Friday 12 February 2010

“Tôi nhớ lời người đã bảo tôi”


Một mùa thu trước, rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu, thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên, cũ mất rồi”.

(thơ T.T.Kh)

Lc 4: 1-13

Lời người từng bảo, nhà thơ nhớ. Nhớ mùa thu trước, xa xôi nhiều. Mùa, có Lời Chúa dạy, lại đã quên. Quên, tình Chúa chứng tỏ. Quên rằng, Lời hằng ghi dấu vết, ở khắp nơi.

Trình thuật, nay thánh sử nhắc ta nhớ về một mùa rất Chay kiêng. Chay kiêng, không nhắm chuyện xót xa. Đền tội. Dù, rất cần. Chay kiêng, hướng về Phục Sinh, ngay lúc này. Chay và kiêng, không là khía cạnh tiêu cực, đầy nản chí. Mà, để suy tư về niềm vui, không vật chất. Có sức bật.

Quả thật, Chay kiêng là giai đoạn quan trọng trong niên lịch Phụng vụ, của Hội thánh. Chay và kiêng, là ý nghĩa của lời nguyện ngay đầu lễ: “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu ý nghĩa của thống khổ, nỗi chết và sự Sống Lại mà Đức Giêsu Con Chúa trải qua. Để, tất cả phản ánh lên cuộc đời chúng con.” Đó là ý nghĩa cuộc sống ta gìn giữ, suốt mọi ngày. Gìn và giữ, ít là mùa Chay kiêng này.

Chay Mùa kiêng cữ, những 6 tuần, được thiết lập để giúp ta suy tư tụng niệm, cho đúng cách. Bởi, Hội thánh vẫn coi Chay kiêng là mùa để dân con nhà Đạo biết mà để giờ ra, mà tịnh niệm. Tịnh tâm suy niệm hầu đào sâu niềm tin, cho thật vững. Đào sâu, có suy tư đổi mới, tái khởi đầu. Hội thánh ta, xưa nay vẫn khích lệ con dân hãy tuân giữ mùa Chay kiêng tâm tịnh, bằng các lễ lạy hằng ngày. Sau Công Đồng, ta có phụng vụ mới. Có bài đọc, xếp từng bộ. Bộ Cựu Ước. Với Tân Ước. Mỗi ngày, ta suy tư. Mỗi tuần, cứ tịnh tâm lẫn nguyện cầu, Chúa thánh hoá.

Bài đọc 1, nay có đoạn Môsê nói với dân con người Do thái sau 40 năm lưu lạc, ở sa mạc. Tổ tiên Môsê xưa chuẩn bị cho dân mình có cuộc đời mới. Ở đất hứa. Đời sống rất ý nghĩa đến hôm nay. Bằng vào truyền thống, Tin Mừng ngày Chay kiêng đầu Mùa, bàn về một cám dỗ rất mực. Cám dỗ cả Đức Chúa. Ở chốn vắng, rất sa mạc. Thoạt kết thúc 40 ngày chuẩn bị tâm tư nơi hoang vu sa mạc, Chúa giáp mặt thử sức, ngay đầu đời rao giảng. Thánh Luca đặt để sự kiện này, vào sau ngày Chúa chịu thanh tẩy. Và, trước lúc Ngài ra đi truyền rao sứ vụ mới, cho mọi người. Ở Nadarét.

Với Hội thánh tiên khởi, Chay kiêng tâm tịnh để khởi đầu, mọi công việc. Khởi đầu, để hồi hướng. Khởi đầu, hầu chuẩn bị mà về với đời cộng đoàn. Có thanh tẩy. Trợ lực. Suốt thời gian mừng Chúa Phục Sinh, ngày lễ vọng. Với tân tòng, suốt 6 tuần lễ này, người người chuẩn bị lĩnh nhận ơn thanh tẩy. Có cộng đoàn hiệp thông nguyện cầu, mau nối kết. Làm thân. Với mọi người.

Với người đã thanh tẩy, đây là khởi đầu mới. Một khởi đầu, để người người không còn “dậm chân tại chỗ” với thói tục xưa cũ, vốn quá quen. Khởi đầu, còn để ổn định với Đạo lý của Chúa, có thần hứng. Có hứng khởi. Đổi mới tận tâm can. Đổi và bỏ, mọi cặn bã đời sống, rất cũ xưa. Ù lì. Bất động.

Cơn cám dỗ Chúa gặp, được người người tóm gọn thành ba sự kiện xảy đến trong thời điểm khá cá biệt. Đúng hơn, cũng nên coi đây là ba điều căn bản Chúa vẫn gặp, trong quá trình thực hiện sứ vụ Cha giao phó. Suốt đời. Cám dỗ, không là hiện tượng thoáng phớt diễn tả giai đoạn nhất thời. Nhưng, cám dỗ đây là những trăn trở trong đời sống công khai của Chúa Cứu Thế. Ở mọi nơi. Mọi lúc.

Với thánh Mát-thêu và Mác-cô, cám dỗ vẫn rồi đến/rồi đi, theo từng chặp. Như có nói: “Người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su. Họ đòi Người tỏ dấu lạ từ trời, để thử thách.”(Mc 8: 11). “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi!”(Mt 27: 40). Thánh Gioan, nói rõ hơn: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm, thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến với thế gian! Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi tôn làm vua, nên Người lánh mặt, lên núi một mình.” (Ga 6: 14-15). Hôm nay đây, thử thách/cám dỗ đến với ta, theo nhiều cách. Rất khúc mắc.

Cám dỗ đầu, cốt biến sỏi đá thành cơm bánh. Cám dỗ cuối, lại muốn Chúa nhảy ùm khỏi nóc gia đền thờ, có ý thôi thúc Chúa từ bỏ nhiệm vụ làm Đấng Mêsia-Tôi Tớ. Chỉ muốn Ngài, thành “siêu sao” rất hấp dẫn. Hầu, đánh bóng con người Ngài. “Hãy theo tôi, vì tôi quan trọng nhất”, là cám dỗ thứ hai. Quyết muốn ta thờ phụng sự dữ/ác thần. Hầu, có được giàu sang, quyền bính. Rất uy lực.

Cám dỗ thứ hai, nhằm lôi kéo Chúa ra khỏi trục chính, do Cha uỷ thác. Trục đây, là ý hướng đến với con người. Bằng tình thương yêu. Phục vụ. Lôi và kéo, nhằm khuyến dụ Đấng sáng tạo mọi sự không còn dựng xây Vương quốc tình thương, phục vụ nữa. Ngược lại, ác thần/sự dữ chỉ muốn Ngài không chế cả một đế quốc. Có chư hầu phục dịch. Có người người đon đả, những đón chào.

“Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả”, điều này nhắc ta nhớ về sứ vụ của Môsê, ở sa mạc. Nhớ rằng, Môsê chấp nhận thông điệp Chúa gửi, mà truyên rao Lề Luật, Chúa ban phát. Với thánh Luca, trình thuật “cám dỗ” nối tiếp sự kiện Chúa ra đi thực hiện rao giảng, ngay ở hội đường thành Nadarét (Lc 4: 16-21).

Lời Chúa đối đáp thách thức của Ác thần/Sự Dữ rút từ Cựu Ước, Chúa mặc khải về Lề Luật. Thách thức đây, dọi lại lịch sử diễn ra với dân Chúa, ở sa mạc. Thách thức, là những kinh nghiệm sầu buồn, đói khổ suốt 40 năm. Hai thử thách, hai hậu luận. Một đằng: dân Do thái thất bại. Một đằng Đức Giêsu đã thành công. Bởi, Lời Ngài còn đó vẫn chứng minh:

-Lời người Do thái, vẫn càu nhàu chuyện chẳng đủ ăn. Đủ sống. Sao nuôi dân. Trong khi đó, Đức Giêsu vẫn nói: “Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà thôi."(Lc 4: 4)

-Dân con mọi người cứ chạy theo ngẫu thần. Chỉ thờ bò. Sợ bụng đói. Trong khi đó, Chúa dạy: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng mình Người thôi."(Lc 4: 8)

-Dân con người Do thái lại cứ thách thức Chúa hết Massah, rồi Mêri-ba: “Ngài hãy thử cấp cho mọi người đủ nước uống đi”. Trong khi đó, Chúa đối xử hoàn toàn khác:“Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."(Lc 4: 13).

Bằng vào chấp nhận một cám dỗ, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy Ngài luôn trung thành với Cha. Ngài đủ tư cách để minh chứng rằng Ngài là Đấng Mêsia, thiên hạ chờ. Cám dỗ đây, là để cho thấy vai trò cứu độ của Chúa, quá rõ ràng. Đức Mêsia được trông đợi mang của ăn từ trời xuống. Nuôi dân con. Trông đợi các vương quốc lân bang sẽ tuỳ phục đất nuớc Do thái bé nhỏ. Tóm lại, cám dỗ đây, để cho thấy rõ thiên tính của Ngài.

Nói cám dỗ, người người thường liên tưởng đến dục tình. Dối trá. Ghét ghen. Hờn giận. Là, nói về ngồi lê. Nói xấu người khác. Về, bực tức. Oán hờn. Hoặc, những việc tương tự. Rất người phàm. Cám dỗ đây, quả thật đáng sợ. Nó khiến ta thèm có khả năng chế biến mọi sự, thành cơm áo. Thành kẻ giàu có. Rất danh vọng. Địa vị. Thèm được để ý. Thèm quyền hành. Bởi, có quyền là có thể hành quyền trên người khác. Là, đạt được mục đích mình nhắm đến. Là, có quyền/có thế. Có vai vế. Danh vọng.

Cái đáng sợ của cám dỗ, là nó biến thế giới người người thành đồ vật. Chỉ biết làm giàu. Tạo quyền thế. Cá thể. Cho riêng mình. Đáng sợ, vì nó làm cho xã hội loài người chỉ mải ganh đua/tranh giành mọi thứ. Đáng sợ, vì chuyện tạo tham lam. Điên cuồng. Giành sống, Tham đến độ, cứ tưởng mình đoạt được mọi thứ. Làm chủ mọi sự. Kỳ thực, mình cũng chẳng làm chủ được ai. Chẳng được gì.

Vương Quốc Chúa dựng xây, mang giá trị khác. Giá trị cần nhắm đến, trong mùa này, là chay kiêng/tụng niệm, chứ không phải chạy theo những thần và tượng của giàu sang. Thế lực. Danh vọng. Vương Quốc Chúa dựng, là đường lối Chúa muốn ta ngang qua. Là, đường hướng Nước Trời. Là, Đường để ta hướng thành con người trọn vẹn. Con người sống vì người khác. Cho người khác.

Đó là ý nghĩa đích thực của trình thuật hôm nay. Thời điểm, để ta bỏ giờ ra mà suy nghĩ. Suy, về giá trị của việc chay kiêng/tụng niệm. Nghĩ, về cuộc sống, có định hướng. Bài đọc 2, cũng có nói: “Kẻ tin vào Người sẽ không thất vọng. Không có khác biệt giữa người Do thái và Hy Lạp. Tất cả, đều có cùng một Chúa, Đấng quảng đại với những ai kêu cầu Người. Ai kêu cầu Danh Chúa, sẽ đưọc cứu.” (Rm 10: 11-13). Tức, sẽ thành tội ác, nếu có ai tìm cách ngăn cản người anh, người chị mình không được phép tiếp cận của cải thiêng liêng, do Chúa lập. Ngăn cản họ đến với cuộc sống có ý nghĩa, Chúa vẫn muốn.

“Ác thần bỏ đi, chờ khi khác”, có nghĩa: cuộc chiến với ác thần/sự dữ, chưa kết thúc. Nó sẽ trở lại. Vào dịp khác. Trở lại, trong suốt cuộc đời của Chúa. Cả vào lúc Chúa gặp tình trạng thập tử nhất sinh, trên thánh giá. Ta cũng thế, cuộc chiến đấu chống ác thần/sự dữ đâu đã chấm hết. Đây này, tính tham lam. Vị kỷ. Đố kỵ. Ghen tương. Hờn giận. Cả những ước ao có được hơn người. Có, chứ không cho. Không san sẻ với bất cứ ai. Có, để khống chế, chứ không để phục vụ. Con dân Đạo Chúa vẫn đang chịu những cám dỗ tương tự như Chúa đã chịu, vào thời trước. Ta chẳng biết, đó thôi.

Mùa Chay kiêng, ta chỉ thành công, nếu biết dựng xây xã hội đặt nặng vào yêu thương. Công bình. Vào, thông điệp Chúa gửi. Về sự thật. Yêu thương. Giùm giúp. Sẻ san. An bình. Về, những gì ta cần làm, mùa Chay kiêng. Nếu “bỏ lỡ tình duyên” mùa Chay khác, thì Chay này, đừng để trễ. Hãy làm lại.

Trong tinh thần Chay kiêng lại, ta quyết vươn lên mà vui hát. Hát, điều mình vẫn quyết rằng:

“Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Nhân ái ban xuống đời.

Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Cho hiều hoà khắp nơi.” (Phạm Duy – Chúa Hoà Bình)

Nhân ái. Hiếu hoà. “Lời người bảo tôi”, mùa thu trước. Và thu này, Mùa Chay kiêng. Cũng nên tịnh tâm. Yêu thương. San sẻ. Với mọi người. Suốt cuộc đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch. (xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com; www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: