Sunday 8 June 2008

“Trên gương mặt người, cao vợi một niềm tin”

Khi mỗi một ngày, là một lời kinh

Đem đến trong tim, an bình tịnh độ

Thế giới của tôi chẳng còn đau khổ

bất hạnh, không hề có chỗ dung thân.”

(Dẫn nhập bằng thơ Tiểu Thảo)

(Mt 9: 36; 10: 1-8)

Quả có đúng, khi mỗi ngày là một lời kinh. Kinh an bình, tịnh độ, rất dễ thương. Có an bình lời kinh đến trong tim, thế giới chẳng còn khổ đau, nữa. Đó là thông điệp nơi trình thuật, buổi hôm sớm.

Tin Mừng hôm sớm bữa nay, bắt đầu một nhận định: “Chúa nhìn đoàn người đông đảo, bèn chạnh lòng thương”. Thương người, Ngài nói: “Họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9: 36). Từ ngày ấy, mọi sự như chẳng đổ thay. Người người vẫn lầm than - vất vưởng, không hướng sống. Không hướng, tựa như ý/lời nhạc bản ở nơi đó Diana Ross và The Supremes vẫn hỏi han: “Anh biết chăng anh, con đường ta đang đi tới?” Và, câu trả lời nay kiếm tìm, thấy ở đâu?

Lúa chín đầy đồng, mà thợ thì ít. Anh em hãy xin chủ sai thợ ra đi gặt lúa.(Mt 9: 37b). Nếu đếm, ta sẽ thấy: thế giới hôm nay, những người bước đi theo Chúa, cộng lại cũng đã một phần năm. Bốn phần còn lại, còn chưa biết Tin Mừng. Vẫn xa lạ như người dưng, những lầm than và vất vưởng. Cả dân con nhà Đạo dù mang danh Kitô hữu. Dù đã thanh tẩy nhưng vẫn cứ như người lạ. Vẫn như người dưng vất vưởng.

Trong khi ấy, hàng triệu dân con tuy ngoài Đạo, vẫn có niềm tin thần thánh. Niềm tin riêng của Do Thái giáo. Lòng sùng bái vững mạnh, ở Đạo Hồi. Chất đạo hạnh, của Phật và Ấn giáo. Chẳng nghi ngờ gì, tôn giáo bạn đã nhận thức nghĩa sâu của cuộc đời. Và nay, có nhiều bậc thánh, các tiên tri nhà thần bí. Quả là sai, nếu ta vẫn coi họ như “dân ngoại”, với “vô thần”. Bởi, dân ngoại hay vô thần chỉ thấy có ở xã hội giàu sang, phương Tây. Nơi đó, có văn minh thượng thặng, chẳng ai tin.

Quả có đúng, mùa hái gặt vẫn đầy đồng, khắp mọi nơi. Duy ở nhà Đạo, người người vẫn quả quyết: thợ hái gặt nay vẫn thiếu. Thiếu nhiều, thiếu lắm, nhưng không cần thợ gặt có chức quyền tựa linh mục- tu sĩ, hoặc các sơ? Thợ gặt cần, Thầy kiếm tìm ở đây chính là người anh người chị dấn bước theo Thầy, tại khắp chốn. Gặt hái thế nào, vẫn còn tuỳ hoàn cảnh tình đời, ta đang sống. Tuỳ gia đình. Tuỳ công việc, tuỳ nền giáo dục - bản vị - tâm linh, dân đi Đạo.

Đáp lời Thầy, lẽ ra ta phải nói: “Thưa Ngài, này con đây!” Nhưng, xưa nay ta vẫn tưởng: Thầy có gọi, thì chỉ kêu ta trở nên linh mục/tu sĩ/nữ tu, thôi. Hơn nữa, ta nghĩ “ơn gọi”/“lời mời” làm thợ gặt là lời chào Thầy gửi đến một ai khác, không phải ta. Vì thế, người người mới lơ là/dửng dưng và tưởng rằng: chẳng bao giờ Thầy lại ám chỉ vào mình.

Trình thuật hôm nay, khởi đầu bằng lời nhắn nhủ hãy xin Thầy gửi thêm thợ gặt cho cánh đồng vàng ươm, nhiều lúa chín. Thực sự, vụ mùa hôm Thầy gặt đếm được chỉ mười hai. Mười hai vị, được trao quyền chữa tật bệnh, và đầy lùi thần ô uế. Và, Thầy trao quyền giải thoát hết mọi người, không chỉ mang tính thánh thiêng tôn giáo, những giải thoát. Chữa lành/giải thoát ở đây, là chữa cả tinh thần lẫn và thể xác, rất trọn vẹn. Ở mọi cấp.

Đồ đệ Thầy chọn với danh xưng “tông đồ”, được thánh sử ghi lại duy nhất có một lần, ở Mát-thêu. Đồ đệ nơi thánh sử Mát-thêu, là người bước theo chân mềm của Chúa đi. Những người quyết học hỏi điều xuất phát từ Lời Thầy đã bảo. Quyết giống thầy, nhưng danh xưng “tông đồ” là để chỉ dân con đồ đệ, những ai đặt trọn niềm tin nơi Thầy. Những người mang trọng trách chuyển giao thông điệp Thầy gửi đến. Thành thử, hãy trở nên đồ đệ trước đã. Sau đó, hẵng thành tông đồ cận kề năng động, sau.

Nhưng, tông đồ Thầy chọn chỉ đếm được, có mười hai? Mười hai, là số con mà tổ phụ Gia-cóp xưa, đã từng có. Mười hai người con duy nhất, thành lãnh tụ chi tộc trên toàn Israel, lúc còn chia cắt. Mười hai, nay là con số thủ lãnh của Israel mới. Một Vương Quốc, được gầy dựng nhờ Đức Giê-su.

Về tông tích, tông đồ là người được Chúa phối kết, hội tụ. Có vị rất kém chữ, cần học thêm. Có vị, xuất từ đám công-bộc-rặt-dân-thu-thuế, những nhũng lạm. Còn vị khác, lại đã mang tăm tiếng đối kháng với nổi loạn. Tức là, con người chỉ hăm he lật đổ giới chức cầm quyền, vào khi ấy. Và có vị, cuối cùng trở thành tên bội phản, rất nổi danh. Nhưng tất cả, đều đứng dậy vội bước theo Thầy, làm thợ gặt. Làm thợ cho Thầy, chẳng vị nào từ chối khéo, như: “Tôi không xứng với việc Ngài giao phó”

Nhìn vào Hội thánh hôm nay, theo chiều kích rộng mở - phức hợp; theo đặc trưng đa năng văn hoá, phải công nhận: tông đồ Chúa hôm nay vẫn hiếm quý. Quý và hiếm, nhưng Chúa dùng các ngài được, sao không phải chính ta? Và hôm nay, nếu Chúa đích danh mời gọi, ta có đáp trả như đồ đệ xưa, thưa rằng:”Thưa Ngài, này con đây!”, chứ?

Thoạt đầu, tông đồ Chúa được bảo: hãy đến với “đàn chiên đi lạc”, tránh người Samaritanô và dân ngoại. Lời mời Chúa đưa ra, chỉ gửi đến với đàn con riêng của Ngài. Việc Chúa làm, tưởng chừng như chỉ tập trung gửi người Do thái, thôi. Nhưng, việc Ngài uỷ thác là uỷ nhiệm cho dân gian mọi người ở khắp chốn. Và điều Chúa kỳ vọng nơi tông đồ, là lời Ngài loan báo “Nước Trời đã gần kề”.

Nước gần kề, không có nghĩa là: ngày thế tận nay đã đến. Cũng chẳng là ngày dân con người người khi chết được về chốn “thiên đàng”, không trở ngại. Thật ra, thánh Mát-thêu khi viết sử là muốn chúng ta ra khỏi lối hiểu biết hạn hẹp của nhiều người, lúc ấy. Chính vì thế, thánh nhân nhiều chỗ đã tránh sử dụng cụm từ “Thiên Chúa” và “thiên đàng”. Thay vào đó, ngài viết rõ “Nước Trời”, tức Vương Quốc hiền hoà của Đức Chúa.

Vương quốc, không là chốn không gian mang tính địa dư. Mà là triều đại, có sự hiện diện của Đức Giê-su Kitô. Về với Vương quốc hiền hoà của Chúa, không về lối mòn thầm bước nào đó, nhưng là đặt trọn tâm can của mình theo đường lối Ngài nhủ khuyên. Làm như thế, ta có được suy tư của Đức Chúa truyền cho ta. Làm như thế, là biến đường lối của Ngài dạy thành đường đi ta nhắm đến.

Tông đồ của Chúa, là người biết theo lời Ngài mà loan báo Vương quốc Nước Trời Ngài đã hứa nay gần kề. Nước gần kề, bằng những chữa lành người tật bệnh. Bằng, vực dậy kẻ đã chết. Bằng, chùi sạch vết thương phong cùi, đẩy lùi loài ma quái. Nhất nhất, là dấu chỉ quyền lực tình thương, nhiều giùm giúp. Tình ấy, nay đi dần vào nơi sâu lắng, của lòng người. Vào cuộc sống dân gian, con của Chúa.

Dùng ngôn ngữ thời đại, điều này có nghĩa:

*Mang điều lành, chạy chữa đến với mọi người. Những người đau yếu theo nhiều cách. Không chỉ yếu đau về thể xác, mà thôi.

*Dù không thể vực dậy người đã chết, nhưng ta vẫn có thể giúp mọi người tạo lại niềm vui sống. Bởi, nhiều người tuy đang sống thật về thể xác, nhưng lại đã chết về mặt khác.

*Lau vết phong cùi, đẩy lùi loài ma quái/ghẻ lở. Với ta, điều này có nghĩa: ta hãy phục hồi đưa mọi người sống ngoài lề bị xã hội bỏ rơi hoặc tẩy chay/khinh thường do sắc tộc, mầu da, tôn giáo, giới tính, hoặc trở ngại trong hôn nhân, được về với cộng đoàn, đầy năng động.

*Đẩy lùi loài ma quái hôm nay, là đẩy lùi mãnh lực làm ta ngộp thở. Buộc ta sống như người nô lệ, thời buổi trước. Đẩy lùi những gì đang thao túng/giới hạn tự do khiến mình không thể sống trong sự thật và tình thương yêu, đùm bọc. Đẩy lùi mãnh lực của ma quái, là bỏ đi lối sống thác loạn. Lối sống, nhiều sức ép bắt buộc mọi người theo, tựa như: thời trang, mải mê ăn chơi, sống thác loạn với ma tuý, độc dược. Là, khoái lạc chủ nghĩa. Là, cá nhân vị kỷ và bạo lực đủ mọi hình thức. Hãy đẩy lùi thứ đó khỏi nơi ta, trước khi tìm cách giùm giúp mọi người được giải thoát.

Cuối cùng, lời dặn dò: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho nhưng không như thế.” (Mt 10: 8). Đây là quà tặng Chúa trao ban cho mỗi một người. Món quà vô giá, cần được cho đi một cách nhưng-không. Cho một cách tự do, vì lợi ích của tất cả mọi người. Cho đi, không phải để chia sớt tiền bạc và tiếng tăm đã tậu được. Nhưng cho đi, như tổng thống Mỹ Kennedy, khi trước từng nói: Đừng hỏi người khác đã làm gì được cho mình, nhưng hãy tự hỏi mình làm được gì cho người khác, chưa.

Trong tinh thần biết lắng nghe lời Chúa, hãy cùng người nghệ sĩ hát lên lời nhắn, với loài chim:

“Bay đi, cánh chim biển hiền lành

chẳng còn, giấc mơ nào để giữ đôi chân anh

chẳng còn, tiếng nói nào để trách cứ anh

khi, mặt trời đậu trên đôi cánh vỗ.

Giấc mơ của tôi, và cánh chim hải âu

Bay ra khỏi tầm tay, và tiếng sóng..” (Đức Huy – Bay đi cánh chim biển)

Vâng. Cứ đi và cứ bay, như loài chim biển. Bay đi, để người người biết nhận ra “trên gương mặt người, cao vợi niềm tin”. Tin rằng, thế giới nay chẳng còn đau khổ. Vì, có tông đồ nghe theo lời mời Chúa gọi, đã ra đi. Đi, mà hái gặt đồng lúa chín đầy. Đi, để đem đến cho người, những an bình - tịnh độ, rất trong tim.

___________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

No comments: