Sunday 1 November 2009

“Dẫu rong rêu, xóa mất dấu tên đường”

vui nhé em, chào những khung cửa khép
hạnh phúc chờ, từng tiếng gọi yêu thương."
dẫn từ thơ Cao nguyên)

Khung cửa khép, suy tư/nguyện cầu đâu cần những phô bày. Phô và bày, ở khung cửa khép như Kinh sư/Biệt phái nhà Đạo, thời buổi trước. Thời, có trình thuật thánh sử đà ghi sâu.

Trình thuật thánh Máccô hôm nay, ghi sâu về phong thái của người đời chỉ những muốn phô trương cùng bày biện. Phô bày diện mạo, danh xưng chức phận, cùng phong thái. Phô và bày, để tỏ ra ta đây lành thánh, có khắp nơi. Đó là thái độ Chúa nói về kinh sư nhà Đạo, ở Kinh thánh: "Những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng. Thích được người ta chào hỏi nơi công cộng. Họ muốn chiếm ghế danh dự trong hội đường. Thích ngồi cỗ nhất, trong đám tiệc.”

Quả tình, Kinh sư Biệt phái, là những người am hiểu rộng rãi về luật lệ. Nên rất được kính trọng. Xúng xính trong bộ áo thụng, để chứng tỏ mình thuộc tầng lớp cao quý, rất riêng tây. Rất am hiểu nhiều bộ luật. Nên, mỗi khi thấy họ đi ngang, chúng dân đều đứng dậy, mà tỏ lòng cung kính. Rất quý trọng.

Nhiều lần, quần chúng xưng hô chúc tụng họ như các đáng thuộc “Bậc Thầy”, hoặc “Cha/Cố”. Khổ nỗi, quen với thói tục này, họ tưởng mình vẫn có quyền được như thế. Quyền được có lợi. Quyền để hành, dành riêng cho một mình mình. Và từ đó, họ có thêm thái độ tự tung tự tác. Phô trương. Ngạo mạn. Coi luật Chúa, như của riêng.

Ngày nay, nhiều viên chức cấp cao trong xã hội, cũng hành xử theo cùng một cung cách. Có vị ngang nhiên tự tạo cho mình tính “quý phái” giống giòng hào kiệt. Có đủ mọi quyền uy/vị thế để có thể lọt vào giai cấp rất chững chạc, ở trên cao. Trọng vọng. Để rồi từ đó, cứ tiếp tục làm mầu làm mè ở chính trường, lẫn nhà đạo. Nay, Chúa lên án thái độ đê hèn của Kinh sư, chuyên nuốt tài sản của các bà goá”,
và "làm bộ đọc kinh cầu nguyện thật lâu giờ ". Nói tóm, quyền uy/chức vụ thường kết nối chặt với tham ô/nhũng lạm. Mà, nhiều thủ lãnh tôn giáo vẫn cho là mình không thể là kẻ có tội.

Thời nay, đôi lúc có vị tự cho mình là “thủ lãnh tôn giáo” trong địa hạt rao truyền Lời Chúa trên truyền thông/truyền hình dám gom góp tiền bạc của chúng dân hiền lành. Khờ khạo. Từ đó, họ sống thoả thuê bằng mồ hôi nước mắt của bà con. Trong khi đó, hình ảnh của Mẹ Têrêxa Calcutta hiện lên chuyến viếng thăm trường học nọ ở Hồng Kông, đơn giản chỉ với chiếc áo dòng cũ kỹ trên người. Mẹ đi đôi dép da chẳng đáng giá. Và khi đến thăm Nữ Hoàng Nước Anh, Mẹ cũng chỉ ăn vận đơn giản. Hèn mọn. Như chính bản thân Mẹ.

Ở đời thường, ta cứ bận tâm với “thể hình bên ngoài”. Luôn ưu tư, đến việc người khác đánh giá thế nào, về mình. Luôn lo sợ người khác biết mình có khuyết điểm. Nên, không còn có thể giáp mặt người “đồng loại” cách thoải mái. Nói tóm, ta quá bận tâm về chính mình. Chẳng để ý đến một ai.

Tin Mừng nay nói về thái độ của Kinh sư/Biệt Phái, là nói về ta, là dân con nhà Đạo. Lâu nay ta suy nghĩ và hành xử, hệt như thế. Lâu nay, ta cũng ưu tư lo lắng về lớp mù sương dày đặc, cần lướt thắng. Nỗi ưu tư, giống như thái độ người Kinh sư/Biệt Phái vẫn tiềm tàng, trong ta. Làm thành quan ngại lớn. Và, đây cũng là căn nguyên mọi vấn đề. Với nhiều người.

Phần hai Tin Mừng, dẫn đến ảnh hình của truyện tích, rất khác biệt. Ở đó, nối kết giữa hai phần, nhờ cụm từ “bà goá”. Bà goá và trẻ mồ côi, là hai lớp người nghèo/khổ, thời của Chúa. Ở xã hội, không có hệ thống phúc lợi, lớp người này chẳng bao giờ có được giùm giúp. Mồ côi, vốn vô gia cư. Chẳng được gì. Lại bị xã hội ruồng bỏ. Và goá bụa, thường vì chồng chết sớm vì chiến tranh hoặc bệnh tật, nên tuy gọi là goá, các bà thường vẫn trẻ. Nhưng, với xã hội trong đó hôn nhân được đẩy đưa/mai mối, thì bà goá là người chẳng có cơ may làm lại cuộc đời. Nếu không con, lại đơn chiếc, thì nhiều phần là các bà goá sẽ bị dồn vào cảnh tình nghèo đó. Túng cực.

Ở trình thuật, sự tương phản thấy rõ giữa thái độ của bà goá nghèo hèn và Kinh sư/Biệt Phái, rất quyền cao chức trọng, đầy uy nghi, đã làm nền cho lời dạy của Chúa. Tính giản đơn/chân phương của bà goá qua quyên góp, phản nghịch lòng tham lam/ngạo mạn của một số lãnh tụ tôn giáo, và đây còn cho thấy trạng huống chênh lệch của xã hội Do Thái, thời của Chúa.

Nhìn vào cảnh tình hôm nay, ta thấy rõ: vẫn có chênh lệch giữa các giai tầng quyền chức trong xã hội, ngày hôm nay. Chênh lệch và khác biệt, còn nhận thấy trong thái độ vui chơi/ăn uống giữa giai cấp sống thoải mái, dư dật và nhòm người đói nghèo. Cùng cực. Có những cảnh, người ăn không hết, cứ vứt bỏ của dư thừa vào thùng rác. Trong khi đó, người nghèo đói cứ phải phấn đấu kiếm từng giọt nước với hột gạo, để sống sót. Tín thư Tin Mừng Chúa đưa ra, không phải chỉ cho người Do Thái thời của Chúa mà thôi. Mà, cho mỗi người. Và mọi người chúng ta, hôm nay.

Bà goá nghèo, đã hành động hoàn toàn tin tưởng vào sự an bài của Chúa, dám bỏ vào thùng tiền những gì bà hiện có. Bà chẳng quan ngại ngày mai đói khát. Còn mỗi hai đồng tiền kẽm có thể nuôi sống bản thân mình nhiều ngày, nhưng bà vẫn cho đi. Cho để phục vụ những người còn khổ hơn.

Bài đọc 1, diễn tả cùng một chuyện. Tương tự. Cũng nói về bà goá. Bà goá nghèo, có con trai. Và cả hai, đang đứng trước cảnh tình cùng cực, chuẩn bị chết. Nhưng, dù đói nghèo cùng cực, bà vẫn có tinh thần phục vụ. Phục vụ người đang có nhu cầu cấp bách. Phục vụ, được thử thách bằng đòi hỏi gắt gao của ngôn sứ. Đền đáp lại, là phần thưởng cao quý dành cho ba người. Những người con, dám hy sinh cho đi mọi sự. Để phục vụ. Cho đi, mẹ con bà goá và vị ngôn sứ được nhận lại, nhiều hơn trước. Đó là tín thư của Tin Mừng. Của Phục vụ. Và, cho đi.

Trình thuật nay diễn bày câu chuyện thoạt xem có dáng vẻ “không tưởng”. Nhưng thực tế, biết bao gương lành về phục vụ và cho đi, như chuyện thần thoại, vẫn diễn ra ở phố chợ. Điều, mà trình thuật muốn chứng minh, là: bao lâu ta nhận ra rằng chỉ khi nào ta biết nghe theo Lời của Chúa trong mọi việc, khi đó ta mới đạt cội nguồn của an bình. Hạnh phúc. Sướng vui trong miên trường.

An bình và hạnh phúc, không thấy nơi bạc tiền. Tài sản. Học vị hoặc chức nghiệp. Bởi những thứ ấy đều thoáng qua. Tạm bợ. Dễ biến dạng chẳng báo trước. Chỉ một điều có thể tồn tại mãi mãi, là: tình thương yêu đùm bọc. Giùm giúp lẫn nhau. Trong mọi tình huống, dẫu xấu xa. Tồi tệ.

Câu chuyện thánh Máccô diễn tả, còn là nhịp cầu nối kết cuộc sống đầy ý nghĩa của Đức Chúa với nỗi thống khổ sắp tiếp diễn. Hành động của bà goá hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, biểu trưng việc Chúa phó dâng trọn vẹn cuộc sống của Ngài cho Cha. Ngài phó dâng, như một bài dạy để ta nhận biết, mà noi theo.


Trình thuật hôm nay, là tổng luận lời Chúa dạy về tính chất người đồ đệ. Đồ đệ Chúa, phải là người tự coi mình như không có. Không vênh vang, tự mãn. Không tham vọng. Cũng chẳng đánh bóng tạo hình tượng cho người người đến chiêm ngắm. Như Biệt phái/kinh sư hay người giàu có, ở đền thờ. Bà goá hôm nay là ảnh hình lý tưởng của người chẳng là gì, nhưng lại có tất cả. Có được sự cao cả, Chúa hứa ban.

Còn lại, vấn đề: “có hay không có”, và “người người nghĩ thế nào về mình”, cũng chẳng quan trọng bằng: mình có là người tự do, trung thực và thật sự công chính, trước mặt Chúa? Có dám cho đi tất cả, để tin tưởng trọn vẹn vào Chúa, Đấng sẽ ban trở lại những gì mình cần đến? Có tin tưởng rằng: cứ cho đi, như bậc tiền nhiệm của ta từng làm. Rồi ra, ta sẽ được Chúa đoái hoài, tặng ban thêm?

Trong tin tưởng những việc chính đáng như thế, ta lại sẽ hát lên lời ca đầy phấn chấn, như:

Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu khóe mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo, trên môi một nguyện cầu.”
Phạm Duy – Kỷ niệm)

Cho đi và cho mãi. Không chỉ từ đầu. Mà, cho mãi về sau. Cho từ thời thơ ấu. Cho cả thời về sau. Cứ cho. Sẽ có Chúa cùng cho. Và cùng ở với ta. Mãi muôn đời.


Lm Phan Đỗ thục Linh
Mai Tá diễn dịch

xem thêm các bài khác, xin mời vào
www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc:www.tranngocmuoihai.blogspot.com
hoặc:www.giadinhanphong.blogspot.com