Sunday 11 December 2016

“Diễm phúc mới, thấy mình hưởng ơn cứu chuộc”



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 4 mùa Vọng năm A 18/12/2016

Tin Mừng: (Mt  1: 18-24)
Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:

"Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.”

“Diễm phúc mới, thấy mình hưởng ơn cứu chuộc”
Chúa Giáng Sinh, mang bình an cho nhân loại
Từ hai ngàn năm rồi, nhân thế đã reo vui.
Chúa xuống thế, không phải để làm vua nhân loại
Chúa xuống làm người, để cho nhân thế đóng đinh.
(Dẫn nhập từ thơ Yên Nê)

            Bình an - cứu chuộc, hai ý nghĩa một Giáng Sinh. Cứu chuộc - bình an, hai sự kiện xuất từ việc một Giáng Hạ. Chúa Giáng Hạ trong an bình. Để rồi, Ngài Phục sinh trong vinh quang, đem cứu chuộc đến với người người. 
            Trình thuật ngày Chúa Giáng Hạ, được thánh Mat-thêu và Luca ghi chú rất cẩn trọng. Các thánh sử ghi lại nguồn gốc/gia phả Đức Giê-su, như người phàm. Thánh Giu-se và Đức Maria, vốn giòng tộc vua quan quyền quý, Vua Đavít. Nhưng căn tính Thiên Sai của Ngài, là do quyền năng Chúa Thánh Linh, đã cấu thành.
            Ở trình thuật thánh Mat-thêu và Luca, đều có ghi thiên thần hiện đến với Đức Maria. Thiên thần đến, xác nhận việc Đức Maria cưu mang Đức Chúa là do quyền năng Chúa Thánh Linh, biến thành hiện thực. Khi Chúa đã thực hiện, Mẹ đích thực là Mẹ Thiên Chúa. Và, thánh cả Giu-se quả thực không là cha đẻ của Ngài.
            Theo phong tục Do Thái, hôn nhân gồm 3 giai đoạn thật rõ nét: giai đoạn hứa hôn, đầy thử thách; kế đến, là giai đoạn yêu thương, sinh hạ con cái; và, giai đoạn chính thức: hôn nhân kết thành, rất ủi an. Ở giai đoạn hứa hôn nhiều thử thách, cặp phối ngẫu phải sống riêng rẽ. Không liên hệ về thể xác. Bên nào không muốn tiếp tục tiến tới hôn nhân, đều phải đưa đơn ly dị. Ở giai đoạn này, nếu chẳng may xảy ra sự cố, đôi bên nam nữ lỡ ăn nằm với nhau, cả hai sẽ bị ném đá, đến chết.
            Thánh Giu-se là người chính trực. Thánh nhân luôn sống trong khuôn phép, rất mực. Cả luật Đạo lẫn luật đời. Vì thế, khi được loan báo Tin Vui, thánh nhân ở vào tình thế khá nghiêm trọng, nhiều lo nghĩ. Thoái lui cũng khó. Tiến tới chấp nhận, là việc hoàn toàn không dễ. Chí ít, là khi thánh nhân thấy vị hôn thê của mình đã cưu mang, lại không xuất từ sáng kiến của đôi bên. Rõ ràng, thánh nhân thấy mình đang dính dự vào một ngoại tình, khó cưỡng chống.
            Về phần Đức Maria, Mẹ cũng ở vào tình thế khó xử. Làm sao cắt nghĩa Thai Nhi mà Mẹ cưu mang, lại do quyền năng của Đức Chúa? Làm sao chịu đựng được miệng tiếng của người đời, rất bôi bác. Làm sao chứng minh được sự trinh trong của Mẹ, với vị hôn phu công minh chính trực là người yêu dấu, tên Giu-se? Và lúc ấy, chính là lúc thần sứ Chúa xuất hiện. Và thần sứ đã giải tỏa mọi khúc mắc khó xử, nhờ ơn cứu chuộc, nay đã biết.
            Thông điệp mà thần sứ mang đến, cũng giản đơn như sau: Hài Nhi mà Mẹ thụ thai là do quyền năng của Thần Linh Chúa, nên thành tựu. Không phàm nhân nào cả gan dính dự. Người Con của Mẹ sẽ được gọi là “Giê-su” có nghĩa là “Đấng Cứu Chuộc”. Bởi, sứ mạng Ngài đảm trách là để cứu dân Ngài không còn xa vời Đức Chúa, nữa.
            Theo lịch sử cho thấy, thánh Giu-se hiện thân là hậu duệ của Vua Đavít. Thánh nhân sẽ trở thành người cha hợp pháp của Đức Giê-su, Đấng Thiên Sai Đức Chúa gửi đến. Ở cuối trình thuật, thánh sử nay đã ghi rõ: Đức Giê-su được gọi là “Con Vua Đavít”. Quả, đúng như thánh Phao-lô tông đồ đã có thư cho giáo đoàn Rôma, nhằm giải thích thêm:

“Xét như người phàm, Đức Giê-su xuất từ giòng dõi Vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần Chúa, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa, với tất cả quyền năng (cần có).” (Rm 1: 3-4).

Tin Mừng thánh Mat-thêu tổng cộng đã 11 lần cho thấy các sự kiện trong đời Đức Giê-su đều ứng nghiệm những điều hứa hẹn trong Giao Ước thánh. Cụ thể như sách I-sai-a, có nói:

“Này đây, Trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên Ngài là Em-ma-nu-en” (Is 7: 14)

Và thánh Mat-thêu giải thích ý nghĩa tên gọi của Đấng E-ma-ma-nu-en, là: “Chúa đến ở cùng chúng ta”. “Chúa đến ở chúng ta”, nghĩa là Ngài thực sự đến để “ở với” và “ở cùng” chúng ta. Thực tại này, sẽ không chấm dứt bằng biến cố Phục Sinh. Cũng chẳng kết cuộc bằng sự kiện giã từ môn đệ Ngài để trở về với Cha. Lời cuối Ngài để lại, cũng vẫn là: “Và này, Thầy sẽ ở với’ anh em mọi ngày cho đến ngày thế tận.” (Mt 28: 20).

Cho đến hôm nay, Giê-su Đức Chúa vẫn tiếp tục là Em-ma-nu-en, tức “Chúa đến ở cùng chúng ta”. Chính vì thế, chúng ta vẫn tiếp tục cử hành mừng ngày Chúa Giáng Hạ, suốt hơn 2000 năm. Cùng với Thân Mình Ngài là Hội Thánh Chúa, tức cộng đồng các kẻ tin vào Đức Kitô vẫn tiếp tục “ở với” và “ở cùng” cộng đoàn dân Chúa. Ngài vẫn cứ “đến ở cùng chúng ta” bằng Lời. Và cả bằng hành động, nữa.

Cử hành Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta mừng kính sự hiện diện của Ngài, ở giữa chúng ta. Mừng, vì Ngài đang “ở với” và “ở cùng” mỗi người, trong chúng ta. Hiệu năng của hiện diện này tùy vào việc ta có hiệp thông một cách ý thức với Ngài hay không, mà thôi. Và, hiệu năng ấy càng rõ rệt hơn, nếu mỗi người và mọi người sống sao ngõ hầu chứng minh được là: Ngài đang thực sự hiện diện với ta, trong cuộc đời thường nhật.

Một lần nữa, vào đại lễ mừng Chúa Giáng Hạ hiện diện làm người, hãy để Đức Chúa tái sinh với mỗi người. Và mọi người. Làm như thế, Ngài hoan hỉ chấp nhận “ở với” và “ở cùng” mỗi người trong cộng đoàn Tình Thương. Còn gọi là Vương Quốc Nước Trời. Ở trần gian.

Trong hân hoan mừng Chúa đến “ở với” và “ở cùng”, ta sẽ hát lên lời ca đầy khích lệ, của người xưa:
            “Gọi Người Yêu Dấu bao lần
            Nhẹ nhàng như gió thì thầm
            Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi
            Thương người xa xôi.
            Gọi Người Yêu Dấu trong hồn,
            Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
            Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương
            Cho lòng nhớ thương.”  (Vũ Đức Nghiêm – Gọi người yêu dấu)

Thật ra, Người Yêu Dấu đang “ở với” và “ở cùng” ta, trong cuộc sống đời thường. Nhưng, Người Yêu Dấu hôm nay, muốn được đối xử như với người Tình, bình thường. Để, mọi người được “Diễm phúc mới, thấy mình hưởng ơn cứu chuộc” rất thân thương, Giáng hạ.

Lm Frank Doyle sj biên-soạn - Mai Tá lược dịch

No comments: