Saturday 25 January 2014

“Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời"




Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ tư mùa thường niên năm A 02.02.2014

“Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời"
Để ca tụng, bằng hương hoa sáng láng.”
(dẫn nhập từ thơ Hàn Mặc Tử)
Lc 2: 22-40
Trong hành trình cuộc đời, có những truyện kể đưa ra nhiều hình thái quan trọng về công ăn việc làm. Với các linh mục giảng thuyết, câu truyện các ngài kể đều tập trung vào việc chia sẻ Lời Chúa.
Có linh mục trẻ nọ, gặp khó khăn trong việc dùng lời giảng thuyết, cụ bèn xin Giám mục Bề trên của mình đôi ba bí kíp. Vị Giám mục mới nói: “Thì cha có thể nói đôi điều gì đó cốt thu hút bổn đạo chú ý tập trung như: Tối qua, tôi bất chợt rơi vào vòng tay ấm áp của một phụ nữ, chẳng hạn. Tôi dám chắc, nếu cha bắt đầu bài giảng như thế là họ sẽ chăm chú nghe thôi. Rồi cứ thế, cha tiếp tục tả cảnh tả tình, nói rất nhiều về sự ấm áp và cởi mở nơi cung lòng người nữ phụ, và rồi kết thúc bằng cú “nhảy dù” bật mí cho mọi người biết nữ phụ kia chính là thân mẫu của cha, thế là xong. Và, đó chính là ý nghĩa tình gia đình đấy.     
Linh mục trẻ quyết nghe theo lời dạy của Chủ quản Bề Trên, bèn dự định thực hiện vào bài giảng Chúa nhật sau đó, nhưng ông lại hồi hộp quá đến nỗi quên một vài chi tiết. Và hôm đó, nơi bài chia sẻ linh mục xứ đạo bắt đầu nói: “Thưa anh chị em, tối qua tôi được hân hạnh rơi vào vòng tay êm ái của một nữ phụ rất nóng bỏng…”
Cộng đoàn sốt sắng nghểnh tai chờ nghe đoạn tiếp cha giảng. Nhưng cha lại quên không nhớ phần vị Giám Mục dạy mình kết thúc ra sao. Cha bèn hít một hơi thật đầy, rồi tiếp: “Tôi không nhớ người phụ nữ này là ai, nhưng chừng như Đức Giám Mục bảo tôi làm như thế với bà ấy. “
Chúng ta vừa nghe một bài giàng hay nhất chưa từng biết đến. Thế giới vẫn gọi là Bài Giảng Trên Núi. Điều làm cho bài này hay nhất không phải do tính cao đẹp của ngôn ngữ loài người hoặc nó nằm ở hy vọng của tinh hoa thần học gói ghém trong đó. Hay nhất là bởi, Đức Giêsu đã giảng về thực tế đang diễn ra trước mắt Ngài. Người Do Thái hôm ấy rất nghèo, yếu đuối, sầu buồn và đói khát sự công chính. Có người còn tự đặt mình trong quyền năng sinh sát của kẻ thù địch. Người thì chiến đấu tìm gặp Chúa ngang qua bách hại. Người lại rắp tâm tạo sự bình an trong chốn bạn bè/người thân. Nhưng họ lại bị kết tội và tuyên án.
Thực tế này không chỉ xảy đến vào ngày Chúa rao giảng, nhưng vẫn diễn ra với Hội thánh tiên khởi, nữa. Mỗi lần nghe linh mục giảng, ta thường có thói quen hạch hỏi: làm sao ông ấy biết chuyện này chứ? Nếu cha mà hiểu được những khúc mắc nơi đời sống người đi Đạo, chắc cha sẽ phải thay đổi băng tần chia sẻ, mà thôi.
Quả thật, nhiều người trong chúng ta không bén đủ nhạy về sự mỏng dòn nơi cộng đoàn ta chung sống. Và đôi lúc, ta cũng thấy khó mà thông truyền cho mọi người biết sự yếu mềm của chính chúng ta. Bài Giảng Trên Núi là mẫu mực giúp ta sống, theo mọi cung cách. Khi Chúa nói: “Phúc cho anh em”, Ngài không muốn có thái độ bề trên kẻ cả, hoặc che giấu các khía cạnh gai góc của thực tại nơi cuộc đời, rồi cứ thế mà dẫn dụ: Giỏi lắm! Gắng lên con. Hãy cứ vui sống, mọi sự để đó Ta sẽ lo sau, trên Thiên Đàng…
Theo Sách thánh tiếng Do Thái, nói “Phúc cho anh em” là khám phá ra rằng Thiên Chúa đang hiện diện sống động nơi cuộc đời mỗi người. Ở đây. Bây giờ. Thành thử, Bài Giảng Trên Núi có ý bảo: ta không cần phải kinh qua mọi cuộc chiến đấu, tranh sống hằng ngày, mới nhận ra được sự hiện diện của Chúa. Đức Giê-su từng bảo: nếu ta nghèo, nhưng có lòng xót thương, cảm thông người sầu buồn, quyết tranh đấu cho một xã hội công bình hoặc còn đang đau khổ vì những thứ đó, nếu ta tỏ ra tử tế, vô vị lợi, nếu ta là người xây dựng hòa bình hoặc người cảm tử, thì tức là, theo cách nào đó, ta đang giáp mặt Chúa.
Chúa từng có Bài Giảng “Phúc thay cho anh em” ở Trên Núi là bạn đồng hành với ta trong mọi tình cảnh của cuộc đời ta đang sống. Chúa là người bạn hiền, luôn chung vai sánh bước đến gặp ta cả vào những ngày ta không muốn giáp mặt nữa.
Điều đáng buồn, là: quan niệm Đức-Chúa-người-bạn-hiền không được sử dụng rộng rãi, cho đúng mức. Ta vẫn chọn bạn mà chơi, bỏ giờ ra để ở với họ, kể cho họ nghe những điều ta chẳng kể cho ai. Đôi lúc, cả vào khi ta ở trên đỉnh bình yên cuộc đời trên thế giới hoặc gặp khủng hoảng ta vẫn gọi bạn đến tiếp cứu, trước khi nhớ đến gia đình, tình thân. Ta biết bạn cũng như mình vì bạn cũng vẫn tìm đến ta, để chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời.
Là Bạn Hiền ta chưa từng có, Đức Giê-su luôn để ý đến ta trong mọi sự kiện xảy đến mỗi ngày. Ngài vẫn có đó, ở mọi nơi. Vào mọi lúc. Đương nhiên, Ngài chẳng bao giờ xâm phạm vào đời tư, của ai. Ngài luôn kiên nhẫn đợi ta mời Ngài đi vào cuộc sống của chính ta. Mọi lúc. Mọi cấp bực đời người, như ta muốn.
Đức Giêsu-Bạn-Hiền, không gửi đến cho ta những bài chia sẻ hàng tuần, kiểu xưa cũ. Nhưng, Ngài gặp ta qua từng ngõ ngách cuộc đời, ở mọi nơi. Ngài dìu ta vào vòng tay ôm êm ái. Ôm giữ thật chặt, mỗi khi ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Một cuộc sống có quá nhiều trục trắc, rất gay gắt. Ngài đưa tay chỉ đường giúp ta ra khỏi ngõ quặt, để tiến bước. Tiến, về phía thênh thang đang rộng mở, cả con đường. Nơi có “Bài Giảng Trên Núi” với những ..”Phúc thay cho anh em!” Bởi, Ngài chính là Bạn Hiền đích thực. Là, Giê-su Nhân Hiền của ta.  
Trong cảm nghiệm về tình bạn rất hiền, cũng nên ngâm tiếp lời thơ của thi sĩ ở trên mà rằng:

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, bằng hương hoa sáng láng.
(Hàn Mặc Tử - Ave Maria)

Hương hoa sáng láng, xôn xao náo động muôn tinh tú, vẫn cứ là tình thơ rất hiền từ của Đức Giêsu-Bạn-Hiền vẫn đến với ta và cho ta, mãi suốt đời.

Lm Richard Leonard, SJ   
Mai Tá lược dịch

No comments: