Saturday 23 January 2010

“Tiếng hỏi tiếng chào, vang lối xóm”


Pháo từng chiếc một, đốt liền tay.
Mùa này quyết được, hơn mùa trước.
Cứ gọi tung trời, gậy lão bay ...

(thơ Lưu Trọng Lư)


Lc 4: 21-30


Nhà thơ khi xưa, nói chuyện sấm. Tiên tri hôm nay kể chuyện Đạo. Chuyện vui trong Đạo, nay thánh sử ghi nhiều tình tiết. Rất trình thuật.



Trình hay thuật, vẫn là giòng chảy tường trình, thuật điều Chúa nói, rất khi xưa. Ưa ứng nghiệm lời Kinh Thánh, ở Cựu Ước. Lời Cựu Ước tiên tri Isaya, nay thể hiện nơi chính Đức Giêsu. Đấng Mêsia người người đợi trông. Thể hiện, cả ở Vương quốc của Ngài, qua chữa lành. Hoà giải và hoá giải. Những là, giải thoát dân con của Ngài khỏi quyền uy của sự dữ/ác thần.



Từ đầu, dân con đã kinh ngạc về điều Đức Giêsu làm, nên mới hỏi: “Trẻ trai này há chẳng phải là con bác Giuse, thợ mộc sao?” Nghĩa là, con bác thợ mộc mà cũng thông hiểu mọi sự, ư? Họ trông đợi gì nơi Đức Giêsu, khi “thấy” được việc Ngài làm? Chúa đọc được ý nghĩ của họ, nên Ngài bảo: “Thầy lang ơi, hãy cứu lấy mình!” Điều này, không nên hiểu theo nghĩa: Chúa chữa được gì cho chính Ngài. Mà là, việc Chúa làm cho cộng đoàn Nadarét là điều dội vang ở Ca-pha-na-um và nơi khác, ở Ga-li-lê.



Kế đó, Chúa nói: “Không ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê mình.” (Lc 4: 24) Minh chứng điều này, Ngài đưa ra trường hợp ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, hai vị được nối kết với việc Đấng Mêsia sẽ đến. Ê-li-a được gửi đến, là để trợ giúp bà goá ở Xi-đôn, vùng ngoài Do thái. Trong cơn đói . Ở trong vùng. Nhưng, sao ngôn sứ lại chỉ đến với người ngoại? Người Do thái cũng chịu một số phận, như người ngoài, chứ?



Cũng thế, ở Do thái, nhiều người phung hủi vẫn chờ và mong, được chữa lành. Thế mà, Ê-li-sa lại được gửi đến với Na-a-man. Tướng Xy-ri. Kẻ địch thù, của Do thái. Chúa kể chuyện, xem ra có vẻ khiêu khích? Trả lời vấn nạn này, cũng nên xem Tin Mừng thánh Mác-cô, có đoạn viết:



1. Dân thành Nadarét biết gia đình Chúa quá rõ, nên không sẵn sàng đón nhận Ngài. Họ cũng chẳng đón nhận thông điệp về Con người. Về sứ vụ Ngài thực hiện. Đây là ví dụ điển hình nói lên chuyện “bụt nhà không thiêng”. Tức, người quen không dễ chấp nhận chuyện “Ngài không chỉ là như thế, nhưng còn hơn thế nữa”.


2. Ở Tin Mừng thánh Mác-cô: Đức Giêsu chỉ chữa lành một đôi chút. Bởi, dân con ở đây không tin vào Ngài. Họ cũng chẳng có niềm tin nào hết. Ở đoạn khác, Tin Mừng cũng cho thấy: quyền uy Chúa chỉ chữa lành những ai thực sự tin tưởng. Hết lòng tin tưởng Ngài, thôi:“Hãy ra đi. Niềm tin của con đã cứu/đã chữa con.” Lời Chúa không mang tính khiêu khích. Kích động. Mà lời Ngài, chỉ diễn tả những gì xảy ra, ngay khi đó. Điều xảy đến, là: chính con dân Nadarét đã từ khước. Bác bỏ Ngài.



Trước nhất, dân con trong làng, là những người có thể nói lên mình cũng lĩnh nhận cùng một ân sủng. Một cung cách suy tư. Quyền bính, giống như thế. Nhưng khi quyền uy sức mạnh và ơn cứu độ trao cho Ngài, thì lại khác. Nên, khi nghe Chúa nói về chuyện dân con khó chấp nhận “bụt nhà mình”, họ lại xử sự như người ghen tức. Chỉ muốn xua đuổi khỏi thôn làng, nơi họ sống.



Nhưng, thánh Mác-cô nói: Ngài ngang qua làn mù sương, bỏ họ lại, mà ra đi. Đi, là đi vào cuộc sống của chính họ. Đi, bằng những lời gây khiếp sợ. Bằng, khuyến khích một nguyện cầu. Cầu, cho sự việc gây khiếp kinh, mình gặp phải. Sự việc, thường xảy đến với ta, như:



-Chúa ra đi, đến thẳng với ta. Với mọi người,

-Ta vẫn không nhận ra, là: Ngài đang hiện diện, ở với mình. Ngài là người sống quanh ta.

-Cả ta nữa, đôi lúc cũng khước từ Ngài.


Vì thế, Ngài mới đi. Đi một mình, không có ta. Và, vấn đề là: Ngài không bỏ rơi ta. Nhưng ngược lại, chính ta chối bỏ Ngài. Dù vậy, Ngài vẫn không tạo sức ép, bắt ta chấp nhận Ngài. Là tín hữu, ta cũng nên sẵn sàng mà đối đầu với tình huống nghịch chống lối sống Phúc Âm. Sống nghịch chống, thấy rõ ở bài đọc 2 trong đoạn thư do thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Cô-rin-tô, về quà tặng của Thánh Linh, ta vẫn nhận. Đó là tình yêu. Là, quà quý giá. Ơn đặc sủng.



Quả thật, tình yêu là quà đặc sủng. Yêu, là biết nhận lĩnh ơn đặc sủng. Rồi, cho đi. Cho, hết mọi người. Người Hy Lạp xưa, có 3 cụm từ để diễn tả chữ “yêu”, là: eros, philia agapè. Nói tắt, eros, là tình yêu say mê, rất thể xác. Tình của người trẻ. Dễ vỡ tan. Philia, là tình bằng hữu. Rất cố hữu. Đậm sâu. Chân thật. Là, quan hệ hỗ tương giữa hai người. Tình, hàm ngụ sự mật thiết. Rất trinh trong. Là, tình yêu cao vời vợi. Nhưng, không là tất cả. Ở vợ chồng. Tình, của hai người. Mà thôi.



Agapè, là thứ tình mà thánh Phaolô muốn nói. Ở đây. Tình thân thương nhất loạt. Không điều kiện. Luôn mở ngỏ. Để, mọi người yêu thương nhau, không đòi đáp trả. Quay ngược lại. Là, Tình thương Chúa vẫn có. Với mọi người. Tình đặc thù, của những người đi theo Chúa. Thực tình mà đi theo. Tình vẫn có, trong tương quan với hết mọi người. Ở khắp nơi. Agape, là Tình mà người người trao cho nhau. Cho, cả những kẻ hãm hại mình.



Thánh Phaolô nói: không có agapè tình rất mến, thì quà tặng của Chúa Thánh Linh sẽ mất ý nghĩa: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của thần thiêng đi nữa, nếu không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ như thanh la phèng phèng. Giả như tôi nói tiên tri, biết hết mọi điều, có niềm tin chuyển núi dời non mà lại không có lòng mến, thì tôi cũng chẳng là gì hết…”(1Cr 13: 2-5)



Thêm nữa, các đặc thù của lòng mến agape, là sự nhẫn nhục. Hiền hậu. Không ghen tương. Vênh vang. Tự đắc. Không làm điều bất chính. Không tìm tư lợi. Nóng giận. Hận thù. Không mừng khi thấy gian ác. Nhưng vui, khi thấy điều chân thật. Agapè lòng mến, biết thứ tha tất cả. Tin tưởng tất cả. Hy vọng tất cả. Chịu đựng tất cả. Lòng mến không bao giờ mất đi. Vẫn kiên trì. Bền vững. Các ví dụ điển hình về lòng mến rất agape, ta đã thấy có ở Martin Luther King. Ở Mahatma Ghandi. Những vị, quyết triệt hạ bạo lực. Rất mực thách thức. Khẳng định phẩm cách của mọi người. Cả thù địch, lẫn người thân.



Tuy vậy, người có lòng mến, vẫn thấy đớn đau, đến với mình. Tại sao?


Đớn đau/âu sầu là kết quả của lỗi phạm. Của cuộc đời rất xung và rất khắc với tình thương. Với sự thật, Xung và khắc, sản sinh đớn đau thể xác. Sản và sinh nhiều cảm xúc lẫn tâm thần. Đớn đau/âu sầu đến từ quyết tâm thực hiện cung cách của sự thật. Của tự do. Lòng thương xót. Phúc Âm hôm nay, là ví dụ cụ thể về quyết tấm ấy. Giống Đức Giêsu, Đấng thương yêu trọn vẹn, hơn ai hết. Ngài vẫn bị dân con người đời khước từ, ghét bỏ. Rồi, huỷ diệt. Ngài chấp nhận đớn đau/âu sầu, để duy trì sự tốt lành và trọn vẹn, nơi ta.



Mâu thuẫn/đối chọi còn thấy nơi tình thương yêu/giùm giúp, hết mọi người. Giúp, không ý đồ. Thành kiến. Nhưng, vẫn bị khước từ. Ghét bỏ. Ghét và bỏ, từ các đấng bậc đạo đức như Pharisêu/Biệt Phái, nữa. Một kinh nghiệm xương máu được ngôn sứ Giêrêmia diễn tả ở bài đọc 1, khi trích dẫn Lời Chúa: “Ta đã thánh hoá ngươi. Đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân.” Và, Chúa nói:”Chính Ta đã làm cho ngươi nên thành trì kiên cố. Nên cột sắt tường đồng, chống cả xứ.” (Gê 1: 18) Chống lại khước từ và ghét bỏ, Ngài cam kết:“Ta sẽ ở với người để giải thoát.” (Gê 1: 19)



Đó là kinh nghiệm từng trải, mà các ngôn sứ truyền rao Lời Chúa đã và sẽ gặp. Luôn mãi. Mặt khác, thong điệp về Sự Thật và Lòng mến đã bị khước từ, cùng bác bỏ. Người công chính, vẫn bị bách hại. Lợi dụng. Nhưng, được Chúa bổ sức để đương đầu với mọi âu sầu. Đớn đau. Đó là quyết tâm của một Martin Luther King, đã lướt thắng. Thắng, khi ông ra khỏi nơi cầm tù. Đày đoạ. Dù vậy, khác với âu sầu/đớn đau do lỗi phạm tạo ra, vẫn còn đó niềm vui nho nhỏ. Vui tự tại. Vui an bình, Chúa phú ban.



Với quyết tâm thực hiện lòng mến rất agapè, ta cứ hân hoan, mà ca hát. Hát rằng:


“Đời phai mau, người ghen nhau,

Lòng vẫn cứ ngọt ngào,

Miệng ru nhau những ân tình sâu.” (Phạm Duy – Đừng xa nhau)


Vẫn ngọt ngào. Ru tình sâu, Dù, tình ấy có làm mình đớn đau. Âu sầu. Khóc hận. Vẫn nói với mọi người, Lời Chúa: “Không ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê mình”. Và ra đi, mà nhận lĩnh. Tình thương của Đức Chúa. Vẫn dành để, cho mọi người.



Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: