Saturday 14 February 2009

“Tự nhiên tôi thấy hết đơn côi “


Lệ ấm nhiệm mầu thay phép lạ
Làm tim băng giá biết bồi hồi.

(dẫn nhập từ thơ Doãn Mạnh Tiến)

Mc 2: 1-12

Hết đơn côi” – “biết bồi hồi”, nhà thơ nay đà thấy lạ. “Lệ ấm” – “tim băng”, nhà Đạo xưa đã biết ơn nhiệm mầu, Chúa vẫn ban. Chúa ban, ơn nhiệm mầu bằng mọi cách. Như cách thức mà thánh Máccô ghi lại ở trình thuật, bấy lâu nay.

Thánh Máccô hôm nay, ghi rõ trường hợp người dân thành Ca-phác-na-um, đầy tin tưởng. Thành này, là nơi Đức Chúa thường lui tới. Ngài tới, để giáo huấn/dẫn dụ dân con dõi bước chân mềm, một sứ vụ. Bởi, Ngài thường lui tới nơi đây, nên có người còn thắc mắc: nơi Ngài tới, há chẳng phải mái ấm của Simôn Phêrô, thánh nhân sao? Hay là, chốn ấm nhiệm mầu Hội thánh, rất tiên khởi? Dù là gì đi nữa, nhiệm-mầu chốn ấy, không còn chỗ khiêng/đưa người bệnh vào, để Chúa chữa. Đành trổ mái, đưa người bệnh nhận lãnh hồng ân.

Trổ mái khiêng/đưa người bệnh, điều này cho thấy: người người hôm ấy đà quyết tâm. Quyết tin tưởng, cậy trông vào quyền năng của Ngài. Tất cả, vẫn là điều kiện để Chúa cứu chữa. Dù, là chữa phần xác, hay thần hồn.

“Này con, tội lỗi của con đã được tha”, đây là phán quyết khiến nhiều người đâm sửng sốt. Sửng sốt, là vị họ cứ tưởng người bệnh, hễ đến với Chúa, là để được chữa lành về phần xác, mà thôi. Chứ đâu, dám cầu mong những muốn ơn tha tội! Thế nhưng, phương cách Chúa nhìn sự việc, không chỉ là thân xác được chữa khỏi, mà cả thần hồn phải được cứu chữa, mới đúng. Cứu và chữa, đích thực có nghĩa: Ngài đem lại sự lành lặn trọn vẹn, cả xác lẫn hồn.

Vào khi ấy, kinh sư/Biệt phái đã bắt đầu sửng sốt, bèn tự nhủ: “Sao ông này là dám phạm thượng. Bởi lẽ, chỉ mình Chúa mới có quyền tha tội cho con người, thôi.” Sửng sốt, là chuyện dễ xảy đến. Bởi, người thời đó, vẫn cứ tin rằng: chỉ mình Đấng Mêsia mới có quyền năng , dám làm như thế. Sửng sốt – khó tin, cũng là điều phải. Sửng sốt, vì người người đâu chịu mở mắt , ngõ hầu nhận thức được tính lô-gích của lời bàn. Huống chi, là kết luận. Và, họ không mở mắt trông thấy, vì bản thân họ chẳng muốn thấy điều mà nhà thơ trên gọi: lệ ấm nhiệm mầu, thay phép lạ, thôi.

“Điều gì dễ hơn: hoặc nói với người liệt: tội của con đã được tha, hay bảo: Hãy đứng dậy, vác lều chõng, mà bước đi?” có nghĩa là: thật khó cho người dân bình thường muốn nói lên lòng tin tưởng, mà mình vẫn có bấy lâu nay. Đằng khác, thật cũng dễ, nếu bảo rằng: tội của con đã được tha, tức là: ai là người biết được những gì đã xảy ra, hoặc chưa biết?

Bởi thế, Chúa đã minh xác cho lời Ngài muốn nói với những người chỉ tìm cách khích bác, chống trả. Ngài lại thêm một lần nữa, khẳng đình: “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này , Con Người có quyền tha tội…” Liền sau đó, Ngài quay về phía người bệnh, rồi nói: “Hãy đứng dậy, vác lều chõng mà ra đi.” Và lập tức, người bại liệt đã làm như thế, trước mặt bá quan văn võ, rất sững sờ. Và, họ bảo nhau: “Ta chưa hề thấy chuyện này. Bao giờ”

Hiểu rõ hơn, cũng nên biết thói lề của người Do thái thời bấy giờ. Là, những người vẫn luôn nối kết tội lỗi với tật bệnh. Nhiều người trong số họ, vẫn cứ coi tật bệnh ngặt nghèo như hình phạt , đến từ trời cao. Trừng phạt, những người sai phạm, mắc lỗi. Do chính họ, hoặc: do tội phạm của mẹ cha. Yếu tố này, làm ta nhớ đến câu viết của thánh Gio-an: “Rabbi, ai đã phạm tội? Chính anh, hay cha mẹ của anh?” ( Yn 9: 2)

Ở đây cũng thế, dân thường ở nơi đây, cũng vẫn nghĩ rằng: sở dĩ người bệnh đây bị bại liệt là do hậu quả của án phạt về những lỗi phạm do chính anh, hoặc cha mẹ anh, sai trái. Nếu Chúa gột thoát được bệnh tình của người bại liệt, thì nguyên nhân gây bệnh, cũng sẽ được cất đi. Chính vì thế, khi Chúa bảo: Tội của anh đã được tha”, có nghĩa là Ngài không làm điều gì phạm thượng. Trái lại, điều đó cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng Mêsia.

Ngày nay, chúng ta lại cũng bắt đầu nhận ra mấu chốt liên kết tật bệnh với các hành xử của chính mình. Mọi người đều thừa hiểu, rằng: giữa điều ta suy nghĩ với thái độ, hành vi, cảm xúc, vẫn có ảnh hưởng hỗ tương, đan kết vào với nhau. Nhiều bệnh chứng –đa phần về tâm linh, tâm thần- là hậu quả của những căng thẳng thần kinh. Hoặc, của những mất thăng bằng trong cán cân tương quan ta vẫn có với mọi người. Mất thăng bằng trong công ăn việc làm. Thiếu quân bình trong môi sinh.

Cũng thế, hành vi sai phạm còn là nguồn gốc gây nên những bất ưng trong cuộc sống. Sai phạm/tội lỗi, dù ẩn nấp dưới bất cứ hình thức nào, cũng gây tổn hại đến quan hệ ta vẫn có, với Chúa. Với Tình thương yêu. Với Sự Thật. Còn tổn hại cả những người chung quanh. Và chính mình. Nó gây chao đảo thế quân bình ở trong ta. Trong thần hồn. Trong cảm xúc, lẫn xác thân. Người phạm lỗi dứt khoát không thể nào là người lành lặn. Đó là người tham vọng. Giận hờn với ghét ghen. Từ đó, dẫn đến những ước ao lấn quyền, lấn cả tình thân thương vẫn có với mọi người.

Cụm từ “Chữa lành”, “Lành lặn”, “Trọn vẹn”, “Lành thánh” vẫn có chung một nguồn gốc. Con người trọn vẹn/lành lặn, là người có tất cả mọi thứ kết hợp hài hoà với Đức Chúa. Với tha nhân. Môi trường. Và, với chính mình.

Tuy nhiên, không phải mọi tật/bệnh đều nối kết với sai trái/lỗi phạm. Có khiếm khuyết bẩm sinh, không gắn liền với lối hành xử nào của ta hết. Cũng chẳng kéo theo một hình phạt nào hết. Người bại liệt trong trình thuật, là ví dụ cụ thể. Nhưng, như ta rõ: người mẹ lành lặn mà sử dụng rược bia, ma tuý, vv. . chắc chắn sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho phát triển bào thai, ở cung lòng. Con cái, sẽ gánh chịu hậu quả chỉ vì sơ xuất nhỏ của mẹ cha. Hậu quả ấy, không do lỗi phạm của các em. Không là hình phạt, gửi đến từ đâu đó. Nhưng, ông bà cha mẹ vẫn biết rõ sự thật, hơn hậu duệ.

Bài đọc 1, có lý khi đưa ra nhận định: “Chớ quan tâm về những việc của ngày trước”. Quả là sai lầm, nếu cứ coi tật/bệnh như hình phạt hoặc hậu quả của lỗi phạm thời xưa. Điều cần lo, là những sai trái hiện ta mắc phải. Các lỗi phạm, mà mình không quyết tâm. Hãy hối cải. Bởi, Đức Chúa không nhìn vào quá khứ, của riêng ai. Ngài quan tâm đến thân phận ta đang gặp, trong hiện tại. Ngài để tâm đến tình thân thương ta đang có với Ngài. Với mọi người.

Bài đọc 2, thánh Phaolô hối thúc cộng đoàn ở Côrintô nên háo hức nói lời “xin vâng” vô điều kiện với Chúa. Như Đức Giêsu vẫn nói với Cha. Bởi, qua Ngài, mọi lời hứa của Chúa với ta, đều mang tích tích cực, những cái “có”. Ngài không bao giờ giáng phạt, chỉ vì mình có sơ xuất/lỗi phạm. Các khổ đau do phạm lỗi, xuất tự chính lỗi phạm. Từ, các tương quan méo mó với Chúa. Với người anh em. Với chính mình. Thay vào đó, có lẽ nên nói tiếng “Amen” với Tình yêu Chúa đang đổ xuống trên ta.

Với ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi, ta có thể quay hướng nhìn về chính cuộc sống của mình. Nhìn, để thấy xem có sự hài hoà giữa thần hồn, tâm linh và xác thể. Với môi trường chung quanh. Lành thánh, không chỉ có nghĩa sốt sắng những đọc kinh, đạo hạnh là đủ. Mà chính là, lành thánh, là có cuộc sống lành lặn. Là, tình trạng trọn vẹn nguyên dạng gắn liền với cuộc sống. Vào quan hệ thân thương với mọi người.

Trong hân hoan duy trì quan hệ thân thương ấy, ta cứ lại hát lên lời ca đầy hưng phấn, mà rằng:

“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa

Một miền quê, một miền quê tim héo và khô

Lời tôi ca khâu vá tình thương

Lời hôm qua chắp nối Con Đường

Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn

Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.” (Phạm Duy – Tiếng Hát To)

Cứ hát đi. Hát mãi cho quan hệ thân thương ta vẫn có. Hát cho “lệ ấm nhiệm mầu thay phép lạ” hôm nay đã “làm vơi đi nỗi thống khổ” của nhiều người. Để, lời ta ca ”khâu vá tình thương”. Thương Chúa. Thương hết mọi người.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch


No comments: