Saturday 26 June 2010

“Hoa chanh, nở giữa vườn chanh.”


“Thày u mình với chúng mình dân quê.

Hôm qua em đi tỉnh về,

Hương đồng gió nội, bay đi ít nhiều.”

(thơ nguyễn Bính)

Lc 10: 1-12, 17-20

Hương đồng gió nội, có hoa chanh. Đâu chỉ dân mình, kịp thưởng thức. Quê mình. Tỉnh người. Vẫn cứ ngập tràn lúa chín, cần canh tác. Canh tác, như lời Thầy cảnh giác, bấy lâu nay.

Trình thuật thánh Luca, nay bàn nhiều về nhu cầu canh tác lúa đồng ngập tràn người của Chúa. Lời Ngài dạy: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít.” nói lên tình cảnh rất thật của Hội thánh thời tiên khởi. Cộng đoàn dân Chúa lúc ấy sống từng cụm, và từng cụm. Lẫn lộn trong đám dân ngoại, thờ đủ thần. Dị đoan. Phù phiếm. Ở đó, hạt cải nhỏ Hội thánh là, men trong bột, cần triển khai.

Hạt cải Hội thánh được Chúa gieo vãi, nay đạt kết quả, khả quan. Nay, có đến hàng tỷ người tin Chúa, đạt 1/5 mức dân địa cầu. Nhưng, vấn đề là: còn 80% số người trên thế giới, vẫn chưa nhận ra Đường lối Chúa dạy. Những, 80% trong số 7 tỷ người chưa tin rằng Chúa hiện diện, ở bên mình.

Trong số những người tự gọi là Kitô-hữu, được mấy ai hoạt động tích cực nơi đồng lúa chín ngập những người? Về thợ gặt, lâu nay người người chỉ nhớ đến vai trò của Giám mục. Linh mục và tu sĩ, thôi. Nhất nhất đều là nhận định, thời buổi trước. Buổi ban đầu, thợ gặt vẫn là những người quyết định dấn bước theo Chúa. Tức, những người vui lòng chấp nhận làm công tác mục vụ, rất mê say. Thật ra, không chỉ mỗi giám mục/linh mục/tu sĩ, mới làm việc ấy. Nhưng, là tất cả mọi người, tín hữu cũng như thường dân ở huyện, đều làm được. Thánh Phaolô kia, chỉ là giáo dân rất bình thường. Là, dân lao động chân tay giới khâu may lều bạt, hầu sinh sống. Và, biết bao người như thánh nhân, từng năng nổ, nhiệt tình giảng rao Lời Chúa. Rất hết mình.

Thời nay, cũng thế. Nghe biết Tin Mừng Lời Chúa, người người đều đã nghe. Đã được mời, dấn thân với công tác mục vụ, trong cánh đồng Lời Chúa, hết. Nhưng, nào mấy ai dám bỏ giờ ra mà thực hiện. Thực hiện Lời, hầu rao báo Tin An Bình cho kẻ chưa tin. Chưa biết. Ngày nay số người san sẻ niềm tin giống như ta, đà sa sút. Hẳn là dấu hiệu sai sót trong sống đời đi Đạo, của Hội thánh?

Lại nữa, trải qua 2000 năm hăng say rao giảng, Hội thánh chắc cũng nghĩ đây không là chuyện đáng để mọi người âu lo. Quan ngại? Vả lại, Thánh Thần Chúa vẫn có cách mời gọi mọi người làm việc cho Hội thánh, theo kiểu khác. Thích hợp hơn. Đó là ý của thánh Phaolô, ở bài đọc 2.

Bằng vào lá thư gửi giáo đoàn Galát, thánh Phaolô từng nhắc nhở: chẳng cần biết anh em có là người cắt bì hay không, đã rửa tội hay chưa, điều ấy không quan trọng. Quan trọng là: “Anh em đã trở nên thụ tạo mới.” Tức, đã thay đổi chính mình, theo ảnh hình của Chúa, điều đó mới thật quan trọng. Bởi, nếu không, thì việc rửa tội hoặc kinh nghiệm giữ Đạo và sống Đạo, chỉ là chuyện phụ.

Đạo của Chúa, tự bản chất, không là cùng đích. Nhưng, là đường lối thiết thực để tất cả chúng ta trở thành con người đổi mới như Đức Chúa, từng khuyên bảo. Con người mới, đích thị bao hàm tính siêu việt nội tại của chính Ngài, Đấng luôn mời gọi ta trở nên người mới, rất như thế. Người mới, là người có cuộc sống toàn diện, rất chân thực. Biết quan tâm - thương xót, hết mọi người. Người mới, là người biết sống tự do. An bình. Hiền hoà.

Vì thế nên, Chúa còn dạy: “Anh em đừng mang theo tiền. Bao bị. Giày dép.”(Lc 10: 4) An bình – hiền hoà, trong cuộc sống, không nằm ở những gì mình sở hữu. Cũng chẳng là: tiền tài, danh vọng, hoặc các bất động sản đầu tư, hay tín dụng. Cũng chẳng là, vị thế cao sang. Đầu làng hay tiên chỉ. Uy danh quyền lực, thực vênh váo. Trái lại, an bình hiền hoà, nằm trong cuộc sống. Đầy năng động. An bình – hiền hoà nằm ở nơi an toàn, không ai lấy đi mất.

Bài đọc hôm nay, xoay quanh ngôn từ mà tiên tri Isaya từng nói đến. Là, “ơn thái bình tựa giòng sông cả”(Is 66: 12). Hoặc, như thánh Phaolô vẫn thường bảo: “Sự bình an và lòng thương xót, là nhờ rập theo quy tắc sống có Chúa” (Gl 6: 16). Ở Tin Mừng, Chúa còn khuyên dân con đồ đệ đem “bình an đến với từng nhà”, nữa. (Lc 10: 5)

Bình an Ngài hứa, không đặt ở bờ môi. Ngoại hình. Nhưng là, tâm tình tự tại ở trong ta, dù ta gặp phong ba/bão tố, rất rúng động. Bình an, là tâm tình Chúa đã đạt lúc Ngài vượt thắng mối âu sầu, ở Vườn Dầu. Và thánh Phaolô còn thêm: “Bình an ta chỉ có, khi biết sẻ san thập giá Đức Kitô, thôi.”(Gl 6: 14)

Xem như thế, công tác gặt hái lúa đồng Chúa kêu mời, là: đem bình an đến với muôn người. Để được thế, cần có sự yên ổn, ở hồn mình. Và, đồ đệ Chúa hôm nay chỉ có thể sẻ san nỗi niềm bình an ấy, khi gần Chúa mà thôi. Bình an Ngài phú ban, xã hội hôm nay chẳng thể nào tạo được, nếu người người chỉ muốn gây căng thẳng. Hãi sợ. Bất công.

Hôm nay nữa, dân con đồ đệ được gọi hãy cùng Chúa ra đi mà hái gặt lúa đồng xã hội, mình đang sống. Lúa đồng xã hội, mặt ngoài như đã và đang chín rặt. Giàu sang. Sung túc. Nhưng, kỳ thực vẫn thiếu hụt sự an bình hiền hoà, tìm không ra. Bởi thế nên, Chúa mời gọi mọi người hãy trở thành tá điền mà lao động. Lao động cật lực, để lúa đồng xã hội từ từ trở thành kho lẫm chất chứa giá trị đích thực, của Phúc Âm. Giá trị, ít người biết đến. Nhưng, vẫn còn đó. Ngóng chờ.

Xưa, Chúa sai 72 môn đệ “đi khắp các làng mạc cùng thành luỹ, mà ghé viếng” (Lc 10: 1) Nay, Chúa vẫn chờ dân con thợ gặt, lại sẽ ra đi nhân Danh Ngài, mà giảng rao. Là thành phần Thân Mình Chúa, đồ đệ Ngài nào đã quên? Chúa đi đâu, Thân Mình Hội thánh của Ngài cũng sẽ đi. Không lanh chanh đi trước, cũng chẳng lẽo đẽo theo sau Ngài. Nhưng đi cùng. Cùng đi. Cùng sánh vai nhịp bước với Ngài. Quyết không lui.

Thành phần Thân Mình Chúa nếu không đi, thì sao Chúa cất bước! Thành phần Mình Chúa, là dấu chỉ cho mọi người thấy chính Ngài đang hiện diện. Những gì đồ đệ Ngài rao báo, là chính Ngài đang nói. Hệt như Lời Ngài từng dạy: “Ai nghe các ngươi là nghe Ta” (Lc 10: 16). Cuối cùng là, nếu không có ai loan báo cho mọi người biết thông điệp lúa đồng chín ngập của Ngài, thì ai mà biết đến?

Là dân con đồ đệ, hẳn người người sẽ mừng vui hết mực. Vui mừng, đầy cảm kích. Cảm kích, vì đều biết: mình có thể làm nhiều điều, như Chúa làm. Cảm kích, khi đem an bình - hiền hoà đến với tất cả. Là Công giáo, có bao giờ lòng hỏi lòng, là: mình đã quyết tâm, giống Chúa? Nếu chưa, ắt hẳn rằng nghi thức tẩy rửa cho dân con đồ đệ, cũng chỉ giống như nghi thức “cắt bì” vô nghĩa, với người thời đại. Hôm nay.

Đồ đệ Chúa, khi đã quyết tâm theo chân Chúa, mà gặt lúa, vấn đề kế tiếp đặt ra, là: ta sẽ bắt đầu từ nơi đâu? Làm sao, biến đổi được toàn xã hội? Câu trả lời hay và đúng nhất, là: bắt chước Mẹ Têrêxa Calcutta hãy ra tay mà giúp đỡ những người nghèo, ngay cạnh bên. Bởi, họ là những người đang cần ta giúp đỡ, rất khẩn thiết. Giống như Mẹ Têrêxa, ta sẽ từ từ, giúp từng người. Không vội vã.

Thế nên, ra đi về lúa đồng chín rộ mà gặt hái, là: tạo hạnh phúc cho muôn dân. Việc này quan trọng không thua gì mang lại hạnh phúc cho riêng mình. Đó, chính là cảm nghiệm bình an ta sẽ có. Đó, cũng là ý nghĩa của động tác đem hoà bình đến với muôn người. Và, khi tất cả mọi người cùng làm việc ấy, thì xã hội ta rồi ra sẽ biến đổi. Cũng chóng thôi. Đó, chính là điều Chúa luôn mời gọi mỗi người. Ở đây. Bây giờ.

Trong khí thế ứng đáp lời Chúa kêu mời, ta hân hoan tiến bước trong tiếng hát. Sẽ hát rằng:

“Ta hãy đi cùng nhau

Đến những làng quê nghèo.

Hỏi thăm mùa lúa mới,

Nghe giọng hò thật cao.

Ta hãy vô rừng sâu,

Với bác tiều phu già,

Mừng vui từng giọt lệ,

Ngày vui nhọc nhằn qua.”

(Trịnh Công Sơn – Hãy Đi Cùng Nhau)

Cùng nhau đi, về đồng lúa chín. Ở đó, có người em đang đợi chờ. Ở đó, có bàn tay anh giăng nhanh. Bàn tay đem bình an Chúa hứa với muôn người. Ngài hứa sẽ ban niềm vui hiền hoà. Rất nội tại. Tuyệt vời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: