Saturday 27 March 2010

“Hoa và trái, một đêm nào thức dậy”


Nghe mộng đời xao xuyến, giấc xuân xanh.

Con đường đó, một đêm nào trở lại,

Cùng gió, mưa phùn trên cánh tay.”

(thơ Trần Dạ Từ)

Ga 20: 1-18

Hoa trái, mới thức dậy đây thôi. Mà sao nhà thơ vội cảm kích. Cảm kích, để nghe lòng xao xuyến, giấc mộng lành. Đức Chúa, nay đà sống lại. Hẳn, người người vui mừng, sẽ nhiều năm?

Trình thuật hôm nay, nói lên tình tự dân con nhà Đạo, rất vui sống. Sống, niềm tin sâu xa, bắt rễ thực sự vào ý nghĩa, của Phục Sinh. Như thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa không sống lại, thì niềm tin của ta, ra hư luống.” Thực tế thấy cũng buồn, vì nhiều người vẫn cứ coi Thứ Sáu Thánh và nỗi chết của Chúa, làm chóp đỉnh của Tuần Lễ Thánh. Cũng may là, động thái ấy nay đã đổi. Và, càng ngày càng có nhiều người đặt trọng tâm Tam Nhật Thánh rất đúng vào Phụng vụ Lễ Vọng Phục Sinh, thôi.

Có người, còn diễn tả: không thấy Thân Mình Ngài trên thập giá, tức là Ngài đã dâng tặng hết cho Cha. Không còn trên đó, tức là Ngài đã về với vinh quang, có Cha Ngài. Về, để bỏ lại đằng sau ơn cứu độ, mở cho dân con ở lại. Không như thế, thì hành trình Ngài đi qua, chỉ uổng công.

Về Phục Sinh, đồ đệ Chúa ban đầu quá hãi sợ bọn họ gán ghép mình đồng phạm với Đức Chúa. Nhưng, các thánh đã biết trở về mà công bố Thầy mình đã sống lại. Ngài vẫn sống và ở với anh em, đến tận thế. Khi bị bắt bớ, giam giữ, hành hình, các thánh vẫn trở thành lý do cho niềm vui sống. Sống gắn liền với Thầy mình. Sống, san sẻ nỗi khổ của Thầy. Để rồi, tiến lên trong vinh quang.

Phục Sinh, không chỉ liên quan mỗi việc Chúa sống lại khiến đồ đệ kinh ngạc, thôi: nhưng còn mang nặng ý nghĩa cuộc sống, của mỗi người. Sống tin – yêu. Sống, chứng tỏ môt đổi thay tận gốc rễ. Sống cuộc sống có Phục Sinh, là lời mời gọi mọi người hãy đổi thay rất triệt để. Đổi thay căn bản, như đồ để Chúa đã thay đổi, tận thâm căn. Đổi và thay, không chỉ ở niềm tin, nơi tâm thức, nhưng bằng hành động đúng những điều mình đã tin. Đổi và thay, là công bố Phục Sinh bằng chính cuộc sống, của riêng mình.

Chủ đề hôm nay gồm việc công bố lẫn làm chứng: Chúa đã Sống Lại. Bài đọc 1, kể lại việc thánh Phêrô rửa tội cho gia đình Cornêlius, người ngoài cuộc đầu tiên đã hồi hướng trở về. Bằng vào việc đó, đã chứng tỏ: cộng đoàn tiên khởi đã biết san sẻ kinh nghiệm sống lại của các thánh, với mọi người. Thêm nữa, điều quan trọng là: tương quan ta có với Chúa được diễn tả bằng kinh nghiệm sống, có tuyên xưng: Chúa sống lại thật. Với kinh nghiệm từng trải, các thánh đã xác nhận Thầy mình tuy Ngài đã chết, nhưng đã sống lại thật. Niềm vui sống lại, nay râm ran lan truyền hết mọi người.

Bài đọc 2, cũng nêu lên một đề luận, hệt như thế. Thánh Phaolô vốn là nhà Biệt Phái triệt để vẫn muốn Đạo Chúa vẹn toàn. Thánh nhân đã cương quyết chỉnh sửa tín hữu nào bị coi như sống sai trệch Lề luật và Truyền thống, người Do Thái. Mãi đến khi, thánh nhân được Chúa Phục Sinh cho hiển thị, ngay trên đường tìm kiếm bách hại người tín hữu trên đường đi Đa-mát, mới hồi tâm.

Và từ đó, thánh nhân đã đổi thay, toàn bộc cuộc sống, của riêng ngài. Đồng thời, thánh nhân dùng nghị lực sẵn có, như khi tìm bắt dân con của Thầy, ngõ hầu giúp đỡ cả dân con người Do thái lẫn thần dân sống ở ngoài, biết được Chúa đã Phục Sinh. Vì mình. Để, người người biết thương yêu. Theo Chúa.

Tin Mừng, cho thấy thêm một kinh nghiệm về mộ phần trống vắng. Dấu hiệu chứng tỏ Chúa đã Phục Sinh. Maria Magđala thoạt đầu là người thấy đá tảng, bị lật người. Chị đi báo cho đồ đệ Chúa biết, để xứ trí. Kế đến, là thánh Gioan, người được Chúa dấu yêu, cũng vội cùng thánh Phêrô chạy đến mộ phần, để chứng kiến. Và, cả hai đều đã thấy. Đã hiểu. Và, đã tin. Tin rằng, Thầy trỗi dậy từ nỗi chết.

Và từ đó, cộng đoàn các thánh đã ra đi công bố việc Chúa chịu thống khổ, đến nỗi chết. Nhưng, Ngài đã sống lại thật. Như nói trước, ở Cựu Ước. Điều thêm nữa, là hiểu rằng: Đức Chúa đã Phục Sinh, tức có nghĩa là: Ngài không chỉ hồi phục mỗi Thân Mình đã chết, trên thập giá. Dù, ta không THẤY tận mắt cuộc Phục Sinh, như một sự kiện lịch sử. Nhưng vẫn TIN. Tin, vì đó là sự kiện niềm tin. Nói cách khác, đóng đinh Chúa hoặc nỗi niềm Thương Khó của Chúa là sự kiện lịch sử, trong khi đó, Phục Sinh là sự kiện rất niềm tin.

Chúa Phục Sinh, nay đi vào cuộc sống, rất mới. Ngài hiện diện bất cứ nơi nào đồ đệ có mặt. Và, Thân Mình Ngài trở nên hoàn toàn mới mẻ. Không còn hình hài, xác thịt nữa. Nhưng, thể hiện nơi Cộng đoàn dân con/đồ đệ, là chúng ta. Và từ đó, ta trở thành Thân Mình rất thánh, của Đức Chúa.

Phần sau trình thuật, thánh Phêrô và người đồ đệ được Thầy mến thương, đã về để kể những điều mình cảm nghiệm. Kể, để bầu bạn/dân con các thánh nghe mà biết. Kể rằng, duy có Maria Magđala, người nữ phụ từng phạm lỗi khi trước, đã tụt lại đằng sau. Là, mang nặng nỗi buồn đau, vì chính mình mục kích thấy Thầy đã chết, ngay trước mắt. Nhưng nay, Mình Thầy lại mất đi, không còn tang tích. Nhưng, thoạt lúc chị quay lại nhìn, thì Thầy mình đã có đó.

Kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh, không là kinh nghiệm xác thịt, tai nghe mắt thấy. Bởi, Chúa Phục Sinh nay mang sắc thái người bình thường. Hình thù Ngài, giống mọi người. Thế nên, khi Maria Magđala chợt thấy Thầy, chị cứ ngỡ là người làm “vườn”. Kinh thánh, lập đi lập lại nhiều lần về chữ “vườn”. Đức Giêsu được chôn trong “vườn”. Vườn ở đây, là nơi tiên tổ loài người vấp phạm. Ơn cứu độ, cũng khởi sự từ nơi “vườn”. Nói chung, “vườn” là ý chỉ nơi Chúa thực hiện ơn cứu rỗi.

Đằng khác, Đức Giêsu tỏ lộ hình hài đã đổi mới của Ngài, bằng cách gọi đích danh tên mỗi người. Trường hợp Maria Magđala, là chứng cứ điển hình. Ngài gọi tên, chị quay lại. Và nhận ra Ngài. Tin Mừng thánh Gioan, cũng có viết: “Người mở cổng cho chiên đàn đi. Chiên con nghe Ngài gọi tên. Và Ngài dẫn chúng đi. Dẫn dắt chiên, Ngài luôn đi trước, chiên theo sau. Chúng nghe biết tiếng Ngài. Chúng không theo ai khác. Và, không chạy xa Ngài. Vì biết giọng Ngài.”

Tiệc thánh Phục Sinh nhắc nhớ ta về sứ vụ được uỷ thác cho thánh Phêrô, chị Maria Magđala và các môn đệ. Bài đọc 1, thánh Phêrô lập lại sứ vụ Chúa đã trao cho ông làm nhân chứng: “Chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.” (Cv 10: 41) .

Phải chăng: mỗi lần tham dự tiệc Thánh, chúng ta đều cùng ăn cùng uống với Đức Kitô Phục Sinh? Nếu như thế, đâu là thông điệp Ngài gửi đến, cho ta? Phải chăng ta nhận lãnh trách nhiệm làm nhân chứng cho Chúa Phục Sinh, chỉ bằng mỗi việc tham dự thánh lể ngày Chủ nhật, vậy thôi sao?

Thật sự, Lời Chúa ngang qua quả quyết của thánh Phêrô vẫn còn đó: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét sử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ Dang người mà được ơn tha tội.” (Cv 10: 42-43). Chính đó, là sứ vụ, của chúng ta.

Theo ngôn ngữ đời thường hôm nay, thì: thánh Phêrô muốn bảo rằng: Đức Giêsu và đường lối mà Ngài đề nghị là tiêu chuẩn qua đó mọi người được đo lường, không theo tư cách một Kitô hữu, nhưng qua tư cách của người thường. Phó thác trọn vẹn vào Con Đường của Chúa, Đường Sự Thật và Sự Sống, là thực hiện một hoà giải đậm sâu với Chúa. Với các người anh/người chị, của chúng ta. Là, đem tự do. Công bằng. Và, bình an đến với thế giới. Là, chuẩn bị chính mình cho ngày đó. Ngày mà, tất cả trở nên một trong Đấng Cứu Độ. Ngài là Cha của Sự Thật. Của tình thương. Nhân Hậu.

Trong hiểu biết như thế, ta cùng nhau hát lên lời ca yêu đương phấn khởi của Sự Sống mới:

“Hy vọng thơm như má chớm đào,

Anh chờ em tới hẹn chiêm bao.

Dưới hoa, tưởng thấy ngàn sao rụng,

Hoà lệ ân tình, nuôi khát khao.”

(Phạm Đình Chương-Mộng Dưới Hoa)

Lệ ân tình, chan chứa lắm. Hy vọng thơm, khát khao thay. Tình ân – hy vọng, vẫn là thông điệp Ngài gửi đến cho tôi. Cho anh. Cho chị. Suốt cuộc đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 20 March 2010

“Rồi có lần, giữa mùa mưa thu khóc,”


Em quay về dang dở những cuộc chơi.

Giữa thiên thu, ai đứng gọi tên Người

Nghe trăm hướng, vọng về cơn mưa lũ.”

(thơ Phạm Ngọc)


Ga 8: 1-11


Cuộc vui chơi, em quay về dang dở. Thiên thu ngàn, ta vẫn gọi tên Người. Gọi, để cùng mọi người tham dự lễ Vượt qua. Gọi, để cùng đến với Người, qua thăng trầm một thống khổ.


Trình thuật, nay kể về tâm tình mọi người mới vừa vui xong, đã lại cảm nhận nỗi thống khổ, Chúa ngang qua. Vui và khổ, mỗi người mỗi cảnh, ta cùng nhận ra Đường Chúa chọn. Có vui buồn lẫn lộn, suốt một đời.


Phụng vụ tuần này tập trung vào Sứ vụ của Chúa. Sứ vụ đậm nét cứu độ, Ngài cưu mang bằng Lời dạy và cách hành xử, của Ngài. Phần đầu phụng vụ, là cảnh tình vui tươi trang trọng, được diễn tả qua sắc mầu rực rỡ, áo lễ đỏ. Có kinh kệ. Kiệu lá, cả một đoàn. Phần 2 phụng vụ, là sắc mầu đại thắng đã đi dần vào với thực tế, một khổ não. Ở phần này, có câu nói của vua quan: “Này là Con Người”. Là Người, Ngài cam phận nhận nhục hình, với khổ đau.


Đoàn kiệu rước đi dần vào nhà thờ, có đoàn người cầm lá vận tuế trong tay, miệng hô vang lời chúc tụng, đầy phấn chấn: “Vạn tuế Đức Kitô toàn thắng! Vạn tuế Đức Vua, Đấng trị vì thiên hạ!” Dân chúc tụng. Nhưng bè phái, thì lại dòm chừng/tìm kế để bức hại Ngài. Những người ấy, chỉ muốn kết thúc cuộc đời Ngài, cho mau chóng. Chỉ muốn: Chúa tàn lụi trong thuơng đau. Sầu buồn. Không đất đứng.


Bài đọc 2, thánh Phaolô nêu rõ với với giáo đoàn ở Philíp, miền Bắc nước Hy Lạp, về tâm tình “trút bỏ” mọi sự: “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2: 7) Cụm từ “trút bỏ”, là do tự tiếng kenosis bên Hy Lạp, nói lên trọng tâm kinh nghiệm của Chúa, về thống khổ.


Đức Kitô là Chúa, nhưng Ngài vẫn không lộ bản chất thánh thiêng của Ngài, ngay tức thì. Ngài vẫn chứng tỏ tính “phàm nhân”, theo nghĩa trọn vẹn. Giống như ta. Ngài giống ta mọi thứ, ngoại trừ lỗi phạm. Hoặc sơ xuất. Ngài đã đi cho hết đoạn đường gian khổ của phận tôi tớ thấp hèn, rất người phàm. Ngài chấp nhận mức độ cùng tột, của khổ đau. Nhục nhã. Và, chết đi.


Hiểu thấu ý nghĩa đoạn đường khổ nạn, có lẽ ta nên nắm trọn lời thánh Phaolô đề nghị: hãy ra đi mặc lấy cho chính mình “tâm tình của Chúa”. Tâm tình Ngài, là nỗi thống khổ đã được thánh Luca tóm gọn bằng trình thuật Thương Khó, rất hôm nay. Trình thuật, thật Thương thật Khó, rất Thống Khổ ở tuần thánh, có những điểm chủ chốt khiến người đọc và người nghe, cần để ý:


-Tiệc Tạ Từ, là kinh nghiệm sống, cho mọi người. Bởi đó lả tiệc thân thương. Phục vụ.

-Chúa phấn đấu chống khổ đau/đơn độc, ở vườn Dầu, dẫn đến kết cục bình an. Chân chất.

-Thánh Phêrô chối bỏ Chúa, làm mọi người sửng sốt. Cũng là đồ đệ thân thương vừa tiễn biệt Thầy, mà nay vội chối bỏ.

-Bằng vòng tay ôm, Giuđa kéo theo một kết cuộc, rất bi ai. Ân hận. S6àu buồn. Đắng cay.

-Phiên toà lạ, có mặt thủ lĩnh Đạo/đời, lại đã xuất hiện vua quan mê tín, hãi sợ. Như Hêrôđê.

-Dân quân La Mã hành hình/hạ nhục Chúa, là để giảm uy tín của Chúa, Đấng làm người.

-Con đường khổ não nào cũng dẫn đến Calvary. Có chết chóc. Đau thương. Nhục nhã.

-Chúng dân rày vẫn trở mặt. Vui mừng chúc tụng đấy. Rồi cũng phỉ báng chế nhạo ngay thôi.

-Hùng hổ một thời như tên “trộm lành” nọ, được Chúa hứa ban niềm hạnh phúc, nếu hối cải.

-Lời cuối của Chúa: thứ tha. Phó thác cho Cha. Trọn vẹn. Nhờ đó, Thần Khí sẽ đến với ta.

Mỗi sự kiện, trong bi kịch trở thành “Phàm Nhân” của Chúa, là hiện tình cuộc sống ta cần suy .

Suy và nghĩ, để đồng hoá với Ngài. Suy và nghĩ, là thực hiện ý định của Chúa trong đời mình. Bởi, nếu không kinh qua đau khổ, sẽ chẳng thể nào đạt vinh quang, như kế hoạch cứu độ Ngài vạch sẵn. Thương Khó/Thống Khổ Chúa chịu, là tấm gương nhắc nhở mọi người. Mọi lúc.


Trước hết và trên hết, Đức Giêsu đã kinh qua khổ ải, cho đến chết. Kẻ chống Chúa, đã làm nhục Ngài. Đánh đập. Bách hại Ngài. Cả đám dân quân La Mã, cũng dám kết vương miện bằng cỏ gai, choàng lên đầu Ngài, mà chế riễu: “Kính chào Vua dân Do thái!”. Chào, theo cung cách khinh bỉ. Chào, để nhạo báng. Thách thức. Cả đến vua quan Hêrôđê cũng riễu cợt. Phần Philatô, thoạt đầu những muốn thực thi công lý, nhưng ngại ngần. Sợ mất chức. Mất quyền. Âu đó là thói đời đen bạc.


Về phần Ngài, Đức Giêsu không trả đũa. Ngài chẳng kết tội, hoặc trách móc. Một ai. Nhưng, xin Cha Ngài thứ tha cho những kẻ ấy, vì “Họ không biết việc mình làm”. Thoạt nhìn vào, mọi người nghĩ rằng Ngài chỉ là nạn nhân, bất đắc dĩ. Của binh biến. Nhưng kỳ thật, có ngang qua đau đớn. Thống khổ. Ngài mới chứng tỏ Ngài là Đấng Bậc Thầy. Rất riêng tây. Thầy, vì Ngài là Đấng chế ngự mọi tình huống. Thầy, vì Ngài chế ngự được cả chính Ngài. Thực thi ý định của Cha. Trong an hoà.


Dọc hành trình khổ nạn, lễ Vượt Qua và tuần thánh, ta cũng nên nhận xét kỹ về Bậc Thầy Giêsu. Đấng Cứu Độ, của ta. Nhìn và thấy, không chỉ để ngưỡng mộ Ngài, thôi. Nhưng, còn để học hỏi. Thấm nhập vào tâm tư lắng đọng. Nhiều suy tư. Thấm nhập vào động thái rất giá trị của Chúa. Những động thái rất “người”, của Đức Chúa. Nhìn và thấy, để rồi vào lúc nào đó hay mọi lúc, ta sẵn sàng cất bước theo chân Ngài, suốt cuộc đời. Dù khổ đau. Nhọc nhằn. Nhục nhã.


Là đồ đệ đích thực của Chúa, ta cũng nên biết để tai mà lắng nghe lời Ngài gọi mời. Gọi mời ta, biết mà san sẻ nỗi khổ đau. Chấp nhận. Để, ta sẽ học hỏi. Bắt chước. Bắt chước Chúa, trong phục vụ. Mọi người. Phục vụ và yêu thương, dù nhọc nhằn. Khổ đau. Nhục nhã. Học hỏi và bắt chước, vì Ngài yêu ta. Ngài hằng mời ta sống trọn vẹn tình thương. Mời, không để ta tìm thú đau thương. Nhọc nhằn. Nhưng, để ta sống tự do. Sâu sắc. Hạnh phúc. Bởi nếu không, mọi việc, dù có thống khổ/sầu đau cũng chẳng đáng ta để tâm đến. Chẳng đáng ta đoái hoài. Tìm hiểu.


Trong quyết tâm thực hiện điều ấy, ta sẽ hát lên lời ca vui tươi phấn khởi, của hôm trước:

“Tay đan tay nhịp bước đi trong đời,

xin yêu thương hạnh phúc đến cho người,

Người em anh yêu, người anh em mến, Mẹ ơi trông đến.

Như chim kia nhịp cánh trên mây ngàn,

đôi tim con hoà khúc hát huy hoàng.

Trọn đời yêu nhau, dù bao gian khó, có Mẹ đừng lo.”

(Thành Tâm-Diễm Tình Ca 3)

Có Mẹ đừng lo. Huống hồ là có Chúa. Có Mẹ. Dù, đớn đau. Gian khổ. Hay gì nữa, vẫn có Chúa. Có Mẹ. Gần bên. Để nâng đỡ. Hỗ trợ. Ban hạnh phúc.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com; hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 13 March 2010

“Ta ngẩng lên, ánh mặt trời rực rỡ”

Khắp đại ngàn, không còn bóng đêm đen
Lũ chim non, bỗng giật mình bỡ ngỡ
Giận kêu vang, tiếc giấc ngủ êm đềm.
thơ HanVinh)

Ga 8: 1-11

Bóng đêm đen. Trời rực rỡ. Tất cả, khiến chim non giật mình. Bỡ ngỡ. Giận kêu vang. Tiếc giấc ngủ êm đềm. Âu, cũng vẫn là tâm tình của người đời, thường oán trách. Vua trời đất.

Trình thuật, nay cũng nói lên một “nghịch thường” về yêu thương. Uất hận. Oán trách. Oán trách Chúa. Bất kể, Ngài vẫn từng kêu gọi mọi người, hãy cải hối. Hãy hồi hướng, trở về. Về, để sống niềm tin trọn vẹn thông điệp, Ngài uỷ thác. Về, để theo Đường, Ngài chỉ dẫn. Đường Sự Thật. Đường Sự Sống.

Có thể gọi Đức Giêsu là Nhiệm Tích Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Nhiệm Tích, theo thói thường, tỏ bày thật rõ nét Quyền uy Sức mạnh của Chúa. Quyền Uy, hoạt động nơi ta. Thế nên, hễ thấy Đức Giêsu là thấy Chúa. Dù, mắt thịt ta còn khiếm khyết. Nhưng, những gì ta thấy được qua Đức Giêsu, sẽ không là và không thể là Thiên Chúa, rất trọn vẹn. Siêu việt. Nghe Đức Giêsu, là nghe Lời Chúa nói. Ngài nói và hoạt động qua tư cách rất “người”. Nói, bằng hành động. Nói, bằng bằng Lời Ngài giảng dạy. Thấy Đức Giêsu chuyện vãn với nữ phụ tội lỗi, là thấy Chúa hành động. Và, thấy Chuá nói.

Trình thuật, nay nói đến 2 loại người mang tội, thấy rất rõ. Thứ nhất, người nữ phụ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Tội tày đình. Gây ảnh hưởng nặng lên chính mình. Lên gia đình mình. Bởi, nữ phụ là người cưu mang con cái. Người, có trách nhiệm giữ mặt cho gia đình, nội/ngoại. Theo luật Do Thái, ngoại tình kéo theo chuyện “con ngoại hôn”. Ngoại tình, để lại dấu ấn khó phai lên phẩm giá người nữ phụ. Chẳng cần tìm hiểu xem ai là thủ phạm. Có là, cha của đứa trẻ, hay không. Chỉ cẩn biết, rằng: ngoại tình ảnh hưởng nặng lên danh dự, của người vợ. Của, gia đình vợ. Chẳng gây gì, cho phía nam nhi. Bên nhà chồng.

Thứ hai, Kinh sư/Biệt phái cũng là người có lỗi. Lỗi tội đây, không theo quan niệm của chính họ. Hoặc, luật pháp. Mà là, theo ý định của Đức Giêsu. Bởi, Kinh sư/Biệt phái là nhóm đã để mất tính nhân hiền/xót thương cần phải có. Nơi người, theo chân Chúa. Thánh Luca ghi: “Hãy có lòng thương xót như Cha các người, là Đấng đầy lòng xót thương.” (Lc 6: 36)

Kinh Sư/Biệt phái là nhóm người cao ngạo. Tự đại. Họ cho rằng: mình có quyền ăn trên ngồi chốc. Có quyền xét đoán những người khác. Chẳng biết gì đến thương yêu. Tha thứ. Chỉ biết luật. Chẳng lý gì, đến chuyện yêu người đồng loại, như Chúa dạy. Vẫn biết họ là như thế. Nhưng nay, ta cũng hãy nên ngồi lại mà tự hỏi lòng mình, trước khi chỉ trích/lên án người khác. Hỏi rằng: sao ta có thể xử sự khác hơn, nếu ở cùng một hoàn cảnh, như người ấy? Ta phản ứng ra sao, nếu biết rằng: thành viên gia đình mình cũng đã phạm lỗi ngoại tình. Ta có lên án và hết thương yêu, không?

Người nữ phụ ở trình thuật, không là trường hợp cá biệt. Ngoại lệ. Chị phản ánh trạng huống của mọi người, chúng ta. Những người đã hơn một lần phạm lỗi. Chị cũng đại diện cho anh. Cho tôi. Cho mọi người. Và, Kinh sư/Biệt Phái là nhóm người phạm nhiều sơ hở, lại cũng là ảnh hình của chúng ta.

Ta đều có thể mắc lỗi, ở cả hai trường hợp. Tức, có thể làm hại uy danh người khác. Hại người, bằng cách áp đặt ý muốn của mình, lên người họ. V2, phê phán người khác, tức đã nghĩ rằng: mình “hơn hẳn”. Mình “tốt lành”, hơn mọi người. Có mặt ở hiện trường hôm ấy, ta sẽ phải xử trí ra sao? Có lên án? Có, hủy hoại uy tín/cuộc đời của ai không? Huỷ, bằng lời phẩm bình? Hại, bằng cá tính, của riêng mình? Nói cách khác, đã bao người ra tay nghĩa hiệp, biết xót thương người khác?

Hãy nhìn vào phản ứng của Đức Giêsu. Hôm ấy. Thứ nhất, Chúa không phản bác lỗi lầm của người nữ phụ phạm lỗi. Chị ĐÃ phạm luật. Rất nghiêm trọng! Ngoại tình, là tội liên can đến sinh hoạt dục tình, giữa hai người. Ít nhất, một trong hai người ấy là phối ngẫu. Đã vi phạm nghiêm trọng niềm tin tưởng, của vợ chồng. Đây, là hành động bất công. Đối với người vô tội, ở bên kia. Nghiêm trọng, vì làm mất đi sự tin tưởng. Bất công, là bất công với người ở bên kia. Đây, còn là hành động trái luật. Phản nghịch sự tin tưởng. Ở đây, hành động dục tình chỉ là điều thứ yếu. Trình thuật không cho biết người nữ phụ có chồng, hay chưa. Điều, mà mọi người, cả Đức Giêsu lẫn Kinh sư/Biệt Phái và người nữ phụ, đều chấp nhận, là: chị đã phạm lỗi.

Trình thuật không nhắc đến yếu tố khác, cũng quan trọng không kém. Đó, là người nữ phụ trong trình thuật, là do nhóm Kinh sư/Biệt Phái đem đến Chúa. Đem chị đến, như quân cờ trong cuộc chơi. Cuộc chơi, là trò bẫy cạm đưa ra với Đức Chúa: “Ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8: 4) Họ nghĩ: có thể đem Vị Thượng Tế chuyên ăn uống với phường tội phạm để “đụng độ” trực tiếp truyền thống thánh thiêng, có từ thời Môsê. Họ còn nghĩ, có thể dùng thế “gậy ông đập lưng ông”, để lên án Chúa. Bởi, nếu Chúa đồng ý, thì tự Ngài, Ngài đặt mình cùng hàng với tội phạm. Nếu phản lại Luật Môsê, Ngài sẽ bị liệt vào nhóm người không thuộc về Thiên Chúa.

Lúc đầu, Chúa lờ đi. Như, không thấy. Ngài chỉ mải viết. Chừng như, cho đến lúc ấy, người hỏi vẫn như không hiểu điều, Ngài từng dạy. Ngài từng thực hiện. Thế nên, Ngài vẫn ngồi viết và viết. Các nhà chú giải kinh thánh hỏi nhau: Ngài viết gì? Viết xuống cát, là cách chối từ, không để mình rơi vào tròng, người đặt bẫy. Để đến khi, họ nài nỉ, Ngài mới nói: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước.” (Ga 8: 7)

Lạ thật. Không ai trong họ, dám cầm đá ném trước. Trăm người như một, đều lẳng lặng bỏ đi. Đi, nơi khác. Đó là điều, trình thuật nay muốn răn day: chỉ những ai không vướng mắc lỗi phạm nào, mới có thể ngồi đó mà xét đoán, người khác. Theo ngôn ngữ thời đại, có thể nói: ngồi trong cửa kính, làm sao ta đuổi được lũ ăn mày. Và, người phàm chúng ta vẫn làm thế. Vào mọi lúc. Ở mọi nơi.

Còn lại, có mỗi Chúa và tay tội phạm, ở nơi toà. Công tố viện, đều rút lui. Ngồi ở lại, Ngài không lên án chị: “Này chị, họ đâu rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8:10)“Tôi cũng thế. Tôi không lên án chị! Hãy về đi. Từ nay đừng phạm lỗi.” (Ga 8: 11) Không lên án, nhưng Ngài đã cho chị một cơ hội, để sám hối. Để, hồi hướng trở về. Để, thay đổi lối sống. Quả là, Ngài đến không phải để lên án, mà cứu độ. Và, phục hồi. Trao ban quà tặng, cho mọi người. Quà sự sống mới. Là, mở rộng cửa. Cho mọi người.

Về với chính mình, cũng nên hỏi: nếu Chúa hành xử như nhóm Kinh su/Biệt phái, liệu ta có tránh bị người khác lên án/huỷ hoại, không? Đã bao lần ta chẳng cần đếm xem đã bao lần mình phạm lỗi. Lỗi nặng. Lỗi nhẹ. Và cũng chẳng cần xét, cần xem xã hội bên ngoài có kinh hồn/khiếp đảm về hành xử của ta, không? Chúa kêu gọi ta khởi đầu lại. Kêu gọi, hãy thay đổi lối sống. Của chính mình. Thay đổi, cung cách xét nhìn mọi người. Ngài gọi mãi. Kêu hoài. Vẫn không ngơi.

Về thái độ Chúa yêu thương người tội phạm, có nhà chú giải kinh thánh dám nói: “Chúa như Người kém trí nhớ, mỗi khi gặp phạm nhân.” Bài đọc 1, cũng một ý tương tự, khi ngôn sứ viết: “Các ngươi đừng nhớ lại chuyện xưa. Chớ quan tâm, những việc của thuở trước.” (Is 43: 18).

Bài đọc 2, thánh Phaolô có kinh nghiệm của một Pharisêu đầy nhiệt huyết, nay biết Chúa đã thứ tha, cho mình. Rất hết mình. Bởi thế, thánh nhân từng nhân danh Chúa. Nhân danh Đạo, ra đi ruồng bắt môn đệ Chúa. Nay đã rõ, có tương quan mật thiết với Chúa, mới là điều cần thiết/quý giá nhất trong đời. Còn lại, tất cả chỉ là hư luống. Là Biệt phái, thánh Phaolô từng nghĩ: có giữ luật, mới là người toàn thiện. Không giữ luật, mới là người đáng khiển trách. Coi thường. Thánh nhân, nay đã biết: chỉ gọi họ là tốt lành, những người được Chúa mến thương. Nên, thánh nhân nay không còn thù ghét, bất cứ ai. Nhưng, đã thương yêu. Tha thứ. Và quên đi, mọi lỗi lầm của người khác.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cũng sẽ là người sống an hoà, hạnh phúc nếu biết học hỏi thái độ của Chúa đối với phạm nhân. Đồng thời, còn biết đối xử thật nhân hiền, với người khác.

Trong tinh thần học hỏi thứ tha/giùm giúp, ta hát lên lời ca vui thiết thực, của thời trước:

“Ta vươn vươn lên, như bờ núi cao cao vời,
Chân khoan khoan thai, như bước theo nhịp oai hùng.
Bài thơ mới, và câu hát vui yêu đời,
Vui với bao niềm tin đời là bài ca.”(Xuân Lôi/Y Vân-Bài Hát Của Người Tự Do)

Vui. Yêu đời. Đời là bài ca. Có yêu thương và tha thứ. Tha thứ, hết mọi người. Cả người phạm lỗi. Lẫn người từng ám hại đời ta, nữa.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.

xem thêm các bài khác, xin mời vào
www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 6 March 2010

“Ta như kẻ hoài nghi, đành bỏ cuộc,"

Ngôn ngữ buồn khánh kiệt, cửa tim đau.
Ta vắt cạn, tận cùng trong nỗi nhớ,
Bóng em về, tha thướt quẩn quanh đâu.”
(thơ Vương Ngọc Long)

Lc 15: 1-3, 11-32

Ngày em về, bóng hình đâu tha thướt nữa. Thướt tha và quẩn quanh, là tình Cha đón em về từ đầu ngõ. Ngài vẫn chờ đón. Vẫn yêu. Tha thiết lắm. Yêu, như tình cha. Tình Chúa. Nào ai bằng.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca cũng diễn tả dụ ngôn về tình cha. Tình Chúa. Rất yêu thương. Dù, em có lỗi phạm. Dù, anh/chị có cứng rắn, chẳng chấp nhận người em, nay cải hối.

“Cải hối” đây, lời kêu gọi không chỉ diễn tả tâm tình buồn rầu/tiếc nuối mà thôi, nhưng còn đòi đổi thay rất thâm sâu về hành xử, trong lai thời. Thay đổi tận gốc trong nhận thức về Chúa. Về, con người. Và, về mọi sự. Kêu gọi, là gọi mời ta tái lập tương quan với Chúa. Với Cha. Tái lập tương quan với mọi người và với mình. Là, hồi hướng trở về. Như ngã rẽ đích thực trong đời.

Có người nghĩ, rằng: cứ xưng tội cho sốt sắng vào mùa Chay kiêng; hoặc rước Chúa, trước Phục Sinh, là cũng đủ. Khỏi cần lo. Nhưng, hãy nhớ rằng: xưng thú lỗi phạm vào mùa Chay, không phải để xoá sạch mọi dấu vết sai trái/lỡ lầm trong quá khứ, thôi. Nhưng còn để quyết tâm một đổi mới. Đổi chính đời mình, cho mới mẻ. Đổi, để mình sẽ không tiếp tục hành xử theo như trước. Đổi, để rồi sẽ chú tâm vào cuộc sống với hiện tại. Có tương lai.

Tiến trình đổi mới vào mùa Chay, là để trở thành đồ đệ đích thực. Của Đức Chúa. Đồ đệ nay đổ mới, sẽ biết san sẻ mọi giá trị thâm sâu. Mọi tầm nhìn. Mọi thái độ của chính mình. Đổi, để như thánh Phaolô/cùng với thánh nhân, ta sẽ có tâm hồn. Có đường lối suy nghĩ, như Chúa dạy.

Trình thuật, nay còn cho thấy thái độ của Thiên Chúa là Cha, với người con sa đoạ. Thái độ, cho thấy Ngài rất thứ tha. Vẫn hoà giải với những ai có quan hệ mật thiết với Ngài. Cả người con, từng sai phạm. Bê tha. Mắc lỗi rất nhiều.

Bối cảnh dụ ngôn hôm nay, còn nói rõ:“Các người thu thuế, tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu, mà nghe Lời Ngài giảng giải.” Người Pharisêu, Kinh sư Biệt phái không chỉ xầm xì: “Ông này giao tiếp cả với phường tội lỗi”, nhưng còn nghe. Và thấy chướng. Thái độ của các “cụ” trên, chẳng khác nào các đấng bậc nhà mình. Bấy lâu nay.

Đối đáp lại, Chúa kể 3 truyện dụ ngôn. Một trong các truyện này, là dụ ngôn về chuyện xử thế giữa Cha/con. Dụ ngôn đầu, về chiên lạc. Về, bà goá mất bạc. Dụ ngôn “người con bỏ đi hoang” hôm nay, là chuyện nói về tình người Cha, tức: đấng bậc hiền lành hiện thân cho Đức Chúa.

Chẳng ai xa lạ gì về thái độ của người con đi hoang, đòi Cha nhân hiền chia chác gia tài, để mình tha hồ tiêu pha, vung vít. Chia chác, cho ăn chắc. Mà, chẳng chiụ chờ đến lúc cha nằm xuống. Cuối cùng, thì đời người em út sa sút. Bị người đời rẻ khinh. Thậm chí đến cám heo, cùng thức ăn tạp, cũng không đủ.

“Thế mà cha lại giết bê béo mừng nó”, đây là phản ứng của người anh cả. Cũng là, ứng xử của nhiều người. Của thời hiện tại. Có cả ta. Còn lòng Cha, duy nhất chỉ nghĩ là: làm sao kéo con về nơi chốn an lành vẫn dành sẵn, cho con. Cha không trách: “Vì, con xúc phạm đến danh dự của Cha. Của cả gia đình giòng tộc, đáng nguyền rủa.” Nhưng, Cha bảo: “Con ta đã chết, nay sống lại. Đã mất đi, nay lại tìm thấy.” (Lc 15: 24). Cứ thế, Cha vẫn tựa cửa, đứng đó chờ. Chờ con về, lòng Cha vẫn ở tư thế ấy. Lòng Cha, từ ngàn đời. Nào đổi thay.

Lòng Cha chẳng đổi thay. Không dùng áp lực. Cũng không cần gia nhân. Không cần cảnh sát. Không. Vì thương con, Cha vẫn chờ. Về với Cha hay không, còn tùy con. Do con. Phần Cha, Cha nay vẫn ngập tràn tình thương xót. Thương, cho vận nghèo. Xót, cho phận bèo. Của con. Nên, Cha vẫn đi bước trước. Vẫn đứng đầu ngõ, mà chờ con. Chẳng đòi hỏi lời con xin lỗi.

Tình Cha là thế. Nếu con hiểu lòng Cha hơn, hẳn là con sẽ biết: Cha chẳng cần gì lời hùng biện. Cầu van. Mà lập tức, Cha ra lệnh cho gia nhân giòng tộc, hãy đem mọi của ngon vật lạ Cha trân trọng, đem ra mà thết đãi, con trở về. Thết đãi với niềm vui tươi. Hoà giải. Thết và đãi, vì nay con biết hồi hướng, về với Cha.

Hành xử của Cha, là để đáp trả lời xầm xì của đấng bậc mô phạm, của mọi thời. Xầm xì rằng, Cha giao tế cả với phường tội lỗi. Hoang tàng. Tệ nạn. Cha chẳng cần lời biện minh, với giải oan. Cha chỉ muốn tỏ bày để con biết những tình tiết thân thương, mà tuân giữ. Và thực hiện. Với mọi người.

Và lúc này, người anh cả xuất đầu lộ diện. Không hiểu. Và, bất ưng. Vì đã tuân thủ mọi luật lệ, cùng giới răn. Đổi lại, là “công cốc”. Chẳng bù cho thằng em bê tha, la cà, cùng phường tội lỗi. Lại được đối xử tốt. Anh cả, làm sao hiểu lòng Cha hiền từ. Hay tha thứ. Anh chẳng thể nào hiệp thông vui mừng với Cha Già đầy lân tuất. Nên, anh từ chối không vào nhà, với Cha. Với mọi người. Cứ, làm người xa lạ. Phiền hà. Bực tức.

Đối với anh, Tình Chúa là Cha, cũng chỉ là tình tiết bất công. Kỳ thị. Rất nhiễu loạn bởi cái-gọi-là Tình Yêu. Thương xót. Lẫn thứ tha. Tha thứ, không giới hạn. Thứ tha, vô điều kiện. Hoà giải/hoà hợp của Ngài, là giải hoà không định mức. Chẳng so đo. Kèo nài. Phân bua.

Tình Cha thương, Ngài đâu xét nét việc con làm, trong quá khứ. Tình Ngài tha thứ, cũng chẳng ưu tư chuyện tương lai. Ngài chỉ xét, tương quan con có còn với Chúa. Với Cha. Với cộng đoàn, hiện tại con chung sống nữa không?. Dù, chỉ là tương quan rất ngắn. Rất hạn hẹp. Như, cảnh tình người trộm lành. Ở cạnh Chúa. Trên thập tự. Như, người nữ phụ đổ dầu thơm lau chân Chúa. Vì quá thương Ngài.

Về tương quan, giữa Thiên Chúa và loài nguời. Giữa người người. Với nhau. Nhất nhất, đều ngang qua, một kinh nghiệm. Kinh nghiệm về tha thứ. Của Thiên Chúa. Kinh nghiệm, để ta học đòi bắt chước, mà xử thế. Với nhau. Học đòi tha thứ, không hạn chế. Tha thứ, cả những người mang nặng những tình tiết của xung khắc. Rẽ chia, trong đời mình.

Tham dự Tiệc Lòng Mến hôm nay, ta cảm tạ Thiên Chúa vẫn sẵn sàng thứ tha cho ta. Ngài không những chỉ thứ tha mà thôi, nhưng Ngài còn mừng đón mọi người quyết hồi hướng, về lại với Ngài. Tuy nhiên, ta sẽ không dừng lại ở đó, để chỉ cám ơn suông. Nhưng còn phải học hỏi bắt chước Ngài mà xử thế với mọi người, cùng một cách. Như lời cầu Chúa dạy ở kinh lạy Cha: “Xin tha cho con mọi lỗi lầm con mắc phải, cũng như con từng thứ tha những người có lỗi đối với con.”

Tham dự Tiệc thánh, ta nguyện bắt chước Chúa, mà xem xét cung cách người người đang xử thế. Với nhau. Ở đây. Bây giờ. Không xét nét nỗi sầu buồn/đớn đau, thời dĩ vãng. Nhưng, học hỏi nơi Chúa, để có quan hệ bình thường, với mọi người. Làm thế, ta không những giải quyết được mọi bất hoà giữa ta với những người mình thù ghét. Làm thế, cuộc sống mọi người, cũng như ta, sẽ là cuộc sống tràn đầy bình an. Hài hoà. Đôi bên đều thắng lợi. An vui. Hoàn tất.

Trong tinh thần bắt chước Chúa đối xử tốt với mọi người, ta lại sẽ vui lên mà ca hát. Hát rằng:

“Tôi quyết từ nay yêu Chúa trong tình đằm thắm.
Muốn để đền bù lại cõi đời bạc đen. (Hoài Đức/Nguyễn Khắc Xuyên-Cao Cung Lên)

Quyết yêu Chúa. Tình đằm thắm. Đền bù lại, cõi đời đen bạc. Không như “kẻ hoài nghi, đàn bỏ cuộc”. Mà như, người anh/người chị nơi Nước Trời ở trần gian, mình vẫn sống. Vui tươi. Hài hoà. Êm ấm. Suốt cuộc đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com