Tuesday, 14 May 2019

“Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,"


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh năm C 19/5/2019

Ga 14: 23-29

Đức Giêsu đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

“Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,"
“Ngó như gần nhưng vẫn thiệt xa khơi.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ngày cách biệt, dù biết trước vẫn thiệt xa khơi. Ngày đó, là ngày Chúa ra đi về với Cha để rồi Ngài sẽ gửi Thánh Thần Ngài đến với muôn người. Tâm tình này, thánh Gioan nay ghi ở trình thuật gồm tóm trong ý nghĩa: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, như Chúng Ta là Một…” (Ga 17: 21)

Tin Mừng Tình Chúa “Có Cha ở trong Con”, chan hoà cùng Thần Khí, cứ kéo dài mãi đến ngày Chúa về trời, hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng, từng chi tiết cả sự việc Chúa xuất hiện với các kẻ tin Ngài.

Hội thánh thời tiên khởi, đã thấy xuất hiện rất sớm chứng nhân nổi bật là thánh Phaolô tông đồ. Thánh-nhân không rành rẽ về truyền thống cũ xưa, nhưng vẫn có khả năng đưa ra chứng cứ về tư cách “nên Một” có “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” Thánh Phaolô biết rất rõ tiến trình duy nhất Chúa Phục sinh/trỗi dậy để rồi Ngài đi vào với vinh quang Nước Trời. Với thánh Phaolô, thì Phục Sinh - Thăng Thiên diễn ra chỉ một lần. Nói cách khác, đó là hai khía cạnh của cùng một nhiệm tích rất Đức Chúa. 

Với thánh Phaolô, Thân mình Chúa đã biến dạng ngay lúc Ngài trỗi dậy và đã trở thành Thân Mình Linh thiêng rất Thánh ái. Chứng cứ mà thánh-nhân đưa ra đã bắt đầu từ ngày thánh-nhân trải-nghiệm thị-kiến trỗi dậy trên đường đi Đamát. Thánh-nhân nói rất rõ: thị kiến mình trải nghiệm chính là thị kiến trỗi dậy và coi đó là chứng cứ về sự kiện “Chúa nên một”, thời rất sớm. 

Ngay với thị kiến Đamát, không có ai hiện diện để nghe hoặc chứng kiến sự việc tận mắt như bằng chứng nhãn tiền. Tức, không có dân gian quần chúng hiện diện để sẻ san như nền tảng khách quan, mà là thị kiến đơn thuần. Tuy nhiên, nói thế không có ý bảo rằng sự việc này không có thật hoặc là sự thật rất thực, nhưng đã hiện hữu như sự kiện lịch sử rất khách quan.

Là nhân chứng xuất hiện sau thánh Phaolô, nhưng sống trước thời điểm thánh Mátthêu và Luca viết Tin Mừng, thánh Máccô không viết điều gì có liên quan đến sự việc Chúa Phục Sinh hiện ra. Và, thánh Máccô kết thúc Tin Mừng do mình chép có đính kèm một thông điệp xác định là Chúa đang trên đường ra đi đến với Galilê, trước đồ đệ. Và, chính tại nơi này, các thánh tông đồ sẽ được gặp Thày, chợt hiện đến. Ngay cả sứ giả “áo trắng” xuất hiện ở mộ phần, cũng căn dặn các nữ phụ hãy nhắc bảo tông đồ Chúa đi về phía Galilê ở đó sẽ có Thày hiện đến, để gặp gỡ.  

            Người đọc Tin Mừng hẳn cũng đều biết: thánh Mác-cô kết thúc Tin Mừng bằng trình thuật cuối này. Như thế tức là: với thánh Máccô, rõ ràng chỉ xảy ra duy nhất mỗi sự kiện Chúa hiện đến ở Galilê, thôi. Xem ra như thể thánh Máccô có ý định viết về chuyện hiện ra như thế, nhưng nếu thánh nhân có viết đi nữa, hẳn ta cũng sẽ có được văn bản rõ ràng. 

Thế nhưng, sự thể là: Tin Mừng theo thánh Máccô đã chấm dứt cách đột ngột; và chẳng thấy có trình thuật nào do thánh nhân viết nói về việc Chúa hiện ra ở Galilê hoặc nơi nào khác. Xem như thế, tư tưởng của thánh Máccô cũng không xa ý tưởng mà thánh Phaolô đưa ra. Nhưng, như ta thấy, tư tưởng ấy lại khác xa ý của thánh Mátthêu và Luca.

Thánh Mátthêu kể cho mọi người nghe biết về sự kiện Chúa xuất hiện lần đầu với đồ đệ Ngài, và lần đó là ở Galilê. Và trước đó, thánh sử cũng viết về sự việc Chúa hiện ra với các nữ phụ (trước cả buổi gặp gỡ đồ đệ ở Galilê) nơi mộ phần trống vắng ở Giêrusalem. Và qua trình thuật này, Chúa cũng yêu cầu các chị hãy về nhắn với đồ đệ là hãy đi Galilê để được Chúa hiện ra.

Thánh Luca thì khác. Thánh-sử kể một loạt những lần Chúa hiện đến với đồ đệ trong tình cảnh thật rất khác và khó mà đếm được là bao nhiêu. Nhưng, tất cả đều diễn ra ở Giệrusalem chứ không phải ở Galilê. Và Thăng Thiên được thánh-nhân tả như Chúa hiện ra một lần cuối.

Sau thánh Phaolô và Máccô, truyền thống Giáo hội đã từ từ kể về những lần Chúa hiện ra suốt từ Phục Sinh cho đến ngày Ngài Thăng Thiên về Trời. Xem thế thì, ta có 40 ngày diễn tiến sự việc Chúa hiện diện với con dân đồ đệ. Truyền thống Giáo hội ta vẫn nghe quen, đã trở thành sự việc được mọi người lãnh nhận như sự thật, độc đáo.

Theo truyền thống được Giáo hội chấp nhận, Đức Giêsu được cất nhắc trở về với mọi người một cách sống động, trước nhất ở địa cầu trần gian và sau đó, Ngài lại được nâng nhấc rất sống động về chốn thiên cung. Xem như thế, ta thấy có tiến trình gồm 2 bước, bước đầu được gọi cách đơn giản  là Phục sinh; và bước kia là sự việc Chúa Thăng Thiên về Trời, với Cha. Mỗi bước Chúa được tả một cách khác biệt. 

Với bước đầu, vào lúc Phục Sinh, Chúa đã sở hữu Thân Mình có sự sống ở mặt đất, giống mọi người. Bước tiếp theo, vào lễ Chúa Thăng Thiên về trời, Thân Mình Ngài biến đổi trở thành Thân Mình Thánh Thiêng có Thần Khí Chúa ở cùng. Và, Ngài có khả năng sống thánh ở thiên quốc.

Truyền thống này, không giống truyền thống đầu; tức: hiểu mọi việc như thánh Phaolô và thánh Máccô hiểu một cách rất sớm sủa. Phải chăng truyền thống này vững chắc hơn truyền thống sau, do thánh Mátthêu và Luca diễn nghĩa? Phải chăng truyền thống sau lại quan trọng và nắm phần chủ chốt để trở thành thánh-truyền, như Hội thánh phán?

Đối với ta, điều quan trọng là nhận ra rằng: thị kiến/viễn cảnh, là chuyện thông thường được nhiều tôn giáo trải nghiệm. Đó là tình trạng, mà ngày nay khoa học gọi là trạng thái thôi miên, trong đó người được thị kiến rất kinh ngạc, hãi sợ và vui mừng. Đó là nền tảng tốt cho niềm tin hơn coi đó như chứng cứ thực nghiệm, chút nào hết.

Đức Giêsu cũng cảm nghiệm nhiều thị kiến khá đáng kể, như vào lúc Ngài nhận thanh tẩy từ thánh Gioan; hoặc, các cảm nghiệm Ngài từng có vào những ngày Ngài sống ở sa mạc cũng như cảm nghiệm khác khi Ngài biến hình trên núi… Tất cả đã được thánh Mátthêu và Luca ghi chép trong Tin Mừng.

            Trong thị kiến, người nhập thị chứng kiến được Thân Mình Thánh Thiêng của Chúa, chứ không phải thân mình được chỉnh sửa cho thích hợp với sự sống, ở thế trần. Các vị nhập cuộc vào thị kiến, chỉ mỗi suy về những gì mình chứng kiến và là đường lối viết Tin Mừng của thánh Luca. Điều mà thánh sử muốn nói lên, đích thực là Thân Mình Thánh Thiêng của Chúa, mà các thánh được diện kiến bằng con mắt tinh thần, mà thôi.

Xem như thế, ta có hai truyền thống tổng cộng. Một, là của thánh Phaolô và Máccô. Còn truyền thống kia, lâu nay được gọi là thánh-truyền, do thánh Mát-thêu và Luca lập ra. Giữa hai truyền thống, không thấy có sự nhất quán, thuần nhất nào hết.

Nhưng truyền thống sau lại đã chuyển đổi trên căn bản nên hơi khác truyền thống đầu, khi dân con Đạo Chúa lại để mất thị kiến của Giáo hội tiên khởi. Từ đó trở đi, ta lại đi tìm các dữ kiện thực nghiệm để củng cố cho điều mình tín thác. Thế nên, các thánh mới kể chuyện: Chúa đi quanh mộ phần trống vắng khiến các nữ phụ lại cứ nhìn ra như thợ làm vườn. Ngài tự mở cửa mồ và Ngài có khả năng ăn uống tựa hồ người bình thường, và còn để cho thánh Tôma sờ chạm vào chân tay. Riêng thánh sử Gioan lại cũng kể về việc Chúa đi đây đó, Ngài hiện ra và diễn giải sự việc cho tông đồ hiểu. 

Chính vì lý do thực nghiệm, mà các thánh sử lại thấy khó là làm sao kể việc Chúa về Trời, nên mới nghĩ ra viễn cảnh Chúa thăng hoa đi vào chốn mù khơi mây khói kiểu con tầu vũ trụ khiến các nhà khoa học ngày nay không làm sao mường tượng cho hợp với định luật vật lý được.

Từ đó, trọng tâm của thị kiến xem ra khá hấp dẫn trên bình diện xã hội. Bởi, nói như thế tức như thể: các thánh lãnh nhận thị kiến lại đã có khả năng sống trong môi trường đặc biệt có vai vế và quyền hành trong hội thánh thời tiên khởi. Và cuối cùng, các văn bản viết về truyền thống sau lại đã hướng thẳng vào cơ cấu cộng đoàn phát triển. Đặc biệt hơn, thánh Luca lại đã mô tả lễ Ngũ Tuần có Thần Khí Chúa đáp là là xuống xã hội nói chung chứ không phải là thị kiến cá thể, riêng rẽ.

Xem thế thì, truyền thống Hội thánh thời sau này, lại đặt nặng tính cộng đoàn dân Chúa có Thần Khí ở với và ở cùng, để củng cố niềm tin và sự sống trong vũ trụ.
Bằng vào cảm nghiệm niềm tin như thế, ta sẽ ngâm lên lời thơ vui vẫn từng hát:

            “Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,
Ngó như gần, nhưng vẫn thiệt xa khơi.” 
(Hàn Mặc Tử - Trường Tương Tư)
           
Ngó và nhìn, là điều nhà thơ từng làm như đấng bậc trong Hội thánh theo cung cách thị kiến rất thi ca, “xa khơi”, cách biệt. Nhưng truyền thống Hội thánh vẫn giữ lại niềm tin con cái Chúa nay về với Cha ngõ hầu củng cố tình Ngài thương ta rất mực, qua Thần Khí.     

Lm Kevin O’Shea, CSsR –
Mai Tá lược dịch
_____________________________________________________________________________________________________________

No comments: