Saturday 28 May 2016

“Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ,”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 10 thường niên năm C 05/6/2016
                                   
Tin Mừng: (Lc 7: 1-17)
Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Ca-phácnaum. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: "Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta." Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: "Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm." Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế." Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! " Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!" Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
“Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ,”
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời!”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Lc 7: 11-17
Sóng lòng ta, vẫn dâng trào như biển cả, ngoài xứ lạ. Dâng lên mãi, hầu trỗi dậy với Thánh Thần. Trình thuật thánh Luca, nay cũng diễn tả một trỗi dậy từ cõi chết để dâng cao với Thần Khí Chúa sống trong đời. Người trai trẻ thành Na-im nay đã cùng Chúa trỗi dậy, dâng cao mãi chốn miền có Chúa, có ta, có cả mọi người.
Chết rồi trỗi dậy, là đề tài được viết nhiều trong Kinh thánh, cả 4 Tin Mừng. Tin Mừng thánh Máccô đặc biệt chương 5 nói về con của Yai-rô; và, chương 9 lại cũng có nói đến trẻ bé bị ma quỷ hãm hại đến “kinh phong”. Nhiều người lại biện luận: trường hợp như thế, không hẳn đã chết thật, mà chỉ là ngủ như xác chết, thôi. Chuyện hôm nay, về người trai đã thực sự chết gọn trong quan tài đem đi chôn.
Nay, cũng nên suy thêm về từ-vựng “chết” hoặc “nằm chết gọn” nói ở trình thuật. Sự việc Chúa nói hoặc vực dậy người chết cho trỗi dậy, nghe cũng lạ. Đôi lúc, chỉ có nghĩa: “hãy ở sạch”, hoặc: “hãy đứng dậy đi”, là từ-vựng mang tính ảo thuật bên tiếng Aram tương đương với từ “Ephata” tiếng Hy Lạp khi Chúa chữa lành cho người điếc nặng. Từ-vựng này đi kèm dấu chỉ, lời thầm thì, rên rỉ hay sao đó, có người gọi đó là lời cầu không công thức. Là, âm thanh có đính kèm một sờ chạm, đụng vào người. Với người điếc nặng, Chúa dùng nước miếng để sờ chạm và Ngài đưa ngón tay vào tai người điếc là tác- động cụ thể để nên việc. Tất cả, chỉ để gợi lên cung cách hành nghề của pháp-sư và phù thủy thời trước khi các vị này cũng có “quyền-năng cái-thế” hay sao đó với thần hồn người chết.
Phần đông dân thường thời trước, vẫn tin là: người có “quyền-năng cái-thế” vẫn mang trong mình thần-linh nào đó và nhờ thần linh này, họ có uy có quyền vực dậy thần hồn của người khác, đặc biệt là người chết. Chính vì thế, họ có khả năng vực người chết trỗi dậy để đưa về lại với cuộc sống bằng cách ra lệnh cho thần-hồn người ấy ra khỏi cõi chết, tạo sinh khí cho xác-thể trở về y như cũ. Và, dân thường thời ấy định danh cho sự kiện này là “gọi hồn” hoặc “thần-thiêng-hoá” xác chết.
Thông thường, thần linh thần hồn như thế, có thể làm được chuyện sống lại. Có ảo-thuật-gia còn sử dụng người chết cho mục đích đó. Văn chương thời cổ ngoài kinh thánh, đặc biệt là nghệ thuật Đạo Chúa thời tiên khởi, cũng diễn tả việc Chúa làm phép lạ cho người chết trỗi dậy bằng cây gậy mà ảo-thuật-gia khi xưa vẫn làm. Chuyện này, có ý bảo: người chết yểu hoặc chết tức tưởi vẫn muốn hoạt động ở thế trần, như khi trước.
Người “quyền-năng cái-thế”, hay dùng gậy để sờ-chạm vào bệnh-nhân hoặc kẻ chết khiến họ lành lặn mà trỗi dậy. Nghệ thuật Đạo vào thế kỷ thứ 3 và 4, cứ vẽ lên ảnh-hình Chúa dùng gậy để chữa lành cho người bệnh hoặc khiến người chết sống lại. Các hình trên mộ-cổ La-Mã cho thấy: gậy đây, không là gậy để đi, hoặc hộ mạng khi bị công kích. Gậy đây, không là khí-cụ mạnh mà chỉ là cành nhỏ bẻ gập. Có hình còn cho thấy Chúa đã khiến cho ông Lazarô sống lại cũng bằng cây gậy thần-kỳ này. Sách Công vụ kể thánh Phêrô là ảo-thuật-gia vĩ-đại cũng từng dùng “cây gậy” đập cho đá văng khỏi vách, hệt như Môsê khiến cho biển cả tách làm hai cột nước. Tóm lại, nhiều đoạn-văn tả việc sờ-chạm vào người bệnh cũng hệt thế.
Thời Chúa sống, khi Hêrôđê giết chết Gioan Tiền-Hô, nghe nói thánh-nhân đã trỗi dậy nhưng thay vì sống như người thường, thánh-nhân lại “nằm gọn” trong Đức Giêsu, tức ở với Chúa và trong Chúa. Nói thế, không có ý bảo: Chúa bị thần-tính của thánh Gioan Tẩy Giả ám ảnh, mà là: Chúa sử dụng thần-hồn của thánh-nhân ‘phụ lực’ Ngài khi có yêu cầu, cả vào khi Ngài làm phép lạ, nữa. Sức mạnh bên ngoài đã vực thánh-nhân trỗi dậy ra khỏi sự chết và trao thần-tính của thánh-nhân cho Chúa sở-hữu vẫn mời gọi thánh-nhân làm phụ tá cho Ngài. Chúa có thể vận-dụng thánh Gioan Tẩy Giả sau khi ông chết để có tác-dụng như một phép lạ, thôi. Có vị lại nghĩ về giả thuyết bảo rằng: Chúa có làm thế cũng để kết-nối tác-tạo với thần-khí Êlya.
Thành thử, vấn đề đặt ra, là: Chúa có là ảo-thuật-gia hay nhà phù-thủy không?
Trường hợp của Chúa, có vấn-nạn bảo rằng: quyền-uy Ngài xua đuổi tà-thần, chữa lành người bệnh và vực dậy người đã chết. Không quyền-uy nào như thế được trình bày như thể độc-quyền chỉ mình Chúa mới có. Quyền đó không là kết quả thần linh “bắt quyết” Ngài theo cách sao đó. Nhưng thật sự, Chúa có thể sử dụng quyền năng như Ngài muốn, chứ không vâng nghe theo lệnh của bất cứ thần-linh nào hết. Chính Ngài tự định-đoạt sự việc lúc nào thì sử dụng và sử dụng ra sao quyền-bính của Ngài, chỉ mỗi thế.
Là Chúa, Ngài trao đổi lời thề-nguyền, rời bỏ quyền-uy khuynh-loát, chỉ sử dụng nó với mục đích nào do Ngài định đoạt. Ngài trao ban quyền-bính cho nhóm người được Ngài tuyển chọn. Ngài còn thổi Thần Khí vào con người họ, lúc còn sống. Theo tư duy Do thái, thần-hồn và hơi thở cũng giống nhau. Người xứ Địa-Trung-Hải thời đó, cũng nghĩ rằng: “thổi hơi” là việc của ảo-thuật-gia vẫn từng làm. Thông thường, Chúa trông giống ảo-thuật-gia tối cao vẫn trao quyền cho người vừa mới gia nhập cộng đoàn.
Còn, pháp sư là người có được quyền bính từ những quan-hệ trao-đổi với thế giới thần-bí. Ông ta làm việc này, bằng các động-tác linh-thiêng đặc biệt trong đó có chuyện gọi mời, lên đồng hoặc đối tác với thần linh bí-ẩn. Gọi mời, có thể là việc chân-truyền nhưng thường thì không thế. Việc đó, thường do quyền-năng ở cấp độ cao hơn đã tuyển chọn mình và người được chọn tuy cũng có quyền-uy như thế, lại không được phép khống-chế quyền-bính ở cấp độ cao hơn mình.
Việc “lên cơn nhập hồn” bao gồm chuyện cách ly, để thực thi một số động tác tự hủy như: ăn chay, sống độc thân thanh khiết, liên-lỉ cầu nguyện và tôi-luyện thần-trí. Trao đổi với thần khí, thường ngang qua động tác co giựt, hôn mê, nhập-hồn lúc hồn tạm thời rời khỏi xác trong chốc lát. Vào trường hợp tương-tự như trường hợp độc đáo của pháp sư. Bởi, pháp sư là người duy trì trí nhớ và xui khiến thần tính thâm nhập xác thể một cách linh động, mà người ấy không sợ bị thần-bí kềm-chế. Pháp sư đầy kinh nghiệm, còn có thể là người tương-tác trực-tiếp với thần linh độ-lượng nên có thể hành xử như người chữa lành, trừ quỷ và hành nghề đồng bóng.
Vậy hỏi rằng: Đức Giêsu có là pháp sư như thế không?
Thật ra thì, việc pháp sư “gọi hồn” và “lên đồng” với việc Chúa lĩnh chịu thanh tẩy cũng như chấp nhận để ma quỷ cám dỗ có nét song hành, na ná. Thế nhưng, Tin Mừng không thấy nói đến chuyện Chúa bị “nhập hồn” mê mẩn và cũng chẳng thấy Chúa có hành vi nào dựa vào uy-lực ngoại-vi làm đặc điểm con người của Ngài. Và, Chúa thực-hành việc tự-huỷ để trở thành hư không/trống rỗng mà không muốn có lợi cho Ngài. Đằng khác, Ngài luôn cương quyết san sẻ quyền năng của Ngài cho người khác.
Vả lại, nơi Ngài luôn có sự hiện-diện của “Thần Khí Thánh Ái” ở với Ngài. Thần Khí Ngài làm được tất cả, từ thổi hơi sống động cho mọi người được sống linh-hoạt, lẫn vực dậy người chết trở về với lối sống thân thương, đổi mới, thành con người mới không tồi tệ.  Như Tin Mừng nhấn mạnh, việc Chúa làm đã khiến mọi người kinh-hãi và tôn-vinh Thiên Chúa bằng những câu: “Một ngôn sứ cao cả đã trỗi dậy giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài.” (Lc 7: 16)
Chắc chắn một điều, là: hành-tung của pháp-sư chỉ để đối-đầu với thần-linh khuynh-loát, để rồi tự đặt mình dưới uy lực tà-thần luôn đè-bẹp mình vào cõi chết. Còn, Đức Chúa của ta chỉ vực dậy kẻ đã chết về tâm hồn lẫn xác thể, để họ biết mà sống sao cho Thiên-Chúa-là-Cha được tôn-vinh, cao cả. Đấng Cao Cả ở trên cao, nay bằng lòng giáng-hạ để sống chung và cùng sống với kẻ nghèo hèn đến nỗi chết, ngõ hầu cho họ được trỗi dậy mà sống cuộc đời cao cả làm dân con Chúa, với muôn người.
Cảm nghiệm tôn vinh Chúa là Đấng luôn vực dậy kẻ yếu hèn, ta hãy hát lên lời thơ vang rằng:

“Máu tim ta tuôn ra làm bể cả,
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi.
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ,
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.”  (Hàn Mặc Tử - Biển Hồn Ta)

Biển hồn ta, nay có Chúa vực lên chốn cao cả có sóng lòng rồn rập, mây trôi. Sóng lòng ấy, nay vẫn dâng cao, dâng cao tột để người người quyết tôn-vinh Chúa, Đấng Cao Cả đã hạ giáng viếng thăm dân con Người mãi không thôi, chẳng chấm dứt.                 

Lm Kevin O’Shea CSsRm - Mai Tá lược dịch.

Saturday 21 May 2016

“Tình đã đến trong những ngày độc dược,



Suy Tư Tin Mừng Lễ Mình Máu Chúa năm C 29/5/2016
                                   
Tin Mừng: (9: 11b-17)
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.

Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." Đức Giêsu bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

“Tình đã đến trong những ngày độc dược,
Trong nhựng ngày rữ nát mọi tinh-hoa.
Trong những ngày sự sống diễn ra,
Bằng điên-dại dẫm bừa lên sự sống.
Nhìn nhau đi em để thấy những giòng xanh,
Hạnh-phúc trần-gian đang lăn từ khoé mắt.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Nhìn nhau đi, để thấy được giòng xanh hạnh-phúc. Giòng xánh ấy, rất dễ thấy nơi dân-gian cuộc đời có Chúa, có Mình và Máu Chúa như trình-thuật hôm nay còn diễn-tả nơi Tiệc Thánh, rất agapè.
Mừng tiệc thánh agapè mỗi tuần, cộng đoàn nơi tôi ở vừa tái thiết nguyện đường cho an toàn, hợp lý. Một trong những điều tôi cảm thấy lạ, là: cửa Nhà Tạm Chúa ngự được làm bằng kính, rất sáng trong. Trong đến nỗi, ánh sáng bên ngoài có thể lọt vào, để lộ hiện nguyên hình chén thánh. Và đây cũng là lần đầu, tôi cảm thấy yếu tố này đã đánh động, thu hút lòng Đạo nơi tôi và chắc cũng là của một số anh em.
            Phản ứng của anh em chúng tôi cũng đa dạng, đôi lúc thật lạ lùng. Người cho rằng: làm thế không trang nghiêm, thiếu tôn kính. Kẻ bảo là: lập trường cấu trúc cũng không tệ. Tựu trung, đa số đã bày tỏ sự đồng thuận, là: hãy nên để thế. Để như thế, vì Mình Thánh Chúa là Thực phẩm nuôi sống chúng ta, mỗi ngày.
Mỗi ngày, ta nhìn thấy Ngài, rất muốn sẻ san. Ngài là thực phẩm, nên cũng cần mang dáng dấp chào mời, dễ bẻ vụn và phải đổ tràn ra bên ngoài bằng yêu thương, vô bờ bến. Đó, chính là động tác Chúa thực hiện vào Tiệc Thánh, chiều Thứ Năm hôm trước ngày khổ nạn. Và, đó cũng là việc ta vẫn làm mỗi tuần, ngày của Chúa.
            Ngày của Chúa, nhiều vị thường diễn tả việc dự Tiệc thánh như thói quen nguyện cầu, dâng tiến. Tệ hơn, có người lại coi việc cử hành Tiệc như màn độc diễn của vị chủ tế trên bàn thờ. Giáo dân  tham dự chỉ với tính cách người dự khán, thôi. Nghĩa là, chỉ đến rồi đi. Đi xem lễ. Đến nhà thờ. Nhất nhất, để thực hiện tổng cộng những sáu điều Hội thánh khuyên răn. Không đi không đến e sẽ mắc tội. Và, là tội trọng.
            Vốn mang trong người phong thái ấy, nhiều người vẫn hay đến trễ, về sớm. Chỉ đứng xa hoặc loanh quanh ở ngoài, hút thuốc nói chuyện hoặc liên tưởng chuyện làm ăn nào khác. Tuyệt nhiên, không mang dáng dấp tích cực, hợp tác nơi bàn tiệc. Tiệc Thánh, trước tiên và nhất thiết phải là động thái tích cực của cả cộng đoàn.
Bởi, tự bản chất, ý nghĩa của Tiệc là như thế. Chí ít, ta tham dự Tiệc là để thật sự ăn Mình Chúa, và uống Máu Chúa , như được dạy bảo. Nói cho cùng, tham dự Tiệc không là chuyện đơn độc riêng lẻ, nhưng là việc của cả cộng đoàn. Cộng đoàn tình thương. Dự tiệc lòng Mến, dự rất đông và tích cực.
            Dự Tiệc ngày của Chúa, ta cùng nhau đến vì Thân Mình Ngài. Cùng đến, như những người thân yêu chung tình, cùng ăn cùng uống. Cùng chung sức sống. Đến để bày tỏ lòng biết ơn chân thành, đối với Ngài. Đến, vì “Thánh Thể” thật sự mang ý nghĩa một cảm tạ.
Ta đến, không phải vì sợ phạm vào điều khuyên thứ ba Hội thánh luôn răn giữ. Ta đến, không vì sợ tội. Không vì sợ vi phạm giới răn Hội Thánh Chúa, khuyên giữ. Ta đến, cũng chẳng phải là giữ chỉ để giữ. Giữ vì sợ mắc tội. Giữ, nhưng không mảy may thuyết phục. Thành thử, có người cứ đến trễ và về sớm; và họ cũng chẳng thấy cần phải lưu lại đôi phút để hàn huyên, chia sẻ những tâm tình người đồng Đạo.
            Đến dự Tiệc thánh, tuyệt nhiên không là đi “xem lễ” như ta lầm gọi. Bởi, đi xem là xem vị chủ tế độc diễn màn dâng tiến một mình, trên bục cao. Ngược lại, đến dự Tiệc Thánh là việc tham gia vào việc chung. Tham dự và gia nhập tiệc vui rất chung. Ăn chung uống chung, cũng một Mình Máu Rất Thánh của Chúa. Ăn và uống chung, rất công khai, đầy hưng phấn. Như Chúa từng bày tỏ: “Bằng vào việc này, mọi người sẽ biết các anh là môn đệ của Thầy, anh em hãy thương yêu nhau” (Yn 13: 35). Và, “Xin cho chúng nên một để thế gian biết Cha đã gửi Con đến” (Yn 17: 21-23)
            Đến dự Tiệc, mà mang tâm trạng đơn độc lặng thinh, là chưa hiểu ý nghĩa của sự đồng tâm cộng lực,chung lòng mến. Đến dự Tiệc, là cùng mang tâm tưởng thâm sâu đượm tình mật thiết của cộng đoàn kẻ tin.
Tiệc Thánh, không là thời điểm ta tác tạo nên cộng đoàn, mà thôi. Nhưng, là thời gian giúp ta cử hành mừng kính đặc điểm cùng nhau chung phần vui hưởng của cộng đoàn. Thật đáng tiếc: hơn bốn thập niên thời hậu Công Đồng đã trôi qua, mà nhiều vị vẫn còn nhấn mạnh đến yếu tố tu đức cá thể. Chỉ nhắm mục đích tìm sự “rỗi linh hồn”, riêng mình ta thôi.
            Vì thế, người dự Tiệc ngày Chúa nhật vẫn cứ hành xử như khách lạ, vừa đến thăm. Khách đến, thiếu vắng cả nụ cười, tối thiểu. Thiếu tình thương. Hợp tác, đùm bọc. Cả khi, lời “chúc bình an, tay nắm tay” trao cho nhau, cũng chỉ là động tác lấy lệ. Chỉ như phản xạ tự nhiên, rất quen làm. Khác hẳn tâm tình người dự tiệc mừng ngày sinh, rất thân thương.
Nói rộng hơn, dự Tiệc Thánh không chỉ đến để nhận bánh thánh hiệp thông, rất giản đơn. Mà, để chia sớt và cùng sẻ san một Bánh Thánh là Mình Ngài. Cùng uống chén Máu cứu độ của chính Ngài. Mình và Máu Đức Chúa đã Phục sinh. Mình Thánh Chúa ta lãnh nhận, không chỉ riêng Mình Đức Kitô thôi, nhưng còn là thân mình của cả cộng đoàn, vẫn được coi như chi thể thân thương đã tháp nhập vào Thân Mình Đức Kitô, đang hiện hữu.
            Qua sẻ san Mình và Máu Thánh Chúa, cộng đoàn tình thương mới nhận ra rằng: không chỉ riêng có Đức Kitô đến với ta, mà thôi. Nhưng, là cả Thân Mình Ngài có cộng chung chi thể, là cộng đoàn thân thương ta sống cùng, và sống với.
Ở một số cộng đoàn, nhiều vị có thói quen bái gối trước khi đón nhận Bánh Thánh. Nếu đây là cử chỉ thông thường nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng cũng nên bái gối trước cộng đoàn đang xếp hàng đón nhận Thân Mình Chúa vào bên trong mọi người.
            Tóm lại, hiệp thông nhận đón Chúa, không chỉ riêng Đức Kitô đến với ta mà thôi. Mà còn là, cộng đoàn tình thương đã ở trong ta. Với ta.
Thành thử, khi nhận Bánh Hằng Sống vào tay và đáp lời “Amen”, ta đã nghiêm túc nhận lời mời trở thành thân mình Chúa. Thân Mình Ngài, đã vụn thành tình thương yêu. Máu Ngài đã đổ tràn hy vọng. Nhờ đó, thế giới được cứu thoát khỏi con người mình. Khỏi cái “mình” xấu xa, đớn hèn. Và từ đó, tìm được sự sống trọn vẹn nơi Chúa.
Có Chúa ở với và ở cùng, đón rước Mình và Máu Ngài, ta ngân vang lời thơ của thi-sĩ họ Hàn, rằng:

Ta há miệng cho Nguồn Thơm trào vọt:
Từ thời Xuân! Từ Thờ Xuân non nước!
Phút thiêng-liêng nhuần gội ánh thiều-quang,
Thiên-hạ bình và Trời tuôn ơn phước,
Như triều-thiên vờn lượn khắp không-gian.
Ta cao ngân, giọng vô-cùng thanh-thoát,
Khiến châu-thân rung-động thể tơ trăng.”
(Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)

Vâng. Đúng thế. Nguồn Thơm đã thấm-nhập vào châu thân rung-động của chính ta. Của cả cộng-đoàn và mãi mãi, ta sẽ vui vầy Tiệc Thánh mến yêu Mình Máu Chúa, rất agapè.

Lm Richard Leonard sj - Mai Tá lược dịch.

Saturday 14 May 2016

“Con quỳ lạy Chúa ở trên cao,”



Suy Tư Tin Mừng Lễ Chúa Trời Ba Ngôi năm C 22/5/2016

                                                            Tin Mừng: (Ga 16: 12-15)

            Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”


“Con quỳ lạy Chúa ở trên cao,”

“Nguyện xin mà mắt lệ bỗng trào.
Bao năm khôn lớn đời chen lấn,
Một kiếp con người cứ lao-đao.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Thị Tê Hát)

            Lao đao phận người, là kiếp bạc. Kiếp bạc phận, chẳng phải người đời luôn chen lấn. Lấn chen, bạc phận, lao đao, chắc hẳn vì người chẳng hiểu lòng Chúa yêu thương. Yêu trọn tình người, rất Ba Ngôi.
Tình Chúa Ba Ngôi, là chủ đề phụng vụ Hội thánh muốn dân con nhà Đạo, hôm nay hiểu thấu đáo. Chẳng thế mà, cả trình thuật thánh Gioan lẫn thư thánh Phaolô đều nhắc nhở: Thiên Chúa là gia đình của tình yêu thương.
Hiểu thấu tình Cha Ba Ngôi, thiết nghĩ ta không cần phải vật lộn với tín lý trừu tượng, hoặc với bài tính toán rất mâu thuẫn, vẫn đòi cho được 3 phải bằng 1. Đòi như thế, vì nhân sinh loài người chỉ muốn tìm cho ra ý nghĩa của mọi vật. Người nhà Đạo vẫn tìm đòi cắt nghĩa niềm tin yêu thương của Đức Chúa bằng những ảnh hình cụ thể, giống như in.
Trong khi đó, có những chuyện đời thường vượt hiểu biết của loài người, Như gần đây, nhà khoa học nổi danh Stephen Hawkings đã phải thú nhận là ông thôi không kiếm tìm giải đáp toán học khả dĩ cắt nghĩa sự hiện hữu của mọi vật. Chẳng hạn như, mấy ai thấy được nguyên tử ra như thế nào, nhưng cứ tin nó hiện hữu như nhà khoa học đã tin.
Nói thế, không có nghĩa bảo rằng: ta chối bỏ sự hiện hữu hoặc chân lý của sự vật,  sự hiện hữu của đời người, lý lịch rất “người” của các nhân vị. Nhưng, tất cả đều là những điều ta không thể nào hiểu, cho trọn vẹn.
Xem như thế, thay vì giải thích sự hiện hữu của Đức Chúa Ba Ngôi theo phương thức toán học, ta hãy đi vào “tình yêu của Đức Chúa”, như thánh Phaolô đã có thư cho cộng đoàn Rôma: “Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu của Ngài đổ vào lòng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.” (Rm 5: 1-5)
Lâu nay, nhiều người vẫn thường bảo: khoa học hiện đại đã cướp đi những bí hiểm của cuộc đời. Điều này không chối cãi được. Bởi, khoa học ngày nay đã và đang khám phá ra nhiều điều về nhân sinh vũ trụ, từ mức độ vi ti nguyên tử đến lớn lao như giải ngân hà, những nhiều bí hiểm về sự việc, hiện rõ lên . Tuy nhiên còn rất nhiều điều về thế giới sự vật vẫn còn là những dấu hỏi chưa có lời giải đáp, vậy sao ta đòi hiểu rõ Đấng Linh Thiêng Tác Tạo, Đấng tạo nên thế giới sự vật ấy.
Điều quan trọng phải rõ, là khi nói Ba Ngôi Đức Chúa là nhiệm tích, ta không có ý bảo: thật khó thẩm nhập vào vòng nhiệm tích ấy. Nhiệm tích, là ngôn ngữ nhà Đạo muốn nói về những điều khi xưa không hiểu, nay được mặc khải cho cộng đoàn kẻ tin, để sẻ san. Thành thử, muốn tham gia làm hội viên cộng đoàn, điều trước tiên cần có chính là niềm tin và lòng thương xót. Tin Chúa như Người Cha, tin Chúa như Con Ngài được gửi đến với chúng ta. Ngài chính là Đức Kitô Giê-su mà ta tin như Thần Khí vẫn dạy dỗ hướng dẫn chúng ta. Ở đây. Và, bây giờ.
Dù, thực tế bên trong của Ba Ngôi Đức Chúa là điều ta không thể xâm nhập được lúc này, nhưng vẫn có nhiều điều về Ba Ngôi Đức Chúa ta vẫn biết nhờ những gì các Ngài làm. Qua động thái các Ngài hành xử, ta hiểu được các Ngài là ai. Hiểu được cả nội tâm bên trong của các Ngài, nữa. Hiểu được là hiểu tương quan giữa các Ngài với nhau và tương quan giữa các Ngài với ta.
Ba Ngôi Đức Chúa được diễn tả rõ hơn qua ngôn ngữ của thần học. Trước tiên, là 3 “vai trò” của Cha thể hiện trong Sách thánh. Kể cả sách Đạo của người Do Thái, lẫn Thánh Kinh của Kitô giáo. Ba bài đọc hôm nay là ba chứng cứ rõ rệt nhằm nói lên nhiệm tích này.
Bài đọc sách Châm Ngôn, cho ta biết Thiên Chúa là Cha và cũng là Hiền Mẫu, Đấng Tác Tạo cuộc sống và các hữu thể sống động. Ngài là Đầu Hết và Cuối Hết của mọi vật, mọi cuộc sống. Ngài là Nguồn Mạch nuôi sống Chân lý và Tình Yêu. Ngài còn là Ngôi vị của Tình Yêu và Lòng Thương Xót, nguồn cội của sự khôn ngoan.
Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô kể thêm để ta hiểu rõ về Tình Yêu Thiên Chúa đã tỏ lộ cho ta qua Ngôi vị của Chúa Con, Đức Kitô Giê-su. Chúa Kitô là Mặc-khải Hữu-Hình, mang tính rất người. Ngài là sự tỏ bày của Tình Yêu và Lòng Thương Xót Chúa ban cho toàn thế giới. Tình Yêu Chúa đạt đỉnh cao ngang qua biến cố Chúa chịu nạn, rồi chết đi và trỗi dậy về lại với Sự sống.
Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa mà khi xưa ta không thấy và không hiểu, đã chấp nhận mặc lấy hình hài của con người, để giúp ta biết được phần nào bản chất đích thật của Ngài. Để rồi, ta sẽ ra đi đến với Ngài. Đức Giê-su đã thực sự cất lên cây cầu nối kết loài người với Thiên Chúa là Cha.
Cuối cùng, ta biết được Thiên Chúa nhờ Ngôi vị Thánh Thần đào tạo hun đúc mọi hiểu biết cho ta. Ngài hướng dẫn, dạy dỗ, đánh động và ủi an cũng như củng cố mọi người chúng ta. Ta gặp Đức Chúa là nhờ Thánh Thần Ngài họat động ở trong ta. Họat động qua chính chúng ta, Ngài cũng đến với người khác. Ngài luôn luôn sáng tạo, tái tục và khiến mọi sự trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn. Thánh Thần Chúa đôi khi còn gọi là “Hồn của Giáo Hội”. Không có Hồn, Giáo hội chỉ là  thể-chế, rất phàm tục.  
Cảm nghiệm được Ba Ngôi Đức Chúa nhờ có niềm tin yêu như thế, ta sẽ không còn thấy “kiếp con người sao vẫn cứ lao đao” nữa. Nhưng, biết thuận theo lời mời của Thiên Chúa để ấp ủ Ngài vào lòng, với tình Xót thương sẵn có. Ấp ủ trong lòng Ba Ngôi Đức Chúa, cả ở nơi ta đang sống. Sống trọn tình yêu thương tin tưởng như ta vẫn làm, bấy lâu nay.
Sống trọn vẹn tin yêu với Ba Ngôi Đức Chúa, ta sẽ trở nên những gì Cha biết  ta có thể trở thành. Làm như thế, không phải để nói rằng: muốn đạt đến Ba Ngôi Đức Chúa, ta phải đạt sự tốt lành trước đã. Mà là, đạt tình yêu và lòng thương xót của Ba Ngôi trước, tự khắc ta sẽ đạt mọi tốt lành, chuyện dĩ nhiên thôi.
Mừng Lễ Cha Ba Ngôi hôm nay, ta cử hành mừng kính sự mật thiết cao trọng nơi phẩm vị của Ba Ngôi Đức Chúa. Mừng Kính Chúa Ba ngôi, ta còn được mời gọi để dấn thân tiến bước. Dấn thân tiến bước, là tập trung bước vào sự mật thiết của Cha, Con và Thánh Thần Chúa.
Và, khi quyết-tâm tham-gia vào sự mật-thiết của Chúa Ba Ngôi, ta sẽ hân-hoan cất tiếng cùng người nghệ-sĩ trẻ khi trước, mà hát rằng:

“Ta rong chơi phiêu-lãng cuối trời,
Đời bọt bèo phù-du kiếp người.
Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười,
Và đời còn mùa hạ tươi vui.
Và lòng còn nhiều điều muốn nói,
Hãy thắp sáng tâm-hồn
Cháy lên trong tim mỗi người
Những yêu thương cho cuộc đời
Mùa hạ ơi, tình phơi-phới.”
(Lê Hựu Hà – Vào Hạ)

Vâng. Vào hạ, là đi vào sự ấm-áp của Tình Chúa Ba Ngôi, luôn mật-thiết. Ở nơi đó, mọi tâm-hồn đều thắp sáng lên. Cho dù, còn đó kiếp người vẫn lao-đao. Bởi, đời người vẫn còn mùa Hạ tươi vui. Vui, như tình thương-yêu Chúa tỏ-bày với con người, rất Ba Ngôi.

Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá lược dịch.