Saturday 29 November 2014

“Có kềm hãm giữ mình khi giận tức,”



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 2 mùa Vọng năm B 07/12/2014

Có kềm hãm giữ mình khi giận tức,”
Có thứ tha những kẻ nghịch ghét ghen.
Thì tâm hồn mình sẽ mạnh thêm lên.
Sớm nhận thức đâu là phần thưởng thật.”
(Dẫn từ thơ Nguyên Đỗ)
 Mc 1: 1-18
            Kềm giữ với hãm mình, còn gì bằng vào lúc mình đang them khát. Thèm và khát, không chỉ bây giờ hoặc mai sau, nhưng cả vào mọi tuổi, mọi thời như tâm-tình của chú bé Đanien, kể bên dưới.
Mùa vọng năm ấy, chú bé Đanien tự dưng chạy đến ôm hôm người mẹ hiền, đề nghị một yêu cầu rất nhỏ: “Quà Giáng Sinh năm nay, mẹ nhớ mua cho con một chiếc xe, mẹ nhé.”  Nghe lời xin, người mẹ giựt mình, nhưng vẫn từ tốn đáp lại: “Con ạ, nhà mình còn nghèo, mẹ không đủ sức mua xe cho con đạp chơi đâu. Hay là, con chạy đến xin Chúa Hài đồng, xem sao!”
            Bé Đanien bèn chạy vào bàn, viết ngay một lá thư ngắn đại ý nói:

Chúa dâu yêu, con biết mình phải thật là ngoan mới được Chúa cho quà. Con nay đã ngoan từ hồi khuya sớm. Vậy, con xin Chúa cho con một chiếc xe đạp nho nhỏ thôi. Chúa nhớ gửi xuống cho con nhé.
Ký tên Đanien:.

Viết xong, đọc lại thấy không ổn. Đanien nghĩ lại, mình đâu có ngoan gì cho lắm, mà dám xin món quà lớn lao như thế. Nghĩ vậy, bé xé thư đi rồi viết lại:

“Chúa dấu yêu ơi. Để con kể Chúa nghe nhe. Suốt năm rồi, con là đưa bé khá ngoan. Con muốn xin Chúa một chiếc xe đạp, chạy chơi. Chúa đồng ý cho con nhé.
Ký tên: Đanien của Chúa.”

Viết xong, bé Đanien lại nghĩ: Viết thế này, cũng chưa được đúng cho lắm, lại xé thư, viết lần nữa:

“Chúa Giêsu bé nhỏ của con ơi, lâu nay con vẫn nghĩ con là đưa bé ngoan và giỏi. Có thể nào Chúa cho con một chiếc xe đạp được không?
Ký tên, Đanien.”
           
Cuối cùng, bé nghĩ: “vẫn không xong. Phải làm thế này, mới chắc ăn”. Đanien chạy một mạch đến nhà thờ. Bưng đại bức tượng nhỏ nơi máng cỏ mang vể cất dưới gẩm giường để mẹ mình khỏi la mắng, rồi viết một thứ khác, đầy doạ nạt:

“Chúa mên yêu, con vừa trót dại phạm một điều răn, là: làm bẹp mất búp bê của nhỏ em con, và nhiều chuyện khác khủng khiếp hơn. Con ôm tượng Mẹ Maria về nhà con rồi. Chúa có muốn nhìn lại Mẹ của Chúa dịp Giáng sinh này, thì phải tặng cho con chiếc xe đạp mới. Chúa biết mình phải làm gì rồi, phải không?”
           
Lời lẽ trong thư Đanien viết cho Chúa Hài Đồng, giống hệt thư tống tiền của băng đảng ngoài đời. Trong đời thường, chuyện của Đanien cũng na ná đôi chút chuyện của nhiều người chúng ta. Nhiều lúc, ta vẫn nghĩ là mình có thể cù cưa/mặc cả với Chúa, rất nhiều điều, để đạt ý mình mong ước. Tuy nhiên, các vụ kèo nài/mặc cả như thế thường không xứng với niềm tin của người tín hữu Đức Kitô, nhất thứ trong khung cảnh mùa Vọng.
Tình huống kèo/trả giá là yếu tố xưa cũ vẫn còn lưu lại nơi đầu của tác giả lịch sử thánh khi ngài viết bài đọc, như: sấm của tiên tri Isaya, như thánh vịnh 84, thư của thánh Phaolô và cả đến Phúc Âm thánh Mác-cô nữa, nhất nhất bộc lộ tâm trạng kèo nài/hạch sách, thế nào đó.
            Các bài đọc hôm nay, nhắc nhớ ta một điểm: Đức Chúa vẫn yêu thương loài người. Ngài chẳng bao giờ giữ lại điều gì riêng cho Ngài. Và, khi chấp nhận thân-phận bọt bèo của người phàm có da có thịt, thì Ngài vẫn làm tất cả để ta nhận ra được tình thương yêu cứu-độ, Ngài tặng không. Ngài đã trưng-dẫn tình thương yêu của Ngài bằng chính cuộc sống, để ta theo đó mà làm.
Thành thử, ta phải sống cuộc đời Ngài tặng ban, ăn ở cho công-minh chính-trực và biết thương-yêu ở mức cao độ. Từ đó và qua đó, ta mới thay-đổi được thế-giới đời thường ta đang sống; hầu biến cải thế-giới nên tốt đẹp hơn.
            Các tình-huống cuộc đời trong đó ta cứ kèo nài/trả giá với Chúa, vẫn thấy dẫy đầy trong thần-học, cũng như kinh-nguyện/phụng-vụ. Tệ hơn nữa, có nhiều tình-huống ta cứ ngụp lặn trong các thói tật giống như thế, từ thế-hệ này sang thế-hệ khác. Thậm chí, có người còn cả gan trả giá với Chúa bằng nhiều hình thức, rất cầu xin. Thương thảo. Tỉ như câu:

“Lạy Chúa, nếu Chúa giúp sức cho con qua được đại hạn kỳ này,
nghĩa là: ăn như cũ, ngủ như xưa, nhất định con sẽ ăn ở tử tế hơn..”

Có bạn trẻ, chẳng ngại-ngần đánh bạc cả với Chúa. Nghĩa là, có lời lẽ như:

“Lạy Chúa, con xin hứa: con sẽ quay về đi lễ trở lại như lúc trước,
nếu như Chúa cho con thi đỗ khoa này..”;

hoặc:
“Con hứa sẽ cho cháu nhỏ rửa tội và theo Đạo,
nếu như Ngài cho con làm đám cưới/hỏi cho suông sẻ, trót lọt.
Nhất định con sẽ làm như thế..”

Tệ hơn, có người còn thưa với Chúa, như sau:
“Chúa cho con trúng số đi,
con sẽ cúng dâng nhờ một nửa số tiền con lãnh được, để giúp người nghèo…”
           
Kèo nài/trả giá, thật chẳng hợp với lẽ Đạo, chút nào. Tuy nhiên, Hội thánh cũng chẳng nên trách móc một ai. Tốt hơn, Hội thánh cứ tự nhận trách nhiệm, rồi sẽ sửa đổi não trạng ù lì/chai sạn của dân đi Đạo.
Vào thời đầu, Kinh thánh đã đưa ta về với những lời khuyên nhắn của thánh Gio-an Tẩy Giả, về: sự sống, nỗi chết và sự Phục sinh quang vinh của Chúa. Cả về việc Chúa Thánh Linh vẫn tiếp tục hoạt động trong ta. Ở đây. Bây giờ.
            Kinh thánh cũng dạy ta, rằng: ta thật có phước được Chúa cam chịu mọi hiểm nguy, rủi ro của một bội phản, để ta hiểu rõ thế nào là sống chung với thế giới. Sống trong hiện tại, và cho mai ngày. Chúng ta vẫn ôm trọn vào mình cả một mùa Vọng hôm nay, lẫn các mùa lễ khác trong niên lịch phụng vụ. Nơi đó, chứa đựng mọi chân lý ngàn đời.
Từ đó, ta được dặn là hãy loan truyền Tình thương yêu của Đức Chúa. Ngài gỡ bỏ mọi quyền năng mà Ngài có, để đến với loài người qua thân phận hài nhi bé bỏng. Đấy không phải là hành vi của người chỉ kèo nài, trả giá. Đấy, là diện mạo Đức Chúa, Đấng rất mực thương yêu.
Mùa Vọng năm nay, ta đừng để mình trở thành người con bé nhỏ chỉ biết kèo nài/trả giá với các tay độc quyền đòi thiện chí. Cũng chỉ nên nguyện Chúa Nhân Hiền xin Ngài gửi đến với ta, những gì thật cần thiết, đáng ban ân.
Nguyện cầu để cùng hiệp thông, với nhau. Cầu và nguyện, nhưng vẫn tin rằng Đức Chúa đã nghe tiếng ta khẩn cầu. Chính vì Ngài đã nghe tiếng ta cầu nài, nên Ngài mới cho ta Tình yêu đích thực hiển hiện nới Đức Kitô, Con của Ngài.
Trong tinh-thần hiệp-thông cùng nhau nguyện-cầu, ta lại ngâm vang lời thơ trên rằng:

“Có can-đảm, cả khi mình nhút-nhát,
Có khôn-ngoan trong lúc rất hoang-mang.
Có hiên-ngang cả những lúc đầu hàng,
Mới cảm được cõi hồn cao muôn trượng.”
(Nguyên Đỗ - Mỗi Kinh Nghiệm, Một Bài Học)

Can-đảm cả khi nhút nhát, còn là đức-tính và kinh-nghiệm để đạt “cõi hồn cao muôn trượng”. Cõi hồn ấy, mai ngày sẽ không còn giận tức, ghét ghen hay nhút nhát, nhưng vẫn cứ tỏ-bày thương-yêu, tha thứ với mọi người, rất ở đời.

 Lm Richard Leonard sj - Mai Tá lược dịch

Saturday 22 November 2014

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc,”



Suy-tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ I mùa Vọng năm B 30-11-2014

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc,”
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc gầm bay.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 13: 33-37
Tiếng nhạc vẫn gầm bay, hôm trước, là ý-tưởng nhà thơ sống mãi với trăng sao gấm vóc.  Nắng thơm để sống mãi, hôm nay, còn là lời ca giúp nhà Đạo tư-duy về ngày Chúa đến lại tưng bừng một lễ hội rất Vọng Chờ.
Trình-thuật về vọng chờ và tỉnh-thức, được thánh-sử Mác-cô ghi rất rõ, luôn đính kèm lời nhắn nhủ gửi muôn người, một ý thơ. Ý thơ hôm nay, lại vẫn là những nhủ khuyên mọi người hãy Canh Thức và Đợi Chờ, kẻo hụt hẫng.
Ngày nay, rất nhiều người vẫn cứ canh thức và đợi chờ, vì âu lo. Canh thức và đợi chờ, có thể ở nhà thương, hay bệnh xá. Chờ người đem tin vui về người thân thuộc đang đau yếu.
Canh thức và đợi chờ, có thể là canh và thức do các bậc cha mẹ thực hiện để đón chờ tin tức về con cháu vừa mọc răng, nóng sốt hoặc đau nhức xem đã bớt chưa.
Canh thức và chờ đợi, có thể là trực chờ bên điện thoại, để ngóng tin người nhà mình vẫn an toàn mạnh khoẻ, sau thiên tai/bạo động ở nơi khác. Chờ, là chờ kết quả cuộc thi. Chờ, cũng có thể là chờ quyết định, xem chủ hãng có mướn mình làm việc, hầu nuôi sống gia đình mình hay không.
Những chờ và đợi thấy ở đây, vẫn là tỉnh thức/đợi chờ trong căng thẳng. Có người trẻ, xưa rày cũng đã canh và có thức, nhưng là thức và canh để giành quyền mua vé xem túc cầu, hoà nhạc hoặc đón giao thừa này nọ, vào đêm đó.
            Cách nay khá nhiều năm, phần lớn các cuộc canh và thức ở đây đó, đều mang ý nghĩa sống động cho cuộc đời mình. Có người từng canh và thức, để ở gần gũi người thân nay qua đời, thêm vài phút. Có người lại canh và thức chỉ để nguyện cầu suốt cả đêm. Chí ít, là khi giáo xứ mình lại cứ giữ các buổi thống chầu Mình Thánh, không còn hứng.
Canh và thức, với một số người nào đó, là như canh và thức với cô dâu một đêm cuối trước khi cô dấn bước về với ông chồng đang chực sẵn. Canh và thức như thế, là có canh có đợi. Đợi, xem có dấu hiệu gì chứng tỏ chàng rể và quan viên họ nhà trai bên đó, đang trên đường tới.
Hội thánh ta, cũng từng có thói quen duy trì kinh nghiệm về một canh thức ít nhất là vào tối thứ Bẩy thánh, trước Đại lễ Phục Sinh. Canh và thức cả vào đêm, vào dịp qui lăng/lễ mồ, hoặc đêm lễ Vọng Phục Sinh, cũng là canh thức rất tỉnh táo.
            Truyền thống phụng vụ bắt nguồn từ Trình thuật về canh và thức nhắc lại vào Chủ nhật hôm nay. Trình thuật thánh Mác-cô khuyến khích mọi người hãy tỉnh thức chờ đợi. Chờ, ngày Chúa đến lại. Đợi, một sự kiện mới lạ, để ta chuẩn bị mừng đón Giáng Sinh.
Trình thuật, nay nối kết với kinh Tiền Tụng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, trong đó có viết: “Chúng con chờ đợi ngày ấy đến, hy vọng ơn cứu độ đã hứa ban cho chúng con, khi Đức Giêsu Chúa chúng con đến trong vinh quang.” Chính vì thế, trọng tâm ta chú ý sẽ hướng về sự kiện lớn trong mai ngày. Tức, không chỉ là lễ hội tổ chức vào ngày mai.
            Đây là biến cố có một không hai trong cuộc sống của Hội thánh. Bởi, mọi lễ hội khác trong phụng vụ, đều để tưởng nhớ các sự kiện xảy đến trong quá khứ, như các lễ vào Tuần Thánh hoặc lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Và, cả các lễ trọng để truyền bá sự thật Chúa đang hoạt động ở trong ta, mà Hội thánh vẫn truyền dạy để tuân giữ, như: Lễ Chúa Ba Ngôi.
Nhưng, đó không là ý nghĩa của Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, rất hôm nay. Chúa nhật hôm nay, tập trung nhấn mạnh việc Chúa lại đến vào dịp Giáng Sinh, để giúp ta suy tư về ngày cánh chung. Tức, ngày Chúa đến vào buổi tận cùng, kết tận toàn bộ lịch sử thế giới và con người.
Tin Mừng hôm nay, là cầu nối giữa “các ngày cuối” của năm phụng vụ mới chợt qua theo lịch Hội thánh. Tức, phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua ta cử hành tuần rồi. Cầu, là để nối kết những ngày đầu Năm Phụng vụ, rất ý nghĩa.
              Vậy, đâu là ý nghĩa và cung cách của Hội thánh muốn ta có qua lễ hội Giáng Sinh này, như một đêm vui tươi có tỉnh thức. Chứ không phải như một canh thức rất lo âu, sầu buồn. Tức, những canh và thức mà ta chẳng bao giờ muốn nghe biết về những xấu xa, rầu rĩ với tin buồn.
Cũng chẳng là, những canh và thức có những sự việc được tiên đoán, qua đó ta sẽ bắt chụp nhiều sung sướng với rủi may để đi vào với lễ hội, rất kích động. Nhưng, canh thức ở đây là canh và thức có hy vọng để rồi qua đó ta tin tưởng mà đợi chờ Đấng mà mình biết chắc sẽ lại chia ngọt sẻ bùi với chính ta.
Ngài là Đấng thấu hiểu được mọi yếu đuối của ta. Và, yêu thương ta đến cả cuộc sống, có nỗi chết. Ta tin tưởng đặt hy vọng vào Ngài là người Anh thân thương. Vào, Đấng Cứu Độ. Vào chính Ngài, là Bạn Hiền rất muôn thuở.
            Chúa Nhật Vọng chờ hôm nay, ta hướng tầm nhìn vựợt quá Giáng Sinh, để vào với thời khắc cuối, khi trời và đất giao thoa, kết hợp. Và khi đó, việc canh và thức của ta sẽ hoàn tất.
Vào ngày ấy, ta tin rằng Con Người sẽ lại khai sáng thế gian, một lần là mãi mãi. Vậy, có nên nghĩ rằng có cái gì đó rất bõ để ta tỉnh thức mà chứng kiến? Có cái gì đó, để ta bỏ hết thì giờ ra mà thực hiện, cuộc canh thức, rất chờ đợi?
            Tuần thứ nhất Mùa Vọng, còn là ngày đầu của một canh thức khác qua đó ta dựng lều mà đợi chờ. Đợi và chờ, nhưng tin chắc rằng ta sẽ ngồi hàng đầu mà chứng kiến sự việc sẽ xảy đến, khi nó đến. Sự việc ấy, sẽ là buổi diễn hay nhất, ở huyện nhà. Rất bõ công để chờ và đợi. 
            Cảm-nghiệm lời nhắn nhủ đầy canh-thức, cũng nên ngâm lại lời thơ còn bỏ dở, rằng:

            “Ta uống hết dư hương và mộc-dược,
Ớn làm sao, đầy một miệng hào-quang.
Đưa tay vơ cung cầm nguyệt mênh mang.
Chan chứa ý ly-tao giây sảng sốt.”
            (Hàn Mặc Tử - Trường Thọ)

            Nhà thơ nay vẫn uống dư hương và mộc-dược, cốt để sống trường thọ với trăng sao. Kịp đến khi chưa toại nguyện, ông lại than thở: “Ớn làm sao, miệng đầy hào-quang”, và “lòng chan chứa ý ly-tao giây sảng sốt”, nhất nhất vẫn là tâm-trạng của người chưa tỉnh-thức, rất đời thường. Cầu mong nhà Đạo mình chờ đón Chúa trong tỉnh-thức, sẽ lĩnh-nhận muôn ơn lành, hào quang, nhưng không ớn.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch

Sunday 16 November 2014

"Hỡi Thượng-Đế, xin cho tôi đôi cánh”,



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm A 23-11-2014

"Hỡi Thượng-Đế, xin cho tôi đôi cánh”,
Ít bụi trần để còn bay lên cao”.
(Dẫn từ thơ Hiếu Anh)
Mt 25: 31-46

            Xin đôi cánh, nhà thơ đời lại cũng chẳng xin bụi trần để còn bay cao vào chốn vũ trụ. Xin bay cao, người nhà Đạo lại chỉ muốn bay vào chốn trên cao có Đức Chúa là Vua vũ trụ, Đấng càn-khôn luôn ấp-ủ muôn loài núp trong lòng êm-ả, chốn trời cao.
            Trình-thuật thánh-sử Mát-thêu hôm nay ghi chép, lại cũng nói đến ảnh-hình vị Vua Cha cao cả chốn vũ-trụ, rất muôn đời. Vua Cha Kitô, mang dáng-hình của Đức Vua hiền-hoà kiểu Hoàng-đế Constantine của La Mã, hồi thế kỷ thứ tư rất nổi bật. 
Năm 337 là năm Hoàng đế La Mã Constantine lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Trước đó, ông vẫn lưỡng lự chẳng tỏ bày dấu hiệu gì dứt khóat. Ở thời Giáo hội ban sơ, đã có thỏa thuận là người tín hữu Đức Kitô chỉ cần xưng thú lỗi lầm của mình một lần trong đời là đủ. Chính vì thế, Hoàng đế Constantine vẫn giữ tình trạng dự tòng suốt nhiều năm tháng cho đến ngày ông kề cận cái chết.
Thành ra, khi thấy mình gần như không tránh khỏi cái chết gần kề, không còn cơ hội để phạm lỗi, ông mới chịu để cho thanh tẩy, lãnh nhận bí tích Thánh thể và cuối cùng xưng thú mọi lỗi lầm đã qua. Đó cũng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Giáo hội.
Năm 313 là năm Hoàng đế Constantine tuyên bố dùng Đạo Chúa làm quốc giáo. Cũng từ đó, không ai được phép theo đạo nào khác. Điều này có nghĩa là đế quốc La Mã đã thống nhất lề luật, mậu dịch, thuế khóa cũng như bắt buộc mọi người theo phong tục, tập quán của La Mã. Chính vì thế, cũng nên coi đây là một chúc lành đầy ý nghĩa tặng ban cho Giáo hội của Chúa. Một quà tặng trước nay chưa thấy có.
Nếu chỉ nhắm khía cạnh tích cực, thì sự kiện này cho thấy đã chấm dứt giai đọan khốn khó mà tín hữu Đạo Chúa thời ban sơ đã gánh chịu. Máu đào các vị tử đạo đã chứng tỏ rằng các chứng-nhân lịch-sử từng vấn-nạn các vị hoàng-đế ở thế-trần về tình yêu cao cả. Chính tình yêu ấy lôi cuốn bao người công-chính dám hy sinh sự sống để giữ vững niềm tin đã có.
Cũng trong ý  hướng tương tự, Giáo hội là người cầm cân nẩy mực hun đúc nên giá trị nội tại của xã hội; nhất là tại các nước phuơng Tây. Vì thế, không còn phải thắc mắc điều gì khi thấy Giáo hội đã dung-hòa, dưỡng-dục và cải-hoán nhiều hành vi tồi-tệ từ phía La Mã.
Nhưng, nếu xét các giá phải trả, thì Hội-thánh đã nhanh chóng trở thành thế-lực hùng-mạnh. Các Giám-mục bắt đầu ăn vận theo sắc-phục mầu tím, mầu của các nghị sĩ ngoài đời. Dáng vẻ của nhà thờ cũng đã bắt đầu đổi-thay, mang hình-hài một vương cung thánh-đường của La Mã.
Lại nữa, hệ-cấp quyền-hành trong Giáo-hội đã trở mình bắt-chước cung-cách cầm-quyền của một đế-quốc. Phụng-vụ, lại đã du-nhập một số nghi-tiết tế-tự quen thuộc xuất từ đền-đài của người La Mã. Nói tóm lại, đã có sự trộn-lẫn giữa thế-quyền và thần-quyền.
Buồn hơn nữa, vào các thế-kỷ sau đó, người ta còn dùng cả lưỡi gươm, ngọn giáo để ép buộc người ngọai-giáo hồi-hướng trở về với đạo của Đức Kitô. Khi ấy, chẳng còn ai dám bày-tỏ sự bất-đồng ra mặt, không bao nhiêu người còn vấn nạn về tính đa nguyên, đa đạo. Và, trong bối cảnh rối bời vào thế kỷ thứ 6, đạo Hồi lại đã xuất-đầu lộ-diện, nổi lên phản-chống tính độc-tôn đế-quốc bay về tập-trung trong Đạo
Chính vì thế, không ai lấy làm lạ khi thấy sau cuộc hồi hướng trở về của hoàng đế Constantine, hình-ảnh Đức Kitô Vua đã nổi bật và được đưa vào nghệ-thuật mang tính tôn-giáo. Trước đó, hình-ảnh Đức Giêsu Mục Tử Nhân Hiền vẫn được mọi người duy-trì, mến mộ.
Sau niên-biểu 313, các ảnh-hình diễn-tả Đức Kitô đã mang dáng-hình sung-sính trong trang-phục của Vua Chúa, với vương-miện lộng-lẫy ở trên đầu, có vương-trượng và quả cầu thiên-thể, nơi tay. Cũng thế, Đức Maria cũng được vận-sức bằng trang-phục của một mẫu hậu. Thậm chí, Mẹ còn được người đương thời tặng cho danh-hiệu Nữ Vương Thiên Đàng nữa.
Vấn-đề đặt ra không để hỏi: ta có nên dùng ngôn-ngữ trần-thế như: vua chúa, đế quốc -dù là đế quốc đạo hạnh-  để áp đặt cho Đức Giêsu không? Bởi lẽ, Đức Kitô đã mô tả chính Ngài như Vua Cha hiền-lành, rồi.
Thế nên, vấn đề cần ta minh-định cho rõ ràng, là: những điều nêu trên cho thấy đạo Chúa đã bắt đầu đi chệch đường để rồi quên là chính Đức Kitô đã khẳng-định: vương-quốc của Ngài “không hiện-diện nơi trần thế”. Và, thần-dân của Ngài chỉ được biết đến và chấp nhận, nếu họ biết làm cho kẻ đói bụng được ăn no, người khát khô có đủ nước uống.
Cũng thế, nếu con dân Đức Chúa biết đón mừng khách lạ, phân phát áo quần cho người mình trần, biết chạy đến chăm lo cho người đau yếu, tật bệnh và thăm viếng ủi an người bị giam giữ, thì triều-đại Đức Kitô cùng thần dân và uy quyền Ngài vẫn thuộc một trật-tự khác.Trật tự ấy, có giá-trị hơn hẳn mọi vương-quốc nơi phàm trần.
Chính vì thế, Lễ hội hôm nay mang tính-chất rất hệ-trọng. Vào giờ phút cuối cùng của niên-lịch phụng vụ, chúng ta nhận thử-thách từ Đức Kitô, vị Vua đáng kính đã dẫn dụ chúng ta hãy tỏ lòng trung-kiên với những gì là thiết yếu, rất cần làm.
Giáo hội đưa ra ảnh-hình về Đức Vua Kitô khả ái, không phải để ta có thêm tham-vọng muốn cầm quyền, hoặc thích mua quan bán tước, ưa chuộng địa-vị chốn trên cao vời vợi. Tuyệt nhiên, cũng không phải để ta cứ tham lam, ham hố chuyện ăn trên ngồi chốc; nhưng ngược lại, ta phải biết âm-thầm thực-hiện cuộc cách-mạng cải-biến thế-giới này cho công-bằng và an-toàn hơn, để người người có thể sống cùng và sống với nhau trong an-bình, hoà-hợp.
Ngược lại, ta cũng nên biết rằng mình vẫn là kẻ kế-thừa một Vương-quốc trong đó Đức Kitô đã sống, chấp nhận cái chết và trỗi dậy từ sự chết ấy vì Nước Trời. Nói rõ hơn, là tín-hữu Đức Kitô, ta còn là nhân-chứng của triều-đại Đức Kitô Vua, trong cuộc sống rất hiện tại.
Đức Kitô Vua vũ-trụ là như thế. Vương quốc của Ngài đang thực-sự tiếp diễn. Tiếp và diễn, nơi mọi người con đang sống Tình Thương-yêu của Chúa. Tình yêu của Đức Vua Kitô và cũng là  Tình-yêu-Vua. Và từ đó, cộng-đoàn tình thương sẽ là Vương-quốc của chính Đức Kitô, Vua Tình yêu của ta nữa.          
            Trong tâm-tình cảm-nghiệm đặc-trưng hiền-từ của Vị Vua Cha rất Cao-cả, ta cũng sẽ ngâm lại lời thơ còn dang dở ở đời rằng:

            “Hỡi Thượng Đế, xin cho tôi đôi cánh,
Ít bụi trần để còn bay lên cao.
Êm như nhung, man-mác tựa chiêm-bao,
U-sầu này, muôn đời xin xa lánh.
Hỡi Thượng-Đế, xin cho tôi đôi cánh,
An giấc điệp, trong vòng tay thần thánh.
Những bồng-bế thế-trần tôi xin tránh,
Hưởng an-bình trên cõi phúc lòng thanh!”
(Hiếu Anh – Tình Chết Theo Người Đi)

“Tình Chết theo người đi”, còn là và vẫn là tình-tự ao-ước của con-dân ở thế-trần. Vẫn cứ là, nỗi niềm thầm mong Đức Kitô Vua Vũ trụ đem mọi người về chốn êm-ả, thanh-thoát, nơi Vương-quốc của Ngài. Ở nơi đó, có mọi người chung lòng chúc-tụng, thờ-kính hơn vả vua quan nơi trần-thế những nhiễu-nhương, u-sầu cần lẩn-tránh/lánh xa, hầu hưởng phúc an-bình, với lòng thành.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch