương quan nhân hiền biết yêu thương - tha thứ đón nhận người em, người con đã đi hoang nay trở về với vòng tay ôm của Đức Chúa. Nhưng, còn là thách thức gửi đến người nghe: hãy biết bảo vệ quyền lợi của kẻ bơ vơ, bị người đời ruồng bỏ. Biết bảo vệ, kẻ lầm lỗi công khai, ở ngoài đời. Biết bảo vệ, người “lầm lỗi thay tên bằng quên lãng”, đã thua cuộc.
Những người loanh quanh đâu đó, kiếm tìm bàn tay đỡ nâng từ người anh, người chị, ở khắp nơi. Có tương quan yêu thương – tha thứ là bảo vệ cả những người “đã tìm thấy chính mình, rồi đánh mất”. Những người từng “lầm lỗi thay tên bằng lãng quên”. Người chiến bại trong phấn đấu, chống sự dữ ác thần, mùa Sám hối.
Sám hối Mùa Chay, không chỉ xảy ra nơi tiệc thánh, mỗi tuần. “Sám hối Mùa Chay”, là biết mở rộng vòng tay ôm vồn vã, với tất cả mọi người, từ người nghèo hèn tật bệnh, cho chí những người khổ đau, cô đơn. Sám hối Mùa Chay, là biết mở rộng vòng tay, để sống đời đổi mới, mà ý hướng dụ ngôn “người con đi hoang” hôm nay đã đề nghị.
Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong sao Tin Mừng giúp ta quyết định, phải sám hối. Quyết sám hối đổi thay, mà “chẳng cần cúi mặt”. Nhất định giùm giúp, đỡ nâng từng người “thay tên lầm lỗi bằng lãng quên”. Cầu và mong sao ta tìm lại được chính mình, dù đã nhiều lần để mất. Mất tự tin. Mất hy vọng vào Cha Nhân Hiền, Đấng hằng tựa cửa ngóng chờ ngày ta hồi hướng, trở về. 
            Trong tinh-thần cảm-kích truyện kể đầy ý-nghĩa, cũng nên ngâm lại lời ca còn chưa dứ, rằng:

                        “Tôi vẫn đợi, đợi thêm người chút nữa,
                        Tự an-ủi mình khi cằn nỗi sầu đau.
Tình một hai năm, chưa bạc mái đầu,
Chưa tuyệt-vọng bởi vì chưa hy-vọng.”
(Nguyễn Tất Nhiên – Tình Một Hai Nam)

Tự an ủi, ‘cắn nỗi sầu đau’, có thể là tâm-trạng của người sống đúng luật, nhưng lại không dám mạo hiểm để trưởng-thành, như người cả trong truyện. Đó, là thái-độ cần đổi thay trong những ngày của Mùa Chay kêng, tâm tịnh.

Lm Richard Leonard, sj biên soạn -
Mai Tá lược dịch.

Saturday 20 February 2016

“Một thời mây biếc đã trôi qua,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay năm C 28/02/2016

                                 Tin Mừng (Lc 13: 1-9)
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện   những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng:
"Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

“Một thời mây biếc đã trôi qua,”
                 “Nay tưởng cây vàng lại nở hoa.”
                       (Dẫn từ thơ Đinh Hùng)
            Cây vàng hôm trước có nở hoa, đâu vì mây biếc đã trôi qua! Cây vả hôm nay đã khô đẹt, cũng chẳng do Chúa quở trách mới vừa qua, như trình-thuật hôm nay còn kể lại.
Trình thuật ”cây vả” hôm nay, hiển nhiên không nói gì về hạnh phúc ở nhân gian trần thế. Trình thuật cũng không bàn nhiều về những trừng phạt Đức Chúa gửi đến với cây trái còi đẹt, chốn thế trần. Nhưng, Tin Mừng đặc biệt hàm ẩn một hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đong đầy những quà tặng cứu độ, của Đức Chúa.
Và Tin Mừng hạnh phúc hôm nay, sẽ không trọn vẹn nếu không có sự hoà đồng hợp tác của những người con yêu dấu, nơi gian trần. Nơi, có những hạnh phúc nhỏ nhoi cần nâng niu như trái chín đầu mùa. Trái chín đã kết tụ, vào mùa tới. Mùa của sám hối. Mùa xót thương thân phận còi đẹt, rất bất hạnh. 
             Về những còi đẹt/bất hạnh chốn nhân trần, dân thường ở huyện lại cho rằng: chính đó, là hình phạt Cha gửi đến. Một loại hình trừng phạt: nhẹ, thì như cây vả không đâm hoa kết trái. Nặng, thì như Tsunami cơn sóng rất thần, xứ Inđô. Nối tiếp các bất hạnh/còi đẹt, là ngờ vực.
Ngờ vực ở Thiên đình lẫn “chốn nhân gian”, chưa dám chắc nơi đâu là hạnh phúc nhỏ, ta có được. Và, người đời vẫn cứ nghi ngờ. Nghi và ngờ, rằng: Thiên Chúa quản cai vũ trụ như người điều khiển con rối, rất tơi bời.
Trình thuật “cây vả” hôm nay còn cảnh tỉnh, rằng: nếu các ngươi không sám hối tất cả sẽ nên còi đẹt/bất hạnh, tựa cây khô. Tuy nhiên, cây khô bất hạnh không giảm bớt đi tình thương yêu cứu độ, Chúa ban phát. Và, Tin Mừng cũng không đề cập gì đến duyên do của bất hạnh/còi đẹt. Bởi, bất hạnh nơi con người và còi đẹt ở cỏ cây, đều là những cảm nghiệm, tự hỏi rằng: phải chăng Chúa đã bớt yêu tôi? hoặc: tôi có xứng với tình yêu thương của Đức Chúa, nữa không?
Trình thuật “cây vả” vẫn xác minh một điều, rằng: tình huống “nhân gian” nơi ta sống, các kinh nghiệm ta trải qua, đều là những “dấu chỉ” về tình Chúa thương ta. Dù ở Thiên đình hay chốn nhân gian người phàm, loài người và cỏ cây vẫn tràn đầy ơn mưa móc, những ân huệ.
Ân huệ Ngài tặng, luôn nhắc ta một bổn phận: phải biết sẻ san đùm bọc với hết mọi người, chứ không chỉ cho riêng mình. Đùm bọc, để muôn người như một trở nên “trái chín đầu mùa”, có Chúa “nâng niu chăm sóc”. Và từ đó, trở thành quỹ đạo tình thương chuyển tải ân huệ Ngài ban, cho mọi người.
Dù là quà tặng, nhưng “dấu chỉ” của ân huệ không trở thành định chế; mà, là dịp tốt để ta cảnh tỉnh. Cảnh giác về những nghịch lý/nghịch thường, đang có trong đời. Và, tỉnh thức, để gặp Đấng cứu độ luôn tặng ta nhiều ân huệ.
Ở “nhân gian” cỏ cây - đời người, vẫn có lúc ta tưởng chừng như đã ngã gục, đắm chìm trong khổ đau. Đau, vì tật bệnh. Khổ, vì tai ương, nghèo khó. Có lúc, ta đau đớn sầu khổ vì những thất bại, nơi trường đời. Đau đấy, nhưng vẫn không nên chủ bại. Khổ đấy, nhưng chớ có tuyệt vọng. Bởi thất bại, thật ra, vẫn là mẹ thành công, mà ta không thấy đó thôi.     
Nói chung, còi đẹt/bất hạnh không là hình phạt, đến từ Chúa. Thất bại, cũng là điều tốt. Vì, có thất bại mới khiến bạn bè/người thân rời bỏ tháp ngà hạnh phúc của riêng mình, để vực dậy những người đã ngã gục và đưa họ về với vòng tay ôm, chăm sóc.
Ngược lại, cuộc sống ấm no, dư đầy vật chất, vẫn chưa hẳn là “hạnh phúc nhỏ nhoi cần nâng niu”. Bởi, niềm vui sướng giả tạo, cấp thời chỉ đưa con người về với ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Chẳng quan tâm đoái hoài gì đến tha nhân. Đồng loại.
Thành thử, lâu nay đã trở thành nguyên tắc cho thực tại cuộc sống: ở đâu có đoái hoài đùm bọc người khác, những người đau khổ đói nghèo, ở đó Đức Chúa sẽ lân la, đến gần. Ở đâu vật chất dư dật thừa mứa, nhưng thiếu quan tâm đùm bọc những người lâu rày không có, chắc chắn nơi đó Chúa không hiện diện. Và, hạnh phúc có từ vật chất dư dật mà thiếu sẻ san, chỉ là hạnh phúc tạm bợ vị kỷ. Tuyệt nhiên, đó không là hạnh phúc, đích thật.
Hạnh phúc đích thật, chính là sự đùm bọc, sẻ san với người đồng cảnh, mà thánh Phaolô đề cập trong bài đọc 2, hôm nay. Thánh nhân quả quyết: không phải vì bản thân ngài cũng kinh qua các giai đọan bất hạnh/còi đẹt, nên chắc chắn có được đảm bảo, là: người khác sẽ yêu thương đùm bọc ngài.
Ngược lại, những ai kinh qua bất hạnh – khổ đau, vẫn được bảo đảm, là: Chúa sẽ dành cho họ một cơ hội khác nữa để trỗi dậy, nhờ có sự cầu bàu của người anh/người chị, cùng cảnh ngộ. Cũng tương tự như cây vả còi đẹt nói ở Tin Mừng. Nói khác đi, đấy là tình huống “mặn này cho bõ nhạt ngày xưa”. Thứ mặn mà/tình nồng của những sẻ san đùm bọc từ người anh/người chị đồng cảnh ngộ.
            Với hiểu biết tương tự, chẳng phải vì mình từng đi lễ. Vẫn xưng tội đều đặn; hoặc đã rửa tội theo nghi thức Công Giáo, mà nghiễm nhiên mình được bảo đảm chiếc vé “lên Thiên đình”, nơi có những hạnh phúc đáng nâng niu. Hoặc, nắm chắc được rằng Đức Chúa yêu thương tặng ban, ơn cứu độ. Cho mình. Bởi nếu thế, chiếc máy vi âm, cái loa phóng thanh hoặc cột đèn đường, chúng đã có bảo đảm được “nâng niu như trái chín đầu mùa”, trước chúng ta.
Cuối cùng, vấn đề là: nếu sau những tháng ngày tham dự thánh lễ, hãm mình phạt xác, mà không sám hối. Đổi mới. Thì, cũng chẳng có gì đảm bảo, là: ta tăng trưởng trong tình yêu thương đùm bọc của Chúa.
Quả vậy, qua trình thuật “cây vả” hôm nay, Chúa đã hai lần nhắc nhở: “nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ như vậy”. Sẽ như vậy, tức là sẽ cùng chung số phận còi đẹt/bất hạnh, như cây vả. Không khác gì “mấy người Ga-li-lê kia thôi”. Xem như thế, trình thuật “cây vả” đã hơn một lần cảnh tỉnh con dân nhà Đạo: hãy biết sám hối và đổi mới.
Sám hối - đổi mới, có quyết tâm sẻ san tình thương yêu cứu độ, Chúa tặng ban. Sám hối - đổi mới, để người người, dù chưa nghe biết Tin Vui An Bình, cũng được sẻ san đùm bọc, với thương yêu. Sám hối - đổi mới, là trở về nguồn, theo chân Thầy rao truyền tình thương yêu cứu độ, cho mọi người. Rao truyền cho bạn bè - người thân, lẫn người xa lạ, chưa từng biết. Cả người trong Đạo, lẫn người ở ngoài. Cả trong gia đình, trường ốc lẫn công sở, phố chợ. Tất cả, đều là cánh đồng lúa chính cần được rao truyền. Cần, thợ gặt.
            Sám hối - đổi mới nhân Mùa Chay, là tạo dịp thuận cho chính mình, để vun xới cây vả còi đẹt/bất hạnh cho tươi tốt. Cho đâm hoa kết trái. Sám hối - đổi mới, để nhớ rằng: chính ta đã được gọi mời không chỉ làm người tín hữu ngoan hiền/giữ luật Đạo, thôi. Nhưng còn biết, đem thông điệp Mùa Chay đến với thế giới nhân trần.
Thông điệp giản đơn, là: hãy biết “nâng niu hạnh phúc nhỏ ta vẫn có”. Chuyển tải thông điệp “Sám hối”, để rồi toàn bộ thế giới sẽ đổi mới. Sẽ nên trong sáng. Tươi vui. Vui, với mọi người. Yêu, mọi người. Giúp hết mọi loài. Sinh vật. Động vật.
Trong cảm-nghiệm điều Tin Mừng kể, nay ta ngâm lại lời thi-ca đầy nhạc, rằng:

“Một thời mây biếc đã trôi qua,
Nay tưởng cây vàng đã nở hoa.
Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói,
Đôi hồn không biết có nhìn xa?”
( Đinh Hùng – Bướm Xuân)

Cứ tưởng cây vàng/cây vả đã nở hoa, cả khi đau khổ tình chết lặng đến như thế. Phải chăng, đó cũng là cảnh-tình của nhiều ngườ, ở mọi nơi.

Lm Richard Leonard, sj biên soạn - Mai Tá lược dịch.

Saturday 13 February 2016

“Mặc sa-mạc biến-hình khóm cỏ gai, bụi vùi”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa Chay năm C 21/02/2016

Tin Mừng (Lc 9: 28b-36)
Hôm ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người.

Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng:
"Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia."

Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng:
"Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!"
Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

“Mặc sa-mạc biến-hình khóm cỏ gai, bụi vùi
                                                                  Chờ cơn mưa Phục Sinh.”
                                                             (Dẫn từ thơ Trương Thái Du)

Mưa Phục Sinh, thật ra chẳng cần chờ. Bởi, mưa Phục Sinh, mưa ơn cứu độ đã xảy ra qua sa mạc - biến hình. Biến hình chốn hoang vu.  Biến hình nơi sa mạc. Sa mạc dương gian. Sa mạc cuộc đời. Của người người sống cảnh vu vơ, đời biến dạng. Và, thực trạng biến hình đổi dạng nói lên Sự thật. Một Sự rất thật về mặc khải Sống Lại trước Phục Sinh.
Vâng. Mặc khải Sống lại trước Phục Sinh đã được thánh Phêrô xác nhận trước đó qua khẳng định về Đấng Thiên Sai. Khẳng định thật rõ nét khi Thầy Chí Thánh hỏi: người ta bảo Con Người là ai? Và hôm nay, mặc khải về Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa Hằng Sống, được xác nhận một lần nữa trên non cao, đầy sa mạc. Non cao là nơi Yavê Thiên Chúa vẫn tỏ lộ mặc khải quan trọng cho Môsê và Êlya. Hai trụ cột của Giao ước cũ được Thiên Chúa thiết lập cho Dân Ngài chọn.
Là một trong các cột trụ mới nơi Tân ước, thánh Phêrô cũng được chứng kiến cảnh “đám mây phủ bóng trên mình Ngài” (Lc 9: 34, Ys 42: 1) và được nghe “tiếng vọng phát ra từ đám mây” (Lc 9: 35, Tl 18: 15-19). Như thế, thánh nhân đại diện cho nhân loại phàm trần được ban cho, trong cuộc “Biến Hình” thần thánh, khẳng định mới về Thiên tính của Đức Chúa. Và, khẳng định này xác nhận sự Sống lại trước Phục Sinh của Đức Chúa.
Trình thuật sa mạc - biến hình hôm nay, lại một lần nữa, long trọng xác nhận Thiên tính của Đức Chúa từ nơi Cha: “Ngài là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài.” (Lc 9: 35). 
“Hãy vâng nghe lời Ngài”, vừa là xác minh, vừa là mệnh lệnh. Xác minh chứng tỏ rằng: chính Ngài là Đấng Thiên Sai. Là Đức Chúa mang phận loài người. Và, mệnh lệnh cũng chứng tỏ: đây chính là kim chỉ nam hướng dẫn các tín hữu dấn thân theo bước chân mềm của Đức Chúa, trong rao truyền. Thiên Chúa là Cha, xác minh và lan truyền mệnh lệnh, bởi vì dân con nhà Đạo vẫn chưa hiểu nổi các mặc khải và chưa sẵn sàng để chấp nhận: Đức Kitô Giê-su là Đấng Mê-Sia, có đủ Thiên tính.
“Hãy vâng nghe lời Ngài”, còn minh xác: Đấng Cứu độ muôn loài đã bị người trần gian chối bỏ. Chính họ đã đưa Ngài vào sa mạc hành hình, đầy chết chóc. Nhưng, Ngài chấp nhận mọi khổ nhục cũng như cái chết sầu thảm, ngõ hầu mọi kẻ tin sẽ tuân theo mệnh lệnh Cha trao. Ngài chấp nhận những “bụi vùi” và “khóm cỏ gai” của đời sầu khổ để nhân gian có được “mưa Phục sinh”.
Trình thuật hôm nay, xác định với dân con nhà Đạo tư thế Thiên Sai Ngài nhận lãnh qua thân phận làm người, để rồi  “mưa Phục sinh” - mưa cứu độ được loan báo từ trước, sẽ đổ tràn xuống trên muôn dân, cả trong sa mạc – biến hình. Trình thuật cũng khích lệ các tín hữu “hãy vâng nghe lời Ngài” mà yêu thương hết mọi người, cho đến cùng.
“Hãy vâng nghe lời Ngài” còn là chấp nhận đau thương thấp hèn, trong cuộc sống. Chưa vâng nghe lời Ngài, thì chưa thể nào hiểu được thân phận của Đấng Thiên Sai được khẳng định nơi sa mạc – biến hình. Chưa vâng nghe lời Ngài, như thế cũng chưa thể chấp hành mệnh lệnh Chúa Cha trao ban mà đi vào cuộc sống thường nhật. Sống yêu thương. Sống vâng lời.
Chấp hành mệnh lệnh yêu thương trong cuộc sống là kinh nghiệm của người xưa,. Của các cột trụ trong Giao ước, lẫn dân con nhà Đạo. Chấp hành mệnh lệnh yêu thương như thế sẽ không còn tình trạng “bụi vùi, cỏ gai” ở trần gian, nữa. Nhưng, sẽ luôn “chờ mưa Phục Sinh” mưa ơn cứu độ đến với chính mình. Lại nữa, chấp hành mệnh lệnh “vâng nghe lời Ngài” là dấn bước tìm gặp Đức Chúa trong suy tư nguyện cầu với Ngài, trên  sa mạc có biến hình.
Con dân nhà Đạo chỉ được mặc khải về “Đấng-được-Thiên-Chúa-tuyển-chọn” khi suy tư nguyện cầu ở trên non cao. Suy tư nguyện cầu, là kinh nghiệm “vâng nghe lời Ngài” không phải của Môsê, Êlya hoặc thánh Phêrô mà thôi, nhưng là của tất cả con dân đi Đạo. Suy tư nguyện cầu, là tiếp xúc cận kề với chính Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa. Và cuối cùng, không thể suy tư nguyện cầu được, nếu không biết yêu thương đùm bọc, hết mọi người.
Nguyện cầu hôm nay, chứa đựng thêm một điều: đó là lời mời gọi ta hãy về với những gì đánh động tâm can ta. Đánh động về một Biến hình, đổi dạng chính con người mình. Biến hình đổi dạng để như thánh Phaolô đề nghị: “hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy” (Pl 4:1).
Sống vững vàng, vì Đức Kitô đầy Quyền Năng sẽ biến đổi chúng ta nên giống như Người. Ngài biến đổi chúng ta như đã “Biến hình” trên non cao, sa mạc. Và, khi đổi mới chúng ta theo cách Biến-hình-nơi-sa-mạc, Ngài sẽ qui tụ chúng ta về với vòng tay ôm dịu hiền của Hội thánh. Tức, những người con yêu Đức Chúa.
Tham dự tiệc thánh qui tụ những người con yêu của Đức Chúa, ta cầu mong cho cộng đoàn tình thương của ta biết “vâng nghe lời Ngài”, trong mọi tình huống.
Cầu và mong sao hành trình yêu thương bảo đảm cho chúng ta một chỗ đứng trong Nước Trời ở trần gian này. Để, ta dùng đó làm đòn bẩy có sức biến hình đổi dạng cả thế giới gian trần này. Biến hình và đổi dạng để tất cả sẽ nên một. Một cộng đoàn. Một tình thương.
Và, cùng với cộng-đoàn tình thương của Nước Trời, ta hân-hoan cất lên câu ca trìu-mến của người nghệ-sĩ thân quen, mà hát rằng:

“Và bây giờ, ngày buồn đã qua.
Mọi lỗi lầm, cũng được thứ tha.
Tinh yêu đã đến trong ánh nắng mai,
Xoá tan màn đêm u-tối
Cho tôi biến-đổi tâm-hồn,
Thành một người mới…”
(Đức Huy – Và Con Tim Đã Vui Trở Lại)

Đúng là như thế. Có biến-đổi tâm-hồn để thành một người mới, ta ngại gì những “khóm cỏ gai, bụi vùi” miền sa mạc, mà không “chờ cơn mưa Phục Sinh”, mưa ơn cứu-độ của một Biến-hình thần-thánh, rất Thiên Sai. Rất yêu thương, với lệnh-truyền “Hãy vâng nghe Lời Ngài.”

Lm Richard Leonard, sj  biên soạn
Mai Tá lược dịch.