Saturday 31 January 2015

Đường em về, mong tuyết phủ khắp nơi





Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 5 Thường niên Năm B 08.02.09

“Đường em về, mong tuyết phủ khắp nơi”
Và giông tố, xin đừng rời em nhé
Hạnh phúc tuyệt vời giờ em hiển lộ
Sợi xích vàng khóa tim chặt với nhau
Đừng tách ra sẽ mang đến thương đau!
(Dẫn nhập từ thơ Tân Văn)
Mc 1: 29-39
Tuyết phủ khắp, con đường em về. Có phải là, nhà thơ nay muốn giữ chân người tình? Sợi xích vàng, khoá chặt tim nhau. Phải chăng đây, là trạng huống của nhà Đạo? Tâm trạng này, được diễn tả nơi trình thuật thánh Máccô. Có nối kết với sách Gióp, trong Cựu Ước.
Sách Gióp, nay có giòng chảy kể về sự mong mỏi đợi chờ: “Tôi thừa hưởng, những tháng ngày tuyệt vọng. Ngả lưng nằm, tôi thầm nhủ: ‘Khi nào trời sáng, đây?’ Vừa thức giấc, tôi đã lại hỏi: ‘Khi nào trời lại tối?” (Jb 7: 4). Dù viết từ hơn 2000 năm trước, tâm tình trên vẫn còn mới mẻ, đến hôm nay.
Tâm tình nói ở đây, là sự bận rộn trong cuộc sống. Cuộc sống, có những công việc cật lực. Sống, để kiếm kế sinh nhai, như lời ông Giób nói: “Một ngày đời tôi, thấm thoát hơn thoi đưa, và tàn lụi không hy vọng.” (Jb 7: 6). Thật ra, cuộc đời con người, xưa cũng như nay, đâu chỉ là như thế.
Xưa và nay, con người vẫn sống trong tâm thức chuẩn bị cho tương lai, ngày một sáng. Nhưng sao mãi ngày ấy không thấy đến. Có những người người vẫn lam lũ tạo cuộc sống, nhưng chưa vững bụng. Lam lũ, để vui hưởng kết quả lao động. Chỉ vững bụng, khi ta biết sống tháng ngày của hiện tại, rất đơn giản.
Trình thuật hôm nay, thánh Máccô đưa ra một ảnh hình, thật rất khác. Ảnh hình Đức Kitô đang làm việc, đầy ý nghĩa. Năng lượng Ngài sử dụng, là để chữa lành và tạo hạnh phúc cho mọi người. Và, khác biệt ở đây, chính là điều: Chúa đến để phục vụ. Để cho đi. Và san sẻ. Ngài không tuyệt vọng hoặc ta thán như ông Gióp:“Cuộc sống con người nơi dương thế, chẳng là thời khổ dịch sao?” (Jb 7: 1).
Cuộc sống nơi dương thế, thật ra có mệt nhọc, luỵ khổ; nhưng cứ thử sống một ngày không có sinh hoạt vây quanh/nhộn nhịp cùng xã hội, chắc cũng nản? Cứ thử sinh hoạt tách rời khỏi xã hội, khỏi chòm xóm láng giềng, rồi sẽ thấy. Sống trên đời và với đời, là biết sống san sẻ những gì mình, như Chúa từng làm. Sống làm sao, để trở nên một người sống vì mọi và mỗi người.
Sống như thế, là sống mà cho đi. Sống, đem lại giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Và, giả như việc ta làm không mang dáng dấp của một đóng góp vào của chung, có lẽ cũng nên thay đổi lối sống, là vừa.
Sống, như Đức Giê-su từng sống, là biết san sẻ với người khác. Biết làm mọi thứ, giống như Ngài. Ở chốn thị thành nơi ta sống, đã có đủ mọi thứ mà vào thời của Chúa, Ngài chẳng có. Cũng thế, Chúa phải là người giàu lắm mới đi đây đi đó, khắp mọi vùng. Ngài lại còn lo cho mọi người được ấm no, đầy đủ.
Nhưng, nếu sống thời hôm nay, Ngài đâu lái những Mercedes, BMW bóng láng. Và, cũng chẳng có điện thoại di động, cầm đi khắp phố phường. Nhưng Ngài là Đấng làm cho mọi người nên giàu có, phong phú. Và, Ngài lo lắng cho mọi người có đủ thực phẩm để độ thân. Có mái ấm che phủ đầu, như mọi người.
Tin Mừng hôm nay, đem đến cho ta một bài học, là: hãy sống cho ra sống. Sống, giống những người được Chúa chữa lành. Và phục vụ. Đầu trình thuật, thánh Máccô mô tả Chúa chữa lành bà mẹ vợ ông Simôn, đang cơn sốt. Khi khỏi bệnh, cụ bà không ngồi nghỉ nghơi, mà dậy “phục vụ các ngài”.
Được lành bệnh, là được tháp nhập đi vào cùng sống với cộng đoàn. Cùng san sẻ công việc dựng xây cộng đoàn, qua phục vụ. Và, bài học hôm nay muốn nói: phục vụ là tình thương yêu đang hoạt động.
Bài đọc 2, thánh Phao-lô cũng san sẻ một kinh nghiệm, để tự hào. Thánh nhân nói: “đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr (: 16)
Và, thánh nhân còn tự hào về chính mình: “tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người”(1Cr 9: 19). Và, thánh nhân cũng vang vọng Lời của Chúa, khi Ngài nói: “Ta đến không phải được phục vụ, mà là phục vụ người khác.”
Phục vụ, vì tình thương. Phục vụ, là hạnh phúc. Phục vụ, để san sẻ tình thương, lẫn hạnh phúc. Như Lm Tony de Mello từng biểu lộ, một khi đã phục vụ, ta sẽ thành công trong tác tạo những gì mình cần có. Cần, để tạo dựng nỗi niềm hạnh phúc, ở đây. Trong tay mình. Bởi lẽ, hạnh phúc và sự tràn đầy không ở bất cứ nơi nào khác, nhưng ngay tại đây. Bây giờ.
Tuy nhiên, phục vụ không có nghĩa vô chừng mực. Đức Giê-su cũng thế. Ngài không là người tham công tiếc việc, vượt nhu cầu. Để rồi, cuối cùng cuộc đời, Ngài lại phải lên núi đồi, mà hồi hưu. Không phải thế. Ngài lên chốn hoang vu, không để lẩn tránh áp lực của cuộc sống, nhưng tìm nơi vắng vẻ để tìm đến Cha, mà nguyện cầu. Tìm Cha, để tạo thêm công lực. Thêm ân huệ, rồi tiếp tục phục vụ cho tốt hơn.
Bởi lẽ, có đi xa Ngài cũng không tài nào tránh khỏi các khuôn mặt đang kiếm tìm Ngài, nhờ chữa lành. Ngài không là người phục vụ, bất đắc dĩ. Nhưng rất công tâm, tình nguyện.
Gặp môn đệ, Ngài bác bỏ đề nghị của các thánh yêu cầu trở về quê quán cũ, vẫn thành công. Ngài không tìm đến chốn thị thành nhiều người biết. Lắm người hâm mộ. Ngài không màng trở thành trung tâm thu hút mọi người. Cũng chẳng muốn đạt tiếng tăm, thành quả.
Nhưng, Ngài chỉ đến nơi nào, dân chúng thực sự có nhu cầu. Và cứ thế, Ngài đi khắp nơi chỉ để phục vụ, hết mọi người. Những ai được Ngài phục vụ, rồi cũng sẽ học được bài học ấy, mà phục vụ người khác.
Sống phục vụ, là sống có ý nghĩa. Sống phục vụ, là có giờ để nguyện cầu, suy tư, và đến gần với Chúa. Trong cuộc sống như thế, mới có giờ để san sẻ với người khác bằng lời nói và hành động. Sống như thế, mới bỏ giờ ra mà dựng xây, chữa lành và hoà giải.
Thực tế, không ai là không biết học hỏi cách sống đích thực, như thế. Sống đích thực, là sống như ông Gióp hay như Đức Giê-su? Và, câu hỏi đặt ra cho mọi ngưòi, vẫn là: ta có giống như ông Gióp không? Có giống ông ta, khi cuộc sống của mình trở nên ngán ngẫm, trì trệ, sống như cái máy…? Sống đích thực, phải là sống giống như Đức Giê-su.
 Sống có ý nghĩa. Có định hướng. Sống để rồi, sẽ cảm thấy hạnh phúc tràn đầy khi gia nhập làm thành viên cộng đoàn. Quyết tập trung tạo cho cuộc sống nên tốt đẹp. Ở đây. Bây giờ.
Trong quyết tâm sống đời hạnh phúc có phục vụ, ta hân hoan cất tiếng hát mừng một hành động:

“Một đoàn trai đi khi xuân tới
Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi
Non nước tuy xa vời
Ta đã yêu thương đời
Đừng e nắng gió sương bạn ơi . Bạn ời!” 
(Văn Phụng – Vó câu muôn dặm)
           
Hãy quyết tâm mà ra đi. Ra đi, để phục vụ. Và để, “gieo tình thương khắp nơi”. Bởi, một khi đã rắc gieo yêu thương và phục vụ, ta sẽ nhận ra được rằng: “Hạnh phúc tuyệt vời, giờ em hiển lộ” và “Sợi xích vàng khóa tim, chặt với nhau”. Xích vàng cho nhau yêu thương hạnh phúc. Suốt đời.

Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch



Saturday 24 January 2015

Cơn sốt sắng xinh hơn cầu vàng diệp



Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 4 Thường niên Năm B 01.02.09

“Cơn sốt sắng xinh hơn cầu vàng diệp,”
Ngửa tay thôi, ơn trời đà xuống hiệp.
Trăng và trăng cho thấm hết mọi nơi .
Người thế gian, ôi miệng lưỡi đâu rồi ?
Và tán tạ và khong khen nức nở .
(Dẫn nhập từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 1: 21-28
Sốt sắng với ngửa tay, nhà thơ nay lãnh nhận “ơn trời đà xuống hiệp”. Tán tạ và khong khen, nhà Đạo sẽ nhận lãnh những “trăng và trăng, cho thấm hết mọi nơi”. Trăng hay sao, là tất cả những gì ta được biết. Biết, uy quyền của Đức Chúa đã tỏ dấu, đến với ta.
Bài đọc 1, hôm nay dẫy đầy một lời hứa. Lời Chúa hứa, là như: “Thiên Chúa của anh em, Người sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Hãy nghe Người” (ĐNL 18: 15-20). Theo lời hứa, Đức Giê-su đã xuất hiện như người Do Thái sống giữa muôn người, ở Palestin. Là tiên tri, Ngài không báo trước chuyện tương lai, như thày bói. Nhưng, như vị Ngôn Sứ chuyển đạt Lời của Chúa. Chính vì thế, mọi người hãy nghe Ngài. Nghe, như nghe một thông điệp. Từ Đức Chúa.
Thông điệp hôm nay, xuất từ trình thuật thánh Máccô. Trình thuật này, báo hiệu một ngày bận rộn với Chúa. Bận rộn, vì hôm nay ta nhận diện đủ bá quan văn võ, trong cuộc đời. Điều trước mắt, Ngài bận tham gia việc tế tự với dân chúng. Ngài giảng dạy, chữa lành, xua đuổi lũ ác quỷ. Và, Ngài cũng nguyện cầu ở chỗ riêng tư. Từ đó, có phản ứng bất chợt của đám đông chúng, rất thường dân.
Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô đưa ra ba loại dân chúng Chúa vẫn gặp. Tất cả những người này, đều phản ứng khác nhau. Phản ứng, là đối xử với Chúa, tuỳ hoàn cảnh. Trong ba loại người từng phản ứng, trước nhất là đồ đệ. Sau đó, đến lãnh tụ tôn giáo. Và cuối cùng, là đám dân đen bình thường. Dân bình thường, vẫn là những người luôn bước đi theo chân Chúa. Họ ra đi, mang theo niềm tin và nhận thức xác đáng, về chính Ngài.
Sinh hoạt của Chúa trong ngày đầu, Ngài đã công khai dẫn dụ mọi người, cả vào ngày Sabát. Ngày ấy, mọi người thấy Chúa gần gũi đám người thành thị vẫn có mặt ở hội đuờng. Vì là người Do Thái chuyên chăm, nên Ngài vẫn tuân thủ mọi đòi hỏi của niềm tin, đặt ra cho người Do Thái. Đó, còn là thái độ của đồ đệ Chúa vẫn có, sau Phục Sinh.
Điều Ngài không làm, là chê trách niềm tin của người dân bình thường. Trách mắng chăng, Ngài chỉ chê trách thái độ bẻ quặt sự thật, sống giả hình và chuyên nhũng lạm với người dân. Điều Ngài xác định, như có ghi ở Tin Mừng thánh Matthêu, không là bãi bỏ niềm tin người Do Thái. Mà là, sống đích thực niềm tin ấy, cho đúng cách (Mt 5: 17).
Hội đường người Do Thái, là nơi chuyên chăm nguyện cầu, và học hỏi Kinh thánh. Tuyệt nhiên, đây không là nơi để hiến tế, có các vị tư tế chủ trì. Đây, vẫn là nơi dân chúng bình thường rủ nhau đến, vào các ngày Sabát, cuối tuần. Ở đây nữa, không thấy xuất hiện các thày giảng hoặc trưởng tế chuyên lo việc Đền thờ. Đến hội đường, là để cầu khẩn và suy gẫm những điều được viết lại trong Kinh thánh. Bởi, nơi đây không là trung tâm của tế hiến phụng thờ, nên không có liên quan gì với nhóm Pharisêu, Luật sĩ hoặc kinh sư.
Tại hội đường, ai cũng được mời lên để diễn giải. Nên, vào ngày Sabát hôm ấy, Đức Giê-su cũng đã được mời lên để Ngài diễn giảng. Chính vì thế, khi Ngài bắt đầu ngỏ lời giải thích, dân chúng đã hiểu ngay: Ngài là nhân vật khác thường. Trong khi cũng đứng bục, nhưng kinh sư/luật sĩ này khác chỉ giải thích ý nghĩa luật lệ Do thái, viết trong sách, mà thôi.
Khi Đức Giê-su giảng, Ngài tỏ rõ “quyền uy” tối thượng, có căn cứ. Nghĩa là, Ngài không giải thích luật lệ, hoặc tư tưởng của riêng ai. Nhưng việc giảng dạy Ngài làm, là giảng và dạy những điều liên quan đến chính Ngài. Cũng thế, lối giảng giải của Ngài được thánh Mátthêu viết: “Anh em nghe người xưa nói… còn Tôi, nay Tôi nói”.
            Ở đây, hôm nay, Chúa không chỉ nói về quyền uy tối thượng của Ngài, thôi. Nhưng, Ngài cũng đã hành động một cách đầy uy quyền. Tức là, ngay trong khi Ngài giảng, đã thấy có người bị ác quỷ hành hạ, hiện diện quanh quất đâu đó. Điều này có nghĩa gì? Muốn hiểu điều này, cũng nên biết rằng: vào thời của Chúa, thế gian vốn tràn đầy thần linh các loại. Tốt có, xấu cũng có. Thần linh có mặt ở khắp nơi. Đôi khi còn tấn công vào những người hiện diện, bằng đủ mọi cách.
Những chuyện về quỷ ám hoặc bị thần linh xấu quấy rầy, không chỉ xảy đến vào thời xưa cũ, thôi. Nhưng, nay thấy nhiều người vẫn tin như thế. Vẫn thấy xảy ra, ở nhiều nơi trên thế giới. Chí ít, ở một số khu vực thuộc vùng Nam Á, như: Mã lai, Nam Dương, Phi Luật tân, vv… Ở các nước tân tiến, cũng thấy nhiều người vẫn tà tà tản bộ qua nghĩa trang. Ở Hồng Kông, Singapore, có người còn chọn ngày tốt xấu, tìm thày địa lý, tính toán phong thuỷ để định hướng nhà, đặt đất, cất mồ mả.
Thời của Chúa, những người ốm đau hoặc có hành vi ‘khác thường’, đều được coi như ‘bị quỷ ám’. Nhiều trường hợp, có người còn cho rằng: những người bị động kinh, lên cơn giựt, hoặc có vấn đề tâm thần, đều là nạn nhân của mãnh lực thần linh nào đó, từng xâm nhập. Người khác lại nghĩ, thần linh/ma quỷ đã khống chế người như thế. Nhưng vấn đề, là: Chuyện ấy, có thật như thế không?
Thật khó mà đoán biết. Rõ ràng là, ngày nay một số người chỉ đơn giản chẩn đoán y khoa, cũng đều biết. Nhưng có người gặp một số dân chúng ở nơi nào đó, trên thế giới vẫn nhất quyết rằng, có hình thức nào đó, về trường hợp quỷ ám. Vấn đề ở đây, là: những người như thế đã được Chúa chữa lành, trở về với chính con người toàn bộ của mình. Tức, họ được giải thoát trở về, không còn bị như thế, nữa.
Thời của Chúa, nhiều người thực sự tin là có các quyền lực ma quái, đủ mọi kiểu. Các quyền lực ấy, bắt nguồn từ nỗi hãi sợ rất lớn lao làm cho họ bất lực. Điều Chúa làm, là giải thoát những người này khỏi cơn hãi sợ, mình vẫn có. Và, không phải chính sức mạnh ma quái ác ấy đã làm cho họ hãi sợ nhiều, như nạn nhân. Không phải thực thể khách quan đã giới hạn sự tự do và hiệu năng của chúng ta, nhưng là cách thức ta nhìn sự việc. Chẳng hạn như, nếu ta để con rắn bằng cao su vào giường của ai đó, khiến người có phản ứng.
Vậy, cái gì làm người hét lên? Rắn bằng mủ, hay chính nỗi khiếp sợ, của chính họ?
Giáp mặt thần linh quái ác xuất hiện nơi hội đường, Chúa không tỏ dấu sợ sệt, đã quát bảo: “Câm đí! Hãy xuất khỏi người này.” (Mc 1: 25) Nghe như thế, người bị ám đã quăng quật, lên cơn giựt, nhưng thoát nạn. Và điều quan trọng, là: người ấy đã thấy mình tự do. Đã thoát nạn.
Đối với ta, khiếp sợ ở đâu? Sợ thần linh? Hoặc, có điều gì, người nào, nơi nào đã cản ngăn không cho ta làm điều mình muốn? Không để ta trở nên người mình muốn trở thành? Điều quan trọng, là: ta cần định ra khiếp sợ nào đang trấn át. Và, thấy được nó ở trong mình. Từ đó, không còn trách người khác, vì nó. Và, khi nhận ra nó đang lẩn khuất bên trong, ta xin Chúa giúp, mà trừ khử. Hãy đặt mình dưới sức mạnh quyền uy của Ngài. Để được giải phóng.
Chứng kiến việc Chúa giải phóng, người bàng quan đã tỏ bày ngạc nhiên: “Giáo lý của Ông thật mới mẻ, điều Ông dạy có uy lực. Ông ra lệnh cả với thần ô uế, và chúng phải tuân lệnh! (Mc 1: 26). Chẳng thế mà, tiếng tăm Ngài đồn khắp mọi nơi. Ở cả vùng quê, nữa. Thật đúng, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa.
Đọc Tin Mừng, ta thấy mức độ giải thoát Chúa làm. Và ở đây, công trình cứu độ của Ngài, đã khởi đầu. Ngài làm thế, Vương Quốc của Chúa đã gần kề. Và có thế, dân chúng mới có kinh nghiệm về quyền uy sức mạnh, do tự Cha.
Đó là sức mạnh quyền uy. Uy quyền, là cụm từ xuất tự tiếng Latinh (Augere), có nghĩa: làm điều gì đó để gia tăng. Nguyên ngữ cụm từ cho thấy: quyền uy đích thực, là khả năng gia tăng giùm giúp, tạo lực cho người nào. Giúp họ phát triển khả năng thăng hoá, chính mình. Giúp họ tăng trưởng như một bản vị. Giúp họ, trở nên hiệu quả hơn trong phát triển. Biết sử dụng đúng đắn quà tặng, Chúa đặt trong ta.
Quyền uy Chúa vận dụng, không phải để nắm đầu kiểm soát con người. Chúa từng nói, Ngài đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ mọi người. Ngài đến, là để giải thoát hết mọi người. Để rồi, với tự do, người người sẽ gia tăng hiệu năng, phát triển năng lực bên trong mình. Và, cùng sống cuộc sống của Chúa, ở bên trong. Ngài giải thoát mọi người khỏi quyền lực quái ác của hãi sợ, co giựt, vị kỷ. Giải thoát, khỏi mọi giận hờn, oán thán, thù hằn, cùng bạo động khiến họ không thể sống vui tươi.
Buồn thay, nhiều người hôm nay cứ nghĩ nếu mình trung tín với niềm tin nơi Chúa, là gánh nặng khó giải thoát mọi đè nén, giới hạn. Câu hỏi đặt ra cho ta, cho Hội thánh, là: mình đã làm những gì để con dân Chúa đã phải ưu tư suy nghĩ, tệ như thế? Trái với tinh thần Tin Mừng?
Trong cầu mong Chúa ban cho ta uy lực giải thoát, ta cứ hân hoan mà vui hát. Hát rằng:

“Vì thương nhau không là những thiên thần (2)
Sống tuyệt vời trong niềm đau một phận
Nên từ đó, nhân loại kia vẫn vẹn toàn.” 
(Phạm Duy – Cung Chúc Việt Nam)

Không là những thiên thần, nhưng vẫn thương nhau. Thương nhau, để “cơn sốt sắng xinh hơn cầu hoàng diệp”, mà “tán tạ và khong khen nức nở”. Khong khen, chúc tụng Chúa đến muôn thuở. Muôn đời.

                Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch