Saturday 16 October 2010

“Chúng tôi trót ngẩng đầu, nhìn trước mặt”


Trán mênh mông va chạm, cửa chân trời.

Ngoảnh mặt lại đột nhiên, thơ mầu nhiệm,

tiếng hát buồn đè xuống, nặng đôi vai.”

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Lc 18: 9-14

Thơ nhiệm mầu. Tiếng hát buồn. Đó, có là chân trời đè nặng đôi vai của nhà thơ? Râm ran cầu. Lời tâm nguyện. Đây, có là trạng thái mênh mang nhà Đạo, vẫn an vui. Tươi cười. Hớn hở?

Tâm tư nguyện cầu, là ý tưởng mà trình thuật thánh Luca nay dẫn người đọc về với lời dạy, Chúa vẫn khuyên. Lời Chúa khuyên, Ngài khuyên về tư thế của mọi người khi nguyện cầu. Thông thường, mỗi khi có người xúc phạm đến mình, ta thường phản ứng bằng động thái đớn đau. Phẫn nộ. Rồi, tìm cách đáp trả, bằng hận thù. Đáp trả, để ít ra người xúc phạm sẽ không làm như thế nữa. Trong mai ngày. Ai cũng thế. Duy, có Chúa thì không.

Chúa vẫn thương yêu người phạm lỗi. Về cụm từ “thương yêu”, không nên hiểu theo nghĩa ưu ái/mến mộ, cho bằng ước ao cho tạo thành trọn lành. Cả người mắc lỗi. Chúa không coi lỗi phạm như hành động xấu chống lại Ngài. Ngài coi người phạm lỗi chỉ như người sơ lỡ, cần chữa lành. Chính người phạm lỗi mới là người đau đớn. Buồn bực. Chứ không phải Chúa. Đây là ý nghĩa của dụ ngôn Chúa Chiên Lành và truyện “Người Con Đi Hoang”, kể khi trước.

Tin Mừng diễn tả sự khác biệt nguyện cầu giữa Biệt Phái và người thu thuế. Biệt Phái là phái nhóm “tốt lành/thành đạt”. Họ tuân giữ luật lệ, không thiếu một chữ. Họ nguyện cầu, ăn chay. Bố thí. Nhưng dù thế, Chúa vẫn không tuyên dương. Bởi, họ là người chỉ biết tập trung mọi sự về với chính mình. Họ tự hào nói:“Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài, vì con không như kẻ khác. Không như tên thu thuế kia.” (Lc 18: 11). Nguyện cầu như thế, hẳn bảo rằng: “Lạy Chúa, Ngài phải biết ơn vì có đứa con tốt lành biết giữ luật cùng mọi giới răn Hội thánh khuyên giữ, giống như con…?

Nói như người Biệt phái, thì việc cầu nguyện, ăn chay, hay bố thí không vì yêu Chúa. Cũng chẳng vì thương tình người nghèo, chú nào hết. Chẳng qua, chỉ là thương yêu chính mình. Cho mình là trung tâm của vũ trụ. Thế giới. Chúa dùng chuyện của ông làm ví dụ, hẳn để răn dạy mọi người. Chúa chỉ trích động thái của Biệt Phái vì họ không nhớ rằng: những gì mình có, đều do Chúa. Chứ thật ra, mình có là gì. Hoặc, nào đã làm được gì, nếu không có Ngài giúp đỡ.

Viết truyện này, thánh sử hẳn muốn nhấn mạnh rằng: những kẻ tự cao tự đại/coi trời bằng vung, dễ bị lật. Còn, những người nhún nhường, được Chúa thương. Đó là giá trị trong đời, mà xã hội vẫn gợi nhớ. Chớ nên quên. Biết nhún nhường/tự hạ, ta sẽ thấy những vị như ngài Biệt phái nay đã thấy rất nhiều, ngoài xã hội. Nơi Hội thánh, ta cũng thấy không thiếu nhiều vị vẫn cứ tự hào mình là người Công giáo, rồi coi rẻ anh em Tin Lành/Thệ Phản, hoặc đạo khác.

So sánh động thái trên với đấng bậc Biệt phái khác nay biết hồi hướng, quay trở lại, để có những lời tự sự, như: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa…” (2Tm 2: 7). Chiến đấu/hài lòng với công việc mình làm, nhưng khác hẳn động thái của nhân vật tự cao tự đại, ở trong truyện, thánh Phaolô biết nhún nhường dâng cho Chúa toàn bộ cuộc sống của ngài. Và quyết rằng: năng lượng mình đổ ra, không phải để rạng danh chính mình. Mà, để mọi người nhận ra được sức mạnh tình thương của Chúa, trong đời.

Đành rằng, người thu thuế vẫn là kẻ đáng chê đáng trách, trong xã hội. Anh chẳng kể gì việc giữ luật Do Thái, lại cứ lươn lẹo/khai thác bóc lột người nghèo, làm mọi việc chỉ tại lợi ích cho đám thực dân ngoài La Mã, thôi. Những kẻ đầy tội phạm như thế mà sao Chúa vẫn thương. Ngài vẫn nói: khi người thu thuế rời đền thờ, anh rời bỏ như hành xử của một bạn Đạo, trong khi Biệt Phái thì khác. Vẫn coi thường/ chối bỏ lời khuyên của Chúa, chẳng hề vương.

Có người sẽ bảo: sao lại có chuyện trái khuấy như thế? Phải chăng đây là công bằng của Chúa? Công bằng và trái khuấy, khác ở chỗ: người thu thuế thừa nhận mình là kẻ có tội. Tự mình, mình chẳng làm được gì nên chuyện. Cũng chẳng thay đổi được gì, cho tốt đẹp. Có chăng, mọi sự đều do Chúa. Nhờ Chúa giúp đỡ. Bởi đó, ông mới thưa: “Lạy Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi.” (Lc 18: 13). Và, Chúa chỉ cứu giúp những ai khiêm hạ biết mình có lỗi. Biết con người thật của mình. Nên, hoàn toàn trông chờ lòng nhân từ của Chúa.

Từ Tin Mừng hôm nay, người đọc có thể rút ra bài học này: biết mình tội lỗi, cũng là quà tặng Chúa ban. Như thánh Gioan từng viết:“Nếu nói ta thông hiệp với Chúa mà lại đi trong tối tăm, thì ta nói láo. Không làm đúng sự thật!... Và nếu nói: Ta không có tội, thì lúc ấy chính ta đã tự lừa dối mình. Và sự thật không có trong ta.” (1Yn 1: 6, 8)

Đấy là khó khăn trong đời người Biệt Phái. Khó ở chỗ: Họ nghĩ mình là bạn của Chúa. Nhưng lại đi trong tối tăm. Có mắt thật đấy, nhưng cũng như mù. Trái lại, người thu thuế lại là những kẻ biết mình có tội. Nên, mới xưng thú những lỗi và tội của mình trước Chúa. Trước mọi người. Xưng như thế, là mình không còn nói dối. Nhưng đã nắm vững sự thật, về mình. Buồn thay thế giới hôm nay, vẫn còn nhiều người cứ nghĩ mình hiểu Lời Chúa rất rõ. Nhưng lại thiếu một điều, là: không còn nhận ra mình vẫn thiếu sót rất nhiều. Nhiều tội. Nhiều sơ xuất. Rất mắc phạm. Trong đời.

Về những lỗi ta mắc phạm hôm nay, không chỉ vì ta không thành đạt trong hành xử hoặc giữ luật. Mà là, đã để mất đi quan hệ với Chúa. Với mọi người. Bởi, ai cũng có thể phạm lỗi với gia đình. Và, bạn bè/người thân. Cả với khách lạ người dưng, chưa từng gặp. Lỗi và tội mình mắc phạm, là đã mất thói quen yêu thương/giùm giúp,hết mọi người. Làm việc hoặc lo toan gì, cũng chỉ biết có mỗi mình, mà thôi.

Nhận thức sâu sắc những tội và lỗi mình mắc phải, không làm ta xa Chúa. Trái lại, đó vẫn là dấu hiệu cho thấy Chúa là phải thành phần cao quý trong đời ta. Và, cũng nhận ra rằng mình vẫn ước ao san sẻ tình thương Ngài tỏ bày. Và từ đó, biết được rằng kẻ đáng thương nhất trong đời, là người:

-vẫn nghĩ mình chẳng cần Chúa như: Biệt Phái nọ. Người Công giáo kia.

-vẫn cứ bảo: đời mình chưa từng biết sai phạm, trong quá khứ. Cũng như hiện tại.

-vẫn tự nhủ: Chúa chẳng bao giờ yêu thương kẻ lầm lỡ, lỗi phạm, trong nhiều điều.

Vào Phục Sinh, Phụng vụ thánh có nhắc đến “tội hồng phúc”, tức tội đóng đinh Chúa, vào thập giá. Đôi khi, cũng nên nghĩ là: ta cũng đã sai phạm như thế. Cũng vẫn phạm những lỗi rất “đáng tội”. vì yếu đuối. Nên, ta vẫn luôn cần sự giúp đỡ của Đức Chúa. Cần, sự hỗ trợ của mọi người.

Nhận thức mình có lỗi, cũng giúp mình biết sống rộng lượng. Để, hiểu rõ mọi người hơn. Hiểu, là họ cũng có điểm yếu, dễ lỗi phạm. Điều cần thiết là dù trong nỗi niềm sâu lắng dù rất tội, ta có cũng đừng rời xa Chúa, Đấng luôn ở cạnh mọi người để nâng đỡ, hỗ trợ. Nâng và đỡ, như bài đọc 1 nói: “Lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây… Đức Chúa không trì hoãn, không bắt họ đợi lâu.” (Hc 35: 16, 19)

Trong nhận thức chính xác như thế, ta lại sẽ hân hoan cất lời ca phấn chấn, mà hát rằng:

“Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ,

Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời.

Nuôi một đời người

Mùa Xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi…”

(Trịnh Công Sơn – Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)

Vẫn cứ ru em, tuy không ngủ. Chỉ để nói: đừng quên hồng ân kết nụ, của Đức Chúa. Mưa vẫn ru em. Vẫn “nuôi một đời người”, là để: “mãi ăn năn mà thôi.” Ăn năn. Kết nụ. Là, động thái cần có để người người sẽ lại đạt tình thương yêu của Chúa, mình để mất. Lúc bất cẩn. Ngủ quên. Rày mãi mãi.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: