Saturday 9 May 2015

“TÌNH MỘT HAI NĂM CHƯA PHẢI TÌNH DÀI”,



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ VI Phục Sinh năm B 10/5/2015

Tin Mừng (Ga 15: 9-17)

Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

“TÌNH MỘT HAI NĂM CHƯA PHẢI TÌNH DÀI”,
Cũng không thể gọi là tình mới.
Tôi vẫn đợi như tôi đã đợi,
Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi”.
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Thi sĩ làm thơ “ngậm tình về” lại cũng giống như nhà làm phim người Ý vói về tình đời đẹp quá, như bài thơ. Bộ phim của Ý mang tựa đề dễ thương: “Đời đẹp quá” phản ánh toàn bộ sự thật như Tin Mừng hôm nay.
Phim kể về một người cha hiền hậu cố thuyết phục đứa con lên 5, bảo rằng: những chuyện xảy ra ở trại tập trung, giống như trò chơi tinh nghịch mà Đức Quốc Xã tạo ra để thử lòng người Ý.
Thật sự thì, đạo diễn Roberto Benigni đã biện luận: mục đích của ông khi làm phim này là để khẳng định rằng: phần đông cha mẹ vẫn làm hết mình để cho con cái khỏi phải giáp mặt với thực trạng tội ác, ở đời. Và, các người cha, người mẹ khi xem phim ông đều đã nắm bắt được thông điệp ấy.
Ở ngoài đời, làm cha làm mẹ, ai cũng chấp nhận đối đầu với mọi hiểm nguy, bỏ giờ ra cùng với con xem phim để giải thích cho con về bi kịch cuộc đời. Về phần Đạo, Đức Chúa đã làm biết bao việc lớn lao cho con người. Đạo ta là Đạo duy nhất tin rằng Đức Chúa mặc xác phàm, chết vì thương ta. Có thế, ta mới hiểu được mối tình cao cả Ngài bày tỏ với ta.
Thành thử, hiểu lòng người, Ngài vẫn chờ đợi nơi ta một sự đáp trả thân thương, nên đã khuyên nhủ: các con hãy yêu thương nhau như anh em cùng nhà, không phận biệt gái trai, giầu nghèo.
Hôm nay, Đức Chúa khẳng định: lòng yêu thương của người tín hữu phải được đo bằng mức độ hy sinh, ta tặng cho nhau. Đây là thách thức lớn hiện diện nơi lời mời gọi yêu thương. Thứ tình yêu luôn đính kèm sự hy sinh. Yêu thương chẳng đắn đo, không tính toán.
Và, những người ta cần yêu nhất chính là người mà ta chuẩn bị hy sinh những gì của ta, tự nơi ta. Hy sinh mọi thứ thuộc về ta. Đấy là yêu thương.
Đúng hơn, chúng ta nhất định phải nói với những người lâu nay mình không ưa thích, rằng: ta yêu họ rất mực. Với tín hữu Đạo Chúa, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta yêu thương mỗi người, và mọi người. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu ấy, không phải dễ. Chúng ta hay đi quá xa sự thật; tức, nói khác điều mình nghĩ. Nếu đó là thói quen thông thường, thì giá trị của Đạo mà ta cố duy trì sẽ giảm sút rất nhiều.
Bình thường, ai cũng có quyền đeo đuổi lập trường riêng tư. Mỗi người có lý để hành xử theo ý mình, nghĩa là có quyền yêu thích, vui hưởng, đam mê, trân quý cũng như cảm kích, biết ơn người khác theo cách của mình.
Tuy nhiên, làm thế vẫn chưa thực sự yêu thương người đồng loại. Người đồng loại nói trong Tin Mừng chính là anh em ta. Ít người trong chúng ta biết ép mình từ bỏ cuộc sống dễ chịu, để yêu thương, phục vụ người đồng loại. Và, đó là mệnh lệnh từ Đức Chúa của Yêu thương, rất dễ nhớ.
Đằng khác, yêu người đồng loại như anh em mình là thôi không nói: ta yêu thích đủ thứ, như: yêu thú vật, thích ý kiến này hoặc tổ chức nọ. Vì, tất cả những thứ ấy không phải tình yêu thương hai chiều. Chỉ có con người mới đích thực yêu thương con người, mà thôi. Giêsu Đức Chúa đã không chết cho một tổ chức quyền hành nào hết.
Cái chết mà Ngài chấp nhận cho mình, chỉ vì yêu. Thứ tình không lý giải, biện bác ấy Ngài đã mang đến với hết mọi người. Nếu bảo rằng, ta rất yêu cầm thú, yêu nhà cửa, xe cộ hoặc công ăn việc làm, yêu ý thức hệ, hoặc yêu Giáo hội hơn con người, thì điều đó chưa chắc đã đúng sự thật, hiểu theo nghĩa yêu thương đích thực.
Đôi lúc ta nghĩ rằng: khi Đức Kitô nói đến tình yêu, Ngài nói đến tình gia đình ruột thịt. Tình hạn hẹp, cụ thể. Nhưng, không phải thế. Khi nói: hãy yêu thương nhau như anh em, Ngài ám chỉ đến bạn bè. Lắm khi, ta nghe nhiều người cho biết họ đang gặp phiền hà, rắc rối với gia đình, khiến họ chỉ muốn gần bạn bè để thở than.
Đến với bạn hơn là lần quẩn cạnh người thân trong gia đình. Đó là giây phút căng thẳng, xuất phát từ những đắng cay, hậm hực mất ý nghĩa của tình yêu đích thực mà bà con ruột thịt không còn trao tặng cho nhau, nữa.
Sở dĩ ta đến với bạn và tìm đến sức mạnh của tình bạn thay vì người thân, là bởi bạn hiểu rõ chuyện riêng của ta hơn. Có những thiên tình sử đắng cay ít khi ta tỏ cho người nhà biết. Quả, bạn bè hiểu rõ nhau hơn, biết ân cần cho nhau thời gian, chăm sóc nhau, trao nhau lòng thương trìu mến, không vụ lợi. Tình bạn đích thực là thứ tình mang tính hỗ tương, đáp trả.
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy chính bạn bè, tình thân mới chuẩn bị để trao tặng sự sống của mình cho nhau. Trao tặng như người anh em. Không ẩn ý. Không hạn chế. Đó là điều chúng ta vẫn mừng kính ở đây, vào Tiệc thánh mỗi Chúa nhật. Đức Kitô cho thấy tính chất đặc biệt của lòng yêu thương trìu mến Ngài vẫn đối xử với ta; để nhờ đó, ta có thêm sức mạnh mà ra đi rao truyền cho mọi người biết về tình yêu thương của Ngài.
Từ đó, mọi người rút kinh nghiệm sống về tình thương Ngài ban cho mỗi người theo cách thế vui tươi, phấn khởi. Có yêu thương trao tặng đích thực, ta mới chấp nhận mọi hy sinh vì người mình yêu, cho người mình trao tặng.
Chẳng ai dám ngang nhiên bảo rằng cuộc sống của người tín hữu Đạo Chúa là cuộc sống lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Không. Sự thật không như mọi người vẫn tưởng.
Tuy nhiên, với Bạn Nhân Hiền là Giêsu Đức Chúa luôn ở ngay bên, ta không còn đơn độc, lẻ loi. Ngài đã khẳng định tình thương yêu của Ngài với tất cả mọi người như bạn bè trong cộng đoàn tin yêu của Ngài. Tất cả là bạn bè cùng một niềm tin. Tất cả vẫn ở bên ta. Luôn hỗ trợ ta trong mọi tình huống. Dù cam go. Dù nhiều thách thức. Thách thức vì phải hy sinh cho tình yêu thương ta cần có, như đã được khuyên dạy.
Quả thật, yêu thương người trong gia đình ruột thịt, không khó. Vì người nhà luôn đáp trả bằng tình thương yêu, hiền hoà. Vì người nhà vẫn coi ta là khúc ruột ân tình, đáng yêu. Nhưng, yêu thương mọi người như người anh em, thật ra không dễ. Không dễ, là vì những người mà lâu nay ta không ưa thích, hoặc chẳng thương yêu gì mấy, nay có lẽ cũng đang gặp khó khăn, trở ngại.
Nói cho cùng, yêu thương người đồng loại không còn là chuyện đầu môi chót lưỡi, thản hoặc. Đó chính là mệnh lệnh cấp bách xuất từ Đấng hằng thương yêu mọi người, thương hết mình. Tình Ngài yêu thương hết mọi người không giống như thứ tình được thi-sĩ diễn tả ở câu thơ, rằng:

Tình một hai năm chưa phải tình dài”,
Cũng không thể gọi là tình mới.
Tôi vẫn đợi như tôi đã đợi,
Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi”.
(Nhĩa là tôi ấp-úng chuyện yêu người
Cơ-khổ như những lời thú tội).
(Nguyễn Tất Nhiên o Tình Một Hai Năm)

Thế nghĩa là, vì tình chỉ một hai năm nên “mới ấp-úng chuyện yêu người”. Nay lại thấy Tình Ngài yêu thương hết mọi người, chắc hẳn người người sẽ không “còn ấp-úng chuyện yêu thương”, suốt cuộc đời. Của mọi người.

Lm Richard Leonard sj  
Mai Tá lược dịch

No comments: