Saturday 2 March 2013

“Cha mẹ sinh tôi, thằng con bất hiếu,”



Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần Thứ Tư Mùa Chay năm C 10.3.2013

“Cha mẹ sinh tôi, thằng con bất hiếu,”
“thề thốt thương người hơn cả song thân.”
 (Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Lk 15: 1-3, 11-32
Con bất hiếu, đâu cứ là con đi hoang, như truyện kể Tin Mừng người người vẫn hiểu những điều thánh Luca muốn nói. Trình thuật thánh Luca nói, nay kể không có ý kể về chàng trai đi hoang hoặc tình thương của bậc vua cha ở nhà mà thôi, nhưng là về chàng trai trẻ từng can đảm đã thành công bước vào tuổi trưởng thành, như anh mình. Truyện hôm nay, là truyện gia đình có hai người con ngỗ nghịch, khó hội nhập chòm xóm, rất cộng đoàn.
Truyện vào đầu bằng sự thể hai người con chưa có đời sống riêng nên vẫn như con trẻ sống trong thế giới hài hoà/khép kín, trong gia đình. Hoàn cảnh gia đình hết hài hoà, khi người em bắt đầu có sáng kiến mới, đòi chia chác phần gia sản và muốn có ngay lập tức. Muốn sống biệt lập, phá vỡ cảnh sống quây quần ở gia đình để ra riêng, tự lập. Anh coi cha mình như đã chết để thực hiện mọi chủ đích. Anh muốn cha chia gia tài rồi xa chòm xóm để lên phố. Điều này như cú sốc đánh động hết mọi người.
Người cha hiền đã thuận ý anh, để anh rời nhà, mà đi xa. Anh chống trả mọi thứ nên nề nếp, chẳng muốn giống cha điểm nào, lại muốn xoá bỏ mọi vết tích để cha mình không còn cách nào tìm lại anh. Anh tiêu tán hết số tiền cha gom góp cho anh; lại chối bỏ mọi nguyên tắc/lý tưởng học từ cha minh, cứ tự ý bước đi cho cuộc đời mình. Vẫn cứ muốn mình là chính mình, rất độc lập/độc đáo, chẳng giống ai. Chẳng bao lâu, cả thôn làng đều biết chuyện. Phố xá xa vời là nơi cuốn hút người trẻ từ miền quê. Chòm xóm bắt đầu đóng kín cửa không chơi với gia đình anh, sợ bị lây nhiễm, như cùi hủi.
Trong một lúc, mọi việc xảy đến khá tốt đẹp. Anh thực hiện được nếp sống theo ý mình cho đến lúc tiền cha cho cũng đã cạn. Kinh nghiệm sống anh tạo được lại không thuận theo ý muốn, anh đã bắt đầu cảm thấy rối trí, rối cả bụng dạ đến cồn cào, đói khát. Anh cần có cái bỏ vào miệng, chợt nhận ra rằng hồi còn ở nhà anh muốn ăn lúc nào cũng có, nhưng với giá phải mất đi tự do và độc lập. Và, cả với giá phải sống như người con tốt bụng. Là nông gia, anh đã cảm nghiệm một đối chọi với lối sống thành thị, khiến anh ngã quỵ.
Anh giáp mặt thực tế rất phũ phàng. Anh cứ nghĩ mình sẽ “mãn nguyện” về thực tại toàn hảo mà anh có thể tạo cho chính mình. Trong thời gian cứ thế vung tiền sống trác táng, truỵ lạc để chứng tỏ mình bất cần đời, những đời cần mình mới phải. Nhưng thực tại đã chứng minh đời người không phải thế. Anh khám phá ra cuộc đời vẫn có những giới hạn đề ra cho chính anh. Đôi lúc, anh cũng nói tiếng “Không” cho những gì mình ao ước, cho đường lối sống do anh tưởng tượng. Nhưng đường và lối rất khó đi, khó sống. Mọi người, ai cũng học biết được điều ấy bằng những kinh nghiệm đôi lúc cũng đắt giá.
Chàng trai trẻ nay đã biết học. Học cách tôn trọng lòng ao ước bên trong con người mình vẫn thôi thúc anh rời khỏi cung lòng ấm áp của quê nhà và tìm cách sống theo kiểu riêng tư của chính mình. Nhưng, anh cũng đã học được cách biết tôn trọng sự thể là mọi việc không dễ như thế. Và có lúc anh thấy anh cũng phải thắt chặt lưng bụng với những đòi hỏi ra như quá đáng. Anh bắt đầu nhận ra thế nào là “trưởng thành, chín chắn khi sinh sống. Vẫn không là những gì anh từng tưởng tượng.
Anh cũng bắt đầu tự hỏi: nếu cha mình cũng học được điều này khi ông còn trẻ. Có lẽ cha anh cũng hiểu, từ kinh nghiệm riêng tư của ông khi khôn lớn, giống như anh. Có lẽ cả cha và anh đều giới hạn, không chế những đòi hỏi của mình. Thế mới là con người thực. Và, anh chẳng bao giờ biết rằng cha mình cũng từng như thế. Và, anh quyết định đến với cha anh để tìm ra những gì anh chưa biết hết. Anh nghĩ anh có thể tình nguyện làm gia nhân, người làm mướn. Như thế, anh sẽ không tuỳ thuộc vào cha một lần nữa. Anh những muốn sống bằng đồng lương riêng của mình, sẽ là người đích thực. Làm thế, đâu có nghĩa ‘sám hối” đích thực. Mà chỉ để biết rõ thực tế và biết rõ mọi người theo cung cách rất khác.
Anh cũng nghĩ: nếu về với Cha sẽ bị chối bỏ, vì anh đã rời bỏ “người cha kỳ quặc” mà anh biết chắc ông có sẵn mọi câu trả lời, khi anh hỏi. Và, anh đang khám phá ra “người cha đích thực” mà thực sự anh chưa hiểu biết hết, tức như người lớn, với người lớn. Anh cũng chẳng rõ điều đó có nghĩa gì.
Nhưng trong lúc anh “còn ở đằng xa, thì cha anh đã nhận ra anh”. Người cha cứ thế chạy đến, dù người cha ở phương Đông, lại không có thói quen chạy như thế, để đến ôm chầm lấy con, rồi hôn lấy hôn để. Cũng lại là chuyện lạ kỳ ít ai ngờ tới, như cú sốc cho anh. Người cha lấy hết sức để đến với con mình. Đó là dấu hiệu để chào mừng, nhưng cũng là dấu chỉ để dân làng biết rằng con người mới đã sống lại và lớn lên phía đó, và anh xưa vẫn là thành phần của xóm làng, nay đã khác.
Người cha nhận ra rằng con mình nay đã lớn. Cha kêu gọi đem quần aó mới cho con và tổ chức tiệc chào mừng cho con ông. Làm việc ấy, không có nghĩa là công việc đầy tính “sám hối”. Bởi, người cha nay đồng thuận khi thấy tính khí rất đáng quý trọng ở con mình. Ông muốn có quan hệ giữa người cha đã trưởng thành đối với người con cũng trưởng thành. Đó chính là quan hệ rất mới giữa hai người, cha và con. Quan hệ này, cũng rất đáng để tất cả cử hành mừng kính.
Ta không chọn những ai đem ta vào với thế giới naỳ. Tuy nhiên, muốn có được “người cha” theo nghĩa trọn vẹn, ta cũng phải chọn như thế, lúc về sau. Cùng một cung cách như thế, cha cũng phải chọn con mình. Là cha, không chỉ có nghĩa về thể chất xác thịt thôi, nhưng là nhận biết có trách nhiệm về người con do mình sinh ra, thừa nhận con mình chính là con theo nghĩa đích thực.
Truyện kể của thánh Luca luôn có hậu, tức luôn đặt nặng quan hệ cha–con. Có những truyện kể không có hậu. Nhiều người con đi hoang, khi trở về, không thấy được là người cha có trưởng thành, chín chắn như người cha hay không, hay là chỉ mỗi con trai mình thôi. Nhiều người cha trưởng thành ngang qua việc con cái cách ly khỏi gia đình, và thấy rằng con cái mình không trưởng thành theo cùng một cách thức như mình. Thật đáng buồn, và đau lòng. Đó cũng là giai đoạn khác trong trưởng thành, tức trong cung cách ổn định thực tại.
Làng xóm cũng thế. Họ nhận ra được người con trai là thành viên trong làng. Dưới con mắt của họ, cả người con đi hoang lẫn người cha hiền đều đáng xấu hổ. Nhưng cả hai đã chung thủy với gia đình. Người cha và cả gia đình đã mở tiệc chào đón người con đi hoang nay trở về với gia đình và làng xóm. Cả làng ăn mừng bằng bê béo. Cả làng cùng kéo đến ăn mừng. Nhưng sẽ hỏi rằng, hai cha con  có ngây ngô vẫn sống theo kiểu trước đó chứ? Người trong làng có cần biết những gì mà thành thị lẫn phố chợ đã và sẽ làm cho con người không? Dân làng có cần coi chuyện đoàn kết cách thiển cận như chuyện đã qua, rồi bỏ không?
Thái độ của người anh thì sao? Anh tượng trưng cho sự đúng đắn, trong hệ thống rất đóng kín. Anh chẳng làm điều gì sai trái, bởi anh có bao giờ làm gì đụng chạm đến đời mình đâu. Anh vẫn là con trẻ. Vẫn nổi nóng, tách rời không làm thành viên gia đình và làng xóm. Cuối cùng thì, anh vẫn có phần gia tài của anh khi người em lấy đi phần của hắn. Anh không cùng xóm làng tham dự tiệc mứng đón em. Anh chọn đứng xa, ở ngoài. Anh từ chối chào mừng thực khách, chẳng giúp vui cho bất cứ ai. Cha anh, vì quá mệt về tình cảm đã nài nỉ anh, nhưng anh kết án cha những điều không đúng. Anh vẫn ở lại trong nỗi giận rồi tự hỏi sau này mình già thì cha và em có coi sóc mình không? Và người cha bất chấp tính tình kỳ quặc của anh lớn không rộng lượng thủy chung với tình gia đình.
Bắt chước Giám Mục Helder Camara, có lẽ ta cũng nên nguyện cầu khi nghe kể truyện người con đi hoang như thế. Cũng cứ cầu cho mọi người con thấy khó lòng mà trưởng thành, chín chắn. Cũng nên cầu cho thế hệ trẻ không dám mạo hiểm để lớn lên, để trưởng thành trong chính chắn. Cũng nên cầu cho các bậc cha mẹ vẫn xem xét và nguyện cầu và ở đâu đó khi sự việc diễn ra.  Cầu mong sao, ngày nào đó tất cả đều sẽ đến với nhau và cùng ăn mừng cho người con nay trưởng thành trong chín chắn và cả người anh cũng biết đối xử cho đúng đắn mà tham dự.
Trong tinh thần cảm kích truyện kể rất ý nghĩa, tuởng cũng nên ngâm nga lời ca còn chưa dứt:

            “Tôi vẫn đợi, đợi thêm người chút nữa
            Tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau
            Tình một hai năm… chưa bạc mái đầu
            Chưa tuyệt vọng bởi vì chưa hy vọng…”    
            (Nguyễn Tất Nhiên – Tình Một Hai Năm)

“Tự an ủi”, “cắn nỗi sầu đau”, có thể là tâm trạng của người sống rất đúng luật nhưng lại không dám mạo hiểm để trưởng thành, như người anh trong truyện. Đó, là thái độ cần đổi thay trong những ngày này của mùa rất Chay kiêng, tâm tịnh.  

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh –
Mai Tá lược dịch

No comments: