Sunday 30 August 2009

“Gửi vào biển xanh lời tim muốn nói”

“Gửi vào biển xanh lời tim muốn nói”
Mai có trôi sang bên ấy cùng người
Nhớ tạc trên cát vàng câu sám hối
Cho tình này ngoi ngóp giữa trùng khơi”
(dẫn từ thơ Lã Thế Phong)

Mc 7: 31-37

Lời, tim anh muốn nói gửi biển xanh, có là lời ới gọi từ muôn nơi? Gọi, để rồi nhớ ghi tạc trong tim, câu sám hối. Với trùng khơi. Tình ngoi ngóp?

Trình thuật, nay không nói gì về sám hối. Nhưng, về Chúa chữa lành cho người câm điếc lẫn mù loà, ở vùng Tia. Ngoài Đạo. Tiến trình chữa bệnh của Chúa, kéo dài như một nghi thức. Quả thực là như thế. Bắt đầu, Chúa dùng tay đặt nơi tai người bệnh, rồi bôi nước miếng vào lưỡi anh. Nước miếng, là thứ mà người xưa tin sẽ có tác dụng chữa lành một số bệnh. Nay, sự thể này cũng có đúng, vào một số trường hợp. Cùng lúc ấy, Chúa ngước mắt lên cao, chuyện vãn với Chúa Cha, bằng tiếng Aram, Ngài nói: Ephata, nghĩa là: hãy mở ra.”

Tức thì, người bệnh được chữa lành. Anh nghe rõ và nói được. Thật sung sướng. Người chứng kiến đứng chung quanh, rất đỗi kinh ngạc. Họ đồng thanh đưa ra một nhận định, nghe rất đúng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp: người điếc được nghe. Kẻ câm nói được.” (Mc 7: 37)

Lời chúc đây, vang vọng từ sấm ngôn của tiên tri Isaya, ở bài đọc 1: “Bấy giờ, mắt người mù, mở ra. Tai người điếc, nghe được. Kẻ què nhảy nhót, như nai. Lưỡi người câm reo hò, vui vẻ.” (Is 35: 5-6). Và tương lai khi xưa được ngôn sứ hứa, nay đã đạt.

Cách Chúa chữa bệnh, khiến mọi người chúng ta nhớ về Bí tích thanh tẩy. Nhờ vào quà tặng là niềm tin gửi đến với người nhận lãnh bí tích, tai họ mở ra để nghe Lời Chúa. Lưỡi họ được giãn lỏng, để nói cho mọi người biết, những điều tốt đẹp về Đức Chúa. Khi xưa, lúc chưa có ai lo ngại về chuyện lây lan mầm bệnh, linh mục cử hành bí tích thanh tẩy, có thói quen sờ chạm tai người nhận lãnh bí tích. Rồi, vị ấy chấm chút nước miếng vào luỡi người nhận lãnh, là tỏ cung cách Chúa làm.
Thanh tẩy, là dấu hiệu cho thấy ta được tháp nhập vào Thân Mình Chúa, cách trọn vẹn. Tháp nhập vào Hội thánh của Ngài, nữa. Muốn được thế, ta phải quyết tâm tham gia lối sống sinh động Chúa mời ta thực hiện. Thực hiện quyết tâm, là mở hết tai ra mà nghe, những gì Đức Giêsu nói với ta. Là, mở trọn tâm hồn ra mà san sẻ niềm tin-yêu, với kẻ khác. Không như người trong Tin Mừng, ta thường không thấy là mình được nhận lãnh quà tặng này, ngay tức khắc.

Thật ra, phải nói là nhiều người trong chúng ta không có khiếu lắng nghe và nói. Nói những gì liên quan đến Chúa. Có người còn ngưng cả việc lắng tai nghe, nữa. Nhiều người nghĩ, ai cũng đều nghe biết về 7 phép bí tích, 10 giới lệnh của Chúa, 6 điều Hội thánh răn dạy, 7 mối tội đầu, khi vào lớp giáo lý. Cho nên, họ thường nghĩ: chẳng có gì để học thêm nữa, vào sau đó.

Có điều, là nhiều người chưa nhận ra được những gì cần nghĩ. Chừng như họ đang điếc. Bởi có điếc, họ mới không nói được. Không có gì để nói. Không có gì để sẻ san. Cuối cùng thì, thường tình ta gặp rất nhiều người nhà Đạo, có kỹ năng rất cao trong xã hội, nhưng lại thấp bé, về niềm tin. Đáng buồn hơn, vì không nhận thức, nên họ chậm lụt trong tự giác, để giúp người khác hiểu biết đôi điều về Đạo Chúa.

Trong khi đó, có nhiều người lại biết nghe. Nghe rất giỏi. Vì thế nên, mới hiểu biết hõ ý nghĩa con người của Đức Giêsu và Tin Mừng Ngài trong hoàn cảnh đổi thay, cuộc đời mình. Ở đây nữa, có những người nghe thì tốt, nhưng nói không nhiều. Và, sẻ san cũng chẳng bao nhiêu, cho người khác. Quả thật là, có điều trái nghịch là: ta nghe Lời Chúa cho nhiều, nhưng lại nói khá ít và nhất là san sẻ thì chẳng bao nhiêu.

Chúa vẫn bảo, không ai thắp đèn lên rồi đem giấu kín, nơi chìm khuất. Đèn chiếu sáng, là để người người được san sẻ, mà thấy đường. Vấn đề Tin Mừng đề cập, Lời Chúa được ban bố là để nghe và san sẻ, hầu thực hiện trong cuộc sống. Nghe đây, có nghĩa: lắng tai và thông đạt. Là,triển khai thông điệp thành của riêng cho mỗi người. Rồi thực hiện, trong cuộc sống. Bằng hành động.
Theo Phúc Âm hôm nay, dù Chúa có cản người lành bệnh đừng phổ biến, nhưng anh và mọi người cũng sẽ ra đi mà rao truyền sự kiện vừa xảy đến. Thật ra, người bệnh nào khi được chữa lành mà lại chẳng quảng bá sự lạ, anh được phước. Nay, anh nghe được mọi sự. Anh cũng sẽ, sẻ san với mọi người, phước lành anh nhận lãnh. Cả ta nữa, khi phấn kích về Tin Mừng của Chúa; phấn kích về kinh nghiệm sống có thị kiến, ta cũng làm hệt một việc như anh ấy, đã làm thôi.

Tựa như môn đồ Chúa ngày Lễ ngũ Tuần, nếu ta có kinh nghiệm sống đời tín hữu đích thực và sâu sắc, chứ không chỉ một mớ tín điều khô cứng, thì cả ta nữa, cũng sẽ phấn kích mà sẻ san với mọi người. Hệt vậy thôi.

Vấn đề là: từ lâu, ta vẫn nghĩ về đạo hạnh như là việc cá nhân/riêng rẽ giữa ta và Chúa: sống lành thánh/tốt đẹp, giữ mình ở mãi trong tình trạng nhận lãnh ân huệ Chúa ban, đi nhà thờ vào giờ nhất định và đón nhận ơn lành, nơi bí tích. Hệt như người giàu có trong Tin Mừng, anh giữ trọn đủ mọi điều răn dạy. Nhưng vẫn hỏi Chúa: tôi cần làm gì thêm nữa chăng? Và câu trả lời của Chúa, là: “Đúng. Hãy đem tất cả những gì anh có, cho người nghèo túng, có nhu cầu. Rồi đến mà theo tôi.

Hôm nay, ta nghe chăng lời răn dạy, tựa như thế? Ta có nghe những lời như thế, ở bài đọc? Làm sao, để ta có thể đối xử với những người khác nhau, trong xã hội? Dù là người lương thiện, ta thấy có nhiều lúc, nhiều lần, ta đối xử với mọi người, hệt như điều thánh Giacôbê nói: “Ta đối xử ra sao với bạn bè, những người tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, và người dưng khách lạ, nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, đến với ta?”

Còn một vấn nạn nữa; thái độ của ta đối với giàu sang, khó nghèo có khác biệt, không? Ai là người ta thực sự coi như giàu sang, đang giàu nổi? Ta đeo đuổi loại giàu sang phú quý nào đây? Có thật sự là ta chẳng kỳ thị tí nào, trong các địa hạt như: giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng/tôn giáo, giai cấp, nghề nghiệp…?

Trả lời cho câu hỏi nêu trên, sẽ thấy là ta thực sự biết nghe Lời của Chúa, hay không. Câu trả lời, còn cho thấy ta giao tế, tiếp xúc và xử thế với người khác bằng lời lẽ ra sao, bằng cử chỉ và hành động như thế nào.

Đúng thế. Đôi khi ta cũng là người câm, và điếc đặc. Đôi khi, ta để mất đi kỹ năng nghe và nói. Để mất đi, khả năng nhận ra tiếng của Chúa đang gọi ta thay đổi rất nhiều thứ. Cả xấu lẫn tốt, trong cuộc sống chung đụng với xã hội, người phàm. Chúa vẫn lớn tiếng với ta ngang qua những gì xảy đến trên báo chí/truyền thông, hệ truyền hình. Khi nhìn cảnh tượng nào không thích, mình có thể hoặc thường nói: Ấy ấy, sao thế kià; hoặc: Ơ kìa, thế giới nay đi về đâu thế hả? Và thế là, ta đổi hệ, không xem nữa. Chuyển hệ nào mình thích, chứ không cần biết chuyện gì đang xảy ra.

Vào Tiệc hôm nay, ta nguyện cầu cho được quà tặng biết lắng nghe. Nghe và biết, tiếng gọi của Đức Chúa đang kêu mời ta trong mọi chuyện xảy đến, rất hôm nay. Cầu mong sao, quà tặng được nghe và nói, để được tràn đầy kinh nghiệm giải thoát, mà biết Chúa. Biết rằng, ta không thể dừng lại, chẳng sẻ san kinh nghiệm ta nhận lãnh, với người chung quanh. Nói tóm, sẻ san mọi sự và mọi chuyện, là việc cần thiết cho ta. Lúc này.

Trong tinh thần đó, ta cứ hăng say phấn kích mà vui hát. Hát rằng:

“Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây đứng khóc trên sông nước này
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhặt hoa xin tạ chút ơn.” (Trần Quang Lộc –Về đây nghe em)

Về đây, nghe em. Về đây, em nghe. Nghe, Lời Chúa nói. Xem, việc Chúa làm. Để sẻ san, những gì mình có. Để ghi tạc, “lời tim muốn nói”, với muôn người. Nói lời yêu thương giùm giúp, hết mọi người.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 23 August 2009

“Hoàng hôn nghe một mình”
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh.
dẫn từ thơ Quang Dũng)

Những nào, linh hồn nhỏ. Đi về, chân núi xanh. Có chiều về chầm chậm. Nghe hoàng hôn tan vỡ, nhiều âm thanh. Âm thanh, là Lời Chúa nói với dân con/đồ đệ, có Pharisêu, ký lục cùng kinh sư, lanh chanh tranh luận. Về luật. Về truyền thống, những rửa tay.


Trình thuật thánh Máccô, nay ghi Lời Chúa nói về thái độ sống bề ngoài của kinh sư, ký lục cùng Pharisêu. Họ nghĩ, người mình trổi bật hơn đám dân ngoài Đạo. Nên, vẫn coi lề luật như niềm tự hào dân tộc, hệt như Môsê:“Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Thiên Chúa chúng ta, khi ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như toàn bộ lề luật tôi đưa ra trước mặt anh em, không?” (Đnl 4: 1-8)


Bằng lề luật, đám kinh sư/Biệt phái hy vọng dẫn dắt dân con đi Đạo sống đời sống khác biệt. Khác và hay hơn những người “ngoại Đạo”, ở cận bên. Nên, họ đặt nặng việc giữ luật như lệnh truyền từ Chúa. Tuy thế, thời của Chúa, lề luật đã trở thành duyên cớ cho nhiều sự kiến rối rắm xảy đến với đời thường. Đến độ, chỉ các chuyên gia mới dám biện giải các vấn đề phức tạp về luật, cho người dân.


Một trong các vấn đề thường nảy sinh, là lề luật thời của Chúa, không còn là bảng đường chỉ dẫn nhằm giúp đỡ dân con thương yêu phục vụ Chúa. Vì thế, tuân thủ luật lệ đã nên quan trọng hơn nội dung của lệ luật. Nghĩa là, họ không cần biết luật ấy nói gì, chỉ cần sống sao cho mọi người thấy, mình giữ luật. Thế thôi. Từ đó, người người không còn quan tâm đến tương quan với Chúa. Với người nữa, mà chỉ xét nét/rình rập người khác. Xét và rình, để xem họ có giữ luật Môsê, như mình hay không, thôi.


Thái độ ấy, ăn sâu vào tâm não người đi Đạo, đến hôm nay. Hôm nay, phần lớn lỗi lầm ta xưng thú, lại được xét theo chỉ tiêu không giữ luật. Có người còn cho rằng: nổi nóng, mất kiên nhẫn. Hoặc, lười biếng, không đọc kinh/đi lễ, quên rước Chúa vào lòng, mới là tội. Chẳng cần xét xem lâu nay mình có lưu tâm đến người khác. Chẳng cần biết người khác có khổ sở, nhục nhã vì mình hay không, thôi.


Như Chúa nói, nhiều luật được kê trong Cựu Ước là do con người viết. Luật ấy chẳng đề cập chuyện yêu thương/kính sợ Chúa. Các luật ấy chỉ thuận theo đòi hỏi của xã hội thời ấy, thế thôi. Lề luật ấy chỉ giúp người có quyền tiếp tục khống chế kẻ thấp cổ bé họng. Chỉ cốt cho thấy người giữ luật biết mình đang ở vị thế nào, trong xã hội.


Nói cách khác, nếu sống như thế vào thời buổi này, người giữ luật chỉ cốt được khen: mình là người Công giáo tốt. Chúa nhật nào cũng đi lễ, đọc kinh lần hạt, rất đều. Khi chết, chắc chắn sẽ lên thiên đàng, thẳng cánh. Chẳng cần biết, đến nhà thờ ta nghĩ gì? làm gì? Có quan hệ tốt với người chung quanh không? Quan hệ, sau buổi lễ. Quan hệ, trong đời thường.


Trình thuật nay cho thấy: có sự khác biệt về quan niệm giữ luật, giữa Đức Giêsu và nhóm Biệt phái, như đã viết:“Sao môn đệ ông không theo truyền thống tiền nhân, cứ để tay dơ khi dùng bữa?” (Mc 7: 5) Và, điều thánh sử hôm nay ghi lại, phản ánh tình cảnh của cộng đoàn tiên khởi, vẫn từng gặp. Các tân tòng nhập Đạo, có vị là Do Thái, có vị trước kia thuộc dân ở ngoài. Vì quen ở ngoài, các vị này ít theo tập tục Do Thái. Chính vì thế, người toàn tòng Do thái mới bất đồng về lới sống đạo, của họ.


Xem thế, chủ đích của trình thuật là đặt tập tục của người Do thái vào đúng vị trí thời gian và không gian. Rửa tay trước khi ăn, vốn là biện pháp ngừa bệnh rất bén nhạy. Qui định này, mục đích ban đầu chỉ để giúp người dân giữ vệ sinh. Giúp phân định thức ăn nào “sạch”,¸thứ nào dơ. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều thứ ăn vào, tạo hiểm nguy. Như để tay dơ bẩn khi ăn, sẽ gây bệnh. Từ đó, họ kết luận: không giữ được vệ sinh, làm sao giữ được luật Đạo.


Đức Giêsu không công kích các động thái phòng ngừa ấy. Điều, Ngài bác bỏ, là: giới chức Do thái quá đặt nặng sự việc, không cân xứng. Quá chú trọng những điều không cần thiết. Để rồi, quên đi việc chính yếu, là: yêu thương/tôn kính Chúa. Quên chăm nom giùm giúp người đồng loại. Đây, là lý do khiến thánh Phanxicô Át-xi vứt bỏ mọi thận trọng, để chú trọng mỗi việc thương yêu người nghèo hèn.

Chúa không đả kích việc người Do Thái chi ly áp dụng luật. Ngài chỉ muốn trích dẫn lời ngôn sứ Isaya:“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta cũng vô ích. Vì giáo lý chúng dạy, chỉ là giới lệnh của phàm nhân.” Lời lẽ trên, không trực tiếp chỉ nhắm vào Biệt Phái thôi, mà cả các thành viên cộng đoàn tín hữu khi xưa, nữa. Tức, nhắm vào những người ngày hôm nay vẫn chủ trương thi hành luật chỉ vì luật, trong cộng đoàn.


Nếu cứ chủ trương thi hành luật lệ/truyền thống cách triệt để, sẽ không tránh khỏi xung khắc đang rõ ràng xuất hiện với thế giới hiện đại. Xuất hiện cả trong gia đình. Cộng đồng. Ban ngành. Đoàn thể. Quá cứng ngắc trong thi hành luật lệ, dù là luật hội thánh, ra sẽ thấy xảy ra những là: ghét ghen. Bạo lực. Ở nhiều nơi. Và, chủ trương gắt gao thi hành luật lệ đã tước bỏ niềm tin tôn giáo, ta cần có.


Lời Chúa là một cảnh tỉnh gửi đến cho ta, trong xã hội đa văn hoá/sắc tộc, hiện giờ. Thời buổi này, ta chế ra được nhiều thứ, từ kỹ thuật cao đến y khoa hiện đại, nhưng chẳng thay đổi được những gì xảy ra khi xưa, thời của Chúa. Tức, sống Đạo mà vẫn chịu ảnh hưởng từ cảm xúc uỷ mị. Bề ngoài.


Về uế tạp, Chúa nói rõ: uế tạp, không do thực phẩm ta đưa vào miệng. Mà, do những gì xuất phát từ con tim. Sản phẩm uế tạp của tim, như: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, xảo trá, ác độc. Cả đến: phỉ báng, ngông cuồng, tự cao tự đại. Nhất nhất, đều trực tiếp xung khắc mối tương quan êm đềm với Chúa. Với mọi người. Rửa tay thôi, cũng chẳng thể nào thay đổi xung khắc, uý kỵ ấy.

Bài đọc 2, thánh Giacôbê nói rõ:“Mọi ơn lành và phúc lộc hoàn hảo đều từ trên tuôn xuống. Từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú.” (Gc 1: 17). Quả thật, Lời Chúa mang đến cho ta, tất cả mọi ơn lành/phước lộc, hoàn hảo ấy. Và, thánh nhân thêm:“Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo trong lòng anh em…Hãy đem Lời ra mà thực hành, đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1: 21)


Đạo Chúa, không là mớ kiến thức chỉ chú trọng đến luật lệ, giới răn. Đạo Chúa, cũng chẳng quan tâm đến các thắc mắc của những người bối rối, chuyên hỏi han:làm thế có tội không? Tội trọng hay tội nhẹ? Có mất linh hồn không? Giữ Đạo như thế, chỉ la lo mỗi hai chuyện: tóm bắt mọi sự cho mình mình, và chỉ lo tránh thoát mặc cảm sợ tội. Tức, chỉ nghĩ chuyện tiêu cực. Chẳng lo sống tích cực.


Thực chất vấn đề, không phải thế. Điều, ta cần quan tâm hơn cả, là tự hỏi:“Việc tôi đang làm có mang ý nghĩa một hành động yêu thương, không? Thực ra, chẳng nơi nào lại có luật lệ, như thế. Với người Công giáo, bất cứ lời nói nào, hành động nào không vì tình thương yêu người đồng loại, đều không phải là lời nói và hành động phải lẽ, của tín hữu Đức Kitô. Của, một Kitô khác. Cũng chẳng là hành vi hợp với luân thường đạo lý, của con người.


Ta có thể chi li giữ đúng luật, như người Biệt Phái. Nhưng làm thế, dễ xa dần tinh thần của Tin Mừng. Dễ đi xa ý định của Chúa. Khi giữ luật, cần thiết nhất là cứu linh hồn mình, trước đã. Cần, đặt mình trong tình trạng giúp mình tiếp tục nhận lãnh ân huệ Chúa phú ban. Khi sống chung, làm việc chung với nhau, ở đâu cũng cần luật lệ. Nhưng lề luật được lập ra, là để ta dễ sống, thế thôi. Một khi ta để lề luật ra lệnh cho ta làm điều này/việc nọ, khi đó ta đã rơi vào cảnh tình người nô lệ. Đi sai mục đích sống. Vì thế, người xưa vẫn có câu: Luật lệ đặt ra là để phá bỏ.


Suy cho cùng, nên nhận thức xem mình đã thương yêu/phục vụ Chúa chưa? Thương yêu, đến mức độ nào? Để được thế, cần sống trung thực. Lương thiện. Và, tự do. Tự do chọn lựa những gì tốt đẹp. Tự do, trong yêu thương/giùm giúp. Tin Mừng không là lề luật đặt ra cho bất cứ ai. Tin Mừng chỉ đưa ra thị kiến sống để ta đích thực sống vì Chúa. Vì mọi người. Tin Mừng đặt nặng tương quan giữa mọi người. Tương quan yêu thương. Giùm giúp.


Ngày hôm nay, ta có nhiều cơ hội để yêu thương/phục vụ Chúa, trong tình huống khác nhau. Thành thử, thay vì hỏi: làm thế có tội không? hãy nên hỏi: “Làm cách nào để ta trở thành người biết yêu thương, giùm giúp hết mọi người. Lúc này.” Đó mới là điều quan trọng. Trong đời.

Trong hăng say kiếm tìm đường hướng yêu thương/phục vụ Chúa, và mọi người, ta hãy hát:


“Cho tôi được một lần, nhìn hoa giăng đầu ngõ

Một lần cài hoa đỏ lên tim. Một lần dìu em sang nhà mới

Tình yêu trong tầm với, ngọt tiếng nói thơm hơi.” (Bảo Thu – Cho tôi được một lần)


Một lần, được yêu thương/giùm giúp người đồng loại. Không là, lần thoát cảnh phạm luật. Mắc tội. Để, “đi về chân núi xanh”. Có em và có anh. Người trong cộng đoàn Nước Trời. Thân thương. Trìu mến. Luôn có Chúa.


______Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 16 August 2009

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”

Em khi nào tự hỏi?
ý niệm của bình yên?

(dẫn từ thơ Du Sĩ)

Ga 6: 60-69

Chọn lựa ở đời, nguyên vẹn hay không vẹn nguyên, em đâu cần hội ý. Ý niệm về bình yên, Về hạnh phúc. Đó, mới là điều cả anh lẫn em, cần tìm hiểu. Tìm và hiểu, như Lời Chúa nói, để mà tin. Điều ta tin, là do Thần Khí Chúa mang đến, như trình thuật từng diễn tả.

Trình thuật thánh Gio-an nay diễn lộ về một chọn lựa gai góc nhất đặt ra cho môn đệ. Chọn lựa gai góc, vì tương phản bối cảnh ở thôn làng She-chem, có nói ở cuối sách Giô-suê, bài đọc 1.

Giô-suê kêu gọi mọi người, từ kỳ mục/thủ lãnh, cho đến thẩm phán/ký lục, hãy chọn lựa. Chọn, phục vụ Gia-Vê Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa họ khỏi Ai Cập, để đến miền đất ổn định. Hoặc lựa, thừa nhận thần linh của người E-mô-ri, Do Thái từng chiếm đất. Chọn Gia-Vê Thiên Chúa, hầu lập Giao ước với Ngài. Giao ước, mà Môsê và tiên tổ từng xác chứng.

“Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”, ý nói: giống như Lời Ngài nói trước đây:“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6: 53), lời này tỏ cho thấy: người nghe khi ấy, chỉ hiểu Lời, theo nghĩa đen.

Lời hôm ấy, Chúa muốn ta đón nhận nguyên vẹn con người của Ngài, không e dè. Vô điều kiện. Đón nhận tất cả về Ngài, từ cuộc sống, đến tư tưởng. Giá trị. Tầm nhìn cuộc đời, nay trở thành của riêng ta. Và trên hết, là đồng hoá với Ngài, qua hiến trọn Mình và Máu Ngài, ở thập giá. Biểu trưng cho tình yêu không nói nên lời, đối với ta.

Nơi Tiệc thánh, ta biết mình kết hợp/hiệp thông, chấp nhận mọi thử thách. Nhất quyết nên một, với Ngài. Bởi, nếu chỉ để Ngài đến với ta thôi, vẫn chưa đủ. Còn phải bước vào hành trình, đến với Ngài. Và, ở cùng Ngài, nữa. Thành thử, khi thừa tác viên trao Bánh thánh và nói: Mình Thánh Chúa Kitô, ta thưa: “Amen”, tức: ta không chỉ tin rằng, quả là Ngài đang hiện diện với ta, mà thôi. Thưa Amen, còn có nghĩa: ta quyết xả thân trọn vẹn cho Đức Chúa. Cho, cộng đoàn tình thương mà ta là thành viên, trong đó.

Lời Chúa tiếp, thoạt nghe, ta cứ tưởng là lời vặn vẹo, khó hiểu. “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng ích gì.” Lời Chúa đây, là Thần Khí. Là, Lời đem sự sống. Bởi, khi nghe về Mình và Máu thánh của Ngài, là ta nghe bằng cơ phận xác thịt, bằng đôi tai. Và, chỉ khi nào ta nghe Lời Chúa bằng thần khí, khi ấy ta mới hiểu rõ ý nghĩa đích thực. Ý nghĩa ấy, là: Lời đã nên xác phàm, thịt và máu. Có như thế, ta mới nắm bắt được nhu cầu cần hiểu. Từ chốn thâm sâu, đầy ý nghĩa.

Đồng hoá với Thần Khí Chúa bằng thị kiến, là cách để ta đưa Lời vào đời mình. Lời, mang tính thách thức. Và thách thức này, khi xưa, đồ đệ Chúa chưa sẵn sàng để đối đầu. Lý do, vì: “Trong anh em, có những kẻ không tin.” (Ga 6: 64)

Bằng vào niềm tin vô điều kiện vào Đức Chúa, có thế ta mới thấu hiểu lý lẽ sâu sắc, nằm bên trong. Đích thị là Lời của Chúa. Việc này đòi ta phải mở rộng tâm trí, hầu sẵn sàng nhận lãnh ngay ở đó. Chứ không phải, là những gì ta muốn đặt vào ở đó. Đây, còn là quà tặng của chính Chúa: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến được với Thầy, nếu Cha không ban ơn ấy cho.” (Ga 6: 65)

Ngõ hầu chứng minh điều Chúa nói là Sự thật, tác giả Tin Mừng thêm lời giải thích: “Chính vì thế, nên nhiều môn đệ đã rút lui. Không đi theo Ngài nữa.”(Ga 6: 66) Cụm từ “rút lui” đây, bày tỏ một nỗi buồn. Rút và lui, là về với cõi đời tăm tối, thuở trước. Rút và lui như thế, các vị không còn sẻ san sự sống. San sẻ ánh sáng, Ngài toả rạng. Nỗi buồn không tên này, xảy đến với nhiều người. Với, bất cứ ai trong chúng ta. Ở đây. Lúc này. Như, từng xảy đến với Giu-đa. Với cả Phêrô thánh nhân, nữa.

Cũng từ đó, Chúa hướng về nhóm Mười Hai, bằng những lời ra như thách đố:“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”(Ga 6: 67) Và khi ấy, thánh Phêrô đã đại diện cho mọi người, bèn đối đápi: “Thưa Thầy, chúng tôi bỏ đi theo ai đây? Chỉ Thầy, mới có những Lời đem lại sự sống đời đời. Và chúng tôi những tin cùng nhận biết: Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6: 68)

Đến với ai đây, có lẽ là thái độ của chúng ta, lúc sầu buồn. Khốn khó. Lúc, ta những muốn nói lời từ bỏ. Bỏ, cả Hội thánh. Lúc, ta có cảm nghiệm về những nghi nan. Hết tin tưởng. Có thể là, ta cũng gặp tình trạng ấy. Đau buồn. Khốn khổ. Hữu lý. Những lý do, tựa như:

-ít biết niềm tin của Kitô-hữa. Không rõ sứ điệp của Tin Mừng, nên cứ luẩn quẩn, loanh quanh.

-chứng kiến hành xử tiêu cực/tai tiếng từ các kẻ tin, như linh mục, thừa tác viên phục vụ Chúa.

-xung khắc/đố kỵ các tín hữu Công giáo, người Đạo Chúa.

-bị cuốn hút về với thế giới quyền uy, không thích nghi với tầm nhìn của người đi Đạo.

-chọn gia nhập Đạo khác. Tôn giáo khác.

Gặp cảnh trên, hãy cứ tin rằng: dù khó khăn hoặc có nghi vấn mấy đi nữa, ta vẫn không thể tìm ra con đường nào khác hay hơn đường Chúa dạy. Đường Chúa dạy, không vì tai tiếng của người đời, mà thành xấu. Ta vẫn nhận ra có khác biệt giữa thực chất của thị kiến sống động Chúa ban, với những gì bê tha/chộn rộn mà người theo Chúa đang làm, trong lầm lẫn.

Tin, không là điều được ban cho. Cũng không là mớ ý tưởng ta dính liền vào đó. Mà, là tương quan sống động với Đấng mình tin. Tương quan, với thị kiến sống, của Ngài. Tương quan sống động cần tăng trưởng. Khắc sâu. Với tháng ngày dài, ta từng trải. Tương quan không ngừng được xác định qua cung cách. Ở thế giới, luôn đổi thay. Là người Công giáo thế kỷ 21, đòi hỏi ta có lối sống khác biệt với lối xử sự của những người sống vào thập niên năm mươi. Bẩy mươi.

Bài đọc 2, cũng cho thấy điều đó, rõ như ban ngày. Ai cổ võ phong trào “phụ nữ đòi quyền sống”, hẳn sẽ không hài lòng với điều mà thánh Phaolô nói đến hôn nhân và về người vợ, ở đoạn trích. Thật ra, không thể bãi bỏ/đổi thay đoạn trích dẫn lá thư mang nhiều ý tưởng đẹp như thế. Nhưng, điều cần là xem xét Lời Chúa và những gì thánh nhân nói đến, vẫn phản ánh tư thế người tính hữu thuộc nam giới, thời bấy giờ. Mà thôi.

Song song với tương quan chồng vợ, là tương quan giữa Hội thánh và Đức Giêsu. Là những gì gói ghém trọn vẹn ý nghĩa, của Lời Chúa. Có lẽ, ta thấy được cái khó của người vợ, cứ phải tùng phục chồng trong nhiều việc. Nhưng, đó là chuyện tùng phục của tình thương, chứ không phải là tùng phục của hệ cấp trên/dưới. Và, thánh nhân cũng đòi người chồng biết tùng phục, hệt như thế. “Hãy yêu thương vợ, như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì người mình yêu.” (Êp 5: 25)

Là chồng, ta phải thương vợ “như yêu chính mình”. Tức, hai người tạo cùng mức độ chăm só người phối ngẫu, như chính mình. Đây, là khế ước hai chiều. Hỗ tương. Rất quyết tâm. Sâu sắc. Tuyệt nhiên, ở đây không dành chỗ cho sự lấn át, hoặc thống trị. Từ bên nào.

Thái độ bỏ Chúa, bỏ Lời Chúa ở đây, là do người đọc hiểu trích đoạn theo nghĩa đen, nên dễ để mất mối tương quan, ta cần có. Bởi, Lời Chúa không thay đổi. Trong khi đó, cung cách người người chung sống, đã đổi thay theo cấp số lớn lao, tuỳ thuộc thế giới. Tức, đổi cả con người.

Nhiều tín hữu, đã vật lộn với tình cảnh khó khăn về niềm tin. Trong đời. Khó, là việc “chẳng đặng đừng” xảy đến, rất cần ngõ hầu niềm tin vào Chúa, được trưởng thành. Trưởng thành, qua nhiều giai đoạn, cuộc đời. Mỗi giai đoạn, là lúc ta nhớ lại lời đáp trả của thánh Phêrô, khi xưa:”Thưa Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai đây?” Cả khi nghi vấn, nhiều người vẫn nhận ra rằng, dù có bỏ qua Lời đề nghị của Chúa ở Tin Mừng để theo thị kiến khác, đã chắc gì điều ấy sẽ tốt hơn.

Điều mình muốn và cần, để cuộc sống có ý nghĩa, nhiều khi không dễ gì thuyết phục được chính ta. Có lúc chợt đến những là: hãi sợ, giận hờn, phẫn uất. Vào những lúc đó, chỉ có tình thương yêu nồng nàn mới giúp ta trở về với con đường mình đã chọn. Đó là lúc, Lời Chúa lại về, rất ý nghĩa: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được THẤY Chúa.” (Mt 5: 7).

Có nhiều thị kiến về sự sống, như: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo. Tôn giáo ấy, cũng đưa con người lên tầm mức hiệp thông với Chúa. Nhưng, một khi ta thuận đi theo Chúa. Chấp nhận thị kiến cùng Chúa, có Chúa, ta sẽ cứ thế mà theo cung cách tự mình đã thuyết phục.

Trong tâm tình tự mình thuyết phục, bằng thị kiến sống, ta hân hoan hát lên niềm vui sướng:

“Hãy vui lên bạn ơi, đời tuy đắng cay như cuộc tình nửa vời.

Tim tuy chán chê lòng người nhưng cố vui, dù sao hãy cười bạn ơi!” (Lê Hựu Hà-Hãy vui lên)

Hãy vui lên, và vui mãi. Dù chán chê lòng người. Dù đời mình chọn lựa, có khi không nguyên vẹn. Và, ý niệm của bình yên, vẫn là như thế. Hãy cứ vui. Vui mãi. Vui hoài. Như Lời Chúa dạy ta vui.

______Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch. (xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 9 August 2009

“Tình đã đến, trong những ngày sát hại”

trong những ngày đồng loại hết dung nhau
trong những ngày ích kỷ lạnh như dao
cắt tàn nhẫn mọi tha-nhân-giềng-mối
người khó cưỡng ăn thịt người lúc đói
người nhân danh trong thời đại nhân danh!
dẫn từ thơ Nguyễn tất Nhiên)

Ga 6: 51-58

Ở đời thường, ngày sát hại, vẫn có cảnh người ăn thịt người, vào lúc đói. Có những lúc, đồng loại hết dung nhau. Những ích kỷ lạnh như dao. Nơi nhà Đạo, ngày Chúa đến, là chuỗi ngày Chúa hiến tặng thân mình, để đồng loại biết dung nhau. Dung, như trình thuật xưa nay, đà diễn tả.

Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an diễn tả về tình Chúa yêu thương, thân tặng chính mình Ngài làm Bánh hiến, cho loài người. “Ăn thịt và uống máu Tôi, sẽ được sống muôn đời”. Điều Chúa nói, nay mang chiều kích mới: “Bánh Tôi ban, đích thật thịt Tôi đây, để thế gian được sống.” (Ga 6: 51)


Nghe lời Ngài, chúng dân nổi lên tranh cãi: “Làm sao ông lại có thể cho chúng ta ăn thịt ông, chứ?” (Ga 6: 52) Họ nói thế, vì đứng trên bình diện của người không tin. Và, cũng chẳng hiểu.


Sử Do Thái, là lịch sử có sắc thái khá bạo động. Hôm nay, người thời đại với nền văn hoá cao rộng, đều thấy “dị ứng” mỗi khi nghe nói về chuyện ăn thịt và uống máu vị diễn giả. Họ không hiểu nổi những chuyện như thế lại được Chúa chủ trương. Mặc dù thế, Chúa nói tiếp: “Thật, Tôi bảo thật: nếu không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6: 53).


Lời Chúa nói, ta nghe rất nhiều lần. Lần sau hết, là buổi Tạ Từ hôm ấy Chúa cầm bánh lên, và căn dặn: “Này là Mình Tôi, anh em hãy cầm lấy mà ăn.” Nghe như thế, nhưng người nghe nào đã bận tâm. Chẳng để ý. Vẫn cứ đặt tâm trạng của mình vào tình cảnh lần đầu, khi Chúa bảo:”Trừ khi các ông ăn thịt và uống máu Tôi”, hẳn người nghe như ta đều khựng lại. Mà suy tư. Rất sợ.


Vào độ trước, có cuốn phim tài liệu tường thuật chuyện những người gặp nạn trong chuyến bay rớt xuống dãy núi An-des ở Ác-hen-ti-na, so với thân phận người vượt biển trôi dạt ngoài hoang đảo. Khi ấy, người sống sót cứ phải xẻo thịt người chết, để ăn cho đỡ đói. Thử hỏi, trên đời này, có gì khó khăn/khổ sở hơn, khi phải làm những việc man rợ như thế, mà sống sót.


Ngoài chuyện kinh hoàng khi nghĩ đến việc phải ăn thịt người, dân tộc Do Thái còn khiếp đảm về máu. Một đằng, máu là cội nguồn tạo sự sống. Đằng khác, máu cũng là yếu tố lây lan bệnh tình, rất hiểm nguy. Dính vào máu, tự khắc thành ô uế, không thể gột. Cả đến mẹ hiền khi sinh con, cũng còn thấy mình dơ dáy, suốt nhiều ngày. Huống hồ, một ai.


Bởi thế nên, dân con người Do thái khi nghe Chúa khuyên hãy uống máu Ngài, họ thấy lợm giọng, hồ nghi là Chúa bị bệnh. Nhưng, dù sao đi nữa, rõ ràng là Chúa không nói mọi người hãy uống máu Ngài, hiểu theo nghĩa đen. Vậy thì, Ngài có ý gì, khi nói như thế? Để trả lời, có nhà chú giải cho rằng Chúa nói thế là nói về việc rước Chúa vào lòng, trong thánh lễ. Nhưng thật sự, ý nghĩa Lời Ngài, còn sâu sắc hơn.


Ăn thịt và uống máu Ngài, là: trở nên đồng hoá một cách trọn vẹn với Ngài. Với tình thâm sâu. Có thị kiến cuộc đời, Ngài đã sống. Đồng hoá, với các giá trị Ngài đề ra. Là, trọng trách dựng xây Nước Trời. Và, nhiều thứ nữa. Nhưng trên hết, Mình Máu Ngài là thành phần của cơ thể Ngài đã trọn vẹn hiến tặng, bằng sự khổ nhục và nỗi chết.


Đây là phương thức viết lịch sử thánh, theo khuôn mẫu Tin Mừng Nhất Lãm:“Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mà đi theo. Quả thế, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì người ấy sẽ tìm được mạng sống.” (Mt 16: 24-25)

Ở đây cũng thế, Đức Giêsu kêu mời mọi người dấn bước theo chân Ngài. Theo Ngài, để sẻ san thân phận và sứ vụ Ngài thực hiện. Cách trọn vẹn. Không một điều kiện. Theo Ngài, không có nghĩa là tránh thoát mọi hành hình bách hại, dành sẵn cho dân con/đồ đệ. Cho người dám xả thân cho Chúa. Thánh Y Nhã, thành An-ti-ô-ka từng khẳng định:“Tôi muốn ăn Bánh Chúa, là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu và uống máu Ngài, là tình yêu không bao giờ cạn.”


Bài đọc 1, sách Cách Ngôn đã nhân-cách-hoá tình yêu ở trên, bằng việc xây nhà trên 7 cây cột. Và, việc chuẩn bị tiệc rượu đầy thức ăn. Việc chủ nhân sai người nữ tỳ ra đi kêu gọi người ngây thơ, khờ dại:“Hãy đến mà ăn bánh của ta; và uống rượu do ta pha chế. Hãy trút bỏ ngây ngô, mà Sống và bước thẳng trên đường hiểu biết.” (Cn 9: 5-6)


Trình thuật hôm nay, ta nghe biết Chúa nuôi ăn hơn 5,000 người toàn những bánh và cá, là muốn nói về bánh thánh và Mình Máu Chúa nối kết buổi Tạ Từ, tiệc Lòng Mến. Tiệc Thánh Thể. Vào khi chia tay, Chúa kết nối Thân Mình Ngài vào với bánh hình Ngài bẻ ra, hầu san sẻ với dân con/đồ đệ. Ngài nối kết rượu vào Máu Ngài đã đổ ra, qua chén đắng cứu chuộc Ngài chuyển đến với từng người tham dự. Máu Ngài, là bảo chứng thực sự cho Giao ước Ngài thiết lập với dân con: “Này là mình Ta… Và này là Máu Ta, sẽ đổ ra vì các ngươi. “(Lc 22:20)


Bánh thánh ta nhận lãnh trong Tiệc Thánh Thể, là Thân Mình Chúa Phục Sinh. Rượu thánh, ta uống ở Tiệc Lòng Mến, là Máu Đức Kitô đã sống lại. Khi lĩnh nhận Mình và Máu thánh Chúa, đích thực ta tỏ bày niềm khát khao đồng hoá với Chúa. Chọn Đường Chúa đi. Nhận lãnh sứ vụ dựng xây Nước Trời, cho mọi người. Và, trong nhiều trường hợp, ta còn xả thân vì Chúa. Vì Tin Mừng.


Làm thế, ta không làm theo tư cách cá nhân đến với Thừa tác viên mà đón Chúa. Nhưng, là làm qua tư cách cộng đoàn đến bàn thánh để sẻ san Mình và Máu Chúa, bản thân ta.


Đặt Mình Chúa trong tay đưa vào miệng, rồi thưa “Amen”, là chấp nhận sứ điệp Tin Mừng, cách trọn vẹn. Chấp nhận vinh quang cũng như đổ vỡ. Niềm vui, cũng như nỗi buồn khi dấn bước theo chân Ngài. Cùng Ngài. Bất chấp hệ luỵ tiếp diễn theo sau, coi đó là việc thiết yếu dựng xây Nước Trời. Về với thế giới, ta được gọi để phục vụ. Cụm từ “Amen” gồm tóm rất nhiều ý nghĩa. Đẹp như thế.


Lĩnh nhận Mình Máu Chúa, để rồi sẽ ra đi về với thế giới. Ra đi, giáp mặt cùng lúc, 3 thực tại:

-đồng hoá với con người và sứ vụ của Chúa;


-cam kết cùng với Chúa chấp nhận mọi khổ nhục và nỗi chết, giống như Ngài;

-khẳng định điều này mỗi tuần, ngày của Chúa. Ở bàn tiệc.


Bài đọc 2, thánh Phaolô thôi thúc ta “đừng sống như kẻ ngây ngô dại khờ, nhưng như những người khôn ngoan.” Bởi, một khi tràn đầy Mình Máu Chúa, ta cũng có đầy tràn sự khôn ngoan. Khôn ngoan, để biết ý Chúa mà dành để cho cảnh tình cuộc đời, của chính ta. Khôn ngoan, để biết: đâu là giá trị đích thật, trong cuộc sống. Khôn ngoan, để biết cách sống một đời đầy năng động. Sống để biết rằng: chỉ có sự cao cả đích thật ta cần đeo đuổi, đó là sự khôn ngoan, do Chúa ban, mà thôi.


Ở cuối thư của thánh Phaolô, ta cũng thấy dẫy đầy lời khôn ngoan đích thật, khiến việc tụ tập ngày của Chúa, có ý nghĩa:“Hãy cùng nhau đối đáp lời ca, lời vãn của Thần Khí. Hãy xướng ca tụng niệm kính Chúa hết lòng anh em. Mọi thời, vì mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, mà cảm tạ Thiên Chúa, và là Cha.” (Êp 5: 19-20)

Trong tinh thần cảm kích Lời Chúa hôm nay, ta sẽ hát lên lời ca đầy ý nghĩa:

“Hương thơm ngát đồng xanh

Ta sống yên vui trên mảnh đất lành

Đêm đêm ngắm trời xa

Tình quê thấy lòng nở hoa.” (Hoàng Trọng – Đẹp giấc mơ hoa)


Sống vui, không chỉ là sống trên đất lành, lòng nở hoa. Mà còn là, sống theo Lời Chúa dạy. Thuận theo Lời Ngài, người người sẽ biết “dung nhau”. Biết, thương yêu đùm bọc, lẫn nhau. Trong mọi ngày. Ân tình. Hiền hoà. Lòng nở hoa.


______Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn dịch


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 2 August 2009

“Ai cũng có, một đôi lần bước hụt”


Ta cũng biết, nên cắm đầu đi tiếp
Để sau lưng, lẫn lộn những vui buồn”

(thơ Võ Thị Quỳnh)

Ga 6:41-51

Bước hụt và đi tiếp, không chỉ riêng em mới biết, trên đường đời. Buớc hụt hẫng, nhưng cứ đi. Đi, để cùng với người anh/người chị, ta nghe Chúa giảng về Bánh Sự Sống, như trình thuật đà ghi lại.

Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an ghi lại Lời Chúa nói về Bánh Sự Sống. Đây, là một trong sáu chương Tin Mừng mà thánh sử diễn giải về thiên tính Đức Giêsu. Với đầu óc bình thường, quả thật khó hiểu. Vì thế, khi nghe Chúa nói Ngài là Bánh Sự Sống từ trời, dân chúng phản bác ngay câu ‘từ trời xuống’. Cũng giống như dân thành Nadarét, họ xầm xì: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Cha mẹ ông, ta đều biết cả, sao ông lại nói: ‘Tôi từ trời xuống’?

Họ nói đúng. Về tính “người”, Chúa chỉ là bác thợ hiền, miền Galilê. Nhưng, về thiên tính, Chúa nhập thể và nhập thể, chấp nhận sống giữa họ, nào ai biết. Ta cũng thế. Có thực là, ta hiểu biết điều gì về Đức Giêsu, không? Hay, ta chỉ sống với những ảnh hình “thánh thiêng”, tràn lan nơi thị trường sách vở/báo chí, giáo lý/sách phần. Ở đâu đó?

Chúa vẫn nói:“Chẳng ai đến được với tôi, Nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy.” (Ga 6: 44) Nhưng, làm sao ta được Cha “lôi kéo”, để hiểu? Bằng vào nghe tiếng của Cha, chăng? Hoặc, bằng việc học hỏi Lời Chúa? Đích thực là thế. Học hỏi về Cha, là thực hành nghe biết và tin vào thông điệp, Chúa tặng ban. Ngài nói:“Không ai thấy được Cha” ngoại trừ có Ngài. Quả có thế. Nhờ có Ngài, ta mới được học hỏi và “lôi kéo” từ Chúa Cha. Bởi, chính Ngài là Đấng Diễn Giải về Chúa Cha. Rất trung thực.

Cũng như thế. Về sự sống đời đời, ta có thể rút kinh nghiệm sống. Ở đây. Bây giờ. Và, sự sống vĩnh cửu sẽ đến, khi ta cương quyết sống đời trọn vẹn. Sống, vô điều kiện cho Chúa. Vì, Đức Giêsu. Sống theo cung cách Ngài chỉ vẽ:“Ai tin (trọn vẹn vào Lời), sẽ được sống đời đời.” (Ga 6: 47)

Một lần nữa, Chúa nói:“Tôi là Bánh Hằng Sống”(Ga 6: 48). Và, tiếp nối điều Ngài khẳng định ngay từ đầu, Chúa tiếp tục:“Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.” (Ga 6: 49). Nhưng Bánh Cha ban, là thức ăn có từ trời. Từ Giavê Thiên Chúa. Ai ăn Bánh này, sẽ không chết. Ai ăn Bánh này, sẽ sống đời đời. Và sự sống ấy, bắt đầu từ đây. Ngay bây giờ.

Vậy, Bánh ấy là bánh gì?

“chính thịt Tôi đây, để thế gian được sống." (Ga 6: 51) Lời này, Chúa nói trước cả vào Tiệc Tạ Từ, lúc Ngài cầm Bánh lên, rồi nói:“Đây là mình Thầy, sẽ hiến tế vì anh em.” (Lc 23:19). Chính Lời này, đã loan báo trước về sự hy sinh Thân Mình Đức Giêsu. Hy sinh thân xác Ngài, ngang qua cuộc khổ hình và nỗi. Một cái chết rất ô nhục. Cuộc thống khổ, rất đớn đau. Hạ nhục.

Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, cũng có nói: ngang qua Thân Mình Ngài, Đức Giêsu “đã hy sinh Thân Mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Ngài đã thiết lập hoà bình; đã tác tạo thành một người mới duy nhất, nơi bản thể của Người. (Êp 2: 14-16).

Trên thực tế, điều này có nghĩa rằng: trước nhất, bí kíp của cuộc sống hạnh phúc đầy tràn, là nơi cung cách Đức Giêsu đã đề nghị. Là, Bánh Hằng Sống Chúa phú ban từ Cha, đã được tóm gọn duy nhất bằng cụm từ: “Thương yêu”.

Tựa như thánh Phaolô có lần đã nói với cộng đoàn dân Chúa, ở Côrinthô rằng: tôi có thể sống đời đạo đức cách toàn hảo, giữ đúng mọi giới luật. Tôi cũng có thể nói được ngôn ngữ của thiên thần, có thể hy sinh cả tính mạng của mình đi nữa, nhưng nếu không vì lòng mến, thì tất cả đều ra hư luống.

Cuộc đời Đức Giêsu: giảng dạy, chữa lành tật bệnh, giải thoát các linh hồn bị bức bách/hành hạ, vẫn là cuộc sống có yêu thương. Có hiệp nhất. Khổ hình Chúa chịu, và nỗi chết Ngài nhận lĩnh, là dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa, đối với ta.

Tiệc thánh Lòng mến ta tham dự và sẻ san mỗi Chủ Nhật, là tuyên ngôn ta cam kết. Quyết sống một cuộc sống chỉ dựa trên Tình thương, mà thôi. Vì thế, mỗi khi bước về phía bàn thờ mà lòng còn ghét ghen. Hờn căm. Đố kỵ. Như thế là ta đã vi phạm điều mà mọi người vẫn gọi, là: phạm thượng. Phạm thánh. Cung xúc tu sỉ.

Bài đọc 2 hôm nay, là lời lẽ yêu thương thánh Phaolô đã gửi về cộng đoàn dân Chúa, ở Êphêsô, trong đó thánh nhân có viết:“Anh chị em, ta chớ làm phiền lòng Chúa Thánh Thần.” Không phải Thiên Chúa hoặc Đức Giêsu hoặc Chúa Thánh Thần là Đấng đã nổi giận vì những gì ta làm. Nhưng, có điều chắc chắn, là: thánh ý Chúa được Đức Giêsu diễn tả và đặt nơi ta, là qua Chúa Thánh Thần. Có qua Ngài, cuộc sống của ta mới dấy tràn tình yêu thương. Hiền hoà. Lành thánh.

Và, thánh nhân còn căn dặn: “Anh chị em, ta phải đối xử tốt với nhau, có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị em, trong Đức Ki-tô.” (Êp 4: 31-32)

Nói như thánh Phaolô, thì: chỉ khi nào ta sống có tình thương yêu đùm bọc, tha thứ cho nhau. Hoà hợp. Sống tự do. Không gò bó, bởi bạo lực; nhưng, biết chăm sócnhau cho trọn vẹn, thì khi ấy, ta mới nói được, là: mình đã ăn Bánh Sự Sống. Của Đức Chúa.

Khi những thứ ấy trở thành mẫu mực cho cuộc sống của riêng ta, đó mới là chứng cứ hùng hồn xác định là ta đã ăn. Và, đã biến đổi. Nhờ Bánh Sự Sống. Của Đức Chúa. Hệt như bài đọc 2, hôm nay đã khuyến khích:“Anh chị em, hãy bắt chước Thiên Chúa (mà sống)”. Sống, bằng cách:

Sống yêu thương, theo cung cách Chúa làm. Là: thí mạng sống vì người mình thương;

Thương yêu nhau, như Thầy đã thương yêu anh em;

Và, bằng vào dấu này, mọi người biết anh em là môn đệ Thày, là anh em yêu thương nhau.

Vì thế, việc cử hành Tiệc Thánh thực sự phải là kinh nghiệm sống, giúp ta biến đổi thành một cộng đoàn tình thương. Vì thế, ta cần trở thành những người rquyết a đi để đến với những ai đang cần ta giúp. Bởi, là thành viên sống động của Thân Mình Chúa, chúng ta phải trở nên Bánh Sự Sống cho mọi người. Ở mọi nơi.

Xem như thế, Tiệc Thánh ngày của Chúa, trước nhất phải là việc cử hành mừng kính sự việc ta đã trở nên một cộng đoàn của tình thương. Thành, sức mạnh của cuộc sống. Để, ta yêu thương nhiều hơn. Sống đúng hơn. Đúng, như Lời Chúa chỉ dạy.

Tham dự Tiệc hôm nay, ta cầu Chúa cho Tiệc thánh ta cử hành, sẽ trợ lực cho ta. Để, ta có thể rút kinh nghiệm mà sống yêu thương. Và, san sẻ nhiều hơn nữa. Sẻ san, Bánh Hằng Sống Ngài dành cho ta. Hôm nay. Chốn này.

Trong ý hướng lành thánh đó, ta hân hoan cất lời ca tiếng hát, rất oai phong/lẫm liệt, rằng:

“Yêu ai, yêu cả một đời.

Tình đó, nhắc nhớ luôn đến ta tình ái

Nhớ cả một trời

Tình Yêu kia, mà lòng nào quên.” (Nguyễn Văn Khánh – Nỗi lòng)

Quả thế. Nỗi lòng của người yêu hay của cộng đoàn tình thương hôm nay, vẫn là: “nhớ cả một Trời”. “Mà, lòng nào quên”. Không quên, vì Bánh Hằng Sống, là Bánh Tình Thương, vẫn ở với ta. Mỗi ngày. Mọi ngày. Suốt đời.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)