Tuesday 19 December 2017

“Nghe trong cõi nhớ, niềm xa xót,”



Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 4 mùa Vọng năm B 24/12/2017
Tin Mừng (Mc 1: 26-38)
Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
Bấy giờ bà Maria nói:"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

“Nghe trong cõi nhớ, niềm xa xót,”
“Chợt thoáng hiện về, dấu yêu ơi.”
(dẫn từ thơ Miên Thuỵ)

Chợt thoáng hiện về”, là lời thơ cho thấy một “hiện về” cũng rất thoáng như sứ thần Gabriel đã hiện về với Đức Maria để báo cho Mẹ biết tin vui ngày Chúa đến. Với mọi người.

Tin vui ngày Chúa về đến, là tin rất sớm về ơn cứu độ đã mạc khải cho Maria, người nữ trẻ ở Trung Đông, để Mẹ sẵn sàng mà nhận lãnh. Là thiếu nữ Trung Đông còn rất trẻ, nên trông Mẹ không giống hình hài mà mọi người Công giáo có trong đầu, từ thơ ấu. Hình hài ấy, là hình rất tưởng tượng về một Maria có dáng dấp của thiếu nữ rất Châu Âu. Thành thử ra, phần đông giáo dân ở trời Tây lâu nay không mấy thích khi thấy Mẹ chẳng giống họ, về hình hài. Tuy là thế, Mẹ vẫn mang bản chất Trung Đông chân phương, hiền hoà, dễ mến. 
  
Tính chân chất hài hoà của thiếu nữ Trung Đông trong đó có Maria rất thiếu nữ, là sự rất thật về tính khiêm nhu, độ lượng của dân làng Nadarét. Mẹ không thuộc hoàng phái hoặc giòng dõi quý tộc nhưng Mẹ vẫn nhu mì, hiền dịu quyết chấp nhận bất cứ điều gì Chúa bảo ban. Bằng vào tính ngoan hiền và kiên định, Mẹ có khả năng thực hiện điều mình chọn để sẽ sống hết mình, với lựa chọn ấy.

Mang thai Đức Giêsu, vào lúc có thể Mẹ chỉ mới 13 tuổi đời, tức ở tuổi còn rất trẻ, lại nhỏ bé nhưng Maria vẫn có dáng dấp dẻo dai, bước đi thoăn thoắt theo tư thái của người cao ráo biết học cách bưng vại nước hoặc các bó đồ ở trên đầu. Mẹ phục sức tựa các thiếu nữ khác, cũng áo thụng đen vào buổi đầu, sau đổi sang thành mầu xám nhẹ. Tên của Mẹ theo tiếng Aram, là Maryam. Nhưng lại chuyển sang thành Myriam theo tiếng Hipri Do thái, là quốc ngữ mà Mẹ không hề sử dụng. Maryam còn là tên của một trong ba nữ phụ ở trong làng, người người đều biết đến.

Tin Mừng, nay thánh sử vẽ lên bối cảnh của sứ vụ “truyền tin”. Ở đây, thấy rõ văn phong sáng tạo của thánh Luca rất thi sĩ khi thánh nhân viết đối thoại giữa Đức Maryam và thần sứ Gabriel qua đó khi Mẹ đáp trả sứ mệnh Chúa giao phó. Bối cảnh “truyền tin”, tuy không xác thực như sử học nhất là khi thần sứ dùng ngôn từ khá lạ kỳ đối với Mẹ. Thần sứ Gabriel cũng đâu có mang tính xác thực một bản thể, để có thể nói tiếng Aram như ai khác. Thế nên, ngôn từ ở trình thuật là ngôn và từ của thánh sử. Và, kinh nghiệm ở trình thuật, là kinh nghiệm từng trải của Maria, rất thiếu nữ.

Lời nói đầu của thần sứ chỉ mỗi chữ: “Mừng vui lên!” bên tiếng Hy Lạp, người ta chào hỏi nhau bằng chữ “chaire”. Trong khi đó, người Do thái chào nhau lại dùng cụm từ “rani” hoặc “gili” rút từ lời ngôn sứ Sôphônia khi nói với dân con Israel: “Vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Sô 3: 14). Cụm từ “Vui lên” không giống lời chào buổi sáng ở tiếng Anh/tiếng Pháp, nhưng tiếng Hip-ri mang ý nghĩa: “Hãy vui mừng trổi dậy mà nhẩy múa”. Đây là lời chúc bất thường. Bởi, đó là lời Chúa mời Maria hãy cùng Ngài múa nhảy vũ điệu trọng đại.

“Hỡi Đấng đầy ơn phúc!” tiếng Hy Lạp là checharitomene”, đại ý chỉ người nữ duyên dáng và đầy phúc lành vì được quà tặng biến đổi mà Chúa đặc biệt phú ban cho riêng Maria. Hiểu theo ý chữ thì điều này có nghĩa là: Maria được Chúa công nhận là người khiêu vũ có duyên, và rất diễm tuyệt. Duyên dáng và diễm tuyệt, là bởi Maria biết chuyển động nhanh vòng quanh với niềm vui cao độ của Chúa, Đấng từng nhẩy múa với Mẹ. Và, Mẹ biết thêm thắt vào với vẻ đẹp của vũ điệu mà Chúa nhảy múa bằng cung cách Mẹ đảm trách khi cùng nhảy điệu vũ của công cuộc cứu rỗi.   

“Chúa ở cùng người”, là chỉ về bạn nhảy hiện diện nơi bản ngã rất xác thể mà ngôn sứ Sôphônia diễn tả qua cụm từ “nức lòng”. Lúc ấy, là lúc Đức Maria được đề nghị nên có động thái của ngôn sứ, như lời khuyên: “Maria đừng sợ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa.” Thật ra, Maria là Mẹ đâu có gì phải hãi sợ khi đón nhận thông điệp do thần sứ mang đến, bởi đó chính là niềm vui trọn vẹn. Và, Mẹ vui với niềm vui của thiếu nữ đoan trang, mạnh mẽ, tự do. Tự do, biết rằng mình sẽ có em bé, là Con Chúa. 

Và tiếp đến, là câu hỏi mang dáng vẻ trần thế: “Điều ấy sẽ làm sao được?” Tức: làm sao có thể ra như thế? Bởi, tôi đây đâu tính chuyện xác thịt. Hoặc, nói như bản dịch kinh thánh nào khác: “Tôi nào biết đến nam nhân”, tức có nghĩa: “tôi, một thiếu nữ trinh trong”. Câu này không thấy ghi ở bản Kinh thánh gốc Aram, mà chỉ là thuật ngữ để nói lên rằng: Maria chưa từng nghĩ chuyện ăn nằm xác thịt, vì tuổi của Mẹ còn quá nhỏ để được phép.

Kinh thánh không ám chỉ việc Mẹ quyết ở độc thân, mà chỉ mô tả cảnh tình của Mẹ vào lúc đó, thôi. Sử học Do thái cũng không đưa ra nền tảng nào để ta có thể nghĩ rằng Đức Nữ Trinh Maria đã thành thân với thánh Giuse với ý định sẽ lập “con đàn cháu đống”, tức: cũng sẽ ăn nằm xác thịt hầu có con, như mọi gia đình ở Do thái. Độc thân, theo người Do thái, là chuyện hãn hữu chẳng bao giờ được đề cao, ngoại trừ trường hợp rất hi hữu. Chí ít, là với thiếu nữ trẻ sống ở thôn làng thuộc đất miền rất Galilê.

“Thánh Thần sẽ đến trên người”, điều này cốt ý nói sự việc sẽ nên hiện thực. Thánh Thần nói ở đây, khi ấy không hẳn là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa, mà chỉ là nhiệm tích thánh thiêng của “Thần Khí” (Ruah). “Và, Quyền năng (dynamis) Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên người. Và, trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa”. Lời đối đáp ở đây mang tính cách mật thiết với Chúa.

Đáp lại, là câu nói của Maria rất thiếu nữ: “Này đây!” Với Kinh thánh, cụm từ “Này đây!” cho người đọc thấy: ta sắp được Chúa mạc khải một điều hệ trọng. Mạc khải, là công thức biểu lộ điều gì đó ta chưa hề biết đến. “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài.” (Lc 1: 38). Câu nói của Maria thiếu nữ nghe vừa nhu mì, hiền dịu, lại rất ngoan. Vừa cung kính, dễ bảo, lại mang tính thụ động như ở phần đông các bản dịch ta nghe biết. Như từ lâu, truyền thống tu đức Giáo hội vẫn hiểu theo nghĩa này. Để rồi sẽ cho rằng: điều Maria nói có nghĩa: Mẹ là thiếu nữ trinh trong, hiểu theo nghĩa thụ động, thuần thục. Không hề biết đến “dục vọng”.

Nhưng bản Kinh Hy Lạp lại khác. Bản này không bao hàm ý nghĩa như thế. “Xin hãy thành sự cho tôi”, là dịch từ tiếng Hy Lạp “genoito”, như chọn lựa sâu sắc. Thánh Luca là người rất giỏi tiếng Hy Lạp, nên khi thánh nhân dùng cụm từ “genoito” là có ý bảo: “Vâng! Xin vâng. Vì đây là ý tưởng tuyệt vời mà mọi người đợi mong”. Tuyệt vời, còn là ngôn từ chỉ sự mừng vui trên mức trọn hảo. Và như thế, thần sứ chúc mừng Maria thiếu nữ bằng cách mời Mẹ “hãy đứng lên mà múa nhảy và ăn mừng” với Chúa. Và, lời Mẹ đáp trả cho thấy là Mẹ đang làm điều đó.

Các nhà chú giải kinh thánh, chuyên gia tiếng Hy-Lạp, như Ignace de la Potterie năm 1988 và Christopher Evans năm 1990 suy tư nhiều về sắc thái này nên cho rằng các nhà chú giải xưa như thánh Bernard thành Clairvaus cũng đã hiểu điều đó.

Quả thật cũng buồn, khi một số các dịch giả đã thay đổi ý nghĩa của điều mà Đức Maria từng nói đến. Các vị vẫn nghĩ rằng lời đáp trả của Mẹ đượm tính cách từ tốn và nguyện cầu nên đã chấp nhận sự việc xảy đến, như cụm từ “fiat” tiếng La-tinh có nghĩa là: “Cứ để việc ấy xảy đến với tôi, nếu như thế”. 

Giả như người đọc sách thánh là giáo dân nữ có lòng đạo hạnh từng coi Đức Maria như thần tượng của mình, chắc chắn sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi được biết là thánh Luca viết ra trình thuật này là để diễn tả kinh nghiệm riêng của Đức Mẹ “xin vâng” trong tình huống xảy đến vào lúc ấy. 

Hiểu đúng nghĩa câu Mẹ nói, hẳn rằng người người sẽ thấy bản năng mình cảm nhận về nỗi mừng vui cũng đúng và thực tiễn. Với Hội thánh, có lẽ cũng nên tìm hiểu và liên tưởng đến các hành xử khác biệt. Hiểu theo nghĩa đích thực của lời Mẹ đáp thay cho thánh hội, thì Hội thánh ắt sẽ tung tăng mừng vui mà nhảy múa với mọi người. 
                 
Trong tinh thần mừng vui cảm kích, cũng nên ngâm tiếp cũng một lời thơ, mà rằng:

                        “Con đường Phượng tím chiều nay đổ,
Bóng lá che nghiêng một góc đời.
                        Nghe trong cõi nhớ niềm xa xót,
                        Chợt thoáng hiện về, “dấu yêu ơi”.
                        (Miên Thuỵ - Con Đường Phượng Tím)

Phượng tím, có là con đường của đợi chờ cũng vẫn là “cõi nhớ”, nhiều yêu dấu. Nhưng dấu yêu chợt về chào mời mọi người hãy vui lên mà nhảy múa. Nhảy và múa, hầu chào đón Đấng Cứu Tinh nay lại về. Ngài về đến trong mừng vui hoan lạc, đầy nhung nhớ. Ở mọi thời. Rất con người.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –  Mai Tá lược dịch.

No comments: