Sunday 27 December 2009

“Trong trần thế nhiều nơi phú quí”,

Suy Niệm Lễ Thánh Gia Năm C 27.12.2009


Nỗi buồn riêng ai ví như ai?
Bày ra cái cảnh có trời
Vui buồn cũng ở tự người thế gian.”

(thơ Tản Đà)

Lc 2: 41-52

Nhìn cảnh gia đình, nhà thơ xưa thường hay nói: Vui buồn ở tự thế gian. Xét tình đời thường, nhà Đạo nay đề xuất: hãy về với Thánh Gia. Vẫn thảo kính, yêu thương đời đi Đạo.


Trình thuật lễ hôm nay, thánh Luca ghi rõ tình tự thân thương, về gia đình rất thánh, của Đức Chúa. Gia đình vui, nhưng vẫn ưu tư đời trẻ nhỏ. Là trẻ nhỏ, Đức Giêsu Ngài đâu như trẻ bình thường, chốn dân gian. Vẫn ưu tư. Phiền muộn. Như bao gia đình khác.


Thánh gia, tuy có cuộc sống giống mọi gia đình, nhưng lại đã kinh nghiệm từng trải, rất đặc trưng. Riêng biệt. Thánh thiêng. Đặc trưng, ở chỗ: lúc mới sinh, Đức Giêsu sống từng trải những tháng ngày lưu lạc, rày đây mai đó. Là Đấng Thánh, Ngài cũng không có cả chốn tạm bợ để trú chân. Ngay từ nhỏ, Hài nhi Giêsu đã phải sống lây lất nơi chuồng bò/ngựa, rất túng bấn. Từ tấm bé, Hài Nhi Đức Chúa đã chịu cảnh “không có nơi gối đầu”. Cứ bị vua tôi Hêrôđê truy tầm dấu vết, thánh gia phải đi ẩn náu xứ Ai cập, trở thành kẻ vô gia cư. Tị nạn.


Tin Mừng thánh Luca hôm nay, cho thấy Đức Giêsu tuổi niên thiếu đã chịu cảnh lạc xa cha mẹ, thêm lần nữa. Và, thánh gia lại cũng chịu cảnh có người Con “lạc bước”, rất ai oán. Thất thần. Vào cảnh tình như thế, bậc cha mẹ nào cũng đều thấy chuỗi ngày dài sống vô vọng. Vô vọng, ngay nơi đô hội đình đám, ở thành thánh Giêrusalem.


Về sau, Đức Mẹ thấy Chúa Con hoà mình vào với đoàn người đông đúc đi theo Ngài, mà giảng giải. Mẹ đã nghiệm sinh thấy rõ quyền uy nơi Ngài, qua các buổi thuyết giảng. Chữa lành. Thành công. Và, Mẹ rất tự hào với vai trò hợp tác với Chúa, mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, tình cảnh ấy không kéo dài. Bởi, có nhiều địch thù đã ló mặt, quyết công kích. Hờn ghen tính cách bình dân. Vì thấy Ngài thu hút mọi người nghe. Vì cứ nghĩ, Đấng Mêsia chân chính không thể nối kết với kẻ tội tỗl, nghèo hèn. Và, họ tìm cách triệt hạ Ngài.


Rõ ràng là, Thánh gia nổi danh ở một khía cạnh nào đó. Nhưng, vẫn khốn khó với kinh nghiệm sống, của gia đình. Là Thánh Gia, các Đấng vẫn không tránh được những khổ đau. Ai oán. Ưu tư. Như mọi gia đình khác, ở trần gian. Bởi thế, khi mừng lễ, ta cũng nên nguyện cầu cùng Gia đình rất thánh chúc lành hộ phù, cho gia đình mình. Nguyện và cầu, để mong các Ngài trợ lực đỡ nâng ta vượt qua cơn thử thách. Lướt thắng mọi trở ngại. Và nếu cần, để được cùng sống với các Đấng.


Nay, đời sống gia đình đang gặp nhiều khốn khó. Ở xã hội hiện tại thường có vấn đề, giữa vợ chồng. Con cái. Vấn đề của con cái, là vấn đề thời đại. Chốn thị thành, Vẫn xảy đến, giữa cha mẹ và con cái khi cả người cha lẫn người mẹ phải đi làm. Khốn khó xảy đến, vào lúc có rạn nứt/bất hoà giữa bậc làm cha. Làm mẹ. Bất hoà đôi lúc dẫn đến đổ vỡ. Cách chia. Và, còn có vấn đề của người cha hoặc mẹ đơn chiếc. Vấn đề giáo dục. Vấn đề môi trường học đường, những ganh đua. Bê trễ. Yếu kém. Đến độ, con cái chẳng còn biết gia đình lành thánh, là những gì.


Rõ ràng, những vấn đề như thế, nếu chỉ để cho gia đình tự giải quyết, cũng rất khó. Vì thế, Hội thánh cùng với cộng đoàn luôn đóng góp vai trò quan trọng giúp các bậc cha mẹ bảo dưỡng và phát triển đời sống gia đình, cho tốt đẹp. Là cộng đoàn, ta có thể giúp nhau việc này. Ta là người từng tham dự lễ cưới của bạn bè người thân. Sự hiện diện của ta nói lên rằng mọi người cứ hãy tin vào sự hỗ trợ của ta trong cuộc sống. Có sự giúp đỡ của cộng đoàn, chắc chắn sẽ tạo đôi điều tích cực. Ít là, không để cho đổ vỡ đi quá xa. Không để cho tương quan giữa hai người suy sụp. Nhưng sẽ giúp hai người tôn trọng lẫn nhau. Tạo lại sự tương kính giữa cha mẹ và con cái nữa.


Bài đọc 2, nhắc ta nhớ về trọng tâm của tình yêu, là: ngoài gia đình, ta còn thuộc về Chúa. Bởi, ta đều là người anh người chị có cùng một Cha trên trời. Ta đều có bổn phận chăm sóc cho nhau. Không thể để các cặp vợ chồng cứ thế mà đổ vỡ. Đây không là vấn đề xen vào nội bộ gia đình, mà là sẵn sàng ứng đáp và thương xót, mỗi khi có ai cần đến mình. Dù không có yêu cầu.


Bài đọc 2 hôm nay còn nói về trọng tâm của tương quan ta có với Chúa, trong:


-thái độ của ta quyết tâm phó thác trọn vẹn cho Chúa và đường lối Ngài dẫn dắt, và nơi

-tình thương yêu ta có đối với nhau.


Chuyện như thế, thật rất quý. Không thể thay thế. Bỏ qua. Không thay bằng tiền bạc, vật chất. Hoặc tham vọng. Danh chức. Giáo dục tốn tiền được. Người giàu sang/nổi tiếng thường hay nổi về sự nghèo nàn nơi tương quan giữa họ. Nổi, về sự khốn khổ trong cuộc sống gia đình. Vợ chồng.


Trình thuật hôm nay, kể về việc Chúa rời cha mẹ mình để đến với Đền Thờ. Rõ ràng về mặt tình cảm hai đấng bậc cha mẹ đều buồn giận về việc này. Nên khi gặp lại, Mẹ Ngài mới hỏi: “Này Con, sao Con lại xử với cha mẹ như thế?” (Lc 2: 48) Và thiếu niên Giêsu, đã không hối hận, còn nói: “Cha mẹ tìm con làm gì? Cha mẹ lại chẳng biết là con có bổn phận ở nhà của Cha Con sao?” (Lc 2: 49) Và thánh sử Luca ghi: “Ông bà không hiểu Lời Ngài vừa nói.” (Lc 2: 50). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy ngài có sứ vụ, có ơn gọi làm việc cho Cha Ngài.


Phải hiểu sự việc trong bối cảnh của trình thuật trước đó, khi Đức Giêsu được dâng vào Đền Thánh Chúa. Tức là, bậc cha mẹ trong gia đình cũng đã uỷ thác con cái mình để phục vụ Thiên Chúa. Cũng thế, bài đọc 1 bà Anna đã dâng con trai mình vào đền của Chúa. Dù bà rất hiếm muộn. Dù, nhờ vào sự can thiệp của tiên tri Êli, bà đã thụ thai. Và, bà cũng dâng lên Chúa người con độc nhất sau này trở thành vị tiên tri hàng đầu của Israel.


Gia đình nào cũng thế. Con cái, không là vật sở hữu của ta. Về con cái, ta không nên coi chúng chỉ như cánh tay nối dài của cha mẹ. Không coi như phương tiện để thực hiện tham vọng của mẹ cha. Con cái được Chúa ban cho ta trong niềm tin, là để chúng chuẩn bị mà phục vụ Vương Quốc Nước Trời. Con cái được dâng cho Chúa để dựng xây Nước Trời, tức xã hội của tình thương yêu, công lý và bình an, trên trái đất. Được gọi như thế, mỗi trẻ đều có ơn mời gọi của chính chúng. Mỗi trẻ đều được mời gọi sử dụng tài năng để phục vụ Chúa. Phục vụ xã hội.


Gia đình không là đoạn kết của chính mình. Nhưng là thành phần của một tổng thể là xã hội rộng lớn. Gia đình có vai trò dựng xây xã hội mình chung sống. Vì thế, một con trẻ đều được Chúa mời gọi sử dụng năng khiếu của mình cho người khác. Làm cha mẹ, ta cũng đừng quá khuynh loát. Không chế. Làm cha mẹ, ta dễ có thái độ dự phóng ước vọng của mình cho con cái. Ước vọng, thôi thúc ép con cái có cuộc sống tạo tiền tài, danh chức mà nhiều khi con mình không thể đạt. Không thích làm.


Nhiều lúc chọn lựa của con cái và của Thiên Chúa không là và cũng không thể là của mẹ cha. Nên có trường hợp như người cha của vũ sinh Rudolf Nureyev rất nản lòng khi thấy con trai mình chọn nghề vũ ba-lê chuyên nghiệp, thay vì làm lớn nơi chính trường. Là uỷ viên cao cấp trong chế độ Cộng sản Nga, ông cứ nghĩ là con mình sẽ không có tương lai nếu tiếp tục nghế ca múa. Và khốn khổ của ông là không được nhìn thấy con trở thành người nổi nhất thế kỷ, ở địa hạt vũ ba-lê.


Thật ra, không có gia đình nào lý tưởng cả. Gia đình nào cũng có giây phút thăng trầm trong cuộc đời. Có cả thành công lẫn thất bại. Cuối cùng ra, ta đều cần đến sự phụ giúp của Thiên Chúa và Thánh Gia. Ta cần cả sự giúp đỡ hỗ trợ của bạn bè/người thân. Của cộng đoàn tín hữu. và xã hội.


Ta còn có bổn phận giúp đỡ các gia đình khác. Giúp, bằng cách lo cho họ. Đem đến cho họ những gì mình muốn họ làm cho gia đình mình. Có trường hợp, mình chỉ lo giúp đỡ gia đình khác, mà lại quên giúp chính gia đình mình. Dù gia đình lớn của mình, sống sát bên. Bởi thế nên, cũng nên nhớ Lời Chúa dạy, hãy quan tâm chăm sóc, người thân cận, láng giềng mình.


Cuối cùng thì, ta hy vọng và nguyện cầu sao cho mình có thể cùng nhau hợp tác, với tư cách cá nhân hay gia đình. Cầu mong sao, ta dựng xây một xã hội vui tươi, an bình và đoàn kết. Đoàn kết, ngang qua các gia đình tươi vui, kết hợp.


Trong tinh thần những mong và cầu, ta cứ vui lên mà ca và hát. Hát lời vui tươi, rằng:


“Trời sáng tươi đã lên rồi,

Trời sáng luôn trong lòng tôi.

Cặp mắt khô trong đêm dài,

Tìm quanh đây một ngày vui.” (Nguyễn Đức Quang – Dưới Ánh Mặt Trời)


Ngày vui ấy đã hiển hiện, qua gia đình thánh. Qua, sự việc Chúa dâng mình vào Đền Thờ, phục vụ Hội thánh. Có ngày vui phục vụ mọi người, gia đình nào cũng sẽ rất thánh. Vui tươi An bình.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: