Monday 29 September 2008

“Thư về em, tím nét thương đau”

Mai mốt rồi đây lầm cát bụi

Anh lại đuờng xa trải kiếp người

Tim tím rừng chiều, tim tím núi

Chiều hôm nhiều tím, thế em ơi!

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mt 21: 33-43

Thư tím, chiều tím, đời cũng tím. Mầu tím chiều hôm, mà nhà thơ diễn tả, nay trải dài khắp muôn nơi. Nơi nhà Đạo thì không thế. Nhà Đạo, không nói mầu tím nét thương đau của riêng ai. Nhưng, vẫn mời gọi mọi người vào vườn nho, có Chúa. Có anh em. Mời đi vào trình thuật, có dụ ngôn mới.

Dụ ngôn hôm nay, thánh sử Mát-thêu diễn bày về “vườn nho nhà Chúa”. Dụ ngôn mới, là câu truyện đầy ý nghĩa bóng bảy, nhằm đưa ra một bài học gửi đến hết mọi người. Mỗi chi tiết dụ ngôn, đều mang ý nghĩa của hình tượng, rất tế nhị. Đượm nhiều nét thông điệp. Có liên quan đến con dân/tá điền, người của Chúa.

Về hình tượng dụ ngôn, ta không nên ngồi đó phẩm-bình hiện-trạng, của nhiều người. Như, trong quá khứ. Nghe dụ ngôn, hãy nên suy tư nghiền ngẫm, hiểu cho kỹ. Hiểu kỹ, ngõ hầu áp dụng cho đời mình. Mỗi người. Vì thế, đừng nghe đọc dụ ngôn với tâm tình tra cứu nguồn gốc, cốt truyện. Đúng hơn, hãy suy nghĩ về cuộc sống. Của mỗi người. Về phong thái hành xử, với tha nhân.

Bài đọc hôm nay, nói nhiều đến truyện của vườn nho. Ở nơi đó, dân con Đức Chúa vẫn thường gặp đủ mọi người. Những người Chúa chọn làm dân riêng, của Ngài. Những người lâu nay đồng hành với Chúa ở sa mạc cuộc đời. Có gian lao, kham khổ. Nhưng cuối cùng, cũng kết thúc nơi “đất miền đầy sữa và mật ong.” Sung mãn. Cật lực. Cật lực đến độ vẫn bắt gặp nơi Lời Chúa, một câu hỏi: “Ở vườn nho của tôi, nào có điều gì cần làm thêm, mà tôi đã không làm?” (Is 5: 4)

Bài đọc 1, chừng như là hồi đáp của dân con/tá điền còn xa với kỳ vọng của gia chủ. Chủ nhân ông, như muốn bảo: “Tôi những mong hoa trái tốt lành, sao nó sinh nho dại?” (Is 5: 4b). Trình thuật hôm nay, cũng thấy xảy ra tình huống tương tự:“chủ vườn sai đầy tớ đến gặp các tá điền, để thu hoa lợi”. Nhưng, tá điền cứ bắt bớ tớ/thầy của ông, đem giết đi. Chủ vườn đành sai phái tiên tri cùng người thân đến với họ, nhưng bị chối từ. Họ vẫn không thuần phục. Không sinh hoa, kết trái.

Chủ vườn gửi con ruột mình đến, với hy vọng dân con kính nể con ruột của mình. Nhưng, cả đến con một của ông cũng bị quăng khỏi vườn, và bị giết. Giết, để bịt miệng. Giết, để tiếm đoạt gia tài. Điều này, nhắc người nghe gợi nhớ truyện Cựu Ước, khi tiên tổ loài người những chỉ muốn tiếm đoạt quyền uy của Đấng Trên Cao. Và, truyện dân con quyết xây mộng dựng tháp, đụng “mây trời”. Giết con ruột của chủ vườn, và “quăng bên ngoài…”, là ám chỉ Chúa sẽ phải chết, ngoài thành thánh. Trên thập tự.

Áp dụng vào thực tế, có thể ví dân con/tá điền, là chính ta. Những người con của Chúa, thời đương đại. Chủ vườn nho, những mong dân con/tá điền sinh hoa kết trái, để tồn tại. Còn lại, là câu hỏi cho ta: Nào có ai, khác biệt hơn tá điền/dân con thời của Chúa? Bản thân, ta hơn gì đám thượng tế/ kinh sư, cùng luật sĩ với Pha-ri-sêu? Nhờ thanh tẩy, ta cũng là dân tuyển chọn, được mời gọi kịp đến làm việc, trong vườn nho Hội thánh. Mỗi tuần, ta còn được gọi mời quây quần với tụ tập, hầu đón nhận thông điệp ở Phúc Âm. Mời gọi thế, để ta làm thành viên năng động nơi cộng đoàn tình thương, Thân Mình Chúa. Tức, cộng đoàn Hội thánh, vẫn chờ đợi.

Mời gọi - đợi chờ, còn là đặc sủng và ân phúc rất riêng. Tuyệt nhiên, không là gánh nặng, hoặc cho bất cứ người nào. Vấn đề đặt ra, là: nhận thông điệp Chúa gửi, ta sử dụng phương án nào, để giải quyết?

Ở các thế kỷ trước, nhiều tiên tri/ngôn sứ ở cộng đoàn Hội thánh, cũng bị khước từ, chối bỏ, kể cả bị giết đi. Vào thời trước, các vị mang tên Gio-an thành Arc, Thomas Moore, Oliver Plunkett. Vừa hôm qua đây, là Martin Luther King, Giám mục Oscar Romeo, là Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận…những nạn nhân kể không hết, ở Nam Mỹ, Châu Á lẫn Châu Phi.

Các vị ấy, có chung một mẫu số: bị giết đi, không do bàn tay người-ở-ngoài. Mà lại, do chính người đồng Đạo, những tá điền của Chúa, ở vườn nho. Nếu phẩm bình, chắc hẳn ta cũng không hơn gì những nhân vật, được đề cập ở trình thuật, rất hôm nay. Ở bài đọc, có những lời: “Mong sao họ sống công bình, nhưng toàn là đổ máu. Ta chờ đợi họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe tiếng khóc.”(Is 5: 7). Ở thế giới hôm nay, chẳng cần đi đâu xa, ta cũng vẫn gặp những trường hợp mà lời Chúa nói đến.

Áp dụng vào cuộc sống Đạo, có thể hỏi: cộng đoàn kẻ tin chúng ta thuộc loại nào, của giàn nho? Chua, chát, nhạt bùi, hay rất ngọt? Cộng đoàn tình thương ta sống, có là dấu chỉ Đức Kitô đang hiện diện? Có thể hiện tình thương, ở nơi này? Tất cả, có đánh động lên niềm tin, của riêng ta?

Có là như, lời thánh Phao-lô từng khuyến khích: “Phàm những gì là chân thật, khả kính, công minh; là danh thơm tiếng tốt, là nhân đức hay những điều đáng ngợi khen, anh em hãy chú trọng đến tất cả.” (Ph 4: 8) Và nhất là câu cuối của bài đọc, được trích dẫn: “Và Thiên Chúa của bình an, sẽ ở cùng anh em.”(Ph 4: 8)

Giả như nhà thờ, hội thánh của ta bị đóng cửa, bán đi cho phàm nhân làm chốn vui chơi, nhảy múa, có gì khác biệt xảy đến với chòm xóm, láng giềng ta thường lui tới? Đã đành, vì năng lui tới chốn này nên ta mới nhớ. Thế còn, người-dưng-khác họ sống ở ngoài, chẳng bao giờ “về dấu giáo đường”, thấy ra sao?

Và khi đó, những người quanh ta có hệ luỵ vương vấn đến nhu cầu/nội quy, của tôn giáo? Và lúc ấy, còn ai đâu hầu đo đạc chất lượng xứ đạo, cộng đoàn? Còn ai ngó ngàng, tới những gì xảy đến , ở bên trong? Những gì đang diễn tiến, khi rời bỏ? Dĩ nhiên, cả hai phía đều quan trọng. Không thể có điều này, mà bỏ mất điều kia. Không thể sống hạnh phúc, mà lại thiếu cộng đoàn. Vắng người thân.

Hân hoan tham dự tiệc thánh với người thân, ta hát lên lời ca vang đầy phấn chấn:

“Hát với tôi trong cõi tim sâu xa tuyệt vời

Hát với tôi vươn mãi ra đến tận mù khơi

Đừng thèm nhờ máy hát lạ tai

Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai

Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi.

Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào!

Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát

Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.
(Phạm Duy – Hát với nhau)

Hãy hát với tôi. Với nhau. Cho, đời thêm vui. Dù, nhà thơ đã ngừng viết. Rất mầu xanh. Dù nhà thờ, có đóng cửa. Rất tím than. Vẫn cứ hát. Hát những lời của người đang vui, phấn khởi. Lời Việt Nam.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.




No comments: