Saturday 22 November 2014

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc,”



Suy-tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ I mùa Vọng năm B 30-11-2014

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc,”
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc gầm bay.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 13: 33-37
Tiếng nhạc vẫn gầm bay, hôm trước, là ý-tưởng nhà thơ sống mãi với trăng sao gấm vóc.  Nắng thơm để sống mãi, hôm nay, còn là lời ca giúp nhà Đạo tư-duy về ngày Chúa đến lại tưng bừng một lễ hội rất Vọng Chờ.
Trình-thuật về vọng chờ và tỉnh-thức, được thánh-sử Mác-cô ghi rất rõ, luôn đính kèm lời nhắn nhủ gửi muôn người, một ý thơ. Ý thơ hôm nay, lại vẫn là những nhủ khuyên mọi người hãy Canh Thức và Đợi Chờ, kẻo hụt hẫng.
Ngày nay, rất nhiều người vẫn cứ canh thức và đợi chờ, vì âu lo. Canh thức và đợi chờ, có thể ở nhà thương, hay bệnh xá. Chờ người đem tin vui về người thân thuộc đang đau yếu.
Canh thức và đợi chờ, có thể là canh và thức do các bậc cha mẹ thực hiện để đón chờ tin tức về con cháu vừa mọc răng, nóng sốt hoặc đau nhức xem đã bớt chưa.
Canh thức và chờ đợi, có thể là trực chờ bên điện thoại, để ngóng tin người nhà mình vẫn an toàn mạnh khoẻ, sau thiên tai/bạo động ở nơi khác. Chờ, là chờ kết quả cuộc thi. Chờ, cũng có thể là chờ quyết định, xem chủ hãng có mướn mình làm việc, hầu nuôi sống gia đình mình hay không.
Những chờ và đợi thấy ở đây, vẫn là tỉnh thức/đợi chờ trong căng thẳng. Có người trẻ, xưa rày cũng đã canh và có thức, nhưng là thức và canh để giành quyền mua vé xem túc cầu, hoà nhạc hoặc đón giao thừa này nọ, vào đêm đó.
            Cách nay khá nhiều năm, phần lớn các cuộc canh và thức ở đây đó, đều mang ý nghĩa sống động cho cuộc đời mình. Có người từng canh và thức, để ở gần gũi người thân nay qua đời, thêm vài phút. Có người lại canh và thức chỉ để nguyện cầu suốt cả đêm. Chí ít, là khi giáo xứ mình lại cứ giữ các buổi thống chầu Mình Thánh, không còn hứng.
Canh và thức, với một số người nào đó, là như canh và thức với cô dâu một đêm cuối trước khi cô dấn bước về với ông chồng đang chực sẵn. Canh và thức như thế, là có canh có đợi. Đợi, xem có dấu hiệu gì chứng tỏ chàng rể và quan viên họ nhà trai bên đó, đang trên đường tới.
Hội thánh ta, cũng từng có thói quen duy trì kinh nghiệm về một canh thức ít nhất là vào tối thứ Bẩy thánh, trước Đại lễ Phục Sinh. Canh và thức cả vào đêm, vào dịp qui lăng/lễ mồ, hoặc đêm lễ Vọng Phục Sinh, cũng là canh thức rất tỉnh táo.
            Truyền thống phụng vụ bắt nguồn từ Trình thuật về canh và thức nhắc lại vào Chủ nhật hôm nay. Trình thuật thánh Mác-cô khuyến khích mọi người hãy tỉnh thức chờ đợi. Chờ, ngày Chúa đến lại. Đợi, một sự kiện mới lạ, để ta chuẩn bị mừng đón Giáng Sinh.
Trình thuật, nay nối kết với kinh Tiền Tụng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, trong đó có viết: “Chúng con chờ đợi ngày ấy đến, hy vọng ơn cứu độ đã hứa ban cho chúng con, khi Đức Giêsu Chúa chúng con đến trong vinh quang.” Chính vì thế, trọng tâm ta chú ý sẽ hướng về sự kiện lớn trong mai ngày. Tức, không chỉ là lễ hội tổ chức vào ngày mai.
            Đây là biến cố có một không hai trong cuộc sống của Hội thánh. Bởi, mọi lễ hội khác trong phụng vụ, đều để tưởng nhớ các sự kiện xảy đến trong quá khứ, như các lễ vào Tuần Thánh hoặc lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Và, cả các lễ trọng để truyền bá sự thật Chúa đang hoạt động ở trong ta, mà Hội thánh vẫn truyền dạy để tuân giữ, như: Lễ Chúa Ba Ngôi.
Nhưng, đó không là ý nghĩa của Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, rất hôm nay. Chúa nhật hôm nay, tập trung nhấn mạnh việc Chúa lại đến vào dịp Giáng Sinh, để giúp ta suy tư về ngày cánh chung. Tức, ngày Chúa đến vào buổi tận cùng, kết tận toàn bộ lịch sử thế giới và con người.
Tin Mừng hôm nay, là cầu nối giữa “các ngày cuối” của năm phụng vụ mới chợt qua theo lịch Hội thánh. Tức, phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua ta cử hành tuần rồi. Cầu, là để nối kết những ngày đầu Năm Phụng vụ, rất ý nghĩa.
              Vậy, đâu là ý nghĩa và cung cách của Hội thánh muốn ta có qua lễ hội Giáng Sinh này, như một đêm vui tươi có tỉnh thức. Chứ không phải như một canh thức rất lo âu, sầu buồn. Tức, những canh và thức mà ta chẳng bao giờ muốn nghe biết về những xấu xa, rầu rĩ với tin buồn.
Cũng chẳng là, những canh và thức có những sự việc được tiên đoán, qua đó ta sẽ bắt chụp nhiều sung sướng với rủi may để đi vào với lễ hội, rất kích động. Nhưng, canh thức ở đây là canh và thức có hy vọng để rồi qua đó ta tin tưởng mà đợi chờ Đấng mà mình biết chắc sẽ lại chia ngọt sẻ bùi với chính ta.
Ngài là Đấng thấu hiểu được mọi yếu đuối của ta. Và, yêu thương ta đến cả cuộc sống, có nỗi chết. Ta tin tưởng đặt hy vọng vào Ngài là người Anh thân thương. Vào, Đấng Cứu Độ. Vào chính Ngài, là Bạn Hiền rất muôn thuở.
            Chúa Nhật Vọng chờ hôm nay, ta hướng tầm nhìn vựợt quá Giáng Sinh, để vào với thời khắc cuối, khi trời và đất giao thoa, kết hợp. Và khi đó, việc canh và thức của ta sẽ hoàn tất.
Vào ngày ấy, ta tin rằng Con Người sẽ lại khai sáng thế gian, một lần là mãi mãi. Vậy, có nên nghĩ rằng có cái gì đó rất bõ để ta tỉnh thức mà chứng kiến? Có cái gì đó, để ta bỏ hết thì giờ ra mà thực hiện, cuộc canh thức, rất chờ đợi?
            Tuần thứ nhất Mùa Vọng, còn là ngày đầu của một canh thức khác qua đó ta dựng lều mà đợi chờ. Đợi và chờ, nhưng tin chắc rằng ta sẽ ngồi hàng đầu mà chứng kiến sự việc sẽ xảy đến, khi nó đến. Sự việc ấy, sẽ là buổi diễn hay nhất, ở huyện nhà. Rất bõ công để chờ và đợi. 
            Cảm-nghiệm lời nhắn nhủ đầy canh-thức, cũng nên ngâm lại lời thơ còn bỏ dở, rằng:

            “Ta uống hết dư hương và mộc-dược,
Ớn làm sao, đầy một miệng hào-quang.
Đưa tay vơ cung cầm nguyệt mênh mang.
Chan chứa ý ly-tao giây sảng sốt.”
            (Hàn Mặc Tử - Trường Thọ)

            Nhà thơ nay vẫn uống dư hương và mộc-dược, cốt để sống trường thọ với trăng sao. Kịp đến khi chưa toại nguyện, ông lại than thở: “Ớn làm sao, miệng đầy hào-quang”, và “lòng chan chứa ý ly-tao giây sảng sốt”, nhất nhất vẫn là tâm-trạng của người chưa tỉnh-thức, rất đời thường. Cầu mong nhà Đạo mình chờ đón Chúa trong tỉnh-thức, sẽ lĩnh-nhận muôn ơn lành, hào quang, nhưng không ớn.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch

No comments: