Saturday 30 January 2010

Trong phòng sách, dưới ánh đèn rạng rỡ,


Cụm hoa đào say bừng mới nở.
Như tiên nga vừa thức giấc thần tiên,
Hoa thẹn-thò dương mắt ngạc-nhiên,

(thơ Thế Lữ)

Lc 5: 1-11

Ngạc nhiên. Dương mắt. Hoa thẹn thò. Thẹn thò, là như tiên nga vừa tỉnh giấc nồng thần tiên. Ngoài cuộc. Kinh ngạc. Vểnh tai. Vẫn cứ thế, người trần thế hết từ kinh ngạc này đến sửng sốt nọ. Là, trạng huống của người nghe, khi Chúa nói. Ở trình thuật.


Trình thuật, thánh sử kể về 3 yếu tố trong đời sống người đi Đạo. Đó là: niềm tin, kinh nghiệm và tông đồ. Niềm tin ta gồm 2 yếu tố. Yếu tố đầu, thánh Phaolô đã diễn tả ở bài đọc 2. Ở bài này, thánh nhân tóm tắt sứ điệp mà con dân Đạo Chúa, vẫn thực hiện. Tin, là chấp nhận rằng sứ điệp Chúa gửi chính là sự thật. Đáng ta tin. Với nhà Đạo, niềm tin thường dừng lại, ở ngay đó. Nếu chấp nhận giáo huấn của Hội thánh, sao ta vẫn nghe người người kháo láo nhau: “Người này có lòng tin. Kẻ kia mất.”


Có một điều, là: nhiều người Công giáo cứ thích để giờ ra mà phân tích rất chi tiết, thế nào là chính thống. Thế nào không. Rồi từ đó, họ nghĩ rằng ai đi trệch khỏi niềm tin đích thực, sẽ bị lên án. Với người khác, niềm tin có thể làm ta đau đớn. Què quặt. Cố chấp.


Nhưng, cũng có lĩnh vực khác của niềm tin mà ta quên, hoặc không biết. Tin, là ý tưởng chủ chốt của Tin Mừng. Tiếng Hy lạp gọi là pistis, có nghĩa là: tin. Căn bản của niềm tin, lại là “hy vọng”. “Phó thác”. “Tin tưởng”. Tin vào Đức Giêsu, là đặt hết tin tưởng/phó thác, ở nơi Ngài. Vẫn có đôi chút khác biệt giữa câu nói “tôi tin anh/chị”, có nghĩa là: điều anh/chị nói, đều rất thực. Đáng để tâm. Đáng tin cậy. Trong khi đó, “tin vào anh/vào chị” lại có nghĩa: tôi sẵn sàng trao trọn con người tôi trong tay anh/tay chị. Hoặc, “Tôi tin điều anh/chị nói” và “tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh/chị”. Điều này lại mang ý nghĩa khác hẳn. Áp dụng, một cách rất khác.


Cả hai lãnh vực của niềm tin đều có nghĩa, nếu đề cập đến tín hữu Đức Kitô. Ý nghĩa sau, mới là thử thách đích thực. Tin đích thực, không chỉ là chấp nhận nội dung sứ điệp, Chúa đem đến. Nhưng, còn hàm ngụ phó thác trọn vẹn, trong tay Chúa. Để Ngài dẫn dắt, cách trọn vẹn. Như trò chơi theo nhóm. Chơi kiểu này, ta để cho bản thân mình rơi vào vòng tay người khác. Tin rằng, người ấy sẽ không để mình rơi/té xuống sàn. Không chỉ lời trấn an: “Tôi sẽ không để anh/chị ngã đâu”, là đủ. Nhưng, cần mọi người tham gia, đóng góp vào việc nâng đỡ, người ấy nữa.


Phúc Âm nay nói lên cũng một điều, giống như thế. Thánh Phêrô và bạn chài của thánh nhân, đều là những chuyên gia, ngành chài lưới. Sau một đêm mệt nhoài đánh lưới, chẳng được gì. Ấy thế mà, khi Chúa thôi giảng về sứ điệp của niềm tin, Ngài đã đề nghị ngay với dân chài các thánh, hãy “ra khơi”. Bủa lưới. Thoạt khi ấy, đã có yếu tố hoài nghi lọt vào đầu. Hoài nghi, về Lời của Chúa, nên thánh Phêrô mới nói: “thưa Thầy chúng tôi đây (dân chuyên nghiệp) đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Nhưng vâng lời Thầy (là Đấng nghiệp dư), chúng tôi sẽ ra đi mà thả lưới”. (Lc 5: 5)


Kết quả vượt quá sức tưởng tượng, của các thánh. “Các ngài đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá.” Đây là trắc nghiệm đầu tiên của niềm tin nơi Chúa. Nay, cũng vẫn là lời kêu gọi gửi đến với ta: “Hãy ra chỗ nước sâu, mà bắt cá….”. Có nghĩa là, cứ tin vào Tôi đi, các ông sẽ kinh ngạc, đến vui thích.” Quả thật, ta chẳng thể nào học đòi tin ai cho đến khi ta đạt lĩnh vực tin tưởng một cách vô điều kiện. Tin, vào Đường lối/cung cách Chúa làm. Tin, không chần chừ. Ái ngại. Không còn ngờ.


Đành rằng, kết quả vụ cá đã khá nhiều, là biểu tượng về những gì các thánh và những vị kế tục sẽ làm sau này, nhằm lôi kéo mọi người theo chân Chúa. Cứ tin và theo chân Chúa, chắc chắn mùa gặt nào cũng đạt kỷ lục. Thành tựu nào cũng đều tốt. Đó, là việc của Chúa. Việc của ta, chỉ là tin tưởng. Phó thác, mà thôi.


Yếu tố thứ hai của trình thuật hôm nay, là: kinh nghiệm. Kinh nghiệm nối kết niềm tin. Nhiều người được dạy: hãy chỉ giới hạn trong niềm tin Kitô giáo. Chỉ tin vào những gì được dạy. Ở nhà. Trong Hội thánh. Hoặc, ở trường thôi. Lịch sử từng chứng minh: có nhiều hiện tượng lạ kỳ nơi Đạo Chúa. Hiện tượng có được từ “kinh nghiệm”. Giám mục Ronald Knox, sau ngày trở về với Hội thánh, ông đã viết cuốn sách có tựa đề “Lòng phấn khởi”, để diễn tả tâm trạng của những người đã từng kinh nghiệm giữ Đạo. Nhưng, vẫn có cái nhìn vặn vẹo về sứ điệp của Đạo Chúa.


Ngày nay, khá nhiều người tự cho mình có ơn lạ về thị kiến. Ơn lạ, với sứ điệp đặc biệt Chúa phú ban. Được Đức Mẹ hiện ra, với riêng mình. Cùng lúc, nếu ta chỉ nhấn mạnh về một tín điều nào đó thôi, thì điều đó cũng không hẳn là tốt. Bởi, làm thế dễ biến Đạo Chúa thành một thứ tôn giáo bâng quơ. Không tình tiết. Một thứ lề luật. Hoặc, tôn giáo trừu tượng, theo nghĩa xấu. Xa vời tình thương, tương quan với Chúa. Với con người. Khác nào chuyện, ta quá đặt nặng chuyện linh mục mặc áo gì, mầu gì khi làm lễ. Trong khi đó, lại quên cảnh tình của người nghèo, đang chầu chực xin ăn xin, ở cửa nhà thờ.


Người Công giáo, trên hết và trước hết, là người có kinh nghiệm về Đức Chúa. Kinh nghiệm kiếm tìm tương quan mật thiết với Chúa, vào mọi lúc. Là, nhận ra rằng Ngài đang thử thách niềm tin ta có, để ta biết yêu thương, và xót xa. Là, thực hiện sự công chính. Sống tự do, mà giùm giúp. Tự do, trong hoà hoãn. Tự do, đối xử tử tế. Để chấp nhận. Chấp nhận kiếm tìm Ngài nơi mọi sự. Có như thế, ta mới sống đời an vui. An và vui, giữa mọi khổ đau. Sầu buồn. Bất ổn. Điều này còn quan trọng hơn là tìm cách giải thích nội dung ý nghĩa Chúa Ba Ngôi. Nội dung, tín điều Mẹ Vô Nhiễm. Có nhà văn Trung cổ nọ từng viết: “Tôi thích có kinh nghiệm sám hối hơn là tối ngày chỉ tìm định nghĩa ý tưởng đó, mà thôi.”


Chuyện thứ ba, là: “tông đồ”. Cụm từ này khác hẳn cụm từ “Làm thân đồ đệ Chúa”. Là đồ đệ, căn bản là trở thành người theo chân ai đó. Một vị thầy. Một cố vấn. Đồ đệ hay đệ tử, là người muốn học hỏi điều hay/lẽ phải, từ thầy mình. Học rồi áp dụng vào đời mình. Theo nghĩa này, thì mọi người chúng ta đều được gọi mời làm đồ đệ, của Đức Chúa.


Làm đồ đệ theo Chúa, không dừng lại ở đây mà còn đòi hỏi nhiều hơn nữa, như trong các bài đọc hôm nay. Đòi rằng, ta không chỉ nên theo chân Chúa. Biến Đường lối của Chúa, thành cung cách sống cho đời mình. Nhưng, còn truyền đạt sứ điệp của Chúa, đến với người khác.


Hơn nữa, đồ đệ có niềm tin phó thác, có kinh nghiệm còn là nhận biết thân phận của mình trong trình thuật hôm nay, khi thánh Phêrô sau lúc thất kinh về sự kiện đánh được cá/tôm nhiều đến rách lưới. Đã bị hớp hồn, về sự việc vừa xảy đến. Tức, thấy mình đang hiện diện trước sức mạnh/quyền uy của chính Chúa. Khi ấy, thánh nhân đã không còn ngạo mạn, cậy vào sức mình. Vào tài khéo léo của mình. Nhưng đã thấy mình thật nhỏ nhoi. Không là gì. Chẳng đáng kể.


Đó là lúc, thánh nhân thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con đây đầy lỗi phạm.” Quả thật, đây là dấu hiệu về kinh nghiệm ta có với Chúa. Ai từng giáp mặt Chúa, đều thấy mình chẳng là gì cả. Chỉ bé nhỏ. Xoàng xĩnh. Đó, là những điều ta thấy có ở cả ba bài đọc. Bài đọc 1, ngôn sứ Isaya nói: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một ngưòi môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi lại thấy được Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh.” (Is 6: 5) Bài đọc 2, thánh Phaolô cũng kêu lên: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ.” (1 Cr 15: 9)


Dù thế cả thánh Phêrô, Phaolô lẫn ngôn sứ Isaya, vẫn được Hội thánh coi là tông đồ của Chúa. Cụm từ “tông đồ” rõ ràng chỉ định người được uỷ thác và sai đi chuyển tải một sứ điệp. Chỉ định việc thực hiện sứ vụ Thầy giao phó. Cả ba vị, đều được mời. Được gọi. Mỗi vị mỗi cách. Mỗi vị đều nhận chân rằng mình không chỉ là “Tín hữu Đức Kitô” mà thôi, nhưng còn là đồ đệ. Người theo chân Thầy. Là, tông đồ rao giảng. Là, sứ giả. Rất trung kiên.


Làm thế, các ngài không chỉ nói lên bằng lời, từ môi miệng. Nhưng, là chứng nhân. Chính mình ra như thế. Đã làm thế. Đó còn là ý nghĩa câu nói từ miệng ngôn sứ Isaya: “Dạ con đây, xin hãy sai con đi!” Như thánh Phaolô cũng viết; “Tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác, nhưng không phải tôi, mà là Thiên Chúa, cùng với tôi.”(1Cr 15: 10). Và Chúa cũng nói với Phêrô: “Từ nay, anh sẽ là người thu phục, chài lưới người.” (Lc 5: 11)

Cuối cùng, niềm tin dẫn đến nhiều điều tốt đẹp, nếu ta phó thác trọn vẹn nơi Chúa. Chúa sẽ tạo cho ta kinh nghiệm có một không hai. Tạo niềm vui biết để Chúa hoạt động trong cuộc sống của chính ta. Đây là kinh nghiệm ta cần san sẻ. Bởi, không phải vì ta được bảo: hãy làm thế. Mà còn vì, ta không thể không làm như thế. Sứ vụ của đồ đệ đích thực, sẽ đưa ta đến với sứ vụ đích thực. Là kinh nghiệm mà thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan từng bỏ tất cả, để theo Chúa.

Trong tinh thần dấn bước theo Chúa như các thánh đã làm, ta hãy hát lên lời ca vui, mà rằng:


“Người đi, đi không thôi; ngày thế giới lên nguồn vui.

ngát như hương lúa mùa, sẽ lên đường trở về.” (Phạm Duy – Lữ Hành)

Cứ vui. Và cứ đi. Tự khắc sẽ có kinh nghiệm. Về niềm tin. Người đồ đệ, của Đức Chúa.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: