Saturday 26 November 2011

“Nay trở về, vẫn còn như mới mẻ,”


Suy niệm Chúa Nhật thứ Hai mùa Vọng năm B 04.12.2011

“Nay trở về, vẫn còn như mới mẻ,”
“Bao mùa thu, hoa vẫn vàng như thế.”
(dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)
Mc 1: 1-8

Nhà thơ trở về, đã thấy mọi sự vẫn như thế. Riêng nhà Đạo trở về, để được những gì Chúa nhắn gửi khi xưa Ngài đã hứa ? Điều Chúa hứa, là những điều được thánh sử ghi lại ở trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật thánh Máccô nay viết về việc Chúa trở về. Ngài về với Giáng sinh. Về với an bình Ngài từng hứa. Trình thuật, ngay từ đầu, thánh Mác-cô đã trích dẫn câu văn rút từ sách Ysaya nói về việc người người chuẩn bị đường lối sống để Chúa trở về với dân con của Ngài vào những ngày sau lưu đày. Dù có ngang qua mọi khổ ải, nhưng người người đều hy vọng về với Đất lành Chúa hứa ban. Đất lành đây, không chỉ là đất miền sỏi đá, rất thể lý. Nhưng, còn là hành trình nội tâm ngay bên trong sa mạc nhiều đá sỏi. Đó, còn là hành trình về với sự khôn ngoan được giấu kín. 

Với Ysaya, hành trình dân con Chúa trở về thật ra chưa hoàn tất. Thật vậy, hành trình của mọi người vẫn còn tiếp tục. Mỗi người và mọi người, cần tạo đường lối tốt lành để ngang qua đó mà dấn bước, trước khi hoàn tất thời lưu đày nơi dân gian. Dân gian, dù người người đã được tái cư, nhưng chưa hẳn là đã thật sự “trở về”. Chỉ trở về thật sự sau khi đã hoàn tất hành trình lưu đày của mình. Và lúc đó, người người mới được tỏ bày cho thấy rằng mình là hoa trái được chúc phúc, từ cung lòng thân yêu của Chúa, thôi.

Chủ đề “ngày trở về” cứ diễn tiến, là ý tưởng làm nền được thánh Máccô đề ra để mọi người suy nghĩ. Khởi đầu Tin Mừng do mình đề xuất, thánh Mác-cô có nói: “Như đã viết trong sách Ysaya… Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa đi.” (Mc 1: 1-3) Đây chính là tin vui mừng về Lời của Chúa theo bút pháp riêng biệt của thánh Mác-cô như quyển thứ hai sách Ysaya. Tin mừng, theo bút pháp của Ysaya, là triển vọng về sự trở lại sau ngày lưu đày. Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo điều ấy. Và chính Đức Giêsu cũng sẽ theo đường lối ấy mà thực hiện theo cung cách mới. Cách thế của một trở về, rất mới mẻ.

            Ở nội dung ngôn từ của Ysaya, có ba “thời khắc” cho thấy rõ sự trở về này: 

Trước hết, Giavê Thiên Chúa sẽ giải thoát con dân Ngài khỏi quyền lực bức bách từ phía dân ngoại và từ ngẫu thần của họ. Tức, ra khỏi nền văn hoá thống trị và hệ thống giá trị có từ đó. Nói tóm lại, thì thời khắc đầu là: thời giải thoát

Thời khắc tiếp đến, là lúc dân con Đạo Chúa dấn bước dõi theo con đường được Giavê Thiên Chúa vẫn hướng dẫn. Thời khắc, của hiện trạng “dấn bước” mà ra đi. 

Và cuối cùng, tất cả đều cùng đi và cùng đến với Giêrusalem, đất miền tuyệt diệu có sự hiện diện của Giavê Thiên Chúa như chính Đức Vua. Ở nơi đó, có Vương Quốc Nước Trời đến với họ. Chính đó, là thời khắc của hiện trạng nay “đạt đến”.

Thánh Mác-cô theo cung cách Ysaya quyển 2 đề cập đến ba giai đoạn tương tự, ở Tin Mừng:
Giai đoạn một, là thời khắc Chúa thực hiện sứ vụ giảng rao “Tin Mừng” ở Galilê. Nơi đây, Chúa chữa lành cho người tật bệnh. Xua đuổi loài quỷ dữ cứ quẩn quanh. Và, dân gian quần chúng cứ tuôn đến với Ngài để được cứu. Đây chính là thời “giải thoát” rất rõ nét. 

Giai đoạn hai, là giai đoạn Chúa lên đường “đi Giêrusalem” sau sự kiện thánh Phêrô tuyên xưng nhận biết Chúa là Đấng Mêsia rất Cứu Độ. Chúa quyết định tỏ lộ lý lịch Ngài là Mêsia Đấng chấp nhận khổ đau, sầu buồn để thực hiện điều Cha muốn. Đã ba lần, Ngài từng nói sẽ đi dần vào cõi chết và sau đó sẽ trỗi dậy từ chốn ấy, trong ba ngày. Nghe thế, dân con đồ đệ đã rời bỏ, vụt biến mất. Chỉ những ai ở lại với Ngài, mới biết được đường lối Ngài chịu đựng khổ đau/sầu buồn thôi. Và, đây là giai đoạn “dấn bước” vào với sự chết và sống lại.

Giai đoạn ba, là giai đoạn cuối cho thấy Chúa đi dần về với Giêrusalem, nơi Ngài chấp nhận sự chết và sống lại vinh hiển. Chính Ngài và dân con Ngài phải “đạt đến” sự chết-và-sống-lại, rất đích thực.

Dẫn chứng trên cho thấy: đây là nét song hành đặc biệt giữa điều được gọi là “Ysaya thứ hai” và phần hai sách Tin Mừng do thánh Mác-cô ghi. Con đường dẫn đến Giêrusalem, là: “dấn bước” mà đi vào và đi tới. Chính động thái song hành này, đã cho thấy chiều kích tự tại, rất đặc biệt.

Ở Ysaya quyển hai, đường lối mới ở đây là học cách thi hành trình thuật khôn khéo nhờ đó bất cứ con dân nào ở lại với Chúa, giống như đồ đệ Ngài, đều phải học hỏi để hiểu và biết Giavê Thiên Chúa. Học về Chúa, rất chầm chậm. Học với Chúa, để tinh thông.

Thánh Mác-cô còn nhận định: khi Chúa thiết lập hành trình về với Giêrusalem, Ngài đã loại bỏ toàn bộ sinh hoạt của Người Con từng rong ruổi đường dài để hiện thực một sứ vụ, cũng rất mới. Và, đó là lúc dân gian quần chúng đã vụt biến. Và khi ấy, nhóm đồ đệ Chúa được giáo huấn theo cung cách khác thường, rất đặc biệt. Đặc biệt là, học hỏi Chúa rất chầm chậm.

Tựa hồ như ở sách Ysaya, đồ đệ Chúa được hướng dẫn để đi theo đường lối mình chưa biết đến vì mù và loà như sách Ysaya nói. Các thánh được hướng đưa và dắt dìu, như lời Chúa khi xưa nói: “Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tường, trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu họ bước đi. Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi họ, và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng. Những điều ấy, Ta sẽ thực hiện, không bỏ sót điều nào.” (Ys 42: 16)

Chủ đề “mù loà” và hồi phục thị giác đã được thánh Máccô ghi rất chi tiết ở Tin Mừng do thánh nhân viết ngang qua hai sự kiện chữa lành: một về người mù thành Bétsaiđa (Mc 8: 22-26) và một về người mù thành Giêrikhô (Mc 10: 46). Rõ ràng, đây là phong cách đặc biệt  được thánh Mác-cô sử dụng rất thường nhật, ở trình thuật. Bằng cách này, thánh nhân vẫn đưa vào phần trước và sau ở đoạn cuối Tin Mừng lời bàn về tính đặc trưng/đặc thù nơi đồ đệ Chúa, bằng một khẳng định: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? (Mt 8: 18) Thật ra thì, đồ đệ Chúa chỉ mù và loà về chiều kích khổ đau Chúa chấp nhận. Đồ đệ dấn bước theo Ngài là những người quyết chấp nhận học hỏi tuy rất chậm về giáo huấn khổ đau/sầu buồn Ngài từng chịu.

Giáo huấn này, được Chúa nói trước những ba lần về cuộc thống khổ của Ngài. Đỉnh cao ba đoạn văn này là đoạn 10, câu 42b đến 45, qua đó thánh sử đã lại viết: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." Tin Mừng thánh Mác-cô viết, có đoạn còn qui rõ về cái chết của Chúa, như ở trên. Còn lại, là đoạn 14 câu 24 qua đó thánh sử viết về Tiệc Tạ Từ, trong đó có ghi rõ: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra vì muôn người”. Ngoài ra, ở đoạn 10 câu 42, thánh Máccô đặt song song với đoạn 20 câu 28 của Mát-thêu, để coi đó như biểu hiện một xác quyết, ở trình thuật.

“Đổ ra vì muôn người”, là xác quyết hiện lên như nhu liệu cuối tìm được ở Tân Ước. Và cả ở lá thư đầu tay thánh Phaolô viết chođồ đệ Timôtê như văn bản viết vào cuối thế kỷ đầu, vẫn được coi là đoạn văn tóm kết niềm tin của dân con Đạo Chúa, thời tiên khởi. Tuy tóm kết, nhưng người viết vẫn kêu gọi mọi người hãy cùng Chúa định vị chính mình như những người dám “hy sinh vì muôn người”. Có thể, đây là công thức về niềm tin có từ thời xưa cũ. Xưa và cũ, hơn những gì do chính thánh Mác-cô từng viết và từng được coi như sử sách, rất đích thực.

Nói cho cùng, chuẩn bị mừng đón ngày Chúa Giáng Hạ còn là nhận chân rằng: dân con đồ đệ từng dấn bước theo chân Chúa phải xác quyết mình sẽ tận hiến mạng sống vì muôn người. Xác quyết cả chuyện dấn thân đi vào con đường khổ đau/sầu buồn, mà nhận lãnh. 

Ở Tiệc lòng mến rất Thánh Thể, Đức Giêsu vẫn tỏ cho thấy Ngài vẫn làm việc ấy, cho ta. Và, với ta. Suốt mọi ngày, từ nay cho đến ngày kết tận, của thế giới.

Trong tâm tình cùng Chúa chấp nhận hy sinh vì muôn người, cũng nên về với thơ văn ở đời mà ngâm nga, cảm kích. Cảm và kích bằng giòng thơ:

                        “Bao mùa thu, hoa vẫn vàng như thế,
                        chỉ là, em đã khác với em xưa.
                        Nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa,
Nào đâu, những biển chờ nơi cuối đất.”
(Xuân Quỳnh – Hoa Cúc)       

            Dù, nắng có nhạt ngày quá trưa, em và anh vẫn đâu nào khác trước. Có khác chăng, chỉ khác mỗi một điểm, là anh và em nay đổi mới. Đổi rất nhiều, ngày Chúa đến. Đổi, với thánh hội. Ở muôn nơi. Suốt mọi thời   

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch. 

Saturday 19 November 2011

“Lại về với thuở yêu đầu,”


Suy niệm Chúa Nhật thứ Nhất mùa Vọng năm B 27.11.2011

“Lại về với thuở yêu đầu,”
quên đi anh nhé dãi dầu đã qua.”
(dẫn từ thơ Bùi Kim Anh)
Mc 13: 33-37
            “Về với thuở yêu (dấu thời ban) đầu, là về với thánh hội vào mọi buổi, như thánh sử Máccô vẫn ghi lại ở trình thuật.
Trình thuật, nay thánh Máccô ghi, là ghi về việc Đức Kitô sẽ đến lại, hôm nay và mai ngày với lễ hội rất Giáng Sinh. Chờ Chúa đến, vẫn là động thái của dân con người Do thái và của thánh hội thời ban sơ. Dù, việc ngóng và chờ có kéo theo sau nhiều diễn biến sầu buồn xảy đến với dân gian.
Dân gian, nay chứng kiến nhiều diễn biến khá buồn sầu/tiêu cực, khiến người người cứ cho rằng: đó là dấu chỉ cho thấy Đức Mêsia Đấng Cứu Độ đang hỗ trợ cho con người được vững mạnh trước những khó khăn, sầu buồn của thời đại.
Về sầu buồn/tiêu cực ở đời người, hôm trước có tác giả viết nguyên cuốn sách mang tựa đề “Xã hội của ta định đoạt ra sao việc biến chất, rất tồn tại?” Thật ra, nội dung sách này đề cập nhiều đến chuyện gãy đổ về kinh tế, môi sinh. Về thay đổi khí hậu, giảm suy năng lượng và dân số thế giới hoặc về văn hoá đổi thay. Thêm vào đó, còn có khó khăn về giá xăng dầu, và phản ứng của người tiêu dùng chung quanh khó khăn đó. Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, người người hôm nay đang tạo ra trạng huống tự mình kết liễu cuộc đời mình và đang đi vào với văn hoá của sự chết, nhiều chứng cớ.
Từ đó, có người lại sẽ hỏi: phải chăng thế giới nay đi vào một kết cuộc? Điều đó còn tuỳ. Tuỳ người hỏi đang đứng ở vị trí nào. Tuỳ người trả lời đang ở đâu? Xã hội nào? Và, các xã hội giàu có, nhiều chúc phúc nay cũng chẳng mong chờ gì, vì có đủ. Nhiều vị đã biết san sẻ với người khác, rất độ lượng. Nhưng, cả người sẻ san lẫn kẻ nhận lãnh đều không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “hy vọng”. Và, chẳng có “hơi” đâu mà đợi chờ. Chí ít, là chờ và đợi ngày Chúa đến.
Lễ Giáng Sinh với nhiều người, chỉ là cơ hội thuận lợi để tự đánh bóng chính mình, trước công chúng. Nhiều nơi, nhiều nước chưa được hân hạnh nhận nhiều chúc phúc nên những muốn phá bỏ điều buồn chán không ngày vui. Họ là những người không tin vào quà cáp Giáng Sinh, bởi quà gì đi nữa cũng chẳng bao giờ đến được tới lượt họ. Tuy nhiên, họ vẫn mong đợi quà, tựa hồ như đợi và mong mùa mưa tới trong mùa khô cạn. Nói chung, tận phần sâu thẳm của chính mình, người người cũng đều chờ mong Đấng Mêsia tới để còn vui hưởng ơn cứu độ, như cụm từ “cánh chung” hằng diễn tả.
Cánh chung hay khải huyền, là tâm tình của chúng dân luôn mong chờ chỉ xuất hiện chừng một, hai trăm năm trước ngày Chúa Giáng hạ, mà thôi. Cụm từ này xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “apokalypsis” nhằm chỉ về những gì sắp xảy đến, như: ngày thế tận ngõ hầu trông đợi một thế giới mới, rất trật tự. Cụm từ này liên quan đến môn học về cánh-chung, tức học hỏi về sự kết tận của thế giiới, rất ưu tiên. Khải huyền, là sách diễn tả điều mọi người trông chờ xem khi nào và làm sao sự việc ấy sẽ xảy đến.
Khải huyền, là sách chứa đựng mặc khải về Đấng Thiên Sai Ngài sẽ đến mang theo sứ điệp diễn bày bằng biểu tuợng cao siêu, nhiều mật mã, rất kỳ lạ. Khải huyền, cũng là sách kể về các loài thú. Những quái vật. Về đất nước có vấn đề văn hoá đa dạng, ở tầng dưới. Sứ điệp của Khải huyền thường xảy đến theo sau thị kiến hoặc giấc mơ, có đấng thần thiêng, thiên sứ với thần. Sứ điệp của sách Khải huyền, thường có khuynh hướng trình bày sự việc từng xảy đến trong quá khứ, cả thời hiện tại lẫn các sự kiễn xảy đến trong mai ngày. Sứ điệp của Khải Huyền, còn đem đến nhiều tiên đoán về các tai ương chia cắt người phàm làm hai nhóm, bên thiện/bên ác rất rõ rệt.
Trình bày hình ảnh của sách Khải Huyền, Cha già Hồng Y Carlo Maria Martini từng quảng diễn: “Khải huyền, là cảnh thế giới rơi vào tình trạng không thoải mái, rất bất mãn về hiện trạng mình đang gặp nhưng vẫn hy vọng rằng sự thể sẽ đổi thay theo cách khá hơn nhờ biến cố nào đó có sự can thiệp từ một sức mạnh ở trên cao. Tác giả Khải Huyền là người thấy suy tư về sự thể rất mới sẽ đến với lịch sử con người, dù mọi người chẳng ai biết chắc khi nào thực sự có đổi thay. Và, thay đổi ra sao. Khải huyền, là mặc khải về tương lai mai ngày được các ngôn sứ cho biết trước, bằng thứ ngôn ngữ cũng rất tối mà chỉ một số ít mới có thể hiểu. Chủ thuyết cánh chung được mặc khải phải đi đôi với hãi sợ và hy vọng. Hy vọng cho tương lại. Hãi sợ cho ngày tàn của lịch sử. Mặc khải về cánh chung bao giờ cũng đính kết với hy vọng một kỷ nguyên mới.” (x. Carlo Mario Martini, Cộng đồng Kitô giáo: Tiến Vào Thiên Niên Kỷ Thứ 3, America ngày 2/5/1998)         
Sách Khải Huyền chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng của những người ở xứ Ba Tư từng kết nạp những ảnh hình huyền thoại như cuộc tử chiến giữa Thiên Chúa và tình trạng hỗn độn thời khởi nguyên, tức các nền văn hoá khác biệt. Mặc khải cánh chung, tin vào phán xét cá nhân mỗi người vào lúc chết. Mặc khải cánh chung cho biết mỗi người và mọi người sẽ an hưởng cuộc sống yên hàn hoặc bị trừng phạt suốt thiên thu. Các văn bản khải huyền được viết vào cùng một thời, nhưng không phải tất cả đều được đưa vào Kinh thánh. Bởi, kinh thánh chỉ gồm đôi ba mảnh suy tư rải rác bên lề sách Đanien, thôi.
Khải Huyền, là sách gây nhiều ảnh hưởng trên Qumran, vốn đặt nặng lên chủ đề liên quan đến trường sinh bất tử và sống lại từ cõi chết. Cũng từ đó, lập trường của Khải Huyền luôn coi thế giới gian trần như là nơi không thể có được bình an và công lý. Xem thế thì, Khải Huyền là loại hình văn chương của hy vọng và tuyệt vọng. Của niềm xác tín cho rằng ngày nào đó, Chúa sẽ đến can thiệp cho con nguời. Sách Khải Huyền, chuyên dùng ví dụ như người ngồi đọc truyện trên chiếc ghế bành vào lúc có khó khăn, chuyển biến.
Một số tác giả viết sách Khải Huyền tin vào tương lại mai ngày rất sáng lạn, sẽ đưa người người ra khỏi mọi rối loạn thời hiện tại. Sách này sử dụng lối tính toán hơi lạ đối với người thời đại. Lạ, là các tác giả đếm năm tháng ngày giờ xảy đến chuyện đền thờ bị phá huỷ vào năm 587 trước công nguyên. Và còn tiên đoán rằng việc tái dựng đền thờ sẽ được thực hiện vào thời gian không lâu, sau đó. Sách tiên tri Giêrêmia chương 25 có nói đến số 70 năm. Trong khi ở sách Đanien, chương 8 và 9, thiên sứ lại cho ngôn sứ Đanien biết trước thời gian tái dựng đền thờ sẽ xảy đến chừng 490 năm sau đó.
Theo Tin Mừng thánh Luca viết, thì: giả như ta đếm ngày tháng từ lúc thần sứ Gabriel báo tin vui cho ông Zacariah biết ngày Chúa Giáng Hạ, đến ngày Chúa trình diện ở đền thờ, cũng phải mất những 490 ngày. Các tác giả trên đều rất thích số “7” và các diễn biến xuất phát từ số “7” ấy. Tất cả chỉ để nói lên một điều, là: ta đang phải đương đầu với thời cùng tận và ngày giờ tận cùng ấy là tháng ngày chót hết của lịch sử. Ngày ấy, thời ấy sẽ không xa hôm nay. Lúc này. Và, khi Chúa đến, ta sẽ thấy được lịch sử từng ra sao, làm gì; và đâu là tâm điểm của sự thể, như thế. Vì có Chúa, nên sẽ không còn gì để lo âu, hãi sợ. Đó là thời để ta thêm lòng can đảm, có được hy vọng và mừng vui. Hễ tin vào Chúa, thì mọi sự cũng sẽ chuyển thành ngày cánh chung theo cách tích cực, rất tốt đẹp.
Nhìn vào Tân Ước, người người sẽ thấy các tác giả gồm tóm trong đó lối suy tư theo cung cách Khải huyền, rất cánh chung. Tin Mừng thánh Máccô đoạn 13 câu 8 nói nhiều hơn chỉ ‘một khởi đầu của khủng hoảng’, hoặc ‘xao xuyến, hỗn độn rày xảy đến’. Nói như thế, tức bảo rằng ngôn từ mà các thánh sử dụng là để vẽ lên hình ảnh về khổ đau/khốn khó trước khi sinh. Trước khi trẻ bé chào đời. Nói như thế, tức bảo rằng: thế giới này không chết đi, mà chỉ là đang sinh hạ trẻ bé. Nói như thế, là như nói ở thời đại hiện tại mà bảo rằng: Hãy đợi đấy. Một thế giới đang được sinh hạ, và đổi mới.
Thánh Mátthêu cũng sao chép hình ảnh đau quặn của người mẹ trước khi sinh. Trong khi đó, thì thánh Luca lại nói: “Thiên Chúa đã gỡ Đức Giêsu khỏi nỗi khổ đau của sự chết mà cho Ngài sống lại” (Cv 2: 24) Thánh Gioan lại nói: “Đàn bà sanh con thì ưu phiền vì giờ của bà đã đến, nhưng sinh rồi thì không còn nhớ cơn khốn quẫn, vì niềm vui đã có một người sinh ra trên thế gian.” (Ga 16: 21)
Thánh Phaolô nói rõ hơn khi ngài bảo: “Những kẻ quặn đau mà sinh ra mãi cho đến khi nào Đức Kitô được thành hình trong anh em.” (Ga 4: 19). Ở đoạn khác trong thư gửi giáo đoàn Thessalônikê, thánh nhân lại viết: “Tai hoạ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được…” (1 Th 5: 3)
Nói tóm lại, hình ảnh cánh chung của Khải Huyền mà phụng vụ mùa Vọng sử dụng là để nói cho ta biết đừng quá lo âu, sầu buồn. Bởi, những lo âu/sầu buồn ấy, chỉ như cơn đau quặn của người mẹ đang sanh hạ Lễ Giáng Sinh đích thực cho thế gian. Ngày ấy sẽ đến rất mau. Đến, để người người nhờ có Đức Giêsu mà trở thành người mới. Thế giới mới. Thế giới sinh ra cho con người. Phải chăng, đó mới là ý nghĩa đích thực của ngày Chúa Giáng hạ, làm người, rất Emmanuel?
Cảm nhận sự thể sẽ tốt đẹp, tưởng cũng nên hướng về lời thơ đầy ý nghĩa, mà ngâm nga:
                        “Lại về với những vần thơ
                        Nối dang dở để bây giờ trọn câu.”
                        (Bùi Kim Anh – Tìm Trong Phố Cũ)
Về với vần thơ, không để tìm trong phố cũ nhiều sương phủ. Mà là, về với tương lai đã mặc khải nhiều điều tốt đẹp, rất như thơ. Bởi, cánh chung Khải Huyền cũng rất thơ. Không chỉ là cho bây giờ. Mà, mãi mãi trong tương lai. Rất mai ngày. Nhiều sáng giá.            
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch. 

Sunday 13 November 2011

“Em trở về đây với Bướm Xuân,”


Suy niệm Chúa Nhật thứ 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm A 20.11.2011

“Em trở về đây với Bướm Xuân,”
“Cho tôi mơ ước một đôi lần.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mt 25: 31-46
Hôm nay đây, Bướm Chúa của Mùa Xuân đã trở về với hình dạng của Đức Vua. Vua vũ trụ. Vua của mọi tâm hồn, như tình tự được thánh sử ghi nhanh ở trình thuật.
Trình thuật, nay có thánh sử rất Mát-thêu ghi về đoạn cuối cuộc sống công khai của Đức Kitô, trước khi Ngài vào với nỗi thống khổ, và rồi sau đó, đã Phục Sinh, để vực dậy hết muôn người.Thánh Mát-thêu làm công việc ấy bằng cung cách của người kể dụ ngôn về ngày sau hết, có phán xét. Đọc trình thuật hôm nay, hẳn rằng người nghe lại liên tưởng đến dụ ngôn của những chiên con và dê hiền. Phụng vụ Hội thánh lại dùng trình thuật hôm nay để mừng kính Đức Kitô Vua, tức Vị Chánh Án vào ngày phán xét cuối cùng.
Nhìn vào ngôn ngữ mà người Công giáo thường sử dụng xưa nay, thì chữ “Vua” không là từ ngữ dễ nghe và dễ chấp nhận cho bằng danh xưng khác. Đã có lúc, danh xưng “Vua” của Đức Chúa được coi như một biểu ngữ nhằm nói lên các giá trị đạo đức hầu đối chọi với ý nghĩa rất chúa của các vua quan ở đời. Thời nay, người người thấy mình không dễ gì thấy được sự khác biệt giữa tính chất rất “vua” của tín hữu Đạo Chúa.
Trình thuật thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giêsu được gán tặng bằng nhiều danh xưng như Con Người, Chúa Chiên (tựa như vua Đavít), Đức Vua, Đức Chúa, Người Con ngự trên ngai vàng cùng Thiên Chúa Cha, vv… Bằng vào các danh xưng ấy, Đức Giêsu Kitô được con dân mọi người tôn kính như vị Chánh Án mọi dân tộc. Và hôm nay, người đọc sẽ thấy Ngài sử dụng quyền tài phán của Chánh Án. Đó là lý do mà thánh sử coi Ngài là “Đức Kitô rất Vua”. Và, điều đó ăn khớp với mọi hiểu biết của chúng ta khi nghĩ về vị Vua của vũ trụ. Bởi, Ngài chính là vị Chánh Án có trọng trách phán xét tất cả những gì con người làm, hoặc không làm.
Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa có nói Ngài sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Cũng thế, các bản văn tuyên tín khác cũng có nói dân con mọi người sẽ phải trả lẽ về những gì mình làm. Thánh Kinh của người Do Thái còn tỏ cho thấy “Ngày của Đức Chúa” là ngày mà vị Chánh án đứng lên để phán và xét. Thêm vào đó, truyền thống giáo hội còn dạy con dân phân biệt việc phán xét vào ngày chung cục cuộc đời của mỗi người với việc phán xét hết mọi người vào ngày thế tận. Nhưng, chẳng một ai, kể cả Đức Kitô, biết được thời điểm với nơi chốn xảy đến công cuộc phán xét chung cuộc ấy. Nên, việc này chỉ được kể bằng ngôn từ rất biểu trưng và thông thường rất dễ sợ.
Kể, bằng biểu trưng hay biểu tượng, là nói trước mọi việc trước khi việc ấy xảy đến. Và, trình thuật về sự việc này được giảng rao khắp nơi và khắp chốn, để người Do thái cũng như dân ngoại sẽ hồi hướng trở về. Cả Enoch lẫn Elijah cũng về lại. Ngày ấy sẽ là ngày Cánh Chung, Phản-Kitô sẽ ngự trị một thời gian. Và, không gian vạn vật sẽ chuyển đổi đến rối mù, lửa từ trong/ngoài địa cầu sẽ bốc cháy. Và rồi, có tiếng loa kèn phát lên báo hiệu sự sống lại của muôn loài và khi ấy Con Người cũng sẽ xuất hiện giữa mây trời, rất bảng lảng. Rồi, người người cứ như thể bảo nhau: ngày thế tận đã kề cận. Thế nhưng, lẽ thường tình của con người lại hay chống đối những chuyện như thế. Và, phần đông sẽ không tin rằng chuyện đó là sự thật như đinh đóng cột. Hay nhất là bảo: ta chẳng hiểu gì về việc ấy.
Chẳng hiểu, vì ngôn từ biểu tượng mà thánh Mát-thêu sử dụng chỉ để kể về một gặp gỡ rất riêng tư thân tình giữa Đức Kitô và mỗi một người, khi ta chết. Vào lúc ấy, Ngài muốn biết, không chỉ mỗi việc cuộc sống của ta ra thế nào, nhưng còn nhắn nhủ rằng ta đã làm gì cho lịch sử của con người, tức đóng góp được bao nhiêu cho nhân loại. Lúc thánh Mát-thêu viết lên trang sử này, lên giấy, ngài muốn tỏ bày lập trường để ta biết, là: mỗi người chúng ta cũng nên cải thiện lối hành xử của chính mình, ở đây. Bây giờ. Thánh nhân không mô tả những gì sắp đến cho bằng ngài muốn xác chứng những gì phải xảy ra, ngay bây giờ.
Thánh Mát-thêu diễn tả việc ấy qua ảnh hình và biểu tượng về chiên lành và dê hiền. Ở Do thái thời xưa, chiên lành chịu đựng cơn lạnh hay hơn dê hiền. Bởi thế nên, dê hiền cần được bảo vệ nhiều hơn. Bằng vào mầu sắc, chiên con thường mầu trắng. Còn, dê hiền lại là mầu đen. Ở dụ ngôn, chiên lành đứng bên phải, tức phía rất phải. Còn, dê hiền ở bên trái tức trái rõ đành rành. Đặc biệt hơn, bằng vào biểu tượng thánh sử viết, thì thú đàn ở phiá bên phải, vẫn phải lẽ. Còn dê hiền, là kẻ xấu nên mới trái. Thế nhưng, dưới tầm nhìn của Chúa, thú đàn dù có trái, vẫn rất phải.
Công việc của Chánh án, là tách chiên khỏi dê theo tiêu chuẩn nào đó. Tiêu chuẩn đây, không là 10 điều giáo luật, vì khi bị phán xét không ai bị cật vấn điều đó. Nhưng tiêu chuẩn phán xét, là phán đoán và xét nét về 6 công tác từ thiện rất cổ điển về lòng thương xót mà người Do thái có thói quen gọi đó là hành xử đầy yêu thương.Cũng chỉ là: lo cho cái ăn, thức uống, đón tiếp mời chào, cho áo mặc, trông nom chăm sóc và viếng thăm đỡ đần. Vấn đề là, người người được hỏi có làm thế trong đời mình không?
Thật ra, đó còn là nội qui cuộc sống cộng đoàn do thánh Mátthêu đặt, ở Tin Mừng chương 18: “Không được để con trẻ lạc lõng, mất mát. Không được để thành viên cộng đoàn bị bỏ rơi, cô độc”. Phán và xét, còn là hỏi: anh/chị có tuân giữ nội qui ấy không? Nếu có, anh/chị là chiên lành. Nếu không, anh/chị sẽ là dê hư. Ở đây, thánh Mát-thêu và  -Đức Giêsu- đặt tầm quan trọng vào nội qui giản đơn ấy cho cộng đoàn Kitô hữu thời tiên khởi. Để sau này, sẽ không có ai bị án phạt về những gì mình đã làm hoặc định làm; mà về những gì mình quên làm và không bao giờ chịu làm những việc như thế.     
Người tốt lành không làm việc đó vì họ thấy người có nhu cầu như chính người anh, người chị của mình. Đức Giêsu nói: nếu người làm điều tốt lành ít là cho người anh, người chị ấy của mình, thì tức là làm cho Chúa. Họ là người thân của Chúa. Ta làm cho người của Chúa, chứ không phải cho người của ta. Thế nên, phán xét tích cực là phán và xét xem ta có mừng đón vào nhà mình, những người của Chúa, thuộc gia đình Ngài, vì họ nhìn ta như là người trong số họ.
Khi nói đến việc phán xét nói chung, ta bao gộp tất cả mọi người. Vậy thì, “nội qui của cộng đoàn” không chỉ là cho người Do thái hoặc cho cộng đoàn Mátthêu thời tiên khởi hoặc những người thuộc giáo phái nào đó, thôi. Mà là, tất cả. Nội qui ấy, là để mọi người biết mà thực hiện. Nội qui được viết trong tâm khảm của mỗi người. Cho mọi văn hóa, sắc tộc. Mọi thời khắc của lịch sử nhân loại. Nội qui rất chung và sẽ có phán xét cũng rất chung như thế.     
Chúa có cách để giáo huấn để họ hiểu rằng cuộc sống đích thực không cần lời nói, hoặc thể chế, dù thể chế ấy là Hội thánh. Chúa thiết lập trong ta bản năng riêng của mội người. Cho mỗi người. Bản năng ấy, giúp ta mở lòng ra với người đang thiếu thốn, có nhu cầu. Dù ta là người thế nào đi nữa, Chúa cũng sẽ phán và xét chính ta, về tất cả điều đó. Phán và xét, xem ta có làm những việc giùm giúp như thế không. Chính đó là ý nghĩa của phán xét chung.
Chương 28 cuối Tin Mừng, thánh Mathêu viết: Đức Giêsu truyền lệnh cho nhóm người bé nhỏ của Ngài hãy ra đi mà trở nên đồ đệ của Ngài đến với muôn dân. Không cần biết họ thuộc sắc tộc nào. Có lý lịch ra sao. Họ từ đâu đến. Ngài dạy họ làm những việc như thế bằng cách quan sát xem họ có làm những điều Ngài dạy trong đời mình hay không. Tức, dạy họ sống biết giữ nội qui đề ra cho cộng đoàn của Ngài, như thánh Mátthêu từng ghi lại. Nếu họ làm theo điều Ngài dạy, thì Ngài sẽ ở với họ suốt mọi ngày, cho đến ngày thế tận.
Đọc trình thuật hôm nay, có thể có người nghĩ là thánh Mátthêu muốn tách chia chiên khỏi dê, để dễ bề phân biệt. Nhưng sự thật, đó không là phân và tách mà là đến với nhau như đàn trẻ lạc được tìm thấy. Là, ra đi mà tìm đến với họ. Ra đi, để ở giữa những người từng lỗi phạm nay bị bỏ rơi, quên lãng. Ra đi, giang tay mà chào đón tất cả mọi người, đưa họ về với hòa giải và hòa hoãn. Thế đó, không là tách chia, phân biệt. Mà là, thuộc về nhau. Ở với nhau. Mà là, tất cả ràng buộc vào với nhau để tiến vào với cộng đoàn Nước Trời Hội thánh.           
 Trong tâm tình cảm kích những điều thánh sử ghi về Đức Kitô Vua, ta lại ngâm lên lời rằng:
“Em trở về đây để nắng hồng,
Hồn xưa còn đẹp ý xưa không?
Trăng tình chưa nguyện lời Hoa Bướm,
Em chẳng về đây để ngỏ long.”
(Đinh Hùng – Bướm Xuân)
            Là Bướm Xuân hay Bướm của Mùa Xuân, Ngài vẫn là Vua Vũ Trụ, nơi lòng người. Nay, Ngài trở về để Bướm và Xuân nên một. Một thân. Một mình. Thứ Mình rất thánh của Chúa Xuân.
 
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch. 

Saturday 5 November 2011

“Ta ngỡ mất, mà chưa đành đánh mất,”


Suy niệm Chúa Nhật thứ 33 thường niên năm A 13.11.2011

“Ta ngỡ mất, mà chưa đành đánh mất,”
“Bởi mùi hương ngự trị, cánh hoa tàn.”
(dẫn từ thơ VươngNgọc Long)

Mt 25: 14-30

Mất tình/mất tiền, nào mấy sợ. Bởi, tình/tiền xưa nay còn đó vẫn rất hiền. Cái dễ mất nhất, là niềm tin Chúa gửi nơi lòng dạ con người từ xưa đến nay. Lòng dạ ấy nay đà thấy ở trình thuật, ngày Chúa nhật. 

Trình thuật Chúa nhật về niềm tin để luột mất, là ý tứ và ý từ được thánh Mat-thêu đề cập đến qua dụ ngôn kể lại hôm nay. Dụ ngôn, nay kể về “yến bạc” giao cho các người đầy tớ để sinh lời. Dụ ngôn, nay mang nặng tình tiết nối tiếp truyện kể đọc tuần trước, cũng đề cập việc sử dụng và đầu tư của cải vào mọi chuyện.

Thời xưa, “yến bạc” là đơn vị đo lường trọng lượng. Đó, là đồng cân nặng nhất trong hệ thống cần lường. Yến bạc, được dùng để cân đo vàng/bạc, kim loại, và đồ đồng. Mãi về sau, con người mới dùng nó làm đơn vị tiền tệ. Với người Do thái, một yến bạc tương đương với 3,000 shekels, tương tự định mức cân lượng mà người thường mang vác được. Lịch sử sau thời của Chúa và vào thời thánh Mát-thêu, thì một yến bạc tương đương với 6, 000 quan tiền người La Mã. 6,000 quan tiền, tương đương với lợi tức mà công nhân bình thường ở huyện có khả năng kiếm được trong vòng 15 đến 20 năm. Đó, cũng là lối nói thông thường về “một tấn tiền quan” người La Mã. 

Người chủ được nói đến ở dụ ngôn, là người bận rộn, phải đi xa một thời gian không biết trước được hạn định. Ông trao cho 3 người tớ của ông 3 lượng tiền khác nhau. Một người, những 5 yến bạc. Kẻ kia chỉ hai yến. Còn người chót, chỉ mỗi yến một. Tất cả đều tuỳ khả năng của mỗi người. Nhưng, ông lại không cho họ biết phải làm gì với số bạc ấy. Ông coi mọi người như kẻ chín chắn. Chững chạc. Ông rất tôn trọng tự do và sức sáng tạo, của mỗi người. Và, ông cũng chẳng hề nghĩ là ông đã trao phần ít ỏi cho người đầy tớ thứ nhì và thứ ba. Bởi, mỗi yến bạc khi ấy nặng cả tấn tiền.
      
Về cốt truyện thì ai cũng đều đã tỏ. Hai người tớ đầu, đều biết mình phải làm gì với số lượng yến bào do chủ ũy thác. Tức, sử dụng nó một cách mẫn cán. Hiệu quả. Cả hai người này đều làm lợi cho chủ nhiều điều thấy rất rõ. Trong khi đó, người đầy tớ cuối lại không hành xử hệt như thế. Y đào đất chôn tiền quan xuống đó, tưởng rằng làm thế tức tạo sự an toàn, đúng đắn như bỏ vào két sắt/quỹ tiết kiệm, mà chẳng biết đầu tư cũng chẳng sinh lời sinh lãi.

Đó là biện pháp an toàn tối thiểu mà người mà người tệ bạc nhất cũng nghĩ ra. Tức, không sinh lợi nhưng cũng chẳng làm hại, chẳng thua lỗ điều gì. Tức, không tạo tăng trưởng, nhưng cũng chẳng làm ai thiệt thòi. Mất mát. Y ta đem về cho chủ đúng số lượng buổi ban đầu do chủ giao, chẳng dùng vào việc chi hết. Cất như thế, có bỏ công tìm kỹ cũng chẳng thấy được dấu tay, hoặc vết tích.Thật ra, y ta chẳng làm điều gì sai trái cả. Vì có làm gì đâu mà có sai sót. 

Dụ ngôn cũng cho thấy: hai người đầy tớ đầu được chủ tặng thưởng rất hậu hỹ. Lại được chủ gọi đích danh “tôi tớ lương hảo và trung trực”. Tức, nhận nhiều trách nhiệm sẽ gặt hái được nhiều niềm vui. Trong khi đó, người tớ chót bị chủ cho là thành phần “bất hảo, lươi biếng”, đáng chê trách. Nói đúng ra, phải gọi anh ta là kẻ vô tích sự, chẳng làm được gì nên chuyện. Một thứ “ăn hại đái nát”, chẳng giống ai. Tức, những loại người ăn không ngồi rỗi, rất đáng buồn. Thế nên, họ mới bị lên án, dù chẳng lỡ lầm. Hoặc, sai trái.

Có lẽ khi viết lên dụ ngôn này, thánh sử Mat-thêu đã mang trong đầu ý tưởng về hai nhóm người Do thái khá quan trọng, vào thời ấy, nếu đem so với nhóm thứ ba. Hai nhóm đầu, là những người đại diện cho cộng đoàn Qumran. Nhóm thứ ba tượng trưng cho đám Biệt Phái, rất Pharisêu.

Qumran là nơi ta tìm ra Cảo Bản Biển Chết. Ở nơi đó, thấy có cộng đoàn sống chia cách/tách rời xã hội mình đang sống. Tách và rời, khỏi đền Giêrusalem để rồi đi vào chốn sa mạc lặng lẽ, trong hang động. Hang động họ sống, quanh Qumran, bị người La Mã phá huỷ vào thời chinh chiến suốt từ năm 68 đến 70 sau Công nguyên. Nên, cũng chẳng tồn tại khi thánh Matthêu viết lên Tin Mừng của thánh nhân vào niên biểu thứ 85. Và, thánh nhân cũng thừa biết là nhóm người này từng chôn giấu yến bạc đạo đức ở đâu đó, trong hầm tối của chính mnình.

Pharisêu là nhóm người có mặt nhiều hồi thánh Mat-thêu còn sống. Họ là những đối tác chuyên kình chống lại thánh nhân. Vào dạo trước, Đức Giêsu cũng có cảm tình với những người này. Và ngược lại, họ cũng biết điều với Ngài trong nhiều chuyện. Nhưng 40, 50 năm về sau, thế giới của họ đã biến đổi một cách khác hẳn. Sau ngày đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ, đám Pharisêu lại trổi lên thành nhóm lãnh đạo dân Do Thái quyết tập hợp lại với cuộc sống ở ngoài đời. Trước thời thánh Mat-thêu sống, đám Pharisêu đã củng cố chỗ đứng của họ và phô trương cho mọi người thấy cung cách chỉ biết sống theo luật và luật. Và, cũng từ đó, họ tìm cách rút khỏi tầm ảnh hưởng của người La Mã để còn áp đặt mọi chuyện lên dân con của chính mình. Nói theo ngôn từ đạo đức, thì thời đó, đám Pharisêu là nhóm hướng dẫn việc đạo hạnh quyết đưa mọi người rời thế giới thực tại thời bấy giờ. Họ chính là những người cột chặt tinh thần câu nệ lề luật sau hàng rào bảo vệ của Torah.

Thánh Mat-thêu chẳng ưa gì nhóm người này. Thánh nhân chỉ muốn sống theo tinh thần của Đức Giêsu chủ trương bằng vào tương quan cởi mở, gọn gàng và nhẹ nhàng hơn. Thánh nhân chủ trương tinh thần biết sử dụng các “nén bạc” do Đức Giêsu và Thần Khí Ngài tặng ban. “Nén bạc” nói ở dụ ngôn hôm nay, không chỉ mang nghĩa kim tiền/của cải thôi; nhưng, còn biểu trưng quà tặng về năng khiếu như khi ta đề cập đến kỹ năng âm nhạc, ngôn ngữ, toán học hoặc những thứ khác.

Thông điệp thánh Mát-thêu gửi mọi người bằng dụ ngôn hôm nay, luôn mang tính giản đơn. Thẳng thắn. Trực tiếp. Ý thánh sử muốn nói, là: ân huệ Chúa ban cho mọi người vẫn thừa thãi, tràn đầy, không cạn tiệt. Nếu ta lại đem chôn ân huệ Ngài ban xuống đất, khác nào người đầy tớ vô tích sự,kể ở trên.
    
Truyện dụ ngôn hôm nay còn làm người đọc liên tưởng đến chuyện “Trân Châu Cảng”. Ở cảng này, tầu thuyền neo đậu đâu nào có nghĩa mình sẽ an toàn thoải mái mãi suốt đời? Chỉ hiện diện sống ở đó thôi, đâu có nghĩa mình sẽ được an toàn cả phần linh thánh lẫn mặt đời.

Tình tự chuyên lo sống an toàn, được ghi rõ ở nhiều thông điệp được Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI tỏ cho giới trẻ biết trên báo đài lẫn Đại Hội Giới Trẻ ở Cologne, Sydney lẫn Madrid. Đức Giáo Hoàng đề cập đến Đạo Chúa như tình yêu cao cả, và mặc khải quý hiếm. Đối với ngài, làm tín hữu Đức Kitô là nhận lãnh ân huệ cao cả và quý hiếm Chúa vẫn ban. Ân huệ Ngài ban cho mọi người, sẽ là đôi cánh tiên để ta bay cao vút, lên cõi tiên. Ân huệ Chúa ban, còn là sứ mạng gửi đến mọi tín hữu. Sứ mạng ấy, là dự án để ta thực hiện vào mai ngày. Là, đem chân, thiện, mỹ vào cuộc sống rất thực để rồi ta tập trung đời mình vào những gì quan yếu, thiết thực thôi.

Đức Giáo Hoàng từng bảo: giả như Hội thánh mình biết sống thực như thế, ắt hẳn cuộc sống của mình sẽ mãi mãi trẻ trung, suốt mọi thời. Có sống như thế, thánh hội của Chúa sẽ không bao giờ trở nên chai lì, cằn cỗi. Bởi, Hội thánh là hội của các thánh biết kết hiệp với Chúa, tức cội nguồn tuổi trẻ, rất sống động.

Nay, điều cần là mỗi người và mọi người nên để cho qua đi tâm tư mỏi mệt và tâm tình nhiều huỷ hoại. Để rồi, sẽ hướng nhìn về phía về nơi có sự cao cả đích thực là di sản của Đạo Chúa. Đó, còn là “nén bạc” mà Chủ Tể vũ trụ đã trao cho mỗi một người, trong cuộc đời. Đó, là sứ mệnh khiến ta chọn lựa. Chấp nhận. Sứ mệnh, là: sử dụng nén bạc Ngài trao hầu xây dựng tương lai mai ngày cho thế giới mình chung sống. Thế nên, hãy dấn bước thâm trầm mà tiến tới. Tiến về phía trước mặt, dù đời người muôn mặt, để còn sinh lợi “nén bạc’ hiếm quý Chúa trao ban, cho ta. Cho mỗi người.

Trong tâm tình cảm kích chấp nhận nén bạc Ngài ban, ta lại sẽ ngâm nga lời ca, còn đậm nét:

                        “Xa tít tắp từ rừng xưa cổ tích,
                        Cỏ xanh mềm ảo hoá giấc phù vân.
                        Mùa thu ấy đôi mắt buồn man mác
                        Ngong ngóng chờ hoài niệm hoá rêu xanh.”
                        (Vương Ngọc Long – Đêm Nguyệt Quỳnh)

Nguyệt Quỳnh đây, có thể không là “nén bạc” quý hiếm Chúa gửi gắm. Nhưng, vẫn là huệ ân/ân huệ mọi người trông ngóng biến thành những gì có lợi cho mình. Cho mọi người. Ở đời.  
 
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch.