Saturday 21 August 2010

“Nhớ khi em dỗi em hờn”

Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng.
Nhớ đêm nằm võng ngó trăng,
Đếm ngôi sao sáng lại rằng sáng sao.”
thơ Diệp Chi)

Lc 14: 1, 7-14

Chia sẻ nắm cơm. Khi em dỗi hờn. Ngồi đếm sao. Khi sao lại sáng. Vẫn là tâm tình của anh. Của em. Của người. Rày vẫn nhớ. Còn nhớ hay chăng, hỡi người người. Hỡi em, và hỡi anh. Nhớ Lời dặn của Đức Chúa, ở trình thuật rất hôm nay.

Trình thuật, nay thánh Luca gợi nhớ dụ ngôn Chúa kể, để khuyên rằng: “Nước Trời giống như bàn tiệc”. Có sẻ chia. Những nắm cơm, vừng cháy. Của dân gian khắp chốn, ở đời người. Một đời, có những ngày mọi người đều sinh hoạt rất đặc biệt. Như Chúa làm.

“Một ngày Sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh Pharisêu để dùng bữa.” (Lc 14: 1) “Đến” ở đây, có thể là dịp để mọi người tỏ bày tình thương, rất huynh đệ. Nhưng, thánh sử lại viết: “Họ cố dò xét Ngài.” Dò xét, không phải để thán phục. Tò mò. Mà, xem Chúa có làm điều xằng bậy, ngày lành thánh. Để, có cớ mà “sửa lưng” Ngài. Và lên án, cả khi Ngài chưa nói đến một điều.

Dự tiệc ngày Sabát, Chúa không sợ nói với con người qua dụ ngôn. Bằng vào dụ ngôn, Ngài nói thẳng với thực khách. Những lời sau, là với chủ nhà. Bằng vào hai dụ ngôn, Ngài mời mọi người để tâm vào điều Ngài sắp nói. Điều ấy, vẫn là bài học để đời cho tất cả. Không chỉ một người.

Dụ ngôn đầu, là về phản ứng của thực khách khi ngồi bàn. Và, thánh sử lại đã ghi: “Ngài thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi.”(Lc 14: 7) Phàm các buổi tiệc tùng ở thị thành, chỗ ngồi là chuyện rất tế nhị. Trọng khinh. Ai quan trọng, đều ngồi gần chủ tiệc. Còn lại, chỉ là những người thân cô thế cô, rất xa vời. Có buổi tiệc, vị chủ mời còn đề tên thực khách trên tấm giấy, đặt ở trước. Ở đó, còn ghi rõ vai vế. Chức vụ. Mới đáng sợ. Ở tiệc cưới, có người còn kỹ hơn. Ít ai được ngồi gần nhà đám. Ngoại trừ người thân. Hoặc, đấng bậc có vai vế, rất quan trọng.

Với Chúa thì khác. Ngài chuyển đổi thứ tự của dân gian, người đời. Và căn dặn: “Anh em đừng chọn cỗ nhất mà ngồi.” Bởi, có thể là anh sẽ bị mời xuống ngồi ở bên dưới. Chốn thấp hèn. Ở nơi đó, sẽ buồn rầu. Chán nản. Với nhiều người, bị mời như thế đồng nghĩa với thiên tai. Cũng tai hại, cho thanh thế, trong giao tiếp. Thật ra, Chúa chẳng muốn người nghe hiểu dụ ngôn Ngài kể, theo nghĩa đen. Điều Ngài muốn nói: nơi Nước Trời, chỗ ngồi không là chuyện hệ trọng. Như ngoài đời.

Quan hệ với Chúa, với anh em, thứ tự trên dưới theo tôn giáo, sắc tộc, nghề nghiệp, giai cấp, chẳng là gì. Hệ trọng chăng, là mức độ yêu thương/phục vụ ta chứng tỏ với Chúa, qua tương quan với mọi người, thôi. Hệ trọng chăng, là: không nên sợ người khác đánh giá mình rất thấp. Nhưng quan trọng, là mức độ chăm lo/giùm giúp ta xử sự với mọi người.

Ở bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh đến điều quan trọng như sau: “Anh em đã tới núi Xion, thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời… Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời.” (Dt 12: 22) Đó mới là điều quan trọng. Chứ không phải chỗ ngồi. Trên dưới.

Dụ ngôn tiếp, là điều Chúa muốn trực chỉ vị chủ tiệc, tức thủ lãnh nhóm Pharisêu: “Đừng mời bạn bè, bà con anh em, hoặc láng giềng giàu, kẻo họ cũng mời ông như thế, và ông đã được đáp lễ.” (Lc 14: 12) Nhìn vào xã hội hôm nay, chừng như người người vẫn làm như thế. Tiệc tùng nay cũng thế. Dự tiệc đình đám lễ hội vẫn cứ là can dự chuyện buôn bán. Kiếm tiền. Hoặc làm thân, vì mục đích đen tối? Tham ô? Nhũng loạn?
Chúa thì khác. Ngài đưa ra một đề nghị, ít khi thấy: “Khi đãi tiệc, ông hãy mời những người nghèo, tàn tật. Què quặt. Đui mù.” Tức, những người không có khả năng mời lại. Cho lại. Dù chỉ để tiến thân trong xã hội chú trọng đến điạ vị. Thứ hạng. Thế đứng. Để có chỗ ngồi.

Thần học gia Matthew Foc có lần nhìn đời như một chiếc thang dốc hoặc vòng quay tròn. Sống đời leo thang, người người có khuynh hướng cố leo, cố trèo lên đỉnh chóp. Cứ thấy mình mãi còn ở dưới, là cố gắng đạp người khác xuống, để mình lên. Với xã hội người đời, ăn trên ngồi chốc hoặc leo thang lên dốc, là tìm leo đến mút cùng. Chóp đỉnh. Dù, đó có là chốn doanh thương, thi cử, hay chỉ một chỗ ngồi, trên xe buýt. Bởi lẽ, xã hội ta sống là xã hội thang dốc, khuyến khích để ta leo.

Trình thuật đề nghị ta thiết lập một xã hội theo vòng tròn. Ở nơi đó, không có chỗ cho vị thế cao/thấp, trong/ngoài. Tất cả vẫn ngang hàng. Người người cùng giáp mặt. Tất cả đều định vị ở nơi chỗ tốt nhất. Nơi đó, người người đều quen biết nhau. Tôn trọng nhau. Đều ở vào vị thế sẻ san những gì mình đang có, mà lo cho những người hiện còn thiếu thốn. Hãy cứ đặt để bàn tròn. Cho mọi người. Tiệc sẵn sàng. Ai cũng đều có phần, khỏi cần lo. Mỗi người đều dùng đũa gắp mà tiếp tế thức ăn cho người ngồi cạnh. Hoặc, đối diện. Tiệc Nước Trời là tiệc sẻ san. Rất như thế.

Đó, có là điều không tưởng? Thiếu thực tế? Với xã hội phương Tây, chuyện ấy thật khó thực hiện, sớm chiều. Có khi phải mất cả thế hệ. Nhưng, áp dụng từ gia đình nhỏ. Nhóm hội, như cộng đoàn giáo xứ, cũng là điều hay. Rất nên làm.

Tiệc Thánh ta tham dự, nay mang dáng dấp một sẻ san. San và sẻ, cả bánh rượu. San và sẻ, Thân Mình và Máu Thánh của Đức Chúa. San và sẻ, Lời Chúa trong Tiệc Lòng Mến. Tiệc của gia đình lành thánh. Ở đó, đâu có chuyện phân chia trên/dưới, thấp/cao.
Tiệc Thánh là Tiệc của gia đình rất lành và rất thánh. Mọi thành viên trong đó đều vui vẻ. Phấn chấn. Cởi mở. Chẳng bao giờ cãi tranh. Giành giựt, dù chỗ ngồi. Hội thánh thời ban sơ đã thực hiện Tiệc Lòng Mến, rất như thế. Hội thánh hôm nay, chắc cũng không ngại ngần hiện thực đề nghị Chúa đưa ra nói trình thuật, hôm nay.
Trong khí thế chấp nhận đề nghị Chúa đưa ra, ta hãy vui hát những câu ca rất diễm tình, rằng:


“Chiều hôm nao, tiếng hát bay cao
Quỳ bên nhau, trước Đấng Tôi Cao
Hứa yêu nhau, trao câu thế,
Chung sống trọn đời.
Rồi mai đây, kiếp sống có đôi,
Đời buồn vui, mãi mãi bên nhau.
Khấn xin Mẹ, thương dắt dìu
Tình yêu dâng cao.”
(Thành Tâm – Diễn Tình Ca 3)


Hứa yêu nhau, không chỉ là lời hứa giữa hai người. Mãi bên nhau, không chỉ là quyết tâm của đôi lứa. Nhưng là, những quyết và tâm, của mọi người. Những người con của Mẹ thánh Giáo Hội. Của cuộc đời. Ở Nước Trời.


Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch

No comments: