Saturday 28 February 2009

“Dừng lại, trong lòng khói biếc bay”

Dừng lại đây, là nơi hiu quạnh

là nơi, nghe thấy tiếng cỏ cây,

là nơi, quên những mùi trần sự,

là nơi, quên những nỗi chua cay.”

(dẫn nhập thơ Lưu Trọng Lư)

Mc 9: 2-10

Dừng lại đây, nhà thơ nay đã dừng lại, trong khói biếc. Nhà thơ dừng, để nghe tiếng cỏ cây, và quên đi những mùi trần sự, đang khuất tất. Quên, nỗi chua cay của thế trần. Vậy thế, nhà Đạo lâu nay há vẫn dừng? Dừng vui chơi? Dừng hoạt động, vào mùa chay? Dừng và nhớ lại lời, khi xưa Ngài dạy?

Trình thuật Máccô hôm nay, ghi lời Chúa dạy ta hãy dừng. Ngài dừng lại, để tỏ bày thiên tính với đồ đệ, trên núi cao. Tỏ bày thiên tính, Ngài trưng dẫn những tương quan. Tương quan mật thiết, với đồ đệ. Tương quan, soi tỏ mọi người: Ngài là ai. Nhờ tương quan ấy, đồ đệ Chúa nay nhận biết Ngài là: Đấng Cứu độ. Đức Mêsia, mà mọi người từng trông ngóng.

Trình thuật hôm nay còn biểu tỏ: giữa lúc kinh hoàng nhiều suy nghĩ, đồ đệ Chúa như lĩnh nhận gáo nước dội trên đầu. Nước đây, là ân huệ gội tẩy những suy tư không đúng cách. Liền khi ấy, Chúa kể cho nghe những điều xẩy đến với Ngài, Đấng Mêsia-Cứu Độ, rằng:“Con Người sẽ chịu nhiều đau khổ; bị hàng niên trưởng, thượng tế cùng ký lục phế thải, giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8: 31)

Suy cho kỹ, đây là cú “sốc” gửi đến với môn đồ đang suy nghĩ, vẫn chưa tin. Chưa tin, là bởi: những gì các ngài vừa nghe biết, đã đi ngược mọi điều lòng dân trông đợi, nơi Đức Mêsia. Trông đợi, Ngài xuất hiện như anh hùng dân tộc giải phóng họ khỏi xiềng xích của địch quân, là xong. Ở đây, Chúa nói về sứ vụ giải thoát dân con bằng khổ đau và nỗi chết, Ngài sẽ chịu. Khác hẳn điều họ suy nghĩ.

Chẳng thế, mà Phêrô thánh nhân đã dám càm ràm đề nghị giải pháp khác. Giải pháp trông chờ, để hưởng thụ. Bởi thế, thánh nhân đã bị quở trách, rất gắt gao: Xa-tan! Hãy lui lại sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người." Chính vì thế, thánh nhân bị coi là “đá tảng”, cản trở “Đường” Chúa sẽ đi. Vì thế, Phê-rô cùng các thánh rất “kinh hoàng”, chẳng hiểu Thầy là Mêsia Đấng nào. Thành thử, phần kế tiếp là giải thích Ngài muốn con dân am tường.

Chờ ngày “N” đến, Đức Chúa không chỉ bày tỏ cho con dân biết là Ngài chấp nhận nỗi chết theo cung cách nào. Mà còn, để dân con của Ngài, ai muốn làm đồ đệ Chúa, cứ phải chấp nhận thập giá. Chấp nhận bước đi, suốt đời mình. Hiệp lòng với Đấng Mêsia, không phải hiệp lòng để hưởng ơn mưa móc, có quyền hành. Nhưng, để theo chân Chúa ngõ hầu phục vụ. Phục vụ và tách rời, khỏi mọi thứ quyền uy, của thế trần.

Bối cảnh trình thuật hôm nay, gồm 3 môn đệ gần Chúa nhất: thánh Phêrô và anh em nhà Zêbêđê. Tức, thánh Gioan và Giacôbê. Cả ba môn đệ được cùng Thầy, cất bước ra đi lên “núi thánh”. Núi thánh nào? Ở đâu? Vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Đề tài, gây nghi ngờ. Ở lòng người. Nhưng, với Kinh Sách mặc khải, việc Chúa tỏ bày thiên tính của Ngài, thường xảy đến ở “núi thánh trên cao”. Chốn thánh thiêng, mà phần đông các tôn giáo, vẫn thường làm.

Bỗng đột nhiên, các môn đệ “gần gũi với Thầy’, nay đều mục kích tình huống có Chúa đang thay hình đổi dạng. Tình huống, mà Hội thánh thời tiên khởi gọi là cuộc “biến hình trên núi thánh”. Qua “biến hình”, người của Thầy trở nên “rực rỡ, trắng tinh”. Điều này, biểu trưng cho luồng sáng chói loà, của chính Chúa. Điều này, còn khiến các thánh nhận ra tổ phụ Môsê và tiên tri Ê-li-a, đang đàm đạo. Với Chúa. Với truyền thống Do Thái, tổ phụ Môsê được coi như trọn vẹn Lề Luật và tiên tri Ê-li-a đích thực là đấng bậc tiên tri, thời mới sớm. Tựu trung, hai vị nay biểu trưng cho toàn bộ truyền thống Do Thái, rất mộ Đạo. “Các vị đàm đạo với Đức Giê-su”, hiểu theo ngôn ngữ của thế giới truyền thông hôm nay, có nghĩa là: các thánh đã chứng xác những gì Đức Giêsu đã nói. Đã làm.

“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!” kinh nghiệm sống vốn có đã từ lâu, Phêrô thánh nhân quả thực đã hăng say, cùng nhất quyết. Thật ra, Phêrô thánh nhân vẫn chỉ muốn thiết lập có ba di tích lịch sử, mà thôi. Một dành cho Chúa. Một cho tổ phụ Môsê. Và, một cho tiên tri Ê-li-a. Thánh nhân dự định dựng lều cho Chúa và đấng bậc, là để các ngài thoải mái sống ở môi trường đầy cảm hứng. Điều này chẳng có gì sai trái. Tệ hại. Nhưng vấn đề ở đây, cho thấy: đó không là ý của Chúa. Không là, cuộc sống Ngài muốn dành cho Phêrô thánh nhân, cũng như các đồ đệ khác, rất gần gũi.

“Có đám mây bao phủ các ông…” ở đây nói về sự hiện diện của Đức Chúa. Thêm vào đó: từ đám mây có tiếng phán: “Này, là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài.” Thêm vào đó, còn là xác nhận của chính Chúa. Xác nhận, mà đồ đệ cần nghe theo và chấp nhận. Xác nhận, chính điều mà Đức Giêsu đã từng phán. Từng thực hiện bằng hành động. Xác nhận, cả những chuyện được Chúa bày tỏ, như: Ngài bị khước từ. Chấp nhận mọi khổ đau, và nỗi chết. Nhưng Ngài đã sống lại. Và Ngài sống lại thật. Nhất nhất, đều là những lời phán và lệnh truyền. Để, người người nghe và nhận thức.

“Chợt nhìn quanh, còn lại chỉ mình Chúa, Đức Giêsu”, đây chính là thực tại mà các thánh, cũng như ta, vẫn giáp mặt với Chúa. Như mọi ngày. Trong đời.

Bài đọc 1, chú trọng đến thời buổi Thiên Chúa yêu cầu tổ phụ Áp-ram tiến lễ con trai độc nhất của mình, là I-xa-ác. Nghe lệnh truyền, tổ phụ đã thực thi ngay lập tức. Chuyện thực thi, thoạt nghe có vẻ như không hữu lý. Bởi chính Chúa đã hứa cho Áp-ram con đàn cháu đống, rất đông dân. Thực thi đây, cho thấy tổ phụ ta luôn sẵn sàng tin tưởng vào Đức Chúa. Lời hứa của Ngài luôn được trân trọng, dù ta chưa hiểu rõ.

Thực thi đây, cũng tương tự tâm trạng Đức Giêsu sẵn sàng tuân theo ý định của Chúa Cha. Điểm khác biệt, là ở chỗ: I-xa-ác thẫn thờ giáp mặt nỗi chết. Còn Đức Giê-su, Ngài đã sẵn sàng làm đúng ý Cha. Làm đúng ý, Ngài hy sinh cả tính mạng, vì thương yêu hết mọi người. Chính đó, là ý nghĩa câu: “Song đừng cho ý của Con, mà là ý của Cha, được thành sự” (Lc 22: 42). Tâm trạng ấy, nay môn đệ Chúa đã biết. Và đã hiểu. Hiều, rằng sự phi lý của hành vi tế hiến hy sinh, là vì ơn cứu độ.

Hiểu sự phí lý ấy, thánh Phaolô đã viết trong bài đọc 2: “Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.”(Rm 8: 31-34). Mãi về sau, cuộc khổ hạnh và nỗi chết của Chúa mới được con dân hiểu rõ như sự toàn thắng, vinh hiển. Như thánh nhân có nói trong thư khác: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Hr 5: 7-9)

Suy cho kỹ, mới hiểu được Lời Chúa nói với các môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24: 26). Giống như thế, đồ đệ/con dân của Chúa cũng phải đi cho đến cùng. Tức, cùng chấp nhận khổ đau và nỗi chết, như Thầy mình. Đi đến cùng, trong cuộc sống thực tế của chính mình. Của người khác. Đó cũng là ý nghĩa của câu nói: “Có Chúa bênh đỡ chúng ta, ai mà chống được?” (Rm 8: 32).

Ý nghĩa đó, rất đích thực và dễ hiểu cả vào lúc ta sống trong hạnh phúc, hoặc rất gian nan, khốn khổ. Đau bệnh. Thất bại và chán chường. Mất niềm tin. Tình Chúa yêu thương vẫn còn đó. Còn đó, cả vào lúc Chúa hấp hối trên thập tự. Đó còn là quả quyết của thánh Phao-lô ở đoạn tiếp: “Tôi tin rằng: dù có là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay loài thọ tạo nào khác, không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8: 39)

Đó là bài học, các môn đệ “gần gũi Chúa” đã học được vào ngày “Chúa biến hình”. Và, mãi về sau, khi bị bỏ rơi trong khổ lụy, thất vọng và chán chường, các thánh vẫn học bài học ấy để sống. Các ngài đã chứng minh cho bài học yêu thương và hy sinh, suốt cuộc đời. Và, cuối cuộc đời trong khổ ải. Trong chết chóc. Tủi hờn.

Đó còn là, khích lệ gửi đến cho ta. Gửi, để ta học hỏi quyết tâm giữ vững niềm tin yêu, phó thác. Phó thác, như tổ phụ Áp-ram đã làm. Phó thác, vì vinh quang của Đức Chúa. Phó thác, vì hạnh phúc. Và sự bình an. Cho mình. Cho mọi người.

Với quyết tâm học hỏi và thực hiện Điều đó, ta hân hoan cất bước đi và hát. Hát rằng:

“Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa

Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.

Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,

Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,

Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.” (Hoàng Nguyên)

Lên xứ hoa đào hay lên núi thánh, cũng đừng quên lời dặn dò của Đức Chúa. Lời dặn hãy cất bước ra đi mà chấp nhận khổ đau, phiền lụy. Vì Đức Chúa. Vì mọi người.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch


No comments: