Friday 27 February 2015

“Tình mất rồi! oán hận đã mênh mông.”




Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay năm B 01/3/2015

“Tình mất rồi! oán hận đã mênh mông.”
Chớ thờ ơ! Ta nổi giận vô cùng,
Nhiều ác mộng hằng len vào giấc ngủ.
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Tin Mừng Ga 2: 13-15
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.

Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.”

            Tình đã mất, nên niềm oán hận đã mênh mông. Cũng dễ hiểu. Nhưng ở đây, nhà thơ lại nổi giận, cộng với ác mộng vô cùng, hằng len lỏi. Nhà Đạo hôm nay, cũng đã thấy Thầy Chí Ái, biết nổi giận. Tuy giận dữ, nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn đợi chờ con dân, cố sửa sai.
            Đọc Lời Chúa hôm nay, người người đều thấy Đức Chúa nổi giận không phải vì sinh hoạt buôn bán hoặc đổi chác, do người làm. Mà vì, người Do thái đã ngang nhiên dùng nhà Cha, chốn phụng thờ, để làm chuyện sai trái, không đúng phép.
            “Đem tất cả những thứ này ra khỏi nơi đây, đừng biến Nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”. Có thể là, thời của Chúa, giới thẩm quyền ở Đền thờ từng làm ngơ, không ngó ngàng gì đến sinh hoạt sai trái, trong nhà Chúa. Cũng có thể, họ kiếm nhiều lợi lộc khi thương gia “quen lớn” đã mướn chỗ Đền Thờ, để cạnh tranh. Làm lợi. Điều này giải thích rõ, cơn giận của Đức Chúa.
            Bởi thế, họ cả gan dám vấn nạn: “Ông lấy dấu gì chứng tỏ rằng Ông có quyền xử như thế?”  Nhờ có thế, Đức Giêsu mới mặc khải việc Ngài làm: “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại.” Và Lời Chúa kéo theo một thắc mắc: “Đền Thờ này phải mất 46 năm mới xong, thế mà nội trong ba ngày Ông xây lại được sao?”  Vấn nạn thế, quả có đúng theo nghĩa đen, rất “từng chữ”. Bởi, vào lúc ấy, Đền Thờ vẫn chưa hoàn tất việc dựng xây.
            Trên thực tế, Chúa nói về chốn thánh thiêng khác. Đó là Đền thánh nơi Chúa sống, tức: Thân Mình Ngài. Nhờ vào sự kiện này, dân con trong Đạo lại được nhắc nhở về những gì Hội thánh đang chuẩn bị mừng kính. Kính sự chết. Mừng sự sống lại của Đức Kitô, trong mùa Chay.
            Mừng kính sự chết và sống lại, là trọng tâm của niềm tin, có nơi ta. Trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolô từng quả quyết: “cái chết của Đức Giêsu đối với người Do Thái là cớ vấp phạm, là sự điên rồ, là rào cản không thể vượt qua được” (1Cr 1: 23). Thật khó cho họ, khi phải chấp nhận Đấng Mêsia của họ phải chịu khổ đau và đi vào nỗi chết ô nhục trong bàn tay không phải của kẻ thù dân tộc mà thôi, mà cả dân Ngài nữa. Cũng thế, môn đồ Ngài cũng thấy khó lòng mà chấp nhận.
            Với dân ngoại, đây là điều vô nghĩa. Với họ, chỉ có nghĩa, nếu đó là quyền lực. Là, sự trấn áp ngự trị. Là, ảnh hưởng trên mọi người. Với những người như thế, ý tưởng về phụng thờ một đấng nào đó bị liệt chung vào danh sách các tội phạm hình sự, như Đức Chúa, quả là điều không thể nào tưởng tượng được. Ngày nay có người, khi suy nghĩ về chuyện này, đều cho đó là việc phi lý, rồ dại.
            Nhưng, với những người lâu nay được mời gọi, và đang đáp ứng với lời gọi mời ấy, dù là Do thái hay dân ngoại, nam hay nữ, nô lệ hoặc tự do, đó là quyền uy và sự khôn ngoan của Đức Chúa. Cái chết của Đức Giêsu, đối với người luôn khách quan nhận xét, đều ra như thất bại nhục nhã. Tin vào những chuyện như thế, được coi là người dốt nát, kém cỏi. Tuy nhiên, ai có cặp mắt đức tin, đều thấy đó là uy lực của tình yêu, trong nỗi chết.
            Và, tình yêu lớn lao con người có thể thực hiện, chính là trao ban sự sống của mình cho người mình yêu. Đức Giêsu làm như thế, không phải để cho bạn bè Ngài thôi, mà cả những người chối bỏ Ngài. Những người đem lại cho Ngài cái chết, nữa. Chính vì thế, Ngài xin cùng Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ. Vì họ không biết việc mình làm”. (Lc 23: 34).
            Bài đọc 2, thánh Phaolô nói rõ: “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì hơn sự khôn ngoan của loài người. Và, sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người.” (1Cr 1: 25) Và hôm nay, sau hơn hai ngàn năm dài, sự khôn ngoan của Đức Giêsu; và thập giá Chúa, đã lướt thắng mọi sự. Điều này được lập lại nhiều lần bằng những hy sinh cho đến chết, của nhiều đáng thánh tử đạo. Những: Oscar Romeo, Martin Luther King, Maximilan Kolbe, Dietrich Bonhoeffer, vv… là những ví dụ cụ thể.   
            Sức mạnh của người phàm, cho đến nay vẫn chưa vượt qua, chưa đạp đổ những gì Đức Kitô đã khởi sự. Các phong trào vô thần đối nghịch Kitô giáo, tuy cố gắng triệt hạ Đạo Chúa, cuối cùng đều thất bại. Hiện nay, chế độ vô thần Cộng sản ở nhiều nước, là một ví dụ cụ thể khác.
            Trên thực tế, ta vẫn tiếp tục chứng tỏ với mọi người, về khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, qua hành vi mà người đời coi là rồ dại và yếu ớt, khi chấp nhận chết cho sự xấu, vẫn lướt thắng. Ta vẫn xác chứng điều đó, bằng chính sự sống có tình thương yêu vô điều kiện. Có hài lòng xót thương. Có từ bỏ tất cả. Từ bỏ, cả chính mình, như bài đọc 1 vẫn răn dạy, như từ bỏ:

-mọi hình thức của bạo lực bằng lời hoặc hành động, chống lại chính mình hoặc người khác, kể cả những lạm dụng cơn say/ghiền, kích thích tố độc hại, và ma tuý đủ loại;
-mọi hình thức của lạm dụng tình dục, với chính mình, hoặc với vợ hoặc chồng/bạn đường, người phối ngẫu hay người dưng khác lạ. Với, giới trẻ, kẻ vô vọng;
-mọi hình thức bất lương, thiếu công bằng hoặc tham nhũng;
-mọi hình thức sai trái, không đúng thực, nhằm triệt hạ tiếng tăm của người khác;
-mọi hình thức tham lam ham hố, cưỡng chiếm của cải/ bản thân người khác, đủ loại.
Tất cả điều nêu trên, đều là sự xấu, cần lướt thắng.  

            Đối với thế giới chuyên chú vào việc cần có nhiều hơn/cần hưởng thụ hơn, thì những điều kể trên chỉ là rồ dại và yếu đuối. Nhưng với ta, những người đeo đuổi sự rồ dại của thập giá đem về cuộc sống, thì điều cần quan tâm hơn cả, là: tôn thờ Thiên Chúa của Tình yêu. Chính vì thế, bài đọc 1 nhấn mạnh nhiều đến việc tuân giữ ngày Sabát. Quyết cột chặt tín hữu vào các chi tiết, rất từng chữ.
            Với thế giới hôm nay, Chúa nhật đã trở thành “một ngày như mọi ngày”. Ngày làm ăn. Ngày mua sắm. Với người khác, đó là ngày nằm trên giường, đọc báo lá cải, mải mê mua sắm hoặc ngồi trước màn hình nhỏ ngắm nhìn đủ mọi thứ bạo lực mang hình thức “thể thao”. Là dân con Đức Chúa, thiết tưởng cũng nên nghĩ đến cung cách “rất Kitô”, hầu sử dụng ngày của Chúa, cho phải phép. Như, tổ chức nghi tiết phụng thờ cùng với cộng đoàn, có người anh người chị hiệp thông trong Đức Kitô. Có sinh hoạt giải lao, ăn uống rất thân thương. Rất nhè nhẹ, tình cộng đoàn của Nước Trời.
            Nói tóm lại, dấn bước theo Chúa, Đấng chịu mọi khổ đau thập giá và đã sống lại, còn là việc sử dụng tài cán/năng lực của mình, góp phần dựng xây một xã hội có cuộc sống, giá trị. Đó là khôn ngoan. Là, bình an. Hạnh phúc. Tưởng, cũng nên suy tư về việc này, mùa Chay kiêng, rất thánh.

            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá lược dịch

Saturday 21 February 2015

“Một thời mây biếc đã trôi qua,



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay năm B 01/3/2015

“Một thời mây biếc đã trôi qua,
Nay tưởng cây vàng đã nở hoa.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Tin Mừng Mc 9: 2-10

“Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phê-rô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia." Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.”

Về chuyện kể dân gian, bi hùng, dã sử ta không hề thấy thiếu trong Cựu Ước. Phần lớn các bài đọc trong thánh lễ Mùa Chay vẫn dọi lại những câu chuyện tưởng-như-đùa trong kho-tàng lịch-sử Do Thái.
Bài đọc hôm nay đưa ra hình ảnh của 3 nhân vật chủ chốt trong các chuyện kể nói trên. Ðó là: Abraham, Môsê và Êlya. Tiếc một điều, những gì chúng ta biết được về 3 nhân vật này còn mù mờ và mang nét bí hiểm. Chẳng thế mà, nếu có ai trong chúng ta suy nghĩ như các em học sinh tiểu học ở dưới đây, khi “trả bài” giáo-lý hệt như viết chuyện phim, cũng không là điều đáng trách: 

“Ông Môshê chăn dắt người Do thái dưới lòng Biển Ðỏ. Ðến nửa đường, thấy dân đói quá, ông bèn chế ra một loại bánh mì mà chẳng cần đến men hay bột gì hết trơn. Người Ai cập biết được, bèn đuổi theo nhưng bị chết đuối quá chừng chừng, ngay giữa lòng sa mạc. Sau đó, Môshê bèn tà tà, tản bộ lên núi Xya-nuya để kiếm cho được Mười Ðiều Giáo Luật. Mà, điều thứ nhất nói đến việc bà Evà quát cho Ađam một hồi, lại còn ra lệnh cho ông phải ăn trái táo đang bị cấm nữa.
Còn, lời răng thứ năm thì nói: ta phải luôn luôn làm cho cha mẹ khoái chí cười toe-toét hoài hoài, như thế mới được…”

            Dù sao, thì người Do Thái thuộc cộng đoàn Mat-thêu, lẽ đáng ra, phải nhớ vanh vách mọi chi tiết về Abraham, Môsê và Êlya mới phải. Các vị, dẫu sao cũng là anh-hùng cái-thế của dân Do Thái vào mọi thời và mọi lúc.
Con người thời ban đầu, nếu được kể về việc Ðức Chúa biến hình, chắc cũng mường-tượng ra mối liên-kết chặt-chẽ giữa Giêsu Ðức Chúa với Abraham, Môsê và Êlya, tức: những người có nhiều kinh-nghiệm tiếp-xúc với Chúa trên đỉnh núi.
Ở đây, mỗi vị đều thấy mình phải biến-cải/đổi đời khi diện-kiến Ðức Chúa. Và, hẳn nhiên là các vị đều được chói-sáng dù nhìn dưới bất cứ góc cạnh nào đi nữa. Các vị đều được Giavê Thiên-Chúa mời gọi thực-thi công-tác đặc-biệt. Các vị xuống núi với tất cả uy-lực hùng-mạnh có khả-năng nhìn xuyên-suốt mọi vật.
            Mát-thêu thánh-sử đặc-biệt chú-trọng đến trường-hợp của Môsê. Những ai chịu khó đọc toàn-bộ Tin mừng của thánh-nhân sẽ thấy điệp-khúc trong đó tác giả thánh cứ muốn so-sánh Đức Giêsu như Môsê mới. Ngài hoàn-thành lề luật và trở-thành ánh-sáng làm rực-rỡ đêm trời tối-tăm,  mù mịt.
Càng so sánh, người đọc sẽ càng vui mừng thích thú khi nhận ra được điểm tương đồng giữa một Môsê trên núi Sinai và Giêsu Ðức Chúa trên núi Tabor. Nhưng, nếu thực-hiện hành-trình gian-lao suốt Chay Mùa lành thánh, hẳn ta sẽ nhận ra được nhiều khác biệt hơn tương đồng. Chẳng hạn: Môsê có leo lên núi thánh, thì cũng chỉ một thân một mình ông thôi.
Còn, Giêsu Ðức Chúa lại dẫn-dắt cả bầu đàn môn đệ đi theo Ngài để cùng sẻ-san kinh-nghiệm và làm nhân-chứng cho sự-kiện tỏ rõ uy-lực ấy. Trong chuyện Môsê, Giavê Ðức Chúa chẳng bao giờ thấy hai vị xuất đầu lộ diện. Còn, trên núi Tabor, Ðức Giêsu Kitô đem đến cho ta khuôn mặt dịu-hiền của Ðức Chúa đối với thế-giới nhân-trần.
Trên núi Sinai cũng thế, Môsê nhận-lĩnh mười điều giới-luật Chúa ban tặng và được dặn-dò phải làm sao cho dân tình biết tuân-thủ luật Giavê ban ra. Trong khi đó, ở trên núi Tabor, Giêsu Ðức Chúa đón-nhận lời truyền về tình thương yêu của Chúa. Và, qua đó, ta được yêu cầu phải nghe lời Ngài. Trong khi Môsê trực-diện với thứ ánh-sáng chỉ chói-chang nơi bụi rậm, thì toàn thân mình của Chúa đã biến thành ánh-sáng chan-hòa. Môsê được lệnh xuống núi phải áp đặt lề-luật cho toàn dân.
Trong khi đó, Giêsu Ðức Chúa thân-hành giáng-hạ với gian-trần để chấp-nhận cái chết nhục-hình ngõ hầu giúp ta sống mạnh, sống vui và sống vững chãi với mọi người.
            Một khi ta coi Chay Mùa tâm tịnh như chuỗi ngày khổ hình/khắc nghiệt, có những yêu cầu phải từ bỏ chính mình, thì Giáo-hội sẽ kể cho ta nghe chuyện Giêsu Ðức Chúa Biến Hình, ngõ hầu thâu-nhận mọi hy-sinh/gian-khổ của chúng ta để đưa vào bối-cảnh của Mùa lễ.
Chỉ một lý do duy nhất, khiến ta từ bỏ bất cứ thứ gì thuộc về mình; hoặc, yêu cầu ta quyết-tâm tham-gia mọi công-tác phục-vụ người đồng-loại trong suốt 40 ngày này, là cốt để ta được lớn mạnh và đi sâu vào tình thương-yêu của Ðức Chúa, Ðấng hằng yêu thương ta trong suốt cả đời người.
Sám hối Mùa Chay kiêng, không có nghĩa bỏ đi lòng tự-trọng của ta, bao giờ hết. Trái lại, mục đích của sám-hối là để giúp ta giải-quyết những gì đang trở thành vấn-đề. Ðem ánh sáng chiếu rọi đêm đen của đời mình. Và, đặt trọng-tâm vào tương-quan giao-tế nào khả dĩ đưa ra ý- nghĩa và mục-tiêu của sự sống trong thế giới hôm nay và mai ngày.
            Ðức Chúa ở trên núi Tabor sẽ không lấy gì làm thích thú khi có người trong chúng ta có cảm giác bị bỏ bê, đơn độc. Lý do, là vì ta chỉ biết giữ luật theo từng nét từng chữ, mà thôi. Ngược lại, Ngài muốn mỗi người chúng ta có tâm-hồn biết lắng nghe Tin Vui An Bình ngập tràn tình thương yêu của Ngài. Ðể rồi khi đó, ta sẽ có uy-lực biến-cải thế giới này bằng những hy-sinh cao cả trong cuộc sống thường nhật.
            Trong chừng mực nhẹ nhàng hơn, Thánh lễ Chúa nhật vẫn mang ý  nghĩa của kinh nghiệm hàng tuần có trên đỉnh núi vẫn gọi là Tabor tâm-hồn. Ở nơi đó, ta nghe tiếng Chúa mời gọi mỗi người bằng tên riêng của mình. Và, Ngài cũng tỏ-lộ tâm-tình Ngài yêu-thương ta rất mực.
Ở nơi đó, ta thấy mình lại được nạp năng-lượng thần-thiêng giúp thi-hành nhiệm-vụ đem ánh-sáng biến-hình của Ngài chiếu rọi thế giới nhân trần. Trong bối cảnh ấy, tất cả những gì ta làm trong Mùa Chay này, đều giúp ta phá vỡ thứ đá tảng cản-ngăn không cho ta đáp-ứng cách trọn-vẹn tình thương-yêu của Ngài.
            Trong cảm-nghiệm về tình thương đó, ta lại sẽ ngâm nga lời thơ những hát rằng:

            “Một thời mây biếc đã trôi qua,
            Nay tưởng cây vàng đã nở hoa.
            Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói,
            Đôi hồn không biết có nhìn xa…”
(Đinh Hùng – Bướm Xuân)

Với nhà thơ đời, thì có mơ và có nói gì đi nữa cũng chỉ là Những “bướm Xuân” chẳng biết nhìn xa trông rộng. Với nhà Đạo, có mơ và có tưởng-nhớ những là Abraham, Môsê và Êlya, cũng chỉ là hình-ảnh của Đức Chúa đến gần ta và gần người, thôi.  Mơ và nhớ như thế, vẫn sẽ là nhớ về cõi mơ rất “một thời mây biếc” đã trôi qua và sẽ còn qua đi về chốn trường-cửu rất vĩnh-hằng.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch






Saturday 14 February 2015

“Bên Em mỗi lúc trên đường cái”,



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay năm B 22/02/2015

“Bên Em mỗi lúc trên đường cái”,
“Hóng mát cho lòng được thoả thuê.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 1: 12-15
“Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Vào chốn hoang vu/sa mạc, làm gì có chuyện “hóng mát, cho lòng được thoả thuê”! Thế nhưng, đi vào tuần đầu Mùa Chay, lại sẽ thấy thi-ca cũng như Phụng-vụ Đạo CHúa, vẫn cứ nhủ: “Bên Em, mỗi lúc trên đường cái”, còn có những cảnh tình, tựa như: “Anh thường gửi gắm mối tình quê.”
Tình quê ở nhà Đạo hôm nay, lại sẽ thấy ở nơi nơi, người người như đi vào chốn hoang vu/sa mạc này nọ, người người vẫn có sứ vụ rất khẩn cấp để có thể sống đời an vui, trầm lắng, chốn nợ đời.     
Trình thuật Tin Mừng Marcô, ta nghe kể là Yêsu Đức Chúa đã trầm mình trong chốn hoang vu xa vắng, những bốn mươi ngày. Cả vào năm cuối cuộc đời trần thế, khi chấp nhận xả thân chịu chết cho nhân lọai, Ngài đã bước ra khỏi chốn thị thành, để vào nơi gian khổ ở đó có cái chết trơ trọi đang đợi Ngài trên khổ giá, nơi đồi cao, chốn vắng, một Gôngôtha sừng sững, rất khô cằn đến tận cùng mặt đất. Và, ở cả hai nơi, Yêsu Đức Chúa đều bị thách thức, gạ gẫm nhưng đã trỗi dậy: dậy lên trong yêu thương; vùng lên với chiến thắng.
            Với Tin Mừng thánh Mar-cô, ta không thấy tác giả đề cập đến những gạ gẫm của Satan nơi hoang vu xa vắng một cách đậm nét. Nhưng, với thánh sử Lu-ca và Mat-thêu, hố sâu thiếu xót và cách biệt ấy đã được khỏa lấp, bù trừ. Và, thánh Mar-cô kể rằng: quần chúng nhiễu nhương dám hỗn xược khích bác, gạ gẫm Đức Chúa, dụ Ngài hãy rời bỏ thập giá trèo xuống, tự cứu lấy mình khỏi thứ “diệu đế” cuối cùng, đày đọa.
            Nơi hoang địa đầu đời, Yêsu Đức Chúa được thần sứ phù trợ, đã ra khỏi tình huống suy sụp và Ngài đã trỗi dậy bằng câu tuyên sấm để đời rằng: “Nước Chúa đã gần kề”.  Tại đồi hoang vào phút cuối, Ngài đã được môn đệ, bạn hữu đỡ nâng để đi hết đọan đường gian khổ, hầu làm chứng cho Nước Trời mà Ngài hằng tuyên bố.
            Rõ ràng, trong các trình thuật vừa kể, đồng hoang cỏ cháy và cơn gạ gẫm, khuyến dụ vẫn cứ đuổi đeo Yêsu Đức Chúa dọc suốt hành trình ở với trần gian. Đây là điểm son then chốt đã ủi an đoàn con thân thương vốn đã khổ đau, sầu thảm. Phần đông chúng ta có lẽ chẳng cần ra ngoài, tìm nơi hoang vu địa đạo để cảm nghiệm tình huống sầu khổ, đớn đau có những khích bác, khuyến dụ. Càng sống trong tình huống cụ thể, ta càng gặp nhiều cơn khích bác, gạ gẫm dẫn đưa ta đến nơi đổ vỡ, thất vọng.
            Xét kỹ bản văn Kinh thánh, các truyện thần thoại, cũng như văn chương, nghệ thuật, phim ảnh trình chiếu, có hai yếu tố đã xuất hiện, thật rõ nét. Trước nhất, ai cũng thấy rằng: sa mạc hoang vắng có thể là nơi khuyến dụ điêu tàn, nhưng tiêu vong đã khiến nhiều đại anh hùng khi xưa cất bước lãng du mà không thấy có ngày trở về.
            Thứ đến, theo truyền thống thiết thực, hành trình vào chốn vẫy gọi của nơi quạnh hiu, sa vắng đầy cát nóng với những gian truân nhưng cũng đã tạo nhiều thoả thuê, thoải mái vì ở nơi đó ta vẫn đón nhận nhiều mặc khải cũng như cải biến hoặc vui sướng, giải khuây. Cả hai yếu tố trên không nhất thiết đối chọi, xung khắc tiêu diệt lẫn nhau; nhưng đã bổ túc nhau một cách hài hòa.
            Lấy trường hợp của Đức Chúa làm mẫu mực, ta thấy không nhất thiết phải buông xuôi, bỏ cuộc trước một gạ gẫm cho rằng chốn hoang vu sa mạc chỉ gồm những mất mát khổ đau, mà thôi. Mặc dầu là thế, ta vẫn cần tìm ra con đường thân thương đầy thuyết phục hầu có thể trỗi dậy, cất cao đầu lên mà thưởng ngọan những kinh nghiệm quý báu, tích tụ.
            Điều quan trọng, là: ở nơi sa mạc rất riêng của mỗi người, không phải mọi gạ gẫm, khuyến dụ đều mang sắc mầu tội lỗi. Khi bị gạ gẫm, khuyến dụ không có nghĩa là ta đang thực hiện điều xấu do người nào xúi giục, bảo ban. Gạ gẫm là những quyến rũ, được tô vẽ cho thêm mầu rực sáng nhằm thúc đẩy người bị dẫn dụ có những quyết định nghiêng hẳn về mặt xấu.
Trên thực tế, rất nhiều điểm đã phát giác ra trong đời sống tu đức của các thánh, là: các ngài càng gần gũi với Đức Chúa của tình yêu bao nhiêu, thì những gạ gẫm, khuyến dụ đủ mọi lọai hình càng gia tăng bấy nhiêu. Tuy nhiên, có điều may là chúng ta vẫn được giáo huấn để biết cách đối phó với những tình huống gay go.                           
            Cứ sự thường, gạ gẫm khuyến dụ thường có bối cảnh và huyền sử riêng. Các tình huống như thế chỉ xảy đến khi ta có cảm giác xa vắng, lạnh lẽo, dễ tổn thương. Và, các tình huống cám dỗ thường đánh mạnh vào yếu điểm của con người rất hay để lộ sơ hở trong cá tính rất thực của mình.
Muốn chống lại những tình huống như thế, cần đề cao cảnh giác về các mô hình kiểu mẫu của chúng, tức gạ gẫm, khuyến dụ thường dối gạt, đưa ta vào chốn mê hồn trận để ta tin tưởng rằng hành vi, thói tật mà ta say mê cũng “không đến nỗi quá tệ, chẳng tội lỗi gì đâu”, “chỉ một lần, thôi mà..”, hoặc “cũng chỉ là lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi”...
Mặt khác, gạ gẫm, dẫn dụ còn có khả năng nhận ra các hiểm nguy hiện có trong đời mình hầu đánh vào điểm yếu của mỗi người, khiến ta trở tay không kịp. Mệt mỏi, chán chường, giận dữ, rượu chè, ma túy, mất cảnh giác, thiếu khả năng đối thọai cảm thông và niềm tự tin quá thấp, vv.. đều là thực tế phũ phàng đưa ta đến tình trạng dễ phơi bày bộc lộ, hay bị tổn thương hơn lúc bình thường.
            Mùa chay năm nay, khi quyết tâm theo Chúa đi vào chốn hoang vu, xa vắng đầy ý nghĩa này, ta hãy làm những gì khả dĩ giúp mình trỗi dậy từ những tự ti, yếu mềm, thiếu trông cậy, thiếu tin tưởng... ngõ hầu ta có thể đối phó với cơn giận dữ, chán mệt. Hãy tự kiểm điểm xem, trong thời gian qua, ta có làm việc quá hăng say chẳng kể sống chết, hoặc có ăn uống quá độ chẳng hề cữ kiêng, tạo công ích. Hãy hạ quyết tâm sẽ bớt đi cho nhau những tình huống gây trầm tư, khổ não, hoặc cãi vã, đấu tranh, giành giựt.
Ngược lại, cương quyết thực hiện phương cách tốt đẹp nhất để đảm bảo rằng chúng ta sẽ trỗi dậy, rời khỏi chốn hoang vu, xa vắng hầu biến cải cuộc đời, cho tốt đẹp hơn. Ta sẽ không trầm mình trong chốn khổ đau, không tạo ra hoang địa, phân rẽ gửi đến cho nhau nữa.
            Vào nơi hoang vu, xa vắng không phải để lòng mình được chay kiêng, tâm được tịnh mà thôi; nhưng, còn để ta trỗi dậy hòa nhập với cộng đồng người thân cũng một tâm trạng. Cộng đoàn đang ngóng chờ ta quay lại từng giây từng phút. Và, đấy chính là ý nghĩa của mùa sám hối, phục thiện. Hối cải những gì đã sơ xuất. Hồi phục những gì rất thiện. Thiện đây là tình thân thương không chỉ với Chúa, với Mẹ mà cả với người anh em cùng nhà, xa ngõ.
Cầu Chúa cho ta thực hiện cuộc sống trỗi dậy và dâng trào. Mong an bình sẽ lại đến với ta, với muôn người. Và, mọi người.
Trong nguyện cầu Chúa giúp ta thực hiện cuộc sống như thế, ta hãy cùng nhau ngâm lại lời thơ, rằng:

“Từ gió xuân đi, gió hạ về,
Anh thường gửi gắm mối tình quê.
Bên Em mỗi lúc trên đường cái”,
Hóng mát cho lòng được thoả thuê.”
(Hàn Mặc Tử - Âm Thầm)

Vâng. Quả cò thế. Trong đời người, mỗi lần có gío xu6an đi, gió hạ về, thiết tưởng cũng cứ nên gửi gắm “mối tình quê” đến với mọi người, ở mọi nơi, dù nơi đó có là chốn hoang vu, sa mạc rất cuộc đời, ở mọi thời.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch