Wednesday, 8 July 2020

Suy Niệm Chúa Nhật 16 Thường niên Năm A



     Hôm ấy, Đức Giêsu trình bày  cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?"
     Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.  Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."
     Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
     Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
     Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13: 24-43)
“Có thể ta không yêu, để gần nhau mãi mãi.”
“Vì không thể tồn tại, điều gian dối yên lành.”
(dẫn từ thơ Hoa Sữa)
        Có thể vì không yêu, nên kẻ lạ mới đặt điều gian dối, yên lành. Những cỏ dại. Có thể vì nói yêu, nhưng lại không quan tâm đến điều Chúa dạy qua dụ ngôn cỏ dại, thánh nhân ghi lại hôm nay. 
        Trình thuật thánh Mátthêu hôm nay ghi, là ghi lại truyện kể về cỏ dại mà hầu hết dân con nhà Đạo đều nghe biết. Nhà nông mình, chỉ gieo giống tốt ở ruộng vườn. Nhưng, cỏ dại vẫn xuất hiện nơi đó tức là sao? Là vì, cỏ dại gây hại cho lúa tốt nên nhà nông mình muốn bứt đi. Ngay tức thì. Thành thử, theo sự khôn ngoan Chúa dạy, hãy cứ để đó đến mùa gặt, rồi mới tính. 
       Cứ theo chú giải kinh thánh, thì ruộng vườn đây là thế giới. Lúa tốt đây, là dân con Nước Trời. Cỏ dại này, là người có tâm địa xấu, sống quanh ta. Kẻ thù đó, là ác thần/sự dữ rất đáng gờm. Và, vụ mùa nói đây, là tận thế. Người gặt, là thiên sứ nhà Trời. Tựu trung, ý nghĩa của tín thư trình thuật hôm nay, cũng giản đơn, dễ hiểu. Dễ, ở điểm: dù sao, hãy nhẫn nại chịu đựng những mâu thuẫn trong đời.
         Ở một dụ ngôn khác, Chúa kể về hạt cải, là để bổ nghĩa cho tín thư hôm nay: niềm tin ta có dù nhỏ bằng hạt cải, vẫn lớn mạnh. Ở nơi đó, chim trời sẽ tạo chỗ làm tổ. Bởi thế nên, người đọc Tin Mừng chớ coi thường vật thể dù nhỏ bé, vẫn có thể làm được chuyện lớn, rất đẹp. Men trong bột cũng thế, tuy rất nhỏ nhưng vẫn làm nên cơm bánh nuôi ăn rất nhiều người.
          Đức nhẫn nại nói ở đây, là cung cách giúp ta chung sống với các mâu thuẫn trong đời. Nhẫn nại, không chỉ là đặc tính biết chờ đợi những gì sắp đạt tới. Mà, còn là khó khăn lớn mọi người vẫn gặp ở đời, khi mọi việc cứ lê thê, chậm trễ. Kéo dài. Hạt lúa giống cũng thế, vẫn phải đi vào lòng đất, rồi từ từ chết đi, trước khi biến thành vụ gặt, thật lý tưởng. Người mẹ trong gia đình cũng thế. Bà vẫn phải cưu mang bào thai các con những chín tháng mười ngày. Trải qua hết niềm đau này đến nỗi chán chường khác. Đôi lúc rất nghiệt ngã.    
   
        Cho đến khi mẹ tròn con vuông, niềm vui của con mang lại mới khuây khoả.
Quả thật rất phải. Nhẫn nại, là tiến trình đầy khổ ải mọi người cần học hỏi. Ở mọi nơi. Từ nhà đến sở làm. Trang trại. Rất chậm. Không có được tính nhẫn nại, người người chẳng thể nào gặt hái được mọi chuyện, trong phút chốc. Không nhẫn nại, con dân của Chúa cũng không sao đạt thành quả mình trông ngóng. Bởi thế nên, khi Đức Giêsu nhìn lên cây vả không cho hoa trái Ngài khuyên đồ đệ Ngài hãy đào đất chung quanh gốc, đổ thêm phân bón vào đó, chắc chắn ba năm sau hy vọng sẽ đạt thành tích, rất đẹp.
        Đây cũng thế. Không thể coi thường những ai lần đầu phạm lỗi. Vì có coi thường cả trăm lần cũng vẫn thế. Bởi, rồi ra họ cũng bắt chộp được tín thư mình đưa ra, ngõ hầu đạt kết quả mình mong muốn. Thế nên, hãy nhẫn nại mà hy vọng, dù thành quả không phải lúc nào cũng trăm phần trăm vượt thành tích. Và, mọi chuyện còn tuỳ người hợp tác. Tùy thời gian kéo dài hy vọng. Tuỳ đức nhẫn nại của mình, mà thôi.
        Nơi cuộc sống con người cũng thế, cỏ dại phiền hà, bức bách vẫn xuất hiện quanh ta. Có khi, còn mọc nhanh và mọc nhiều hơn ta tưởng. Nhanh và nhiều, là bởi với người đời, cỏ dại là biểu tượng của đặc trưng vô dụng, vẫn cần đến đất thịt để sống sót. Nó làm suy giảm ý chí phấn đấu của người thường mà tiến triển. Nó là như thế. Là, tình huống đời người vẫn thiếu nhân công, nhưng dư thừa người chơi không, vô tích sự. Mặc dù thế, cũng đừng nên loại bỏ họ. Bởi, đức nhẫn nại sẽ đem đến cho ta nhiều điều lợi mà tính bộp chộp/nóng nảy, không thể cho. 
        Thế giới cuộc đời do Chúa tạo dựng, cũng như thế. Rất nhiều hạn chế. Sân khấu cuộc đời đầy hạn chế, là để giúp ta thực hành, phát triển. Là, chốn phát sinh ra cơ hội, để rồi, lúc này hay khi khác, vẫn chẳng khi nào bị trở ngại hoặc bị cất đi. Bởi thế nên, dù đi vào với thế giới ta có gặp đủ mọi tệ hại, thiếu thốn, Chúa luôn mời gọi ta sống đích thực cuộc đời, với thế giới. Sống, là sống ngang qua mọi cơ hội. Cả những cơ hội ta được Chúa giúp sức mà đương đầu với thử thách, qua mọi cơ hội. Chúa giúp, không có nghĩa là Ngài cất bỏ đi mọi thử thách; hoặc, ban mọi nỗi vui trong đời. Biết được như thế, cũng đừng nên xin Chúa cất bỏ đi cho ta những kinh nghiệm nào ghi đậm thử thách.
         Thử thách, là cơ hội xảy đến lúc con người chỉ muốn khước từ lời mọi gọi của Chúa. Thử thách bao gồm cả những nguy cơ kích thích ta sử dụng tự do, không đúng cách. Thử thách, có khi mang dáng dấp của “trò” cá độ luôn đi kèm cuộc sống. Thử thách, cũng có thể là những điều kỳ quặc khiến ta không thể làm lơ hoặc bỏ đi. Nhưng, nó vẫn theo chân ta đến cuối cuộc đời, kịp đến khi ta trở nên mù quáng không nhận ra sự hiện diện của nó, mới thôi. 
        Cả khi ta đụng trận thử thách rất kỳ quặc, làm mất đi cơ hội giải quyết cách tốt đẹp, thì lúc đó Chúa sẽ làm ta tỉnh thức để rồi đưa ta trở về đường ngay nẻo chính, để tự mình xử trí. Ta được mời gọi sống đích đáng, không bị mọi tiêu cực ở đời gây phiền toái. Ta được gọi mời nói tiếng Xin Vâng với Chúa. Xin vâng, là lời đáp trả sống trong thế giới rất nhiều cơ hội để nghe biết và vui thích. 
       Và, Chúa sẽ vui thích khi ta nói được tiếng “Xin Vâng” bất chợt ấy.
      Cũng có trường hợp, Chúa đích thân can thiệp trợ giúp để mọi việc trở nên dễ chịu với ta hơn. Cũng có thể, Chúa sẽ gửi người nào đó đến với ta, giúp ta sống nhẫn nại. Kiên định. Và tích cực. Ngài luôn ở bên ta, và với ta. Ngài chấp nhận nơi ta, lời thề hứa sẽ sống bất bạo lực. Không nổi nóng. Với nhân loại. Với thế giới hiện hình đủ mặt xấu/tốt. Cũng có thể, ta phải xử sự giống như thế giới ngoài đời, để rồi chung cuộc, sẽ đạt điều Chúa muốn. 

Thần học gia Yves Congar từng viết:  

         “Thập giá là điều kiện để ta làm việc. Chính Chúa hoạt động cả ở những nơi, mà đối   
         với ta, giống như là thập giá. Có sống điều kiện giống như thế, cuộc sống của ta mới 
        đạt chiều sâu, và chân thật. Chỉ khi nào con người chấp nhận khổ đau về những xác 
        tín mình tự tạo, lúc ấy mới đạt được sức mạnh và phẩm chất của sự chối bỏ. Và cũng 
        từ lúc ấy, quyền hạn của ta mới được nghe biết và kính trọng.”

Trong bầu khí hân hoan đầy xác tín như thế, cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn dang dở, rằng:
      “Có thể ta đi tìm,
      một điều không thể có.
      Đó là lúc nhánh cỏ,
     mọc đốm rễ nghi ngờ.
    Nhánh liễu soi mặt hồ,
    Mới hay không phẳng lặng.
   Có muôn điều cay đắng,
   che giấu dưới ngọt ngào.”
   (Hoa Sữa – Có Thể Và Không Thể)

Những gì, người người có thể và không thể, vẫn là “nhánh cỏ”. Nhành liễu. Hay mặt hồ. Thực ra, tất cả đều là cơ hội của thử thách. Gian truân. Ở đời người. Có nhẫn nại chịu đựng những gian truân ấy, người người mới phát hiện được vị ngọt, nằm ở dưới. 
_________________Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch

No comments: