Saturday 6 December 2014

“Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng năm B 14-12-2014

“Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ,”
Bài thơ xanh, ánh mắt hẹn tình cờ,
Có những chữ HOA yểu điệu
Không phải đại danh từ.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Ga 1: 6-8, 19-28
Thơ xanh anh viết, có chữ Hoa yểu điệu. Thờ Yêu Ngài biên, là nguồn tư-liệu Ngài gửi mãi đến cho ta hầu ta dàn trải đến với mọi người. Đây, cũng là ý thơ và ý-từ được thánh-sử ghi chép ở trình-thuật đầy chữ “Yêu”, vào Chúa Nhật hôm nay.
Chúa nhật hôm nay vẫn được gọi là “Chủ nhật Hồng” là vì ý nghĩa của sự vui mừng, trong phụng vụ.
Vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên trong Đạo, mùa Vọng được coi như “Mùa Chay đến chậm”. Vào thời ấy, hai mùa Chay và Vọng thường kéo dài đến 5 tuần lễ. Cả hai đều được đánh dấu bằng nhưng phút giây kiêng khem, sám hối. Vào hai mùa sám hối và ăn năn như thế, tín hữu được phép có một Chủ nhật nhẹ nhàng, thư giãn, bớt chay kiêng nhiệm nhặt. Vào mùa Chay, Chúa nhật “Mừng vui lên anh em!” rơi vào tuần thứ ba, của chiều dài 5 tuần lễ.
Riêng Mùa Vọng, đến thế kỷ thứ X, được rút xuống còn 4 tuần, rất vừa đủ. Và vào thế kỷ thứ XII, thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả, lại cho phép giảm nhẹ tính nhiệm nhặt rất căng của Mùa này bằng một vài đổi thay trong việc chay tịnh, hành xác. Tuy nhiên, Chủ nhật Hồng gọi là Chủ Nhật “Mừng vui lên anh em!’ , rất phù hợp với điều mà Hội thánh muốn nhắn nhủ ta hãy nhìn trực diện vào ngày Chúa quang lâm, tái thế.
Để có thể nhìn trực diện vào một ngày như thế, ta thử quan sát nhân vật điển hình được ghi trong Phúc Âm: anh mõ làng. Anh “Mõ” hôm nay quyết hô to nơi hoang địa. Hô to, sứ vụ của Đức Chúa, để toàn thế giới nhận ra Ngài. Anh tên là Gio-an, một người chuyên trách chuyện tẩy rửa.
Qua Phúc Âm, ta nhận ra là: anh thuộc mẫu người đại diện cho lòng khiêm tốn, nhún nhường. Trách vụ của anh, là lo khai quang dọn dẹp mọi ngả đưòng đời để con người được tới với Vương Quốc của Chúa, ở thế trần. Ngày nay, có lẽ ta chẳng còn đánh giá thấp tài nghệ của cái-gọi-là “tài năng trẻ”, được phát hiện.
Phúc Âm hôm nay minh chứng: các chuyên gia này vẫn chọn Gioan Tiền Hô hay còn gọi “Tẩy giả”, để làm quan thày cầu bàu cho mình. Có giai thoại đời thường tương tự như trình thuật được kể hôm nay, đó là truyện: Fleming, nông gia nghèo sống ở Tô cách Lan, hồi thế kỷ thứ 19.
Một hôm, đang làm việc trên đồng ruộng, anh phát giác ra có tiếng khóc ré của em bé sơ sinh nào đó, từ đồng lầy, nước mặn. Fleming bỏ mặc đồ nghề, ù té chạy về phía có tiếng khóc , bèn thấy chú bé con đang nằm dẫy trong nôi, mình mẩy đầy bùn nhơ, đang ngoi ngóp giành lại sự sống quý báu, với tử thần. Chú bé mặt đỏ tiá tai, khóc gào không ngớt, Fleming bèn vực bé em ra khỏi nỗi chết đang rình rập.
Ngày hôm sau, Fleming đi lao động, lại thấy cỗ xe tứ mã tự dưng dừng lại, để hỏi thăm. Một người đàn ông dáng vẻ lịch lãm bước khỏi xe, đến gần chỗ Fleming đừng và tự giới thiệu ông là cha ruột của đứa trẻ mà Fleming đã cứu sống.Hôm nay, ông thân hành tìm đến Fleming để tỏ lòng cảm ơn anh, và muốn hậu tạ người ân nhân đáng quý, là anh.
Vốn nhà nghèo, nhưng Fleming nhất định từ chối. Quyết chẳng nhận tiền bạc của bất cứ một ai, bao giờ. Ngay lúc ấy, cậu con của Fleming xuất hiện ở thềm cửa, giương mắt nhìn và dõi theo câu chuyện đối đáp giữa cha mình và người khách lạ.
Đoán biết cậu này chắc là quý tử của ân nhân gia đình mình, nhà quý tộc đề nghị Fleming cho phép ông được đón cậu con trai anh lên tỉnh ăn học. Mọi chi phí ông sẽ nhận bảo trợ. Hai bên đồng thuận. Thiếu niên lên đường.
Bẵng đi nhiều năm, quý tử của nông gia Fleming đã tốt nghiệp tại trường y khoa nổi tiếng nhất của Anh Quốc, là đại học St Mary ở London. Anh chính là ngài Alexander Fleming, người đầu tiên phát hiện ra kháng sinh Pênixilin.
Ít năm sau đó, con trai của nhà quý tộc gặp hôm trước bị lên cơn viêm phổi, may nhờ có thần dược Pênixilin do Alexander Fleming khám phá ra, nên một lần nữa đã thoát chết. Nay, thế giới nay đã rõ danh tánh của nhà quý tộc nọ chính là ngài Randolph Churchil của Anh. Và người con thoát chết hai lần, lại là cố thủ tướng nước Anh, Winston Churchill.
Thánh Gi-an Thanh Tẩy, hiện thân cho Giáo Ước cũ, cũng đã nhận ra được là Đức Kitô đến với nhân trần, là vì con người. Cho con người. Bởi thế, thánh nhân mới khuyến khích bạn bè và thù địch hãy nhận biết Đức Giêsu chính là Giao Ước Mới. Giao Uớc Vĩnh Cửu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.
Tựa nông gia Fleming và ngài Randolph Churchill, thánh Gioan thanh tẩy có lẽ đã không nhận thức được điều mình làm, vào lúc ấy. Giống nhiều người chất phác, quê mùa nào khác, Gioan Tẩy Giả đã nhận chân Đức Kitô đích thực là Tình yêu mặc lấy hình hài rất khiếm khuyết của con người phàm trần.
Qua biệt tài khám-phá ra tài năng và qua hành động tiến cử Đức Giê-su, thánh Gio-an đã giúp cho tín hữu thời của Chúa, biết nhận thức và tin tưởng rằng những gì Đức Chúa hứa với tiền nhân thời Cựu Ước, nay thành hiện thực nơi Đức Kitô. Ngài chính là Giao Ước Mới, rất đích thực.
Thành thử, ta cũng chớ nên ngạc nhiên khi thấy Hội thánh chọn Gio-an Tẩy Giả là nhân vật chủ chốt rất thánh trong Tin Mừng hôm nay, là cốt để ta chiêm ngưỡng, và bắt chước. Đúng như ý nghĩa của Chủ Nhật Hồng “Mừng vui anh em!”, hôm nay.
Ta vui mừng, thật ra chẳng phải vì ơn cứu thoát đã nằm trong tầm tay của Đức Chúa. Mà vì, ta còn được kêu mời khám-phá ra tình yêu thương của Ngài, qua động tác nhân từ, hiền lành ta phải có.
Hôm nay, Hội thánh mời gọi và khuyến khích mỗi người chúng ta hãy ra công thực hiện và tiến cử hành vi nhân hiền mà chắc chắn ta phải và sẽ thực hiện. Thực hiện cho bằng được. Thực hiện, để lấy thiên nhiên vạn vật và ân sủng làm nòng cốt cho mọi công việc còn lại, cho ta.
Đó là ý nghĩa của mầu Hồng. Là, chủ đích của Chủ Nhật Hồng giữa mầu tím ngắt, nơi mùa Vọng. Một mùa, có sám hối, chờ mong. Hồng và tím, đó là niềm vui và hy vọng. Vui, vì Chúa đến. Hy vọng, vì Ngài sẽ lại đến lần nữa. Ngài đến nữa và đến lại, trong vinh quang Phục Sinh. Với mọi người.   
Trong tâm-tình cảm-nghiệm điều Chúa nói ở trình-thuật, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ trên, những vang vọng mà rằng:

“Chúng ta đi vào là hoa Tình Sử,
Hơi thở em hoà sương khói Đường thi.
Anh đọc cho em những giòng cổ tự
Ai-cập và cổ La-Hy.
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ,
Bài thơ xanh, ánh mắt hẹn tình cờ.
Có những chữ Hoa yểu điệu,
Không phải đại-danh từ.”
(Đinh Hùng – Đường Vào Tình Sử)

Quả rất đúng, đường vào Tình Sử, nhất thứ là thứ Tình của Đức Chúa là con đường đầy chữ Yêu. Chữ Yêu ấy, để ta còn sống thực suốt mọi thời, nơi trần thế, trong đợi chờ ngày Chúa đến với dân gian.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch


No comments: