Saturday 4 September 2010

“Hoa vẫn ngát hương bay”


Như ngày xưa đến lớp

Như chiều nào bất chợt,

Ta tìm em bơ vơ.”

(thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Lc 15: 1-32

Ngày xưa đến lớp. Đâu bất chợt. Ngày nay đến gặp. Được nhiều hơn. Nhiều, không là số lượng. Mà, về chất lượng lời Chúa. Những bảo ban. Lời Ngài ban, vẫn râm ran ghi chép một trình thuật.

Trình thuật, nay Thánh Luca ghi và chép Lời Ngài ban rất chất lượng. Ở mọi thời. Lời Ngài bảo, là phán bảo đầy những chất lượng. Cho cuộc sống. Điều này, rày thấy ở bài đọc 1, sách Xuất Hành. Ở sách ấy, Đức Chúa hành xử tưởng Ngài chừng như giận dữ, giống như ta. Chúa có giận, chỉ là khi dân con của Ngài vẫn thờ quấy, những ngẫu tượng. Ngài cũng giận, vào lúc dân con của Ngài chỉ cứng đầu. Phụ bạc. Ngài còn giận, cả vào khi Môsê cố thuyết phục. Và rốt cuộc, Ngài đã nguôi ngoai.

Trình thuật thánh Luca, nay cho thấy ba ảnh hình dụ ngôn diễn tả cùng tự sự, từ Đức Chúa. Khác Cựu Ước, dụ ngôn hôm nay mang ảnh hình về cùng chủ đề xót thương. Vì xót thương, nên Chúa mới cất công đem người lầm lỡ về với tương quan, rất trìu mến. Vì xót thương, Chúa đã bỏ chiên đàn ở lại, để kiếm tìm mỗi chiên con lạc bầy, đầy nguy biến. Ngài chẳng quở phạt. Nhưng vẫn mời chào mọi người hãy cùng vui. Như ngưòi goá phụ tìm được đồng tiền, rớt đâu đó.

Dụ ngôn về người con sa đà nhiều lầm lỡ, đã khiến người nghe nhận ra được tính hỉ xả/thứ tha nơi Cha Hiền, là Đức Chúa. Vì xót thương, vị cha hiền đã tha thứ tất cả. Để, tất cả được vui, khi người con đi hoang, nay trở về. Con về, để nhận lại tình thương yêu tha thứ, Cha ban phát. Về, để mọi người vui. Dù, người anh cả đại diện cho lớp người tuy ngoan hiền, đúng luật, nhưng thiếu lòng xót thương người thân thuộc, sống cùng nhà. Để rồi, có những động thái rất đáng tiếc.

Kể lại dụ ngôn, thánh Luca đã khởi đầu bằng một nhận định làm nền: “Các người thu thế và tội lỗi tìm đến Đức Giêsu để nghe Người rao giảng.”(Lc 15: 1) Kể như thế, thánh sử Luca nhắm hai chủ đích rõ rệt tương phản nhưng kết tác. Trước hết, là tương phản hành xử nơi những người tự cho mình là đạo đức. Sống đúng đắn. Rất hơn hẳn, mọi người. Tương phản tiếp, là những khác biệt về đường lối xử sự giữa người nhà Đạo (mà đại diện là anh cả), và dân con ở ngoài. Tương phản và khác biệt càng thấy rõ, nếu nhìn về tính khí vô luân. Phi đạo đức. Là tính khí, thể hiện rất rõ nơi người con thứ.

Trình thuật diễn tả nét đặc trưng của hai tính khí ấy qua động từ “tìm đến” và “nghe theo”. Tức, đặc trưng vẫn thấy nơi những người có quá khứ rất tồi tệ. Nhưng, một khi đã thật lòng “tìm đến” với Chúa, và chịu “nghe theo” điều Thầy dạy, họ không còn bị coi là người chìm đắm trong lầm lỡ. Tối tăm. Theo định nghĩa của sách vở, thì người chìm đắm trong tối tăm/lầm lỡ là người đã chấm hết, không còn muốn “tìm đến” Chúa. Cũng chẳng muốn tìm đến Thầy, để “nghe theo” Lời Thầy dạy dỗ, nữa.

Trong khi đó, Kinh sư/Biệt Phái lại vẫn nhìn mọi người bằng cặp mắt, đầy thành kiến. Dị nghị. Họ vẫn coi những người thấp hèn bên dưới, như kẻ lầm lỡ. Lỗi phạm. Nên, mới ung dung phiền trách: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với họ.” (Lc 15: 2) Đáp lại động thái ấy, Đức Giêsu không cãi tranh. Biện luận. Ngài chỉ đáp trả bằng dụ ngôn/truyện kể. Dụ ngôn nào cũng mang ý nghĩa nhắn nhủ: Chúa yêu thương hết mọi người. Chúa mong mỏi mọi người trở về với Ngài. Dù lầm lỡ, nếu biết trở về, Ngài đón tiếp rất linh đình. Mừng vui.

Tuy nhiên, cũng có nguy hiểm, là: ta dễ đi đến kết luận, rất “ba phải”. Và, đây lại không phải là điều Chúa muốn. “Ba phải” hoặc “huề vốn”, là ở điểm: ta cứ thế mà bảo: làm gì thì làm, sai sót cũng chẳng sao. Rồi ra, Chúa sẽ tha hết tất. Đó là triết lý của những người cuồng si. Đam mê. Vô độ. Không nghĩ đến hậu quả. Dù Chúa vẫn thương ta, nhưng đừng vì thế mà ra bê trễ. Bất cần.

Quan hệ với Chúa, có hai yếu tố rõ ràng cần tách bạch. Thứ nhất, tình Chúa thương ta là tình thương vô điều kiện. Bất kể người được yêu, có thế nào. Có làm điều sai quấy chống lại Chúa. Chống lại người anh em cùng nhà. Chống chính mình. Thì, tình Chúa vẫn thế. Truớc sau như một. Vẫn là thứ tình mà người Hy Lạp gọi là agapè. Tức, lòng thương yêu trìu mến. Chẳng đổi thay.

Là thánh nhân hay kẻ phạm lỗi, Chúa vẫn cứ yêu ta. Vẫn yêu, là bởi vì Ngài chính là Tình Thương Yêu đích thực. Ngài vẫn ban phát tình thương yêu vô điều kiện ấy, với mọi người. Bất kể người ấy là thánh nhân. Nhà độc tài. Hay, kẻ phạm pháp. Ngài vẫn bào: “Cần đến lương y, hẳn không phải người lành mạnh, mà là kẻ đau yếu.” (Mt 9: 12)

Mặc dù thế, ơn tha thứ từ Đức Chúa lại là chuyện khác. Tha thứ đây, không hẳn lúc nào cũng vô điều kiện. Như dụ ngôn “người con đi hoang trở về” cho thấy: người cha nhân hiền yêu thương rất mực người con thứ. Cha chẳng phiền hà khi nghĩ đến anh. Dù, anh tệ bạc. Chẳng đáng thương, theo lệ thường. Điều này người nghe thấy rõ trong câu nói: “Anh còn ở đằng xa, nhưng cha anh đã thấy. Và, ông chạnh lòng thương”. (Lc 15; 20)

Dù là thế, thứ tha ở đây chỉ mang ý nghĩa trọn vẹn khi người con thứ quyết tâm “hồi hướng quay trở về”. Quay trở về, là động thái rất cương quyết. Có chiến đấu nội tâm. Không chần chừ. Do dự. Nhưng, dũng mãnh. Bởi thế nên, không thể có tha thứ trọn vẹn, nếu không có hoà giải. Không thể có hoà giải, nếu vết thương lòng của những rẽ chia. Tranh giành không được hàn gắn. Chữa lành.

Cứ sự thường, người đời thường nghĩ: tha thứ chỉ mang tính “một chiều”. Họ tưởng rằng Chúa thứ tha, là Ngài tha thứ theo kiểu “đường một chiều”. Anh trước. Em sau. Thậm chí, có người còn suy tính: cứ thoải mái mà phạm lỗi. Chắc chắn rồi ra Chúa sẽ thứ tha. Chỉ cần đến toà cáo giải, là xong.

Thật sự, Bí tích hoà giải và tha thứ chỉ thành, khi người phạm lỗi biết sám hối. Biết tự hứa, sẽ xin chừa. Ở dụ ngôn Chúa kể, đó là quyết tâm của người con thứ sau khi trải qua tháng ngày u buồn sầu hận, vì sai sót. Nhờ quyết tâm sám hối của người con thứ, nên tương quan hành xử giữa Cha-con, mới hết sầu buồn sâu lắng. Tha thứ, diễn ra thực sự khi người phạm lỗi đã chạy đến thân thưa cùng Cha.

Và, người Cha hiền đã chẳng kể gì lỗi phạm của con, đã “chạnh lòng thương”, ngay khi con còn ở đằng xa. Hành xử cho phải phép, mới có thể về lại với tương quan mật thiết giữa Cha-con. Đây, chính là điều cần thiết, khi nhận biết những sai phạm/lỗi lầm, cần đổi thay. Đổi và thay, là việc cần làm người phạm lỗi biết mình bẻ gẫy mối tương quan thân tình. Với Cha. Với người anh. Với mọi người.

Tuy nhiên, có một sự rất thật trong dụ ngôn hôm nay, là người phạm lỗi đã đi bước trước, trong quyết tâm đổi thay. Quay về. Về với Cha. Và với Chúa. Đi bước trước, vì anh đoan chắc rằng mình sẽ được Cha tiếp đón, giống như xưa. Nghĩ thế, sẽ không còn chữ “nếu”, hoặc chữ “nhưng”. Chẳng đắn đo. Không đặt điều kiện. Còn, vị Cha hiền lại cũng chẳng nghĩ gì đến trừng phạt. Hoặc, bắt phải đền bù. Và, đây là ý kiến mà thánh Phaolô đã viện dẫn, ở bài đọc 2.

Thánh Phaolô xác nhận, là: chính ông từng là kẻ phạm lỗi khi tìm cách bắt bớ/gạch khỏi sổ bộ đời những người theo chân Chúa. Kịp đến khi khám phá ra được lòng xót thương vô bờ của Đức Chúa, thánh nhân đà quả quyết:“Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên chính là tôi.” (1Tm 1: 15) Chính là nhờ vào lòng xót thương của Chúa, thánh nhân tiếp: “Đức Kitô muốn tỏ bày lòng đại lượng của Người mà đặt tôi làm gương cho những ai tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1: 16)

Làm gương ở đây, là cho những ai tin vào Người, không như các Kinh sư/Biệt phái chủ trương thực thi luật pháp, rất từng chữ. Nhưng là:

1. Yêu thương mọi người, một cách vô điều kiện, là yêu thương không tùy thuộc hành vi hoặc động thái của người đó, đối với ta.

2. Và, làm hết sức mình, để khi tha thứ ta sẽ hoà giải được với người mà ta cứ nghĩ là họ xử sự rất không phải, đối với ta.

Thực hiện điều này thật không dễ. Bởi, đó vẫn là những thách đố/chông gai trong cuộc sống. Tuy thế, đây cũng không phải là việc không thể thực hiện được. Hãy cứ thử chọn lựa giữa tha thứ và hờn giận/ganh ghét, hoặc trả đũa. Trả thù. Cứ thử xem, người có lòng khoan dung và kẻ chuyên cay cú, hỏi rằng: ai khổ hơn ai? Chắc chắn người khổ nhất sẽ là người chọn hờn giận. Ghét ghen. Cay cú. Vì họ vẫn chưa thể tha thứ. Cũng chẳng giải hoà được với ai.

Hiểu và biết những điều trên, hẳn là ta sẽ chọn theo đường lối Chúa dạy, mà thực hành. Thực và hành, chẳng phải vì Ngài là Chúa, mới dạy ta làm như thế. Nhưng, thực và hành, vì đó là đường lối tốt nhất, để lựa chọn. Người con thứ trong trình thuật đã học được bài học này, trong đau thương. Nay có lẽ, ta cũng nên học kinh nghiệm của anh, trong cảm kích. Và, xác tín.

Xác tín những điều như thế, ta cứ tiến về phía trước, mà ca hát. Hát rằng:

“Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này

Trong tim con người là một đồng lúa mới,

Ta nung sôi ý chí mặt trời

Chặt cùm xích cho quê hương mỉm cười.”

(Trịnh Công Sơn – Cho Quê Hương Mỉm Cười)

Quê hương ta hôm nay, không chỉ là mảnh đất. Mà, là quê hương, chính là lòng mình. Cõi lòng, cần chặt bỏ mọi cùm xích của ghét ghen. Hờn giận. Và, cay cú. Chặt bỏ, để thay vào đó bằng tình thương. Đỡ đần. Gìum giúp. Hết mọi người.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: