“Hôm nay cây quế trong rừng,”
“bỗng nhủ cùng làn suối bạc,”
“xuân này tôi khopác áo nhung”
“mà bác vang lừng tiếng nhạc.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: "Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
"Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.” (Mt 16: 21-27)
Có là cây quế trong rừng, cũng chỉ vang lừng tiếng nhạc với suối bạc, thôi. Nếu là cây quế trong Đạo, lại sẽ vang lừng cả tiếng thơm hay tiếng hát về vị thánh cả ở trình thuật hôm nay. Trình thuật, nay nêu rõ câu chuyện và công việc của thánh cả Phêrô để người người suy tư, bàn bạc.
Suy và bàn, tập trung vào đấng thánh có chỗ đứng quan yếu trong Giáo Hội là Phêrô thánh nhân, rất tông đồ. Thế đó, là vị thánh xuất thân từ ngành nghề có lưới có chài, và cá mắm. Đấng thánh sống ở Caphanaum xứ biển hồ, rất Galilê. Với ánh nhìn của thánh sử Luca, thì thánh Phêrô thuộc loại “chậm lụt” về văn chương, văn hoá với văn nghệ. Chậm và lụt, về khoa ăn nói, thưa gửi lẫn trần tình.
Thánh Mátthêu nay cho thấy thánh cả Phêrô là lãnh tụ khá bình thường của nhóm hội đồ đệ theo Chúa giảng rao về Nước Trời. Nói khác đi, ngài là người giản dị. Cứng cỏi. Lại chậm hiểu.
Đức Giêsu từng nói với thánh nhân và đồ đệ đồng hành về kế hoạch do Cha đưa ra mà Chúa phải thực hiện cho bằng được ngang qua sầu buồn. Khổ đau. Và, nỗi chết trên thập tự. Trong khi đó, thánh cả nhà Đạo vẫn nghĩ Thầy mình là Đấng Mêsia Thiên Sai tựa hồ Đavít xưa, tức: ứng viên siêu phàm cho chính trường Do thái. Để rồi, rất thất vọng khi Thầy Chí Ái bộc lộ kế hoạch Chúa Cha đề ra. Tức, Ngài sẽ bị thảm sát chết nhục, vốn vượt quá sức tưởng tượng của đồ đệ bình dân, chân chất.
Và rồi, thánh cả Phêrô lại cứ nghĩ rằng Thầy mình chỉ gặp ngày xui tháng hạn, nên mới sử dụng chức năng do Thầy tặng ban cho riêng mình. Đó là lúc thánh nhân tỏ ý phiền hà, và khuyến cáo Thầy. Sai lầm của thánh nhân là ở chỗ: không nhận chân được vị trí của mình. Tức, thay vì chỉ biết theo chân Thầy như các đồ đệ khác, nhưng lại “lanh chanh” “qua mặt” làm “kỳ đà cản mũi” Chúa.
Rất nhiều lần, Tin Mừng cho thấy chân tướng đích thật của thánh cả nhà mình là đấng thánh không ổn định về quan điểm/lập trường vốn chống đối những gì mình không hiểu hoặc không muốn xảy đến. Thánh nhân từng lẫn lộn nhiều thứ, như: việc đi trên nước. Việc xây 3 lều tạm để Chúa ở, khi thấy Thầy mình biến hình. Rồi, còn chối bỏ Thầy và anh em những ba lần. Sau này, còn để thánh Phaolô phải tái lập trật tự vì thánh cả nhà mình từ chối ngồi cùng bàn với dân ngoại.
Nay, thấy Thầy mình dùng ngôn từ gắt gao và dữ dằn mà quở mắng, thánh nhân không ngờ sao mình lại dám khuyến dụ Thầy bỏ ý định nghe lời Chúa Cha mà chấp nhận thất bại dẫn đến nỗi chết trên thập tự. Thật sự, thì thánh cả Phêrô chỉ muốn Thầy chọn con đường hoạn lộ, thênh thang mở, thay vì con đường nhỏ chỉ gồm mỗi con lộ tẻ hạn hẹp, là sự chết.
Nghĩ chuyện của thánh cả Phêrô trong vai trò lãnh đạo Hội thánh khiến ta suy về cung cách hành xử của thánh hội, trong quá khứ và hôm nay, không khác gì lối xử sự rất kẻ cả, kiểu “Đá Tảng” rất Phêrô. Hội thánh lâu nay quản cai dân con mình bằng cung cách phàm trần, như: quảng cáo rầm rộ, quyên góp tối đa, nặng phần trình diễn, theo sát bài bản ngành tâm lý chiến, đặt nặng công tác tiếp cận thị trường, thay vì chấp nhận thập giá đau thương, trầm lặng.
Trên thực tế, Hội thánh ngày nay chỉ muốn thiết dựng loại hình thừa tác rất bán buôn, thay cho công việc thừa tác đặt nặng lên cung cách phục vụ. Vẫn cứ chọn kiểu “mì ăn liền” nhanh gọn kiểu hưởng thụ. Trong khi đó, vẫn đặt gánh nặng trên lưng kẻ khác, thay vì chấp nhận thương đau cho chính mình. Hội thánh những muốn phô trương một giáo hội sùng mộ chuyện hình thức, không đích thực. Những muốn sống thoải mái, ăn trên ngồi chốc, được người người kính trọng, hầu hạ mà thôi.
Nhìn vào lịch sử, thì thánh cả Phêrô đã muốn thuyết phục Thầy hành xử theo kiểu người phàm, và tưởng rằng với vai trò Thầy trao ban, mình có thể khuyến dụ Thầy mình. Khuyên dụ Thầy bỏ rơi kế hoạch do Cha trao phó. Là, đừng làm nhiều. Chỉ cần làm “dân thường” nhà Đạo, mọi việc rồi cũng xong. Và, thánh cả vẫn muốn khuyên Thầy sống thực tế, để mọi việc rồi cũng qua đi. Cũng đạt kết quả, thôi.
Nhưng, Đức Giêsu không đồng quan điểm với thánh cả Phêrô. Ngài tỏ bày cho thánh nhân bằng lời chân tình thời đại, rằng:
“Nếu anh chọn quan điểm của các nhà chính trị chuyên lo cho người nghèo luôn bị áp bức, thì các người ở trên chỉ tạm thời theo anh, rồi họ sẽ dùng anh làm quân cờ để giảm hạ phẩm cách của anh và rồi sẽ vắt chanh bỏ vỏ, thôi. Nhưng, nếu anh thực tình lo cho người nghèo, anh không thể phản bội những người ấy, mà phải trung tín với họ. Giới cầm quyền ở trên có ghét bỏ hoặc xoá tên anh. Hãy để mặc Chúa lo, chỉ cần sống trung thực với chính mình và với họ, anh sẽ thành công.
Thánh Phêrô không nắm bắt được quan điểm của Chúa. Vậy, ai lĩnh hội được đây? Đức Giêsu rất kiên trì. Ngài như đang nói với thánh Phêrô một điều tuy không lạ, nhưng vẫn quen:
“Anh chưa là đá tảng, nhưng nếu trên đá đó có ai giống hệt như anh,
thì cuối cùng ra Ta cũng sẽ và cũng có thể dựng xây thánh hội,
do Ta muốn.”
“Cuối cùng ra”, là ngôn từ mang trọn ý nghĩa này, là: khi ta học chấp nhận hậu quả do mình quyết tâm thi hành, thì như thế. Ta có thích làm thế hay không, chẳng vì thập giá là điều tốt hoặc đáng nể sợ. Nhưng, vì tình thương và sự quyết tâm luôn là những điều tốt đẹp nên làm cho kẻ mình thương yêu, muốn giúp. Thế nên, thánh cả phải xử sự theo đúng ý định của Chúa ngõ hầu mới trở thành đá tảng để mọi người dựa dẫm ngang qua con đường cam go của mình.
Có thể là, các “đá tảng” thánh hội lớn/nhỏ trong Hội thánh vẫn chưa đối xử với người hèn kém trong đời và với những người quyết tâm dấn bước theo mình, như thánh cả là vì chính mình chưa giáp mặt thực trạng thống khổ mà Chúa lĩnh chịu. Các thánh cả trong thánh hội lớn/nhỏ hôm nay đã và đang trở nên như cát vụn hơn là đá tảng cho mọi người dựa dẫm. Thứ cát vụn không thích hợp để làm nền cho bất cứ ai. Bất cứ thứ gì. Khi xưa, đấng-thánh-là-đá-tảng đã tham dự cuộc thống khổ đầy cứu độ của Chúa, đã khóc hết nước mắt cho nhân loại thế nào, thì các “đá tảng” của thánh hội lớn/nhỏ hôm nay, cũng phải làm như thế mới tiếp tay rải tràn ơn ấy đến với người ở dưới được.
Thánh cả Phêrô đã thực sự học được điều ấy, thấy rất rõ. Sách Công vụ kể rằng thánh nhân rời Giêrusalem vào niên biểu 43, tức 13 năm sau ngày Thầy mình chịu khổ hạnh trên đồi Calvary. Và, sau khi thoát khỏi ngục tù và rồi lưu lạc qua Antiôkia, thánh cả đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm trách các vụ việc mang tính chính trị của người theo Đạo vào thời đó. Cuối cùng ra, thánh nhân cũng về lại Rôma, mà sinh hoạt. Và, truyền thống Hội thánh công nhận rằng thánh Phêrô hiểu rõ ý định của Thầy nên đã chấp nhận tử đạo vào thập niên 60, ở La Mã. Chính ở nơi đây, các sử gia trong Hội thánh đã tìm ra địa điểm thánh cả chịu hành hình, và yên nghỉ. Khi ấy, là thời bạo chúa Nêrô hoành hành, bách hại.
Kịp đến thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantin mới ra lệnh xây một thánh đường trang trọng để tưởng nhớ thánh cả, ngay tại địa điểm ấy. Đó là Đền thánh Phêrô hiện tại, được xây ngay bên trên mộ phần của thánh nhân. Trong lịch sử, nhiều thánh tích của thánh cả Phêrô từng được cất giấu nơi mộ phần ngài cũng được bốc lên đặt bên trong bức tường của đền thờ. Ngay như bàn thờ kính thánh nhân cũng được đặt phía bên trên mộ phần của ngài. Và ở phía cao bên trên nóc, vẫn còn hàng chữ ghi rõ:
“Này Phêrô, con là Đá tảng,
trên Đá này Ta sẽ dựng xây thánh hội của Ta”.
Thánh Phêrô thực sự hiểu được ý nghĩa của lời Thầy phán bảo. Và, thánh hội vẫn đứng vững trên đá tảng của sự học hỏi, hiểu biết như thế. Thế nhưng, giống như thánh cả Phêrô, hội thánh còn phải làm nhiều việc hơn nữa mới đạt được điều mình học hỏi. Thánh hội, cần tìm ra những gì mà tình thương yêu người nghèo đòi mình phải làm. Nhất thứ, đừng bao giờ bỏ qua hoặc đặt nhẹ lập trường/quan điểm về những đòi hỏi dù gắt gao hơn thế nữa.
Trong tinh thần học hỏi này, cũng nên ngâm thêm lời thơ mang đầy tính những học và hỏi, như:
“Hôm nay gió bảo cùng mây:
Rời xa những miền tuyết trắng,
Tôi từ biển vắng về đây
Mừng hội Xuân này đẹp nắng.” (Đinh Hùng – Âm Hưởng)
Âm hưởng, mà nhà thơ đời học được từ con người, sẽ là và vẫn là điều mà nhà Đạo cần ghi nhớ, để rồi sẽ không quên. Không quên lời dặn hãy rời xa “miền tuyết trắng” thoải mái, sướng vui. Bệ rạc, ngõ hầu sống thực ý định Cha mang đến. Bởi đó không chỉ là quyền tháo cởi, cột buộc mà là thực trạng “mừng hội Xuân này đẹp nắng”, rất Phêrô.
Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch
No comments:
Post a Comment