Saturday 27 December 2014

Bỗng đêm nay trước cửa, bóng trăng quì



Suy tư Tin Mừng Chúa nhật Lễ Hiển Linh 04.01.2014
“Bỗng đêm nay trước cửa, bóng trăng quì”
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu,
Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu,
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ.
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mt 2: 1-2
Trăng chỉ quì, khi nhà thơ sấp mặt. Sấp mặt, để uốn mình theo dáng liễu dâng lời nguyện. Trăng còn quì, khi Chúa tỏ lộ với người người, ngày Hiển Linh.
Trình thuật Hiển Linh hôm nay, diễn lại tình Chúa khắp đất trời, miền Israel. Hiển Linh, bên tiếng Hy lạp có nghĩa một “bày tỏ”/”biểu hiện”. Và, Hội thánh nay mừng lễ Chúa Tỏ Hiện chính mình Ngài, đã hàm ngụ ý nghĩa một biểu hiện, như tiếng Hy Lạp.
Lần đầu Chúa Hiển hiện là ngày 25 tháng Chạp. Ngày ấy, Chúa hiện hình qua Hài nhi nhỏ bé, chẳng giúp gì. Ngài được mọi người coi như trẻ bé không nhà. Nghèo hèn. Và, kém cỏi. Ngồi quanh bên Ngài, là các trẻ nghèo hèn bị bỏ rơi. Là, mục đồng thấp bé của xã hội nghèo túng. Điều này, rất ăn khớp với chủ đề được nói đến trong Tin Mừng thánh Luca.
Hiển Linh hôm nay, cũng mang dáng dấp một tình huống tương tự. Nhưng ở đây, Hiển Linh là ngày lễ hoàn toàn khác. Khác ở chỗ, lễ hội này lại dành để cho người xa lạ, ở ngoài. Các vị ở ngoài, vẫn đến thần phục một trẻ bé, theo cung cách đối với vị vua quan. Điều này, còn xứng hợp với chủ đề mà thánh Matthêu đưa ra:“Hãy đi, mà tuyển chọn môn đồ mọi dân nước.”
Tỏ mình lần thứ ba, là dịp Đức Chúa chấp nhận để thánh Gio-an thanh tẩy. Khi ấy, Đức Chúa trưởng thành, Ngài cùng đứng bên sông với những người tỏ ra biết sám hối. Và đó là lúc, có tiếng từ trời cao xác định Ngài là Con Thiên Chúa. “Đây! Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài." (Mt 3: 17)
Tỏ mình lần thứ tư, Đức Chúa tỏ rõ nơi Tin Mừng thánh Gio-an. Tỏ hiện này, là Chúa tỏ mình ở tiệc cưới. Ngài tỏ mình, là để mọi người biết về Vương Quốc của tình yêu. Của, sự công chính và an bình.
Vương Quốc của Ngài, nay tỏ hiện nơi Đức Giê-su Kitô. “Nước” ở đây, một biểu tượng cho Giao Ước cũ, nay biến thành “rượu”. Đấy, chính là Giao Ước Mới đã ký kết, có dấu ấn đóng trên thập tự, ở Calvari. Đức Mẹ, đại diện cho Hội thánh Chúa, nay được công nhận là Đấng Cầu Bàu, đã dùng uy tín của Mẹ Thiên Chúa để khiến Con của Mẹ, làm theo. Đây, “dấu chỉ” đầu trong 7 dấu ấn, qua đó Chúa biểu hiện rõ căn tính của Ngài, nơi Tin Mừng.
Hiển Linh hôm nay, có người hẳn sẽ thắc mắc: về câu truyện các “đạo sĩ” không chắc đã thực sự xảy ra theo đúng sử sách. Hay, chỉ là một truyện như mọi truyện kể, cũng không chừng. Trước nhất, phải công nhận đây chính là một truyện kể. Là trình thuật, gồm các sự kiện thật khó đoán trước. Khó đoán, như việc dự báo thời tiết về đêm, có lúc xuống đến 10 độ. Cũng rất khó, như việc dự đoán mực nước mưa dâng tràn, đến 10 milimét.
Truyện kể ở đây, lại là truyện Kinh Sách. Cốt đặt nặng về ý nghĩa. Như khi nghe đọc Phúc Âm, đôi khi ta cũng thắc mắc, hỏi rằng: “Truyện kể ấy, có nghĩa là gì?” “Truyện kể ấy, đem đến cho ta những gì đây?” Bởi lẽ, sự thật vẫn nằm ở ý nghĩa, chứ không ở sự việc có đích thực xảy ra, hay không.
Thật ra, trong truyện kể như thế, sự kiện tỏ bày hiện hữu cũng chỉ vu vơ, rất lờ mờ. Không đủ dữ kiện cho báo đài/truyền hình, làm bản tin. Bởi, báo đài/truyền thông bình thường chỉ lưu tâm đến những gì, khả dĩ có thể trả lời câu: Ai vậy? Đó là chuyện gì? Tại sao thế? Ở đâu? Khi nào? Ý nghĩa làm sao? Trong truyện kể tương tự, thật khó trả lời các câu hỏi như thế.
Về các đạo sĩ, mà người Hy Lạp có thói quen gọi là “magoi” (tức đạo sĩ/thân hào nhân sĩ) là các bè/nhóm hoặc các học giả kinh điển, chuyên lo giải mã chiêm bao, cùng giấc mộng. Ngày hôm nay, ta vẫn gọi các chiêm tinh gia/nhà ảo thuật thuộc tầm cỡ như phái Zoroastri, thời buổi trước. Truyền thống Giáo Hội gọi là Ba Vua (như: 3 vua ở Phương Đông), cũng là do ảnh hưởng từ Thánh Vịnh 72, câu 10: “Cả các vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đến tiến dâng lễ vật.” hoặc từ sách Isaya đoạn 49, câu 7 có nói: ”Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy”, hoặc câu 10 đoạn 60: “Vua chúa của chúng sẽ góp phần.”
            Thật sự, khó mà biết được con số các vị này gồm bao nhiêu người. Nhưng, truyền thống Giáo Hội vẫn định ra, chỉ có 3 vị. Vì tất cả, có những 3 loại quà được dâng tiến. Và, tên các vị này được đặt theo ý nghĩa của từ ngữ, như: Caspar, đại diện cho dân da màu. Tức: thế giới ở bên ngoài Do Thái, nay đến với Chúa.
Như ta vẫn biết, “họ đến “từ cõi trời Đông”. Gia dĩ, có thể từ Ba Tư, miền Đông Xy-ri-a hoặc từ Ả Rập đến. Nghĩa là, những vùng sâu vùng xa. Xa và sâu, nơi chân trời ấy. Thần học gia Aloysius Pieris cho rằng: điều này mang ý nghĩa rất đáng kể với dân Á Châu. Bởi, các “thân hào nhân sĩ” đến từ vùng châu Á, chứ không là chiêm tinh gia địa phương, theo ánh sao lạ, mà tìm đến.
Dõi theo ánh sao, không rõ thời ấy có xảy ra hiện tượng sao chổi nào không? Hoặc, có sự nối kết hành tinh nào, khiến các vị ngạc nhiên, đi tìm kiếm? Dù sao, khó tưởng tượng nổi chuyện “dõi ánh sao” cả trăm dặm, để rồi cuối cùng, thấy sao vẫn lủng lẳng, trên đầu mình. Tìm cho được sự thật, thì cũng là chuyện vô bổ, mất thì giờ. Bởi, sao đây chính là Đức Giê-su. Là, Ánh Sáng soi dẫn muôn dân.
Thành thử, không nên tìm tòi lý lẽ đưa dẫn đến sự kiện. Cho bằng, hãy chú tâm đến bối cảnh và ý nghĩa nói đến trong Tin Mừng. Theo đó thì Thiên Chúa, bằng vào bản thể Đức Giê-su, là Đấng đến với thế giới nhân trần. Không như, các lãnh tụ tôn giáo, những thượng tế với kinh sư, dù biết chắc Đức Mê-sia hạ sinh cách nào, vẫn không hề bỏ công tìm kiếm.
Như Bét-lê-hem, đất miền mộc mạc chỉ cách Giê-ru-sa-lem không bao xa, thế mà Hêrôđê vẫn muốn gặp. Gặp Chúa, cốt để tẩy xoá/trừ khử mối đe doạ thay thế chỗ, của mình. Trong khi đó, khách lạ đường xa, lại cất công ra đi ngàn dặm tìm kiếm “Vua Do Thái”, để triều bái. Dâng phẩm vật.
Ngoài việc triều bái, các vị này còn dâng tiến những là: vàng, nhũ hương, và mộc thảo đầy thuốc quý. Quà tặng các vị dâng cho Chúa, vẫn là điều được gợi hứng từ lời sấm của tiên tri Isaya, ở bài đọc 1:”Họ mang theo vàng với trầm hương” (Is 60: 6). Với truyền thống Giáo hội, sau này thì: vàng tượng trưng cho Vương quyền của Chúa.Nhũ hương, biểu hiện thiên tính của Ngài. Và, mộc dược là sự thống khổ và nỗi chết Ngài gánh chịu, để cứu rỗi.
Nói chung, Lễ Hiển Linh cho ta biết một điều, là: Chúa không coi ai là khách lạ, người ngoài cả. Trái lại, tất cả đều trở thành con cái dấu yêu, của Chúa. Dù ngoại hình của ta có khác nhiều, ta vẫn cùng chung gia đình. Gia đình, có Người Cha Đáng kính, mà ta được phép gọi: “Lạy Cha của chúng con”. Điều này còn có nghĩa: ta là người anh người chị, của nhau. Là gia đình, vẫn không có chỗ cho những kỳ thị về bất cứ thứ gì. Dù, đó có là sắc tộc, chủng loại, tôn giáo, giai cấp, nghề nghiệp... Không có chỗ, cho những khác biệt về vị thế, mức độ.
Hiển Linh hôm nay, dù có mang tính mông lung/mơ hồ của một truyện kể, nhưng thông điệp ấy vẫn rõ mồn một. Rõ như ban ngày. Cảm tạ Chúa. Hôm nay, không có ai là “dân riêng được chọn”. Dù, có là người Do Thái. Dù là Kitô-hữu. Công giáo hay dân đứng ở ngoài. Hãy cứ tìm hiểu về đặc tính gần gũi/cận kề, với Đức Chúa. Đó, cũng là lý do để ta tìm cách mà gần gũi/cận kề, bên nhau. Gần gũi/cận kề, là không đứng ở ngoài làm khách lạ người dưng.
Nhưng, tất cả đều được mời. Dù, người được mời có là Mẹ của Đức Chúa. Dù, ta giàu có hay vẫn nghèo hèn. Dù, ta được trọng đãi hoặc vẫn bị bỏ rơi, đơn lẻ. Dù, người được mời có mạnh khoẻ. Hay, vẫn ốm yếu, tật nguyền. Là, thánh nhân hay vẫn chỉ là tội phạm, ta vẫn là con của Đức Chúa.
Chỉ là dân ngoại/khách lạ người dưng, khi đã lầm lỡ. Và làm cho ai đó trở thành người sống ngoài rìa, ngoài cộng đoàn. Ngoài tình thân. Nghĩa là, ta vẫn chối từ tặng ban đặc sủng thương yêu tôn kính. Tặng ban cách đồng đều cho hết mọi người. Cho cả dân ngoại. Nếu ta vẫn cứ làm cho người ngoài cứ thế ở ngoài rià, tức là: ta đã tiếp tay với nhóm Pharisêu ngạo nghễ, với đám thượng tế rất kiêu sa. Mù quáng. Cố chấp.
Về lại với chính mình, ta hãy tự hỏi: mình thuộc về sao nào? Chúa gọi mình ra sao? Cách nào? Ngài muốn ta tìm đến gặp Ngài nơi ai, để có thể phục vụ và theo chân Ngài? Nơi người vẫn có cỗ cao mâm đầy, ư? Hay nơi kẻ nghèo hèn? Có phải ta vẫn cản ngăn người khác tìm kiếm “ánh sao”, cho chính họ?
Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay, dĩ nhiên có những điều ta khó mà đổi thay. Khó mà, quyết định ai sai - ai đúng. Nhưng vẫn không trễ, để ta có thể dõi mắt tìm kiếm “ánh sao”, cho đời mình. Tìm kiếm, để dõi bước chân mềm mà đi theo. Ngay ở đây. Bây giờ.
Khi xưa, đạo sĩ đã cất bước ra đi. Ra đi, các vị đi mãi tận đất miền Bét-lê-hem, mới gặp Chúa. Chẳng vị nào tiếc công hoặc tiếc của. Ra đi, các vị đã làm gương để ta cũng ra đi với lòng quả cảm và tin yêu, mà dõi bước. Dõi bước, nhưng không luyến tiếc, hối hận. Dõi bước ra đi, để sẽ không ân hận là mình đã khởi sự, từ hôm nay.
Trong tinh thần cương quyết ấy, ta cứ hát lên lời ca phấn chấn thúc đẩy:

“Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông
Người đi trong thanh xuân
Sưởi hương nắng như lửa sống
Máu sôi như sắc trời
Bước nhanh vượt chân đời.” 
(Phạm Duy – Lữ Hành)

            Đi, trên dương gian. Đi, trong thanh xuân. Đi, để thấy “trước cửa bóng trăng quỳ”. Trăng quỳ, như người quỳ. Quỳ và lạy Đấng Hài Nhi, nay đến cứu độ nhân gian chốn phàm trần. Còn lỗi phạm.

Lm Frank Doyle sj - Mai Tá Lược dịch

Saturday 20 December 2014

Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Thánh Gia năm B 28-12-2014

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải” 
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!
(dẫn từ thơ Xuân Diệu)
Lc 2: 22-40

Nhà thơ nay đà biết nói: ông cần tin. Và, ông cũng khao khát được nhầm lẫn, có ảo tưởng. Rất thâm trầm. Nhầm lẫn – ảo tưởng - thâm trầm, thế mà ông vẫn cần đến niềm tin. Dám hỏi nhà thơ, ông nay có tin, như tin vào tình yêu của Đức Chúa. Tin rất nhiều, hơn tình của đôi ta. Rất uyên ương. Không oan trái. Như trình thuật nay diễn giải.
Trình thuật hôm nay, diễn giải là diễn nghĩa và giải thích về thánh gia. Gia đình của Chúa tuy rất thánh nhưng vẫn giống mọi gia đình. Tức, có thăng có trầm. Có lúc vui buồn, nhiều trầm lắng. Lắm ưu tư. Ưu tư nhất, là khi Mẹ chứng kiến nỗi chết nhục hình của Con Mình, trên thập giá. Ưu tư không kém, như thánh cả Giu-se âm thầm suy tư về ý định của Thiên Chúa.
Là thành viên của Thánh Gia, Mẹ và thánh cả Giuse cũng đã hốt hoảng khi Con của Mẹ “biến mất” nơi Đền thánh, những 3 ngày. Sau buổi ấy, Con của Mẹ, nay thuộc về gia đình mới. Gia đình thế giới. Chí ít, của những người quyết noi theo phương cách Ngài hằng chỉ dẫn. Ngài chỉ dẫn bằng dụ ngôn, truyện kể. Bằng diễn giải, nhủ khuyên khi Ngài quả quyết: là mẹ và là anh chị, chỉ những người biết lắng nghe và làm theo ý của Cha. Là, những người trong đó, có cả Mẹ. Bởi, không ai nghe và giữ Lời Chúa, cho bằng Mẹ.
Trình thuật hôm nay, đích thực kể về việc dâng tiến Chúa nơi Đền thánh. Là người con lớn trong gia đình, Đức Giêsu cũng phải thi hành luật lệ của người Do Thái, tức: dâng tiến chính mình Ngài cho Đền Thờ cho Cha Ngài. Điều này, để biết rằng: cả cuộc đời Ngài còn là quà tặng từ Thiên Chúa. Rằng, Thiên Chúa là Đức Chúa của mọi cuộc sống, mọi sinh vật trong cõi đời. Người thiếu niên Giêsu, một khi thuộc về Thiên Chúa, lẽ đáng cũng phải theo nghi tiết mang tiền vàng, dâng Chúa Cha, nơi Đền thánh.
Và lần này, thiếu niên Giêsu lên Đền, lại được gặp các đấng thánh như cụ Simêôn và Anna đón tiếp vồn vã, thân mật. Và cụ ông Simêôn, tràn đầy Thánh Thần Chúa, giữ lời hứa ban xưa, nên đã nói: 

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo như lời Ngài hứa, xin để tôi tớ Chúa được ra đi trong an bình. Vì chính mắt con nay được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đây chính là nguồn sáng soi dọi cho dân ngoại. Ngài là vinh quang của Ít-ra-en con Dân Ngài." (Lc 2: 29-32)

Nhưng sự thật, thì tất cả đều đã không là ánh sáng. Bởi, người thiếu niên đây sẽ “là duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống, hay trỗi dậy. Như thế, có nghĩa: Đức Chúa là cội nguồn của sự sống. Ngài chính là ơn cứu thoát cho muôn dân. Đồng thời, Ngài lại là cớ vấp phạm cho những người tự khiến mình đui mù, bằng những cản ngăn con đường Ngài đưa dẫn mọi người đến sự thật. Đến, tình yêu thương. Như cụ ông Simêôn, từng nói trước.
Với ngôn sứ Anna cũng thế. Nhìn thiếu niên Giê-su, oai phong dũng mãnh, bà cũng nói về Ngài thay cho hết mọi người lâu nay từng mong chờ ngày Ngài “giải cứu Giê-ru-sa-lem”. Có nhà thần học tu đức nọ, từng nói về cách thức thánh Luca viết sử, như sau:

“Thánh sử Luca, qua sắp xếp bố cục trình thuật Kinh Thánh, để nói lên rằng: cả nam lẫn nữ, ta đều có thể đứng thẳng người lên và đến gần bên Thiên Chúa. Là nam hay nữ, ta vẫn ngang đồng hưởng vinh quang và ân sủng của Thiên Chúa. Bởi cả hai, ta đều được phú ban, cùng một ân huệ. Nhận lãnh cùng một trọng trách.”

 Trong bầu khí đầy tràn tình thương yêu và niềm hy vọng, thân phụ và thân mẫu Đức Chúa thời niên thiếu, đã về lại Nadarét với Con của Mẹ. Ở nơi đó, Ngài lớn lên trong khôn ngoan và tràn đầy ân sủng cùng tình thương yêu của Chúa Cha. Ở nơi Ngài, nền tảng vững bền cho công việc mai sau, được dựng xây. Điều này, chứng tỏ cho ta thấy: trải bao năm tháng, Đức Giê-su đã trưởng thành trong cung lòng đầy tình thương của thân phụ và thân mẫu, dẫu người phàm.
Và những gì là sự thật về Đức Giê-su, cũng là sự thật cho chúng ta. Nghĩa là, môi trường sống có gia đình yêu thương trân trọng, vẫn là môi trường quan yếu cho cuộc sống. Nhiều người có cảm tưởng, là: nhiều nơi trên thế giới, tại các nước được gọi là “đã phát triển”, đời sống gia đình đang ở vào tình cảnh khốn khó, có vấn đề. Nhưng ngược lại, những ai thường xuyên tiếp cận với giới trẻ hôm nay, đều thấy được tình hình của nhiều người trẻ, vẫn tương quan tốt, với gia đình.
Vấn đề là, các bậc cha mẹ nào kỳ vọng rằng con cái mình, chúng biết kính trọng, có hiếu đễ, dễ vâng lời cha mẹ, mà lại chẳng cần đòi hỏi gì nhiều về các xử sự của chúng, cho đúng cách? Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ ngày hôm nay lập ra các tiêu chuẩn gấp đôi, hy vọng rằng ít ra con cái mình cần thực thi chỉ một thôi, cũng mãn nguyện.
Thế nhưng, thực tế cuộc sống hôm nay, đòi hỏi nhiều nơi cha mẹ biết kềm chế rất nhiều, mới mong tạo gương mẫu cho các con. Kềm chế cãi vã, và tranh luận. Kềm chế, trong việc bỏ quá nhiều thì giờ để làm ăn thay vì gần gũi với con cái. Đôi khi, còn phải biết hy sinh thì giờ và tiền bạc, cố lắng nghe lập trường và ý kiến của con mình.
Một số người cha trong gia đình, còn có kinh nghiệm thương đau, như một ông bố vẫn muốn giáo dục con trai mình, cho nên người. Nhưng hễ ông bước vào phòng để nói chuyện với con, thì con ông lại bỏ đi chỗ khác, để khỏi nghe. Đến độ, bạn bè khuyên ông: hãy tìm cách cảm thông với ước muốn của con mình, hơn là bắt con mình làm theo ý muốn của riêng ông.
Ông bố cứ bảo: “Tôi cảm thông với tính tình của con tôi, lắm đấy chứ. Nhưng vấn đề ở đây, là: phận làm con, là phải biết tôn kính cha mẹ, biết trân trọng những gì chúng tôi làm cho chúng.” Bạn bè đành đề nghị một phương án khác:

“Nếu con ông không cởi mở/dễ bảo, thì hãy cứ cho đi là ông chưa cảm thông với con cái và có lẽ chưa bao giờ ông biết cảm thông, và cũng chưa từng muốn thử, và dự định sẽ thử. Nếu thế, hãy tìm cách, một lần nữa, biết cảm thông với chúng.” Nghe điều đó, người cha nọ, đã làm thử. Ông chịu khó lắng nghe con mình, một cách vô điều kiện. Thế rồi, cả hai cha con đã học hỏi lẫn nhau. Học nhiều bài học, hơn trước”.

Cuối cùng thì, cấu trúc gia đình của tín hữu Đức Kitô phải được thiết lập theo ánh sáng Tin Mừng, như một thị kiến của cuộc sống. Thế giới hôm nay, có quá nhiều áp lực từ xã hội. Đôi khi, ta cũng quá đeo bám vào truyền thống cứng ngắc, của người xưa. Có lẽ, cả Hội thánh nói chung, chứ không là từng gia đình riêng lẻ, cũng nên giải quyết vấn đề thông cảm không chỉ giữa các thế hệ thành viên trong gia đình mà thôi; mà là, cho toàn thể xã hội nữa.
Chẳng cần phải tranh cãi, phẩm chất của bất cứ xã hội nào cũng tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống gia đình. Xã hội hiện hữu vì gia đình. Gia đình cũng hiện hữu vì và cho xã hội. Trừ phi tương quan của hai phần này liên đới phụ thuộc vào nhau đều được biết đến, còn không thì thị kiến của Vương quốc Nước Trời, sẽ lại trở nên ngang trái, đối nghịch.
Cảm nghiệm điều đó, ta quyết duy trì niềm tin yêu, hăng say mà vui hát; hát rằng:

“Cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa,
Lướt ngàn nước sang nhà
Ta đắp bồi cho Mẹ Cha.” (Nguyễn Đức Quang – Về Với Mẹ Cha)

Cùng đi, đi để về với Mẹ, với Cha. Với gia đình, có Chúa Cha. Cũng vẫn là, lý tưởng của mọi người con. Con trong gia đình. Con Chúa. Con của Mẹ Hiền, có thánh gia. Chẳng cần “trông đợi”, chẳng mơ về “những ảo tưởng thâm trầm”, của cuộc sống.

Lm Frank Doyle sj
 Mai Tá diễn dịch

Saturday 13 December 2014

Thiên đường đó từ đây anh đánh mất



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Tư mùa Vọng năm B 21-12-2014

“Thiên đường đó từ đây anh đánh mất,”
Biết tìm em, tìm hạnh phúc nơi đâu?
Biết làm sao để dĩ vãng hoen màu?
Trên phố buồn một mình anh phiêu bạt.”

 (Dẫn từ thơ Nguyễn Trung Nghĩa)
Lc 2: 22-40
Thiên-đường đó có là hoả ngục anh đánh mất do thua cuộc, vẫn chỉ là trò chơi nơi cuộc đời nhiều éo le, ê chề, nhiều trì-chiết. Hoả-ngục đây hay thiên-đường đó, lại cũng là lời-lẽ được linh-mục giảng-giải Lời Chúa có trích-dẫn truyện kể để người người suy-tư cho dễ như câu truyện giữa Sa-tăng và Đức Chúa ở bên dưới.
Một ngày nọ, Sa-tăng khơi mào tranh-luận với Đức Giêsu để chứng tỏ là hắn ta có biệt tài, hơn hẳn về thảo chương, lập trình. Mọi người đồng ý mở cuộc thi đấu, có Đức Chúa làm trọng tài. Cả hai đều gõ máy rất nhanh. Nhiều giòng mã rất độc đáo, đã xuất hiện.
Chỉ vài giây đồng hồ trước hồi kết thúc, có tiếng sấm sét nổi lên quanh vùng. Hệ thống điện ở các nơi bị đứt đoạn, tắt ngúm. Chỉ một thoáng sau đó, giòng điện năng đã hồi phục. Và, Vị Trọng Tài Tối Cao tuyên bố cuộc tranh tài chấm dứt.
Đức Chúa yêu cầu Sa-tăng cho xem kết quả. Sa-tăng nổi quạu, nghẹn ngào nói:
-Tôi chẳng cất giữ được gì hết, vì cúp điện!
Đức Chúa bèn phán:
-Được, để ta xem Giêsu đạt thế nào.”
Lúc ấy, Đức Giêsu đưa ra một hiệu-lệnh, tức thì trên màn ảnh nhỏ hiện ra các thảo-chương xinh đẹp, rất sống động. Bên cạnh đó, còn có tiếng muôn ngàn thần-thánh chúc tụng, ngợi khen. Satăng rất đỗi kinh ngạc, trước sự việc xảy ra quá chớp nhoáng, chỉ bặp bẹ đôi tiếng:
-Sao lại thế? Tôi thì mất tất cả, còn Ông này không bị gì? “
Đức Chúa trả lời:
-Là thế đó, vì Giêsu Ngài biết cứu và biết giữ!”

Chúa nhật thứ tư mùa Vọng hôm nay, Hội thánh hướng-dẫn chúng ta quay về với biến-cố Truyền Tin. Toàn-cảnh của biến cố, qui về câu đáp: “Xin Vâng!” độc-đáo của Đức Maria. Khi nói lời Xin Vâng! Mẹ đã khơi dậy toàn-bộ bi-kịch của Đạo Chúa.
Ở đời thường, có đạo-diễn đương-thời đã diễn-tả biến-cố truyền-tin này một cách rất hiện thực. Tên ông là: đạo diễn Franco Zeffirelli nổi-tiếng với phim “Đức Giê-su thành Nazarét”.
Trong phim, nhà đạo-diễn đã cho thu hình cảnh-trí như sau: Đức Maria, sau khi Mẹ ngủ thiếp đi trong chốc lát, đã trở dậy lặng lẽ cầu nguyện.
Khi Mẹ nguyện cầu, diện mạo của Mẹ đã biến sắc, toàn thân Mẹ run lên nhè nhẹ. Mẹ gập mình về phía trước, trong tư thế chấp nhận mệnh lệnh. Mắt Mẹ long lanh ngấn lệ. Mẹ hướng tầm nhìn lên chốn cao xa, nơi khung trời mở ngỏ ấy. Đưa mắt về nơi phía có vầng trăng xinh đẹp, Mẹ nhẹ nhàng nói: “Dạ, xin vâng theo lời ngài!” Lúc ấy, bầu trời nổi cơn gió lộng. Khơi dậy một chuyển đổi.
Những năm gần đây, các Đức Giáo Hoàng thường hay nhắc nhở chúng ta hãy nên sùng kính Đức Mẹ bằng cách bắt chước Mẹ Maria nói lời Xin Vâng! Đối với Đức Giê-su, Mẹ không phải là trạm ngừng chân đổ nghỉ trong hành trình tin-yêu của chúng ta. Mà, Mẹ chính là cột mốc chỉ đường, đưa ta đến với Chúa.
Quả là thế, Đức Maria không phải là đấng “cứu” và “giữ” chúng ta. Ta tin rằng, Mẹ cũng cần được Đức Chúa cứu và giữ như ta. Chính vì thế, Mẹ nói câu Xin Vâng theo lời ngài!, ngay từ đầu. Mẹ đã nhận ra cả ân-huệ và Đức Chúa Đấng đích-thân ban-tặng cho Mẹ ân-huệ cao-cả ấy. Nhờ đó, Mẹ trở thành Đấng cưu-mang Đức Chúa cho nhân-trần.
Vào tuần cuối mùa Vọng đầy chờ mong, chúng ta hãy tự nhắc mình về sự-kiện giản-đơn này. Tuy là đơn-giản, nhưng nó vẫn có sức dời-đổi cả một công-trình tạo-dựng: Đức Chúa đã cứu và giữ chúng ta khỏi phải sống cuộc đời không mục-đích, không mang ý nghĩa nào đáng kể. Ngài đã cứu và giữ chúng ta khỏi chính bản-chất yếu hèn, đơn mọn của đời thường.
Cứu và giữ là ân-huệ Ngài cho không, biếu không. Chẳng vì tài cáng của riêng ai. Thế nên, nếu chúng ta không tự cứu và giữ chính mình, chúng ta cũng không được nại cớ vào hành-động tích-thiện hoặc dùng việc ăn chay, nguyện cầu, phạt xác hãm mình để giành chụp ơn cứu và giữ ấy.
Chúng ta càng tỏ ý khó chịu và không chấp nhận nếu có ai bảo rằng: tự thâm tâm, ta cũng chẳng cứu và giữ được ai hết. Cả đến vợ/chồng, con/cháu cha/mẹ hoặc bạn bè/người thân. Cũng chẳng cứu và giữ một ai, dù người đó có là thân-thuộc hoặc người ngoài. Dù, đang ở trong cộng-đoàn rất chuyên-chăm nguyện-cầu, cũng thế.
Bởi lẽ, mọi cầu bàu, việc thiện-ích cũng như niềm tin-yêu ta có với mọi người đều tuỳ vào việc ta có đáp-ứng với Ơn cứu và giữ của Đức Giêsu, hay không mà thôi. Đáp ứng ở đây. Bây giờ. Đáp-ứng hằng ngày và cứ thế đáp-ứng mãi, khôn nguôi. Chuyện còn lại, những người mà ta yêu mến, thân quen cũng sẽ nhận biết được quà tặng của Đức Giêsu, qua việc Ngài cứu – giữ họ.
Trong bầu khí náo nhiệt/ồn ào của tuần cuối cùng để chuẩn bị Giáng Sinh, dường như mọi người, mọi nơi đang tìm cách kéo ta ra khỏi bản chất và ý nghĩ đích thực của lễ hội tràn đầy ân huệ những cứu và giữ này.
Hãy cứ bỏ ra vài giây phút ngắn ngủi để cho lòng mình lắng-đọng mà nhớ đến Đức Maria, bằng hành-động bắt-chước Mẹ mà đón-nhận và đưa vào cuộc sống, vào tâm can đang dao động, với món quà cao-trọng hơn hẳn mọi quà tặng của ngày lễ hội. Ân huệ cứu và giữ ấy, lẽ đáng ra, ta không xứng-đáng để nhận lãnh, nhưng vẫn được tặng ban, rất hữu-ích.
Xem thế thì, cứu và giữ không chỉ là câu chuyện vi-tính, ở thời đại hôm nay. Cứu và giữ, mới đích thực là chuyện sống còn. Sống còn và sống mãi, cả vào thời đồ đá lẫn vi tính, rất hiện đại.    
Trong tinh-thần cảm-nghiệm chuyện thời-đại vi-tính, ta lại trở về với câu thơ ở trên, lại ngâm thêm rằng:

Thiên đường đó cất dùm anh em nhé!
Giây phút nào nếu chợt nghĩ đến anh
Dù chỉ là một nỗi nhớ mỏng manh
Thì xin em hãy quay về chốn cũ.”
(Nguyễn Trung Nghĩa – Thiên Đường, Nơi Anh Có Em)

Gọi thiên-đường như thế cũng rất đúng. Bất cứ nơi nào có anh và có em, cũng đều là thiên đường hết. Bởi nơi đó, Chúa có mặt để anh và em và tất cả mọi người đều một lòng thương yêu nhau, chờ đón ngày Chúa đến lại trong mai ngày, rất phúc hạnh. Cuộc đời.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch