Tuesday 16 October 2018

“Ô hay nhỉ, một thoáng mộng ngỡ mang thân Từ Thức,”


Suy Tư Chúa nhật thứ 29 thường niên năm B 21/10/2018
(Mc 10: 35-45)
 
Khi ấy, hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói:"Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi:"Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?" Các ông thưa:"Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giê-su bảo:"Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp:"Thưa được." Đức Giê-su bảo:"Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."
“Ô hay nhỉ, một thoáng mộng ngỡ mang thân Từ Thức,”
“Mảnh hình hài dâng tặng trái tim tiên.”
(dẫn từ thơ Nguyễn Tâm Hàn)

Mộng của anh, những mang thân Từ Thức. Mộng của người, lại muốn gần bên Chúa với bên người, nên quyết định. Quyết và định, như các thánh đã làm ở trình thuật, rất hôm nay.


Trình thuật hôm nay, thánh sử Máccô lại viết về thái độ rất “con trẻ” của tông đồ Chúa. Thái độ đây, là động thái bon chen, kèn cựa đòi chỗ cao. Nhưng, Chúa quyết phản bác thái độ ấy mà bảo: ai muốn làm đồ đệ đích thực, phải chấp nhận phận hèn tôi tớ. Như kẻ thấp hèn, bị bỏ bê như trẻ bé, tức: những người bị bóc lột, dày vò, hay thụ động.

Trình thuật thánh sử kể, nay được hiểu và nên hiểu như cung cách tháp nhập tầm kích thụ động lại cũng năng động, đi vào cuộc sống chân phương, rất đích thực. Lời Chúa, nay mời gọi mọi người hãy sống chân thật như trẻ bé”, để phục vụ mỗi người và mọi người. Có như thế, mới có thể hoạt động phục vụ Chúa nơi con người để phát triển cuộc đời.

Động lực khiến ta nên “trẻ bé/thấp hèn” hàm ngụ nhu cầu quân bình hoá đặc trưng khiêm hạ, tức: lối sống thấp hèn, với tính cao sang/trọng vọng, tức: có tâm hồn cao cả, rất lớn. Lời mời đây, lại mang ý nghĩa rất phải lẽ cứ đòi ta xử sự như người cao sang, trọng vọng. Bởi, như Chúa bảo: Ai muốn nên cao trọng, phải biết phục vụ, như trẻ bé!” Và, ai muốn nên trẻ bé, phải sống sao cho cao trọng. 

Thành ra, khó mà nên “trẻ bé” sống hài hoà, trọn hảo, toàn thiện. Lời Chúa mời, thoạt nhìn ra như nghịch ngạo, kình chống, cũng kích động. Nhưng, trình thuật hôm nay không muốn kêu gọi mọi người sống khiêm nhu theo kiểu dân con phục vụ và như trẻ bé. Lời Ngài mời gọi, không chỉ gửi đến bất cứ ai, ở nơi nào. Đúng hơn, lời mời gửi đến ta là mời ta sống sao cho có thể phát triển khả năng riêng tư đến cao độ. Phát triển rồi, lại sẽ sử dụng năng khiếu mình được tặng để phục vụ đúng cách mỗi người và mọi người. Đặc biệt, là người nghèo hèn, đang cần khả năng ấy, thấy cũng nhiều.

Vấn đề là, làm sao để có thể tháp đặt đặc trưng “khiêm hạ” vào với tính cao trọng, thật cũng khó. Điều thú vị, là: cụm từ “khiêm hạ” đối với mọi người, nghe vẫn dễ hơn cụm từ “cao sang/quyền thế”, rất là thế. Ngay buổi đầu, khiêm hạ ra như đặc tính rất “khắc kỷ” lâu nay vẫn được gán cho các thầy dòng  khổ tu sống đời đan viện, tức những vị những muốn xa rời đời sống tục trần để thực thi Tin Mừng Chúa nhủ khuyên. Xét tính cách xã hội và chính trị, đây là chuyện khá ư vô dụng, chẳng bổ ích. 

Đúng ra, đó là thái độ “bê tha/la cà” hơn đặc trưng/đặc thù đáng ta trân trọng theo nhãn giới hiện đại, trần tục. Khiêm hạ, là trạng huống tâm linh rất thấp bé, hèn mọn. Khiêm hạ, là trạng thái tâm tình dễ tác hại cả những người chủ trương sống như thế. Phần đông tu sĩ dòng khắc kỷ/khổ tu hay viết những chữ “luận thuyết/quyết tâm” nơi thang giá trị hoặc “khiêm tốn” để thực hành. Với văn chương thi tứ chốn dân gian, thì khiêm nhu/’khiêm hạ chả có gì khiến giảm hạ phẩm giá của mình hết. Chẳng cần biết, ta và mình có tìm sống khiêm hạ đến mức độ nào đi nữa, vẫn còn đó nghị lực tâm linh để vời đến. 

Cảm tạ Chúa, là ta vẫn nhận được ân lộc nhiều hơn thế. Bởi, người cũng như ta đều là những người cần thứ gì đó để dung hoà. Giả như ta có bị cuốn hút vào tình huống tư riêng, lọc lựa cho thích hợp để thăng tiến lên chốn cao sang/vị vọng, thì ta và người vẫn cần đến sự khiêm hạ đích thực khả dĩ giúp mình mở ngỏ lòng vơí khung trời rộng mở, mà phát triển. Bởi, như mọi người đều đã biết, tính cao trọng thực sự là tính chất rất “nhân chi sơ”, hơn cả đặc trưng khiêm tốn. Khiêm hạ/từ tốn, vốn chỉ là “bố thắng” hãm tốc lực cho người tìm đến những gì là cao sang, trọng vọng. Thế nên, đừng tưởng rằng “nhân chi sơ tính khiêm hạ”, sau đó thiên hạ và xã hội mới bổ sung cho vài ân lộc để thích nghi với tình huống đa dạng, để sống.

Khiêm hạ, ngay từ đầu vẫn giúp ta hướng về Chúa. Khiêm hạ, tự bản chất, là thái độ cũng rất Đạo. Bởi, so sánh với Chúa, ta chắc chắn chỉ là người con nhỏ bé, rất thấp hèn. Khiêm hạ, nhắc ta nhớ rằng: tất cả mọi sự tốt đẹp trong ta đều từ Chúa, chứ không phải do ta, hoặc bởi ta mà có. Nó tập trung nhấn mạnh, rằng: mọi sự tốt đẹp trong ta, là do Chúa. Nhận định theo cách đó, nó sẽ đưa ta vào đúng vị trí vẫn có và phải có trong vũ trụ vạn vật. Nó song hành, chứ không kình chống lại sự cao trọng. 

Nếu có quyết tâm sống khiêm hạ suốt cuộc đời, thì tự khắc sẽ đạt tính cao sang/vị vọng, ở muôn nơi. Tiếng Hy Lạp khi xưa gọi đó bằng từ “megalopsychia” tức tâm thần cao cả và to tát. To tát, ở chỗ: nó vực dậy và dưỡng nuôi hy vọng, rộng khắp. Nếu tính khiêm hạ cho ta biết về Chúa Cao Cả hơn tất cả, thì tính cao sang vị vọng lại diễn nghĩa cho ta hiểu rằng ta không là thành phần cao cả của giống người; bởi, ta vẫn có chút gì đó để góp phần vào sự cao cả của vũ trụ/vạn vật mà không loài nào làm được.

Trình thuật hôm nay, thánh Máccô mô tả cho ta thấy toàn bộ sự sống và ý nghĩa của Đức Giêsu, rất tốt đẹp. Trình thuật đẹp, ta có được là ở bản 70 bằng tiếng Hy Lạp. Ở đó, thánh Máccô kể lại sự kiện Chúa có nói: Ngài đến với thế gian không phải được mọi người phục vụ, mà là phục vụ mọi người. Và, thánh sử Máccô còn viết thêm rằng: Ngài đem chính mình ra mà làm chứng với dân con là đám “vô danh tiểu tốt”, vốn bị rơi rớt chốn lãng quên.

Diễn tả sự cao trọng đáng quý trọng nhất ở thời đại ta đang sống vốn được đặc trưng “khiêm hạ” khiến dịu êm, là tư tưởng đến từ Đông Âu. Người bất đồng đã vùng dậy từ nội bộ nhóm Sô Viết, của thời trước. Họ là những người đã cả gan dám chứng tỏ đặc trưng ngôn sứ để yêu cầu con người hãy biết tỏ ra mình là người biết sống cho phải lẽ cho con người; đặc biệt là những người từng bị chính quyền Sô viết thời đó áp chế tiếng nói của họ. Trong khi đó, tiếng nói của họ lại được lắng nghe ở nhiều nơi khác, rất cảm thông. Tiếng nói đó, còn là lập trường kiên quyết của các vị bất đồng chính kiến như Havel, Sakarov, Solzhenitsyn , vv.

Theo cách này, ta tìm ra được sự quân bình mà đôi lúc không thấy có nơi người viết; chẳng hạn như, sự việc tự biến mình thành “thùng rỗng”, rất trống vắng. Sự thể này, còn thấy được ở một số truyền thống Kitô-hữu vốn dĩ từng muốn làm sáng tỏ sắc thái của những lỗi và tội. Điều này, còn thấy rõ ở một số nhóm hội thuộc giáo phái Thệ Phản (đặc biệt là nhóm hội mang tên Luther) và một số nhóm hội khác thuộc Giáo Hội Đông Phương, và dĩ nhiên cũng lại thấy một số mạch chính trong Đạo Chúa. 

Điều này, cũng đã thấy ở một số triết thuyết và thần học tu đức vốn dĩ không tiến triển là do bản thân mình không dám vượt thắng thói quen, rất cố hữu. Tựa hồ như những người lại thích mùa Thu hơn mùa Đông và mùa Xuân, lẫn mùa Hạ, vì tính chất thi ca, mộng tưởng. Tính chất, rất ở ẩn trong bóng tối đen hiểu biết về Chúa, nên đã thấy thách đố nhiều trong tính chất thập giá, nơi mọi sự.

Đổi lại, có lẽ cũng nên nghĩ suy thêm về tính tích cực và /triệt để về mọi sự. Những sự như: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng hết mọi loài, mọi người trong trời đất là để mọi người, mọi loài có quan hệ đẹp với Chúa, và đó không là sự trống rỗng, vô bổ. Ta cũng nên biết những điều đó, mà cảm kích để rồi sẽ không chối bỏ việc Chúa thực hiện những sự tốt đẹp cho ta. Vâng! Lịch sử và xã hội từng gây tổn hại nhiều cho “trẻ bé”, ngay từ gốc. Tuy nhiên, tổn hại ngay từ gốc không là sự hủy hoại tận gốc rễ, để triệt hạ. Nói tóm lại, trình thuật nay được thánh sử Máccô tập trung nhấn mạnh một điều, là: chính Đức Giêsu đã và đang yêu cầu mọi người trở nên như “trẻ bé” là theo nghĩa đơn giản như thế đó.

Xem như thế, các chủ đề về quan điểm “trở nên kẻ bé nhỏ” thánh sử đưa ra suốt những tuần qua, là để ta suy tư về tư cách “trẻ bé” theo nghĩa: bất xứng hợp thấy rõ; vượt quá hoang tưởng; cung cách bổ sung; bước đi theo Chúa; trở nên trẻ bé rất cao cả.

Thế nghĩa là, “trở nên trẻ bé” sẽ không có nghĩa: chống đối nền thần học của thập giá, mà là: nhìn vào thập tự đích thực của con người chứ không phải tưởng tượng, mà thôi.     

    
Trong tâm tình đó, tưởng cũng nên ngâm thêm lời thơ còn dang dở, ở trên mà rằng:

“Ô hay nhỉ! một thoáng mộng… ngỡ mang thân Từ Thức,
Mảnh hình hài, dâng tặng trái tim tiên.
Xa trần gian… xa vắng hết ưu phiền,
Giấc mơ tình tan vỡ, anh chao đảo giữa giòng đời …bỡ ngỡ.
Hồn mơ màng tìm lối mộng Thiên Thai.”
(Nguyễn Tâm Hàn – Này Em)


“Giấc mơ tình tan vỡ”. “Chao đảo giữa giòng đời”. Tất cả, vẫn chỉ vì người đời quên mất Lời của Chúa vẫn cứ dặn: hãy nên “trẻ bé” mới mong “ xa vắng hết ưu phiền”. Và, cũng chẳng “mang thân Từ Thức”, rất truân chuyên. 
                    
Lm Kevin OShea DCCT biên soạn –
Mai Tá lược dịch.

No comments: